Mục lục
Tản Mạn Câu Chuyện Từ Chức Của Một Phó Thủ Tướng
Trần Văn Chánh
viet-studies
Trong các thể chế chính trị độc tài toàn trị, từ trước tới nay, tiêu biểu như ở Việt Nam và Trung Quốc, hầu như không có chuyện từ chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao cỡ thứ trưởng, bộ trưởng…. Mắc khuyết điểm hay phạm tội thì chỉ có bị xử lý nội bộ dưới hình thức khiển trách, phê bình, kỷ luật, hạ tầng công tác (từ thời sai lầm trong Cải cách ruộng đất giữa những năm 50 của thế kỷ trước đã vậy rồi), nặng lắm mới phải vào tù.
Nhưng thường thường cũng không phải tự nhiên người ta chủ động từ chức khi mắc lỗi vì lòng tự trọng hoặc để tỏ trách nhiệm trên thực tế và như một cách tử tế sòng phẳng nhất để tạ tội với dân; phải đợi đến khi chịu quá nhiều áp lực từ trong tổ chức cũng như từ phía dư luận quần chúng thì người ta mới đành lòng rời bỏ chức danh lãnh đạo trong sự luyến tiếc, mục đích là để tránh khỏi ra hầu tòa, nhưng thường họ cũng luôn khôn khéo thu xếp để được hạ cánh an toàn, đảm bảo hậu vận vẫn được giàu sang hơn rất nhiều người khác (nếu là quan chức tham nhũng bạo thì tài sản dùng tới ba bốn đời vẫn chưa hết).
Vì vậy khi nghe nói có một quan chức cấp cao nào sắp sửa từ chức, chỉ một số người dân có quan tâm chính sự mới chú ý theo dõi. Chứ còn đối với đại đa số nhân dân lao động chạy vạy vất vả để kiếm miếng ăn hàng ngày thì ai lên ai xuống cũng mặc, không coi là việc của họ, đơn giản chỉ vì những ông quan lớn đó không phải do họ chủ động bầu lên bằng lá phiếu bầu cử thật sự dân chủ. Tình hình này cũng chính là một trong những lý do quan trọng (chưa phải gốc) khiến cho bộ máy cầm quyền ngày càng trở nên yếu kém, thối nát và bất lực… vì nó cứ dung túng lâu dài những kẻ không chỉ bất tài vô dụng mà còn hại dân hại nước ở nhiều mức độ khác nhau.
Thật ra, như tôi nhiều lần đã viết, đại khái, trong một mô hình tổ chức quản lý xã hội không có dân chủ được thể hiện bằng phương thức phân quyền (để các nhánh quyền lực có thể kiềm chế lẫn nhau) và thiếu một hệ thống thống tư pháp độc lập có hiệu lực, hiến pháp trên thực tế bấy giờ chỉ còn là một tờ giấy lộn không được thực thi, hoặc chỉ được thực thi kèm theo “luật ngầm”. Trong tình huống này, tất cả các nhà lãnh đạo đều tỏ ra bất lực như nhau, trên bảo dưới không nghe, bắt buộc họ phải dùng nhiều uyển ngữ để lừa mị dân chúng, và khi xảy ra những chuyện đổ bể (lớn như vụ Việt Á, việc giải cứu công dân nước ngoài của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cùng vài bộ liên quan…) thì không có ai là người chịu trách nhiệm cụ thể cả. Số người bị tù tội nếu có thì phần nhiều lại thuộc các cấp từ trung gian trở xuống bị đẩy ra làm dê tế thần. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa giải thích tại sao trong các thể chế độc tài toàn trị thiếu dân chủ thường người ta đổ lỗi cho nhau và không có tập quán văn hóa từ chức, để cho những kẻ bất tài thiếu đức cơ hội chủ nghĩa tha hồ tiếp tục thao túng kéo dài. Và người CS, giả định vẫn còn tốt bụng thiết tha phục vụ nhân dân theo lý tưởng ban đầu, trong một tình thế luẩn quẩn không có lối ra như vậy, sẽ tạo ra những hiệu ứng ngược, vô tình trở thành những kẻ vừa là tội đồ vừa là nạn nhân của cái thể chế chính trị do chính họ lập ra với đầy đủ loại tổ chức ngang dọc trên dưới và giấy tờ hợp pháp.
Nhưng rồi lần lần người ta cũng tiến bộ nhận ra vấn đề, nên bắt đầu có những câu nói xuất ra từ cửa miệng của vài nhà lãnh đạo cấp rất cao, như “Ai không muốn làm hoặc làm không được việc thì đứng sang một bên”… Câu này khi mới nghe qua ai cũng tưởng là câu nói hay có tính đột phá, tuy nhiên nghĩ kỹ, người phát ra loại câu như vậy chẳng qua chỉ là một lối quỷ biện: họ chỉ nhìn xuống cấp dưới mà nói, chứ không bao giờ chịu khách quan xét lại bản thân mình. Họ cũng quên đi nguyên tắc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, các cấp dưới đều do họ bổ nhiệm theo lối “quy hoạch, cơ cấu” (tự cho là rất công bằng khách quan khoa học), và chức càng lớn thì trách nhiệm phải càng cao! Nói theo nghĩa này thì cấp dưới có lỗi chính là cấp trên cũng có lỗi, phải có trách nhiệm liên đới…
Thời gian mấy ngày gần đây cộng đồng mạng rộ lên một thông tin mà mức độ chính xác có thể cao (nói “có thể” thôi, vì tin đồn, tin giả về chính sự, nhất là về nhân sự, bây giờ lung tung lắm, nhiều khi không biết đâu mà lần). Đó là câu chuyện một ông phó thủ tướng (PTT) đang định từ chức với điều kiện (do ông tự đề nghi là) đừng đưa ông ra truy tố liên quan tới trách nhiệm phòng chống Đại dịch Covid-19 và một số vụ lem nhem khác do nhiều thành phần quản lý hành chính cấp dưới gây ra mà ông là một trong vài nhân vật đứng đầu quan trọng nhất với tư cách PTT và có lúc phụ trách Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống Đại dịch Covid-19.
Dường như để dọn đường cho chuyện từ chức của cán bộ lãnh đạo các cấp, trước đó không lâu người ta đã đưa ra Thông báo Số 20-TB/TW (ngày 8.9.2022), trong có nội dung ghi ở Điều 2: “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”. Khách quan mà nói, Thông báo số 20 cũng có thể hiện phần nào nỗ lực cải cách về mặt tổ chức nhân sự của hệ thống chính trị, nhưng kết quả có tốt đẹp thật hay không còn phải chờ thực tế trả lời, bởi vì việc từ chức của người này rất có thể là cơ hội tốt cho người khác nhảy vào lấp trống chức vụ, trong điều kiện các phần tử cơ hội chủ nghĩa tham chức tham quyền và tham tiền hiện nay đang hiện diện rất đông, đã biểu hiện bằng một bầy sâu tham nhũng ăn không chừa một thứ gì.
Việc thứ hai liên quan đến ông PTT kể trên lại là một việc hoàn toàn khác. Đó là vào ngày 6.12.2022 mới đây, tại Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông đã chân thật phát biểu ý kiến: “Tôi đã có dịp gặp rất nhiều chuyên gia nước ngoài và họ rất đồng tình với quan điểm phát triển của Việt Nam. Chúng ta không cần quá giàu, chỉ cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn, có nhiều tình yêu thương, giữa con người với thiên nhiên”; “Có người cũng chia sẻ với tôi: Tôi đến từ các nước phát triển mạnh nhất nhưng nếu bây giờ được phép quay trở lại như Việt Nam, tôi sẽ đi theo định hướng này“.
Nghe được như trên, cá nhân tôi rất lấy làm ngạc nhiên và thích thú vì hai lẽ: (1) Ông PTT đã dám phát biểu ý kiến thật lòng như điều ông nghĩ, khác xa với đa số những đồng chí của ông phần nhiều nếu không nói dối cho an toàn chức vụ thì cũng chỉ đưa ra những câu chỉ đạo chung chung sáo rỗng, hết sức giáo điều, trong đó người chỉ đạo thường chỉ nói theo thói quen bằng lưỡi kiểu cách của cán bộ tuyên giáo chứ không bằng cái đầu độc lập suy nghĩ; (2) Lần đầu tiên nghe một cán bộ lãnh đạo cấp cao đề cập một vấn đề cấp thiết quan trọng, phát triển phải nghĩ tới yếu tố thăng bằng, bền vững: không cần quá giàu, chỉ cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn, có nhiều tình yêu thương, giữa con người với thiên nhiên… Tính ra đây cũng thuộc đạo trung dung rất khôn ngoan của người xưa, không thái quá cũng không bất cập, trong khi ngược lại, phần lớn mọi người đều nhắm mắt chạy theo “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” một cách vô tội vạ, bất chấp việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và xã hội, dẫn đến tình trạng tôn thờ chủ nghĩa vật chất, rồi thông qua nền kinh tế thị trường gắn đuôi xã hội chủ nghĩa lại biến tướng thành một thứ chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt, làm cho văn hóa-đạo đức của dân tộc Việt xuống cấp đến mức thê thảm như chưa bao giờ có trong lịch sử!
Chỉ tiếc, khi ông PTT nói sang cái vế tiếp theo “…nhưng nếu bây giờ được phép quay trở lại như Việt Nam…, tôi sẽ đi theo định hướng này”, thì dường như có cái gì sai sai, thậm chí hơi có vẻ nói vuốt theo chủ trương chính thống một cách không đúng sự thật, bởi Việt Nam đã không có cái gọi “định hướng này”, mà lại đang rõ ràng chạy theo chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt rất sai lạc, chứ có phải đâu chủ trương “không cần quá giàu, chỉ cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn, có nhiều tình yêu thương…”!.
Nhưng dù sao, ý kiến phát biểu như trên của ông PTT về cơ bản cũng có chỗ độc đáo đáng phải ca ngợi, đáng ghi một điểm son khả dĩ bù gỡ lại được phần nào cho những chỗ dở khác của ông.
Điều ngạc nhiên tiếp theo là không ngờ, thay vì được ủng hộ thì mới phải, trên cộng đồng mạng không ít dư luận lại gióng lên tiếng nói phản biện chống lại ông, thậm chí có người còn độc miệng cho ông có biểu hiện mê sảng của một người mắc bệnh tâm thần, hoặc mắng oan do sắp mất chức nên ông mới ra nông nỗi vậy, thì đúng là họ đã không thấy được mặt tích cực trong nội dung phát biểu rất hay của ông mà lại còn như vô tình thấy người đang suy đảo ném thêm luôn cục đá cho ngã gục (lạc tỉnh hạ thạch)!
Trong một bộ máy công quyền thối nát người ta phần nhiều nói dối mà ông PTT lại thật thà nói ra đúng điều mình nghĩ thì dễ bị mắng oan thôi. Hóa ra, ông ba nhiệm kỳ giữ chức đã biết khôn khéo lắm mà có lúc chưa khôn hẳn (hiểu chữ “khôn” theo nghĩa xấu), nhưng chính chỗ dại này cho thấy ông vẫn còn giữ được chút lương tâm trong sáng trong đám đa số lộn xộn. Cái chút lương tâm này có lẽ vẫn còn ở số ít quan chức trong giới cầm quyền CS, chỉ vì hoàn cảnh họ phải tạm thời ngậm miệng, và cũng là lý do để hạng dân dã bên ngoài còn giữ được chút niềm hi vọng khi nghĩ đến tương lai của đất nước dân tộc.
Nhưng ai nói sao nói, riêng cá nhân tôi, rất chia sẻ với ông PTT về quan điểm phát triển đất nước. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã viết hàng chục bài có nội dung nêu quan điểm tương tự, sau tập hợp thành quyển sách (Khủng hoảng môi trường, có phải nguy cơ hết thuốc chữa?, NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2020), trong có cả một phần dài “Vạch triết lý định hướng cho vấn đề phát triển quốc gia”, với nhiều đoạn viết, đại khái như: “Phải tùy vào hoàn cảnh cụ thể riêng biệt của đất nước mà tạo lập một nền kinh tế thích hợp cho chính nước mình, chứ không nên bắt chước chạy theo các nước Âu Mỹ hay nước láng giềng Trung Quốc… Điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhân sinh quan, xét lại quan niệm về hạnh phúc, định lại các giá trị và mục tiêu…, vì không có gì sai lầm cho bằng chỉ lấy mức thu nhập để đo trình độ văn minh và hạnh phúc của một dân tộc. Những điều này đòi hỏi các nhà chức trách trước hết phải có tư tưởng độc lập, chứ không chỉ những kỹ năng về hoạt động chính trị” (tr. 214). Hoặc: “Ngày nay, tạm thời bỏ qua những phần tử lạm dụng xà xẻo đất nước, trong vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, vì mong muốn bứt phá tình trạng nghèo nàn lạc hậu mà không ít người có thiện chí trong chúng ta cũng thường quen tìm đến những giải pháp dễ dãi bằng những công thức có sẵn và được nghe nói, nhất là có khuynh hướng hô hào chạy theo những nước tiên tiến trong một tâm thái luôn luôn sợ bị tụt hậu, mà không chịu nghĩ mình làm như thế là nhằm đạt tới những mục tiêu gì xứng đáng, cho ai, có bảo đảm mang lại sự bình yên hạnh phúc cho đại đa số quần chúng hay không. Hơn thế nữa, trong điều kiện của quốc nạn tham nhũng và nhân tâm ly tán như hiện tại, mọi sự phát triển thiếu chuẩn bị về nền tảng con người thường chỉ có thể dẫn tới khả năng băng hoại ngày càng trầm trọng hơn, và trở thành cái cớ cho một số kẻ gian tham lợi dụng” (tr. 229). Hoặc (nói gần giống ý ông PTT): “Thiết tưởng nên đặt ra những chỉ tiêu phát triên chậm vừa phải. “thà ít mà tốt”, và phải hướng mục tiêu phát triển vào việc phục vụ cho phúc lợi của quảng đại quần chúng” (tr. 240)…
Tất nhiên, cũng giống trường hợp ông PTT, ý kiến của tôi đến nay vẫn còn bị liệt vào hàng thiểu số.
Viết đến đây, nếu dừng lại, sẽ rất dễ bị người đời quy chụp cho cái thói xấu nói dựa người sang, hoặc “khen phò mã tốt áo”. Thật ra, từ lâu tôi đã nhận thấy ở ông PTT này bên cạnh mặt tốt còn có một số điều không ổn. Nói chung, trong điều kiện thể chế xã hội độc tài toàn trị, do đủ thứ ràng buộc khắt khe, lên được tới chức PTT thì không thể là một người trung thực hoàn toàn; nếu trung thực không biết luồn lách khéo (khác với luồn lách thô thiển và dùng thủ đoạn trắng trợn), dù có mong được chức chủ tịch phường người ta cũng không bổ nhiệm. Nản nhất là trong lần phát biểu bế mạc cái gọi là “Hội nghị văn hoá toàn quốc” cuối tháng 11.2021, có mặt đầy đủ bá quan văn võ, với hàng chục bản tham luận hội nghị phần nhiều tào lao, ông PTT này nói tới đâu cũng chêm trước vào một câu, “Như đồng chí… đã nói”, lặp đi lặp lại đến 5-7 lần, như một cách để đảm bảo lời nói của mình không bị cấp trên chẻ sợi tóc làm tư phê phán.
Lâu nay, giữ chức PTT đến 3 kỳ Đại hội (XI, XII và XIII), người dân nhận thấy ông PTT chẳng làm nên được trò trống gì cho ra hồn: thay mặt Chính phủ phụ trách cả ba mặt giáo dục, y tế và xã hội nhưng cả ba mặt này đều ngày càng xuống cấp thấy rõ. Chưa kể việc chỉ đạo phòng chống Đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái, áp dụng phương châm “thần tốc xét nghiệm diện rộng” để hàng triệu dân lao động phải lũ lượt bỏ chạy về quê trốn dịch trốn đói và để xảy ra vụ đại án tham nhũng Việt Á vượt ra ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Khi đó ông đã cùng với xếp lớn cấp trên ông cứ lăng xăng như con gà mắc đẻ, đầy kịch tính, chỉ đạo không đâu vào đâu. Cũng may, Đại dịch dừng lại kịp lúc, chứ nếu tiếp tục bùng phát thì Tây, Tàu gì cũng thua, bởi vì virus SARS-Covi 2 lần đầu tiên xuất hiện trên địa cầu với tùm lum biến chủng, không ai biết rõ một cách thật chắc chắn về nó cả. Cho nên, nói đi rồi cũng phải nói lại cho công bằng khách quan, trong cơ chế hoạt động bất hợp lý của hệ thống chính trị hiện hữu, “tội này tội cả triều đình” chứ không nên chỉ gán một mình cho ông PTT phụ trách. Còn ông có thật tội hay không, phạm tội gì tới đâu, thì người dân bên ngoài cũng chưa nghe được những thông tin công khai chính thức của báo chí chính thống về kết quả điều tra, vì nhà cầm quyền CS luôn tìm cách giấu giếm sự thật, thành ra dân chúng chỉ biết đồn đoán lơ mơ rồi bình luận nọ kia thêm vào, phải đợi số xổ ra rồi mới biết. Đây cũng là một trong những mối tệ cơ bản của các chế độ độc tài toàn trị hiện đang còn tồn tại trên thế giới.
Ông PTT đang có tin đồn sắp phải từ chức lâu nay được biết là một nhân vật có nền học vấn tốt, thuộc loại quý hiếm trong tổ chức cầm quyền, ăn nói giỏi, ít máu phe đảng, có tiếng khá tốt về đạo đức, cơ bản được cảm tình của đa số dân chúng. Tuy nhiên, nếu ông thật sự là một người trí thức trung thực chân chính thì phải biết câu “Nước vô đạo mà giàu và sang là điều đáng hổ thẹn” (Bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã). Hơn nữa còn phải đủ tầm trí tuệ để nhận ra: trong điều kiện một thể chế độc tài toàn trị, một người dù tài giỏi thiện chí đến đâu cũng sẽ bị vô hiệu hóa trở thành vô dụng. Người ta có thể chê một ông bộ trưởng X nào đó kém cỏi, nhưng nếu thay ông X bằng ông Y, ông Z…, kết quả cũng chỉ là một. Suy nghĩ theo hướng này, tôi đang lo cho ông bộ trưởng Bộ Giáo dục hiện tại, người này nói năng thẳng thắn dám nhìn nhận nhiều sự thật phũ phàng của ngành mình phụ trách, nhưng khả năng có thể ông vẫn không thể chuyển hóa được tình trạng giáo dục ngày càng xuống cấp tệ hại, không khác gì tất cả các vị đồng chức vụ tiền bối của ông (tính từ 1954 đến nay). Một kinh nghiệm xương máu mà trước đây gần 20 năm, ông bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình đã ngậm ngùi phát biểu lớn lên giữa phiên họp Quốc hội ngày 15.6.2006 trước khi ông này bị bắt buộc phải từ chức: “Cơ chế hiện nay phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì bộ trưởng nào ngồi vào đây cũng sẽ mắc khuyết điểm. Tôi từ chức rồi, nhưng các đồng chí sau tôi chắc chắn cũng khó vượt qua” (dẫn lại theo tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 191, tháng 9.2006).
Nếu ông PTT đang còn phân vân trong chuyện từ chức hay cố tranh đấu thêm để được ở lại đợt này, thì xin vô lễ nhắc ông một cái ý người ta thường dùng để khuyến cáo cho các phần tử trí thức: “Thức thời vụ giả vi hào kiệt” (Kẻ nhận thức rõ thời vụ là hào kiệt). Và còn thêm câu nói này nữa của người xưa đã viết trong một cuốn sách cổ dành để dạy cho trẻ con tiểu học thời trước, ý rất sâu sắc, trúng vào hoàn cảnh cá nhân của ông bây giờ: “Khứ thời chung tu khứ, tái tam lưu bất trụ” (Đến lúc đi thì phải đi thôi; chần chừ ở lại cũng không được đâu – Tăng quảng hiền văn, câu 143), như thế gọi là nắm bắt được chữ thời vĩ đại của người quân tử.
Tạng người như ông PTT, tuổi đã gần 60, từng thâm nhập hiểu rõ nhiều chuyện xấu xa nội bộ, có lẽ lắm khi ông cũng đã nghĩ như cụ Nguyễn Công Trứ, “Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt/ Trót đem thân thế hẹn tang bồng”, và cứ “rắp” mãi mà chưa mạnh dạn thực hiện ý định quy ẩn, chắc chắn còn vì nhiều lý do phụ thuộc phức tạp khác. Nhưng chúng ta đang sống vào thời “tiểu nhân đương đạo” (bọn tiểu nhân cầm quyền), không khéo chỉ mang tiếng không xứng chức mà chẳng làm nên được việc gì giúp ích cho dân cho nước. Với tài năng học vấn và uy tín tạo được bấy lâu nay hơn hẳn nhiều kẻ đồng liêu, nếu còn đủ tâm huyết và tấm nghị lực kiên cường, ông PTT nên theo gương nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài, khi không còn giữ chức, họ thường lui về chăm lo việc xã hội, trứ thư lập ngôn, dạy học đào tạo thế hệ trẻ, tập trung cho công cuộc bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu, thuộc một trong những vấn đề sống chết của thời hiện đại mà ở Việt Nam người dân còn khá lơ là. Trong điều kiện phát triển đặc thù của dân ta nước ta, hãy cố gắng làm như điều ông phát biểu, coi là lý tưởng cho trọn khoảng đời còn lại: “Chúng ta không cần quá giàu, chỉ cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn, có nhiều tình yêu thương, giữa con người với thiên nhiên”.
15.12.2022
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 15-12-22
Nhận định về phát ngôn của Phó TT Vũ Đức Đam: “Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu…!”
Theo lời ông Đam, các chuyên gia nước ngoài rất đồng tình với định hướng là Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn, hạnh phúc và có nhiều tình yêu thương giữa con người.
Một người dân Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói về thực tế hiện nay:
“Làm gì có hạnh phúc, người dân một số ít nào đó giàu có nhưng cũng không hạnh phúc được, vì bây giờ thực phẩm bẩn, thậm chí người giàu cũng không biết ung thư chết lúc nào, tai nạn giao thông xảy ra lúc nào. Đó là người giàu, chưa nói người nghèo chạy ăn từng bữa khổ te tua.”
Cũng hôm 6/12, dù nói Việt Nam không cần giàu, nhưng ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi nói về y tế cho rằng, quan trọng là tỉ lệ bác sĩ chứ không phải là tỉ lệ giường bệnh. Bên cạnh đó, tỉ lệ về điều dưỡng cũng rất quan trọng. Thế giới có một bác sĩ thì có 3 – 4 điều dưỡng viên, còn ở Việt Nam chỉ có 1,5 người. Ông Đam nói: “nguyên nhân căn bản nhất là do chúng ta nghèo” và mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 các nước phát triển, 1/10 các nước đang phát triển, trung bình cao như Việt Nam.
Trả lời RFA từ Việt Nam hôm 7/12, chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết ý kiến:
“Việt Nam cũng như mọi nước không nên sống trong thế giới nghèo, phải phát triển như thế nào để dân giàu nước mạnh, chứ không thể nào chấp nhận một đất nước nghèo nàn được. Trong khi mình trở thành một nước mạnh, người dân sẽ giàu cùng, chứ không có vấn đề quá giàu hoặc một thành phần quá nghèo so với thành phần khác. Vì vậy cái chữ “giàu” là cần phải có, càng đồng đều càng tốt.”
Tuy rằng theo ông Thành, vẫn sẽ có một thành phần tích tụ tiền để kinh doanh, nhưng nói chung ông Thành cho rằng Việt Nam không thể nào chấp nhận một nước nghèo được. Liên quan ý kiến cho rằng Việt Nam nên giữ mức nghèo để được ưu đãi, ông Thành nói:
“Không thể nào chấp nhận một quốc gia nghèo, để đi xin ưu đãi. Những vấn đề giúp đỡ của nước ngoài là bất đắc dĩ, trong tình trạng nào đó mình cần có sự giúp đỡ của bạn bè nước ngoài, nhưng đó là trong thời kỳ mình đang gặp khó khăn. Mình phải vươn lên để mình tự túc, vươn lên để mình có thể giúp cho những nước khác nữa, chứ không phải nghèo để mà đi tiếp nhận giúp đỡ của nước ngoài.”
Việt Nam cũng như mọi nước không nên sống trong thế giới nghèo, phải phát triển như thế nào để dân giàu nước mạnh, chứ không thể nào chấp nhận một đất nước nghèo nàn được.
-Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành
Trở lại với phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 7/12 cho rằng, khi một quan chức cầm đầu Chính phủ Việt Nam nhắn nhủ rằng Việt Nam không thể nghèo và không cần quá giàu thì nó xác nhận một điều rằng Việt Nam hiện đang rất nghèo và Chính phủ này đang thất bại trong việc tạo ra một đất nước giàu mạnh. Ông Vũ nói tiếp:
“Trở thành một quốc gia văn minh, giàu mạnh, hùng cường, và nơi mà người dân sống hạnh phúc là ước mơ của tất cả người dân Việt Nam, và cả những người dân của thế giới. Đó là lý do mà người Việt ngày nay vẫn tìm cách di cư ra các nước phát triển, giàu mạnh, để tìm kiếm cơ hội; thậm chí nhiều người tìm mọi cách ra đi bất chấp nhiều rủi ro.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một quốc gia giàu chưa chắc làm cho tất cả mọi người dân đều hạnh phúc. Nhưng, một quốc gia nghèo sẽ làm cho hầu như tất cả mọi người dân mất hạnh phúc. Nhiệm vụ của một người lãnh đạo quốc gia do đó phải là làm cho quốc gia giàu mạnh, hùng cường. Ông Vũ nói tiếp về hiện trạng Việt Nam:
“Việt Nam hiện nay vẫn là một quốc gia rất nghèo theo tiêu chuẩn của thế giới. Người dân ở các vùng xa đang thiếu đói những ngày giáp Tết. Trẻ em không được đến trường. Trường học tạm bợ. Giáo dục không đạt chất lượng. Thiếu giáo sư có trình độ. Công nhân lương không đủ sống, thất nghiệp tràn lan. Bệnh viện không đủ giường. Thiếu thuốc men. Thiếu bác sỹ. Trình độ khoa học kỹ thuật không có. Lao động không có tay nghề. Doanh nghiệp thiếu công nghệ. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào gia công. Ngân sách nghèo nàn. Đường xá, cầu cống, hệ thống hạ tầng…đều cần phải cải thiện rất nhiều để đạt tới mức trung bình của thế giới hầu đáp ứng nhu cầu cơ bản của Việt Nam.”
Ông Vũ cho rằng, việc mà chính quyền cộng sản Việt Nam cần làm hiện thời đó là phải nhanh chóng đẩy mạnh sự phát triển của quốc gia để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân, trước khi thuyết phục người dân Việt Nam rằng họ không cần quá giàu. Và bởi rằng nhu cầu của con người là vô hạn. Không ai có thể biết được liệu rằng một quốc gia giàu bao nhiêu thì đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, nhiệm vụ của những người cầm quyền do đó phải luôn đưa đất nước tiến lên. Không chỉ tiến lên khi so với mình, mà còn là tiến lên khi so với các nước trên thế giới. Bởi sự giàu mạnh nó sẽ đảm bảo quốc gia được trang bị tốt hơn, để đảm bảo an ninh quốc phòng, và để đảm bảo mức sống chung của người dân không ngừng được thăng tiến trên mặt bằng chung của thế giới.
Trở thành một quốc gia văn minh, giàu mạnh, hùng cường, và nơi mà người dân sống hạnh phúc là ước mơ của tất cả người dân Việt Nam. Đó là lý do mà người Việt ngày nay vẫn tìm cách di cư ra các nước phát triển, giàu mạnh, để tìm kiếm cơ hội; thậm chí nhiều người tìm mọi cách ra đi bất chấp nhiều rủi ro.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Dưới một góc nhìn khác, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định với RFA hôm 7/12:
“Trước đây ông Nguyễn Minh Triết tại Cuba cũng tuyên bố được người ta ví von “Việt Nam Cuba như trời đất sinh ra, một anh ở đằng Đông một anh ở đằng Tây, thay phiên nhau ngủ nghỉ để canh giữ hòa bình thế giới”… Giờ tới ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nói có chuyên gia nước ngoài nói với ổng rằng đồng tình cách Việt Nam phát triển không thể nghèo, cũng không cần quá giàu, chỉ cần vừa đủ miễn sao sống có tình yêu thương con người.v.v… Tôi cho rằng các quan chức cấp cao của Việt Nam họ chọn cách nói vo tròn, mơ hồ như vậy bởi vì họ không tự tin, họ nói là những điều mà chính thâm tâm của họ cũng không tin.”
Bởi lẽ theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nếu thật sự có người nào nói như vậy sao ông Đam không chịu nói một cái tên cụ thể để tỏ ra khách quan. Điều này cho thấy quan chức VN không ý thức được việc họ tuyên bố như vậy sẽ làm cho danh dự phẩm giá của họ càng thêm mất đi và người dân càng thêm chê cười… Ông nói tiếp:
“Thứ hai với tư cách là Phó Thủ tướng như ông Đam thì chỉ cần nói nhà nước khuyến khích làm giàu, càng giàu càng tốt. Bởi vì cái đó là chủ trương của đảng CSVN bấy lâu nay là ‘Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’… thì cứ việc làm càng giàu càng tốt, miễn sao không phạm pháp là đủ. Nhưng tại sao không đem từ ‘phạm pháp’ ‘tham nhũng’? Bởi vì vừa rồi, ông Phan Đình Trạc trưởng ban nội chính trung ương cũng đã tuyên bố: “Những người tham nhũng toàn những người giàu”. Quả thật vậy, trong xã hội VN hiện nay chỉ có tham nhũng mới giàu có, càng giàu có thì càng tham nhũng… đó là một thực tại không thể chối cãi trong xã hội VN ngày nay.”
Thứ ba theo ông Già, vì vừa rồi trợ lý của ông Đam là ông Nguyễn Văn Trịnh bị bắt vì liên quan công ty Việt Á… nên ông Đam muốn dùng diễn đàn này để chuyển một thông điệp ngầm tới lãnh đạo cấp cao trong bộ chính trị là ‘không có liên quan gì’. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:
“Thứ tư là cái cách phát biểu của ông Đam đúng ra mang tính chất buổi nói chuyện trong gia đình khuyên nhủ lẫn nhau về đạo đức. Còn đằng này ông ta nói khi đang truyền đạt Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia. Nên cách nói của ông Đam thể hiện thêm một sự bất an trong lòng ông ta, trên mạng xã hội kể từ lúc ông ta phát ngôn đã đầy dãy những đàm tiếu.”
Nói tóm lại, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cách phát ngôn của ông Đam nói riêng và kể cả những nhân vật cấp cao và cấp cao nhất trong nội bộ Chính quyền Việt Nam không bao giờ đạt được tính chất chuyên nghiệp của một chính trị gia cần có.
SÀI GÒN NHỎ
Nhân vật trong năm 2022: Trùm cuối!Kim Ngữ & Y Nguyên
Năm 2022 là một năm hết sức kỳ lạ. Người dân chứng kiến nhiều cuộc bắt bớ hỗn loạn trong nội bộ chính quyền cộng sản mà những lời thuyết minh cho các sự kiện đều hết sức mơ hồ. Trong tất cả vụ việc, điều đáng chú ý nhất là sự ẩn hiện bóng dáng của (những) nhân vật “trùm cuối”… “Trùm cuối”, một “danh xưng” mới ám chỉ kẻ ngồi trong bóng tối chỉ đạo cấp dưới âm thầm làm việc, loại công việc chỉ thực hiện dưới gầm bàn, sau bình phong hay những cú phone bí mật nhưng tiền kiếm được dĩ nhiên không hề ít. Trùm cuối hẳn là những kẻ uy quyền, có thể chỉ dưới một người nhưng trên 90 triệu người. Trùm cuối như ma quỷ chập chờn. Khuôn mặt trùm cuối ẩn hiện và dù không ai có khả năng xác quyết trùm cuối là ai sau các đại án tham nhũng nhưng người ta vẫn thấy chắc chắn có một hoặc vài tay trùm cuối – loại đầu sỏ thật sự. Mới đây, ngày 24 Tháng Mười Một, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nhận 30 tháng tù treo vì tội làm thiệt hại cho nhà nước $3.84 triệu. Câu chuyện thu hút quan tâm, nhưng khi đề cập tội danh, công an chỉ nói đến việc đương sự “thiếu ý thức trong nghiệm thu quyết toán, kiểm tra, rà soát hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho nhà nước”. Câu hỏi để lại là số thiệt hại đó có truy thu được không? Mọi thứ vẫn cho thấy tất cả là những câu chuyện điển hình của Việt Nam thời đại hôm nay, với bí ẩn bao trùm, và không bao giờ có sự thật nào hoàn toàn được phanh phui đến tận cùng. Khi vụ Việt Á chính thức bị điều tra, hai nhân vật cao cấp ngay lập tức vác chiếu vào nhà giam đếm kiến. Đó là Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long – đều là ủy viên trung ương đảng. Với những kẻ chấp nhận ngồi sới bạc, khi tham gia dự án nào đó để kiếm lại tiền “bù lỗ” cho chiếc ghế của mình thì dù có ăn bao nhiêu, họ cũng khó bị phát hiện, nhất là những kẻ có vai vế cực lớn như Chu Ngọc Anh. Trong vụ Việt Á, khoảng 90 người đã bị khởi tố; trong đó có tám quan chức Bộ Y tế, Bộ Khoa Học và Công Nghệ; cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ cơ quan kiểm soát dịch bệnh CDC, sở y tế tại 64 tỉnh thành khắp cả nước. Bộ Công an Việt Nam xác định, sau 17 tháng chỉ bán kit test Covid-19, Việt Á đã bỏ túi gần 4,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng trùm cuối thật sự đằng sau đại án Việt Á vẫn chưa bị sờ gáy hoặc không thể bị sờ gáy. Mới đây, ngày 30 Tháng Mười Một, Bộ Công an Việt Nam lại bắt thêm Nguyễn Văn Trịnh, phụ tá Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Cơ quan điều tra xác định Trịnh đã lợi dụng vị trí công tác để can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm Covid-19 trái quy định pháp luật, giúp Công ty Việt Á phân phối sản phẩm xét nghiệm tại các địa phương với giá mắc hơn bình thường. Nguyễn Văn Trịnh được bổ nhiệm làm Trợ lý cho Vũ Đức Đam từ Tháng Mười Hai 2018. Hà Nội hiện nay có bốn phó thủ tướng, và ông Đam đứng đầu Ban phòng chống Covid-19. Ông Đam có phải là trùm cuối vụ Việt Á hay không thì chỉ có mấy ông trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nắm rõ. Mà nào đâu phải chỉ có một Vũ Đức Đam! Một Phó Thủ tướng Thường trực khác là Phạm Bình Minh cũng có trợ lý bị bắt do dính líu đại án tham nhũng có tên “chuyến bay giải cứu”. Nguyễn Quang Linh bị bắt hầu như áp chót sau khi công an khởi tố hơn 30 người trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và bốn viên chức Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Số tiền tham ô cũng khít khao với vụ Việt Á: 4 ngàn tỉ đồng! Trợ lý Phó Thủ tướng không là một chức vụ nhỏ. Chỉ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội mới có trợ lý; và do đó chức vụ trợ lý không phải để soạn văn thư hay làm những việc lặt vặt. Vai trò một trợ lý bao gồm cả việc tham mưu, thay mặt, và có thể giải quyết hầu như toàn bộ chỉ thị được đưa xuống từ người mà ông ta làm trợ lý. Vậy, với việc bắt hai trợ lý của hai Phó Thủ tướng trong hai vụ án, liệu có thể nói ngắn gọn rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, trùm cuối của hai đại án “Việt Á” và “chuyến bay giải cứu” là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh? Không chỉ vụ Việt Á hay “chuyến bay giải cứu”, còn là những vụ bắt bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, người mà hầu như ai cũng biết là cánh tay phải một thời của tên đầu sỏ Lê Thanh Hải, kẻ từng ngồi ghế Bí thư TP.HCM một thời khuynh đảo Sài Gòn. Lê Thanh Hải đích thị là tên trùm cuối gây ra không biết bao nhiêu vụ cướp đất tàn bạo và ác độc trên đất Sài Gòn. Tuy nhiên, như tất cả đại án tương tự trên một đất nước được cai trị bởi bộ máy chuyên chế độc tài độc đảng, trùm cuối Lê Thanh Hải chưa lần nào được gọi tên. Việt Nam vẫn như bức màn đen, phủ kín những bí mật; cho dù bao nhiêu mạng người đã mất. Tất cả đã và đang được che kín, để đảm bảo cho sự tồn vong của đảng cộng sản cầm quyền. Đám trùm cuối vẫn còn nhung nhúc sau những tấm màn. Bóng đen bí ẩn nào đang phải chịu trách nhiệm cho những mất mát, nỗi đau của người Việt? Bóng đen bí ẩn nào đang cầm nắm sinh mệnh Việt Nam như một thứ quyền lợi và được quyền giấu mặt? Năm 2022 đang dần đóng lại với những câu hỏi về những kẻ giấu mặt đầy tội ác với đồng bào. |