Mục lục
Tự do tôn giáo ở Việt Nam sẽ “khách quan” khi… sửa luật
Đệ nhị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 15-12 khi được hỏi về việc gần đây Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo đã khẳng định: “Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là thiếu khách quan”.
Trước đó, trong một thông cáo vào ngày 2-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố quyết định đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về quyền tự do tôn giáo.
“Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này được quy định rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Yếu tố được gọi là “những đánh giá thiếu khách quan” mà Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đưa ra, cho thấy chỉ có thể giải quyết tận gốc khi pháp luật về tôn giáo được sửa đổi, bởi “khách quan” theo cách nhìn phổ quát chung của thế giới về tôn giáo khác với “khách quan” trong khuôn khổ “giới hạn định hướng” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Dẫn chứng mang tính đơn cử.
Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, một mặt nhìn nhận, “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức” (Điều 2.5); thế nhưng sau đó lại buộc phải đăng ký hoạt động như một tổ chức hội đoàn nếu người dân muốn được bày tỏ các nghi thức của tôn giáo mà họ đã lựa chọn.
“Điều 18. Điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi;
- Có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật;
- Tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc;
- Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
- Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở;
- Nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này”.
Điều 5 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo có nội dung như sau:
“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
- Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
- Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
- a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
- b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
- c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
- d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
- Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.
Trở lại với nội dung của Điều 18, Luật tín ngưỡng, tôn giáo nêu trên, cho thấy về nguyên tắc thì các yêu cầu sau đây của luật đang gây khó cho tôn giáo: đó là điều 18.3, vì đơn giản tên gọi của tôn giáo là có từ trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vậy thì trên cơ sở nào để xét “trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo”, khiến những tín đồ cùng niềm tin tôn giáo không thể hoàn tất phần thủ tục hành chính theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo?
Tổ chức mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là một ví dụ.
Năm 1981, đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là hợp nhất của 9 tổ chức: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo hội Thiên thai giáo Quán Tông; Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam Bộ; Hội Phật học Nam Việt.
Tuy nhiên một số thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất không chấp nhận tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và bị chính phủ ép giải tán nhưng không qua văn bản chính thức của chính phủ.
Ngày 24 tháng 2 năm 1982, UBND TP.HCM ra Quyết định trục xuất hai hoà thượng Thích Huyền Quang, và Thích Quảng Độ về quản chế tại quê quán Quảng Ngãi và Thái Bình, không qua sự xét xử của toà án. Ngày 7-7 cùng năm, chùa Ấn Quang là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bị cưỡng chiếm. Toàn bộ tư liệu, hồ sơ của Viện Hoá Đạo bị đốt sạch trong năm ngày mới hết. Mất trụ sở và nhân sự nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tạm gián đoạn hoạt động.
Thăng trầm thế sự, đến khi có Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời, với những quy định như trích dẫn ở trên đã khiến những nhà tu hành, chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tiếp tục được đặt ngoài vòng pháp luật.
Tương tự tình cảnh như trên còn đang xảy ra với những tôn giáo nội sinh ở miền Nam Việt Nam như Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa,…
Như vậy nhận định Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, đó là góc nhìn khách quan từ Luật tín ngưỡng, tôn giáo chứ không hề liên quan yếu tố thù địch gì ở đây.
Ngọc Lan
VNTB (16.12.2022)
Chính quyền Đà Nẵng chặn một nhóm sinh hoạt theo Hội Thánh Đức Chúa Trời
Hội thánh Đức Chúa Trời Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum
Một nhóm gồm 16 người tham gia sinh hoạt “Hội Thánh Đức Chúa Trời” vào ngày 3/12 bị lực lượng chức năng Quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng giải tán, buộc cam kết không được sinh hoạt và truyền giảng về giáo phái này.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 15/12 và cho biết biện pháp vừa nêu và nhờ việc làm đó Đội An ninh và Công an Phường Hòa Hải thuộc Công an quận Ngũ Hành Sơn vào ngày 15/12 được Ủy Ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng thưởng “nóng”.
Tin cho biết nhóm 16 người tập trung tại một ngôi nhà ở tổ 33, Phường Hòa Hải vào ngày 3/12 để nghe và xem clip chiếu với nội dung liên quan Hội Thánh Đức Chúa Trời. Lực lượng chức năng đột kích vào buộc họ phải chấm dứt cuộc sinh hoạt và cam kết không được tái diễn.
Lực lượng chức năng nói đã tịch thu một laptop, tám quyển kinh thánh, ba cuốn sổ ghi chép liên quan và một số vật dụng khác phục vụ buổi sinh hoạt.
Lý do được nêu ra vì việc tổ chức truyền giảng về Hội thánh Đức Chúa Trời là trái phép.
Từ tháng tư năm 2018, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã có yêu cầu các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần lưu tâm đến hoạt động của tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời”, hay còn được gọi là “Đức Chúa Trời mẹ” xuất hiện ở Việt Nam.
Hội thánh Đức Chúa Trời có nguồn gốc từ tỉnh Kyunggi của Hàn Quốc do ông Ahn Sahng-hong sáng lập từ năm 1964. Đến năm 1985 thì được lan truyền rộng rãi với tên World Mission Society Church of God. Theo thông tin trên website chính thức của hội, đến nay, Hội Thánh Đức Chúa Trời đã xuất hiện tại 175 quốc gia, với khoảng hơn 2 triệu tín đồ.
RFA (15.12.2022)
Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam: Tin Lành, Cao Đài, Thiền Am
NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAT NGUYEN Chụp lại hình ảnh, Ông Lê Tùng Vân cùng một số thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ
Như BBC News Tiếng Việt đã đưa tin, ngày 2/12, Mỹ đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ (Special Watch List) về vấn đề tự do tôn giáo, cùng với Algeria, Cộng hòa Trung Phi, và Comoros.
Đây là mức độ nghiêm trọng thứ hai sau ‘Danh sách Quan ngại Đặc biệt’ (Countries of Particular Concern).
BBC News Tiếng Việt gần đây cũng có trò chuyện về quyết định này với ba người từ ba tôn giáo khác nhau ở Việt Nam: mục sư Nguyễn Mạnh Hùng của đạo Tin Lành, chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai của đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926, và bà Tanya Nguyễn-Đỗ, đại diện cho Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (thường biết đến với tên gọi trước đây là Tịnh Thất Bồng Lai).
Việc Việt Nam bị đưa vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, hiện cư ngụ ở Sài Gòn, nói với BBC Việt ngữ ngày 7/12.
“Là một chức sắc Tin lành, tôi rất vui mừng khi nghe tin và hy vọng lần này Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo sẽ kèm theo các chế tài cứng rắn hơn để nhà cầm quyền Việt Nam phải cải thiện về quyền tự do tôn giáo của công dân.”
Chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai, hiện ở Vĩnh Long, nói ngày 14/12 “tiếng nói của các nạn nhân ở nhiều diễn đàn quốc tế đã góp phần không nhỏ cho quyết định này của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, điển hình như mới đây tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế ở thủ đô Hoa Kỳ hồi cuối tháng Sáu vừa qua”.
“Tiếp đó là Hội nghị Tôn giáo và Niềm tin khu vực Đông Nam Á lần tám tại Bali, Indonesia vào đầu tháng 11 và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo đã trình bày vấn nạn đàn áp tôn giáo cho các giới chức liên quan đến tự do tôn giáo quốc tế.”
Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới Khoản 1, Điều 6 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo về “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người”: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.”
Mục sư nói “Cụm từ “quyền tự do” được hiểu là quyền đương nhiên, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào, không phải đăng ký, không phải xin phép.
“Tuy nhiên khi áp dụng luật vào cuộc sống, nhà cầm quyền Việt Nam không vận dụng luật, mà vận dụng các văn bản dưới luật suy diễn theo ý chí của họ, buộc các tổ chức tôn giáo phải xin phép, chỉ được hoạt động trong khuôn khổ họ cho phép và chịu sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, là cánh tay nối dài của đảng cộng sản.”
Bà Nguyễn Xuân Mai nói: “Vấn đề chính về tôn giáo ở Việt Nam là chính phủ Việt Nam chỉ công nhận những tôn giáo nào đăng ký sinh hoạt tôn giáo, tức là cấp pháp nhân cho tôn giáo đó. Còn những tôn giáo không đăng ký sinh hoạt tôn giáo thì không được tự do sinh hoạt tôn giáo của mình.”
“Ví dụ như Cao Đài 1926, mỗi lần chúng tôi đi thờ phượng cúng bái Đức Thượng Đế hoặc hành lễ cầu siêu đều bị chính quyền địa phương kết hợp với Cao Đài 1997 sách nhiễu, đàn áp và đánh đập, ngăn cản không cho hành lễ.”
Cao Đài Chơn Truyền 1926
NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN KHÁNH Chụp lại hình ảnh, Bà Nguyễn Xuân Mai và các tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 làm lễ
Theo bà Nguyễn Xuân Mai, “Đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 là do Đức Thượng Đế khai mở tại miền đông Việt Nam, tức tại Tây Ninh, Việt Nam. Để phổ độ chúng sanh vào thời kỳ thứ 3 nên gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với thông điệp là “Công Bình và Bát Ái”.
“Nhưng hiện nay, chính quyền Việt Nam đã dựng lên một đạo Cao Đài giả, tức là Cao Đài 1997 đang dùng quyền lực chiếm giữ cơ ngơi của đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 là Tòa Thánh Tây Ninh và 300 thánh thất các địa phương tại ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam và đã được nhà nước công nhận là một chi phái Cao Đài.”
Bà cho biết: “Từ năm 1978 đến nay, đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 không được nhà nước công nhận vì không được đăng ký sinh hoạt tự do tôn giáo và tín đồ Cao Đài mỗi khi đi hành lễ đều bị chính quyền và công an địa phương phối hợp cùng chi phái 1997 ngăn cản, sách nhiễu, đàn áp, không cho thờ cúng.”
“Điển hình như tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 mỗi lần sinh hoạt tôn giáo đều bị ngăn cản và đánh đập và Chức việc Bàn trị sự địa phương lúc nào cũng bị công an địa phương đến nhà hằng ngày để sách nhiễu, không cho lao động sinh hoạt tôn giáo.”
“Thứ hai là ở Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, công an liên tục gửi thư mời, hù dọa và bắt ép tín đồ phải theo chi phái 1997, không cho tự do thờ cúng tại tư gia.”
Thiền Am (hay Tịnh Thất Bồng Lai)
Trả lời BBC Việt ngữ ngày 11/12, bà Tanya Nguyễn-Đỗ, hiện sống tại Florida, Hoa Kỳ nói mình dạy tiếng Anh và giúp Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ dịch một số đoạn phim ngắn sang tiếng Anh.
Tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á (The Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, viết tắt SEAFORB) tại Bali, bà là người đại diện cho Thiền Am, thường được biết đến với tên gọi trước đây là Tịnh Thất Bồng Lai.
Bà trích lời một luật sư giấu tên của Thiền Am: “Thiền Am thờ Phật, nhưng họ không nhận là Phật giáo theo nghĩa là thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Họ thực hành theo giáo lý và triết lý của Đạo Phật theo cách riêng của họ, nhưng chưa có tên gọi riêng.”
Bà Tanya Nguyễn-Đỗ cũng nói: “Quê hương của cụ Lê Tùng Vân là Tân Châu-An Giang, cũng là trái tim của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, một trong những phái của nhân gian Phật Giáo.”
Ông Lê Tùng Vân từng là Tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương.
Quan trọng hơn, Thiền Am là một gia đình tu tại gia, không tự xưng là chùa, và ông Lê Tùng Vân dùng danh xưng “Thầy ông nội”.
Theo bà, chỉ vì Thiền Am từ chối gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, họ bị truyền thông tấn công và cáo buộc loạn luân dù điều đó chưa được chứng minh, và ông Lê Tùng Vân bị án tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Bà nói thêm “Tôi cũng rất lo lắng về tâm lý đường dài của mười trẻ em vô tội”.
Hội thánh Chuồng Bò
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, hiện quản nhiệm Hội thánh Tin Lành ở Bình Tân, nói: “Vào thập niên 90 thế kỷ trước, Mục sư Dương Kim Khải lập ra hội thánh Tin lành độc lập nhóm tại gia có khoảng 100 tín đồ tại phường 26, quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Sau đó được Giáo hội Mennonite hỗ trợ mở 5 lớp học tình thương từ lớp 1 đến lớp 5 cho khoảng 100 trẻ em nghèo khó không có điều kiện đến trường nhà nước học.”
“Việc làm này không được nhà nước chấp nhận nên điểm nhóm bị cưỡng chế giải tỏa mà không bồi thường hỗ trợ, không bố trí tái định cư. Từ đó hội thánh không có nơi để nhóm lại thờ phượng Chúa.”
Tuy nhiên, mục sư giải thích, hội thánh không thuộc Giáo hội Mennonite.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Tạ ơn Chúa đã cảm động một người ngoại đạo có chuồng nuôi bò sữa ở phường 28, quận Bình Thạnh bán đàn bò, cho hội thánh mượn cái chuồng bò để làm nơi nhóm lại thờ Phượng Chúa. Từ đó, hội thánh có tên gọi là Hội thánh Chuồng Bò.”
Theo lời kể của mục sư, mỗi Chủ nhật “hội thánh thờ phượng Chúa bên trong thì bên ngoài có gần chục an ninh mặc thường phục canh gác và theo dõi” và bị chính quyền sở tại gây áp lực, không thể tiếp tục mượn chuồng bò.
Hội thánh tiếp tục bị khó khăn khi thuê nhà ở nhiều nơi khác, sau đó chuyển đến một địa chỉ ở Bình Tân thì “chủ nhà là một tín đồ của hội thánh họ mới để cho chúng tôi thờ phượng Chúa, nhưng hàng tuần vẫn có an ninh theo dõi bên ngoài.”
Báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam
Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2021 về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đoạn:
“Một số nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt người đại diện các nhóm không yêu cầu hoặc không nhận được sự công nhận hoặc chứng nhận đăng ký chính thức, đã báo cáo nhiều hình thức sách nhiễu khác nhau từ nhà nước, bao gồm hành hung, giam giữ, truy tố, giám sát, và từ chối hoặc không phản hồi với yêu cầu đăng ký hoặc các quyền khác.
“Một số tổ chức xã hội dân sự cho biết đã có những đàn áp nghiêm trọng với thành viên các nhóm chưa đăng ký, đặc biệt ở Tây Nguyên. Các nhà hoạt động vì tự do tôn giáo cho biết chính quyền địa phương phê duyệt các đơn đăng ký dựa theo quan điểm chính trị nhiều hơn giáo lý tôn giáo.”
Ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là thiếu khách quan.
“Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này được quy định rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.”
Hải Di Nguyễn
BBC News Tiếng Việt (15.12.2022)
Việt Nam lên tiếng về việc bị Mỹ đưa vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo
Tù nhân tôn giáo Phan Văn Thu qua đời trong trại giam vào ngày 20/11/2022.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/12 lên tiếng nói việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) là “thiếu khách quan” và dựa trên những thông tin không chính xác.
“Việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 15/12.
Bà Hằng lặp lại “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”.
Trước đó, trong một thông cáo báo chí vào ngày 2/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố danh sách các quốc gia bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt về quyền tự do tôn giáo, trong đó có Việt Nam, “vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.
Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ cũng ghi nhận chính quyền Việt Nam đã sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.
Nhiều vụ bắt giữ, xét xử những người liên quan đến việc thực hành tôn giáo ở Việt Nam trong năm qua đã thu hút nhiều chú ý như vụ Tịnh Thất Bồng Lai, vụ ông Phan Văn Thu – tù nhân tôn giáo, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo – qua đời trong trại giam vì gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, hay vụ linh mục Trần Ngọc Thanh bị sát hại ở Kon Tum…
“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, phó phát ngôn viên Việt Nam nói tại buổi họp báo ngày 15/12.
Trước đó, từ năm 2005-2006, Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách CPC, nhưng đến 2007 Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách này vì cam kết cải thiện chính sách về tôn giáo.
VOA (15.12.2022)
Tiếp tục một năm u ám, CPJ nói ’21 nhà báo đang bị bỏ tù’ tại Việt Nam
Số lượng nhà báo bị bỏ tù trên toàn cầu lập ‘mức kỷ lục’ mới, theo báo cáo thường niên do Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) công bố vào hôm nay 14/12.
Báo cáo về số nhà báo bị tù giam năm 2022 của CPJ, một tổ chức độc lập và phi lợi nhuận đóng tại Hoa Kỳ cho thấy:
“Năm 2022, cũng đánh dấu với sự xung đột và đàn áp, các lãnh đạo ở những thể chế chuyên chế thì tăng cường hình sự hóa việc đưa tin độc lập.”
‘Kỷ lục mới’
Theo báo cáo, tính đến ngày 01/12, đã có 363 nhà báo bị bắt giữ trên toàn cầu, con số cao nhất trong lịch sử 30 năm thực hiện báo cáo của CPJ.
Trước đó, báo cáo năm 2021 của CPJ cho thấy số nhà báo, phóng viên trên toàn cầu bị bỏ tù tăng cao, với tổng số 293 người bị giam giữ.
Số lượng nhà báo bị bắt giam tăng hơn 20% so với năm 2021.
Iran là quốc gia có số nhà báo bị giam giữ đông nhất với 62 người, xếp hạng tiếp theo là Trung cộng (43 người), Myanmar (42 người) và Thổ Nhĩ Kỳ (40 người), Belarus (26 người), Ai Cập (21 người), Việt Nam (21 người).
Tại châu Á, số lượng nhà báo bị kết tội ‘chống nhà nước’ chiếm tỷ lệ cao nhất. Số liệu tại Trung cộng được cho có thể không đầy đủ vì sự kiểm duyệt chặt chẽ của quốc gia này.
Theo CPJ, điều này cho thấy một cột mốc tăm tối khác trong bức tranh truyền thông toàn cầu “đang đi xuống”.
’21 nhà báo bị bỏ tù’
Theo CPJ, tính đến ngày 01/12, Việt Nam đang giam giữ 21 nhà báo
Năm nay, Việt Nam xếp vị thứ sáu trong số các nước có số lượng nhà báo bị bỏ tù nhiều nhất.
“Sự áp bức truyền thông tại Trung cộng, Myanmar và Việt Nam đã khiến châu Á trở thành nơi có số lượng nhà báo bị bỏ tù cao nhất, với tổng cộng 119 người”, CPJ đề cập.
Tính đến ngày 01/12/2022, Việt Nam đang giam giữ 21 nhà báo, theo CPJ.
“Với 21 nhà báo bị tù giam, Việt Nam cho thấy rất ít sự chấp nhận đối với nền báo chí độc lập, đưa ra những bản án nặng nề cho những người bị kết tội chống phá nước”, báo cáo nêu rõ.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang chịu mức án tù chín năm tù giam với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cùng các nhà báo khác và blogger đã được đề cập trong báo cáo của CPJ.
Nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị chuyển từ Hà Nội sang một trại giam ở An Phước, Bình Dương.
“Đây là một chiến thuật phổ biến để ngăn chặn việc thăm tù thường xuyên”, CPJ nhận định.
Hồi tháng 7, nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang được CPJ công bố trao tặng Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022, cùng với ba nhà báo khác từ Cuba, Iraq, và Ukaine. Lễ trao giải đã diễn ra vào ngày 14/11 vừa qua tại New York.
Trong thông cáo về giải thưởng, Chủ tịch của CPJ Jodie Ginsberg nói, “Những người được trao giải của chúng tôi đại diện cho phần tốt nhất của báo chí: một công việc vạch rõ những tác động từ chiến tranh, tham nhũng, lạm dụng quyền lực trong mọi mặt đời sống thường ngày.”
CPJ đồng thời nhắc lại hồi tháng Mười, Việt Nam đã kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với nhà báo Lê Mạnh Hà, còn tháng 8, Việt Nam cũng bỏ tù blogger Lê Anh Hùng 5 năm tù vì “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”.
‘Vẫn ảm đạm’
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Báo cáo CPJ nêu “Năm 2022, cũng đánh dấu với sự xung đột và đàn áp, các lãnh đạo ở những thể chế chuyên chế thì tăng cường hình sự hóa việc đưa tin độc lập.”
Vào tháng 11, nhận định về viễn cảnh báo chí sắp tới ở Việt Nam, Kian Vesteinsson, nhà nghiên cứu cấp cao từ tổ chức Freedom House nói với BBC:
“Bức tranh về tự do biểu đạt và tự do báo chí tại Việt Nam là ảm đạm.
“Trong năm qua, chính phủ Việt Nam đã xóa thông tin trên mạng với tốc độ đáng báo động, bỏ tù nhà báo và blogger trong thời gian lâu. Vấn đề kiểm duyệt chỉ có thể tồi tệ hơn mà thôi.”
Để có nền dân chủ tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson từ tổ chức Freedom House đề cập đến hai yếu tố là truyền thông độc lập và xã hội dân sự.
“Một điều quan trọng là các chính phủ dân chủ trên thế giới phải tăng cường cuộc chiến cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam.”
“Một lộ trình chính là hỗ trợ nền truyền thông độc lập tại Việt Nam và xã hội dân sự thông qua tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Ví dụ, các chính phủ có thể cung cấp công nghệ giúp người dân Việt Nam thoát khỏi việc kiểm duyệt và giúp họ an toàn không bị theo dõi.”
“Các nhà làm luật nên cần ủng hộ việc thả tự do vô điều kiện nhiều người đã bị tù giam không công bằng vì biểu đạt trên mạng tại Việt Nam, như Nguyễn Văn Hóa và Phạm Đoan Trang.”
Ngày 11/10, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với 145 phiếu ủng hộ. Nói với BBC hồi tháng 11, Beh Lih Yi, Điều phối viên Chương trình châu Á từ Committee to Protect Journalists (CPJ) cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam sẽ bị giám sát chặt chẽ.
“Việt Nam chắc chắn có thể cải thiện hồ sơ tự do báo chí trong ngắn hạn nếu có ý chí làm điều này. Việt Nam đang là một nền kinh tế trỗi dậy tại châu Á và hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, điều này có nghĩa hồ sơ về nhân quyền, bao gồm việc đối xử với các nhà báo sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn.”
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Để có nền dân chủ tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson từ tổ chức Freedom House đề cập đến hai yếu tố là truyền thông độc lập và xã hội dân sự
Báo cáo ‘Tình trạng Dân chủ Toàn cầu năm 2022’ được Viện International Institute for Democracy and Electoral Assistance (International IDEA) công bố cuối tháng 11 cho thâay1 trong khu vực Đông Nam Á, thì Campuchia, Lào và Việt Nam “vẫn gắn chặt với chủ nghĩa chuyên chế mà không thấy dấu hiệu thay đổi nào”.
Trong các nhóm nước, thì IDEA xếp Việt Nam nằm ở nhóm nước theo chế độ chuyên chế (authoritarian regime), theo báo cáo:
“Việt Nam, giống Trung cộng và Singapore đã thành công trong việc mang lại sự thịnh vượng kinh tế mà không trao quyền dân chủ, mang lại cho thể chế cộng sản một vỏ ngoài về tính chính danh trước quần chúng.”
“Ở Trung cộng và Việt Nam, người dân có thể cảm thấy tiến trình dân chủ hiện là không khả thi hoặc quá nhiều rủi ro.”
BBC (14.12.2022)
Chưa bao giờ có nhiều nhà báo bị giam giữ như năm 2022, ở Trung cộng, ở Việt Nam…
Tin của tổ chức “Phóng Viên Không Biên Giới” về nhà báo bị cầm tù ở các chế độ độc tài Trung cộng, Việt Nam, Iran…năm 2022.
Theo bản thống kê năm 2022 của tổ chức “Phóng Viên Không Biên Giới” (Reporter ohne Grenzen/ Reporters sans frontières) chưa bao giờ có nhiều nhà báo bị giam giữ như năm 2022. Tính đến ngày 1/12/2022, ít nhất có 533 nhà báo trên toàn thế giới đã bị bỏ tù. Hơn một nửa trong số đó đang bị giam giữ tại Trung cộng, Myanmar, Iran, Việt Nam và Belarus. So với năm 2021, con số này đã tăng 13%. Trung cộng đạt kỷ lục bắt cầm tù nhà báo nhiều nhất với 110 ký giả bị giam giữ. Tại Miến Điện (Myanmar) có 62 và Việt Nam có 39 nhà báo bị bỏ tù, ở Việt Nam con số này tăng gấp đôi so với 5 năm về trước.
Số nhà báo phái nữ bị kết án tù cũng tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2022. Có it nhất 78 nhà báo nữ hiện đang ngồi tù (19 ở Trung cộng, 18 ở Iran, 10 ở Myanmar, 9 ở Belarus).
Hai trường hợp nhà báo nữ bị bỏ tù nổi bật là bà Zhang Zhan (Trung cộng) và bà Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù vào ngày 14 tháng 12 năm 2021 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” (https://taz.de/Pressefreiheit-in-Vietnam/!5822416/).
Tại Iran hai nhà báo bà Nilufar Hamedi (ký giả nhật báo Shargh) và bà Elahe Mohammadi (nhật báo Hammihan) bị bắt giữa tháng 9 năm 2022 và bị buộc tội “âm mưu chống lại an ninh quốc gia”.
N.Hamedi (phải) và E.Mohammadi (trái)
Zhang Zhan
Pham Doan Trang
Các bạn rành Đức ngữ đọc thêm chi tiết trong bài báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của ký giả Matthias Hannemann ra ngày hôm nay:
Bilanz der Pressefreiheit : 533 Journalisten in Haft, 57 getötet
Von Michael Hanfeld (FAZ, 14.12.2022)
Sống trong tình trạng “vô quốc tịch, vô tổ quốc” ngay trên đất nước mình
Câu chuyện của cộng đồng người Hmong theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên
Vô quốc tịch, vô tổ quốc ngay trên đất nước mình? Có bao giờ bạn nghĩ lại có những chuyện như vậy? Ấy vậy mà nó lại xảy ra, với nhiều cộng đồng thuộc các sắc dân bản địa ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chỉ vì một lý do: niềm tin tôn giáo, trong đó có cộng đồng người H’mong theo đạo Tin Lành.
Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam coi sự phát triển của đạo Tin lành trong cộng đồng người H’mong ở vùng núi Tây Bắc là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia. Chính quyền nhiều tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã có chính sách không khoan nhượng đối với đạo Thiên Chúa và đã áp dụng rất nhiều cách khác nhau để sách nhiễu, đàn áp, buộc người dân phải từ bỏ niềm tin, kể cả đuổi khỏi làng hay bắt bỏ tù. Chính vì vậy, từ nhiều năm trước, hàng chục nghìn người H’mong theo đạo Tin Lành đã đi về phía nam và tái định cư ở khu vực Tây Nguyên với hy vọng thoát khỏi cuộc đàn áp khắc nghiệt.
Cách huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng từ vài cây số cho tới hàng chục cây số có nhiều người H’mong tới tái định cư như vậy, từ khoảng năm 2000–2001, họ sống thành những khu được đặt tên là Tiểu khu 178, 179, 181, Tiểu khu Tây Sơn…Mỗi tiểu khu có khoảng dưới 100 cho tới 120 hộ gia đình, xấp xỉ 700–800 người. Chính quyền địa phương hoàn toàn bỏ rơi những cộng đồng này, làm như thể họ không tồn tại.
Việc từ chối hộ khẩu và giấy tờ tùy thân đã được chính quyền một số tỉnh ở Việt Nam sử dụng như một biện pháp trừng phạt đối với các thành viên của các tôn giáo không được công nhận hoặc các nhà thờ bị cấm. Trong hai thập kỷ, người H’mong ở các tiểu khu này không được đăng ký hộ khẩu, và do đó, không thể có được thẻ căn cước, là bằng chứng chính về quốc tịch Việt Nam; nói cách khác, họ là những người “vô quốc tich, vô tổ quốc” trên chính đất nước của mình và bị từ chối những quyền cơ bản nhất của công dân, không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Họ sẽ không được cấp quyền sử dụng đất và không thể sở hữu tài sản, mở tài khoản ngân hàng, có việc làm chính thức hoặc xin giấy phép kinh doanh. Các cặp vợ chồng không có giấy tờ sẽ không được cấp giấy chứng nhận kết hôn và con cái của họ có thể không có giấy khai sinh, hoặc chỉ được khai sinh theo họ mẹ. Thông thường, con cái của họ sẽ bị từ chối giáo dục chính thức. Trong hầu hết các trường hợp, một người không quốc tịch thậm chí không thể nộp đơn kiện để yêu cầu bồi thường tư pháp do thiếu giấy tờ tùy thân. Các hoạt động di chuyển, đi lại từ nơi này sang nơi kia cũng bị hạn chế nghiêm trọng.
Báo cáo của tổ chức BPSOS (một tổ chức hoạt động nhân quyền phi lợi nhuận của người Việt có trụ sở tại Mỹ) đã chỉ ra có hơn hai nghìn hộ gia đình người H’mong và người Thượng theo đạo Cơ đốc, chiếm khoảng 10.000 người, đã trở thành người không quốc tịch vì đức tin tôn giáo của họ.
Trở lại với các cộng đồng người H’mong theo đạo Tin Lành ở các Tiểu khu 179, 181…, như phần lớn các sắc dân bản địa, cộng đồng thiểu số khác, cuộc sống của những người H’mong tại đây vô cùng nghèo nàn, cơ cực, và do tình trạng bị chính quyền bỏ rơi nên cuộc sống của họ càng thêm khó khăn. Đồng bào sinh sống bằng nghề làm ruộng làm rẫy. Khu vực này trước đây là đất hoang, từ năm 2000 thì có nhiều người Kinh, người dân tộc thiểu số đã đến khai hoang, sau đó là những người H’mong chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi làng của họ ở Tây Bắc Việt Nam như vừa kể.
Mọi thứ đều thiếu thốn – chỉ có nước thì đồng bào góp tiền cùng nhau mua ống dẫn để dẫn nước từ đầu nguồn về, còn lại chưa có điện, chưa có internet, chưa có trạm y tế, trường học gì cả. Không có đường xá, đồng bào các Tiểu khu 179, 181… lại huy động nhau khu nào lo khu nấy, góp tiền, phát cây, mở một con đường đất để xe cộ từ trong khu có thể chạy ra đường lộ và ngược lại, nhưng mùa khô thì đi được, còn mùa mưa, lũ thì chịu thua. Còn Tiểu khu Tây Sơn thì có đường do công ty khai thác vàng mở đường dọc bờ sông. Đau ốm bệnh hoạn chỉ khi nào nặng lắm thì mới chạy xe ra trạm y tế xã, huyện, cách các tiểu khu cũng chừng vài chục cây số trở lên; hoặc như Tiểu khu 179 phải đi đò qua sông ra huyện. Nhưng cũng chẳng mấy khi đồng bào biết đến viên thuốc hay trạm xá. Những người phụ nữ có bầu toàn sinh con tại nhà, chồng, người nhà hoặc hàng xóm phụ đỡ đẻ, riết rồi cũng quen, trời sinh voi sinh cỏ, chỉ khi nào đau bụng tới mấy ngày vẫn không sinh được thì mới lại chở nhau ra trạm y tế xã, huyện, và không phải là không có những trường hợp trẻ sinh ra bị chết, vì bị nhiễm trùng hay vì lý do này lý do khác.
Trẻ em lớn lên như cỏ dại, không biết đến trường lớp là gì.
Từ năm 2016, người dân ở Tiểu khu 179 góp tiền dựng lên một cái nhà gỗ, có 4 phòng học từ lớp 1–4 , và làm đơn xin chính quyền điều phối giáo viên đến dạy cho các em. Dựng nhà từ 2016 đến 2019 mới có giáo viên, nhưng vì vùng sâu vùng xa nên cũng khó, giáo viên chỉ đến dạy 1, 2 buổi một tuần, dạy Toán và tiếng Việt, còn từ lớp 5 trở lên là lại phải đi ra huyện, ra tỉnh để học. Em nào gia đình có tiền thì thuê phòng trọ ở chung nhau, không có tiền thì tự dựng chòi, dựng lều ở gần trường.
Tiểu khu 179 như vậy còn đỡ hơn Tiểu khu 181, không có giáo viên nào chịu vào dạy nên bà con phải cho trẻ đi học xa nhà cách vài chục cây số. Thuê phòng trọ mất khoảng 600.000–700.000 VNĐ/tháng (khoảng hơn 25 cho tới hơn 29 USD) cho một phòng 3, 4 em ở, nhưng với rất nhiều gia đình đồng bào thiểu số thu nhập của họ chỉ chừng 500 000 VNĐ/tháng (khoảng hơn 20 USD) nên họ cũng chẳng lo nổi, đành dựng chòi, lều trên đất của người dân ở các xã khác, có tốn phí dựng nhờ đất nhưng rẻ hơn.
Những cái chòi, lều dựng bằng đủ thứ vật liệu tạm bợ, từ nilon, bìa carton, ván ép, trong đó 7 cho tới 10 đứa trẻ, tuổi từ 7, 8 đến 10, 12 sống với nhau, tự nấu ăn, tự lo liệu chăm sóc nhau. Sống như vậy rất không an toàn, đủ thứ tai nạn có thể xảy ra cho những đứa trẻ như cháy, lấy nước ở dưới giếng sâu có thể bị ngã xuống giếng, mưa bão v.v… Chuyện học hành cực khổ như vậy, lại không có gia đình ở bên cạnh bảo ban, nhắc nhở, nên lũ trẻ đi học bữa đực bữa cái, chữ chưa kịp vào đầu lại bay đi đâu mất, siêng lắm cũng chỉ vài năm là buông, lại về nhà phụ ba mẹ làm nương làm rẫy. Em nào ham học lắm mới học hết lớp rồi ra huyện, ra tỉnh học tiếp.
Trẻ con thì như vậy, còn người lớn quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời kiếm ít đồng đong gạo nhưng nào đã yên. Thứ nhất là đồng bào H’mong ở đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì đức tin và sinh hoạt tôn giáo. Chính quyền địa phương lấy lý do họ ngụ cư bất hợp pháp, không được công nhận, nên không được phép xây nhà thờ, không được có mục sư, không cho phép thành lập nhóm, thành lập chi hội; bà con phải mượn nhà một người trong tiểu khu làm nhà nguyện, mỗi năm khi đến lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, lễ Thăng Thiên…thì phải làm đơn gửi chính quyền, chính quyền cho thì mới được tổ chức, rồi mời mục sư ở nơi khác, ví dụ như ở tỉnh Lâm Đồng đến.
Cái khổ thứ hai là từ năm 2015 chính quyền tỉnh Lâm Đồng có văn bản đòi cưỡng chế, di dời người dân đi nơi khác, để lấy lại đất cho các công ty sân sau của nhà nước đầu tư, khai thác. Nói là đi nơi khác mà không biết là đi đâu. Từ năm 2016–2018 bà con đấu tranh mạnh mẽ, giữa công ty và bà con thường xuyên xảy ra tranh chấp, người dân ở Tiểu khu 179 vì có sự liên kết với các tổ chức nhân quyền ở bên ngoài, gửi thư cho chính quyền, rồi quốc tế lên tiếng nên chính quyền chịu lùi bước, dừng cưỡng chế, lại còn hứa hẹn là sẽ cho tái định cư tại chỗ. Chính quyền huyện Đam Rông cũng đã cam kết cấp thẻ căn cước công dân cho mọi người dân ở Tiểu khu 179, xây dựng hạ tầng như trạm y tế xã, trường học cho bà con, cử giáo viên đến sống trong thôn để dạy cho trẻ em. Các tổ chức nhân quyền của người Việt ở nước ngoài như BPSOS hoan nghênh thiện chí này và đề nghị quốc tế khen ngợi. Bà con ở Tiểu khu 181 thấy vậy liền gửi thư chất vấn về sự chênh lệch này và yêu cầu được có cơ hội tương tự như ở Tiểu khu 179.
Nhưng từ một năm trở lại đây thì chính quyền lại thay đổi, lật lại những gì đã hứa. Một mặt, họ bắt những người chủ chốt trong các cuộc đấu tranh lên xã, huyện “làm việc” với công an, bắt phải viết cam kết ngưng liên lạc với các tổ chức nhân quyền ở bên ngoài thì chính quyền mới tiến hành các cam kết. Những người này trả lời là hãy thực hiện mọi cam kết thì họ sẽ ngưng liên lạc với bên ngoài. Tình trạng dằng co cứ kéo dài, mà mọi tiến triển thì không thấy đâu.
Không những thế, vì nghèo đói, ít học, không hiểu biết gì về luật pháp, nên đồng bào các sắc dân bản địa dễ bị chính quyền đàn áp và khi đàn áp thì không biết lên tiếng như thế nào; cũng vì nghèo đói, ít học, thanh niên lớn lên rất dễ bị các công ty môi giới xuất khẩu lao động dụ đi làm xa hoặc các tổ chức buôn người dụ dỗ. Chẳng hạn, với nạn nhân từ các đường dây xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út làm việc nhà, có nhiều em là người dân tộc thiểu số, trong số đó có một em là H Xuân Siu, người dân tộc Gia Rai, đã chết sau 2 năm làm việc như nô lệ, bị chủ đánh đập, ngược đãi, mà báo chí tiếng Việt ở nước ngoài từng lên tiếng. Khi chết em chỉ mới 17 tuổi, có nghĩa là khi được tuyển đi làm việc, em chưa đầy 15 tuổi nhưng những người tuyển dụng đã cấu kết với chính quyền địa phương làm giả giấy tờ cho em đủ tuổi đi lao động là 18 tuổi trở lên. (“Lao động trẻ chết bị chôn tại Ả Rập Xê Út gây phẫn uất cho gia đình”, RFA, “Thiếu nữ người Việt 17 tuổi chết sau hai năm lao động ở Ả-rập Xê-út”, VOA)
Riêng người H’mong đã có 4 trường hợp bị lừa sang Ả rập Xê Út được tổ chức BPSOS giải cứu, trong đó có cô Mùa Thị La, sau hơn 4 năm là nạn nhân của chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam, chịu đủ mọi sự ngược đãi, hành hạ của chủ mới được trở về Việt Nam.
Với các tổ chức buôn người nhỏ lẻ ví dụ như vụ nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, bên cạnh nhiều người Kinh từ các làng quê nghèo, cũng lại là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Riêng Tiểu khu 181 đã có 5 thanh niên dưới 18 tuổi, được giải cứu về nước, hiện vẫn chưa có quốc tịch và không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.
Câu chuyện của Ma A Dình.
Ma A Dình, sinh năm 1992, là người H’mong. Gia đình anh chạy từ ngoài Bắc vào trú ngụ ở Tiểu khu 179 từ năm 2012. Ngoại trừ Ma A Dình là có giấy tờ từ khi còn ở ngoài Bắc, vợ và các con của anh đều không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào.
Khi còn ở ngoài Bắc Ma A Dình được đi học đến hết lớp 12 nên thuộc loại “có chữ” ở Tiểu khu, do đó khi xảy ra chuyện đấu tranh về đất đai, đòi quyền lợi, đòi tự do tôn giáo, dân làng nhờ anh đứng ra là người đại diện, cùng với vài người khác, gửi thư đến chính quyền, hoặc liên lạc với bên ngoài nhờ sự vận động của các tổ chức bên ngoài, sự lên tiếng của quốc tế. Vì vậy mà Ma A Dình và những người đại diện khác liên tục bị “triệu tập” ra công an xã, huyện, tỉnh để công an hạch hỏi và công an đã có những lời nói, hành vi có tính chất hăm doa, khủng bố anh, mọi việc làm, đi lại của anh đều bị công an cho người theo dõi, giám sát. Công an kết tội Ma A Dình là “thành phần phản động, cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài, cung cấp thông tin cho bên ngoài, rằng Ma A Dình là người có tội, công an muốn bắt anh lúc nào cũng được”.
Biết sớm muộn gì cũng bị bắt, ngày 28.6.2022 Ma A Dình chạy trốn sang Thái Lan, xin tỵ nạn chính trị. Gần 1 tháng sau, ngày 23.7. 2022 đến lượt người vợ đang mang bầu và 5 đứa con của anh cũng chạy sang Thái Lan. Đứa con thứ 6 được sinh ra trên đất Thái.
Từ khi ra bên ngoài, Ma A Dình vẫn thường xuyên liên lạc với bà con người H’mong ở nơi anh sống. Cùng một số người người anh em đã và đang ngày đêm đấu tranh cho quyền lợi của người Hmong ở Việt Nam, họ thành lập một nhóm truyền thông, hoạt động dưới danh nghĩa một tổ chức NGO có tên H’mong Human Rights Coalition, và hoạt động trong các lĩnh vực giải cứu nạn nhân buôn người, đàn áp tôn giáo trên cộng đồng người H’mong, phát triển cộng đồng và dự án người Hmong vô tổ quốc. Tại Hội Nghị thường niên về Tự Do Tôn Giáo hay Tín ngưỡng khu vực Đông Nam Á lần thứ 8 (Eighth Annual Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, viết tắt là SEAFORB 8) được tổ chức tại Bali, Indonesia từ ngày 7–9.11.2022 vừa qua, Ma A Dình đã đại diện cho đồng bào người H’mong theo đạo Tin Lành đọc bản tham luận về hoàn cảnh sống của người H’mong theo đạo Tin Lành tại Tiểu khu 179, dưới sự đàn áp của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Vượt qua những hạn chế về văn hoá và điều kiện sống, dưới sự giúp đỡ của những tổ chức nhân quyền bên ngoài như tổ chức BPSOS, cộng đồng người H’mong theo đạo Tin Lành đang từng bước trưởng thành để tự bảo vệ niềm tin và các quyền con người, họ đã biết lên tiếng, báo cáo về tình trạng của cộng động mình cho các tổ chức quốc tế. Nhờ vậy mà các tổ chức quốc tế đã biết tới họ và tiếp tục giúp đỡ họ ngày một trưởng thành hơn.
Trong khi đó, với việc vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, mang tính hệ thống, liên tục suốt một thời gian dài, ngày 2.12.2022 vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” (Special Watch List, viết tắt SWL) Và nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ bị đưa vào Danh sách Quan tâm Đặc biệt (Countries of Particular Concern, viết tắt CPC, mà trước đây Việt Nam từng bị và được Bộ Ngoại giao Hoa Kỷ dỡ bỏ vào tháng 11.2006 chỉ sau 26 tháng mà không thực sự có những tiến bộ thực chất). Và nếu lại bị đưa vào danh sách CPC, Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp chế tài, cấm vận.
Song Chi
rfavietnam (12.12.2022)