Lê Văn Đoành
26-12-2022
Dấu chấm hết
Cuộc họp Bộ Chính trị hôm 24-12-2022 diễn ra gay gắt và đầy kịch tính. Kết quả bỏ phiếu trong Bộ Chính trị đã “kết liễu” số phận chính trị của cả hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
– Phạm Bình Minh sẽ thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khoá 13, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; thôi Đại biểu Quốc hội khóa XV.
– Vũ Đức Đam thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương đảng khoá 13, Uỷ viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
– Cả hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam sẽ nghỉ việc vào ngày 1-2-2023, nghỉ hưu chính thức vào ngày 1-12-2023.
Quy trình tiếp theo là, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương đảng sẽ làm thủ tục trình lên Ban chấp hành Trung ương đảng khoá 13 xem xét và ra nghị quyết công khai. Dự kiến hội nghị bất thường Ban chấp hành Trung ương khoá 13 sẽ diễn ra vào ngày 28-12-2022.
Quốc hội khoá XV sẽ có kỳ họp bất thường vào sáng 5-1-2023. Ngay trong ngày khai mạc sẽ làm công tác nhân sự, quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết phê chuẩn đề nghị về việc miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, tiếp theo sẽ cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu quốc hội của Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Sau đó, quốc hội phê chuẩn các tân Phó Thủ tướng Chính phủ theo Tờ trình của Chính phủ.
Sau khi hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị khởi tố, bắt giam, dư luận trong và ngoài ngành ngoại giao vẫn đồn đoán Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh có thể sẽ thoát qua khe cửa hẹp, nhờ vào gia thế và mưu lược. Tuy nhiên, phe tấn công quyết tâm kết liễu sự nghiệp chính trị của con trai ông Nguyễn Cơ Thạch trước mùa xuân 2023, họ liên tiếp tung ra đòn phủ đầu, với những nhát chém chí mạng:
Ngày 14-4-2022, khởi tố, bắt giam thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu thư ký của ông Phạm Bình Minh, thời ông Minh làm bộ trưởng.
Ngày 27-9-2022, khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Quang Linh, đương giữ chức Trợ lý Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Ngày 21-12-2022, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao các nhiệm kỳ 2016 – 2021, 2021 – 2026 và cá nhân ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Bùi Thanh Sơn là đại đệ tử của Phạm Bình Minh. Khi tổ chức làm công tác nhân sự cho đại hội 13, cả hai thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Lê Hoài Trung tranh nhau ghế bộ trưởng Bộ Ngoại giao và chính Phạm Bình Minh ủng hộ, bảo kê cho Bùi Thanh Sơn vượt qua Lê Hoài Trung.
Cũng cần nhắc lại, nhiệm kỳ 2016-2021 ông Phạm Bình Minh giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; phụ trách công tác đối ngoại của Nhà nước và Đảng ủy Ngoài nước.
Phạm Bình Minh là con trai út của cố Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Cơ Thạch (tức Phạm Văn Cương), ông Minh là Ủy viên Trung ương đảng bốn khoá (từ khoá 10 đến khoá 13), Uỷ viên Bộ Chính trị hai khoá 12 và 13.
Vụ án “chuyến bay giải cứu” đã phát lộ nạn hối lộ, tham nhũng, cùng những bê bối ở Bộ Ngoại giao hết sức kinh hoàng, trách nhiệm cao nhất chắc chắn thuộc về Phạm Bình Minh. Mặc dù đến thời điểm này ông Minh vẫn chưa viết đơn xin từ chức, nhưng các chóp bu trong đảng đang ép ông Minh ra đi, nếu không muốn “nhập kho”. Hai con trai của Phạm Bình Minh là Phạm Bình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao và Phạm Bình Nam, công chức tại Văn phòng Chính phủ, đang bị xem như con tin.
Nếu như hai Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12 là Hoàng Trung Hải cùng Nguyễn Văn Bình “hạ cánh an toàn” trước đại hội 13, bảo toàn được sinh mạng chính trị lẫn tài sản, thì chuyến rút lui này của Phạm Bình Minh sẽ khó khăn, gay cấn hơn rất nhiều.
Ông Minh muốn ra về sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm trong Ban chấp hành Trung ương Đảng đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, vào năm 2023 nhưng bị từ chối. Lý do đưa ra, anh không còn đủ uy tín phục vụ thì nên viết đơn. “Cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng” được quy định tại Thông báo 20/TB-TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị.
Ảnh chụp Thông báo số 20/TB- TW
Một Phó thủ tướng khác là ông Vũ Đức Đam, cũng đang rơi vào tình cảnh như Phạm Bình Minh nhưng Vũ Đức Đam cam chịu hơn. Vũ Đức Đam không xuất thân “trâm anh thế phiệt” như Phạm Bình Minh. Bố ông Vũ Đức Đam là nông dân thứ thiệt, vì vậy hoạn lộ của ông Đam rất lận đận. Tuy là Uỷ viên dự khuyết khoá X, Uỷ viên Trung ương khoá XI, XII, XIII nhưng Vũ Đức Đam vẫn không vào được Bộ Chính trị.
Dân chúng thì hả hê, tung hô “đốt lò”, đâu hay ở thượng tầng, phe nhóm trong đảng đang “mượn gió bẻ măng” truy sát nhau để giành quyền lực. Người trong cuộc, ông Đam ngán ngẫm, kinh sợ. Hai nhiệm kỳ làm Phó thủ tướng phụ trách văn xã, lý thuyết thì phụ trách các bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; nhưng thực tế mỗi nơi này đều có một Uỷ viên Trung ương phụ trách, nên ông Đam chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”. Khổ thân, thực quyền thì không có, khi những nơi này hư hỏng, bê bết, sai phạm, tham nhũng hối lộ… thì cấp trên lại đổ hết lên đầu Vũ Đức Đam.
Ngày 1-10-2022, ba ngày sau khi Trợ lý Nguyễn Quang Linh bị bắt giam, Vũ Đức Đam đã chính thức gởi đơn cho Bộ Chính trị, xin nghỉ việc, rút khỏi Trung ương khoá 13.
27-12-2022
Nhúng chàm…
Ông Phạm Bình Minh không phục khi bị đưa vào danh sách “nhúng chàm”, ép phải làm đơn xin thôi tham gia Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương khoá 13, từ bỏ tư cách đại biểu quốc hội. Ông Minh cho rằng, ông “chỉ nhận trách nhiệm chính trị” chứ không hề sai phạm, tham nhũng hoặc nhận hối lộ.
Nhóm bảo vệ ông Minh cho rằng, ngay trong 18 Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13 hiện nay, cũng có phân nửa có dính dấp, có tỳ vết, “có vấn đề”, nhưng ông nào nặng nhất, vẫn chỉ dừng ở “phê bình, kiểm điểm” vuốt đuôi nhau.
– Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban nhân sự đại hội 13, nắm quyền lực tối thượng, sắp xếp 200 Uỷ viên Trung ương cho mỗi kỳ đại hội. Tuy nhiên, ông Trọng lại để lọt lưới gần chục bộ mặt tai tiếng, trùm tham nhũng, ăn hối lộ, vượt qua chốt chặn “quy trình năm bước”, để chễm chệ ngồi vào Trung ương như:
Trần Văn Nam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng, Huỳnh Tấn Việt, Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang… Ngoài ra còn có hàng chục Ban Cán sự đảng các bộ, Ban Thường vụ các tỉnh thành hư hỏng, ô tạp, không khác gì hang ổ của mafia. Nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn làm như ông ta vô can, không phải chịu trách nhiệm gì cả.
– Phạm Minh Chính: Giai đoạn làm bí thư Quảng Ninh và lúc nắm Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã dính tập đoàn AIC, bảo kê cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Trong đại dịch Covid 19, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, với phương châm “mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”, truy bắt cho bằng được F0…” đã dẫn đến tình trạng bắt bớ, còng tay cưỡng chế, đè đầu dân để chọt mũi, tìm F0, dân chúng bị đối xử còn tệ hơn cả súc vật. Người bị ép đi cách ly tập trung bắt buộc, bị bỏ rơi, chật chội, không được quan tâm y tế và các điều kiện khác, dẫn đến con số chết chóc không kể xiết.
– Vương Đình Huệ: Từ tháng 8-2011 đến tháng 5-2013 là Ủy viên Trung ương khóa XI, Bộ Trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, Chủ tịch Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra nhiều bê bối. BHXH VN đã cho Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALC II) vay vốn từ Quỹ BHXH VN trái quy định, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền của Nhà nước. Cuối tháng 12-2015, số nợ cả gốc lẫn lãi của ALC II đối với BHXH VN là hơn 1.500 tỉ đồng, không có khả năng chi trả.
– Võ Văn Thưởng: Thời làm Phó bí thư Thường trực thành Hồ đã ký kết luận giao thửa “đất vàng” 1338 m2 tại 130 Hàm Nghi, quận 1 cho Vũ “nhôm”. Ông Thưởng cũng là người bảo kê, nâng đỡ Tất Thành Cang tiến thân.
– Tô Lâm dính vụ án AVG với các công văn đóng dấu “Tối mật”, “Mật” giúp cho các quan chức bắt tay với anh em Phạm Nhật Vượng – Phạm Nhật Vũ bán đống sắt vụn AVG, “móc túi” ngân sách gần 9000 tỷ đồng.
– Trần Thanh Mẫn thời làm bí thư Cần Thơ, cũng là một tay “buôn chức, bán quyền” khét tiếng. Ông Mẫn cũng được cho là người đỡ đầu cho Bùi Thị Lệ Phi, giám đốc sở Y tế Cần Thơ tiến thân và trở thành trùm tham nhũng, nhận hối lộ. Hiện bà Phi và hàng loạt cán bộ Y tế Cần Thơ đang bị truy tố, xét xử.
– Nguyễn Xuân Thắng trong cương vị Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã giúp Nguyễn Thị Thanh Nhàn hết mình, khuếch trương AIC để lừa đảo.
Tháng 8-2017, ông Thắng bảo kê cho AIC Group trúng thầu gói cung cấp lắp đặt thiết bị phần mềm cổng thông tin điện tử cho học viện trung tâm tại Hà Nội và năm học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giá trúng thầu hơn 30 tỷ đồng.
– Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng, chính là người đỡ đầu cho các tướng lĩnh tại Học viện Quân y trong vụ siêu lừa “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng, chống dịch”, cũng như việc mua sắm vật tư, test kit Việt Á cho Bộ Quốc phòng.
– Đinh Tiến Dũng có nhiều sai phạm về công tác cán bộ thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhiệm kỳ 2016-2021, trong điều hành quản lý vốn nhà nước và thị trường chứng khoán. Hậu quả đến hiện nay là thị trường chứng khoán nát như tương bần và những cú huy động trái phiếu lọc lừa của FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh…
Không xử lý hình sự
Các con ông Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) gồm Phạm Lan Phương, Phạm Ngọc Thiết, Phạm Tuấn Phan, tức chị và anh ruột của ông Phạm Bình Minh, từng là cán bộ cao cấp, nhưng đều nghỉ hưu. Anh trai ông Minh là ông Phạm Tuấn Phan, hiện là Giám đốc điều hành của Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong (MRC). Trái với nhiều đồn đoán bắt bớ hiện nay, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam chắc chắn sẽ “hạ cánh an toàn”. Có lẽ đã có thoả hiệp từ thượng tầng, cam kết bảo đảm không xử lý hình sự. Cả hai ông Minh và Đam sẽ rút lui khỏi chính trường trong yên lặng.
Có “thuyết âm mưu” cho rằng, Phạm Bình Minh bị gạt bỏ là có “yếu tố Trung Cộng”. Nhiều nhận định cho hay, thái độ ứng xử, quan điểm thân phương Tây của ông Minh đã bị xem là “cái gai” cần phải nhổ.
Cũng cần nhắc lại, ông Nguyễn Cơ Thạch thuộc nhóm cứng rắn với Trung Cộng. Ông Thạch là tay chân thân tín, trung thành của hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Sau Hội nghi Thành Đô 1990, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã chấp nhận yêu sách trắng trợn của phía Trung Quốc, gạt bỏ mọi chức vụ của Nguyễn Cơ Thạch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, tại Đại hội 7 của đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991. Thậm chí, hơn hai mươi năm sau ngày bình thường hoá quan hệ Việt – Trung, tại Đại hội lần thứ XI Đảng CSVN tháng 1 – 2011, Trung Quốc vẫn “thọc tay” ngăn, không muốn để con trai ông Nguyễn Cơ Thạch làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẩn, cũng có quan điểm rằng, ông Minh bị gạt bỏ là có “yếu tố Trung Quốc”. Tuy nhiên, thiết nghĩ bọn Tàu chẳng cần ra tay loại bỏ Phạm Bình Minh để trừ hậu họa như ý kiến của ông Lê Kiên Thành. Với guồng máy này, với thể chế này, không xảy ra vụ chuyến bay giải cứu hay test kit… mới lạ. Người nào còn làm việc trong guồng máy này, leo tới đỉnh cao quyền lực như ông Minh mà không dính chàm thì càng lạ hơn.
Ông bố Nguyễn Cơ Thạch chống Tàu và cứng rắn với Tàu, nhưng có lẽ con trai ông thì không còn cái thế đó nữa. Dù ông Minh có muốn chống hay muốn cứng rắn với Tàu, ông cũng không đủ quyền lực hay vây cánh, cho dù chỉ thể hiện quan điểm này. Cho nên bọn Tàu chẳng cần phải ra tay để loại ông Minh, bởi ông ta ở lại cũng chẳng làm gì hại bọn chúng.
Ai sẽ thay Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam?
Cả Lê Minh Khái hay Lê Minh Hưng đều chưa đủ tầm để ngồi trên các bậc đàn anh. Guồng máy cộng sản nó vận hành là vậy. Đang có hai nhân vật là ứng viên cho vị trí Phó Thủ tướng thường trực, đó là Tô Lâm và Nguyễn Hoà Bình. Nếu Tô Lâm được chọn, ghế bộ trưởng Bộ Công an sẽ phải nhường cho Phan Đình Trạc hoặc Nguyễn Hoà Bình. Tô Lâm đang hướng đến suất “nhân sự đặc biệt” khoá 14 để ngồi ghế “tứ trụ”.
Người thay Vũ Đức Đam được cho là ứng viên Lê Hoài Trung. Ông Trung đang nắm chức Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng, một chức vụ tương đương Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhưng không mấy quyền lực. Nếu Bộ Chính trị trình, được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, Lê Hoài Trung sẽ là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thay cho Bùi Thanh Sơn, là người sẽ sớm bị tước bỏ Uỷ viên Trung ương và khởi tố, bắt giam nay mai.
Dân đói, nước nghèo mặc kệ, như Vũ Đức Đam từng tuyên bố “Việt Nam không cần quá giàu”, thì đảng vẫn giàu mạnh và quan đảng sống như vua chúa. Cung đình Cộng sản đang hứa hẹn nhiều biến động khó lường. Cuộc chạy đua vào các suất bầu bổ sung Uỷ viên Bộ Chính trị sẽ ác liệt hơn nhiều. Đánh nhau dai dẵng để củng cố và tranh giành quyền lực trong đảng sẽ tăng dần lên đến trước thềm bỏ phiếu tín nhiệm vào cuối năm 2023.