Seite auswählen

Các tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên tụ tập lễ Giáng sinh 2022 Mục sư Aga

Ngày 24/12, nhà chức trách tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ, tra khảo và tịch thu điện thoại của hai người thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ khi những người này trên đường đi dự thánh lễ dịp Giáng sinh ở địa phương.

Theo trang Facebook Người Thượng Vì Công Lý, vào sáng sớm chủ nhật vừa qua, thầy Y An Hdrue (sinh năm 1970) và tín đồ Y Pôk Eban (sinh năm 1985) ở buôn Čuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tới buôn Cuôr Knia 2 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) để tham dự Lễ Giáng sinh theo lời mời của Hội thánh Tin lành Đấng Christ tại đây.

Tuy nhiên, khi hai ngườivừa tới địa phận xã Ea Bar thì bị lực lượng cảnh sát giao thông và an ninh ngăn chặn, buộc họ xuất trình giấy tờ xe và bằng lái.

Cựu tù nhân lương tâm Y An Hdrue, người từng bị đi tù bốn năm vì đòi quyền tự do tôn giáo và chống cướp đất, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/12 như sau:

Tôi tên là Y An Hdrue, cùng em Y Pôk Eban đi một xe. Đi đến cây xăng gần buôn Cuôr Knia thì bị công an giao thông và an ninh chặn xe chúng tôi lại đòi kiểm tra giấy tờ. Kiểm tra giấy tờ xong thì họ bảo là bằng giả.”

Cho dù ông Y An Hdrue giải thích rằng ông đã đi thi lái xe và được công an giao thông của huyện Krong Ana cấp bằng, phía công an vẫn buộc hai ông vào trụ sở của công an xã Ea Bar để làm việc.

Họ buộc chúng tôi vào xã. Chúng tôi bị giữ từ 9 giờ (sáng) đến 7 giờ (tối) chúng tôi mới được cho về nhà.”

Ông cho biết trong thời gian 10 giờ ở đồn công an, một nhóm 5-6 công an mặc thường phục của huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk thay phiên nhau tra hỏi hai ông về Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ. Họ từ chối trả lời khi ông hỏi họ tên tuổi, chức vụ và nơi công tác.

Công an tịch thu hai điện thoại của hai người và lục soát tư liệu có trong điện thoại, ông Y An Hdrue nói với RFA.

Ông nói trong bộ nhớ điện thoại của ông có lưu trữ luật Nhân quyền Quốc tế và Luật Tôn giáo Tín ngưỡng của Việt Nam cũng như một số tư liệu báo cáo vi phạm nhân quyền của Việt Nam mà ông thu thập và gửi cho quốc tế.

Trước khi được trả tự do, hai người bị buộc phải ký vào biên bản làm việc, trong đó ông Y An Hdrue thừa nhận về việc lưu trữ thông tin vi phạm nhân quyền của một số địa phương ở Việt Nam trên điện thoại của mình.

Sau khi ký biên bản làm việc, phía công an trả xe và giấy tờ cho hai người thuộc sắc tộc Ede và đưa họ về địa điểm họ bị dừng xe để họ tự đi về nhà. Công an chỉ giữ lại hai điện thoại của họ, ông Y An Hdrue nói.

Ngày 27/12, từ tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ, mục sư A Ga thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên cho RFA biết, trong dịp Giáng sinh vừa qua, nhóm tôn giáo này dự định sẽ tổ chức gặp mặt ở nhà ông Y Kreek Bya – Phó hội trưởng ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn để làm lễ trong các ngày 21-25/12.

Tuy nhiên, nhiều người thuộc hội thánh này ở nhiều địa phương khác trong tỉnh bị nhà chức trách đe doạ nếu có ý định đến dự lễ.

Có lúc họ (công an- PV) vào ban đêm, khoảng 8 giờ tối, họ đến từng nơi của anh em để cấm anh em đến chỗ thầy Y Kreec Bya.

Có người thì Công an tỉnh gọi điện đe doạ họ, nói rằng nếu họ rời nơi họ ở để đi đến buôn Cuôr Knia ở chỗ thầy Y Kreec Bya thì họ sẽ bị bắt đi tù. Họ đe doạ, làm cho anh em rất sợ hãi hoang mang.

Một số người vẫn đi thì có người bị tịch thu điện thoại, có người bị thu xe, có người bị chặn đủ mọi kiểu.”

Tại nhà ông Y Kreek, nhóm tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên có treo một băng rôn với dòng chữ tiếng Ê đê “Moak Noel 2022” (Đón mừng ngày Chúa giáng sinh) nhưng ngày 21/12, chính quyền địa phương cho người tới tháo xuống và xé bỏ, mục sư Aga cho RFA biết.

Theo mục sư Aga, Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên vẫn tổ chức gặp mặt lễ Giáng sinh năm nay với sự tham dự của nhiều tín đồ trong xã Ea Bar tại nhà ông Y Kreek. Chỉ những người từ địa phương khác được mời nhưng không thể đến dự vì bị ngăn cấm, ông nói.

Phóng viên RFA có gọi điện nhiều lần cho công an huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy.

Không chỉ nhóm Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên bị đàn áp sách nhiễu trong dịp lễ Giáng sinh, mà trong nhiều tháng gần đây, chính quyền tỉnh Đắk Lắk tìm mọi cách ngăn cản các nhóm tôn giáo độc lập khác thực hành nghi lễ, trong đó có nhóm Hội thánh Truyền giảng Phúc âm.

Đây là các hội thánh không được chính quyền Việt Nam thừa nhận. Những người thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc Âm cho biết đơn xin được hoạt động tôn giáo của họ gửi chính quyền từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Chính quyền Việt Nam nhiều lần cáo buộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở Tây Nguyên là phản động, chống phá Nhà nước.

Điển hình, vào tháng 1/2022, trang web báo Công an nhân dân có bài viết cáo buộc tôn giáo Tin lành Đấng Christ quy tụ các chức sắc, tín đồ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và ở Mỹ để “tập hợp lực lượng, đấu tranh đòi tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền, tiến tới thành lập Tôn giáo riêng, Nhà nước riêng của người các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.”

Những tín đồ theo đạo Tin lành Đấng Christ mà RFA phỏng vấn đều bác bỏ cáo buộc này. 

Ngày 2/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mức độ vi phạm tự do tôn giáo ở các nước trong danh sách này chưa đến mức phải đưa vào danh sách Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (Country of Particular Concern- CPC), nhưng sẽ bị theo dõi sát sao về hồ sơ tự do tôn giáo, và nếu sau một thời gian vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định vào CPC là mức cao nhất đối với các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo

RFA (27.12.2022)

 

 

Việt Nam phạt một cựu du học sinh 5 năm tù vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’

Ông Nguyễn Như Phương tại tòa án ở An Giang ngày 26/12/2022. Photo ANTV.

Một tòa án ở An Giang vừa tuyên phạt ông Nguyễn Như Phương, một cựu du học sinh tại Nhật, 5 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Trong phiên xử sáng ngày 26/12, ông Phương bị tuyên án tù như trên vì bị cho rằng đã đăng tải nhiều thông tin với các nội dung “xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; kích động chống phá Đảng, Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức; kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết nội bộ”, theo trang Tuổi Trẻ Online.

Đây là một cáo buộc mà chính quyền Việt Nam thường sử dụng để tống giam hàng loạt các tiếng nói phản biện trên mạng xã hội, nhưng điều này lại bị các tổ chức nhân quyền quốc tế mạnh mẽ lên án.

Ông Nguyễn Như Phương, 31 tuổi, được cho là bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố vụ án hình sự này vào ngày 9/10/2021. Nhưng mãi đến ngày 30/8/2022, ông Phương mới bị tạm giam trong vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, do Công an thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bắt giữ, vẫn theo báo Tuổi Trẻ.

Ngày 9/10/2021, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh An Giang khởi tố vụ án hình sự theo Điều 117 “Tuyên truyền chống nhà nước” sau gần một tuần trên mạng xã hội xuất hiện video hơn 6 phút, phát đoạn ghi âm có nội dung trao đổi về công tác phòng chống COVID-19 tại An Giang, trong đó, một người được cho là đại tá Đinh Văn Nơi – khi ấy là giám đốc công an tỉnh này – và người còn lại là một cựu lãnh đạo tỉnh An Giang. Chính quyền và truyền thông Việt Nam khi ấy không cho biết ông Phương bị khởi tố trong vụ án này.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Nữ Phương Dung, một người bạn của ông Phương, nêu nhận định với VOA về bản án 5 năm tù và 3 năm quản chế đối với ông:

“Hơi bất ngờ về bản án đó. Bản án đó hơi bất công so với Phương quá”.

“Cái việc thông tin share [chia sẻ] trên mạng, thì vụ đó rất nhiều share trên mạng mà chỉ bắt tội một mình Phương thôi. Thật ra đoạn ghi âm chia sẻ đó nó cũng chẳng có gì thể hiện là ‘nói xấu nhà nước hay lãnh đạo’, nó chỉ thể hiện sự bức xúc khi cơ quan nhà nước họ làm không đúng, làm việc thiếu xót… thì chỉ là share lên để mọi người biết đến”.

Ông Đặng Đình Mạnh, luật sư bào chữa cho ông Phương, hôm 27/12 xác nhận với VOA rằng cáo trạng và hội đồng xét xử có đề cập đến đoạn ghi âm liên quan đến cuộc hội thoại của ông Đinh Văn Nơi tại phiên tòa hôm 26/12.

Theo sự điều chuyển của Bộ Công an, Đại tá Nơi làm Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh từ ngày 1/9/2022.

Bà Phương Dung cho biết thêm:

“Ban đầu Phương bị bắt vì ‘sử dụng chất kích thích’, nhưng rồi vụ án này đang trong thời gian điều tra và nay lãnh án theo Điều 117.

“‘Sử dụng chất kích thích’ là một điều bất ngờ đối với bạn bè và những người thân trong gia đình…”.

“Có thể đây là một cái bẫy hay một cái gì đó… mình không biết được. Mình không biết án đó [sử dụng chất kích thích] có thật hay không?”

Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook hôm 26/12: “Kết thúc phiên tòa, ông Nguyễn Như Phương được di lý về trại tạm giam Bà Rịa, nơi ông đang bị điều tra về một vụ án khác đã khởi tố”.

“Hình phạt chồng hình phạt là một khả năng rất thật và đầy khó khăn mà ông Nguyễn Như Phương phải đối diện trong thời gian sắp tới”, Luật sư Mạnh cho biết thêm.

Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang, Công an và chính quyền tỉnh An Giang không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.

Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết ông Phương tham gia vào nhóm “NO U Sài Gòn” – nhóm tổ chức các hoạt động phản đối các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông và tham gia “Văn phòng công lý và hòa bình” ở Tp. Hồ Chí Minh.

Vụ xét xử ông Phương là vụ mới nhất trong hàng loạt các bản án “Tuyên truyền chống nhà nước” đối với các nhà báo độc lập và những người dùng mạng Facebook trong nước với những bản án bị cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền gọi là “hà khắc nhằm bót nghẹt tiếng nói bất đồng”.

Vào tháng trước, một tòa án ở Thanh Hóa tuyên án thầy giáo Bùi Văn Thuận, một nhà bất đồng chính kiến, 8 năm tù giam và 5 năm quản chế vì các hoạt động “chống phá nhà nước” sau khi ông đăng trên mạng xã hội các bài bình luận chỉ trích chính quyền.

Tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vừa cho biết trong năm 2022 Việt Nam đã tống giam 21 nhà báo độc lập, đứng thứ 7 trên thế giới. Còn theo thống kê của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), con số này là 39, đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng các nhà báo bị chính quyền bỏ tù trong năm 2022.

Từ trước đến nay, vào các dịp khác nhau, chính quyền Việt Nam bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền hay trấn áp những người lên tiếng ôn hòa trên mạng xã hội, cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những người “vi phạm pháp luật”.

VOA (27.12.2022)

 

 

Người thực hành Pháp luân công tố cáo bị đánh dập nhưng đơn không được đoái hoài!

Học viên Pháp Luân Công trước đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 11 năm 2011. AFP

Hơn chục học viên Pháp luân công ở phường Dĩ An (thành phố Dĩ An – Bình Dương) thông tin họ liên tục bị một nhóm người bao vây trấn áp, đánh đập trong những tháng vừa qua, mỗi khi họ tập trung thực hành pháp tại công viên. Những người trực tiếp ra tay bị nhận mặt chính là cán bộ công an phường này.

Một học viên trong số người bị tấn công, yêu cầu được giấu danh tính, cho biết hồi tháng 7/2022, một nhóm gồm hơn chục học viên Pháp Luân Công (PLC) bắt đầu ra công viên Quảng trường xanh ở thành phố Dĩ An, Bình Dương luyện tập trở lại. Sinh hoạt này được tái tục sau khoảng bốn năm phải tạm dừng, trong đó có lý do bị chính quyền ngăn cấm.

Khi tập luyện cùng nhau được khoảng một tuần, Công an thành phố Dĩ An, Bình Dương đã nhiều lần điều động lực lượng ra ngăn cản, trấn áp bắt các học viên đưa về đồn.

Cụ thể, học viên giấu tên nói vào ngày 18 và 19/7, khi các học viên luyện tập ở công viên Quảng trường xanh thì bị các cán bộ an ninh, bảo vệ dân phố… ra giật tấm thảm ngồi thiền, rồi cưỡng chế một học viên tên Linh lên đồn công an để lấy thông tin cá nhân. Các học viên đều nhận ra những người phá rối là cán bộ phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, Bình Dương.

Đỉnh điểm là vào ngày 20/7, còn lại tám học viên vẫn kiên trì ra công viên thực hành pháp thì nhận thấy đã có một nhóm gần 30 người chờ sẵn. Trong số này, có một cán bộ công an tên Thi đi xe công vụ. Ngoài ra, còn có một nhóm bảo vệ dân phố cùng với một nhóm côn đồ mặc thường phục.

Nhóm bảo vệ dân phố khi đó đang phát tờ rơi cho người dân ở công viên. Nội dung của những tờ rơi này nhằm nói xấu, đả kích PLC và người sáng lập ra bộ môn này.

Sau khi phát tờ rơi xong thì nhóm côn đồ xông vào tấn công các học viên. Họ giật điện thoại, đánh đấm các học viên PLC bằng dùi cui rồi tống tất cả lên xe công an đưa về đồn công an phường Dĩ An. Từ đó, các học viên khẳng định nhóm côn đồ chính là người được công an Dĩ An hậu thuẫn.

Ở đồn công an phường Dĩ An, các học viên phản đối hành vi bắt người, cho rằng PLC không bị nhà nước Việt Nam cấm, tại sao công an lại đánh đập người luyện PLC. Theo học viên giấu tên nói, công an phường Dĩ An trả lời rằng “luật không cấm, nhưng địa phương cấm”:

“Khi mình hỏi thì họ nói là PLC không bị cấm nhưng địa phương cấm. Tôi thấy lý do đó không thỏa đáng, nhà nước Việt Nam có pháp luật nhưng địa phương lại không theo.”

Một học viên xin phép dùng điện thoại gọi cho công ty xin nghỉ làm thì bị công an tên Thi đẩy vào gầm cầu thang, cầm chổi đánh liên tục vào đầu.

Sau đó, tất cả bị nhốt vào một phòng kín, chốc lát lại có một cán bộ vào hành hung các học viên. Trong số đó có ông Lê Quang Tuấn, trưởng công an phường Dĩ An, bị cáo buộc là đi vào phòng tát vào mặt nhiều người, đấm vào mặt một học viên tên Thành làm anh này chảy máu miệng.

Một học viên tên Thế chứng kiến cảnh các học viên bị đánh đập dã man nên đã làm đơn tố giác tội phạm ngay tại đồn công an phường. Thấy vậy, hai công an tên Thi và Tuấn liên tục đánh mạnh vào mặt, mang tai và gáy của ông Thế.

Đến đầu giờ chiều, luật sư của nhóm học viên PLC lên trụ sở công an phường Dĩ An chất vấn công an vì sao bắt người thực hành PLC, trong khi họ không làm gì trái pháp luật. Cán bộ công an ở đây cho biết là họ không “bắt”, họ chỉ “mời” làm việc mà thôi. Luật sư tiếp tục hỏi về thương tích trên người các học viên thì bị nhóm bảo vệ dân phố đẩy cả học viên PLC cùng với luật sư ra khỏi đồn công an.

Những ngày sau đó, một vài học viên vẫn tiếp tục ra công viên, nhưng tình hình không khá hơn. Lần nào họ cũng bị đe doạ, tấn công. Vì vậy, mọi người đành phải tạm dừng luyện tập ở công viên công cộng.

Đơn kêu cứu của các học viên PLC về vụ việc bị công an phường Dĩ An tấn công. Ảnh: nhân vật cung cấp

Ngày 29/8, bảy học viên PLC bị đánh cùng đứng tên trong một lá đơn kêu cứu chính quyền tỉnh Bình Dương để trình báo về vụ việc. Ngày 29/9, một lá đơn “kêu cứu khẩn cấp khác” cũng đã được gởi đi, nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết:

Mình cũng có làm đơn rồi, những cái đơn đó phản ánh lên mà không được giải quyết và hiện tại mọi người cũng không ra tậđược nữa. Bởi vì cứ ra là bị đánh. Có người bị đánh đến gãy cả răng, một số khác thì bị đánh rất nặng, rồi khi báo lên chính quyền thì không thấy họ phản ứng gì, kiểu giống như là họ có sự bao che rồi.”

Để xác minh lời tường thuật của học viên giấu tên cũng như tìm hiểu về kết quả giải quyết đơn trình báo của các học viên PLC, phóng viên RFA gọi điện nhiều lần đến trụ sở công an phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, Bình Dương, cán bộ trực ban luôn ngắt máy sau mỗi lần nghe phóng viên hỏi về vụ việc.

Học viên giấu tên nói về nguyên do sự việc xảy ra đã 4-5 tháng nay mà đến giờ mới phản ánh là vì họ muốn chờ đợi chính quyền giải quyết theo pháp luật. Họ chia sẻ vụ việc này với mong muốn ngăn chặn hành vi sai trái của một số cán bộ lợi dụng chức quyền, chứ không có ý định trả đũa hay bôi xấu ai cả.

Theo học viên này, hồi năm 2018, những người tu tập PLC ở Dĩ An, Bình Dương cũng từng bị chính quyền ngăn chặn triệt để việc tập luyện nơi công cộng. Thậm chí có người bị công an ập vào nhà lục soát, lấy đi sách vở, tài liệu và cả giấy tờ tuỳ thân của học viên PLC, mà không có lệnh khám xét.

Trong năm qua, tình trạng học viên PLC bị sách nhiễu, tấn công diễn ở khắp nơi, bao gồm các tỉnh thành như Đà Lạt, Bình Dương, Bến Tre, Dak Lak… Báo chí nhà nước nhiều lần đưa tin rằng PLC lừa đảo, hoang tưởng… Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dưới sự kiểm soát của Nhà nước cũng đăng một số bài viết chỉ trích bộ môn PLC.

RFA (27.12.2022)

 

 

Facebooker Phan Văn Phú bị án hai năm ba tháng tù với cáo buộc xúc phạm lãnh đạo

Ông Phan Văn Phú tại tòa Courtesy VietnamNet

Facebooker Phan Văn Phú, 42 tuổi quê Bến Tre, vào ngày 26/12 bị Tòa án Quận Bình Tân, Thành phố Sài Gòn tuyên hai năm ba tháng tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” theo điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn cáo trạng nêu rằng từ năm 2015, ông Phan Văn Phú tạo và quản lý tài khoản Facebook “Gấu đại ca”. Từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022, ông Phú đăng lên tài khoản Facebook cá nhân năm  bài viết mà cơ quan chức năng cho có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Sở Thông Tin- Truyền Thông TP.HCM giám định năm bài viết trên tài khoản Facebook của ông Phan Văn Phú mang nội dung “xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác” theo điểm a, khoản 3, Điều 16 Luật an ninh mạng năm 2018.

Tin nói tại tòa, ông Phan Văn Phú trình bày do bức xúc vì nộp đơn tố cáo nhưng không được giải quyết nên đăng tải các bài viết kể trên, chứ không nhằm mục đích chống phá Nhà nước, xúc phạm lãnh đạo.

Mức án hai măm ba tháng tù cho ông Phan Văn Phú được nói vì gia đình ông này có công với cách mạng, và bản thân thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

RFA (26.12.2022)

 

 

Hai người bị CSVN tuyên án tù vì bị cáo buộc ‘chống chế độ’

Một người bị kết án năm năm tù ở An Giang và một người khác bị hai năm tù ở Sài Gòn chỉ một ngày sau Lễ Giáng Sinh 2022 với cáo buộc “chống chế độ”.

Một số báo tại Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Như Phương, 31 tuổi, bị tòa án ở An Giang kết án năm năm tù vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Còn ông Phan Văn Phú, 42 tuổi, bị tòa án ở Sài Gòn kết án hai năm tù với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Ông Nguyễn Như Phương bị án năm năm tù vào ngày 26 Tháng Mười Hai, 2022. (Hình: Zing)

Ông Nguyễn Như Phương là cư dân sống và kinh doanh ở thành phố Vũng Tàu trong khi ông Phú quê quán ở Bến Tre. Ông Phương sẽ còn bị đưa về tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để lãnh thêm một bản án khác với cáo buộc “tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.”

Ông Nguyễn Như Phương từng du học Nhật Bản từ năm 2014, sau đó kinh doanh hàng hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam nên đi đi về về giữa hai nước thường xuyên kể cả thời kỳ dịch COVID-19 còn nghiêm trọng.

Ông bị cáo buộc là dùng các trang cá nhân trên Facebook có tên Nguyễn Phương và Phương Hàng Nhật, Hoàng Dũng, Phạm Minh Vũ, để đăng tải lại bài của các trang mạng “phản động” khác, phổ biến lời bình luận, hình ảnh và các video clip “tuyên truyền xuyên tạc, chống phá” chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam.

Báo mạng VietNamNet thuật lại phiên tòa còn nói ông Phương là thành viên của nhóm “No U Sài Gòn,” “tham gia vào một nhóm tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện, tổ chức biểu tình, phát tán tài liệu phản động” và “chửi bới, lăng mạ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của các lãnh đạo cấp cao và của các cơ quan thực thi pháp luật… với mục đích chống phá đảng, nhà nước.”

Ông bị bắt vào cuối Tháng Tám vừa qua ở Vũng Tàu, chỉ hơn hai tháng sau khi ông lập gia đình, ban đầu bị vu cho là “tàng trữ trái phép chất ma tuý” và “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy,” sau lại áp đặt thêm tội chính trị rồi đưa về An Giang kết án.

VietNamNet dẫn phiên tòa vu cho ông “gây kích động, mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết nội bộ, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, công tác phòng, chống dịch của cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng.”

Cũng trong ngày 26 Tháng Mười Hai, tòa án quận Bình Tân ở Sài Gòn đã kết án ông Phan Văn Phú hai năm ba tháng tù vì bị vu cho tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để đả kích chế độ độc tài tại Việt Nam. Ông bị cáo buộc sử dụng trang Facebook “Gấu đại ca” đăng tải một số bài viết “xúc phạm” đám lãnh đạo đảng và nhà nước.

Phan Văn Phú tại phiên xử sơ thẩm ở Sài Gòn ngày 26 Tháng Mười Hai, 2022. (Hình: VietnamNet)

Tin tường thuật phiên xứ nói rằng ông Phú “bức xúc vì nộp đơn tố cáo” đã bị tảng lờ nên mới viết trên mạng bày tỏ sự phẫn nộ. Bản án của ông Phú tương đối nhẹ so với nhiều người khác vì “gia đình ông này có công với cách mạng” và cá nhân ông “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải,” theo tờ Thanh Niên kể lại.

Từ đầu năm đến nay chế độ Hà Nội ít nhất đã bắt giam 22 người với các cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước với bản án có thể đến 20 năm tù. Số người đã bị kết án khoảng 15 người, số người còn lại đang bị giam giữ chưa có án gồm những người vận động dân chủ hóa đất nước nổi tiếng như bà Nguyễn Thúy Hạnh, ông Trương Văn Dũng, ông Bùi Tuấn Lâm.

Người Việt (26.12.2022)

 

 

Nguyễn Thúy Hạnh và cái Tết thứ 2 trong tù mà không có án

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người khởi xướng Quỹ 50K giúp gia đình tù nhân lương tâm

Giới xã hội dân sự bày tỏ sự cảm thương trước việc bà Nguyễn Thúy Hạnh phải trải qua cái Tết thứ nhì trong tù trong lúc chưa có án.

Mai Nguyen Nguyen chia sẻ: “Năm hết Tết đến, thêm một mùa đông lạnh lẽo lủi thủi một mình, hết nhà tù rồi chuyển đến bệnh viện tâm thần. Đã hơn 8 tháng chị sống cùng với những bệnh nhân tâm thần và không biết ở đây đến khi nào?

Chắc hẳn khó ai quên được chị, quên được quỹ 50K. Nhớ những ngày cuối năm của tháng 12 chị thường bảo với tôi rằng chị rất bận bịu vì phải tính toán giúp các gia đình tù nhân lương tâm để họ có được chút tiền nhỏ nhoi,có chiếc bánh,cái kẹo trong cái tết nơi nhà tù. Một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài, chị xót xa thương những thân tù”.

Nhớ lời chị nói, tôi đau thắt ruột , bởi hôm nay chị lại là tù nhân lương tâm mà em không thể giúp gì được cho chị trong lúc này.

Nhớ ngày còn quỹ 50K chị luôn công khai rõ ràng, minh bạch và câu đầu tiên của chị luôn viết “Quỹ 50K – Yêu thương và chia sẻ”. Từ khi chị bị bắt, các gia đình tù nhân lương tâm ít ai chia sẻ, nhiều gia đình lâm vào khó khăn. Tết đến càng thấy đau lòng. Những đứa trẻ vắng cha, thiếu mẹ kia rồi sẽ đi đâu về đâu khi không còn sự chia sẻ, giúp đỡ của quỹ 50K.

Thương chị! Sự hy sinh của chị quá lớn. Tuổi chị cũng đã xế chiều, mong chị hãy vượt qua ải khổ này, mạnh khoẻ rồi chị về trong những vòng tay ấm. Chị xứng đáng là đóa hồng dân chủ.”

Hồi tháng 5, sau hơn một năm bị giam cầm về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” mà chưa được xét xử, bà Nguyễn Thúy Hạnh bị chuyển sang viện pháp y tâm thần để chữa trị, theo tin từ gia đình.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, cho VOA biết rằng Cơ quan điều tra ở Hà Nội đã đưa bà Hạnh đi chữa bệnh bắt buộc tại viện pháp y tâm thần trung ương sau hai lần giám định vì bị rối loạn trầm cảm cấp tính.

Ông Chênh nói:

“Sau khi đưa đi giám định pháp y thì người ta nói Hạnh đang bị bệnh nên đưa đi chữa. Qua hơn một năm kể từ khi bị bắt là đã quá hai lần gia hạn tạm giam thì vẫn chưa có kết luận điều tra.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, 59 tuổi, một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền và là người sáng lập Quỹ 50K để hỗ trợ đời sống cho gia đình các tù nhân lương tâm, bị công an Hà Nội bắt giam vào ngày 7/4/2021, với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, với mức án có thể tới 20 năm tù.

Gia đình bà Hạnh cho biết rằng các luật sư bào chữa vẫn chưa được phép tiếp xúc với bà.

Đất Việt (26.12.2022)

 

 

Ông Nguyễn Như Phương bị án 5 năm tù với cáo buộc chống Nhà nước

Courtesy Zing

Ông Nguyễn Như Phương, 31 tuổi địa chỉ Bà Rịa- Vũng Tàu, vào ngày 26/12 bị Tòa án tỉnh An Giang tuyên năm năm tù giam và ba năm quản chế theo cáo buộc “làm, phát tán tài liệu, thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”. Ông Phương là người từng đăng tải đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của Đại tá Đinh Văn Nơi, trong đó vị cựu giám đốc Công an tỉnh An Giang từ chối đưa lực lượng công an đàn áp người dân về quê trốn phong tỏa.

Ông Nguyễn Như Phương được biết với cái tên Nguyễn Phương hay Phương Hàng Nhật là một nhà hoạt động nhân quyền có tham gia nhóm No-U Sài Gòn, một nhóm chủ trương chống “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ông nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng… cùng với những người Việt đang sinh sống và học tập ở Nhật Bản.

Ảnh FB Nguyễn Phương trong một cuộc biểu tình chống dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng tại Nhật Bản năm 2018.

Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang nêu rằng ngày 4/10/2021, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang phát hiện 3 tài khoản Facebook “Nguyễn Phương (Phương Hàng Nhật)”, “Hoàng Dũng”,“Phạm Minh Vũ” đăng tải nhiều thông tin, tài liệu, hình ảnh, file âm thanh có nhiều lượt người theo dõi, thích, bình luận với các nội dung xuyên tạc; kích động chống phá Đảng, Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức…

Vụ việc được chuyển đến Công an tỉnh An Giang, kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Như Phương tạo và sử dụng năm tài khoản Facebook. Trong đó có tài khoản “Nguyễn Phương”.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 3/10 năm ngoái, ông Phương đăng tải lại trên Facebook cá nhân đoạn video do ông Hoàng Dũng quay màn hình điện thoại, trong đó có đoạn ghi âm của ông Đinh Văn Nơi với một cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang.

Trong đoạn ghi âm, giọng của ông Nơi cho biết bị Chủ tịch tỉnh An Giang mắng vì để người dân về quê trốn phong tỏa, nhưng ông Nơi từ chối đưa lực lượng đàn áp bà con. Ông nói trong đoạn ghi âm trong đó có nhiều tiếng chửi thề:

“Chứ thật sự ra mà nói trên Sài Gòn nói bằng cái miệng chứ ai mà lo, DM* nó bỏ coi như là chết bờ, chết bụi, rồi nó bạo loạn thế này thế kia… Chứ DM* người ta có ăn có mặc ai mà đi về để làm gì?”

Trước đó, ngày 1/10/2022, hàng trăm ngàn người lao động ở Sài Gòn phá rào, đổ về quê ở các tỉnh thành khác trong cả nước khi có tin đồn sẽ có thêm lệnh phong tỏa, chồng lên thêm các lệnh phong tỏa hàng tháng trời để chống COVID-19 gây khó khăn cho đời sống của người dân.

Công an tỉnh An Giang sau đó cho rằng, file ghi âm này bị cắt ghép, nội dung bình luận của trang Facebook “Hoàng Dũng” về file ghi âm là bịa đặt, làm ảnh hưởng đến uy tín đại tá Đinh Văn Nơi – giám đốc Công an tỉnh An Giang, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công an tỉnh này không cho biết đoạn ghi âm bị cắt ghép như thế nào, có làm ảnh hưởng đến nội dung câu chuyện hoặc có hay không việc tồn tại cuộc nói chuyện của ông Đinh Văn Nơi.

Ông Hoàng Dũng (hiện đang sống ở Mỹ), người đầu tiên đăng tải đoạn ghi âm của ông Nơi chưa có bình luận gì về vụ việc.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Nguyễn Phương, trên Facebook cá nhân cho biết: “Mẹ và vợ ông Nguyễn Như Phương được đưa vào khán phòng trực tiếp dự phiên tòa.

… Nhất quán trong quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông Phương giữ quan điểm thừa nhận hành vi, gồm các tài khoản Facebook và các bài viết bị cáo buộc vi phạm pháp luật.”

Ngày 29/9, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh An Giang đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Như Phương điều tra về tội “làm, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Trước đó vào ngày 30/8, ông Nguyễn Như Phương bị Công an TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tạm giam điều tra liên quan đến vụ án gọi là “tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Theo thống kê của Đài Á châu Tự do, trong năm 2022, có ít nhất 22 người đã bị bắt theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự (BLHS) – Làm, tàng trữ phát tán tài liệu thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước, và Điều 331 BLHS – Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Số bị án tù theo hai điều trên tính đến thời điểm này của năm 2022 là hơn 15 người.

RFA (26.12.2022)

 

 

‘Phương hàng Nhật’ bị CSVN tuyên 5 năm tù

Ông Nguyễn Như Phương

Giới luật sự xác nhận ông Nguyễn Như Phương, tự Phương “hàng Nhật”, bị tuyên phạt 5 năm tù giam với cáo buộc vi phạm điều 117 sau một phiên tòa “chớp nhoáng”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết: “Hôm 26/12, Tòa án tỉnh An Giang đưa ông Nguyễn Như Phương ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm hình sự. Ông Phương bị truy tố theo điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Mẹ và vợ ông Nguyễn Như Phương được đưa vào khán phòng trực tiếp dự phiên tòa.
Ông Phương, 31 tuổi, cư trú tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 2014, ông du học tại Nhật Bản, sau đó, mở cửa hàng chuyên doanh hàng Nhật nhập khẩu vào Việt Nam.

Trên trang Facebook Nguyễn Phương, ông thường lên tiếng chia sẻ về nhiều vấn đề chính trị, xã hội. Theo đó, nhiều bài viết của ông đã bị cơ quan chức năng đưa đi giám định với kết luận hết sức tiêu cực, có nội dung chống các thực thể chính trị như Nhà nước, Đảng Cộng sản và các lãnh đạo cao cấp. Gây mất trật tự công cộng, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng, bất an trong xã hội…

Nhất quán trong quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông Phương giữ quan điểm thừa nhận hành vi, gồm các tài khoản Facebook và các bài viết bị cáo buộc vi phạm pháp luật.
Kết thúc phần xét hỏi, trong lời kết luận, Viện Kiểm sát đề nghị mức hình phạt từ 5 đến 7 năm tù giam và 3 đến 4 năm quản chế sau khi thụ án.

Sau phần nghị án chóng vánh, hội đồng xét xử tuyên ông Nguyễn Như Phương có tội theo điều luật 117 BLHS, chịu hình mức hình phạt 5 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Vụ án có tình tiết đơn giản nên thời gian xét xử ngắn, chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ. Phiên tòa khai mạc lúc 8h15′, kết thúc lời tuyên án vào lúc 10h30′ sau bản án dài 15 phút.

Kết thúc phiên tòa, ông Nguyễn Như Phương được di lý về trại tạm giam Bà Rịa, nơi ông đang bị điều tra về một vụ án khác đã khởi tố.

Hình phạt chồng hình phạt là một khả năng rất thật và đầy khó khăn mà ông Nguyễn Như Phương phải đối diện trong thời gian sắp tới.”

Đất Việt (26.12.2022)

 

 

Có thể ‘làm báo tử tế’ dưới chế độ độc đảng hay không?

Mặt sau màn hình máy tính của một nhà báo Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội vào ngày 26 tháng 1 năm 2021. AFP

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 của báo VietNamNet, Tổng Biên tập tờ báo này là ông Nguyễn Văn Bá cam kết “VietNamNet sẽ làm báo tử tế bằng cách không chạy theo thị hiếu, tập trung vào các nội dung thiết thực như báo chí toàn dân, báo chí giải pháp, báo chí truyền cảm hứng, tạo niềm tin xã hội.

Ông Nguyễn Văn Bá mới đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập Báo VietNamNet từ ngày 1 tháng 12 năm 2022. Trước đó, ông Bá giữ vị trí Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Báo VietNamNet là tổ chức trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện chức năng cơ quan ngôn luận của Bộ; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin về lĩnh vực thông tin và truyền thông, tình hình đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội trong và ngoài nước.

Phát ngôn của vị tân tổng biên tập được dư luận trong nước quan tâm, bởi nguyên tắc cơ bản nhất của báo chí là sự thật, tôn trọng sự thật khách quan. Nếu đã là nguyên tắc thì tại sao còn phải đặt quyết tâm?

Tôi không lạc quan nhưng tôi thấy đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Những người làm báo ở Việt Nam họ sẽ có cách khôn ngoan để họ tồn tại. Chẳng hạn như họ đưa một cái tin lên rồi sau đó bị gỡ xuống. Chuyện đó xảy ra rất nhiều rồi. Tôi hết sức thông cảm cho những người làm báo trong nước. Như thế là họ dũng cảm lắm rồi. – Nhà báo Trần Ngọc Tuấn 

Liệu đây có là chỉ dấu cho một nền báo chí tự do, tôn trọng sự thật hay không? Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông:

“Chưa chắc đâu vì VietNamNet là một cơ quan báo điện tử nằm dưới sự lãnh đạo của Ban tuyên giáo, của Bộ chính trị, của trung ương, cho nên cá nhân ông này có thể là xao động trước những tiến bộ của mạng xã hội nên nói thế.

Bây giờ các tờ báo, các trang web của truyền thông chính thống nhà nước mất uy tín, cho nên ổng nói như thế mang tính chất mị dân, mang tính chất vớt vát thôi chứ không tin được đâu Họ nói như thế có nghĩa họ thừa nhận từ trước đến nay truyền thông trong nước bị khống chế, bị chỉ đạo, không được tự do báo chí.

Mà không cẩn thận thì sau tuyên bố như thế ông này có khả năng bị hạ tầng công tác, bị thuyên chuyển công tác vì họ phát hiện ông tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đây là điều mà Đảng và Nhà nước chống rất mạnh.”

Luật Báo chí Việt Nam hiện hành cũng quy định báo chí không được đưa tin sai sự thật. Tuy nhiên, tất cả báo chí Việt Nam hiện nay đều nằm dưới sự chỉ đạo, quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Một số nhà báo cho rằng, với sự quản lý như thế thì chuyện làm báo tử tế chỉ là nói cho vui mà thôi. Nhà báo Trần Ngọc Tuấn từ Cộng hòa Séc nói với RFA sáng 22 tháng 12:

“Không bao giờ có được. Làm sao có thể làm báo tử tế và trung thực trong một thể chế mà báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng?

Báo chí sẽ có tự do thì mới làm báo tử tế được. Phải thay đổi thể chế để có tự do báo chí. Không thể làm báo tử tế trong một thể chế độc tài với sự kiểm duyệt của ban tuyên giáo và bao nhiêu cơ quan khác như ban văn hóa, ban an ninh… Cái đấy rất khó.

Tôi không lạc quan nhưng tôi thấy đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Những người làm báo ở Việt Nam họ sẽ có cách khôn ngoan để họ tồn tại. Chẳng hạn như họ đưa một cái tin lên rồi sau đó bị gỡ xuống. Chuyện đó xảy ra rất nhiều rồi. Tôi hết sức thông cảm cho những người làm báo trong nước. Như thế là họ dũng cảm lắm rồi.”

Chuyện báo chí đưa tin lên rồi gỡ xuống, thậm chí xử phạt một số tờ báo từng xảy ra từ nhiều năm qua.

Tháng 7 năm 2021, Báo Dân trí bị xử phạt hành chánh với lý do đưa tin sai sự thật trong bài “Nam sinh 22 tuổi tử vong khi mắc COVID-19” trước đó. Theo cơ quan xử phạt là Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thông tin sai gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Nhà nước.

Trước đó hai năm, một số cơ quan báo chí gồm các báo điện tử Dân Việt, Tổ Quốc, VnExpress, Báo Thanh Niên, Tạp chí Ngày Nay và tạp chí điện tử Ngày nay bị phạt với cáo buộc đưa tin sai sự thật, mục đích ghi trong giấy phép.

Cụ thể, Báo điện tử Dân Việt đã đưa thông tin bị cho sai sự thật trong bài viết “Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư TP.HCM”. Vi phạm này được xác định “do lỗi kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống quản lý tin bài đã xuất bản tin chờ”.

Báo điện tử Tổ Quốc bị nói vi phạm đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Báo VnExpress bị cho đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng và báo Thanh Niên bị xử phạt 45 triệu đồng do đưa “thông tin sai sự thật trong loạt bài viết đăng tháng 5-2020 về một số dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại TP Hải Phòng”.

Ông ấy mới lên tổng biên tập ổng cũng quyết tâm làm một tờ báo cho nó đàng hoàng, nhưng tôi không đặt nhiều hy vọng ở chuyện tử tế ở báo chí Việt Nam. Bởi vì cái này là cả một hệ thống nó sai và họ sống bằng dối trá, bằng tuyên truyền. – Nhà báo Võ Văn Tạo

Với những chuyện xảy ra như thế, Nhà báo Võ Văn Tạo không tin Việt Nam sẽ có báo chí tử tế theo đúng nghĩa của nó. Ông nói:

“Có hai cái người ta có thể luận ra được qua câu nói của tân tổng biên tập Nguyễn Văn Bá. Thứ nhất là ông ấy chỉ nói để đánh lừa dư luận thôi. Thứ hai là ổng thật lòng muốn như thế, bởi vì ngành báo chí của Việt Nam bây giờ sa sút chất lượng nhiều quá về mặt đạo đức nhà báo. Ông ấy mới lên tổng biên tập ổng cũng quyết tâm làm một tờ báo cho nó đàng hoàng, nhưng tôi không đặt nhiều hy vọng ở chuyện tử tế ở báo chí Việt Nam. Bởi vì cái này là cả một hệ thống nó sai và họ sống bằng dối trá, bằng tuyên truyền. Những người hiểu về báo chí đều biết rằng Việt Nam không có hệ thống báo chí theo đúng nghĩa của nó. Báo chí là hệ thống tuyên truyền.

Cái chữ ‘tử tế’ ở đây người ta không dùng cho chuyện báo chỉ trung thành với đảng, phải chấp hành những yêu cầu của đảng. Báo chí ‘tử tế’ phải là một tờ báo đàng hoàng, không lem nhem.”

Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022. Theo đó, Việt Nam bị xếp ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một hạng so với năm ngoái, và là quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù đứng thứ ba trên Thế giới.

RFA (25.12.2022)

 

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhìn nhận ra sao về pháp luật hình sự của Việt Nam?

Hệ thống pháp lý hình sự Việt Nam vẫn còn mang khái niệm về pháp lý của Khổng tử truyền thống xem như là công cụ để trừng phạt sự phá hoại trật tự xã hội, và nói chung “quyền lợi” của xã hội được đặt lên trên quyền lợi cá nhân.

“Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cam kết đảm bảo đối xử công bằng và nhân đạo đối với công dân Hoa Kỳ bị phạt tù ở nước ngoài. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ công dân Hoa Kỳ đang bị bắt giữ và gia đình họ trong phạm vi thẩm quyền mà pháp luật quốc tế, luật nội địa và luật của nước sở tại cho phép”.

Toàn văn của thông báo mang tính tham vấn khuyến cáo này như sau:

 

Nếu quý vị bị bắt…

Nếu bị bắt, quý vị nên yêu cầu chính quyền thông báo đến Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM. Viên chức Lãnh sự không thể giúp quý vị tại ngoại (khi quý vị ở nước ngoài, quý vị phải tuân thủ luật pháp của nước đó). Tuy nhiên, chúng tôi có thể giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của quý vị và đảm bảo quý vị không bị đối xử ngược đãi.

Viên chức Lãnh sự có thể cung cấp cho quý vị danh sách luật sư, viếng thăm quý vị, cho quý vị biết thông tin chung về luật pháp ở nước sở tại và liên lạc với gia đình và bạn bè của quý vị.

Viên chức lãnh sự có thể chuyển tiền, thực phẩm và quần áo gửi từ thành viên gia đình và bạn bè của quý vị đến trại giam. Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho quý vị giảm bớt sự căng thẳng nếu như quý vị bị đối xử không nhân đạo hoặc tình trạng sức khỏe của quý vị không được tốt.

 

Điều gì có thể xảy ra và khi nào xảy ra

Điều đầu tiên công dân Hoa Kỳ bị chính quyền Việt Nam bắt giữ phải hiểu rằng là có một sự khác biệt khá lớn giữa hệ thống pháp lý và khái niệm pháp lý của Việt Nam với khái niệm và việc thi hành luật pháp tại Hoa Kỳ.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Thành phố Sài Gòn sẽ làm mọi cách có thể để bảo đảm công dân Hoa Kỳ bị buộc tội tại Việt Nam có được sự bảo vệ và quyền lợi của người bị tạm giữ theo luật pháp Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi không thể bảo đảm bất kỳ một sự bảo vệ nào hay bảo đảm vụ việc sẽ xảy ra theo như luật pháp Hoa Kỳ.

Việc bảo vệ quyền lợi cá nhân là điều bắt buộc quan trọng nhất đối với luật pháp Hoa Kỳ.

Ngược lại, hệ thống pháp lý hình sự Việt Nam vẫn còn mang khái niệm về pháp lý của Khổng tử truyền thống xem như là công cụ để trừng phạt sự phá hoại của trật tự xã hội, và nói chung “quyền lợi” của xã hội được đặt lên trên quyền lợi cá nhân.

Công dân Hoa Kỳ không nên để xảy ra việc bị xét hỏi hung bạo hoặc bị kết án nếu không có người đại diện pháp lý.

Thay vào đó, quý vị có thể được giải quyết theo thủ tục pháp lý có cân nhắc kỹ càng và rằng Đại sứ quán và/hoặc Lãnh sự quán sẽ theo dõi diễn tiến về tình trạng pháp lý của quý vị.

Công dân Hoa Kỳ có thể cho là không công bằng khi xét trên khía cạnh về thủ tục pháp lý dựa trên hệ thống pháp lý Hoa Kỳ, nhưng thực tế, các thủ tục này thông thường đều đáp ứng với sự mong đợi của luật pháp Việt Nam.

Tờ thông tin này sẽ nêu tóm tắt những điều có thể xảy ra đối với công dân Hoa Kỳ bị tạm giữ ở Việt Nam.

Viên chức của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ được quyền cấp phép thăm công dân Hoa Kỳ bị tạm giữ và sẽ giúp họ sớm hiểu thêm về tình trạng của họ. Tuy nhiên, viên chức lãnh sự không thể điều tra tội phạm, hỗ trợ tư vấn pháp lý hoặc đứng ra làm đại diện cho công dân Hoa Kỳ tại tòa, làm thông dịch hoặc phiên dịch chính thức, hoặc thanh toán phí khám sức khỏe, phí pháp lý hoặc các chi phí khác cho công dân Hoa Kỳ.

 

Thông báo và viếng thăm

Thỏa thuận năm 1994 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ quy định phải thông báo ngay về việc bắt giữ và được viếng thăm lẫn nhau đối với công dân bị tạm giữ của mỗi nước trong vòng 96 giờ.

Những người mang hộ chiếu Hoa Kỳ khi vào Việt Nam bằng thị thực Việt Nam, bao gồm người có nguồn gốc Việt Nam, được chính phủ Hoa Kỳ xem như là công dân Hoa Kỳ nhằm mục đích thông báo và viếng thăm. Vì vậy, công dân Hoa Kỳ được khuyến cáo luôn mang theo mình bản sao các trang và dữ liệu hộ chiếu vì nếu viên chức Việt Nam có xét hỏi, quý vị có thể chứng minh ngay là quốc tịch Hoa Kỳ.

Cho dù có sự thỏa thuận năm 1994, các viên chức Hoa Kỳ tại Việt Nam rất ít khi được thông báo đúng lúc về việc một công dân Hoa Kỳ bị bắt hoặc bị tạm giữ.

Thông thường cũng có sự chậm trễ đáng kể trong việc viên chức Hoa Kỳ được cấp phép để có thể viếng thăm kịp thời các công dân Hoa Kỳ bị tạm giữ. Đìều này đặc biệt rất đúng khi công dân Hoa Kỳ đang bị tạm giữ trong giai đoạn điều tra, các cán bộ Việt Nam không cho rằng thỏa thuận song phương được bao hàm trong đó.

Giai đoạn điều tra có thể kéo dài cho đến hai năm tùy thuộc vào tính chất của tội phạm. Công dân Hoa Kỳ nên lưu ý rằng việc cấp phép viếng thăm là một vấn đề nan giải rất hiển nhiên khi công dân Hoa Kỳ được chính phủ Việt Nam xem như là công dân Việt Nam cho dù họ có bằng chứng là quốc tịch Hoa Kỳ.

Theo sự thỏa thuận năm 1994, công dân Hoa Kỳ bao gồm song tịch, có quyền được gặp viên chức lãnh sự nếu họ vào Việt Nam bằng hộ chiếu Hoa Kỳ, và họ nên xin liên lạc với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ.

 

Các bên liên quan

Hệ thống pháp lý Việt Nam được hình thành từ ba bộ phận. Cơ quan Công an Điều tra chịu trách nhiệm về việc điều tra, bắt giữ và ra lệnh bắt trong các vụ án hình sự. Bộ phận này tương tự như là cảnh sát tại Hoa Kỳ. Viện Kiểm Sát Nhân dân đưa ra và phê chuẩn lệnh bắt giữ, giám sát việc điều tra ban đầu và đề nghị truy tố công khai. Bộ phận này tương tự như vai trò của công tố viên tại Hoa Kỳ.

Bộ phận thứ ba là Tòa Án Nhân dân nơi xét xử các vụ án của người do công an bắt giữ và do Viện Kiểm Sát Nhân dân truy tố. Vai trò của bộ phận này cũng tương tự như hệ thống tòa án tại Hoa Kỳ.

Có sự cân đối rõ ràng giữa các cơ quan này so với các cơ quan tương ứng của Hoa Kỳ, tuy nhiên có thể không đồng nhất. Người đóng vai trò quan trọng nhất trong các vụ án hình sự là công an điều tra.

Công an điều tra có thể trước tiên xác định người tình nghi và sau đó có thể giữ người bị tình nghi trong một khoảng thời gian được gia hạn để xét hỏi và điều tra, nhưng họ thông thường không chính thức bắt giữ người bị tình nghi cho đến khi họ tin chắc một cách hợp lý rằng họ đã thu thập đủ bằng chứng để đảm bảo việc Viện Kiểm Sát Nhân dân phê chuẩn lệnh bắt giữ vàTòa Án Nhân Dân kết án.

 

Các giai đoạn của vụ án hình sự

Một vụ việc điển hình có thể chia ra thành các giai đoạn sau: 1. Điều tra ban đầu (Công an Điều tra hoặc Viện Kiểm sát Nhân dân); 2. Điều tra (Công an Điều tra); 3. Truy tố và chuẩn bị xét xử (Viện kiểm sát Nhân dân); 4. Ra tòa và tuyên án (Tòa án Nhân dân)

Điều tra: Trong quá trình điều tra, công an Việt Nam thường “mời” cá nhân đến để thẩm tra. Trong một vài trường hợp họ sẽ có giấy triệu tập hướng dẫn cá nhân phải có mặt tại một trụ sở công an nào đó vào một ngày và giờ cụ thể.

Người bị tình nghi thường không bị tạm giam ngay vào giai đoạn này nhưng có thể bị triệu tập để thẩm tra trong vài ngày hoặc có thể trong vài tuần. Nếu không phản hồi lời mời của công an có thể được xem như là sự thừa nhận tội và rất có thể dẫn đến việc tạm giữ cá nhân đó.

Nếu như công an tin rằng họ đã xác định được vụ án nghiêm trọng, họ có thể chọn việc tạm giam cá nhân này tại trại tạm giam, hạn chế cá nhân đó di chuyển khỏi nơi ở hoặc tịch thu hộ chiếu.

Như đã lưu ý ở trên, việc điều tra là giai đoạn quan trọng nhất và có thể kéo dài cho đến bốn tháng trong giai đoạn đầu. Việc điều tra thường sẽ được gia hạn vài lần cho dù trong các vụ án thường lệ nhất. Trong các vụ án phức tạp, giai đoạn này có thể kéo dài cho đến cả năm hoặc hơn.

Và ngay tại thời điểm này, công an điều tra xác định người bị tình nghi, và bắt đầu mở ”cuộc điều tra ban đầu”.  Người bị tình nghi có thể bị tạm giam tại thời điểm này, có thể bị trả tự do theo sự giám hộ của người nào đó đứng ra bảo lãnh (Đại Sứ Quán hoặc Lãnh Sự Quán không thể bảo lãnh người bị tình nghi”), có thể bị tịch thu hộ chiếu nhưng được trả tự do, hoặc có thể ở tại nhà “dưới sự giám sát”.

Thông thường, người bị tạm giam có thể liên lạc với thành viên gia đình hoặc tư vấn với luật sư và phải được cơ quan chức năng hoặc công an điều tra chấp thuận. Việc yêu cầu được gặp mặt thành viên gia đình hoặc luật sư không phải lúc nào cũng được chấp thuận.

Theo Thỏa thuận năm 1994 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, việc tạm giữ công dân Hoa Kỳ phải được thông báo đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ trong vòng 96 giờ.

Sau khi thực sự nhận thông báo, viên chức Hoa Kỳ sẽ được phép viếng thăm công dân Hoa Kỳ bị tạm giữ và khi cần thiết, sẽ được sắp xếp việc hỗ trợ pháp lý. Như đã lưu ý trước đây, việc thông báo và cấp phép viếng thăm vẫn còn là vấn đề nan giải.

Người bị tình nghi có thể bị thẩm tra trong suốt quá trình bị tạm giam, tuy nhiên sẽ được bảo vệ nếu bị ngược đãi. Bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào cảm thấy bị ngược đãi thì nên trình vụ việc này lên cho viên chức lãnh sự sớm nhất có thể và Đại Sứ Quán và/hoặc Tổng Lãnh Sự Quán, với tư cách là đại diện người công dân, sẽ có quyết định trong việc gửi thư phản đối chính thức.

Ra lệnh bắt: Nếu công an điều tra có kết luận từ các cuộc điều tra rằng các chứng cứ thu thập đủ chứng minh cho việc bắt giữ, công an điều tra có thể ra lệnh bắt với điều kiện là phải được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân ở cùng cấp trước khi thực hiện việc ra lệnh bắt.

Trong trường hợp bắt khẩn cấp, lệnh bắt có thể được thực hiện trước khi Viện Kiểm sát Nhân dân phê chuẩn.  Tuy nhiên Viện Kiểm sát Nhân dân có khoảng 12 giờ đồng hồ để phê chuẩn hay không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp.

Thực ra, công an sẽ không đưa lệnh bắt nếu không có sự tin chắc rằng việc bắt giữ đó sẽ được Viện Kiểm sát Nhân dân phê chuẩn. Tuy nhiên, trong các vụ án phức tạp, Viện Kiểm sát sẽ trả hồ sơ cho Công an  điều tra để điều tra bổ sung, thực sự để bắt đầu lại và/hoặc gia hạn quá trình điều tra.

Chuẩn bị xét xử: Sau khi kết thúc vụ việc điều tra, công an phải làm bản kết luận điều tra hoặc đề nghị truy tố hoặc đình chỉ việc điều tra. Vụ án sẽ được chuyển giao lại cho Viện Kiểm sát Nhân dân trong vòng hai tháng để “chuẩn bị xét xử” mà trong thời gian này Viện Kiểm sát Nhân dân sẽ xem xét chứng cứ và bản báo cáo điều tra của công an điều tra có chính xác hay không.

Xin lưu ý rằng, trong giai đoạn này, người bị tình nghi được quyền tư vấn với luật sư. Nếu như Viện Kiểm sát “đưa ra bản cáo trạng” hoặc đề nghị truy tố công khai người bị tình nghi, vụ án sau đó sẽ được chuyển đến Tòa án Nhân dân.

Phiên tòa: Theo hệ thống pháp luật Việt Nam, bản cáo trạng chính thức phải được giao cho người bị đơn trong vòng ba ngày kể từ ngày cấp.

Phiên tòa thông thường không lâu và thường kéo dài trong vòng một hay hai ngày. Viện Kiểm sát Nhân dân sẽ không đưa vụ án ra tòa cho đến khi họ tin rằng việc kết án sẽ diễn ra nhanh chóng.

Vì lý do này, luật sư bào chữa rất khó đảm nhận vai trò đối lập tại tòa. Vì vậy, luật sư dường như không bảo vệ quyền lợi của người bị đơn bằng cách công kích như khách hàng vẫn nghĩ, vì nhiệm vụ của luật sư phần nhiều là thiên về phía chính quyền và xã hội hơn là phía người bị đơn.

Trong một vài trường hợp, người bị đơn mang quốc tịch Hoa Kỳ có thể thất vọng khi biết rằng luật sư dường như đồng tình với tội danh của người bị đơn và chỉ đảm nhận vai trò làm cho bản án được nhẹ hơn. Trong thực tế, việc này thường xảy ra bởi vì đây chính là điều mà luật sư mong đợi tại phiên tòa Việt Nam.

Phiên tòa do thẩm phán chủ tọa và hai bồi thẩm nhân dân, còn được gọi là “viên hội thẩm công dân”, hoặc có thể gồm hai thẩm phán và ba bồi thẩm nhân dân trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp.

Tòa án Nhân dân sẽ nghe luận tội, xét hỏi người bị đơn và những người làm chứng, cho phép đối chất lời chứng, và nghe những chứng cứ do Viện Kiểm sát trình bày.

Vai trò của tòa án là để xác minh chứng cứ do công an điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân và luật sư thu thập. Quyền lợi của người bị đơn để trình chứng cứ và các bằng chứng tại tòa rất giới hạn vì rằng phần lớn tòa án dựa vào các chứng cứ trên tài liệu và sự kết luận của các cơ quan chính quyền.

Luật sư sẽ đại diện cho người bị đơn tại phiên tòa và sẽ có một người phiên dịch. Phiên tòa thường mở công khai và viên chức thường được phép tham dự phiên tòa.

Tuyên án: Tùy theo mức độ của tội phạm và thái độ của người bị đơn, những người bị kết án có thể nhận khung hình phạt theo Bộ luật Hình sự, việc thi hành án từ ngăn chặn hoặc phạt tiền cho đến chung thân hoặc ngay cả tử hình. Tùy thuộc vào mỗi vụ án, công dân Hoa Kỳ bị kết án có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Kháng cáo: Việc kháng cáo có thể đưa ra trong vòng mười lăm ngày tính từ ngày tuyên án. Trong suốt quá trình này, viên chức lãnh sự sẽ thực hiện.

 

Nguồn: https://vn.usembassy.gov/u-s-citizen-services/arrest-of-a-u-s-citizen

VNTB (24.12.2022)