Ngô Thế Vinh
Tiếng Dân
4-1-2023
Hình 1: Võ Tòng Xuân lần đầu được gặp chú Sáu Dân năm 1976 ở Đại Học Cần Thơ. Chú Sáu Dân, là tên gọi bình dân của ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, sau này là Thủ Tướng Chính phủ. Hình chụp ông Võ Văn Kiệt trong một buổi gặp gỡ các trí thức Việt kiều, và trí thức đào tạo ở Miền Nam trước 1975. Hàng đứng từ trái: TS Võ Tòng Xuân lúc đó 36 tuổi, Trưởng bộ môn trồng trọt Khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ; GS Nguyễn Ngọc Trân, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên Cứu về ĐBSCL, chuyên gia Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Trưởng ban Việt kiều Trung ương; Phạm Hùng Phi, Phó Giám đốc Trung Tâm Khoa Học Kỹ Thuật TP.HCM; Nguyễn Văn Huấn (Ba Huấn),Trợ lý của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, sau này làm Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM. Ảnh tư liệu Võ Tòng Xuân.
TIỂU SỬ
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em. Do lao động quá sức, lại ăn uống thiếu thốn, VTX bị lao phổi phải nghỉ học một thời gian. Là học sinh trường Kỹ thuật Cao Thắng, tới năm 1961, xong bậc trung học, ở tuổi 21, khao khát được đi du học, nhân có cuộc thi tuyển học bổng của Đại học Nông Nghiệp Los Baños, Philippines, Võ Tòng Xuân nộp đơn dự thi và đã trúng tuyển. Đang từ một thanh niên ham thích kỹ thuật máy móc, nay chuyển sang ngành nông nghiệp, phải nói đây là một khúc rẽ định mệnh tốt đẹp cho Võ Tòng Xuân. Anh đã thích nghi và say mê ngay với môi trường nông nghiệp. Năm 1966, tốt nghiệp Cử nhân (BS / Bachelor of Science) về Nông Hóa, VTX được nhận vào làm nghiên cứu sinh cho Viện Lúa Gạo Quốc Tế / IRRI (International Rice Research Institute) Los Baños nổi tiếng Á Châu và của cả thế giới. Học tiếp Cao học, VTX tốt nghiệp Thạc Sĩ (MS / Master of Science) năm 1971.
Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
Đáp lời kêu gọi của GS Nguyễn Duy Xuân, VTX ở tuổi 32 đã quyết định rời Los Baños trở về nước. Tại Đại Học Cần Thơ, nhà nông học trẻ VTX được trọng dụng, có cơ hội thăng hoa phát triển hết tài năng của mình. Ngoài công việc giảng dạy lý thuyết nơi giảng đường, VTX đã cùng với đám sinh viên đằm mình trên ruộng đồng, khảo sát thổ nhưỡng, phân định các vùng đất phèn, thử nghiệm các giống lúa mới và cây trồng, hướng dẫn nông dân trồng lúa cao sản – High-Yielding Variety, đã được nhập từ Viện Lúa Gạo Quốc Tế (IRRI) từ 1966-68, thời Bộ trưởng Canh Nông GS Tôn Thất Trình (1931-2021). Lúa cao sản mà nông dân quen gọi là Lúa Thần Nông / Miracle Rice, với đặc tính là thân lùn, ngắn ngày và năng suất cao, mở đầu cho một cuộc “Cách Mạng Xanh – Green Revolution” đang lan tỏa ra toàn cầu.
Với kinh nghiệm trước đó đã từng cộng tác với Đài phát thanh Philippines thời còn là sinh viên ở Los Baños, năm 1972 khi về nước, Võ Tòng Xuân đã mạnh dạn đề nghị với Đài phát thanh Sài Gòn xây dựng “Chương trình Gia đình Bác Tám”, là một chương trình giáo dục về canh nông với VTX viết kịch bản chuyên môn kiêm diễn viên chính. Chương trình hàng ngày được phát thanh lúc 5 giờ sáng trước khi nông dân vác cuốc ra đồng, nhằm phổ biến kỹ thuật nông nghiệp phổ thông qua những màn thoại kịch ngắn duyên dáng và hấp dẫn có sức cuốn hút rộng khắp, vào xa tới cả các mật khu. Chú Sáu Dân cũng đã từng là thính giả biết tiếng Anh Ba Xuân qua chương trình này. Như một giai thoại, khi anh Bảy Khai tức Phạm Sơn Khai vào tiếp quản Đại học Cần Thơ đã hỏi ngay giữa hội trường: “GS Võ Tòng Xuân – Gia đình Bác Tám còn đây không?” Phạm Sơn Khai sau này giữ chức Viện Trưởng ĐH Cần Thơ trong suốt 10 năm từ 1976 – 1986, thay thế GS Nguyễn Duy Xuân, tuy tình nguyện ở lại nhưng vẫn bị bắt đi cải tạo và đã chết trong trại tù Ba Sao, Hà Nam Ninh 11 năm sau (1986).
Trước 1975, trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ mỗi năm đều được Nhật Bản gửi sang nhóm giáo sư giảng dạy và nghiên cứu. Trong số đó phải kể tới một tên tuổi: Giáo Sư Jun Inouye, rất mê say cây lúa, đã cùng Võ Tòng Xuân nghiên cứu các loại lúa nhiệt đới của ĐBSCL. Với 3 công trình nghiên cứu được đăng trên một tạp chí uy tín Crop Science của Nhật Bản, GS Jun Inouye đã bảo trợ cho Võ Tòng Xuân làm luận án tại chức. Năm 1974, VTX được sang Nhật để bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Kyushu nằm trong thị trấn trung tâm Fukuoka, trên đảo Kyushu – là một hải đảo lớn thứ ba phía cực nam của Nhật Bản). Luận văn là một đề tài liên quan tới các giống Lúa Nổi nơi ĐBSCL với nhan đề:
“On the Growth Habits of Double-and Single-Transplanted, and Floating Rices in the Mekong Delta*”. [Sự Tăng Trưởng Các Giống Lúa Mùa Nước Nổi Trong Biện Pháp Canh Tác Cấy Một Lần và Hai Lần]
VTX trở về Việt Nam với học vị Tiến sĩ Nông học, chỉ không đầy một tháng trước ngày 30-04-1975. Đại học Cần Thơ là cái nôi đã nuôi dưỡng VTX trước đó và ĐBSCL là môi trường cống hiến của nhà nông học VTX trong suốt cuộc đời những năm còn lại của ông về sau này.
Bảo rằng VTX là cha đẻ của giống lúa Thần Nông là không đúng, nhưng ông đã có công lớn thuyết phục nông dân nơi ĐBSCL chấp nhận trồng giống lúa cao sản, và đưa Việt Nam lên hàng thứ hai, sản xuất lúa gạo của thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan.
Nếu có một phim tài liệu / Documentary Film về VTX, thì đó cũng là lịch sử của các giống lúa và cả cây mía – đặc biệt là cây lúa cao sản Thần Nông, mở đường cho cuộc Cách Mạng Xanh / Green Revolution tại Việt Nam.
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CỦA ANH BA XUÂN
1976-1978 Chống dịch rầy nâu ĐBSCL: Sau 30/04/1975 đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của cả nước, đang từ một miền Nam sung túc, nay do quản lý kém đã trở nên thiếu thốn mọi thứ. Lại xảy ra thêm trận dịch rầy nâu (brown planthopper) tàn phá các cánh đồng lúa cao sản khắp ĐBSCL, mọi thuốc trừ sâu rầy đều vô hiệu, khiến nhiều gia đình nông gia hầu như sạt nghiệp. VTX lúc đó đã là một tên tuổi quen thuộc với nông dân ĐBSCL, từng là cha đẻ của chương trình phát thanh “Gia đình Bác Tám” trước 1975, Võ Tòng Xuân đã viết trang hồi ký về giai đoạn này: “Cuối năm 1976 đầu 1977 tại Tân Châu (An Giang) xuất hiện rầy nâu loại biôtýp mới. Lúc đó giặc rầy nâu khủng khiếp đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản. Hàng trăm ngàn bà con nông dân điêu đứng; nhiều người bán hết cả tủ thờ để đầu tư trừ rầy nâu nhưng vẫn thất bại, phải cột xuồng nối đuôi nhau đi sang các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để mua gạo ăn đong. Tôi đánh một điện tín ngay cho Viện Lúa quốc tế IRRI ở Philippines, và 2 tuần sau nhận được 4 bịch giống lúa mới nhất. Tôi và anh Nguyễn Văn Huỳnh đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất của 4 giống này, đã chọn được giống IR36, sau đó nhân ra khoảng 2 tấn lúa giống IR36”.
Võ Tòng Xuân kể thêm: “Chúng tôi đã thuyết phục được lãnh đạo Đại học Cần Thơ, tạm thời cho đóng cửa nhà trường, để tất cả ban giảng huấn và hơn 2000 sinh viên các khoa nông nghiệp và sư phạm cùng ra đồng tham gia chống dịch. Sau 2 ngày tập huấn cấp tốc, học cách gieo trồng giống lúa mạ mới kháng rầy, và rồi thầy trò đã hết lòng thuyết phục nông dân chấp nhận trồng giống lúa mới kháng rầy, với kết quả thần kỳ là qua mấy vụ “giống lúa cao sản mới kháng rầy” đã phủ xanh ĐBSCL và dịch rầy nâu hoàn toàn được khắc phục.”
VTX rất hãnh diện khi nhắc về giai đoạn đầy thử thách này: “Chiến thắng của nông dân ĐBSCL đối với con rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều phải thán phục. Đây là sự phối hợp lực lượng rất độc đáo mà Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện được.” [Đại Đoàn Kết 02/05/2022]
2004 THIẾU NGỌT THÊM MẶN: LÀM SAO ĐỂ SỐNG CÒN
Kể từ trước năm 2000, tiếp sau các chuyến đi quan sát thực địa nơi các quốc gia thượng nguồn, mối liên hệ giữa tôi, Anh Võ Tòng Xuân và phóng viên Ánh Nguyệt đài RFI trở nên thường xuyên mật thiết hơn do chúng tôi cùng chia sẻ mối quan tâm về sông Mekong và tương lai ĐBSCL.
Một trong các cuộc phỏng vấn của phóng viên Ánh Nguyệt [Radio France Internationale tháng 12/2004], khi được hỏi về tình trạng không chỉ thiếu nước ngọt mà nạn nhiễm mặn ngày càng trầm trọng nơi ĐBSCL từ ngày Trung Quốc không ngừng tiến hành xây những con đập khổng lồ Vân Nam và Thái Lan chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong – GS Võ Tòng Xuân đã đưa ra nhận xét:
“Cho tới 1975 khi nước nhà thống nhất, thủy sản của ĐBSCL còn rất phong phú, nhưng đến nay thì không, lượng tôm cá không chỉ bị sút giảm về số lượng mà cả về số chủng loại. Số cá ít ỏi lưới được từ sông là không đáng kể, chỉ đủ để cung cấp thức ăn chất đạm cho những gia đình nông dân nghèo trong vùng. Nói về cá tôm xuất khẩu, thực ra không phải từ nguồn thiên nhiên mà là do kỹ nghệ nuôi cá lồng [như cá ba sa], nuôi tôm sú trên vùng nước lợ, cộng thêm với số cá lưới được từ ngoài Biển Đông.”
Giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu tiếp:
“Nông dân ĐBSCL thích nghi nhanh, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp: bỏ hẳn giống lúa cổ truyền chuyển sang trồng lúa cao sản, nên chủ động tránh được lũ cũng như hạn hán. Ở những vùng bị nhiễm mặn, vùng nước lợ, thay vì trồng lúa thì chuyển qua những loại cây khác hay chuyển qua sản xuất nuôi tôm sú chịu được nước lợ; rồi phong trào nuôi cua biển đang phát triển mạnh, người nông dân sẽ dùng nguồn nước mặn này để nuôi thủy sản với giá thành cao hơn là trồng lúa. Hiện nay Viện Lúa ĐBSCL đang vận dụng công nghệ sinh học, tìm những ‘genes’ chịu mặn nhằm lai tạo những giống lúa cao sản tương đối chịu mặn hơn các giống lúa thường. Xa hơn nữa, Việt Nam đang cùng với nhóm MEREM / Mekong Resources Economic Management do Nhật Bản tài trợ, nhằm nghiên cứu những thay đổi của môi trường nước cũng như của đa dạng sinh học trên sông Mekong để từ đó có thể khuyến cáo những chánh phủ liên hệ nên sử dụng nguồn nước sao cho an toàn hơn.” Cùng với những toan tính lượng định lạc quan như trên, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng đã nhận định rằng cho dù Việt Nam có lên tiếng phản đối nhưng cũng chẳng thể làm được gì để ngăn chặn Trung Quốc, Thái Lan và các quốc gia thượng nguồn thực hiện kế hoạch khai thác sông Mekong của họ.
2006 XÂY DỰNG ĐẠI HỌC AN GIANG SAU TUỔI HƯU
Theo bộ luật lao động khá nghịch lý của Việt Nam, tuy là một quốc gia kém phát triển sau chiến tranh nhưng lại có quy định tuổi hưu sớm cho nam giới là 60, nữ giới là 55. VTX sinh năm 1940, năm 2000 Anh chính thức bước vào tuổi hưu, phải nói là quá sớm với một con người “nghiện làm việc / workaholic” như Anh. Kể cả với ngoại lệ cho “người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.”
Năm 2006, khi tôi tới thăm Đại Học An Giang, lúc đó được sáu tuổi, và khi ấy Viện Trưởng VTX cũng đã quá tuổi hưu kể cả thời gian gia hạn 5 năm. Đã từng tới Long Xuyên trước 1975, nay trở lại thăm để ngạc nhiên thấy một Long Xuyên, thị xã của tỉnh An Giang đã có rất nhiều đổi thay và phát triển.
Đại Học Cần Thơ đã có trước đó, do uy tín lớn của GS Phạm Hoàng Hộ và GS Nguyễn Duy Xuân nên đã quy tụ được rất nhiều “chất xám” tinh hoa của Miền Nam thời bấy giờ; chỉ riêng trong lãnh vực Nông Nghiệp có thể kể tới sự hợp tác của những tên tuổi lớn như GS Tôn Thất Trình, GS Thái Công Tụng, TS Nguyễn Viết Trương, TS Trần Đăng Hồng với công lao bước đầu đưa giống Lúa Thần Nông/ HYV / High-Yielding Variety vào ĐBSCL. Và từ 1972, có thêm một kiện tướng trẻ tuổi là Võ Tòng Xuân.
Giáo sư Đỗ Bá Khê khi đọc bài diễn văn “xuất trường” năm 1970 của Viện Đại Học Cần Thơ, ông đã có một tầm nhìn rất xa về vai trò của Viện Đại Học này đối với tương lai vùng Đồng Bằng Châu Thổ:
“Ngày nay (19/12/1970) trong Thời Đại Khoa Học Kỹ Thuật, các tỉnh ĐBSCL đang trông chờ nơi ánh sáng soi đường của Viện Đại Học Cần Thơ và ước mơ một chân trời mới, tô điểm bằng những cành lúa vàng nặng trĩu, những mảnh vườn hoa quả oằn cây, dân cư thơ thới, một cộng đồng trù phú trong một xã hội công bằng.”
Ở thời điểm đó An Giang chỉ mới có trường Sư Phạm Long Xuyên với 4 lớp và 260 giáo sinh. Phải 30 năm sau, do con số hơn 40 ngàn học sinh tốt nghiệp trung học mỗi năm tại ĐBSCL, trước tình trạng quá tải của Đại học Cần Thơ, trường Đại Học An Giang [ĐHAG] được phép thành lập và công trình xây cất ĐHAG được khởi công tháng Giêng 2001 – năm đầu tiên của Thế kỷ 21, với kinh phí 35 triệu MK trên một diện tích 40 hecta. ĐHAG được hỗ trợ tài chánh từ địa phương nhưng vẫn chịu sự giám sát chuyên môn của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Trung ương.
Hình 2: Năm 2006, tác giả đã tới thăm Đại Học An Giang lúc đó được 6 tuổi. Ảnh tư liệu Ngô Thế Vinh
Lãnh đạo nhà trường ngay từ bước đầu chập chững là một khuôn mặt quen thuộc đối với bà con nông dân ĐBSCL: Đó là GS Võ Tòng Xuân – vẫn được nông dân thân thương gọi là Anh Ba Xuân; từng là Trưởng khoa Nông học rồi Phó Viện trưởng Đại học Cần Thơ. VTX cũng được biết tới từ trước 1975 như một trong số những người có công phát triển lúa Thần Nông nơi ĐBSCL, được coi như “bước đột phá” chống đói giảm nghèo mà Viện Lúa Gạo Quốc Tế IRRI gọi đó là Cuộc Cách Mạng Xanh về Lúa Gạo.
Với một con chim đầu đàn như GS VTX, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy ĐHAG đang phát triển theo hướng kết hợp giảng dạy, nghiên cứu ứng dụng vào công ích. Một thứ quan niệm R&D (Research and Development) trong các đại học Mỹ.
Trước khi gặp anh Võ Tòng Xuân, không người hướng dẫn, tôi đã tự xông xáo đi thăm các cơ sở nhà trường, giảng đường, thư viện và cả gặp gỡ nói chuyện riêng với một số em sinh viên: các em rất trẻ mộc mạc, ăn mặc giản dị, cách nói chuyện chất phác, và đặc biệt là lễ phép với khách lạ đến thăm. Phải chăng đó là nét đẹp từ một nền Văn Minh Miệt Vườn. Chắc chắn các em không phải con của các “đại gia hay cán bộ cao cấp” của ĐBSCL, bởi vì tệ lắm nếu không là Đại học Sài Gòn thì cũng đã là những sinh viên du học “tự túc” ở các nước Âu Mỹ, nhất là Mỹ.
Các em là thế hệ khá thiệt thòi, sinh ra và lớn lên nơi vựa lúa ĐBSCL sau chiến tranh nhưng lại chỉ được hấp thụ một nền giáo dục trung và tiểu học thấp kém nhất nước, do thiếu lớp học thiếu thầy cô giáo – thua cả Tây Nguyên, theo nhận xét của chính các nhà giáo dục trong nước. Tốt nghiệp trung học trong một tình trạng mất căn bản như vậy, khi bước lên đại học, chỉ có lòng hiếu học cao độ mới giúp các em vượt qua được khoảng cách đại dương ấy.
ĐHAG hiện chỉ có tầm vóc khiêm tốn của một Đại Học Cộng Đồng (Community College) còn đang phát triển. Quanh sân trường, đây đó còn những đống gạch cát của công trình đang xây cất dở dang. Thư viện khá đẹp như khuôn mặt chính của nhà trường với hai từng lầu, gọn sạch ngăn nắp, tổ chức sắp đặt theo tiêu chuẩn Mỹ, với cả một dàn máy điện toán PC cho sinh viên sử dụng. Sinh viên nam nữ tự động sắp hàng trật tự trước các quầy để mượn và trả sách. Sách mới, sách khoa học tiếng Anh phải kể là còn rất ít nhưng bù lại các em đã biết truy cập vào “internet” để có một số thông tin mà các em cần.
Buổi sáng, bước vào một giảng đường lớn, đông đảo sinh viên thuộc nhiều khoa và các lớp khác nhau, trên bục giảng là Gs VTX, với đề tài rất cơ bản “Phương pháp Khoa học và Lộ trình Nghiên cứu.” Cho dù đi vào từ phía sau giảng đường cũng không còn một chỗ trống, một em tự động đứng dậy nhường chỗ cho khách [sau này có dịp nói chuyện, tôi được biết là một sinh viên năm thứ tư sắp ra trường].
Bài giảng khúc chiết và dễ hiểu để ứng dụng đối với các sinh viên khi phải làm một luận văn / một thứ luận án nhỏ như điều kiện để tốt nghiệp ra trường. Luận văn ấy sẽ là nỗ lực cá nhân của sinh viên hướng về giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL. Riêng với tôi thì phần lý thú nhất trong bài giảng sáng hôm đó vẫn là những ví dụ nghiên cứu về “lúa gạo” của nhà nông học Võ Tòng Xuân.
GIÁO DỤC KHAI PHÓNG VÀ TỰ TRỊ ĐẠI HỌC
Sau lớp học buổi sáng, tôi được gặp anh Võ Tòng Xuân. Tuy gặp nhau lần đầu tiên nhưng từ nhiều năm “văn kỳ thanh”, tôi đã theo dõi những bước đi của anh, anh Xuân cũng đã là nguồn cảm hứng về “nhân vật Thầy Hộ” khi tôi viết cuốn Cửu Long Cạn Dòng – chúng tôi đã có ngay một mẫu số chung để nói chuyện với nhau. Phong cách giản dị, không nghi thức, anh Xuân tự tay pha trà tiếp tôi trong văn phòng Hiệu trưởng mà tôi vẫn quen gọi là Viện trưởng, căn phòng khá nhỏ, trông lại càng nhỏ chật hơn với ngập những sách. Trong số sách ấy, tôi cũng thấy cuốn Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, ấn bản đầu tiên của nhà xuất bản Văn Nghệ ở hải ngoại năm 2000, cũng là thời điểm Đại Học An Giang mới tuổi “thôi nôi”.
Hình 3: GS Võ Tòng Xuân, tại văn phòng Viện trưởng Đại Học An Giang 2006. Tuy gặp Anh VTX lần đầu tiên, nhưng “văn kỳ thanh” chúng tôi đã biết nhau. Cũng khá ngạc nhiên khi thấy cuốn Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, ấn bản đầu tiên do Văn Nghệ xuất bản ở hải ngoại năm 2000, đã có trên kệ sách của Anh Xuân. Photo by Ngô Thế Vinh.
Như một ngoại lệ thật hiếm hoi, gốc từ một trí thức cũ trước 1975, không phải là đảng viên, Võ Tòng Xuân đã được chế độ mới khoác trên người Anh những danh hiệu cao quý nhất: Anh hùng Lao động (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (1986), Nhà Giáo Ưu Tú (1990) rồi Nhà Giáo Nhân Dân (1999).
Đã cùng sống qua hai chế độ trước và sau 1975, chúng tôi có nhiều điều để chia sẻ. Anh Xuân tỏ ra rất lo lắng và quan tâm về tình trạng xuống cấp của nền giáo dục hiện nay. Không có những phát biểu xu thời, VTX đã thẳng thắn nhận định:
“Tôi lo nhất là nền giáo dục phổ thông của Việt Nam từ Nam ra Bắc đang quá kém so với các nước quanh ta. Tình trạng ấy ảnh hưởng tới phẩm chất của sinh viên khi lên đại học.” Như một hoài niệm, Anh Xuân nhắc tới nền giáo dục những năm 1960 ở Miền Nam. Anh Xuân nói: “Anh Vinh thấy không, hồi đó học sinh đậu tú tài xong có thể nói là đã khá trưởng thành, có thể làm được bao nhiêu việc. Chứ như bây giờ, học xong trung học rồi mà cứ “ngơ ngơ ngác ngác” – vẫn chữ của Anh Xuân, không biết làm gì. Cắm đầu học, chỉ để cho các kỳ thi, sau đó là quên hết, chữ nghĩa trả thầy, không có một căn bản kiến thức, không có chút vốn liếng ngoại ngữ, hầu như không được chuẩn bị gì để bước lên bậc đại học. Nếu vẫn với chương trình “nhồi sọ” học đủ các môn như hiện nay, thì Đại học cũng chỉ là một trường Trung học cấp Ba. Không hơn không kém !”
Đó là những khó khăn bất cập của hệ thống đại học trên cả nước – chứ không phải riêng một Đại học tân lập như ĐH An Giang hiện nay. VTX nói tới giáo dục đại học phải được cởi trói – Nhà nước phải trả quyền tự chủ cho Đại học về chương trình, tài chánh và cả quản trị con người. Anh Võ Tòng Xuân muốn nói tới một nền “Tự Trị Đại Học” [University autonomy], nói rộng hơn là một môi trường giáo dục khai phóng đã có trước đó ở Miền Nam mà người Cộng Sản – bên thắng cuộc đã xóa đi từ sau 1975.
…
Buổi trưa hôm ấy, tôi đã ngồi Honda ôm với anh VTX thay vì xe hơi, để xuống phố cùng với mấy cộng sự trẻ của anh dùng bữa ăn trưa với canh chua cá bông điên điển, cá kho tộ và có cả gỏi tôm ngó sen, toàn những món đặc sản của ĐBSCL.
Sau bữa ăn trưa ngắn ngủi, nửa ngày còn lại là một ngày ngập bận rộn của anh Xuân. Anh để tôi tùy nghi chọn lựa tham dự các sinh hoạt ấy. Như buổi trình luận án cấp trường của một giảng viên ĐHAG do anh Xuân chủ trì. Luận án liên quan tới những con số thống kê, những khiếm khuyết trong cách thu thập và phân tích dữ kiện đều được hội đồng giám khảo nhận xét, thí sinh có cơ hội được phản biện; cuối cùng thì thang điểm được cộng lại: chỉ đạt 52% số điểm có nghĩa là luận án không được thông qua. Cùng một lúc ở một giảng đường khác, là một buổi nói chuyện của một kỹ sư người Mỹ gốc Việt từ Florida về, dùng laptop và power point để giới thiệu với sinh viên về chiếc máy sấy lúa “tiết kiệm” do anh sáng chế. Cũng buổi chiều hôm ấy, có hai phái đoàn khách tới thăm, một đoàn từ đại học USC (University of Southern California). Tới đây, ai cũng muốn được gặp GS VTX.
Anh Xuân có những cộng sự viên trẻ, tốt nghiệp ở ngoại quốc từ nhiều nguồn khác nhau, lớp trẻ này có kiến thức khả năng và nhiệt tình nhưng chưa tới tầm vóc để có thể thay anh. Họ về với anh Xuân, về với ĐHAG vì họ biết đó là tương lai. Với trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ ấy nếu đi làm cho các công ty tư nhân ngoại quốc như Đài Loan, Đại Hàn chắc chắn họ sẽ có một số lương bổng cao hơn gấp nhiều lần. Cô Giám đốc phòng giao dịch quốc tế là một Ph.D. về giáo dục về từ đại học USC. Tổ chức thư viện và thiết kế website của ĐHAG là một kỹ sư có bằng MSc. tốt nghiệp ngành vi tính (computer science) từ một Đại học miền Đông Hoa Kỳ, cho dù nhiệm vụ chính của anh vẫn là giảng dạy về Tin học; được biết anh cũng vừa được một Đại học Úc thâu nhận vào chương trình Ph.D. trong năm tới. Cô nhà báo HV, xuất thân từ báo Tuổi Trẻ, tác giả nhiều bài ký và những bức hình chụp sinh động, nay cũng đã tự nguyện về với ĐHAG, cô ấy cũng được khuyến khích đi học thêm về báo chí ở Đại học Columbia New York… Ngoài ra, còn phải kể tới nguồn Voluntary Faculty – những giáo sư ngoại quốc thỉnh giảng tình nguyện. Anh Xuân cho biết tuy là trên căn bản tự nguyện nhưng ĐHAG vẫn tìm cách trả lương cho họ theo quy chế.
Hình 4: Ngồi xe Honda ôm với Anh Ba Xuân thay vì xe hơi của nhà trường. Ảnh tư liệu Ngô Thế Vinh
Một “chuyện vui bên lề” là đã có một ông giáo sư thỉnh giảng tới với ĐHAG nhưng vì “đi một về hai” nên nhà trường đã có một tổn thất phụ / collateral damage về nhân sự.
Nhiệm vụ của ĐHAG cùng với ĐH Cần Thơ, là đào tạo nguồn nhân lực và nhân tài cung ứng cho các bước phát triển kinh tế và xã hội của ĐBSCL nhằm “tăng cường khả năng hợp tác và cạnh tranh, khả năng hội nhập vào thị trường quốc tế” khi Việt Nam sắp chính thức gia nhập WTO (World Trade Organization).
Tình trạng thực tế hiện nay, tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung, không chỉ thiếu cán bộ có trình độ đại học và trên đại học trong các ngành kinh tế xã hội mà còn rất thiếu cả một đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề trong các lãnh vực công nghiệp chế biến thủy sản và nông phẩm, công nghệ sinh học và phát triển du lịch.
Với hướng đi từ nay tới 2010, dự trù sĩ số sinh viên sẽ lên tới 10.000 với chương trình đào tạo 4 năm cho các ngành như sư phạm, canh nông, công nghệ thực phẩm thủy sản, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kỹ sư điện toán, kỹ thuật môi trường / environmental engineering, quản trị kinh doanh nông thôn… và mục tiêu đào tạo là làm sao đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các thành phần kinh tế. [Biện pháp đào tạo theo-địa-chỉ các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân chứ không phải với tương lai sinh viên tốt nghiệp chỉ là những công chức nhà nước].
Phải nói rằng số lượng giảng viên hiện nay của nhà trường còn rất hạn chế, với sĩ số 600 chỉ có 50% có bằng thạc sĩ (Master) và một số rất ít tiến sĩ (Ph.D.). Qua các em, tôi được biết anh Xuân không ngừng khuyến khích và tìm cơ hội gửi các giảng viên trẻ của ĐHAG đi ngoại quốc học thêm để tăng cường chất và lượng cho ban giảng huấn. Và cũng có cả kế hoạch thu hút thêm những nguồn chất xám mới đổ về. Nhiều hứa hẹn nhưng cũng thật nhiều thách đố cho một Đại học còn non trẻ như ĐHAG.
Ngoài chức vụ lãnh đạo ĐHAG, cụ thể rất sớm trước đó từ thập niên 1980, Anh VTX và các cộng sự đã có các công trình nghiên cứu sử dụng đất phèn ĐBSCL, tạo giống lúa cao sản mới quan tâm nhiều hơn tới chất lượng của lúa gạo thay vì số lượng, và VTX đã can đảm muốn nông dân ĐBSCL thoát khỏi “vòng kim cô của cây lúa” – vẫn ngôn từ của TS lúa gạo VTX, dám nuôi trồng những gì khác hơn cây lúa, với hướng nghiên cứu hệ thống canh tác nhằm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nâng cao mức thu nhập của nông dân.
Anh Xuân còn những dự án dở dang khác: (1) tìm gene giống lúa mới chịu được nước lợ do Cửu Long Cạn Dòng và thêm nhiễm mặn; (2) vận động nông dân ĐBSCL áp dụng kế hoạch “3 giảm 3 tăng” trong đó có giảm thuốc trừ sâu rầy để giảm nhiễm độc đã tới mức độ nguy hiểm cho môi trường sống; (3) lập khu bảo tàng cây lúa ĐBSCL với sưu tập tất cả các nông cụ mà tiền nhân đã sử dụng từ thuở khai hoang.
Hình 5: Đại Học An Giang 6 tuổi nhưng do thiếu ngân sách, vẫn còn các công trình xây cất dở dang. Photo by Ngô Thế Vinh
Và còn nhiều nữa, anh Xuân có theo dõi và biết rõ hậu quả những con Đập Bậc Thềm Vân Nam và các dự án chuyển dòng lấy nước sông Mekong của Thái Lan ra sao trên ĐBSCL, mà theo anh Việt Nam cũng chẳng thể phản đối được gì. Trước nghịch cảnh, anh tìm cách làm sao để biến những “bất cập” hiện nay thành “thuận lợi” như phát triển ngành nuôi “tôm sú”, nuôi “cua biển” nơi vùng nước lợ đem lợi tức cho nông dân cao hơn là trồng lúa; áp dụng kỹ thuật tưới luân phiên mà vẫn bảo đảm năng suất lúa ở vùng thiếu nước khi Cửu Long Cạn Dòng… Hình như lúc nào anh Xuân cũng thiếu thời gian cho một ngày chỉ có 24 giờ, bản chất người Nam, anh vẫn lạc quan; luôn luôn nhìn thấy nửa phần đầy của ly nước thay vì nửa vơi. Tre già măng mọc, anh Xuân đang lo vun trồng thế hệ măng tiếp nối anh. Hẹn ngày tái ngộ với ĐHAG, lần tới khi trở lại ĐBSCL mong sẽ có dịp đến thăm Bảo Tàng Cây Lúa của anh Xuân.
2007 DOCTOR RICE GIÚP TRỒNG LÚA PHI CHÂU
An ninh Lương thực là một vấn đề toàn cầu, nhất là đối với các quốc gia nghèo đói Phi Châu. Đó cũng là lý do để Doctor Rice VTX đã cùng nhóm cộng sự được Anh Ba Xuân thân thương gọi họ là Các Anh Hai Lúa đến nước Cộng hòa Sierra Leone (Tây Phi châu) đem theo các giống lúa cao sản từ ĐBSCL, đem trồng thử nghiệm tại khu Mange Bureh và tại Trại nghiên cứu Rokupr. Nhóm chuyên gia nông nghiệp từ Việt Nam đã thành công trồng được lúa 2 vụ, năng suất đạt khoảng 4,7 tấn/ ha, thời gian tăng trưởng của cây lúa chỉ từ 95 đến 100 ngày. Thành quả này đã khiến Phó Tổng thống nước Sierra Leone, Solomon Berewa nói rằng nếu Việt Nam giúp Sierra Leone thử nghiệm và tổ chức sản xuất lương thực theo kỹ thuật của ĐBSCL thì không những nông dân Sierra Leone được no ấm mà Việt Nam còn có thể cùng Sierra Leone xuất cảng gạo trực tiếp từ cảng Freetown của Sierra Leone đến các nước Tây Phi. Sau Sierra Leone, VTX đã tiếp tục khảo sát thổ nhưỡng của Nigeria và Ghana giúp chính phủ Nigeria thành lập Ủy ban phát triển đồng bằng sông Niger.
Dr. Rice Võ Tòng Xuân phát biểu một câu đáng ghi nhớ: “Việt Nam là một quốc gia không giàu nhưng hoàn toàn có khả năng giúp nhiều quốc gia khác chiến thắng đói nghèo”. Đem giống lúa cao sản và kỹ thuật trồng lúa từ ĐBSCL vào các quốc gia Phi Châu là một chương trình hợp tác đầy triển vọng nhưng rồi bị khựng lại vì tình hình chính trị bất ổn tại các quốc gia này.
Hình 6: Do những thành tựu đã đạt tại Sierra Leone, Sứ giả Cây Lúa Võ Tòng Xuân, hàng đầu thứ hai từ phải, được dân làng IKPE, tỉnh Akwa Ibom, Nigeria chào đón nồng nhiệt. [nguồn: Tuổi Trẻ 18/08/2008]
2015 TÌNH NGHĨA GIÁO KHOA THƯ
GS Nguyễn Duy Xuân người Cần Thơ, sinh năm 1925 hơn Võ Tòng Xuân 15 tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ, trở về Việt Nam 1963, giáo sư Luật. Nhận chức Viện trưởng từ Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã nỗ lực phát triển Viện Đại học Cần Thơ trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo ban giảng huấn, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết lập ký túc xá như hệ thống campus cho sinh viên đến từ các tỉnh xa miền Tây. Ông là người tiên phong thực hiện giáo dục đại học theo tín chỉ / credits (giống như mô hình hệ thống Đại học Hoa Kỳ.
Chỉ trong vòng 9 năm [1966 – 1975] với công lao xây dựng của hai Viện trưởng: GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân, Viện Đại Học Cần Thơ như một Ngọn Hải đăng trí tuệ Miền Tây, trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt bước đầu ưu tiên phát triển hai lãnh vực Sư phạm và Nông nghiệp, vững vàng sánh bước với các Viện Đại học lâu đời khác của Miền Nam, đóng góp cho sự thăng tiến của vùng ĐBSCL.
Võ Tòng Xuân thì chẳng thể nào quên thời điểm năm 1972, chính GS Nguyễn Duy Xuân – mà Anh coi như bậc thầy của mình, đã đích thân viết thư mời Anh, khi ấy đang làm việc ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế / IRRI Los Baños Philippines về trường ĐH Cần Thơ. Võ Tòng Xuân kể lại: “Anh Nguyễn Duy Xuân nói ĐBSCL là cái vựa của lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp. Chiến tranh rồi có ngày hòa bình, đất nước sẽ cần những người như tôi. Đó là một trong những lý do tôi về công tác ở Đại học Cần Thơ.” Võ Tòng Xuân sau này trở thành một Giáo sư Nông học danh tiếng, “Doctor Rice”, tên tuổi anh gắn liền với sự tiếp nối phát triển cây Lúa Thần Nông nơi ĐBSCL.
Từ Ảo Vọng Tới Thảm Kịch. Chỉ mấy ngày trước biến cố 30/04/1975, cũng như GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân một trí thức yêu nước dấn thân, ông từ chối bước lên chuyến bay của Tòa Đại Sứ để di tản sang Mỹ, với quyết định ở lại phục vụ. Nhưng sau 1975, GS Nguyễn Duy Xuân vẫn bị bắt đi tù cải tạo, bị đưa ra Bắc, giam trong trại tù khắc nghiệt Ba Sao Hà-Nam-Ninh, hầu như không có ngày về.
Năm 1983, Võ Tòng Xuân, trong một lần ra Hà Nội dự hội nghị, anh đã vượt mọi khó khăn tìm cách vô được trại tù Ba Sao để thăm vị Viện trưởng của mình. GS Nguyễn Duy Xuân rất vui mừng khi gặp lại VTX, và cho dù đang trong nghịch cảnh tù đày, ông vẫn quan tâm hỏi han tới hiện trạng của Đại học Cần Thơ, nơi mà ông và GS Phạm Hoàng Hộ đã dày công xây dựng.
Đó cũng là lần duy nhất và cuối cùng VTX được gặp vị Thầy của mình. GS Nguyễn Duy Xuân tiếp tục bị đày ải thêm 3 năm nữa tổng cộng 11 năm, và đã chết trong trại tù Hà- Nam-Ninh ngày 10 tháng 11 năm 1986 trong đói khát và bệnh tật không thuốc men. Xác của ông được vùi nông trên một triền núi phía sau trại tù Ba Sao.
Phải mãi đến 30 năm sau, tháng 4 năm 2015, di cốt của GS Nguyễn Duy Xuân, mới được người con gái là Nguyễn Thị Nguyệt Nga từ Pháp về bốc mộ cha, đưa từ nghĩa địa trại tù Ba Sao về Chùa Thiên Hưng, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Trong buổi lễ cầu siêu, ngoài thành viên của gia đình cố Viện trưởng GS Nguyễn Duy Xuân, còn có một số cựu giảng huấn và các cựu sinh viên tốt nghiệp Đại học Cần Thơ trước 1975 như GS Võ Tòng Xuân, đến tham dự buổi lễ trong nỗi thương tiếc và ngậm ngùi.
Hình 7a: Trại tù Hà-Nam-Ninh, miền Bắc Việt Nam, nơi triền núi phía sau trại tù là nghĩa địa chôn vùi xác rất nhiều tù nhân cải tạo có gốc từ Miền Nam sau 1975. Thân xác Giáo sư Nguyễn Duy Xuân được vùi nông và bị lãng quên trong suốt 30 năm trong nghĩa địa trại tù Ba Sao này. Ảnh tư liệu Võ Tòng Xuân.
Hình 7b: Mãi 30 năm sau, tháng 4/2015, con gái của GS Viện Trưởng Nguyễn Duy Xuân là bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga từ Pháp về bốc mộ cha từ nghĩa địa trại tù Ba Sao đưa về Chùa Thiên Hưng, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Hình chụp trong buổi lễ cầu siêu tại Chùa; từ trái, GS Võ Tòng Xuân, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga, ôm bình tro cốt của cha, và hai thân hữu. Ảnh tư liệu Võ Tòng Xuân.
Với người viết, cái chết của GS Nguyễn Duy Xuân mang tầm vóc lịch sử của một tấn thảm kịch, bắt nguồn từ ảo vọng của những trí thức Miền Nam, với tài năng và giàu lòng yêu nước, đã tình nguyện chọn ở lại góp tay xây dựng đất nước, để rồi họ trở thành nạn nhân của một chính sách trả thù, giam hãm đày đọa độc ác và vô ích của những người Cộng sản bên thắng cuộc. Không có chính sách độc ác vô ích ấy, đất nước sẽ phát triển và còn tiến xa tới đâu. Đây là vết thương của một giai đoạn lịch sử, một bài học đắt giá cho các thế hệ Việt Nam tương lai.
Thành viên các Tổ chức Quốc tế:
Member, Board of Trustees of the Rockefeller Foundation (2002 to 2010); Member, Board of Governors, Asian Institute of Management in Manila (1997 to date); Member, Board of Trustees of the International Potato Center at Lima, Peru (1996–99; 2016 to date); Research fellow and trustee of the International Rice Research Institute; Member, Board of Directors of the International Fertilizer Development Center (2007-2017)
Các Giải thưởng quốc tế:
1993 Recipient of the Ramon Magsaysay Award for Government Service** – Giải thưởng Ramon Magsaysay 1993 “vì đã kết hợp nghiên cứu khoa học thực tế với vận động chính sách hiệu quả để cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam.”
1995 Canada’s Certificate of recognition for his “Dedication and contribution to the world of sciences”. Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada (1995) về “Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới”.
1996 French’s “Médaille Chevalier de l’Ordre du Mérite Agricole “. Huy chương “Kỵ mã Nông nghiệp” của Bộ Nông-Lâm-Thủy sản Pháp (1996).
2001 Philippines’ D.L. Umali Award. Giải “Cựu sinh viên xuất sắc nhất” của Đại học Philippines tại Los Baños.
2002 Japan’s Nikkei Asia Prize for Regional Growth. Giải thưởng Nikkei châu Á về Tăng trưởng vùng.
2005 Australia’s ASTD Derek Tribe Award. Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật Australia
2019 Bằng khen của Bộ Ngoại giao Nhật Bản; GS.TS VTX là một trong 16 cá nhân của Việt Nam được Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên dương và trao tặng Bằng khen.
2021 Order of the Rising Sun, Gold Rays with Neck Ribbon. Huân chương Mặt Trời Mọc, Tia Sáng Vàng và Ruy Băng Cổ.
Các Chức vụ Trong Nước:
Đại biểu Quốc hội 3 Khóa: II,III,IV; 1982-1997 Phó Viện Trưởng Trường Đại học Cần Thơ; 1999-2007 Viện Trưởng Trường Đại học An Giang; 1996-2006 Ủy viên Hội đồng Chức Danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam; 01/2008-2010 Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông Thủy Sản Việt-Phi; 2010-2013 Viện Trưởng Trường Đại học Tân Tạo; 2013- Nay: Thành viên Hội đồng Sáng lập và Quyền Viện Trưởng và nay Viện Trưởng Danh Dự (Rector Emeritus) Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Các Giải thưởng trong nước:
Giáo sư Nông học (1980), Anh hùng lao động (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (1986), Nhà giáo Ưu tú (1990), Nhà giáo Nhân dân (1999).
Các bài báo Khoa học: [Võ Tòng Xuân Publications]*:
_ Training manual for rice production / Vo-Tong Xuan and Vernon E, Ross; Illustration by Federico Gatmaitan. 1972, 1976
_ Role of resistant varieties in depressing brown planthopper populations in the Mekong Delta of Vietnam. Nguyen Van Huynh, Vo-Tong Xuan. International Rice Research Newsletter. 1981
_ Rice cultivation on acid sulphate soils in the Vietnamese Mekong Delta. Vo-Tong Xuan, Nguyen Kim Quang, Le Quang Tri. Publication, International Institute for Land Reclamation and Improvement. 1982
_ Curriculum development of agriculture in a post-war economy: the case of Vietnam. Vo-Tong Xuan, Mensvoort, T.E.F van. South-North partnership in strengthening higher education in agriculture. 1989
_ Cultivation of the sugarcane on acid sulfate soils in the Mekong Delta. Truong Thi Nga, Duong Van Ni, Vo-Tong Xuan. Selected papers of the Ho Chi Minh City symposium on acid sulfate soils, HCM City, Vietnam. 1992-1993
_ Vietnam and IRRI: a partnership in rice research : proceedings of a conference held in Hanoi, Vietnam 4-7 May 1994 / editors G.L. Denning and Vo-Tong Xuan. 1995
_ Mekong Delta plant genetic resources off-farm and on-farm conservation. Huynh Quang Tin, Nguyen Ngoc De, Vo-Tong Xuan. Plant genetic resources in Vietnam. Proceeding of a national workshop in Hanoi, Vietnam, on 28-30 March 1995.
_ Opportunities for upland rice research in Vietnam. Arraudeau,M.A., Vo-Tong Xuan. International Rice Research Institute, Los Baños, Laguna (Philippines). 1995
_ Vietnam-IRRI collaboration in training: progress and priorities in human resource development. Matheny, E.L., Raab, R.T., Vo-Tong Xuan. International Rice Research Institute., Los Baños, Laguna (Philippines). 1995
_ Vietnamese villages and rice production. [French, Campagnes vietnamiennes et production rizicoles]. Dogot,T.Lebailly, P., Dao Cong Tien, Pham Van Bien, Tran The Thong, Vo-Tong Xuan. Cahiers Agricultures. 1997
_ Genetic diversity of traditional varieties of upland rice from Vietnam and prospects offered by improved varieties [French: Diversité génétique des variétés traditionnelles du riz pluvial du Vietnam et perspectives offertes par les variétés améliorées] Courtois, B., Nguyen Huu Hong, Vo Thi Thu Huong, Carandang, C., Vo-Tong Xuan. Agriculture et Développement. 1997
_ Prospects for sustaining Vietnam’s re-acquired rice exporter status, Pingali, P.L., Nguyen Tri Khiem, Gerpacio, R.V., Vo-Tong Xuan. Food Policy. 1997
_ Land evaluation and land use planning of the area for rice-shrimp systems, Gia Rai District of Bac Lieu Province. Le Quang Tri, Vo Quang Minh, Vo-Tong Xuan. ACIAR Technical Reports Series. 2003
_ Enhancing food security and income through integrating an upland crop in the rainfed cropping systems. Nguyen Ngoc De, Vo-Tong Xuan, Abedin, M.Z., Bool. M.R. 2004
“New Direction for a Diverse Planet”, 4th International Crop Science Congress in conjunction with the 12th Australian Agronomy Conference, 26 Sep – 1 Oct 2004 Brisbane, Australia. 2004
_ Beach morning glory (Ipomea Biloba Forsk.) help prevent coastal erosion and desertification in Vietnam. Kroftf, M., Vo-Tong Xuan, Hoang Quang Ha. APA News 2012
_ Development of the Sugar Industry in ASEAN Countries. Vo-Tong Xuan et al. Sugar Tech 2016
_ Rice Production, Agricultural Research, and Environment. Vo-Tong Xuan 2018
VTX MỘT ĐỜI CẦU HỌC
Suốt một đời, trên bước đường “cầu học”, Võ Tòng Xuân đã đi khắp năm châu, cụ thể hơn, Anh đã đặt chân tới 80 quốc gia, và có thể dùng một từ tiếng Anh “globe trotter” cho Anh. Trước 1975, miền Nam có một nhà xuất bản tên Bốn Phương với câu châm ngôn rất hay: “Góp nhặt từ bốn phương, tung ra khắp bốn phương”. Võ Tòng Xuân đạt được chức danh Giáo Sư Lúa Gạo / Doctor Rice nhưng vẫn giữ hình ảnh là một “sinh viên suốt đời – étudiant éternel”. Anh khiêm cung trong cách “cho và nhận”, vẫn đi tìm học ở những nơi chính Anh có thể dạy dỗ.
Hình 8: GS Võ Tòng Xuân đi dự hội thảo về nông nghiệp thế giới tổ chức tại miền nam nước Pháp vào tháng 4 năm 2006. Ảnh chụp tại Gare de Lyon, Paris. Photo by Ánh Nguyệt, RFI
Cũng chỉ mới đây thôi, sau một hội nghị quốc tế về lúa gạo tại Lima 2017, thủ đô Peru, Võ Tòng Xuân đã tận dụng chuyến đi ấy để ghé Houston thăm ngôi mộ và thắp bó nhang tưởng nhớ nhà nông học Nhật Bản Shinpei Mykawa (1874-1906) người có công đầu đem lúa giống vào trồng trong vùng đông nam Texas. Sau khi mất, một cộng đồng và một con đường ở Houston được đặt tên Mykawa.
Hình 9a: Sau một hội nghị quốc tế về lúa gạo tại Lima 2017, thủ đô Peru, Võ Tòng Xuân đã tận dụng chuyến đi, ghé Houston để tới thăm ngôi mộ và thắp bó nhang tưởng nhớ nhà nông học Nhật Bản Shinpei Mykawa (1875-1906) người có công đầu đem lúa giống vào trồng trong vùng đông nam Texas. Photo by Ngy Thanh
Hình 9b: Bằng đường bộ từ Houston tới Louisiana với hơn 4 giờ lái xe (275,9 mi), Anh Xuân tới thăm hai Trung tâm Nông nghiệp của ĐH Louisiana / LSU: tới khu nghiên cứu lúa gạo cùng trao đổi kinh nghiệm với vị giáo sư trưởng khoa. Photo by Ngy Thanh.
Anh Xuân tới thăm Trung tâm Nông nghiệp của ĐH Louisiana / LSU: tới khu nghiên cứu lúa gạo và mía, để cùng trao đổi kinh nghiệm với vị giáo sư trưởng khoa, mà trong thực tế thì ai cũng hiểu rằng VTX có thể được mời tới như một giáo sư thỉnh giảng về cây lúa, cây mía tại chính những nơi Anh đến thăm.
Mỗi lần sang Mỹ, hay đến những các quốc gia khác – có các cộng đồng tỵ nạn người Việt, Anh VTX bao giờ cũng tìm cách ghé thăm chuỗi siêu thị Á Đông, và Anh rất “tâm tư – chữ của Anh Xuân”, khi thấy trong các siêu thị ấy chỉ bán gạo nhập từ Thái Lan với lý do Việt Nam không có được giống gạo ngon để có thể cạnh tranh với Thái. Anh VTX ao ước, một ngày nào đó – không phải chỉ có gạo, mà cả những nông sản khác của Việt Nam sẽ đạt được chất lượng cao và an toàn để có thể cung cấp rộng khắp cho thị trường thế giới. Và khi đó nông dân Việt Nam mới có thể thoát cảnh nghèo!
TUỔI NGOÀI 80 VTX VẪN BĂNG SÔNG LỘI RUỘNG
Hình 10: Ở tuổi ngoài 80, Anh Ba Xuân vẫn đi xe Honda ôm, đi qua mấy cây cầu khỉ cheo leo; hay vẫn ngồi trên tắc ráng băng sông đi khảo sát thực địa tại vùng xa và sâu U Minh. Photo by Lục Tùng, báo Lao Động 30/12/2021
NÔNG NGHIỆP VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 01/10/2022
Có lẽ đây là tấm hình chụp gần đây nhất – trước ngày Anh VTX nhập viện. Sau cuộc họp bàn về Dự án Phát triển Nông nghiệp ứng phó với Biến đổi Khí hậu cho tỉnh Hậu Giang, tối ngày 01/10/2022 tại nhà hàng Lúa Nếp, TP Cần Thơ, là buổi họp chia tay của một số thành viên trong đoàn.
Hình 11: Từ phải, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ; PGS TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Biến đổi Khí hậu ĐH Cần Thơ; ThS Nguyễn Hồng Trúc, TS Trần Đình Lâm thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (CVSEAS/ Center for Vietnam and Southeast Asian Studies), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM. TS Lâm hiện là giám đốc Trung Tâm CVSEAS. Ảnh tư liệu Lê Anh Tuấn.
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ
Võ Tòng Xuân đã là nguồn cảm hứng về “nhân vật Thầy Hộ” trên hơn 700 trang sách khi tôi viết cuốn Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, cách đây cũng đã hơn 20 năm. Sau đây là một trích đoạn, phác thảo đôi nét chân dung về hình tượng văn học ấy.
BÊN TRỜI TIẾNG HẠC KÊU THƯƠNG
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây thì về
(Ca dao Nam bộ)
Bấy lâu gắn bó với sông Mekong, con sông ấy, vùng đất mới ấy bao giờ cũng đem lại cho Hộ / VTX niềm cảm hứng và cả những tình cảm lớn lao. Bảo vệ sự nguyên vẹn tinh khiết cho dòng sông ấy không chỉ vì vùng Đồng Bằng Châu Thổ Cửu Long mà chính là bảo vệ mạch sống cùng với hệ sinh thái của một vùng đất Á Châu hướng về một tương lai xa.
Là thành viên Ủy Ban Sông Mekong, Hộ có dịp để thấy được con sông ấy hùng vĩ nhưng cũng mong manh ra sao. Sinh ra và lớn lên từ vùng đồng bằng Nam Bộ, Hộ đã quá thân thiết với con sông ấy. Hồi nhỏ thì chỉ biết gắn bó với khúc sông Tiền nơi quê nhà qua hai mùa lũ hạn, lớn lên thì vươn tới suốt chiều dài của dòng sông, thân thuộc với nhịp điệu của con sông Mekong như nhịp đập của trái tim mình. Con sông ấy tưởng như bất trị nhưng lại là nguồn sống từ ngàn năm của người dân đồng bằng châu thổ. Mới hơn trăm năm trước người ta cũng chưa biết con sông ấy khởi nguồn từ đâu.
Con sông xanh cuồng nộ ấy như một con rồng với đầu ẩn khuất trên chín từng mây trên ngọn núi thiêng bên cao nguyên Tây Tạng với cả thân rồng uốn lượn khi thì dũng mãnh sủi bọt gào thét xuyên qua những cao nguyên và rừng già khi thì trải mình hiền hòa trên các bình nguyên rồi đồng bằng châu thổ với chín cái đuôi không ngừng quẫy đập để vươn tới thềm lục địa Biển Đông. Vào mùa lũ tháng Chín thì con sông ấy biến thành biển nước mênh mông thắm đỏ mang đầy phù sa tràn bờ dìm sâu hết cả ruộng đồng, và nhà cửa thì chỉ còn như những chiếc nón úp trên mặt nước. Tháng Tư mùa khô, con sông ấy vẫn phô bày kích thước của nó: vẫn khối nước một màu nâu sậm trải rộng ra từ hai tới ba dặm, cảnh trí quạnh quẽ, làng mạc thì thưa thớt. Ngược dòng xa hơn về phía bắc, không xa con thác Khemerat, đã mấy tháng sau mùa mưa, Hộ / VTX đã không thể không ngạc nhiên khi thấy vẫn có những khúc sông cạn như sắp khô kiệt tưởng chừng có thể lội bộ băng qua. Hộ cũng hiểu rằng nếu chưa có hạn hán dưới đồng bằng châu thổ, chưa có những cơn đau thắt ngực phía hạ nguồn nơi quê anh là do còn các dòng phụ lưu – tributaries, như những mạch phụ – collaterals.
Sông Mekong với Hộ bây giờ còn mang ý nghĩa của những mô hình cơ thể học, hơn thế nữa còn là một mô hình toán học – Mathematical Model, với đầy rẫy những con số: 40 ngàn mét khối giây lưu lượng mùa lũ, chỉ còn 2 ngàn mét khối giây mùa khô – 20 lần thấp hơn; lòng sông không những thiếu độ dốc mà lại góc độ âm nghĩa là cao hơn khi tiến gần ra biển. Rằng chỉ mới hơn mấy chục ngàn năm trước đây thôi, con sông Mekong hoang dã mới bắt đầu tạo hình vùng đồng bằng châu thổ từ đáy biển, do chất pyrite có trong trầm tích phù sa và cả thêm từ chất sắt trong phù sa kết hợp với sulphur trong nước biển để tạo thành hợp chất pyrite. Với thời gian tính bằng thiên niên kỷ, dần dần đất nhô lên khỏi mặt biển và để rồi hàng năm được các con nước lũ đổ về phủ lên tầng tầng lớp lớp phù sa ngày mỗi dày thêm để trở thành những ruộng đồng mênh mông và màu mỡ.
Nhưng dưới lớp phù sa tân bồi ấy, chất pyrite còn đó, bị dìm sâu trong đất hay dưới làn nước. Chỉ khi phơi ra ngoài dưỡng khí, nó trở thành chất phèn chua acid sulphate, thẩm thấu / trồi lên mặt đất, bắt đầu hoành hành và là nguyên nhân nỗi khổ của người nông dân Đồng Bằng Nam Bộ. Hộ sau này cũng được biết thêm rằng tính thổ nhưỡng vùng châu thổ cũng rất thay đổi ngay trong một khoảng cách gần. Ở một nơi này thì rất chua trong khi cách đó khoảng một trăm mét đã hoàn toàn đổi khác, do mực nước – thủy cấp, độ dày đất tân bồi và các loài thảo mộc trên đó. Chính Hộ đã học được biết bao nhiêu kinh nghiệm từ những người nông dân. Họ hiểu rõ hơn ai hết vùng đất đai mà họ đang sống như biết rõ dấu chỉ trên bàn tay của họ và đã khôn ngoan tìm ra cách gieo trồng trong những điều kiện tưởng như vô phương tìm ra lời giải đáp. Họ cũng hiểu rằng đất phèn như con cọp ngủ trong hang và chẳng bao giờ nên đánh thức một con cọp đang im ngủ!
Cho dù chẳng phải là một trí thức trong tháp ngà, từng là tác giả của một luận án đồ sộ về “Hệ Sinh Thái của Vùng Hạ Lưu Sông Mekong” nhưng chính Hộ đã được thực tế dạy cho những bài học đích đáng. Khởi đi từ lề lối suy nghĩ kinh điển cho rằng để tăng năng suất lúa thì phải ngăn mặn trong mùa khô và trong mùa lũ thì cần những đập lớn trữ nước để xả ra trong mùa khô, rửa muối rửa phèn cho đất và dẫn tưới ruộng đồng. Nhưng thay vì ngăn mặn thì người nông dân vùng nam đồng bằng châu thổ lại cho dẫn nước biển vào ruộng trong mùa hạn mà ban đầu ai cũng cho là điên khùng. Nhưng thực ra họ đã áp dụng kỹ thuật “trầm thủy” với kết quả thật kỳ diệu: đất bớt phèn, đến mùa mưa thì đã có nước rửa mặn cho đất khiến mùa màng tốt tươi, chưa kể thêm cái lợi khác là nước biển đã đem tôm cá vào ruộng đồng và mương rạch. Chính người nông dân đã sáng tạo ra một “nền nông nghiệp lúa-tôm / rice-shrimp culture” phù hợp với hệ sinh thái phức tạp của vùng đồng bằng châu thổ. Và đã trong nhiều kỳ trên kênh đài truyền hình / không phải “thầy Hộ” mà là người nông dân đầy sáng tạo ấy lên đài hướng dẫn bà con làm sao tận dụng cả nguồn nước mặn trong kết hợp trồng lúa và nuôi tôm. Sự kiện bà con nông dân phá vỡ con đê ngăn mặn ở Gò Công Tây là bài học thấm thía và nhớ đời cho chính Hộ và đám kỹ sư thủy lợi đến từ trung ương.
Rồi lại còn thiên tai lũ lụt mỗi năm, ai cũng cảm thấy bất an khi đương đầu với con rồng bất kham ấy. Với bài học ngàn năm từ con sông Hồng, người ta muốn chế ngự nó bằng những con đập với hệ thống đê điều vững chắc. Sơn Tinh / thần núi biểu tượng cho sức mạnh của đê điều, Thủy Tinh / thần nước là sức tàn phá của những cơn lũ. Cả hai đều muốn chiếm đoạt nàng công chúa xinh đẹp là vùng đồng bằng châu thổ. Nước dâng cao thì núi vươn cao và cuối cùng Sơn Tinh đã thắng. Đó là chiến thắng của sức người với hệ thống đê điều hai bên bờ con sông Hồng.
Nhưng xem ra người nông dân Đồng Bằng Cửu Long có cái nhìn Lão Trang hơn, thay vì trấn áp thì họ chọn sự thách đố chung sống với những cơn lũ. Không đắp đê cao mà đào thêm những rạch sâu để thoát lũ ra Biển Tây, Biển Đông và cải thiện giao thông, tiếp tục truyền thống từ nhiều ngàn năm trước của nền văn minh Óc Eo vương quốc Phù Nam cho dù cả vương quốc ấy đã tiêu vong do một cơn hồng thủy tràn ngập vùng châu thổ vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu.
Con thuyền máy chạy băng băng giữa lòng một con kinh đào mới – gọi là mới chứ cũng đã hơn năm năm rồi. Sẽ có thêm hàng ngàn cây số kinh rạch nữa được hoàn tất vào cuối thế kỷ này. Cảnh tượng nổi bật là màu vàng của rỉ sắt đã nhuốm lên mọi cảnh vật: từ gốc những cây tràm, tới thân ghe, cầu tàu, lưới cá và cả chân người ta nữa – nghĩa là bất kể vật gì nhúng vào làn nước ấy. Người ta đã thấy ngay được nanh vuốt con cọp đang im ngủ trong hang vừa bị đánh thức. Trừ đợt tôm cá trong mùa mưa do cơn lũ đổ vào, đã không có sinh vật nào sống được dưới làn nước trong leo lẻo đẫm chất phèn chua ấy, có chăng chỉ là lưa thưa mấy đám cỏ sậy chịu phèn. Người nông dân chỉ cần nhận ra giống cỏ nào là họ biết đâu có thể là khu đất gieo trồng. Và cho đến bây giờ thì họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi những trận mưa to những con lũ lớn tới rửa phèn cho đất và họ vẫn không ngừng phá rừng, tiếp tục đào kênh và lên liếp. Những vùng đầm lầy như Tam Nông càng ngày càng thu hẹp và đã chẳng còn bao nhiêu nữa và tương lai của các Tràm Chim đang bị thả nổi. Hay rồi ra Đồng Tháp Mười chỉ còn là những cánh đồng chua nước mặn với mấy khu nuôi tôm sú, mấy khoảng ruộng lúa xanh hay những căn nhà ngói đỏ. Và rồi cũng chẳng còn một cánh hạc nào bên bờ con sông thiêng đang dần bị tát cạn.
Chính Hộ đã giúp Mười Nhe đưa lúa thần nông HYV (High-Yielding Variety) vào khu đệm huyện Tam Nông với hy vọng giống lúa cao sản này sẽ cải thiện đời sống bà con mà không cần phá thêm rừng tràm. Nhưng mọi chuyện diễn ra sau đó hoàn toàn ngoài dự kiến của Hộ. Khoa Thủy văn Đại học Cần Thơ với dự án xây bốn ống dẫn thoát lớn từ con kinh bao quanh khu bảo tồn, thay vì để điều hòa mực nước trong Tràm Chim thì lại bị bà con nông dân tận dụng để rút nước ra khỏi khu đầm lầy để tưới ruộng trong suốt mùa khô. Đã thế do nước cạn bà con còn phá rừng mau hơn, vì ai cũng thấy trồng lúa nhất là thứ “lúa cao sản của thầy Hộ” rất có ăn. Nhưng cũng do là giống lúa rất khát nước nên mùa hạn bà con không chỉ lấy nước từ Tràm Chim mà còn be bờ không cho nước xuống vùng dưới khiến bà con nông dân miệt dưới thiếu nước phải kêu trời. Chẳng cần ai điều hợp hay trọng tài, Mười Nhe đã thành công phát triển riêng cho huyện Tam Nông bằng cái giá của Tràm Chim với sinh mạng của cả ngàn cánh hạc và mùa màng khô hạn nơi miệt dưới. [Trích CLCD, BĐDS, Chương VIII]
…
Những trao đổi với Anh VTX:
Anh Xuân và tôi đều bận rộn, nhưng có dịp chúng tôi vẫn trao đổi emails với nhau về những vấn đề quan tâm chung.
Giữa năm 2017, khi Dự án cống ngăn mặn Cái Lớn Cái Bé – được quảng cáo là Công Trình Thế Kỷ; đang gây ra rất nhiều tranh cãi do thất bại của các công trình ngăn mặn trước đó – điển hình là cống đập ngăn mặn Ba Lai, tỉnh Bến Tre. Và gần như tuyệt đại đa số các tiếng nói trí tuệ độc lập của các chuyên gia hàng đầu đều lên tiếng phản đối và can ngăn.
Để chuẩn bị cho một bài viết, tôi thảo ngay một email hỏi ý kiến của Anh VTX, và Anh Xuân đã mau mắn trả lời:
“Tôi biết anh rất tâm tư mỗi khi nói đến ĐBSCL. Qua 40 năm tôi mới đạt thêm một thắng lợi về mặt Khoa học và Kiến Tạo Xã Hội bằng một xoay chuyển chính sách nhà nước, nhưng phải nói ngay rằng đây mới chỉ là bước đầu được Thủ Tướng (lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, ghi chú người viết) chấp thuận đưa vào Nghị Quyết 120 NQ-CP, nhưng phải cần một thời gian nữa mới có thay đổi thật sự, các Bộ, Ban, Ngành mới chấp hành chủ trương. Cho nên tôi xin trình bày với anh một cách tóm tắt như thế này:
Từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đề nghị mà tôi đã từng nêu 28 năm nay sau khi Việt Nam trở lại vị trí nhóm 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Nghị Quyết 120 NQ-CP của Chính phủ đã được ban hành vào tháng 11/2017. Đây là một nghị quyết lịch sử của nông nghiệp ĐBSCL, vì nó gỡ trói người nông dân thoát khỏi vòng kim cô phải sản xuất lúa muôn đời để cho cán bộ nhà nước hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh về sản lượng lúa, mặc kệ nông dân phải chịu giá rẻ bèo của sản phẩm thặng dư quá lớn này. Bây giờ chính sách phát triển thủy lợi của Việt Nam phải được chuyển đổi theo sự chuyển hướng của nông nghiệp, không thể theo mục tiêu cũ để tiếp tục tăng sản lượng lúa thông qua thâm canh nông nghiệp mà phải theo mục tiêu cải thiện sinh kế của nông dân thông qua đa dạng hóa cây trồng và canh tác tổng hợp.
Nhưng rất tiếc các nhóm lợi ích vẫn bám mục tiêu đầu tiên đòi hỏi phải xây dựng hệ thống thủy lợi quy mô lớn, xây dựng cống đập ngăn mặn, đào kênh dẫn nước ngọt quý hiếm từ sông Hậu xa tít để tiếp tục bắt dân trồng lúa, như Dự án sông Cái Lớn – Cái Bé (CLCB). Nhóm lợi ích luôn có thế lực mạnh, để được duyệt dự án thì họ mới có ăn, mặc kệ dân trồng lúa cứ nghèo.
Các nhà khoa học chân chính đã đưa ý kiến đề nghị dừng dự án CLCB, với những lập luận bác bỏ các lý do cần phải thực hiện dự án. Nhưng lý do quan trọng mà các nhà phản biện nói rất ít là dưới ánh sáng của Nghị Quyết 120 NQ-CP của Chính phủ, lương thực không còn là mục tiêu chính mà nhà nước đã bắt buộc mọi người thực hiện bằng mọi giá bất kể tổn phí. Thời thế bây giờ không như trước nữa. Chúng ta dư thừa quá nhiều lúa gạo. Với kỹ thuật lúa gạo của chúng ta ngày nay, chỉ trong vòng 3 tháng là chúng ta có gặt vụ lúa mới. Tại sao những người trong nhóm lợi ích chỉ nghĩ là phải ngăn mặn để có thể tiếp tục trồng lúa mà không thấy những người chuyên trồng lúa cả 40 năm nay vẫn khổ vì lợi tức từ lúa quá thấp? Nhóm lợi tức này muốn những người trồng lúa của nước ta chịu nghèo khổ vĩnh viễn hay sao?”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – sau này là Chủ tịch Nước, với bàn tay phải ông đặt bút ký nghị quyết Nghị Quyết 120 NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL, hay nói theo ngôn từ của GS VTX đó là Nghị Quyết “Thuận Thiên” nhưng rồi cũng chính bàn tay trái của ông Phúc bật đèn xanh cho các nhóm lợi ích – có thế lực mạnh hơn ông, khởi công Dự án Cái Lớn Cái Bé, hơn 3 ngàn tỉ được mệnh danh là công trình của Thế kỷ.
Cả tôi và Anh Xuân đều hiểu rằng những khẩu hiệu thì quá nhiều, nhưng khoảng cách giữa những Nghị Quyết và Thực Tế của đất nước trong 48 năm qua vẫn còn là một khoảng cách đại dương.
Một Kỳ Thị Tuổi Tác:
Từ ngày Anh VTX qua tuổi hưu, phải sống trong một bộ máy hành chánh phức tạp và rất quan liêu, nên người Anh Hùng Lao Động, Nhà Giáo Nhân Dân Võ Tòng Xuân vẫn thường xuyên bị sách nhiễu về vấn đề tuổi tác của Anh, qua những tra vấn thủ tục giấy tờ và những buổi tái khám sức khỏe định kỳ. Biết tôi là một bác sĩ y khoa không thua tuổi Anh nhưng vẫn còn làm việc ở một môi trường hải ngoại, không có quy định cưỡng bách về hưu do tuổi tác. Và chỉ mới đây thôi, cách đây hơn một năm, với tất cả sự bực bội tới mức phẫn nộ, Anh VTX viết email cho tôi:
Mon, Jun 14, 2021, 7:38 PM
Anh Vinh quí mến,
Hiện nay, theo qui định ó đâm của đám lãnh đạo dốt của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (nhờ tụi nó nên nền giáo dục của VN ngày càng lụn bại với tràn đầy “học giả bằng cấp thật”) rằng Hiệu trưởng đại học tư nhân không được quá 75 tuổi, nên Hội đồng quản trị Trường ĐH Nam Cần Thơ phải chuyển tôi sang chức vụ Hiệu Trưởng Danh Dự (Rector Emeritus) vĩnh viễn…
…
Đến hôm nay tôi mới nhận email đề ngày 6/6/2021 của anh. Hộp thư Gmail của tôi quá đầy mà chưa xóa bớt nên bị warning hoài. Có lẽ anh đổi địa chỉ gmail của tôi sang vtxuan@nctu.edu.vn thì tiện hơn. Cách đây hai tuần có một anh Bạn nhắn tin đến điện thoại di động tôi. Anh ấy là cựu giảng viên Trường ĐH Hàng Hải Hải Phòng, nay về hưu sống ở Nha Trang. Anh ấy viết rằng đã đọc được trên trang “Tiếng Dân” thông tin về quyển sách “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” rất tâm đắc, nhờ tôi chỉ chỗ nào để mua một quyển. Và tôi đã gửi ngay bản electronic tôi sẵn có, đồng thời tôi giới thiệu trang Vietecology Press có audiobook do Ánh Nguyệt diễn đọc để nghe cho sướng! Anh ấy cám ơn khi được tiếp cận sách của BS Vinh. Anh có thể cho gởi quyển sách mới của anh đến địa chỉ tôi tại ĐH NCT như sau:
GS Võ-Tòng Xuân,
Hiệu trưởng danh dự Đại Học Nam Cần Thơ
168 Nguyễn Văn Cừ (nối dài), Ninh Kiều, TP Cần Thơ
2022 VTX 82 TUỔI TRÊN CON DỐC TỬ SINH
08/12/2022: Cùng ngày, các tờ báo lớn trong nước như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VNExpress, Người Lao Động đồng loạt đăng tin: Giáo sư Võ Tòng Xuân “cha đẻ” nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long vừa được Viện Tim TP. HCM cứu thoát khỏi nguy kịch sau cơn nhồi máu cơ tim, xuất huyết tiêu hóa. Theo TS-BS Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim TP HCM:
“GS VTX được chuyển từ bệnh viện Nhân Dân 115 sang Viện Tim Mạch chiều ngày 05/12/2022 trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, GS VTX được nhập viện BV Nhân Dân 115 do xuất huyết đường tiêu hóa nặng cần truyền máu. Tuy nhiên sau khi truyền máu và nội soi ổn định, và rồi thêm diễn tiến bất ngờ, GS VTX bị nhồi máu cơ tim cấp tính. Chẩn đoán bằng soi tim, GS VTX bị nghẽn các động mạch vành và được đặt 3 ống thông động mạch (stents). Bị suy hô hấp cấp tính, GS VTX cần hỗ trợ của máy thở với đặt ống nội khí quản”.
Và cũng cùng ngày, TS Nguyễn Xuân Xanh, qua một email-nhóm thông báo trên Diễn đàn edu-sci – trong đó Anh VTX là một thành viên lâu năm:
Anh chị thân mến,
Đọc tin này mà giật mình:
Nhưng may mắn, anh Xuân đã qua cơn nguy kịch. Cầu chúc anh tiếp tục bình phục. Có lẽ do anh ở tuổi cao mà vẫn ham làm việc quá sức, không ngừng nghỉ. Mong anh mau bình phục. Thân mến, Xanh
11/12/2022: ngày 6. Là một bác sĩ tôi hiểu rất rõ rằng thông tin sức khỏe là thuộc quyền riêng tư của người bệnh, nhưng với GS VTX là một nhân vật nổi tiếng của cộng đồng – và cộng đồng ấy như một gia đình lớn, thương mến Anh Xuân, có những thao thức và mong muốn – trong một chừng mực nào đó được biết tới những bước tiến triển về sức khỏe của GS VTX.
Do đó, tôi đã tìm liên lạc được với một bạn đồng môn Đại học Y Khoa Sài Gòn từ trước 1975, Anh hiện là một TS-BS PGS chuyên khoa Tim Mạch vẫn còn làm việc toàn thời gian, do sự khiêm cung Anh yêu cầu tôi không nêu tên Anh. Các tin tức về diễn tiến sức khỏe của Anh VTX tôi được biết trực tiếp từ Anh.
Anh cho biết sang tới ngày thứ 6, Anh VTX vẫn còn nằm trong Phòng Chăm Sóc Đặc Biệt / ICU, với tình trạng tạm ổn định, vẫn cần thuốc vận mạch / inotrope để duy trì huyết áp, vẫn thở bằng máy. Mục tiêu tối hậu trong mấy ngày tới là làm sao anh Xuân có thể tự thở để rút ống / extubation.
14/12/2022: ngày 9. Bác Xuân tập thở yếu, nên hôm nay, toán điều trị ICU sẽ làm Tracheostomy – để có thể đưa ống thở qua lỗ mở khí quản. Bác khỏe, kiểm soát được nhiễm trùng phổi, tỉnh táo.
15/12/2022: ngày 10. Anh VTX vẫn cần máy thở. Được thử nghiệm thở tự phát (SBT / Spontaneous Breathing Trial) để chuẩn bị cho ra khỏi máy thở, nhưng với một người bệnh tuổi ngoài 80, tổng trạng yếu, sau xuất huyết tiêu hoá, nhồi máu cơ tim & nhiễm trùng phổi, quả là khó khăn. Tôi đã nhắn với Bạn đồng môn, là chừng nào Anh Xuân ra khỏi máy thở, tỉnh táo, nhờ Anh chuyển tới Anh VTX lời hỏi thăm của các Bạn Anh ở hải ngoại quý mến Anh Xuân với lời chúc lành.
16/12/2022: ngày 11. Bác Xuân vẫn cần thở máy qua lỗ mở khí quản, với nồng độ oxy FiO2 40% đạt được 100%. EF 40% (phân suất bơm máu tim). Bác tỉnh, nói hiểu. Hy vọng khá hơn.
18/12/2022: ngày 13. TS Nguyễn Xuân Xanh vẫn từ Diễn đàn edu-sci mới gửi ra một email thứ hai – lần này thì trực tiếp tới Anh VTX: “Anh Võ Tòng Xuân thân mến, hy vọng hôm nay Anh đã khỏe lại nhiều. Mong nhận được vài dòng của Anh trên diễn đàn như một tín hiệu vui, nếu được. Chúc Anh mau bình phục và ăn được một cái Tết ấm áp”. Thân mến, NXXanh
20/12/2022: ngày 15. Tình hình Bác Xuân: đã ngưng được kháng sinh điều trị viêm phổi. Thở máy với Oxy FiO2 30%, liều thấp Midazolam (thuốc an thần) qua ống thở khí quản, tim ổn định. Đề phòng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT / Deep Vein Thrombosis) bằng Lovenox 0,4 ml.
NTV: Cám ơn Anh đã cho tin, sẽ là một tin vui chừng nào Anh VTX được ra khỏi ICU và không cần tới máy thở… Btw: Prognosis / Dự Hậu, theo Anh? All the best, Ngô Thế Vinh. Với tất cả sự dè dặt, Bạn tôi đã trả lời: Dự Hậu “có thể” là tốt / Maybe good prognosis.
25/12/2022: ngày 20. NTV: Tôi hiểu rằng trong trường hợp khẩn cấp, khi có dấu hiệu suy hô hấp, người bệnh cần được đặt ống khí quản với máy thở. Thường thì bệnh nhân sẽ được rút ống thở càng sớm càng tốt; có thể phải sang tới ngày thứ 4 hoặc thứ 5. Nhưng nếu kéo dài hơn, bệnh nhân sẽ được làm Tracheostomy (mở lỗ khí quản) để có thể vẫn thở trên máy qua ống khí quản mới. Cho tới ngày hôm qua, đã qua hơn 3 tuần lễ Anh VTX vẫn còn phụ thuộc vào máy thở – theo thuật ngữ chuyên môn, thì nay Anh Xuân thuộc vào nhóm PMV cần thở máy kéo dài (Prolonged Mechanical Ventilation). Đây không phải là một chỉ dấu tốt cho bước hồi phục nhanh của Anh VTX. Càng phụ thuộc lâu vào máy thở, các cơ hô hấp ngày càng yếu đi; khả năng người bệnh được rút ống khí quản càng khó hơn; chưa kể nguy hiểm nhiễm trùng phổi do máy thở và các biến chứng khác do nằm lâu trong ICU là khá cao. Với quan tâm và lo lắng, về triển vọng hồi phục nhanh của Anh VTX.
27/12/2022: ngày 22. Các BS ở Hồi sức Viện Tim chăm sóc chu đáo cho Bác Xuân. Bác đang có thêm vấn đề: Cai máy thở / Ventilator weaning gặp khó khăn vì bệnh nhân yếu, chỉ thở bằng bụng, đang nhờ Vật lý Trị liệu giúp. Do sử dụng Lovenox (thuốc loãng máu) để ngừa đông máu cục trong tĩnh mạch sâu (DVT) nay lại bị chảy máu bàng quang. Phải ngưng Lovenox, toán bác sĩ Viện Tim quyết định đặt lưới lọc Greenfield ở Tĩnh Mạch Chủ Dưới (IVC) nhằm ngăn ngừa máu cục từ chân lên phổi. Đã ngừng được kháng sinh và thuốc vận mạch (Inotrope). Vẫn hy vọng và cầu nguyện Anh Vinh ạ.
31/12/2022: ngày 26. Hôm nay là ngày của năm cùng tháng tận, và chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là qua nửa đêm sang năm 2023, Anh VTX bước qua tuổi 83. Tin mới nhất từ Sài Gòn mà tôi nhận được – Anh VTX còn nằm trong ICU, với máy thở – và tôi hiểu rằng, cứ thêm một ngày trên máy thở thì thời điểm phục hồi càng lùi xa, và nay cuộc đấu tranh của Võ Tòng Xuân càng trở nên gian truân và khó khăn hơn. Từ một nơi rất xa, bên kia nửa vòng trái đất, tôi và các Bạn hữu quý mến Anh cùng gửi lời thăm hỏi tới “người hiệp sĩ đồng xanh” với lời chúc lành.
02/01/2023: ngày 28. Dear Anh Ngô Thế Vinh, báo Anh tin vui, GS VT Xuân đã ngưng được máy thở, hôm nay sẽ được chuyển lên trại bệnh, không còn nằm trong ICU. NTV_ Thật là một tin vui đầu năm. Không thể không gửi lời cám ơn tới toán điều trị trong ICU Viện Tim đầy khả năng, họ đã cống hiến trí tuệ và cả những phương tiện tối ưu lo cho người bệnh Võ Tòng Xuân, để cho đến hôm nay Anh Xuân đã ra khỏi máy thở, ra khỏi ICU sau 28 ngày ở một người bệnh tuổi 83, phải được kể là một thành tích Y Khoa ngoạn mục.
04/01/2023: ngày 30. Dear Anh Ngô Thế Vinh, Sáng nay tôi mới đưa anh Nguyễn Quốc Thái vào thăm GS Võ Tòng Xuân. GS Xuân khỏe, ngưng thở máy, hết viêm phổi. Anh Thái có chuyển lời thăm hỏi của Anh Vinh tới GS Xuân. Bác Xuân rất linh hoạt, sắc diện tươi tỉnh khi nghe Anh Thái nhắc đến BS Ngô Thế Vinh.
Các bác sĩ và điều dưỡng tại đây rất tận tâm, còn giữ nếp nhà xưa. Tôi vẫn tới giúp các em ở Viện Tim, giảng dạy tại đây 2 buổi/ tuần. BS Phạm Nguyễn Vinh.
Hình 12a: 7 giờ sáng thứ Tư 04/01/2023, PGS TS-BS tim mạch Phạm Nguyễn Vinh đưa nhà thơ Nguyễn Quốc Thái tới Viện Tim thăm GS Võ Tòng Xuân, khi ấy còn sớm, Anh Xuân vẫn chưa thức giấc.
Hình 12b: Trái, Bác sĩ tim mạch Nguyễn Nho Tiến – trong toán ICU chăm sóc GS Võ Tòng Xuân, sáng nay lên thăm GS Xuân trên trại bệnh. BS Tiến đang cầm cuốn vở để GS Võ Tòng Xuân có thể đọc mấy dòng chữ thăm Anh. Phải, hàng chữ cuối trên trang viết là chữ ký cứng cáp và mạnh mẽ của Anh Võ Tòng Xuân (phải). BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết: Anh Nguyễn Quốc Thái có chuyển lời thăm hỏi Bác Xuân của BS Ngô Thế Vinh từ California. GS Võ Tòng Xuân rất linh hoạt, sắc diện tươi tỉnh. Photos by BS Phạm Nguyễn Vinh.
Hình 12c: Buổi chiều cùng ngày 04/01/2023, BS Phạm Nguyễn Vinh gửi cho tôi một đoạn video: GS Võ Tòng Xuân đang tập Vật Lý Trị Liệu, Anh Xuân đã có thể tự ngồi, tự đứng dậy với bước đi ngắn, tươi tắn linh hoạt, với ngón tay cái chĩa lên và cả giơ tay vẫy chào mọi người. Một thành tựu của “Bước Thứ Ba Y Khoa – Y Khoa Phục Hồi”.
Bài viết này như Một Thiệp Chúc Xuân 2023 gửi tới Anh Võ Tòng Xuân, cùng bao nhiêu Bạn hữu thương mến Anh Xuân với những lời chúc lành.
NGÔ THẾ VINH
California 05/12/2022 – 05/01/2023
__________
Tham Khảo:
1/ GS Võ Tòng Xuân – cha đẻ của nhiều giống lúa – qua cơn nguy kịch sau cơn nhồi máu cơ tim. Tuổi Trẻ Online 08/12/2022 GS Võ Tòng Xuân – ‘cha đẻ’ của nhiều giống lúa – qua cơn nguy kịch sau cơn nhồi máu cơ tim – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
2/ Ngô Thế Vinh. ĐBSCL 2020 Cánh Đồng Chết và 45 Năm Ảo Vọng Trí Thức.
Viet Ecology Press, 2020. https://vietecologypress.blogspot.com/2020/04/bscl-2020-canh-ong-chet-va-45-nam-ao.html
3/ Ngô Thế Vinh. (1) Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng; (2) Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (in Print and Audiobook), Nxb Văn Nghệ 2000, 2006. Việt Ecology Press
*Luận án TS và các bài báo khoa học của GS Võ Tòng Xuân là do 2 chuyên viên thư viện Phạm Lệ Hương (California) và Nguyễn Nga (Arizona) sưu tầm.