Mục lục
Vì sao Canada dám công khai thách thức Trung Quốc ?
RFI
Mối quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Bắc Kinh và Ottawa, vốn dĩ đã bắt đầu xuống cấp từ năm 2018, gần đây đã chạm đến ngưỡng không thể thoái lui. Nhà báo Ludovic Hirtzmann trên nhật báo Le Figaro ngày 02/01/2023 đã tìm cách giải mã. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu bài viết.
Trước hết tác giả điểm lại những va chạm gần đây giữa hai nước. Ngoại trưởng Canada, bà Melanie Joly từng mạnh mẽ phát biểu : « Chúng ta sẽ thách thức Trung Quốc khi cần thiết ». Lãnh đạo ngành ngoại giao Canada còn lên án một Trung Quốc mà « các lợi ích và giá trị ngày càng xa rời » với Canada. Những bất đồng này đang tạo ra nhiều căng thẳng mỗi lúc một lớn giữa hai nước, mà xung khắc gần đây nhất là giữa thủ tướng Canada Justin Trudeau và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11/2022 tại thượng đỉnh G20, ở Bali, Indonesia.
Nguyên nhân của cuộc tranh cãi là gì ? Bị phe đối lập buộc phải giải thích vì sao chính phủ của ông lại có thể để Bắc Kinh mua chuộc đến 11 chính trị gia thân Trung Quốc trong các kỳ bầu cử lập pháp Canada năm 2019 và năm 2021, nhằm đánh bại các ứng viên quốc hội chống đối Bắc Kinh, thủ tướng Justin Trudeau đã đề nghị Tập Cận Bình giải thích. Sự việc đã khiến chủ tịch Trung Quốc rất tức giận, và đã đáp lại bằng cách công khai chỉ trích thủ tướng Canada với những lời lẽ cáu kỉnh mạnh mẽ hiếm có.
Nguyên nhân sâu xa?
Dưới thời các nhà lãnh đạo Pierre Elliott Trudeau, Brian Mulroney hay Jean Chrétien, Ottawa duy trì một mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh. Đến thời cựu thủ tướng Stephen Harper, giữa hai nước đã có vài điểm bất hòa. Nhưng bang giao này thật sự xuống cấp ngay từ năm 2018 sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ, với cáo buộc vị giám đốc tài chính và là con gái nhà sáng lập tập đoàn Hoa Vi là gian lận. Nhưng khi chấp nhận đòi hỏi đó của Washington, chính quyền Canada đã để mình mắc vào bẫy yêu cầu của Mỹ mà hệ lụy vẫn còn dư âm cho đến ngày nay.
Bởi vì, chỉ vài ngày sau khi nữ giám đốc tài chính của Hoa Vi bị quản thúc tại gia, Trung Quốc cho bắt giữ và bỏ tù một doanh nhân cùng với một nhà ngoại giao Canada trong những điều kiện nghiệt ngã. Bắc Kinh sau đó còn đe dọa có những biện pháp trả đũa bạo lực nhắm vào các công dân Canada sinh sống ở Hồng Kông. Tình trạng này vẫn xấu thêm cho dù bà Mạnh Vãn Châu đã được trả tự do năm 2021. Các hành động đe dọa ban đầu của Trung Quốc đã gây bất ổn chính quyền Canada trong suốt vụ Hoa Vi. Trong vòng gần ba năm, Ottawa đã không thể đưa ra một chính sách đối ngoại chặt chẽ trước Bắc Kinh, đến mức không có cả đại sứ ở Trung Quốc trong một thời gian dài. Việc Trung Quốc nhiều lần can thiệp vào lãnh thổ Canada những tháng gần đây buộc Ottawa phải có phản ứng.
Vì sao Canada đối đầu với Trung Quốc ?
Alex Neve, giáo sư ngành Luật học trường đại học Ottawa và đại học Dalhousie, nhận định : « Nguyên trạng không thôi chưa đủ cho mối quan hệ Canada và Trung Quốc. Có quá nhiều điểm gây khó chịu và bất đồng, mà không có phương cách hiệu quả nào để giải quyết cả ». Chế độ độc tài Trung Quốc thường xuyên đe dọa Canada thông qua tòa đại sứ của họ ở Ottawa, trong khi vẫn truy lùng các nhà bất đồng chính kiến trên lãnh thổ Canada.
Nhà Trung Quốc học Charles Burton, thuộc viện Macdonald-Laurier ở Ottawa, giải thích thêm : « Có nhiều dấu hiệu cho thấy rõ là ban Lao động của Mặt Trận Thống Nhất đảng Cộng Sản Trung Quốc hoạt động rất tích cực trong các chiến dịch truy bắt các thành viên của giới tinh hoa do đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa và các tòa lãnh sự trên khắp lãnh thổ Canada tiến hành. » Tất cả đều có sự trợ giúp từ ít nhất ba đồn cảnh sát Trung Quốc bất hợp pháp ở Toronto và một đồn khác ở Vancouver, được phát hiện vào đầu tháng 12/2022.
Giáo sư Neve còn đi xa hơn, giải thích rằng « các cộng đồng và những nhóm sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Hồng Kông, Pháp Luân Công đều là những mục tiêu. Họ bị dọa dẫm, đe dọa tại Canada giống như các thành viên gia đình họ ở Trung Quốc do các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền của họ ».
Một nguyên nhân đáng lo khác là hoạt động gián điệp công nghiệp của Trung Quốc tại các phòng thí nghiệm ở các trường đại học, đôi khi với sự đồng lõa của một cộng đồng giáo sư và sinh viên Trung Quốc đông đảo. Ông David Vigneault, giám đốc cơ quan tình báo Canada, trong một hội thảo năm 2022, cho biết « một số lĩnh vực như sinh dược phẩm, y tế, trí thông minh nhân tạo, công nghệ lượng tử, công nghệ hàng hải và hàng không vũ trụ là bị nhắm đến nhiều hơn các lĩnh vực khác. »
Vì sao Canada có thể tự cho phép mình đối đầu với Trung Quốc ?
Canada có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà Trung Quốc đang cần đến. Ottawa phụ thuộc rất ít vào thương mại với đế chế Trung Hoa. Gần 72% lượng xuất khẩu của Canada là sang Hoa Kỳ. Đến mức bà ngoại trưởng hồi cuối tháng 11/2022 đã trình bày chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương trên thực tế là để cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh, và chuyển hướng hoạt động thương mại của Canada sang Ấn Độ và Đông Nam Á.
Đó còn là vấn đề ủng hộ các trao đổi mậu dịch và ngoại giao với các nền dân chủ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương như Hàn Quốc hay Nhật Bản khi cử các nhà Hán học đến các đại sứ quán chủ chốt ở châu Á để hiểu rõ hơn, thậm chí chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Nhà Hán học Charles Burton giải thích rõ : « Canada đã đồng ý đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ về chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương. Và Ottawa đã xin gia nhập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng do Hoa Kỳ lãnh đạo. Có nhiều khả năng là Hoa Kỳ đã yêu cầu Canada phải thể hiện quyết tâm hơn đối với Trung Quốc. »
Một mô hình cho phương Tây ?
Ottawa đã quyết định đoạn tuyệt với Trung Quốc để không còn phụ thuộc vào nước này về mặt thương mại trong tương lai. Chính sách thực dụng về đa dạng hóa thương mại và ngoại giao xác nhận thực tế là Canada có nguy cơ rơi vào một tình huống tế nhị nếu Hoa Kỳ xung đột với đế chế Trung Hoa về Đài Loan.
Bộ trưởng Công Nghiệp và Đổi Mới François-Philippe Champagne còn muốn chứng tỏ rằng Ottawa có thể là một giải pháp thay thế Bắc Kinh cho phương Tây trong một số lĩnh vực chủ chốt. Theo một bảng xếp hạng gần đây của văn phòng cố vấn BloombergNEF, trong vài năm qua, Canada đã trở thành quốc gia đứng hàng thứ hai trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất pin điện, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Bộ trưởng Công Nghiệp, kiên quyết thách thức Trung Quốc vào cuối năm 2022 và đã cho trục xuất một số doanh nghiệp để tránh bị ăn cắp công nghệ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vào tháng 10/2022, François-Philippe Champagne còn ra lệnh cho ba doanh nghiệp Trung Quốc chuyên về kim loại hiếm phải bán lại các cổ phần của họ trong các doanh nghiệp Canada.
Ông tuyên bố : « Tôi sẽ giống như một kẻ diều hâu xem xét kỹ các giao dịch để bảo đảm rằng chúng ta đang bảo vệ an ninh quốc gia và kinh tế của người dân Canada ». Căn cứ theo Đạo Luật Đầu Tư Canada mới, các công ty nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực kim loại hiếm chiến lược sẽ phải trải qua các cuộc hạch sách về an ninh và các doanh nghiệp nhà nước nước ngoài sẽ không thể đầu tư vào lĩnh vực này ở Canada. Chuỗi biện pháp này là nhằm chống lại bất kỳ sự can thiệp nào từ Trung Quốc.
Hệ quả nào cho tương lai ?
Chế độ độc tài Trung Quốc có lẽ sẽ phải tăng cường các hành động can thiệp vào Canada. Nguy cơ bắt giữ nhiều công dân Canada khác khi đến Hồng Kông hay Trung Quốc cũng sẽ gia tăng một khi Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại cho khách nước ngoài. Với việc thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, chính quyền Ottawa hy vọng sẽ có được sự hậu thuẫn từ Washington. Hai quốc gia Bắc Mỹ này có cùng những mục tiêu liên quan đến Trung Quốc.
Giáo sư Paltiel đánh giá rằng đất nước của ông đồng tình với các phát biểu của Hoa Kỳ, « theo đó, có một cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa các nước dân chủ và các quốc gia độc tài. Một cuộc cạnh tranh trước hết do Trung Quốc dẫn đầu (…) Ottawa ưu tiên an ninh quốc gia hơn các lợi ích khác. Canada rập khuôn theo ý kiến công luận ngày càng trở nên chống đối Trung Quốc. »
Sự rạn nứt giữa hai nước là có thật. Sau sự cố ở Bali, ít có khả năng Tập Cận Bình và Justin Trudeau sẽ sớm nói chuyện lại. Ottawa rất có thể sẽ siết chặt các tiêu chí nhập cư đối với công dân Trung Quốc ở Canada, ngày càng trở thành mục tiêu bị nhắm đến vì những mối liên hệ với Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân hay Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nếu như chính phủ Canada có vẻ quyết tâm tiến hành một chính sách đối ngoại khác tại châu Á, cũng còn quá sớm để biết xem liệu chính sách này có sẽ giữ được lâu bền hay không. Chính phủ theo xu hướng tự do thường có thói quen « thùng rỗng kêu to ».