Mục lục
Brazil, phiên bản cuộc bạo loạn 6/1 ở Mỹ
- Lê Tây Sơn
9 tháng 1, 2023
Hàng ngàn “fan cứng” của cựu Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro đã xông vào và phá toà nhà Quốc hội, Tòa án Tối cao và tòa nhà văn phòng tổng thống ở Brazil vào ngày Chủ nhật 8 Tháng Một. Cuộc bạo loạn được báo trước gần như trùng thời điểm với cuộc nổi dậy tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Một, 2021 của những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, dẫn đến cuộc điều tra tội phạm lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Cuộc bạo loạn được báo trước
Những người ủng hộ Bolsonaro đã xông vào chiếm đóng và phá hoại Quốc hội, Tòa án Tối cao và tòa nhà Văn phòng tổng thống. Tại toà nhà Quốc hội, nhiều kẻ chống đối ngồi và nằm trên nền nhà. Một lá cờ được dựng phía trước tòa nhà có dòng chữ “can thiệp”, ám chỉ lời kêu gọi quân đội đảo chính tân Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Các cuộc tấn công ở thủ đô diễn ra chỉ một tuần sau lễ nhậm chức của ông Lula, người đã đánh bại Bolsonaro trong cuộc bầu cử vòng hai vào Tháng Mười để ngồi lại chiếc ghế tổng thống lần thứ ba.
Vụ bạo loạn ngày Chủ nhật là một trong những cuộc tấn công tồi tệ nhất chống lại nền dân chủ ở Brazil kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1964. Lula đã lên án những hành vi “ghê tởm” và tuyên bố: “Tất cả những người liên quan sẽ bị điều tra và trừng phạt bằng tất cả sức mạnh của pháp luật”. Ông cũng đổ lỗi cho Bolsonaro đã khuyến khích bạo loạn bằng cách liên tục đặt câu hỏi về sự trung thực của cuộc bầu cử (cũng giống như Trump đã làm trước đây).
Kể từ khi Bolsonaro thất cử vào Tháng Mười, hàng ngàn người ủng hộ ông đã cắm trại tại các doanh trại quân đội trên khắp đất nước, kêu gọi quân đội lật đổ chính phủ trong bối cảnh cựu tổng thống và một số đồng minh tố cáo có gian lận bỏ phiếu. Trong quá trình gây rối, những “Bolsonaristas” (để chỉ những người ủng hộ cựu tổng thống) đã tấn công cảnh sát và đốt cháy xe buýt ở thủ đô Brasilia. Vài ngày trước khi rời nhiệm sở, Bolsonaro đã bảo vệ nhiệm kỳ tổng thống bốn năm đầy biến động của mình và tuyên bố “cuộc bầu cử không công bằng”.
Sau đó, Bolsonaro bay tới Florida và bỏ qua nghi thức truyền thống trao biểu tượng dây đeo tổng thống cho người kế nhiệm. Lula, 77 tuổi (được xem là “con sư tử của cánh tả Mỹ Latin”) đã lên án cuộc tấn công và gọi những kẻ bạo loạn là “bọn phát xít”. Ông đã ký một sắc lệnh khẩn cấp cho phép chính phủ liên bang can thiệp vào Brasilia và thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để lập lại trật tự.
Paulo Pimenta, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Lula đã tweet một đoạn video vào tối Chủ nhật cho thấy văn phòng ở tầng trệt của Điện Planalto, nơi làm việc chính thức của tổng thống bị bỏ hoang sau khi những kẻ bạo loạn phóng hỏa làm cháy chiếc ghế bành và làm vỡ kính. Đứng cạnh Bộ trưởng Tư pháp Wadih Damous, Pimenta cho biết những kẻ bạo loạn đã mở tủ giữ súng và lấy đi vũ khí, đạn dược và tài liệu. “Vũ khí bị cướp là một tội ác khác cần được điều tra” – ông nói.
Nguy hiểm khó lường
Tối Chủ nhật 8 Tháng Một 2023, Tổng thống Joe Biden đã tweet ủng hộ nền dân chủ Brazil và chính quyền Tổng thống Lula đồng thời “lên án mạnh mẽ cuộc tấn công vào nền dân chủ và việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Brazil”.
Ông nhấn mạnh: “Các thể chế dân chủ của Brazil nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của chúng tôi và ý chí của người dân Brazil không thể làm suy yếu. Tôi mong tiếp tục làm việc với @LulaOficial”. Trong nhiều tháng qua, chính quyền Biben cũng liên tục ủng hộ nền dân chủ ở Brazil khi xảy ra căng thẳng tả-hữu. Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân chủ-New York) đã cùng một số nhà lãnh đạo chính trị Mỹ lên án cuộc bạo loạn mà bà nói là do một “phong trào phát xít” thúc đẩy.
Ocasio-Cortez kêu gọi chính phủ Mỹ trục xuất Bolsonaro khỏi tiểu bang Florida, nơi ông đã đến hơn một tuần. “Gần hai năm kể từ ngày Điện Capitol bị phát xít tấn công, chúng tôi thấy các phong trào phát xít ở nước ngoài đang cố gắng làm điều tương tự ở Brazil – bà Ocasio-Cortez tweet – Chúng ta phải đoàn kết với chính phủ được bầu cử dân chủ của @LulaOficial. Hoa Kỳ phải ngừng cấp nơi ẩn náu cho Bolsonaro ở Florida”.
Vài giờ sau khi hàng ngàn người ủng hộ cực đoan của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro xông vào và phá hoại Quốc hội, Tòa án Tối cao và Cung điện Planalto ở thủ đô Brasilia, lực lượng an ninh Brazil giành lại quyền kiểm soát cả ba tòa nhà. Đến 5 giờ chiều, giờ địa phương, lực lượng an ninh và cảnh sát chống bạo động bắt đầu chiếm lại Tòa án Tối cao, nhưng một số người biểu tình vẫn ở trong nhà để xe.
The Washington Post cho biết, viên chức chính quyền (thủ đô) Brasilia, Ibaneis Rocha, cho biết có hơn 400 người bị bắt giữ do tham gia vụ tấn công. “Nhà chức trách đang làm việc để xác định những kẻ bạo động và đưa họ ra trước công lý” – ông nói. Bolsonaro (cựu tổng thống cực hữu nhất của Brazil) đã thua Lula trong cuộc bỏ phiếu vào cuối năm ngoái. Không chấp nhận kết quả, một số người ủng hộ ông đã tấn công cơ sở hạ tầng của chính phủ kể từ khi ông bị đánh bại.
Cuộc tấn công – mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền dân chủ ở quốc gia lớn nhất Mỹ Latin kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1964 – cho thấy dường như có một “bệnh dịch” lan rộng của những kẻ cực hữu dựa vào các thuyết âm mưu để gây hỗn loạn ở các nền dân chủ phương Tây. Nguy hiểm nhất là thành phần theo đường lối cứng rắn bị cực đoan hóa bởi những luận điệu chính trị kích động, từ chối chấp nhận thất bại trong các cuộc bầu cử rồi bám lấy những suy đoán gian lận vô căn cứ để bước qua pháp luật.
Vụ bạo loạn Brazil: Thần đèn đã ra khỏi chai!
Mỹ đang “xuất cảng những ảnh hưởng phản dân chủ sâu sắc”?
- Hiếu Chân
9 tháng 1, 2023
Bản sao của biến cố 6 tháng Giêng 2021
Như tin đã đưa, ngày hôm qua hàng ngàn người ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã xông vào phá hoại tòa nhà Quốc hội, Tối cao Pháp viện và Văn phòng Tổng thống Brazil – lặp lại hành động của những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 6 tháng Giêng 2021 lịch sử.
Luận điệu của những người ủng hộ ông Bolsonaro, gọi là những “Bolsonaristas”, cũng y hệt luận điệu của những người theo ông Trump ở Mỹ, những “Trumpists”, đó là phủ nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống mà lãnh tụ của họ đã thua cuộc; từ đó dùng nhiều thủ đoạn, kể cả bạo lực, để lật ngược sự lựa chọn của cử tri.
Ông Bolsonaro được coi là một Donald Trump của Brazil. Sau cuộc bầu cử hôm 30 tháng Mười 2022, với kết quả 50.9% số phiếu bầu cho cựu Tổng thống Lula da Silva và chỉ 49.1% cử tri bầu cho ông ta, ông Bolsonaro vẫn không thừa nhận thất bại, cáo buộc bầu cử gian lận mà không đưa ra bằng chứng và kích động những người ủng hộ ông xuống đường phản đối kết quả bầu cử. Cũng giống như ông Trump, ông Bolsonaro đã không tham dự lễ đăng quang của người thắng cuộc Lula da Silva vào ngày 1 tháng Giêng 2023, thay vì vậy ông ta bay sang Florida, Mỹ và tham dự tiệc mừng năm mới với ông Donald Trump tại dinh thự Mar-A-Lago của ông Trump.
Tin vào luận điệu “bầu cử gian lận” của ông Bolsonaro, trong hai tháng qua, các Bolsonaristas đã xuống đường biểu tình, phong tỏa các đường cao tốc, xung đột với cảnh sát, thậm chí kêu gọi quân đội làm đảo chính để khôi phục quyền hành cho chính phủ cánh hữu của Bolsonaro. Đỉnh điểm là vào hôm qua Chủ Nhật 8 tháng Giêng 2023, một tuần sau ngày Tổng thống Lula da Silva thuộc cánh tả tuyên thệ nhậm chức, đám đông Bolsonarista đã xông vào Quốc hội Brazil, đốt cháy tấm thảm của Hạ viện, chiếm đóng dinh tổng thống và đập vỡ cửa sổ tại Tòa án Tối cao. Truyền thông địa phương cho biết có khoảng 3,000 người Brazil tham gia cuộc bạo loạn. Hành động của họ giống hệt những người theo chủ nghĩa Trumpism nổi dậy ngày 6 tháng Giêng 2021 ở Mỹ.
Đến chiều tối ngày 8 tháng Giêng thì cuộc bạo loạn bị dập tắt. Cảnh sát đã bắn nhiều đạn cay vào đám đông và cảnh được chiếu trên truyền hình vào cuối buổi chiều cho thấy những kẻ nổi loạn bị áp giải từ dinh tổng thống với hai tay bị trói. Đến đầu giờ tối, chính quyền đã kiểm soát được các tòa nhà. Bộ trưởng Tư pháp Flávio Dino cho biết trong một cuộc họp báo rằng khoảng 400 người đã bị bắt. Tin mới nhất là vào chiều nay 9 tháng Giêng, hơn 1,200 kẻ bạo loạn đã bị bắt còn bản thân ông Bolsonaro đã phải vào bệnh viện ở Florida để điều trị bệnh đường ruột.
Rõ ràng, cuộc bạo loạn ở Mỹ và ở Brazil diễn ra theo một kịch bản giống hệt nhau; trong đó sự kiện ở Brazil có phần được khuyến khích bởi sự kiện của Mỹ hai năm về trước và cả hai đều gây ra những hậu quả lâu dài đối với các nền dân chủ trên toàn thế giới. Nhiều nhà quan sát đã bắt đầu đặt câu hỏi, sau Mỹ và Brazil thì sẽ đến nước nào phải đối mặt với tình trạng bạo loạn tương tự.
Cả thế giới lên án, trừ đảng Cộng hòa Mỹ
Tân Tổng thống Brazil Lula đã lên án cuộc tấn công và gọi những kẻ bạo loạn là “bọn phát xít”. Ông đã ký một sắc lệnh khẩn cấp cho phép chính phủ liên bang can thiệp vào thủ đô Brasilia và thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để lập lại trật tự. “Tất cả những kẻ liên quan sẽ bị điều tra và trừng phạt bằng tất cả sức mạnh của pháp luật”, ông Lula tuyên bố và đổ lỗi cho cựu Tổng thống Bolsonaro đã khuyến khích bạo loạn bằng cách liên tục đặt câu hỏi về sự trung thực của cuộc bầu cử.
Tất cả nguyên thủ các quốc gia Nam Mỹ láng giềng với Brazil, từ Mexico, Chile, Columbia, Argentine, Uruguay, Peru, Ecuador, Bolivia, Paraguay, Costa Rica đều đã ra tuyên bố cực lực lên án vụ bạo loạn. Ngay đến các quốc gia cộng sản hoặc thân cộng như Cuba, Venezuela cũng phẫn nộ đối với hành động phản dân chủ ở Brazil. “Chúng tôi cực lực bác bỏ vụ bạo loạn do những nhóm tân phát xít của Bolsonaro gây ra, tấn công các định chế dân chủ của Brazil. Chúng tôi ủng hộ @LulaOfiicial và nhân dân Brazil, những người chắc chắn sẽ tập hợp để bảo vệ hòa bình và tổng thống của họ,” Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ra tuyên bố.
Bên ngoài châu Mỹ, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cùng nguyên thủ quốc gia các nước Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp và Ấn Độ đã lên án vụ bạo loạn ở Brazil bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất.
Trong khi đó ở Hoa Kỳ, phản ứng với sự kiện bạo loạn ở Brazil tỏ ra không đồng nhất: đảng Dân Chủ lên án vụ bạo loạn và bày tỏ sự ủng hộ tân Tổng thống Lula trong khi các chính trị gia đảng Cộng Hòa thì làm ngược lại hoặc giữ thái độ im lặng.
Ngay sau khi cuộc bạo loạn nổ ra Tổng thống Joe Biden đã đăng tweet ủng hộ nền dân chủ Brazil và chính quyền Tổng thống Lula đồng thời “lên án mạnh mẽ cuộc tấn công vào nền dân chủ và việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Brazil”. Ông Biden cũng gửi lời mời tân Tổng thống Brazil Lula da Silva tới thăm Tòa Bạch ốc vào tháng Hai tới.
Người lãnh đạo khối Dân Chủ thiểu số tại Hạ Viện Hoa Kỳ, Dân biểu Hakeem Jeffries cho rằng “Cuộc tấn công bạo lực vào trái tim của chính phủ Brazil bởi những kẻ cực đoan cánh hữu thật đáng buồn nhưng là cảnh tượng quen thuộc. Chúng tôi đứng cùng nhân dân Brazil và nền dân chủ”.
Trong khi đó, ông Steve Bannon, “kẻ buôn vua” của đảng Cộng Hòa, cựu cố vấn chiến lược và người thân cận của ông Trump, đã gọi những người bạo loạn ở Brazil là “những người đấu tranh cho tự do” trên mạng xã hội Gettr, một nền tảng xã hội cực hữu.
Cựu Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo khác của đảng Cộng Hòa, cho đến nay vẫn im lặng trước sự kiện ở Brazil, có lẽ vì họ cảm thấy khó xử vì chính họ đã cổ xúy những hành động như vậy ở Mỹ.
Dân biểu Raúl Grijalva (Dân Chủ-Arizona) nhận định, “cuộc nổi dậy ở Brazil có thể liên quan trực tiếp đến việc Trump và đảng Cộng Hòa khuyến khích chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Bất kỳ thành viên đảng Cộng Hòa nào lên án điều này, nhưng từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 đều là kẻ đạo đức giả.”
Thần đèn đã thoát ra
Trong một động tác mang tính thời sự cao độ, Đức Giáo hoàng Francis cảnh báo rằng ngài đã nhìn thấy những dấu hiệu “sự yếu đi của nền dân chủ” kể cả ở Brazil. “Tôi nghĩ tới nhiều quốc gia khác ở Nam Mỹ, nơi các vụ khủng hoảng chính trị thường rất căng thẳng, đầy các hình thức bạo lực làm trầm trọng thêm những xung đột xã hội”, Đức Giáo hoàng nói trong thông điệp thường niên của ngài với các đại sứ tại Vatican.
Trên khắp thế giới, phong trào dân chủ có lúc tiến lúc thoái. Khi một nhà độc tài lật đổ trong một phong trào đấu tranh hướng tới dân chủ thì những quốc gia khác có xu hướng làm theo như hiện tượng Mùa xuân Ả Rập trước đây. Nhưng điều ngược lại cũng đúng. Khi những kẻ chuyên quyền trỗi dậy thì họ cũng có khả năng kích thích những xu hướng tương tự ở các quốc gia khác mà sự thoái trào của thể chế dân chủ ở Đông Âu hiện nay là một ví dụ.
Cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 ở Hoa Kỳ có thể sẽ chỉ là một biến cố cá biệt, riêng lẻ, không có tác dụng lan tỏa ra những xứ sở khác nếu như những kẻ chủ mưu bị xét xử và trừng trị đích đáng trước pháp luật. Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt giữ, truy tố hàng trăm kẻ tham gia bạo loạn, kết án một số kẻ cầm đầu các tổ chức cực hữu như Proud Boys, Oath Keepers; đã tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng dưới sự giám sát của công tố viên đặc biệt Jack Smith và Hạ viện Hoa Kỳ cũng lập một ủy ban đặc biệt điều tra vụ bạo loạn. Đến nay, ủy ban Hạ viện đã thực hiện mười cuộc điều trần công khai, đã hoàn thành báo cáo cuối cùng hơn 800 trang và đã khuyến nghị Bộ Tư pháp điều tra, truy tố ông Donald Trump cùng một số bốn tội hình sự.
Thế nhưng hành động của chính phủ Mỹ với vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 vừa chậm trễ vừa không đầy đủ. Cho đến nay chưa có vụ xét xử hay bản án nào dành cho những kẻ chủ mưu kích động cuộc bạo loạn. Ông Trump và cộng sự trong đảng Cộng Hòa vẫn cao giọng tuyên bố những cuộc điều tra đó chỉ là “săn phù thủy” của đảng Dân Chủ, tố cáo Bộ Tư pháp bị “vũ khí hóa” và Hạ viện khóa mới do đảng Cộng Hòa kiểm soát đang có kế hoạch thành lập một ủy ban đặc biệt điều tra hoạt động của Bộ Tư pháp cùng các cơ quan chính phủ liên quan. Các dân biểu cực đoan của đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện thậm chí còn có kế hoạch ra luật “ân xá” cho những kẻ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng đã bị xét xử và kết tội.
Ian Bassin, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Bảo vệ Dân chủ, nói với trang Politico rằng bằng những phản ứng tiêu cực như vậy, nước Mỹ đang “xuất cảng những ảnh hưởng phản dân chủ sâu sắc”. “Mỹ đã thả ông thần đèn phản dân chủ cực kỳ nguy hiểm ra khỏi cái chai giam giữ ông ta” và bây giờ khó có thể sửa chữa. Bassin nói rằng liều thuốc giải độc là Mỹ phải làm gương bằng cách truy tố Trump và đồng bọn. “Càng mất nhiều thời gian để làm điều đó, vị thần phản dân chủ đó sẽ càng tàn phá nhiều hơn,” ông nói thêm.
Tuy nhiên với tình trạng chia rẽ sâu sắc của chính trường Mỹ hiện nay, liều thuốc đó xem ra rất khó được các chính trị gia chấp nhận.