Đoan Trang
17 tháng 1, 2023
Royce Hall của UCLA có sức chứa hơn 1,500 người, tối 16 Tháng Giêng chật kín trong Vietnamese Culture Night (Đêm Văn Hóa Việt) lần thứ 43.
Đêm Văn Hóa Việt “mở màn” lúc 7 giờ tối, vậy mà từ 6 giờ chiều đã có mặt hàng trăm người đứng xếp hàng chờ phía bên ngoài Royce Hall, đa số là sinh viên UCLA, phụ huynh, và cả sinh viên các trường đại học khác đến xem.
Vì sao “Để được thấu hiểu”?
Giảng sư Chúc Bùi Quyên Di, đại diện Hội đồng Giáo sư Đại học UCLA mở đầu chương trình: “Có một dòng sông văn hóa chảy từ khởi thủy cho đến bây giờ, qua nhiều miền, nhiều vùng và nhiều khoảng thời gian, và hôm nay, một nhánh của dòng sông ấy trôi qua đại học UCLA, thì thầm, nói chuyện với sinh viên gốc Việt rằng các em thật tuyệt vời. Chúng ta tự hào và hãnh diện vì các em dù xa xứ, sống ở một xã hội văn hóa văn minh Hoa Kỳ mà vẫn rất yêu chuộng văn hóa Việt và quyết tâm tìm hiểu cội nguồn.”
Trước đó, ông nói riêng với chúng tôi: “Mình từng xuất hiện ở rất nhiều nơi, có nơi hàng ngàn người, nhưng cứ lần nào đứng trên sân khấu của Royce Hall, chân mình cứ run lên một cách khó tả.” Lần này cũng vậy, khi được các em sinh viên giới thiệu lên sân khấu, ông cũng không dấu, rằng “chân tôi đang run lắm đây này”.
Những gì liên quan đến văn hóa, cội nguồn bao giờ cũng tạo sức hút và tác động mạnh đến không chỉ tâm trí mà cả thể xác con người.
“Chúng em rất vui và vinh hạnh được đứng trên sân khấu này để tôn vinh văn hóa Việt,” Trần Việt Minh Huy Eric, thành viên ban tổ chức nói. “Chủ đề Đêm Văn Hóa Việt năm nay là “Can I ask you” (dịch thoát nghĩa tiếng Việt: Để được thấu hiểu). Qua đây, em muốn nói với bố mẹ của em vài lời. Bố mẹ ơi, con biết 21 năm nuôi con không phải là điều dễ dàng. Khi tổ chức đêm văn hóa này, con hiểu được ý nghĩa của những câu hỏi con không biết cách để hỏi, và những lời yêu thương bố mẹ con không biết cách để nói. Con chỉ muốn biết và hiểu bố mẹ, và con muốn bố mẹ hiểu được lòng con, là con thương bố mẹ nhiều lắm!”
Ngồi ở hàng ghế phía sau, sinh viên UCI, tên Nathalie Trần, lúc đầu nói với tôi bằng tiếng Việt lơ lớ, sau chuyển qua nói tiếng Anh, cho nó nhanh: “Em nghe Hội Sinh viên của UCLA tổ chức các đêm văn hóa Việt rất hay, nên hôm nay đến để hiểu thêm văn hóa Việt, vì em có nhiều thắc mắc: Vì sao mình khác các bạn? Vì sao ở trường mình được học bằng thứ tiếng mà khi về nhà nói chuyện, ông bà không hiểu mình nói gì. Vì sao ông bà và ba mẹ nói với nhau bằng một ngôn ngữ khác? Vì sao và vì sao? Chưa bao giờ em hỏi ba mẹ, vì sao gia đình chúng ta lại có mặt ở đây. Em được sanh ra ở Orange County. Đó là nơi ‘chôn nhau cắt rốn’ của em, nhưng không phải là quê hương của gia đình em.”
Nguyễn Hoàng Thanh Trúc Kelly, giám đốc nghệ thuật của Đêm Văn Hóa Việt lần thứ 43, nói: “Cội nguồn đối với mỗi người sẽ khác nhau. Đối với em, cội nguồn là gia đình. Mỗi chúng ta sẽ có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để quay về. Khi cuộc sống đầy lo toan trở nên nặng nề, chúng ta sẽ quay về với gia đình. Ba mẹ đã không ngừng hy sinh và yêu thương em vô bờ bến. Ba mẹ ơi, cảm ơn ba mẹ đã sinh ra con là đứa con của đất nước hình chữ S, và con tự hào được hô vang hai tiếng ‘Việt Nam’”.
Janessa, cô sinh viên Mỹ gốc Trung Quốc đưa cả gia đình tham dự Đêm Văn Hóa Việt, chia sẻ: “Em có đứa em trai học ở UCLA, hôm nay em ấy có biểu diễn nữa. Bản thân em cũng có bạn là người Việt, và em thích nhiều món ăn Việt, như phở, bún bò Huế, chả giò,… Đêm nay em nghĩ mình sẽ hiểu thêm về văn hóa Việt qua các tiết mục do sinh viên UCLA thực hiện.”
Ở hàng ghế “reserved”, bà Loan Phạm cho biết gia đình bà sống ở San Ramon, thuộc Contra Costa County, bắc California. Bà Loan bay xuống miền Nam từ hôm trước để dự Đêm Văn Hóa Việt mà cô con gái mình là sinh viên Phạm Minh-Thư Michelle là một trong bốn sinh viên trong ban điều hành.
Trong lời tâm sự của mình, cô sinh viên 20 tuổi Minh-Thư cho biết em có kỷ niệm với bà ngoại: “Em là đứa con gái cứng đầu, bướng bỉnh. Khi rời Bay Area để xuống miền Nam với cuộc sống mới tạ Los Angeles này, em chọn cho mình con đường tự lập, chỉ đi tới và không bao giờ muốn quay đầu nhìn lại. Nhưng tối nay, em muốn các bạn hãy ngồi xuống và nhìn lại, tìm cảm giác khao khát và hồi tưởng. Bà ơi, con nhớ bà ngoại.”
Bà Loan nói Minh-Thư là con gái út trong nhà có bốn chị em, được bảy trường nhận, nhưng em chọn UCLA vì có cơ hội để nghiên cứu nhiều về văn hóa Việt, em học về ‘Public health’, thích làm việc trong các viện dưỡng lão, cũng như phục vụ cộng đồng.
***
Chương trình mở đầu bằng hai bài Quốc Ca: “Quốc ca Việt Nam” và “Star Spangeled Banner” (Quốc ca Hoa Kỳ) được thể hiện bằng phong cách a capella, không có nhạc đệm, rất chuyên nghiệp nhưng rất trang nghiêm và cảm động.
Sau các màn biểu diễn là tiếng vỗ tay, tiếng la hét cổ vũ hoạt náo của sinh viên, nhất là những màn múa quạt của sinh viên nam, nữ mặc áo dài truyền thống Việt. Năm nay ban tổ chức “kéo” được nhiều sinh viên các sắc dân khác như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc,… tham gia.
Chương trình có khoảng 150 sinh viên tham gia, xen kẽ kịch và múa hát, gồm hai phần, xoay quanh câu chuyện của cô sinh viên tên Minh Ánh (do sinh viên Nguyễn Elizabeth Bảo Châu Kaili đóng) về nhà trong ngày giỗ một năm của mẹ (do Elaine Yan đóng, trong phần hồi tưởng của Minh Ánh), bất ngờ gặp một người chưa từng quen biết mà xưng là “dì” (do Trịnh Nghiệm Quân Alison đóng). Lúc đầu, Minh Ánh bất ngờ và tức giận với cha mình (do Nguyễn Tuấn Calvin đóng), rằng vì sao là em của mẹ, mà cô chưa từng gặp mặt, lại không dự đám tang khi chị mình mất.
Mọi thứ xoay chuyển và khúc mắc được tháo gỡ sau khi Minh Ánh đọc được quyển nhật ký mà mẹ cô để lại, trong đó, nói rõ những ngày mẹ cô phải hy sinh, vượt biên ra ngoại quốc hòng tìm cách gửi tiền về nhà. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, vất vả, khiến bà không dám liên lạc gia đình. Cho đến khi người em tìm được chị, thì người chị đã về nơi chín suối. Khi biết rõ ngọn ngành, người em gái không còn trách cứ vì sao chị mình cắt đứt liên lạc gia đình, còn Minh Ánh hiểu thêm được mối quan hệ gia đình và không oán giận dì của mình nữa.
Đêm Văn Hóa ở UCLA hàng năm đều do các bạn sinh viên tự đứng ra tổ chức. Vì chi phí khá cao, riêng tiền thuê hội trường Royce Hall là $41,000, chưa kể chi phí thuê âm thanh, ánh sáng, nhân viên phục vụ, soát vé, hướng dẫn chỗ ngồi,… nên dù được nhà trường tài trợ, cũng như các đóng góp của nhiều người, ban tổ chức vẫn lo sẽ bị nợ. Vì vậy, từ đầu giờ và giữa giờ, các bạn sinh viên vẫn phải bán bông lấy tiền bù cho khoản thiếu. Ban tổ chức tiếp tục kêu gọi mọi người đóng góp thêm qua Instagram và GoFundMe để giúp… trang trải nợ nần.
Như lời Giảng sư Quyên Di, California vừa đón nhận những cơn mưa dai dẳng, nhưng mưa đổ xuống, thấm sâu vào lòng đất những giọt nước mát như lộc trời ban cho, và đêm nay đã đem lại những “trận mưa” làm thấm nhuần văn hóa Việt trên toàn thể đất nước Hoa Kỳ, mà xuất phát từ chính các em sinh viên UCLA.
Xem thêm:
Festival Việt Montreal – một thế hệ trẻ gốc Việt và sứ mệnh văn hóa
Bảo tồn di sản văn hóa Việt – từ thế hệ bản lề, những trang mới sẽ được tiếp nối