Seite auswählen

Ian Bùi

Sài Gòn Nhỏ

 

Ảnh: Spencer Platt/Getty Images

Gần đây, trong các bài báo ở Mỹ ta hay thấy câu tục ngữ tân thời “Every accusation is a confession” – mỗi cáo buộc là một lời tự thú. Nó thường được dùng để chỉ ra sự giả dối của những người hay xuyên tạc người khác hòng che đậy việc làm tội lỗi (hoặc phi pháp) của chính mình.

Ngay trước cả khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 diễn ra, Donald Trump đã ngấm ngầm khởi động một chiến dịch mang tên “Stop the Steal” hòng chuẩn bị đối phó với trường hợp ông ta thua cuộc. Và như ta biết, chiến dịch ấy đã dẫn đến cuộc tấn công thô bạo vào thành trì nền dân chủ của nước Mỹ vào ngày 6 tháng Giêng, 2021.

Uỷ Ban Hạ Viện điều tra vụ 6/1 – vừa kết thúc hồi tháng rồi, cho thấy cuộc bầu cử 2020 đã diễn ra khá suôn sẻ và không có dấu hiệu gian lận nào từ những ứng cử viên đảng Dân Chủ. Thế nhưng hôm Thứ Năm tuần rồi bỗng xì ra tin một người Việt ở Iowa vừa bị bắt tội bỏ phiếu gian lận, với một bản cáo trạng dài lê thê gồm 52 tội danh.

Kim Phuong Taylor, 49 tuổi, vợ của Jeremy Taylor, đảng viên Cộng Hoà từng ra tranh cử Hạ Viện cho Địa-hạt 4 ở vùng Sioux City, Iowa, bị Bộ Tư Pháp cáo buộc giả mạo phiếu bầu khiếm diện, điền đơn và ký tên giùm cho hàng trăm “đồng hương gốc Việt” trong vùng. Một trong những người được “bầu giùm” ấy đã gọi cho văn phòng của ông Pat Gill, County Auditor (kiểm toán viên) huyện Woodbury, để than phiền khi phát hiện có người đã bỏ phiếu thay cho mình. Trong buổi họp báo, ông Gill nói ông cũng nhận được các cú gọi từ nhân viên kiểm phiếu báo động về những lá phiếu khả nghi. Sau khi xem xét những tờ phiếu ấy, Pat Gill liền gọi cho FBI vì “tôi thấy rõ ràng tất cả đều có một tuồng chữ.”

Tuồng chữ ấy phải rất đặc biệt và dễ nhận ra vì nó không hề giống cách viết của người Mỹ. Bà Kim Taylor sinh năm 1978, đi học và lớn lên ở Việt Nam. Bà lấy Jeremy Taylor khi ông này sang Việt Nam dạy Anh ngữ. Ta có thể suy luận một cách chắc nịch rằng vì Kim Taylor không học đọc học viết tại các trường tiểu học ở Mỹ, thám tử của FBI đã không mấy khó khăn truy lùng ra nét chữ giả mạo kia là của ai. Ông bà ta có câu “lạy ông con ở bụi này” dùng cho trường hợp bà Kim Phuong Taylor thiệt là đúng hết cỡ.

Chưa hết. Mặc dù được vợ “bầu giùm” 150 phiếu nhưng Jeremy Taylor vẫn thua thê thảm (chỉ được 8% số phiếu) trong cuộc bầu sơ bộ. Thế là anh ta xoay qua tranh cử giành chức County Supervisor trong kỳ bầu cử Tháng Mười Một 2020. Chứng nào tật nấy, Kim Taylor một lần nữa giở chiêu giả mạo phiếu khiếm diện và, theo lời ông Pat Gill, đã kiếm được cho chồng mình 135 phiếu. Lần này thì Jeremy Taylor thắng cử với khoảng 2,000 phiếu trên đối phương Marty Pottenbaum của đảng Dân Chủ.

Sau khi bị bắt hồi tuần rồi, bà Kim Taylor đã được phép tại ngoại chờ ngày ra tòa để đối diện với: 26 tội cung cấp thông tin giả; 3 tội ghi tên giả để đi bầu; 23 tội bỏ phiếu gian lận. Nếu bị kết án, bà Kim Taylor chắc chắn sẽ phải ngồi tù ít nhất vài năm. Chỉ tội cho sáu đứa con của hai vợ chồng. Jeremy Taylor, năm nay mới 44 tuổi, sẽ phải làm gà trống nuôi con trong thời gian vợ mình thụ án.

Nhưng chuyện bà Kim Taylor xem ra cũng còn “hiền chán” so với vụ mới nhất ở New Mexico. Solomon Peña vừa bị bắt vì bị tình nghi liên can đến hàng loạt vụ bắn súng vào nhà các đối thủ chính trị sau khi thất cử. Số là hồi năm ngoái Peña ra tranh cử vào Nghị-viện bang New Mexico nhưng bị đánh bại hơn 40% số phiếu. Bắt chước các đồng chí MAGA như Kari Lake ở Arizona, Peña cũng la toáng lên là anh ta thua vì gian lận bầu cử. Nhưng khác với họ, Peña không chỉ tri hô trên Twitter hay Facebook mà còn xài đến cả súng.

Cảnh sát Albuquerque nói Peña thuê bốn người đàn ông nã đạn vào nhà hai Uỷ-viên địa phương và hai nhà lập-pháp của tiểu bang New Mexico. Từ ngày 4 Tháng Mười Hai ngoái đến ngày 5 Tháng Một năm nay đã có ít nhất sáu vụ bắn súng đang được nhà chức trách điều tra, trong đó có bốn vụ bị tình nghi là do Peña kiến tạo. Trong một vụ mưu sát tại nhà riêng của Dân Biểu Linda Lopez ngày 3 Tháng Một vừa qua, ít nhất ba viên đạn đã bay vào phòng ngủ con gái 10 tuổi của bà Lopez. Ngày 11 Tháng Một mới đây, nhà của Uỷ viên địa hạt (County Commissioner) Debbie O’Malley đã hứng hàng chục viên đạn từ những kẻ lạ mặt.

Lạ lùng ở chỗ, Solomon Peña không chỉ vừa ăn cướp vừa la làng theo nghĩa bóng mà còn là một tay ăn trộm thứ thiệt. Anh ta từng ngồi tù bảy năm trong một vụ cướp báo chí gọi là “smash and grab” – đập cửa vào nhà để trộm cắp. Vì vậy cho nên đối thủ của Peña, đương kim đại biểu Miguel Garcia, đã phải đâm đơn yêu cầu tòa không cho phép Peña ra tranh cử. Thế nhưng đơn kiện của ông Garcia bị tòa bác bỏ, vì New Mexico không có luật nào cấm cựu tù nhân ra làm việc cho chính quyền.

Bị Garcia đánh bại thê thảm tại phòng phiếu, Peña lập tức giở trò la làng “bầu cử gian lận” theo đúng bài bản của Donald Trump, người anh ta ủng hộ hết mình. (Ngay sau khi Trump tuyên bố sẽ ra tranh cử mùa 2024, Peña liền đăng trên Twitter, “I stand with him.”) Không chỉ từ chối thua cuộc trên Twitter, Peña còn thân chinh đến tận nhà một số viên chức để yêu sách và trưng ra những giấy tờ bằng cớ mơ hồ đầy mưu thuyết của anh ta. Lúc bấy giờ không ai nghĩ Peña sẽ dùng đến bạo lực mà chỉ là một người MAGA cuồng tín mà thôi. Nào ngờ anh ta là kẻ dám nói dám làm, dù là làm chuyện phi pháp.

Nước Mỹ và cuộc thí nghiệm vĩ đại mang tên “The American Experiment” đang trải qua một giai đoạn u tối đầy hiểm nguy và bạo lực. Sự sống còn của nền dân chủ Mỹ hiện như sợi chỉ treo mành. Thành phần MAGA cực hữu tuy không phải là đa số nhưng vẫn còn đủ thế lực để thao túng chính trường – như cuộc bầu cử chủ tịch Hạ Viện vừa qua cho thấy. Cách đây mới mấy ngày, Solomon Peña còn viết trên mạng xã hội: “I will fight until the day I die” – Tôi sẽ chiến đấu đến chết, và “MAGA nation 4ever!”

Khó mà biết được ngoài kia có bao nhiêu người cuồng điên như Solomon Peña, sẵn sàng xách súng ra bắn người khác để “bảo vệ niềm tin” của họ. Nhưng qua những sự việc vừa rồi ta có thể nói: Kẻ la làng to nhất là kẻ ta cần theo dõi kỹ nhất.