Seite auswählen

Lễ tưởng niệm đồng thời là ngày giỗ thứ 49 của 74 tử sĩ Hải Quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa, được Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long trang trọng tổ chức hôm Chủ Nhật 15 Tháng Giêng tại tượng đài Chiến Sĩ Việt – Mỹ, thành phố Westminster, với đông đảo các chiến sĩ Hải Quân VNCH, lực lượng quân dân cán  chính VNCH và đồng hương.

Niệm hương trước đài Tử Sĩ Hoàng Sa. Ông Tần Nam, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California, (bìa phải), Hải Quân Phạm Văn Chí và Hải Quân Lâm Ngọc Thạch (thứ hai và thứ ba từ phải). (Hình:Văn Lan/Người Việt)

Hàng năm, Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long và tất cả quân dân cán chính VNCH cùng làm lễ tưởng niệm 74 anh hùng tử sĩ hy sinh trong trận hải chiến ngày 19 Tháng Giêng Năm 1974 để bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa.

Tham dự lễ tưởng niệm ngoài Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, còn có Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California; Bác Sĩ Võ Đình Hữu, đồng chủ tịch Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ; và tất cả quân dân cán chính VNCH và đồng hương.

Lễ truy điệu diễn ra dưới sự điều hợp của các sĩ quan nghi lễ Nguyễn Hùng Quyền, Nguyễn Văn Cửu, Đinh Quang Truật, cùng hai MC Vũ Đình Thọ và Nguyễn Văn Cửu.

Đồng bào cùng thắp hương tưởng niệm 74 tử sĩ Hoàng Sa. (Hình:Văn Lan/Người Việt)

Ông Nguyễn Văn Cửu đọc lời tưởng niệm: “Hàng năm cứ vào Tháng Giêng, đại gia đình Hải Quân VNCH nói riêng và toàn thể quân dân cán chính VNCH nói chung không thể nào không nhớ đến 74 tử sĩ Hải Quân VNCH anh hùng đã vị quốc vong thân trong trận hải chiến đẫm máu lịch sử giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng, để bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19 Tháng Giêng năm 1974. Hôm nay, cùng với Hội Hải Quân Cửu Long, quý vị cũng như chúng tôi đang có mặt tại đây để tưởng nhớ và ghi ơn 74 tử sĩ Hoàng Sa, mà thân xác và con tàu của họ đã nằm sâu trong lòng biển Hoàng Sa, để thêm một chứng tích của chủ quyền quốc gia trên vùng đảo này.”

Tiếp đến là nghi thức đặt vòng hoa và niệm hương tại tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ, tượng đài Ngũ Hổ Tướng VNCH đã tuẫn tiết và tại Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa.

Sau nghi thức chào cờ VNCH và quốc kỳ Hoa Kỳ, phút mặc niệm tất cả chiến sĩ anh hùng của Quân Lực VNCH, Hoa Kỳ và đồng minh đã sát cánh cùng Quân Lực VNCH để ngăn chận chủ nghĩa Cộng Sản, đã bỏ mình vì lý tưởng tự do tại Việt Nam hơn 40 năm trước.

Hải Quân Vũ Ngọc Khuê và Hải Quân Đỗ Ngọc Thanh (phải) trong phần xướng danh 74 tử sĩ Hoàng Sa. (Hình:Văn Lan/Người Việt)

Bài văn ai điếu tử sĩ do Hải Quân Đinh Quang Truật đọc lên, nghe ai oán như anh linh các tử sĩ quanh đây: “…Sau lưng ta Cam Tuyền, Quang Ánh/Trước mặt ta Duy Mộng. Quang Hòa/Ta ở lại làm người giữ biển/Vẽ cơ đồ giữa cõi bao la/Đảo hàng hàng ơn nhà nợ nước/Biển xanh xanh nghĩa mẹ tình cha/Muôn thưở rạng ngời hồn biển đảo/Anh linh hạm trưởng Ngụy Văn Thà/Nhựt Tảo vào cuối đời chinh chiến/Xác tàu còn ôm chân Hoàng Sa.”

Tiếp theo là xướng danh 74 tử sĩ Hoàng Sa do HQ Vũ Ngọc Khuê và HQ Đỗ Ngọc Thanh phụ trách.

Trong phần diễn văn, ông Lâm Ngọc Thạch, hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, nói: “Trong những ngày tháng này của 49 năm trước, chiến hạm Nhật Tảo HQ 10 của Hải Quân VNCH vẫn còn đang oai hùng lướt sóng trên vùng biển của quê mẹ. Cho đến khi giờ phút định mệnh của lịch sử diễn ra ngày 19 Tháng Giêng 1974, chiến hạm HQ 10 và thủy thủ đoàn đã vĩnh viễn ở lại Hoàng Sa cùng với những người con nước Việt đả hy sinh, dùng chính thân xác mình để làm cột mốc cho biển đảo của tổ quốc.

Toàn thể các chiến sĩ Hải Quân Cửu Long trong lễ tưởng niệm 74 tử sĩ Hoàng Sa. (Hình:Văn Lan/Người Việt)

“Trận hải chiến Hoàng Sa đã tạo nên một trang sử bi hùng chống ngoại xâm Trung Cộng từ phương Bắc của dân tộc Việt Nam, 74 tử sĩ Hải Quân VNCH của các chiến hạm HQ 10, HQ 4, HQ 5, HQ 16 và các chiến sĩ Người Nhái đã trở thành những anh hùng vị quốc vong thân, được toàn dân Việt Nam đời đời ghi nhớ,…” ông Thạch tiếp.

Bác Sĩ Võ Đình Hữu cho hay: “Từ Tháng Mười năm 2012, lần đầu tiên chúng tôi đã lên tiếng về vấn đề Trung Cộng đã vi phạm Công Ước Quốc Tế về Luật Biển, khi chiếm biển đảo Hoàng Sa, trước bốn đơn vị quốc tế gồm Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Tòa Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và gởi thơ cho Tổng Thống Mỹ Obama, và tiếp đến các Tổng Thống Mỹ sau này.”

Tiếp đến là phát biểu của Hải Quân chủ tọa, HQ Thiếu Tá Phạm Văn Chí, và phát biểu của ông Tần Nam, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California.

Hải Quân Lâm Ngọc Thạch, hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, phát biểu trong lễ tưởng niệm 74 tử sĩ Hoàng Sa. (Hình:Văn Lan/Người Việt)

Đặc biệt, Hải Quân Trung Tá K.10 Phạm Đình San nhấn mạnh rằng phần phát biểu của ông chỉ là muốn bổ túc về trận hải chiến Hoàng Sa, mà trong nước hiện nay đã cố tình xuyên tạc là Hải Quân VNCH hèn nhát bỏ chạy, mà ở ngay tại đây có một cơ quan truyền thông cũng tiếp tay nói theo.

Ông San cho biết: “Nhà sử học, Giáo Sư Trần Đại Sỹ tại Canada, trong chuyến thăm đảo Hải Nam, đã tình cờ thấy Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa), và ông có chụp hình lại để nghiên cứu thì thấy rằng trong đó có liệt kê gần 80 tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa, trong có các vị chỉ huy cao cấp Trung Cộng tử trận.
Vậy thử hỏi đám tướng lãnh Trung Cộng đó chết vì lý do gì? Nếu không phải là do Hải Quân VNCH tấn công?…”

Đồng ca “Hải Quân Hành Khúc” do toàn thể các chiến sĩ Hải Quân VNCH hát bên cạnh tượng đài tử sĩ Hoàng Sa.

Ông Trần Văn Giỏi, Khóa 26 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (VBQG), hội truởng Hội Võ Bị Quốc Gia Nam California cùng gia đình năm nào cũng đến dự lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa.

Các chiến sĩ Hải Quân VNCH và quý phu nhân đồng ca “Hải Quân Hành Khúc” trong lễ tưởng niệm 74 tử sĩ Hoàng Sa. (Hình:Văn Lan/Người Việt)

Ông nói: “Dù bận rộn tôi vẫn nhớ đến 74 anh hùng tử sĩ Hoàng Sa, trong đó có bạn tôi là Nguyễn Văn Đồng, Khóa 25/VBQG đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tôi nghĩ đó là bổn phận của tôi đối với những người đã hy sinh và cũng tin tưởng rằng chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục nhiệm vụ của các chiến sĩ anh hùng Hải Quân VNCH đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc.”

Đại Úy Nhan Hữu Mai, phục vụ trong chiến hạm HQ 6 do hạm trưởng Nguyễn Hữu Cầu K10 chỉ huy, được lệnh cách Hoàng Sa 90 hải lý để sẳn sàng tiếp ứng cho bốn chiến hạm đang trực tiếp đánh trong trận hải chiến Hoàng Sa.

Ông cho hay: “Khi phát giác có các chiến hạm Trung Cộng đi vào hải phận Hoàng Sa, được báo cáo về chỉ huy hành quân tại Vùng I Duyên Hải dưới sự điều hành của Phó Đề Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, sau đó Đại Tá Hà Văn Ngạc được bổ nhiệm là tư lệnh hành quân tại Hoàng Sa, nhận lệnh từ bộ tư lệnh hành quân Vùng I Duyên Hải.”

“Khi ấy tất cả các chiến hạm đang chiến đấu ác liệt, chiếc HQ 6 với vũ khí sẳn sàng chiến đấu, được lệnh chạy ra để tiếp ứng nhưng trận đánh đã diễn ra rất nhanh, chúng tôi được lệnh chạy quanh vùng biển để vớt các thủy thủ đoàn HQ 10 đang trôi nổi trên mặt biển,” ông Mai nhớ lại diễn biến của trận hải chiến năm xưa.

Toàn thể các chiến sĩ Hải Quân VNCH và đồng hương trong lễ tưởng niệm 74 anh hùng tử sĩ Hoàng Sa. (Hình:Văn Lan/Người Việt)

Có bốn chiến hạm tham gia trận hải chiến Hoàng Sa, gồm bốn chiếc Khu Trục Hạm HQ 4 Trần Khánh Dư, Tuần Dương Hạm HQ 5 Trần Bình Trọng, Hộ Tống Hạm HQ 10 Nhật Tảo, và Tuần Dương Hạm HQ 16 Lý Thường Kiệt. Trong đó thân xác con tàu HQ 10 cùng 74 chiến sĩ Hải Quân VNCH trong trận hải chiến đã vĩnh viễn nằm sâu trong lòng biển tại Hoàng Sa, là một chứng tích lịch sử của chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng đảo này.

Sự hy sinh cao cả của hạm trưởng Ngụy Văn Thà và 74 anh hùng tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng 1974 là thiên anh hùng ca bất tử mãi vang vọng trong lịch sử hào hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam. 

 

Người Việt (17.01.2023)