Seite auswählen

Xuân Bắc ‘mắng’ người chê Táo quân là ‘ăn cháo đá bát’?

 

THIÊN ĐIỂU
Tuổi Trẻ

Xuân Bắc vừa đăng tải một ‘truyện ngụ ngôn’ thời hiện đại có tên ‘Cái tát của mẹ’ với ngụ ý mắng những người chê Táo quân giống như người con trai không biết gói bánh chưng nhưng năm nào cũng chê bánh chưng mẹ mình gói, dù vẫn ăn ‘tụt lưỡi’.

Xuân Bắc ‘mắng’ người chê Táo quân là ‘ăn cháo đá bát’? - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Xuân Bắc trong một chương trình Táo quân – Ảnh: Facebook Nguyễn Xuân Bắc

“Ngụ ngôn” của Xuân Bắc đăng tải ngày mùng 2 Tết, hai ngày sau khi chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2023 được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam.

Khán giả chê Táo quân: Ai cho con dám chê bánh chưng mẹ gói

Bài đăng của Xuân Bắc kể câu chuyện một người mẹ Tết nào cũng hì hụi gói bánh chưng, mong cái Tết ấm Tết vui cho cả gia đình.

Nhưng con trai bà, một người đàn ông đã đón hơn 50 cái Tết, giỏi chữ nghĩa, viết bài cho mấy “trang tin” và Facebook, “gói bánh (chưng) rất ngu” nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ mình gói.

Người con ấy năm nào cũng chờ đợi, mong ngóng bánh chưng của mẹ nhưng năm nào cũng chê “ngay khi cắn miếng bánh đầu tiên”. Và chê nhưng năm nào cũng ăn “tụt lưỡi”.

Cuối cùng anh ta nhận cái tát của mẹ khiến “đầu quay như đĩa hát”, rồi nghe bố giáo huấn điều hay lẽ phải, nhìn gương cu cháu ăn bánh chưng nhai phải sạn nhưng vui vẻ nhè sạn rồi… xin thêm miếng bánh khác và anh ta “bắt đầu ngộ ra vài thứ”.

Xuân Bắc kết thúc “truyện ngụ ngôn” bằng câu “Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo quân trên VTV3”.

Tất nhiên không cần đến câu kết này thì ai cũng hiểu Xuân Bắc đang kể câu chuyện hàm ý ví người mẹ gói bánh chưng là ê kíp làm Táo quân, còn người con trai hỗn láo ‘ăn cháo đá bát’ chê bánh chưng mẹ mình gói chính là những người chê bai Táo quân.

Nghệ sĩ vào vai Nam Tào này bóng gió “mắng” những khán giả, nhà báo “dám” chê Táo quân trong khi chắc chắn không biết… làm Táo quân, chê nhưng năm nào cũng… hóng đợi chương trình.

Giống như anh con trai vo gạo rửa lá dong cũng không biết nhưng năm nào cũng ngoác miệng ra chê bánh chưng mẹ gói, chê nhưng vẫn “hóng” và vẫn ăn “tụt lưỡi”.

Với độ hot của trang Facebook cá nhân của nghệ sĩ nổi tiếng này, bài viết nhận được hơn 7.000 lượt tương tác sau hơn một ngày đăng tải. Nhiều ý kiến bình luận cổ vũ, khen ngợi nghệ sĩ hài “thâm thúy”.

Hơn 7.000 lượt tương tác là con số tương đối lớn, nhưng so với bài đăng chỉ vài dòng ngắn ngủi, không có cả “hình minh họa” để níu mắt bạn Facebook của chính nghệ sĩ này một ngày trước đó, cũng về chủ đề khen chê của khán giả dành cho chương trình Táo quân, thì con số tương tác này nhỏ hơn nhiều.

Bài đăng trước đó nhận được nhiều thiện cảm của mọi người, với 44.000 lượt tương tác sau hai ngày, bởi đoạn hội thoại tin nhắn rất ngắn gọn cho thấy tinh thần cầu thị, lắng nghe và rất bình tĩnh, nhã nhặn đón nhận lời chê Táo quân của Nam Tào.

Nghệ sĩ “mắng” khán giả chê Táo quân: thâm thúy hay dại dột?

Ai đã xem bài đăng này của Xuân Bắc sẽ kinh ngạc khi thấy nghệ sĩ đăng “ngụ ngôn” Cái tát của mẹ vào ngày hôm sau. Một bài đăng với đầy những lời lẽ suồng sã, chợ búa rất khó nghe.

Kiểu như:

“Sử tô (Xuân Bắc nói lái một câu chửi thề?!) – vừa chê phát là bọn nó xúm vào chê cùng mặc dù chưa đứa nào ăn miếng nào!”.

“Bây giờ mới là ngu tiếp tập hai, ngu đỉnh điểm đây này!”.

“Mấy năm trở lại đây năm nào mày cũng nói câu này nhưng năm nào mày cũng ăn tụt cả lưỡi”.

“Mâm cơm 30 thì mày cắm đầu vào ngấu nghiến… rồi mày chê. Mày là đồ “Ăn cháo đá bát”.

“Đồ có lớn mà không có khôn”.

“Mày không ăn thì thôi ai bắt mày… Sao mày cứ phải ăn bánh chưng tao gói rồi để mày chê. Đến rửa lá, vo gạo mày còn không biết làm mà mày lại cứ dạy mẹ mày gói bánh là sao!?”.

“Mày không ăn thì mày cút”.

“Mày không ăn bánh chưng mẹ mày gói thì mày ăn… Đào lộn hột đi – ai cấm!?”

Nghệ sĩ này còn mang trẻ con ra làm tấm gương dạy dỗ cách ứng xử cho người lớn, một “đòn chửi” rất… hiểm hóc.

Người bình thản, văn minh khi đọc những lời này chỉ lắc đầu hay cảm thán vài lời tiếc nuối khi thấy Xuân Bắc – người được tôn vinh nghệ sĩ ấn tượng của năm 2021 khi đã rất tích cực tham gia cứu trợ người dân gặp khó khăn vì COVID -19 và hiện là giám đốc của một nhà hát trung ương – lại mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh như vậy trước lời chê bai của khán giả, nhà báo dành cho chương trình Táo quân mà anh và đội ngũ đã rất vất vả thực hiện.

Nhưng nhiều người thì thật sự bất bình trước thái độ lên mặt dạy dỗ khán giả một cách đầy “hằn học” của nghệ sĩ này.

Làm nghệ sĩ, hay thậm chí làm bất cứ ngành nghề phục vụ nào, hoặc chỉ đơn giản là làm người thôi thì chẳng phải tất cả đều chung cảnh “làm dâu trăm họ”, phải chấp nhận lời khen lẫn lời chê.

Với nghệ thuật (và cả chính trị cũng vậy), tồn tại hay không tồn tại, quyền phán xét tối thượng thuộc về dân chúng. Nên ngay cả lời chê không thỏa đáng, người nghệ sĩ khôn ngoan cũng sẽ bình tĩnh đón nhận, lặng lẽ tiếp tục lao động nghệ thuật, chứ đừng nói là những lời chê trách không phải là không có lý.

Làm nghệ sĩ, khán giả chính là tất cả. Đã có bao tấm gương nghệ sĩ thành danh luôn biết cúi mình tạ ơn, tri ân với khán giả của mình và mỗi lần họ cúi mình là một lần họ nhận thêm vạn tình yêu thương của khán giả. Họ hiểu rằng những gì họ có đều từ tình yêu thương của khán giả đem đến.

Và những nghệ sĩ cúi mình tạ ơn khán giả, chắc không ai chỉ chọn tạ ơn trước những khán giả khen mình còn “mắng chửi” khán giả chê mình.

Lời người xưa dạy thiết nghĩ mỗi người đều nên ghi nhớ: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta”.

Còn với người nghệ sĩ thì còn cần ghi nhớ thêm: ngay cả những khán giả chê ta chưa thỏa đáng thì dứt khoát cũng không bao giờ là kẻ thù của ta để ta lên mạng hơn thua, mắng nhiếc.

Tất nhiên, nhiều người có thể thông cảm cho hành xử của Xuân Bắc bởi hiểu rằng các nghệ sĩ và cả ê kíp đã rất nỗ lực nhưng “lực bất tòng tâm” như chính thừa nhận của Táo giao thông Chí Trung trong một bài phỏng vấn mới đây khi trò chuyện về việc Táo quân gần đây bị chê nhiều. 

25/01/2023

Xuân Bắc mắng người chê Táo quân: Cú tát vào mặt khán giả!

 

CÔNG DŨNG tổng hợp
Tuổi Trẻ

Hàng ngàn ý kiến bạn đọc Tuổi Trẻ Online phản hồi về câu chuyện Xuân Bắc mắng người chê Táo quân là ‘ăn cháo đá bát’. Trong đó, nhiều bạn đọc cho rằng Xuân Bắc hết sức nhầm lẫn trong cách nhìn về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả.

Xuân Bắc mắng người chê Táo quân: Cú tát vào mặt khán giả! - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Xuân Bắc trong một chương trình Táo quân – Ảnh: Facebook Nguyễn Xuân Bắc

Trước đó, trên trang cá nhân Xuân Bắc đăng tải một “truyện ngụ ngôn” thời hiện đại có tên “Cái tát của mẹ” với ngụ ý mắng những người chê Táo quân giống như người con trai không biết gói bánh chưng nhưng năm nào cũng chê bánh chưng mẹ mình gói dù vẫn ăn “tụt lưỡi”.

Ai mới là người “ăn cháo đá bát”?

Dư luận và bạn đọc Tuổi Trẻ Online phản ứng gay gắt trước câu chuyện Xuân Bắc mắng người chê Táo quân bằng bài viết “ngụ ngôn” đầy những lời lẽ suồng sã, chợ búa rất khó nghe này.

Theo bạn đọc Nguyên Ngôn, bài đăng trên cho thấy Xuân Bắc đã nhầm lẫn giữa hai vấn đề cốt lõi: sáng tạo nghệ thuật và tiếp nhận nghệ thuật. Việc đặt khán giả (người tiếp nhận) là “con” trong quan hệ với “mẹ” (người sáng tạo) quả thực không ổn kể cả mặt lý luận và đạo nghĩa.

Bạn đọc Lam cho rằng chương trình Táo quân kéo khán giả lại là do cái duyên của dàn diễn viên. “Không ai phủ nhận công sức của anh chị diễn viên ở đây. Cái người ta chê là biên kịch kém, ngôn ngữ thiếu văn hóa.

Anh Bắc ạ, người ta ngóng Táo quân phần vì thói quen, với nhiều gia đình nó như một thứ kỷ niệm ấy. Giờ anh nói như vậy thì đúng là cú tát vào mặt những khán giả quan tâm đến chương trình này” – bạn đọc Lam viết.

Lê Khai bày tỏ nỗi thất vọng về cách ứng xử của Xuân Bắc: “Chúng tôi là khán giả, là đối tượng tiếp nhận và hưởng thụ các sản phẩm nghệ thuật, giải trí thì việc khen chê hay phản ứng tốt xấu cũng là điều bình thường.

Chương trình nào đi nữa thì cũng có “tuổi thọ” tồn tại nhất định, khi không còn phù hợp thì thay thế bởi chương trình khác âu cũng là lẽ thường tình. Việc nghệ sĩ Xuân Bắc phản ứng như vậy là quá chua chát, là coi thường khán giả, là tự đánh mất hình ảnh của mình trong mắt khán giả.

Thiết nghĩ, không riêng gì nghệ sĩ Xuân Bắc mà cả những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí cũng phải tiết chế, làm chủ chính mình khi phát ngôn chống lại khán giả của mình”.

Trong khi đó, bạn đọc Hoang Huu Loc cho rằng cách Xuân Bắc so sánh, ví von trong câu chuyện nói trên là một sự đánh tráo khái niệm: “Mẹ là người sinh ra ta, dưỡng dục ta nên người, do vậy mẹ có quyền rầy la, quở mắng khi ta ứng xử không phù hợp hay thiếu chuẩn mực.

Quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng/khán giả không phải như vậy, thậm chí là ngược lại: công chúng/khán giả là đối tượng phục vụ của nghệ sĩ; công chúng là người “nuôi sống” nghệ sĩ, giúp họ thành danh, thành đạt… Vì vậy, công chúng/khán giả có quyền phê phán, kể cả chê trách, nếu người được mình nuôi sống lại làm ra sản phẩm hoặc có thái độ ứng xử không đáp ứng được mong đợi của họ.

Có đâu mà người được “nuôi” lại đi gay gắt mắng ngược lại người “nuôi” mình như vậy? Con cái nặng lời với cha mẹ là bất hiếu, vậy người được “nuôi” nặng lời với người “nuôi” mình thì có thể gọi là gì? Ai mới thực sự là kẻ “ăn cháo đá bát”?

“Nghệ sĩ không tôn trọng khán giả thì đổi nghề đi”

Ngay cả ngôn từ so sánh ẩn dụ cũng xếp mình vào bề trên rồi. Chưa kể cái show hài đơn giản chỉ là một hình thức giải trí cho khán giả thì phải chấp nhận khen chê. Chứ đem lại lợi ích kinh tế gì hay giá trị bản thân gì mà ăn với chả uống, cháo với chả bát. Nói… thì lại tự ái!
Bạn đọc Dung3K

Bức xúc trước những lời đá xéo chửi mắng trong câu chuyện ngụ ngôn của Xuân Bắc, bạn đọc Tuanbui viết: “Bất cứ một sản phẩm nghệ thuật nào cũng có công sức và trí tuệ của người dựng, người diễn… và tất nhiên sẽ có người thích hoặc không thích, người khen và người chê. Với người khôn, khen thì họ đón nhận cảm ơn, chê thì họ tiếp thu và vẫn cảm ơn. Đó là nghệ thuật sống, và trong tất cả mọi chuyện, cầu thị luôn luôn quan trọng và làm người khác tôn trọng.

Các bạn, các anh chị, cô chú nghệ sĩ nên có thói quen đón nhận tất cả mặt tiêu cực và tích cực với nghề. Đừng chỉ thích nghe lời khen và vuốt ve để rồi phản ứng tiêu cực và nóng giận chửi bới bằng những lời khó nghe.

Nếu nghệ sĩ thấy khó quá thì có thể đổi nghề khác, nhưng nghề nào cũng sẽ có khen chê thôi. Nghề nào cũng cần tôn trọng và đặc biệt chính họ phải có sự tôn trọng nhất định với tất cả các khách hàng của họ. Đó cũng là cách họ tỏ ra tôn trọng chính nghề của họ”.

Bởi theo bạn đọc Hiệp, khán giả mới chính là người nuôi, người trả tiền cho nghệ sĩ. Thử hỏi nếu không có khán giả coi liệu có nhà đài nào đặt anh làm chương trình này? Liệu có nhãn hàng nào đặt quảng cáo khung giờ vàng với giá cao ngất trời như thế không? Khi nghệ sĩ quay lại đá xéo khán giả thì thật sự bên nào mới là “ăn cháo đá bát”?

Phan Tôm cho rằng nghệ sĩ mà không có show diễn, không có khán giả ủng hộ thì chắc chắn phải bỏ nghề và tìm cách khác mưu sinh. Khán giả không xem nghệ sĩ này thì xem nghệ sĩ khác.

Cùng quan điểm, bạn đọc Tiến cho hay nghệ sĩ cũng là một nghề, đừng tỏ ra là mình quan trọng, ban ơn cho người khác: “Các bạn không hít không khí mà diễn không cho khán giả coi, đều nhận thù lao theo đơn đặt hàng của VTV. Hay khen, dở chê là lẽ đương nhiên. Tôi thấy Xuân Bắc dùng từ “ăn cháo đá bát” là quá sai, không tôn trọng khán giả, nên lắng nghe và cầu thị. Không có khán giả, các bạn diễn cho ai coi, không có các bạn sẽ có các nghệ sĩ khác thay thế!”.

Không nên tiếp tục “chỉ định thầu” Táo quân!

Xuân Bắc mắng người chê Táo quân: Cú tát vào mặt khán giả! - Ảnh 3.

Táo quân năm nay lại bị nhiều người chê nhảm, nhạt – Ảnh: VFC

Đọc xong bài viết của Xuân Bắc, bạn đọc Liên Nguyễn cảm thấy “tự nhiên bao nhiêu tình cảm quý mến dành cho anh trôi đâu mất tiêu. Riêng tôi đã không xem chương trình Táo quân mấy năm nay rồi, đơn giản vì càng ngày càng không hay”.

Bạn đọc Thiệu nhận xét: “Ê kíp Táo quân đã quá quen thuộc, quá cũ, không còn khả năng sáng tạo thì nên rút lui nhường chỗ cho một ý tưởng khác, nhóm nghệ sĩ mới tài năng. VTV nên mở cuộc thi sáng tác như kiểu mở thầu. Nếu cứ tiếp tục “chỉ định thầu” như hiện nay thì ngày càng nhạt nhẽo, nhàm chán”.

Thẳng thắn cho điểm, Lâm Sung đánh giá: “Nếu chấm điểm nghệ sĩ thì tôi sẽ cho Xuân Bắc 0 điểm! Chương trình Táo quân năm nay là một nồi lẩu tạp pí lù không thể tiêu hóa. Hy vọng năm sau VTV cắt chương trình này!”.

Trong khi đó, theo bạn đọc Thành An: “Khán giả có quyền khen và chê, có khen có chê thì Táo quân mới nâng cao được chất lượng. Một người nghệ sĩ có tâm, có tầm thì phải biết lắng nghe, tiếp thu đóng góp ý của khán giả. Có như vậy lĩnh vực nghệ thuật mới ngày càng phát triển”.

Xuân Bắc là ai?

Đoàn Bảo Châu

25-1-2023

 

Khán giả không nợ nần gì nghệ sỹ. Nghệ sỹ sáng tác hay trình diễn một tác phẩm tốt, khán giả sẽ tán thưởng. Ngược lại, nếu là một sản phẩm kém, họ hoàn toàn có quyền chê.

Khi khán giả cảm ơn nghệ sỹ đã cho họ những giây phút sảng khoái, ấy là phép lịch sự thông thường. Người nghệ sỹ sống được là nhờ khán giả, nhà văn sống được nhờ độc giả, hoạ sỹ hay nhạc sỹ cũng vậy.

Đấy là mối quan hệ cung – cầu theo thị trường, cũng như thức ăn nuôi cơ thể, còn nghệ thuật là thức ăn nuôi tâm hồn, nhận thức của con người.

Thử hỏi có chủ nhà hàng nào chửi khách hàng là “ăn cháo đá bát”. Trừ khi chủ nhà hàng phát cơm miễn phí, làm từ thiện cho ai đấy.

Có nhà văn nào dám chửi độc giả là “ăn cháo đá bát” không? Nếu không có độc giả mua sách thì nhà văn sẽ chết đói.

Xuân Bắc tuy được trời cho tài năng, được làm nghệ thuật, được tiếp xúc ngôn từ, kịch bản, được va chạm, được cập nhật những gì về tình hình xã hội nhưng lại quá kém về nhận thức, được tắm trong môi trường văn hoá nhưng lại vô văn hoá.

Ở Việt Nam hay có cái kiểu nhận thức ngược kiểu này. Trong ngành công an cũng vậy. Công an là để phục vụ nhân dân, trấn áp tội phạm nhưng đã xuất hiện những “bố đời, mẹ thiên hạ, ông nội dân.”

Cán bộ cũng là để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân nhưng lại nghĩ mình là quan, là cửa trên với dân.

Giờ đây thái độ của một nghệ sỹ nổi tiếng như Xuân Bắc cũng vậy. Chẳng những vậy, Xuân Bắc còn được xét duyệt là Nghệ sỹ Nhân dân. Tôi không chắc quá trình ấy đến đâu.

Từ “nhân dân” ở đây rất cao quý, nó thể hiện đấy là một người nghệ sỹ của nhân dân. Nhưng sau phát ngôn này, Xuân Bắc không bao giờ là nghệ sỹ trong lòng nhân dân và cậu ta đã làm vấy bẩn cái danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú cậu ấy đang có.

Nghệ sỹ Nhân dân là nghệ sỹ của nhân dân, vì nhân dân chứ nhất định không phải là bố của nhân dân, lại càng không phải bố láo.

Vậy Xuân Bắc là ai trong lòng khán giả thì tự cậu ấy quyết định. Lời xin lỗi chân thành, sâu sắc sẽ vớt được phần nào tình cảm của công chúng.

Người nghệ sỹ, nhà văn, nhạc sỹ, hoạ sỹ hay bất cứ ai làm ra sản phẩm nghệ thuật cũng đều phải khiêm tốn trước khán giả, độc giả, với nhân dân nói chung. Chỉ có những kẻ ngạo mạn, ngộ nhận và ngu dốt mới không hiểu điều này.

Từ chuyện Xuân Bắc, nghĩ về nghệ sĩ của nhà nước và nhân dân

Blog VOA

Trân Văn

27-1-2023

Duan Dang nhắc chuyện “nhờ người khác sửa chính tả giùm trước khi post” là vì đã có một số người thử đếm thì phát giác “Cái tát của mẹ” có chừng… 121 lỗi chính tả…

Có lẽ ông Nguyễn Xuân Bắc – 47 tuổi, Nghệ sĩ Ưu tú, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam – là nhân vật nổi nhất trên mạng xã hội Việt ngữ trong tuần này.

Sau khi xem “Gặp nhau cuối năm” (thường được gọi là “Táo quân”) – chương trình mang tính thường niên mà Đài Truyền hình Quốc gia (VTV) phát vào tối tất niên âm lịch – rất nhiều khán giả đã bày tỏ sự thất vọng của họ trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, đã đến lúc VTV nên dẹp bỏ chương trình này… Thế rồi ông Bắc – một trong những thành viên chính của nhóm thực hiện “Táo quân” – post lên trang của riêng ông trên facebook “Cái tát của mẹ”…

Cái tát của mẹ” viết theo lối ẩn dụ, trong đó, ông Bắc xem ông như “mẹ”, khán giả như “con” – lũ con vô tri, vô cảm và đặc biệt là vô ơn nên mới dám chê “bánh chưng” – “Táo quân” – mà “mẹ” gói nên cần được “mẹ” giáo dục cho nên… “người” (1)…

***

Cái tát của mẹ” đã làm hàng triệu người nổi giận, trong đó có rất nhiều người cho biết hàng chục năm nay họ không hề để mắt đến “Táo quân” nhưng vẫn lên tiếng vì sự trịch thượng của Nguyễn Xuân Bắc… chẳng hạn như Xuân Sơn Võ.

Xuân Sơn Võ cho biết ông không xem “Táo quân” kể từ khi chương trình này diễn tả “bác sĩ như một người máy” và ông nhận ra “chương trình này tầm thường và rẻ tiền cỡ nào”. Trong vài năm sau, thỉnh thoảng ông phải ngó qua vì… “Mẹ tôi còn xem chương trình này mà tôi thì phải vấn an mẹ ngày Tết. Bà đã quá quen với đài truyền hình quốc gia, với những chương trình được cho là ‘chính thống’. Thực ra, đa số người lớn tuổi đều nghĩ rằng những chương trình của đài này đều là chủ trương của đảng. Tuy nhiên hai, ba năm nay, có vẻ như mẹ tôi quên luôn trên đời này có cái chương trình gọi là “Táo quân.

Theo Xuân Sơn Võ: Sở dĩ đến tận hôm nay tôi mới biết chương trình tầm thường và rẻ tiền ấy vẫn còn tồn tại không phải vì tôi thấy nó, hay nghe người ta nói về nó – bạn bè tôi gần như chẳng còn ai nói gì đến chương trình “Táo quân” cả. Tôi biết đến nó khi người ta bình luận về việc nghệ sĩ Xuân Bắc chửi người xem khi họ chê chương trình này. Tôi phải tìm xem bài viết của nghệ sĩ này... thì ra những điều người ta nói là đúng. Từ trước đến giờ, tôi cứ nghĩ, chương trình này phải theo định hướng nên các nghệ sĩ không thể nói khác được. Thậm chí, tôi còn nghĩ các nghệ sĩ đóng chương trình này đau lòng khi phải né tránh những chuyện nóng bỏng, chỉ tập trung moi móc những người, những ngành yếu thế, hoặc chỉ dám nói chung chung, xa xa… Đọc status của nghệ sĩ Xuân Bắc, tôi chợt nhận ra, không chỉ có chương trình “Táo quân” là tầm thường, rẻ tiền, mà trình độ của anh chàng nghệ sĩ này cũng không hơn gì. Nghệ sĩ mà chửi khán giả khi họ chê tác phẩm nghệ thuật của mình, rồi tự ví mình ở vai trò là mẹ của khán giả thì đó là loại nghệ sĩ gì? Cũng có thể, Xuân Bắc không cần đến khán giả, vì anh ấy nhận tiền và phục vụ cho đảng, cho chính quyền, chứ không phục vụ khán giả.

Cuối cùng, Xuân Sơn Võ bình thế này: Năm 1975, chế độ Sài Gòn sụp đổ, Việt Nam Cộng hòa chính thức thua trận. Đến nay đã 48 năm. Gần nửa thế kỷ trôi qua, những nghệ sĩ Sài Gòn thời ấy đều đã rất lớn tuổi, khả năng nghệ thuật chắc chắn đã không còn như xưa nhưng khi họ về Việt Nam biểu diễn, sân khấu luôn chật ních khán giả và không chỉ có những khán giả lớn tuổi, còn có khá nhiều khán giả được sinh ra sau năm 1975. Họ chính là những nghệ sĩ của nhân dân. Có bao giờ Xuân Bắc nghĩ đến cái ngày mà chế độ này giống như Liên Xô hay Đông Âu thì sẽ còn ai nhớ đến anh không? Người ta sẽ mong chờ anh, hay sẽ phỉ nhổ anh? Hãy nghĩ đến điều đấy vì chẳng có gì trường tồn, kể cả cái chỗ dựa tưởng như rất vững chắc của anh (2).

Trong trận bão dư luận do Nguyễn Xuân Bắc khuấy động, có một điểm đáng chú ý là rất nhiều người suy nghĩ như Xuân Sơn Võ. Thậm chí, có người như Hue Chi Ha Thi huỵch toẹt: Hơn bảy năm rồi mình chẳng thèm xem “Táo quân”. Vô duyên, làm không tới chốn. Chương trình “Táo quân” đang góp phần xí xóa hóa những vấn đề nổi cộm nhức nhối, ru ngủ dân chúng, xuề xòa hóa tất tần tật. Đừng tưởng là đang mang tiếng cười hay sự giải trí đến cho dân, mà thực ra đang mang tội với dân và với xã hội từ lâu rồi đấy (3). Hoặc lưu ý mọi người như Phuong Tran: Mình đã ngưng coi chương trình Táo quân hơn chục năm rồi nhưng nay nghe anh hề Xuân Bắc chửi khán giả mất dạy quá nên phải nói. Khán giả không mang nợ gì anh nói riêng, hay nghệ sĩ nói chung, họ có xem TV thì cũng phải trả tiền truyền hình cáp, không trả tiền trực tiếp thì họ cũng gián tiếp trả cho nhà đài bằng cách xem quảng cáo xen giữa chương trình. Không có chương trình của anh Xuân Bắc người ta cũng không chết, vẫn chán ối thứ khác để xem. Anh không ban ơn cho khán giả để có tư cách cao giọng chửi họ Xuân Bắc nhé. Bớt bố láo, bớt ảo tưởng về bản thân đi. Nhân đây nhắc lại chuyện năm 2018, Xuân Bắc và Võ Hạ Trâm là hai nghệ sĩ tích cực bưng bô cho đảng, chửi mắng những người xuống đường phản đối luật an ninh mạng và luật đặc khu đấy (4).

Cũng có những người như Khanh Nguyen tự sự thế này: Có vài anh chị nhắn tin, hỏi sao tôi không có ý kiến gì về vụ danh hề Xuân Bắc chửi xéo cả nước. Tôi xin đứng ngoài, vì lâu nay tôi không có nhu cầu thụ hưởng dòng văn hóa đánh lạc hướng đời sống thật nói chung và cười giả để gỡ rối hiện thực nói riêng như Táo nhà đài nên không biết gì mà nói và cũng chẳng thiết nói gì. Đã nói rồi thì phải nói một chút, thật ra, nhận định của anh Bắc là cái tát có giá trị bao cấp cho những ai lâu nay vẫn giữ niềm tin vào các chương trình như của anh ấy là hay, là trí tuệ, là thâm thúy. Nên đừng tức giận suông: Đã lỡ mang tiếng đá bát, thì đá cho nát và đừng quay lại chờ đợi xem nữa – đời còn biết bao nhiêu điều vui không làm các anh chị lạc hướng thực tế mà. Đừng khó chịu như có nợ với món cháo mà anh Bắc nói. Thật ra tiền thuế các anh chị đóng góp cho đất nước này không ít nên hãy tự hỏi vì sao các chương trình như Táo chỉ cố đưa đến cho các anh chị món cháo ảo, mà không là tô phở thật. Status này xin là chút tâm tình với các anh chị vậy thôi (5).

***

Có thể vì phản ứng của công chúng càng lúc càng… “chệch hướng” như đã dẫn nên mới đây, một số viên chức hữu trách tuyên bố sẽ làm việc với anh ta (6) và một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức bắt đầu lên tiếng cho rằng Nguyễn Xuân Bắc… sai, cần xin lỗi khán giả (7)… Đó có thể là lý do mà Duan Dang mới… “nửa đùa, nửa thật” thế này: Chuyện Xuân Bắc, tôi không có ý kiến gì mà chỉ tọa sơn quan hổ đấu vì tôi đâu có coi “Táo quân”. Anh ta muốn chửi ai coi là chuyện của anh ta, tôi không thấy có vấn đề, cũng chả bức xúc gì cả. Hai bên cứ chửi qua chửi lại càng tốt, cho nó xôm. Tuy nhiên, thấy mấy bạn cứ đòi Xuân Bắc phải xin lỗi thấy cải lương quá. Nó chửi mình thì mình chửi lại. Cứng hơn nữa thì tuyên bố tẩy chay mọi nhãn hàng quảng cáo. Chứ cứ chạy theo kéo áo đòi xin lỗi hay đòi cơ quan quản lý vào cuộc nó không có fair. Không nên trấn áp và tước quyền được bày tỏ ý kiến của bất kỳ ai, dù nó ngu hay bố láo đến mức nào. Thực ra những người như Xuân Bắc nên để cho anh ta có cơ hội thể hiện. Chỉ cần một cái tút là lòi ra trình độ của ông Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ngay. Đừng sợ Bắc ơi! Cứ là chính mình! Các bạn nghệ sỹ khác cũng vậy, đừng sợ! Cứ lên tút thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình đi! Chỉ lưu ý là nhờ người khác sửa chính tả giùm trước khi post là được (8)!

Duan Dang nhắc chuyện “nhờ người khác sửa chính tả giùm trước khi post” là vì đã có một số người thử đếm thì phát giác “Cái tát của mẹ” có chừng… 121 lỗi chính tả (9), chưa kể cách diễn đạt rất khó để nhận xét sao cho không sai bản chất mà vẫn… lịch sự!

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/nghesi.nguyenxuanbac/posts/pfbid0FoGAhS8bviEh9zbMFUnmFvx12QTNFCJKXRqEp7fyrwK1fH14Q1VUiatjBJ8PEqDol

(2) https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/pfbid0UsqRfAXAP8emBDTwGx3D3MG5Ka16mjBGQBy4URiBJY2zU8ssFfhEb7LVCoQf7n4xl

(3) https://www.facebook.com/hue.c.ha.9/posts/pfbid0WM26FFDNWTamCFCeeRgwftYXRbcKV4mwp7NzhCfpfX8BwjpR15wsYZBE6DSPN2B7l

(4) https://www.facebook.com/Ageratumconyzoides08/posts/pfbid02hDveg54L7BjZnrDH7H8f4HP38fmYwVFFfUsj6KuBXXv3dUFk9rQuxpnYEw2pff6tl

(5) https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/pfbid02GejVe28M3gFnXq8hJngkqXWC8ubJyYKUTnKUkiV7G7MR2MXknw8Q793j3meu7CpKl

(6) https://vtc.vn/cuc-nghe-thuat-bieu-dien-se-lam-viec-voi-xuan-bac-vu-cai-tat-cua-me-ar738324.html

(7) https://tuoitre.vn/xuan-bac-anh-sai-roi-2023012611014034.htm

(8) https://www.facebook.com/duan.dang.9/posts/pfbid02NurjmbYHPgxVJAaHkd2UVQG2sE7pTvhLgyPPjocy7Dx2udccRXBmEr3PVSEZ66znl?__tn__=-R

(9) https://www.facebook.com/nyentrinh/posts/pfbid02vNkwZht6mgBohwM4m4TJEfsoK69STrKbJZRbkmBcfpRWCrwVTUUb9p3Dm999tTbUl

Thưa với trung ương

Nguyễn Thông

25-1-2023

Vẫn biết trung ương là tầm lãnh đạo quốc gia, hơi đâu làm những chuyện cỏn con, nhưng không mách việc cho các ông bà mần, có khi các ông bà lại rỗi rãi không có việc gì làm, rồi sinh ra nhàn cư vi bất thiện. Nay cầm tay chỉ việc:

– Vụ chú em Xuân Bắc, không oong đơ toa cát gì hết, cấp trên cần cách ngay cái chức giám đốc nhà hát kịch Việt Nam của nó đi. Một người tư cách như thế hoàn toàn không xứng đáng đứng đầu một nhà hát nghệ thuật của quốc gia. Cứ thử nghĩ xem, trong đội ngũ nhà hát còn có biết bao người tử tế, để kẻ thiếu tư cách lãnh đạo họ thì khác gì biến nhà hát thành trò cười.

Xuân Bắc có thể đi diễn, hành nghề, làm trò ở bất cứ đâu nhưng đài truyền hình Việt Nam (VTV) cần chấm dứt cho anh ta lên sóng. Hai cậu nhạc sĩ, diễn viên đi mua dâm ở nước ngoài còn bị cắt, thì cái “tội” khinh rẻ, chửi bới khán giả VTV của Xuân Bắc nghiêm trọng hơn nhiều. VTV lâu nay đã xuống cấp toàn diện trầm trọng rồi, đừng biến đài quốc gia do dân nuôi thành nơi nhí nhố, nhố nhăng nữa.

Nhân tiện đây, tôi nói thêm, dư luận có thể phê phán Xuân Bắc nhưng đừng quy thành ‘xướng ca vô loài’, thằng hề… bởi đó cũng là một nghề trong xã hội, vả lại trong đội ngũ ấy kẻ mất tư cách như Xuân Bắc không đáng kể. Ai đó cũng đừng lấy cái chuyện anh ta từng đứng ra quyên góp tiền chống dịch COVID bởi đó không phải là thứ huân, huy chương để giải tội. Thiên hạ còn có hàng vạn cá nhân làm điều tốt gấp bội anh ta.

– Lâu nay, cái báo Tin tức của Thông tấn xã VN (cơ quan truyền thông quốc gia, số 1, ngang một bộ, người đứng đầu thường là ủy viên trung ương của cái đảng đang nắm quyền xứ này) cũng như nhiều cơ quan báo chí truyền thông mậu dịch quốc doanh khác đã công khai mà không biết xấu hổ khi làm cái lưỡi nối dài cho bọn đế quốc Nga. Rõ nhất là chúng tinh lấy nguồn tin từ đài báo của bọn Nga. Ngang nhiên ủng hộ, đứng về phía bọn xâm lược, tuyên truyền cho bọn xâm lược, nói thẳng ra là sự nhục nhã, đê hèn. Còn mất tư cách hơn tỉ lần Xuân Bắc. Trung ương, nếu còn tư cách, còn sự tử tế, thì kỷ luật ngay những kẻ đứng đầu cơ quan báo chí như TTXVN, VTV, đừng để người dân phải nghĩ rằng họ đang đóng thuế nuôi một đám ăn mày (mà ông hàng xóm nhà tôi gọi thẳng là mất dạy).

Ảnh chụp màn hình bài báo của TTXVN, làm cái loa tuyên truyền cho Nga.

Trung ương không làm được, hoặc không dám làm điều tử tế, thì trung ương cũng chỉ là cái xác không hồn, tồn tại vô tích sự. Tôi nói thật.

Mới mùng 4 đã phải căng thẳng thế này, chả ai muốn. Nhưng với tôi, mùng 4 là hết tết, quay trở lại cuộc sống bình thường.

_____

Ảnh chụp màn hình bài viết của Xuân Bắc ngày 23-1-2023, hiện đang gây bão trên Facebook :

    

Bình Luận từ Facebook

Nhân vụ Táo quân: Danh và Phận

Tạ Duy Anh

25-1-2023

Hiểu một cách đơn giản: DANH là cái người ta có (nhờ tài năng, học vấn, uy tín xã hội, khả năng cống hiến…), còn PHẬN là cái người ta được (có vị thế xã hội, có công việc tốt, nhận được sự vì nể, ưu đãi của xã hội cả về tinh thần lẫn quyền lợi vật chất…). Hiểu như vậy vấn đề sẽ đơn giản, thậm chí như một hiển nhiên: Ai mà chả phải có danh và có phận.

Bởi vì xã hội được thiết lập khi có từ hai người trở lên. Hay nói khác đi khi nào nảy sinh những quan hệ giữa các cá nhân, khi đó xuất hiện đời sống xã hội. Để con người có thể sống với nhau trong trật tự, người ta phải thỏa thuận định ra những nguyên tắc chung. Khi nguyên tắc đó được số đông thừa nhận thì với mỗi cá nhân là sự bắt buộc phải làm theo và được gọi là luật. Người Hy Lạp cổ dùng tiêu chí luật để phân biệt giữa văn minh (có luật) với dã man (chưa có luật).

Nhưng trong cuộc sống không phải hành vi nào cũng bị chi phối bởi luật. Có hàng ngàn ứng xử không cần (và thực tế không thể) dùng luật để duy trì tính đúng đắn. Sự điều chỉnh hành vi ở đây dựa trên “cảm ứng văn hóa” (cái đó được cộng đồng tán dương, là cái có thể; cái đó bị cộng đồng lên án, là cái không thể). Nó tạo ra một thiết chế tinh thần mà luật không với tới. Một xã hội có văn hóa cao hay thấp phụ thuộc vào cái thiết chế tinh thần ấy. Văn hóa cao là trong ứng xử làm tăng phẩm giá của nhau, tôn nhau cao lên. Ngược lại hạ giá, hạ nhục nhau hoặc thường thấy hơn, tạo ra sự khó chịu cho nhau… là biểu hiện của văn hóa thấp.

Trong một cộng đồng luôn luôn chênh lệch nhau về học vấn, trình độ văn hóa (điều này, trừ ảo tưởng hay dối trá ra, sẽ là một thực tế vĩnh viễn) lại luôn luôn va vấp về quyền lợi, thì tự biết mình là ai, tự biết mình được gì, tức là ý thức về danh và phận, sẽ loại trừ được hầu hết các tình huống (đa số là không lường trước) đẩy mình đến chỗ thất thố, kệch cỡm, lố bịch, gây tổn thương cho người khác, nhiễu loạn trật tự và hạ thấp mình. Biết danh và phận mình sẽ có sự hồn nhiên trong ứng xử và công việc, không phải khổ sở đố kị với người khác, tức là tự tôn cao mình lên.

Hậu quả của sự không chịu ý thức về danh và phận theo nội hàm trên (ở đây xin tránh xa quan niệm về Danh và Phận của Khổng Tử) đã cho ra vô vàn ứng xử thiếu văn hóa mà chúng ta bắt gặp hàng ngày: nịnh trên nạt dưới của bất kỳ ai tự cho mình có quyền; tìm mọi cách để chòi sang vị trí của người khác; nhân viên bán hàng giật lại hàng từ tay khách khi họ không mua; văn nghệ sỹ chửi khán-thính-độc giả khi bị chê bai; lái xe yêu sách hành khách, tinh tướng với thủ trưởng; nhân viên bảo vệ hành hạ người có nhu cầu làm việc với cơ quan mình; hộ lí, thậm chí cả bác sỹ mắng bệnh nhân xơi xơi; kẻ dốt nát khinh người có học; kẻ lười nhác đòi quyền lợi cao hơn người tận tâm cống hiến… Tệ hơn là người ta muốn quan trọng hóa mình bằng cách hạ nhục người khác. Căn bệnh kinh niên nhức nhối này có khả năng hủy hoại mọi thứ được coi là tốt đẹp.

Đó đều là hậu quả của việc mỗi người không tự ý thức về danh và phận. Và suy đến cùng, nó chính là đầu mối của loạn vậy. Trước hết là loạn các thứ tự giá trị.

Thằng hề láo

Đỗ Duy Ngọc

25-1-2023

 

Nhiều khán giả khi xem chương trình Táo quân năm nay trên Đài Truyền hình VTV đã phê bình là nhạt. Cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên chấm dứt mục này hằng năm. Phản ứng với những lời phê bình đó, Xuân Bắc đã lên mạng dùng lời lẽ hằn học, mất dạy chửi khán giả.

Thái độ vô học này đã khiến nhiều người thất vọng và giận dữ. Cái láo và mất dạy của tên diễn viên này đã lên đến đỉnh. Người diễn viên sống nhờ khán giả, phải biết trân trọng và tri ân. Những lời góp ý với mục đích xây dựng, người diễn viên phải có thái độ cầu thị, lịch sự và xử sự có văn hoá. Làm người nghệ sĩ phải biết chấp nhận lời khen lẫn chê. Không nên vì tự ái mà tuôn ra những lời lẽ khó chấp nhận. Hãy lấy những lời khen chê để làm động lực, học hỏi để tiếp tục lao động nghệ thuật tốt hơn, cống hiến cho khán giả nhiều tác phẩm có giá trị hơn.

Chỉ có những kẻ tự cao, tự đại cho mình là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ, là đỉnh cao mới mở miệng chửi rủa khán giả bằng ngôn ngữ vỉa hè như thế mà tưởng là thâm thuý. Có chút danh tiếng đã ngộ nhận, ảo tưởng mình là bố người ta, kiêu căng, phách lối, lên mặt dạy đời khi anh chỉ là thằng hề rẻ tiền, tài năng chưa hẳn hơn ai.

Cái lối thoá mạ người phê bình như thế này không nên xuất phát từ nghệ sĩ. Chỉ có thứ vô học, vô giáo dục, xem thường người khác, mất dạy mới viết những lời láo toét, trịch thượng như thế này:

“Sử tô (Xuân Bắc nói lái một câu chửi thề?!) – vừa chê phát là bọn nó xúm vào chê cùng mặc dù chưa đứa nào ăn miếng nào!”.

“Bây giờ mới là ngu tiếp tập hai, ngu đỉnh điểm đây này!”.

“Mấy năm trở lại đây năm nào mày cũng nói câu này nhưng năm nào mày cũng ăn tụt cả lưỡi”.

“Mâm cơm 30 thì mày cắm đầu vào ngấu nghiến… rồi mày chê. Mày là đồ “Ăn cháo đá bát”.

“Đồ có lớn mà không có khôn”.

“Mày không ăn thì thôi ai bắt mày… Sao mày cứ phải ăn bánh chưng tao gói rồi để mày chê. Đến rửa lá, vo gạo mày còn không biết làm mà mày lại cứ dạy mẹ mày gói bánh là sao!?”.

“Mày không ăn thì mày cút”.

“Mày không ăn bánh chưng mẹ mày gói thì mày ăn… Đào lộn hột đi – ai cấm!?”

Ở đâu ra cái thứ gọi là nghệ sĩ như thế này hở trời? Được cưng chiều quá, được tung hô quá nên cứ tưởng mình là vĩ đại, buông những lời khó mà lọt tai và nói lên nhân cách đốn mạt của nó. Bó tay rồi ông giáo già ơi!