Mục lục
50 năm sau hiệp định Paris, một Việt Nam không còn lịch sử
Jackhammer Nguyễn
28-1-2023
Bi kịch Paris
“Hòa bình ơi/ Tình yêu em như sông biển rộng/ Tình yêu em như lúa ngoài đồng/ Tình yêu em tát cạn biển Đông…” Lời bài hát này được nghe trên khắp các thành thị miền Nam Việt Nam, khi nó còn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng hòa 50 năm trước.
Người sáng tác bài hát đó là nhạc sĩ Thông Đạt, tức Ngô Văn Giảng, nhưng tôi không biết ai là người hát nó đầu tiên trên radio hay TV, chỉ biết rằng nó xuất hiện sau ngày 27-1-1973, ngày hiệp định đình chiến bốn bên được ký kết tại Paris, thủ đô nước Pháp.
Tuy nhiên cuộc chiến không đình được, nỗi khát khao hòa bình trong bài hát nhanh chóng bị dập tắt. Chiến tranh tiếp tục trong hai năm tiếp theo, dẫn đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa. Với độ lùi thời gian nửa thế kỷ, cùng nhiều thông tin mới dần được công bố, nay đã rõ là việc ký kết hiệp định này có nguyên nhân lớn nhất là ý chí của người Mỹ, tìm kiếm một lối thoát trong vũng lầy Việt Nam của họ.
Việt Nam đã không còn là một tiền đồn chống cộng sản có giá trị nữa, chính sách mới của Washington bắt tay với Trung Hoa cộng sản nhằm phân hóa thế giới cộng sản bắt đầu. Tiền đồn của Mỹ bây giờ không phải là Sài Gòn nữa, mà là Bắc Kinh. Vũ khí không phải là ném bom nữa mà là những cái bắt tay thân mật bên cốc rượu Mao đài.
Cuộc chiến hai năm sau hiệp định Paris thực sự là nội chiến, là cuộc chiến giữa những người Việt với nhau, dù rằng cho đến 50 năm sau, cho tới bây giờ Hà Nội vẫn vô cùng “nhạy cảm” với hai từ “nội chiến”. Họ cũng “nhạy cảm” cả với ba từ “ý thức hệ”, lý do chính mà người Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Điều trớ trêu và buồn cười nhất là tính chất ý thức hệ (đấu tranh giai cấp) là điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam lớn tiếng hơn ai hết khi họ nắm quyền trên toàn quốc.
Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vì sự yếu kém về tổ chức xã hội, nhà nước, của nó, không phải để chiến đấu, quân đội của họ dựa hoàn toàn vào người Mỹ, mà không sẵn sàng cho một cuộc chiến dựa trên sức mạnh của chính mình. Trong khi đó, xã hội và nhà nước miền Bắc, với mô hình toàn trị, thích hợp hơn rất nhiều lần để tiến hành một cuộc chiến. Vũ khí và tài lực từ Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp cho Hà Nội.
Bi kịch ngày 30-4-1975 của Việt Nam Cộng hòa là không thể tránh khỏi. Bi kịch đó kéo theo bị kịch tù cải tạo với hàng trăm ngàn người lao động khổ sai không án.
Bi kịch đó kéo theo bi kịch thuyền nhân với gần một triệu người liều mình đào thoát khỏi Việt Nam, trong đó không biết bao nhiêu người chết thảm khốc.
Lịch sử và xóa bỏ lịch sử
Người cộng sản Việt Nam đã thắng cuộc chiến quân sự sau bi kịch Paris, nhưng họ đại bại trong cuộc chiến ý thức hệ.
Nước Việt Nam ngày nay không phải là một đất nước sống theo thiên đường cộng sản, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, như trong các kinh điển Mác – Lê. Việt Nam ngày nay là đất nước của cụ già Nguyễn Phú Trọng sửa luật Đảng của chính ông ta để cầm quyền, là đất nước của hơn triệu công nhân bỏ chạy về quê vì đói trong đại dịch 2021, là đất nước của Phạm Nhật Vượng, chuyên thu gom đất đai giá rẻ để làm tỷ phú, và cũng là đất nước của những “thùng nhân” chết đông lạnh ở Anh.
Họ thất bại trong ý thức hệ, nhưng có thể họ đang thắng trong việc xóa bỏ lịch sử, ít nhất là đối với mấy chục triệu dân trong nước.
Tôi không nghĩ rằng có hơn 50% dân chúng Việt Nam trong nước biết Hiệp định Paris là cái gì! Dĩ nhiên họ cũng chẳng biết tới trại tù cải tạo khổ sai, không biết cả thảm họa thuyền nhân.
Báo chí tuyên truyền của Đảng nói với họ rằng, có mấy triệu người Việt sống ở phương Tây, “lúc nào cũng hướng về tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (sic). Nhưng tại sao mấy triệu người ấy có mặt ở phương Tây? Báo chí và sách vở của Đảng … cứ làm như không biết!
Mấy ngày gần đây, báo chí Việt Nam cũng góp lời ca tụng hai diễn viên được đề cử giải Oscar danh giá ở Mỹ, có liên quan đến Việt Nam, là ông Quan Kế Huy và bà Hồng Châu. Họ ca tụng vì cả hai người đều được xem là người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên báo Đảng cắt bén đi cái lý lịch thuyền nhân của họ.
Mà không chỉ trong câu chuyện với hai người này, những cái từ như là thuyền nhân, trại cải tạo… cũng biến mất tăm ở Việt Nam ngày nay, dù rằng nó là một giai đoạn lịch sử bi thương của dân tộc.
50 năm hiệp định Paris, Việt Nam đi từ một nền hòa bình tưởng tượng, cho đến một tương lai bất định, trên nền của một dân tộc 100 triệu dân bị xóa bỏ lịch sử.
Kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973 — 27-1-2023)
Đỗ Kim Thêm
Tiếng Dân
26-1-2023
Nội dung Hiệp định
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris, gồm có 9 chương và 23 điều khoản. Nội dung mà Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ VNDCCH, Chính phủ VNCH và Chính phủ CMLTMNVN đồng thuận không phải là thoả hiệp giữa hai phe thắng và thua, mà nhằm quy định việc ngưng mọi cuộc giao tranh, Hoa Kỳ rút quân trong vòng 60 ngày ra khỏi Việt Nam, QĐNDVN được ở lại miền Nam; bù lại, Hà Nội trao trả các tù binh Hoa Kỳ, VNCH và MTGPMN cùng hoạt động trên lãnh thổ của mình.
Theo dự kiến, sau đó, miền Bắc và miền Nam bàn bạc và thoả thuận việc Việt Nam thống nhất, từng bước sẽ được thực hiện trên cơ sở không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài.
Ngay sau khi ký kết Hiệp định Paris, bất cứ một người dân Việt bình thường nào cũng nhận ra là Bắc Việt chiếm trọn mọi ưu thế và thành công trong việc lừa đảo được Henry Kissinger.
Nhìn chung, Bắc Việt và MTGPMN có ba thắng lợi chính: Một là, toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam; hai là, công nhận sự hiện diện của 140.000 quân chính quy QĐNDVN ở miền Nam và chính phủ “ma” MTGPMN; ba là, quy chế khu phi quân sự sẽ không được luật quốc tế công nhận và không ai sẽ can thiệp khi vi phạm.
Dù kiểm soát trên 50% dân chúng và 75% lãnh thổ, nhưng VNCH thất bại nặng nề, vì không có tiếng nói chính thức trong hội nghị. Hai mục tiêu duy trì binh sĩ Hoa Kỳ để tiếp tục hỗ trợ QLVNCH và trục xuất binh sĩ QĐNDVN ra khỏi miền Nam đều không có kết quả.
Trong một mật ước với Hà Nội, Tổng thống Richard Nixon hứa sẽ viện trợ tái thiết cho miền Bắc và sẽ không hành quân trên lãnh thổ Lào và Campuchia.
Hoa Kỳ tự cho mình thắng lợi khi mang binh sĩ hồi hương, một lối thoát trong danh dự mà Tổng thống Kennedy và Johnson không đạt được. Tổng thống Nixon buộc Hà Nội phải từ bỏ yêu sách là một chính phủ liên hiệp không có chính quyền Tổng thống Thiệu tham gia và công nhận chính phủ VNCH là một thực thể chính trị để đối thoại.
Tổng thống Nixon ý thức về khó khăn của việc thực hiện Hiệp định vì QĐNDVN còn đóng tại miền Nam và việc tiếp tục ném bom miền Bắc trong tương lai là khó khả thi.
Khi cải thiện bang giao Nga-Hoa, Tổng thống Nixon mở rộng được các ưu thế dành cho Hoa kỳ, nên các áp lực quốc tế và quốc nội trong cách giải quyết vấn đề Việt Nam giảm đi đáng kể; dù vậy, ông vẫn còn nhiều lo âu về mật ước với Tổng Thống Thiệu.
Riêng Kissinger, vốn dĩ không dành thiện cảm cho VNCH và quan tâm đến tương lai của miền Nam, nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ông tiên đoán sẽ có một khoảng cách thích hợp cho việc đình chiến và sự sụp đổ của miền Nam. Khi được hỏi, miền Nam sẽ còn sống được bao lâu sau ngày ngưng bắn, ông trả lời: “Nếu may mắn, chế độ Sài Gòn chỉ sống sót được trong vòng một năm rưỡi.”
Dù tiên đoán Hà Nội không tôn trọng Hiệp định và miền N am sụp đổ, tại sao Kissinger không chuẩn bị các biện pháp khác nhằm ngăn chặn các hậu quả tàn khốc này? Đây là câu hỏi mà mọi người Việt miền Nam đặt ra, nhưng không được Kissinger trả lời.
Do sự im lặng này mà hầu hết người miền Nam nguyền rủa Kissinger đã phản bội VNCH và xem nhẹ các giá trị sống còn của miền Nam, vô đạo đức không thể tha thứ, khi đem Hiệp định Paris làm một món quà triều cống cho Trung Quốc.
Kissinger luôn né tránh biện minh trách nhiệm đạo đức cá nhân và những sai lầm trong Hiệp định. Ông tiếp tục đổ trách nhiệm cho chính quyền và dân chúng miền Nam là những người có quyền tự do tự định đoạt số phận của mình. Về trách nhiệm của phía Mỹ, ông dẫn chứng là Nixon bị buộc phải từ chức sau vụ Watergate và Quốc hội còn không muốn tiếp tục viện trợ cho VNCH.
Giải Nobel Hoà bình cho Hiệp định Paris
Ngay trong thời điểm ký kết cũng như về sau, công luận quốc tế luôn nghi ngờ thiện chí hiếu hoà nghiêm chỉnh của Bắc Việt và giá trị thi hành của Hiệp định. Gần đây, Uỷ ban Nobel Hoà bình đã tiết lộ nhiều chi tiết mới trong việc quyết định trao giải cho Kissinger và Lê Đức Thọ, hai nhà đàm phán Mỹ và Hà Nội.
Hai ngày sau khi ký kết hiệp định Paris, John Sanness, học giả, thành viên người Na Uy của Ủy ban đã đề cử Kissinger và Lê Đức Thọ được nhận giải. Lập luận chính của Sanness là: “… điều tích cực là các cuộc đàm phán đã dẫn đến một thỏa thuận sẽ chấm dứt xung đột vũ trang giữa Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ, … trong thời gian tới người ta mới hiểu rõ (loại) ý nghĩa mà các hiệp định sẽ có trong thực tế”. Ông Sanness qua đời năm 1984.
Quyết định trao giải đã bị hai trong số năm thành viên của Ủy ban phản đối và từ chức. Hiện nay, tất cả thành viên này đã qua đời.
Khi nhìn lại việc quyết định trao giải trong toàn cảnh, ông Stein Toennesson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, đã nhận xét là Ủy ban cũng đã nhận thức được hiệp định: “không có khả năng được giữ vững, … ngạc nhiên hơn lúc đó ủy ban có thể đưa ra một quyết định tồi tệ như vậy…. vì đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam… mà không có bất kỳ giải pháp hòa bình nào ở Nam Việt Nam.”
Việc Lê Đức Thọ nhận giải có chi tiết khác: “… vì Uỷ ban không thể trao cho một mình Kissinger… sau đó họ bổ sung thêm Lê Đức Thọ, người mà họ biết rất ít.”
Khi được tin đề cử nhận giải, ông Thọ có gởi điện văn từ chối với nội dung: “Khi hiệp định Paris về Việt Nam được tôn trọng, không còn tiếng súng và hòa bình thực sự được thiết lập ở miền Nam Việt Nam, tôi sẽ xem xét việc nhận giải thưởng này”.
Một chi tiết khác là Kissinger muốn trả lại giải ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ. Qua một bức điện gởi tới Ủy ban, ông bày tỏ: “hòa bình mà chúng tôi tìm kiếm thông qua các cuộc đàm phán đã bị đảo lộn bằng vũ lực”.
Nhưng Ủy ban quyết định không nhận lại giải thưởng. Cho đến nay, Kissinger không bình luận gì về các nguồn tin mới này.
Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris tại Việt Nam
Dù ý nghĩa của việc tái lập hoà bình cho Việt Nam qua Hiệp định không còn nữa khi Bắc Việt đã công khai vi phạm hưu chiến, nhưng ngày 13 tháng 1 năm 2023, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức chương trình “Hiệp định Paris 1973 – Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Tham dự buổi gặp gỡ hữu nghị này có 26 đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia. Các tham dự viên là những người đã ủng hộ cho Việt Nam trong công cuộc kháng chiến.
Trong thông điệp gởi tới cuộc hội thảo, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh “… Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử dẫn đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Nhân dịp này, Phó chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Phan Anh Sơn khẳng định: “Hiệp định Paris là chiến thắng của “lương tri”, của niềm tin vào chính nghĩa, là chiến thắng của nhân dân Việt Nam ….”
Ngày 16 tháng 1 năm 2023, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Tham dự hội thảo có khoảng 350 đại biểu. Đa số thuộc giới lãnh đạo, các nhân chứng lịch sử, đại diện thành viên hai đoàn đàm phán, các nhà khoa học và chuyên gia.
Hội nghị kết thúc với khẳng định: “Hiệp định Paris tạo cục diện mới để đi đến thắng lợi cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, một minh chứng lịch sử sống động cho khát vọng hòa bình và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam”.
Có hai điều đáng chú ý trong hai buổi lễ này. Thứ nhất, không còn ai nhắc đến hai lời hứa long trọng cho tương lai tươi sáng của miền Nam trong khi Bắc Việt và MTGPMN nỗ lực ngoại vận tại Paris.
Thủ tướng Phạm văn Đồng tuyên bố với báo Le Monde ngày 18 tháng 5 năm 1972 là: “Miền Nam sẽ phải chuyển đổi dần dần để giảm bớt những khác biệt. Với thời gian, thống nhất đất nước sẽ tự nó đến. Thời gian sẽ là một yếu tố quyết định. Để thành công, cần phải có một lịch trình khá mềm dẻo”.
Sau đó, cùng một lập trường, ngày 11 tháng 9 năm 1972, Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN long trọng cam kết tại Paris là, “sẵn sàng đi đến một hiệp định mà miền Nam sẽ không bị áp đặt dưới một chế độ cộng sản hoặc một chế độ do Mỹ tài trợ.”
Hiệp định Paris có ghi rõ các nguyện vọng này của bốn bên:
Điều 11: “hai bên sẽ thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với bên này hay bên kia, bảo đảm các quyền căn bản của người dân”.
Điều 15: ”thực hiện thống nhất từng bước trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào.“
Thứ hai, nội dung hội thảo kỷ niệm 50 năm này hoàn toàn giống với Hội thảo khoa học “50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968-2018) – Tầm vóc và bài học lịch sử” được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26 tháng 1 năm 2018.
Cuối cùng, Hội thảo 2018 cũng khẳng định tương tự, có nghĩa là, nêu cao ý nghĩa lịch sử và tôn vinh những đóng góp to lớn của đảng viên và nhân dân trực tiếp chiến đấu, không ai nhắc đến việc thảm sát hơn 5000 dân Huế vô tội.
Nhìn chung, các hội nghị khoa học đã khép lại quá khứ lịch sử một cách có khôn ngoan chọn lọc. Thảm sát thường dân Huế và vi phạm Hiệp định Paris không phải là sự thật lịch sử và là bài học cho thế hệ hậu chiến.
Kết luận
Hiệp định Paris đã thuộc về quá khứ khi nửa thế kỷ trôi qua. Nhìn lại thời gian lắng đọng, chúng ta có những lý do chính đáng để không tham gia mừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết mà cần tỉnh thức:
Một là, chúng ta cùng nhau thành tâm tưởng niệm cho các những người của hai miền đã nằm xuống và không còn cơ hội để nhận ra ý nghiã đích thực và cao cả về công cuộc đấu tranh và Hiệp định Paris.
Hai là, đảng tiếp tục dành độc quyền tuyên truyền thành tích và ban phát chân lý lịch sử. Hiệp định Paris không bao giờ là một minh chứng cho khát vọng hòa bình và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc. Đảng đã lừa dối được Mỹ, công luận thế giới, đồng bào miền Bắc và miền Nam về ý nghĩa đấu tranh. Đảng vi phạm hưu chiến, gây bao tang tóc cho nhân dân miền Nam và toàn dân đại bại vào năm 1975.
Ba là, Việt Nam đã được một mục tiêu thống nhất lãnh thổ, những vẫn chưa thành công trong việc kiện toàn độc lập, hoà giải và hoà hợp dân tộc. Đó chính là ý nghĩa mà nhân dân mong muốn. Bối cảnh đất nước thay đổi, nhiều giông bão đang khởi đầu.
Bốn là, đã đến lúc thế hệ hậu chiến phải đứng lên đảm nhận trách nhiệm chính trị trước lương tâm và lịch sử để hoàn thành giấc mơ thanh bình và thịnh vượng của toàn dân. Lịch sử đang nhìn chúng ta và chờ đợi một khởi đầu mới huy hoàng cho đất nước, mà mục tiêu trước mắt là toàn thể người dân quyết định quyền dân tộc tự quyết thông qua các cuộc bầu cử tự do.
Theo các điều khoản, Mỹ đồng ý đình chỉ ngay lập tức mọi hoạt động quân sự và rút toàn bộ quân nhân còn lại trong vòng 60 ngày. Bắc Việt Nam đồng ý ngừng bắn ngay lập tức và trả tự do cho tất cả tù binh Mỹ trong vòng 60 ngày. Hơn 100.000 binh sĩ Bắc Việt Nam đang ở trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa được phép ở lại. Việt Nam vẫn bị chia cắt.
Sự kiện này được chính quyền cộng sản của Việt Nam mô tả là một “chiến thắng vĩ đại” về ngoại giao mở ra cục diện mới tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước vào năm 1975. Nhưng các học giả nghiên cứu Chiến tranh Việt Nam ở ngoài nước nói rằng thực tế lịch sử phức tạp hơn những gì được tuyên truyền một chiều.
VOA trò chuyện với Pierre Asselin, Giáo sư Lịch sử tại Đại học San Diego State ở Mỹ, người từng viết một cuốn sách về tiến trình dẫn tới Hiệp định Paris, để làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử. Nội dung cuộc phỏng vấn đã được biên tập lại cho rõ ràng và dễ theo dõi.
Nhìn lại Hiệp định Paris năm 1973, ông có suy nghĩ gì về ý nghĩa của nó trong cả cuộc Chiến tranh Việt Nam?
Tôi nghĩ nó là một sự kiện cực kì quan trọng trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam. Hệ quả chính của hiệp định là đưa lực lượng chiến đấu cuối cùng của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam và sau đó nó cũng dẫn đến việc chấm dứt các hành động thù địch của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam. Vì vậy trên thực tế, Hiệp định Paris đặt dấu chấm hết cho cái gọi là cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Và tôi nghĩ ở cấp độ đó, nó rất, rất quan trọng.
Nhưng đồng thời tôi không nghĩ chúng ta nên phóng đại tầm quan trọng của nó bởi vì đối với chính người Việt Nam, hiệp định này không thay đổi gì mấy theo nghĩa là mặc dù người Mỹ đã rời đi, cuộc nội chiến ở Việt Nam bắt đầu vào năm 1945 vẫn chưa kết thúc. Đó là một trong những lý do tại sao Hiệp định Paris chưa bao giờ thực sự có cơ hội mang lại một nền hòa bình lâu dài và sau này bị vi phạm và phá vỡ bởi cả miền Bắc lẫn miền Nam chỉ trong vài tuần sau khi được kí kết.
Xin ông cho biết bối cảnh lịch sử xung quanh hiệp định này. Các cuộc đàm phán hòa bình đã khởi sự kể từ năm 1968 nhưng sau đó lâm vào bế tắc. Sự đột phá xảy ra khi nào và điều gì dẫn tới sự đột phá đó?
Hiệp định Paris thực sự là sản phẩm của sự mệt mỏi vì chiến tranh ở cả phía Mỹ và Bắc Việt Nam. Và điều quan trọng cần hiểu là đây là một thỏa thuận về cơ bản gạt Việt Nam Cộng Hòa khỏi tiến trình đàm phán. Hiệp định Paris sau này được kí bởi miền Bắc, miền Nam và Mỹ. Nhưng điều chúng ta cần ghi nhớ là, chính xác là trong tiến trình đàm phán bí mật và riêng tư, Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ và Bắc Việt Nam gạt ra ngoài một cách có chủ đích. Vì vậy, về căn bản đây là một thỏa thuận giữa Washington và Hà Nội. Và điều thực sự đưa tới thỏa thuận này là sự mệt mỏi vì chiến tranh ở phía Mỹ và giới lãnh đạo Bắc Việt Nam sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân.
Vào đầu cuộc chiến, cả hai bên đều tự tin vào khả năng của mình chiến thắng kẻ thù. Nhưng rồi đến năm 1968-1969, cả Hà Nội và Washington đều nhận ra rằng kiểu thắng lợi mà họ hi vọng đạt được là rất khó xảy ra. Về phía Mỹ, [Tổng thống Richard] Nixon cho rằng một thắng lợi như vậy là hoàn toàn không thực tế. Về phía Hà Nội, họ nhận ra sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân rằng việc giành được cái gọi là thắng lợi toàn diện có lẽ là bất khả dĩ. Và tôi nghĩ rằng những nhận thức này là yếu tố chính mà cuối cùng thúc đẩy Hà Nội và Washington bắt đầu nỗ lực hướng tới một sự dàn xếp thông qua thương thuyết.
Nhưng đối với tôi, đây không phải là một thỏa thuận cho thấy chiến thắng của bên này hay bên kia. Thỏa thuận này là sản phẩm của hoàn cảnh và cụ thể đó là sản phẩm của sự mệt mỏi vì chiến tranh của cả Washington và Hà Nội. Bạn hỏi về những bước ngoặt. Tôi nghĩ cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là một bước ngoặt lớn. Nhưng một bước ngoặt thực sự quan trọng khác là cuộc tiến công mùa xuân năm 1972 (thường được biết tới với tên gọi ‘Mùa hè đỏ lửa’). Điều lạ là chúng ta luôn coi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là sự kiện lớn nhưng theo nhiều cách, cuộc tiến công mùa xuân 1972 là một chiến dịch thậm chí còn lớn hơn. Và giống như Tết Mậu Thân, về mặt quân sự, đó là một thảm họa đối với Hà Nội.
Hà Nội thua to trong cuộc tiến công mùa xuân, nhưng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa cũng chịu nhiều tổn thất. Đối với phía Mỹ, nó rất tổn hại về mặt chính trị vì nó dẫn đến việc tái tục ném bom miền Bắc Việt Nam vốn luôn bị phản đối. Và việc tái tục ném bom làm cho phong trào phản chiến càng bùng lên thêm. Vì thế, dù Hà Nội liểng xiểng vì thất bại quân sự nặng nề này vào năm 1972, Mỹ và chính quyền Nixon nói riêng lại điêu đứng với hậu quả chính trị của việc leo thang chiến tranh vào năm 1972 vào thời điểm mà Mỹ lẽ ra phải đang kết thúc chiến tranh. Đến tháng 1 năm 1973, hai bên Hà Nội và Washington về cơ bản vì những lý do khác nhau đều nóng lòng kết thúc chiến tranh và đạt được thỏa thuận cuối cùng thông qua thương lượng.
Những cuộc đàm phán bí mật đó đóng vai trò lớn tới mức nào trong việc mở đường cho Hiệp định Paris? Tại sao Mỹ lại cố tình loại Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi các cuộc đàm phán bí mật với Hà Nội?
Có hai đợt đàm phán hòa bình diễn ra sau năm 1968. Đợt đầu tiên là cuộc đàm phán bán công khai. Ban đầu là giữa Mỹ và Bắc Việt Nam và sau đó là giữa Mỹ, Bắc Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tức Việt Cộng. Nhưng bởi vì những cuộc đàm phán đó công khai nên chúng chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền và không bao giờ thực sự đạt được bất cứ điều gì. Và đây là điều mà cả Hà Nội và Washington đều hiểu.
Vì vậy vào năm 1969, khi [Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Henry] Kissinger tiếp cận Hà Nội về việc mở một kênh bí mật để đôi bên dễ dàng trình bày thẳng thắn quan điểm của mình về triển vọng kết thúc chiến tranh thì lúc đó Hà Nội mới cởi mở hơn. Thực sự nhờ kênh liên lạc bí mật này, chỉ trở thành riêng tư vào năm 72, mà tất cả những phần cho phép thỏa thuận được hoàn tất mới được sắp xếp ổn thỏa. Kênh đàm phán bí mật và riêng tư góp phần chung quyết Hiệp định Paris. Vì không có ai khác ngoài Kissinger và [cố vấn cao cấp Đoàn đại biểu Bắc Việt Nam] Lê Đức Thọ nên không có lý do gì để tuyên truyền. Không có lý do gì để thị uy. Vì thế, các cuộc đàm phán đó mang tính xây dựng hơn nhiều so với các cuộc đàm phán bán công khai mà chủ yếu là để tuyên truyền.
Về câu hỏi thứ hai, tại sao họ gạt Việt Nam Cộng Hòa ra? Tôi nghĩ người Mỹ từ lâu hiểu rằng Sài Gòn sẽ không bao giờ chấp nhận một giải pháp ngoại giao trừ phi nó giải quyết được tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam. Và Mỹ nhận ra rằng nếu họ đưa Việt Nam Cộng Hòa vào các cuộc đàm phán bí mật thì việc này có nhiều phần chắc sẽ làm chệch hướng các cuộc đàm phán đó hoặc làm cho nó kéo dài lê thê. Vì vậy Mỹ quyết định gạt Sài Gòn ra khỏi tiến trình này bởi vì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho Mỹ đưa ra những nhượng bộ thay mặt Việt Nam Cộng Hòa hơn là để chính Việt Nam Cộng Hòa đưa ra nhượng bộ.
Và tôi nghĩ việc này cho thấy rất nhiều điều về chính quyền Sài Gòn là một chính quyền như thế nào. Đối với tôi, việc loại bỏ Sài Gòn là bằng chứng rõ ràng nhất mà chúng ta có cho thấy rằng chế độ của Tổng thống [Nguyễn Văn] Thiệu không phải là một chế độ bù nhìn. Đó là một chế độ rất độc lập. Đó là một chế độ có tính chính danh. Nền cộng hòa ở miền Nam, mà Hà Nội vẫn luôn mô tả là một chế độ bù nhìn và nhiều người Mỹ cũng cho là vậy, luôn là một thực thể chính trị có tính chính danh. Và người Mỹ nhận ra rằng nếu họ cho phép Sài Gòn tham gia đàm phán hòa bình thì Sài Gòn sẽ khẳng định quyền tự chủ của mình. Họ sẽ khẳng định chủ quyền của mình và thậm chí từ chối đàm phán với miền Bắc.
Vì vậy, để đơn giản hóa, và phần lớn vì những lý do vị kỉ, Mỹ đã chọn loại Sài Gòn ra khỏi tiến trình này và sau đó chỉ chia sẻ với Sài Gòn nội dung của các cuộc đàm phán bí mật sau khi một thỏa thuận đã được chung quyết. Ông Thiệu vì những lý do rất chính đáng đã bác bỏ hoàn toàn thỏa thuận này.
Ông có cho là Mỹ về cơ bản đã phản bội đồng minh của mình trong cuộc chiến bằng việc tiến hành các cuộc đàm phán này với Hà Nội không, biết rõ là họ đang làm suy yếu đồng minh của mình trên bàn đàm phán công khai?
Đây là một câu hỏi thú vị và quan trọng. Tôi nghĩ chúng ta phải cẩn thận ở đây. Tôi nghĩ khi nhìn lại, Chiến tranh Việt Nam rất bi thảm và tàn khốc. Nhưng tất cả các cuộc chiến đều bi thảm và tàn khốc. Vì vậy, tôi nghĩ Mỹ với tư cách là một cường quốc nước ngoài đã cố gắng đứng về phía đồng minh của mình lâu nhất có thể. Nhưng rồi sau một thời gian, một điều có thể đoán trước được và không thể nào tránh khỏi là Mỹ sẽ phải rút khỏi Việt Nam. Bởi vì chính trị đối nội sẽ luôn lấn át chính sách đối ngoại.
Nếu bạn là tổng thống Mỹ, lo cho phần còn lại của thế giới là một chuyện, nhưng về cơ bản người dân của bạn mới chính là những người bạn phải chiều lòng. Nếu không thì uy tín của cá nhân bạn, của đảng chính trị của bạn sẽ tan tành. Vì vậy, tôi nghĩ khi bạn nhìn vào những gì Nixon đã làm chẳng hạn, và Lyndon Johnson trước đó nữa, dù bạn có cảm thấy thế nào về cuộc chiến thì thực tế là hai người họ đã đầu tư đáng kể vào việc cố gắng bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa và rồi cho Việt Nam Cộng Hòa một cơ hội công bằng. Và tất nhiên điều đó không thể tiếp tục mãi mãi. Và vì vậy về phía Mỹ, việc Nixon đi sau lưng Sài Gòn và thương lượng thỏa thuận này mà không tham vấn Việt Nam Cộng Hòa, có thể nói đó là một sự phản bội ở một mức độ nào đó.
Điều rất thú vị là ở chỗ này. Mặc dù Mỹ bí mật tổ chức các cuộc đàm phán này với Bắc Việt Nam, Sài Gòn biết chuyện gì đang diễn ra. Sài Gòn, thông qua nhiều đầu mối liên lạc và những bằng hữu khác, có biết việc Mỹ đang đàm phán sau lưng mình. Ông Thiệu rõ ràng bất mãn về chuyện đó nhưng tôi nghĩ ông ấy đủ thông minh để hiểu rằng điều này là không thể tránh khỏi, vì Mỹ đã ở Việt Nam khá lâu, vì thái độ của người dân Mỹ, vì vụ thảm sát Mỹ Lai, vì vụ Hồ sơ Lầu Năm Góc, và vì việc Mỹ bí mật ném bom Campuchia.
Tôi nghĩ ông Thiệu hiểu hết tất cả những điều này. Nixon làm những gì ông ấy phải làm cho chính mình và cho đất nước của mình, giống như ông Thiệu làm những gì ông ấy phải làm cho chính mình và cho Việt Nam Cộng Hòa. Gọi đó là sự phản bội thì dễ đấy, nhưng đồng thời tôi nghĩ mọi người đều nhận ra rằng trong chiến tranh, hay trong những hoàn cảnh khác, các chính phủ sẽ hành động dựa trên lợi ích vị kỉ của chính họ.
Năm mươi năm sau nhìn lại, ông có cho rằng Hiệp định Paris đã định đoạt số phận của Việt Nam Cộng Hòa không?
Tôi không biết nó có định đoạt số phận hay không. Vào thời điểm Hiệp định Paris được kí kết, chỉ có 20.000 bộ binh Mỹ còn ở miền Nam Việt Nam. Vì thế việc này không tạo nên sự khác biệt lớn. Theo tôi, điều thực sự tạo ra sự khác biệt lớn là với việc kí kết Hiệp định Paris, Việt Nam Cộng Hòa không còn được hưởng lợi từ sức mạnh trên không của Mỹ nữa. Và điều này luôn là một lợi thế thực sự to lớn cho Việt Nam Cộng Hòa. Hà Nội rất lo ngại về lợi thế này.
Trong cuộc tiến công mùa xuân năm 1972, có hai điều khiến cho nó thất bại. Một mặt, không nghi ngờ gì là quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu rất tốt. Lúc đầu có gặp khó khăn nhưng sau đó quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu rất, rất tốt. Nhưng mặt khác là Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, Lào và sau đó là miền Nam Việt Nam rất ác liệt. Tôi nghĩ rằng nếu bạn là một người lính Việt Nam Cộng Hòa, bất cứ khi nào bạn ra trận, biết rằng bạn được yểm trợ bởi máy bay B-52 và máy bay F-5, tôi nghĩ điều đó làm cho họ rất yên tâm. Nhưng khi bạn không còn máy bay ném bom nữa, bạn cảm thấy dễ bị tổn thương hơn rất nhiều. Tôi nghĩ một di sản lớn của Hiệp định Paris là nó loại bỏ sức mạnh trên không của Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Nó làm cho Việt Nam Cộng Hòa dễ bị tổn thương hơn nhiều.
Và rồi đối với Bắc Việt Nam, nếu bạn không phải lo lắng về chuyện ném bom nữa thì bạn thực sự không phải lo lắng về bất cứ điều gì khác nữa, bởi vì sẽ luôn có cách. Bất cứ khi nào Bắc Việt Nam làm điều gì đó gây hại là Mỹ đã đáp trả bằng cách ném bom, cho dù đó là các tuyến tiếp tế ở Lào hay các vị trí đóng quân ở miền Nam hay các thành phố ở miền Bắc. Hiệp định Paris đã chấm dứt điều đó. Tôi nghĩ nó làm cho Việt Nam Cộng Hòa dễ bị tổn thương hơn và làm cho Bắc Việt Nam bạo dạn hơn. Và trong những tuần và tháng sau Hiệp định Paris, Bắc Việt Nam thử nhiều cách khác nhau để xem liệu người Mỹ có phản ứng hay không và khi họ thấy rõ là Mỹ sẽ không phản ứng, cụ thể là tiếp tục ném bom, thì họ dốc toàn lực chiếm Sài Gòn.
Đầu cuộc nói chuyện ông có nói rằng Hiệp định Paris về cơ bản không làm thay đổi tình thế là cuộc xung đột giữa miền Bắc và miền Nam. Liệu miền Bắc có vi phạm thỏa thuận này hay không khi họ phát động cuộc tiến công “giải phóng” miền Nam vào mùa xuân năm 1975?
Tôi đã viết một cuốn sách này về thỏa thuận mà tôi đặt tựa đề là “Hòa bình Cay đắng.” Tôi nêu luận điểm rằng về cơ bản Hiệp định Paris là một thỏa thuận vì sự thuận tiện. Sài Gòn kí, Washington kí và Hà Nội kí vì nó cho phép họ đạt được một số mục tiêu tức thời. Nhưng không bên nào ưa thỏa thuận này cả. Và tất nhiên, tất cả họ đều vi phạm. Một khi Nixon nhận lại được tù binh, ông ấy không quan tâm chuyện gì xảy ra với thỏa thuận nữa. Nixon lẽ ra phải đóng các căn cứ của Mỹ nhưng ông ấy lại giao lại cho Việt Nam Cộng Hòa. Trên nguyên tắc đó là vi phạm thỏa thuận. Tổng thống Thiệu ngay lập tức nói là, tôi kí thoả thuận này nhưng tôi sẽ không bao giờ tuân thủ. Và quân đội của ông ấy về cơ bản tiếp tục tấn công các vị trí của cộng sản sau hiệp định.
Hà Nội tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận, nhưng chỉ cho đến khi người Mỹ rời đi. Và rồi họ lại bắt đầu vi phạm bằng cách tuồn các loại vũ khí mới vào miền Nam. Ai vi phạm nhiều nhất? Theo tôi, tất cả họ đều góp phần vi phạm thỏa thuận. Không thể quy trách bên nào vi phạm nhiều hơn bên nào. Và tôi chưa thấy bất cứ bằng chứng nào đưa đến kết luận một cách chắc chắn đó là cộng sản hoặc là Sài Gòn hay là Mỹ. Đối với tôi, tất cả họ đều chịu trách nhiệm. Ông Thiệu không bao giờ muốn thỏa thuận này, ông ấy đã nói rõ ngay từ đầu. Hà Nội dù gì đi nữa cũng quyết thống nhất Việt Nam dưới nền cai trị cộng sản.
Vì vậy, rõ ràng là họ sẽ không bao giờ chấp nhận hiện trạng. Nếu không vi phạm năm 73 thì sẽ vi phạm năm 74 và 75. Không có cách nào mà một tình huống kiểu bán đảo Triều Tiên sẽ tồn tại được ở Việt Nam trừ phi người Mỹ duy trì sự hiện diện của quân đội như họ đã làm ở Hàn Quốc.
Ông có nghĩ là việc Lê Đức Thọ từ chối nhận Giải Nobel Hòa bình là một sự khôn ngoan vì có lẽ khi đó ông ta biết cuộc chiến này sẽ không kết thúc cho tới năm 1975, hay một thời điểm sau đó? Rằng họ sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi họ có thể thống nhất đất nước?
Theo tôi, đó là kiểu tuyên truyền tiêu chuẩn của cộng sản Việt Nam. Họ nói rằng đất nước của tôi vẫn chưa có hòa bình, tôi không thể nhận giải thưởng này. Tất nhiên, điều này khơi ra thiện cảm ở khắp mọi nơi. Tôi thấy việc này là nhằm lấy lòng dư luận thế giới. Lê Đức Thọ chỉ đơn giản nói rằng chúng tôi chỉ muốn hòa bình nhưng chúng tôi chưa có hòa bình ở Việt Nam nên tôi không thể nhận giải. Nhưng thực tế là những người cộng sản ngay từ đầu đã biết rằng sẽ không có hòa bình bởi vì họ đã thỏa hiệp tại Genève vào năm 1954 và đó là lý do tại sao họ không bao giờ muốn có một hiệp định khác.
Hiệp định Genève là một thất bại lớn và điều đó đã không mang lại lợi ích gì cho những người cộng sản. Vì thế đó là lý do tại sao họ không bao giờ muốn có một thỏa thuận ngay từ đầu trong cuộc chiến chống Mỹ. Khi họ kí thỏa thuận vào năm 73, đó chỉ là vì họ đang khốn đốn. Nhưng chẳng có gì trong những tài liệu lưu trữ cho thấy họ thực sự có ý định tuân thủ. Họ sẽ phá vỡ thỏa thuận bởi vì mục tiêu của họ vẫn không thay đổi. Họ sẽ thống nhất Việt Nam dưới nền cai trị cộng sản. Vì vậy, tôi cho rằng đó là yếu tố chính ở đây.
Việc Lê Đức Thọ khước từ Giải Nobel Hòa bình chỉ là nhằm đánh bóng hình ảnh của những người cộng sản, làm cho họ trông giống như những người yêu chuộng hòa bình trong khi thực tế những người cộng sản là những người duy nhất có một mục tiêu rất rõ ràng và không bao giờ đi chệch mục tiêu của mình. Và đó là lý do tại sao họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được điều đó kể cả hi sinh hàng trăm ngàn binh lính của chính họ.
Và họ đã chiến thắng vì điều đó. Và họ cũng thực sự tổ chức tốt nữa. Nhưng họ cũng biết cách lèo lái dư luận thế giới, họ là những người thao túng dư luận thế giới một cách lão luyện, và đó là điều mà Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ làm được. Họ không bao giờ có thể trình bày một cách thuyết phục về cuộc chiến của mình như cách mà Hà Nội có thể làm về cuộc chiến của họ. Và vì thế, việc khước từ Giải Nobel Hòa bình theo tôi là một phần trong chiến lược ngoại giao lớn hơn nhằm làm cho những người cộng sản trông như những người theo chủ nghĩa dân tộc, khiến họ trông như những người có chính nghĩa, trong khi thực tế họ chỉ là một đảng được dẫn dắt bởi ý thức hệ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.