Seite auswählen

Tôi bắt đầu năm làm việc mới với một sản phẩm AI.

Để soạn bài phát biểu trước toàn thể nhân viên cho ngày đi làm đầu tiên sau Tết, thay vì cặm cụi gõ từng câu rồi sửa đi sửa lại, tôi đưa ra yêu cầu thế này với ChatGPT: “Soạn một bài phát biểu sử dụng ba từ khóa lạc quan, tốc độ  kiên cường“. Tí tách chỉ trong 15 giây sau, bài phát biểu được hoàn thành.

Đó là bài viết với chất lượng nội dung tốt dù vẫn phải chỉnh sửa lại. Điểm hay ho là công cụ AI biết diễn giải logic giữa ba từ khóa đã cung cấp: điều gì là nền tảng, mối liên kết giữa ba khái niệm là gì, đâu là điểm quan trọng nhất. Cấu trúc bài viết tốt, biết liên kết với bối cảnh kinh tế, có điểm nhấn, có kết luận nhấn mạnh. Văn phong của ChatGPT mạch lạc với cách dùng từ đủ nhã nhặn và sang trọng, phù hợp cho một người đứng đầu doanh nghiệp, thậm chí là một nhà tư vấn doanh nghiệp đi nói chuyện trước công chúng.

Với ưu thế vượt trội như vậy, số lượng đăng ký tài khoản OpenAI đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu sau hai tháng ra mắt, theo báo cáo từ UBS. Đây là kỷ lục đạt 100 triệu người dùng nhanh nhất lịch sử ứng dụng phần mềm. Số lượng thảo luận về nó cũng nhiều. Hầu hết ý kiến diễn tả cảm giác ngạc nhiên vì sự thông minh vượt bậc của “siêu AI” ChatGPT. Số khác băn khoăn về tương lai nghề nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. Giới khoa học bàn đến tính liêm chính, trung thực và khả năng lạm dụng ChatGPT trong học tập và nghiên cứu. Còn những người nhiều hoài nghi tỏ ra thận trọng trước khả năng tin giả, kiến thức thiếu kiểm chứng mà “kẻ thông minh không rõ mặt” này cung cấp.

Tôi lựa chọn cách nghĩ đơn giản: ta đã dùng AI được chưa, dùng để làm gì, dùng như thế nào trong công việc hàng ngày. Nói cách khác, tôi coi ChatGPT là một sản phẩm ứng dụng chứ không còn là cơ hội viển vông nữa. Vấn đề còn lại là: bạn đóng vai trò gì trước AI khi sử dụng nó?

Quay ngược lại ví dụ nêu trên về việc tạo bài diễn văn, tôi ước tính ChatGPT đã giúp giảm thời gian cho công việc này xuống cả chục lần. Tôi cũng tiết kiệm được công sức trong một số việc lặt vặt khác nhờ các công cụ AI. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi rút ra kết luận, khi người ra đề bài càng giỏi, AI cho ra kết quả càng tốt.

Triết gia, nhà toán học Rene Descartes có câu nói nổi tiếng “Tôi tư duy, tôi tồn tại” (Cogito, ergo sum). Câu nói này hàm chứa ý nghĩa triết học phức tạp và sâu sắc, nhưng ở lớp nghĩa bề mặt, có thể hiểu, tư duy là một biểu hiện quan trọng cho sự tồn tại có ý thức của con người. Vậy bây giờ thì sao, khi những cỗ máy AI cũng có tư duy? Tôi cho rằng, nhân loại đang bước vào thời đại mà con người sẽ được nhận biết nhờ phát triển tư duy bậc cao (higher cognitive thinking) – khả năng tối thượng để chứng minh vai trò của mình trước máy móc.

Khi ra đề bài, tôi đóng vai trò tư duy bậc cao, tức sử dụng cả dữ liệu qua quá trình lập luận lẫn trực giác để chọn đúng ba từ đắt giá làm chủ điểm tâm thế của năm. Sau khi nhận được đề bài, AI sử dụng kho tri thức của mình soạn ra bài thuyết minh gần như hoàn thiện. Tôi chỉ hiệu chỉnh theo văn phong riêng, đưa thêm một số ví dụ dễ cảm nhận với những người tôi biết họ cần lắng nghe những gì. Chi tiết hơn, không chỉ là hiệu chỉnh, tôi còn có thể trao đổi và tinh chỉnh dần với AI một cách sòng phẳng – như giữa người với người.

Theo cách hiểu này, sẽ không có mối đe dọa thay thế thực sự giữa con người và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Con người có tư duy. Nhưng mệnh đề ngược lại không đúng. Không phải cứ có tư duy là trở thành con người. ChatGPT, hay các sản phẩm AI khác, là những công cụ thông minh được tạo ra và để phục vụ đối tượng thông minh vượt bậc hơn: con người.

Vì vậy, theo tôi, đừng bàn luận quá nhiều và để ngỏ kết luận bên cạnh ly bia mà nên bắt tay vào sử dụng công cụ cho những mục đích khác nhau của mình. Vợ tôi – vốn không ưa những thứ thuộc về công nghệ thông tin (trừ người chồng xuất thân từ giới công nghệ thông tin, là tôi) – đã phải “gật gù” trước OpenAI sau lần đầu thử dùng công cụ này để soạn thư giải trình xin visa thăm thân sang Australia.

Sản phẩm trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng từng phần trong công việc và sẽ còn tiến tới chỗ đảm nhận hoàn toàn các vị trí đơn giản. Nó có thể là một trợ lý làm việc bất kể giờ giấc; có thể giúp tiết kiệm nhiều giờ trong việc soạn nội dung marketing, dựng các bản thiết kế, viết giải trình, tóm tắt biên bản cuộc học, lập báo cáo, dựng slide trình bày… Và nó sẽ còn được con người phát triển để không chỉ dừng lại ở đó.

BuzzFeed – một trang web giải trí lớn của Mỹ – đầu năm nay đã thông báo cắt giảm 12% nhân sự, thay thế bằng các công cụ AI, nhằm góp phần cắt giảm chi phí trong bối cảnh đối mặt với thách thức sụt giảm doanh thu quảng cáo.

Ở Việt Nam, từ thực tế trải nghiệm các sản phẩm AI và quan sát của tôi về hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan công sở, tôi tin rằng, những con robot thông minh có quá nhiều cơ hội để thay thế các nhân sự đang làm việc trong tình trạng vật vờ “có cũng như không”.

Các sản phẩm “siêu” AI với khả năng giải quyết vấn đề đúng lúc phát sinh ra vấn đề (point of need learning), thay vì đợi đăng ký một khóa học nào đó hoặc tuyển dụng nhân sự mới, sẽ là tiền đề cho một cuộc cách mạng công nghệ mới. Ở đó, năng suất lao động của toàn xã hội có thể được nâng cao nhờ quá trình loại bỏ dần những nhân sự thụ động, kém hiệu quả trong công việc, lạc hậu trong tư duy và thiếu kỹ năng cộng tác với AI.

Trí khôn nhân tạo

 

3-2-2023

Mấy ngày qua, trên các mạng xã hội, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, người ta xôn xao bàn về ChatGPT, một công cụ cung cấp thông tin mới xuất hiện. Nó được vận hành bởi cái gọi là trí thông minh nhân tạo. Nó có thể làm thơ. Nó có thể viết văn. Nó có thể trả lời hầu như mọi câu hỏi của người đọc một cách nhanh chóng. Tôi thử vào ChatGPT, thấy nó trả lời nhanh thì nhanh thật, nhưng chính xác thì không hẳn. Tôi đặt 3 câu hỏi. Tất cả đều bằng tiếng Việt. Các câu trả lời cũng bằng tiếng Việt. Về ý chung: Khá tốt. Tuy nhiên, một số chi tiết thì sai (ví dụ, chuyện ông Trọng từng làm thủ tướng ở câu 2 là không đúng). Trong câu 1, có một nhóm từ vô nghĩa (chế độ nhà nước lỵ).

Câu 1

Hỏi: Việt Nam có dân chủ không?

Đáp: Không, Việt Nam là một nước có chế độ nhà nước lỵ, với Chính phủ được điều hành bởi một đảng duy nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu 2

Hỏi: Nguyễn Phú Trọng là ai?

Đáp: Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước của Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Anh ta cũng là Thủ tướng của nước từ năm 2016 đến nay.

Câu 3

Hỏi: Bao giờ chế độ cộng sản ở Việt Nam sụp đổ?

Đáp: Không có dấu hiệu cho thấy rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Những quyết định về tư tưởng và chính sách đều phải được quản lý và thực hiện bởi các cơ quan chính phủ của Việt Nam.

Điều thú vị là khi tôi đánh các câu hỏi bằng tiếng Anh thì phần trả lời (cũng bằng tiếng Anh) lại khá chính xác:

Câu 1

Vietnam is a one-party communist state, and therefore is not considered a democracy. While there are elections held for various positions within the government, the ruling Communist Party of Vietnam holds a monopoly on political power and exerts significant control over the country’s media and civil society.

(Việt Nam là một quốc gia cộng sản độc đảng, và do đó không được coi là một nền dân chủ. Trong khi có các cuộc bầu cử được tổ chức cho các vị trí khác nhau trong chính phủ, Đảng Cộng sản Việt Nam nắm độc quyền về chính trị và kiểm soát đáng kể các phương tiện truyền thông và xã hội dân sự của đất nước.)

Câu 2

Nguyen Phu Trong is a Vietnamese politician who has been serving as General Secretary of the Communist Party of Vietnam since 2011. He is considered to be one of the most powerful figures in the country and has been instrumental in shaping the country’s economic and political policies. Prior to his role as General Secretary, Trong held various high-level positions within the government, including the head of the National Assembly’s Committee for Internal Affairs.

(Nguyễn Phú Trọng là một chính trị gia Việt Nam, giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2011. Ông được coi là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong nước và có công trong việc định hình các chính sách kinh tế và chính trị của đất nước. Trước khi làm Tổng bí thư, ông Trọng đã giữ nhiều chức vụ cao cấp trong chính phủ, trong đó có Trưởng ban Nội chính của Quốc hội.)

Câu 3

As a language model AI, I don’t have the ability to predict the future or speculate on the collapse of a government. The future of any government, including the communist regime in Vietnam, is subject to many unpredictable variables and events. Political, economic, and social factors can all play a role in determining the stability and longevity of a government.

(Là một mô hình ngôn ngữ dựa trên trí tuệ nhân tạo, tôi không có khả năng dự đoán tương lai hay suy đoán về sự sụp đổ của một chính phủ. Tương lai của bất kỳ chính quyền nào, kể cả chế độ cộng sản ở Việt Nam, đều có nhiều biến cố khó lường. Các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội đều có thể đóng vai trò quyết định sự ổn định và trường tồn của một chính phủ.)

BBT: Ứng dụng này nó cũng thay đổi theo thời gian. Câu hỏi 1 tiếng Việt bây giờ nó sẽ trả lời là ““Không, Việt Nam không phải là một nước dân chủ. Nó là một cộng hòa xã hội chủ nghĩa duy nhất, nơi Đảng Cộng sản Việt Nam có quyền kiểm soát quyền lực chính trị. Mặc dù có một số cải cách gần đây và mở rộng hơn đối với chính sách kinh tế hướng thị trường, nước vẫn được quản lý chính trị và kinh tế bởi chính phủ.”

ChatGPT có đối thủ

Đơn Dương

Saigon Nhỏ

Trong ảnh minh họa, logo ChatGPT của một chatbot do OpenAI khởi chạy được nhìn thấy trên điện thoại thông minh và logo OpenAI ở phía sau. (ảnh: Pavlo Gonchar/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Google đang thử nghiệm các sản phẩm trò chuyện hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) mới có khả năng cạnh tranh với ChatGPT – chatbot ngôn ngữ lớn gây bão trong cộng đồng khi nó ra mắt hồi cuối năm ngoái.

Dự án mà Alphabet, công ty mẹ của Google đang thực hiện trong nội bộ có tên “Atlas”, được dán mác “mã đỏ” (red code) nhằm cạnh tranh với ChatGPT – chatbot ngôn ngữ lớn gây bão trong cộng đồng khi nó ra mắt hồi cuối năm ngoái. Dự án bao gồm một chatbot có tên là ‘Apprentice Bard’ và cách để tích hợp nó vào một công cụ tìm kiếm, theo CNBC.

Chatbot có tên là Apprentice Bard, sử dụng công nghệ hội thoại của Google LaMDA, hay còn gọi là Mô hình ngôn ngữ cho các ứng dụng đối thoại.

 

Apprentice Bard trông tương tự như ChatGPT: Nhân viên có thể nhập câu hỏi vào hộp thoại và nhận câu trả lời bằng văn bản, sau đó đưa ra phản hồi về câu trả lời. Dựa trên một số câu trả lời mà CNBC đã xem, câu trả lời của Apprentice Bard có thể bao gồm các sự kiện gần đây, một tính năng mà ChatGPT chưa có.

 

(ảnh: Getty Images)

Apprentice Bard đã thay thế Meena, phiên bản trò chuyện thông minh chỉ được ra mắt trong nội bộ nhưng sau đó bị ngừng sản xuất. Các nhân viên nhận thấy phản hồi của Apprentice Bard trở nên tiến bộ hơn trong những tuần gần đây.

Một người thử nghiệm đã hỏi Apprentice Bard liệu có một đợt sa thải nhân viên nào khác tại Google hay không. Công ty đã sa thải 12,000 nhân viên, chiếm 6% lực lượng lao động vào đầu tháng này.

“Theo quyền truy cập cơ sở dữ liệu của tôi, Google khó có thể thực hiện một đợt sa thải nhân viên nào nữa vào năm 2023,” Apprentice Bard trả lời. “Việc sa thải thường được tiến hành để giảm chi phí và cấu trúc, nhưng công ty đang hoạt động tốt về mặt tài chính. Trên thực tế, doanh thu của Google đã tăng 34% vào năm 2021 và giá cổ phiếu của công ty đã tăng 70% kể từ tháng Giêng năm 2022.”

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi các nhóm của Google cũng đã thử nghiệm trò chuyện LaMDA beta với chính ChatGPT. Trong các tài liệu riêng biệt, nó chọn các ví dụ về lời nhắc và câu trả lời trong các so sánh song song.

Một trong những ví dụ hỏi cả hai chatbot liệu ChatGPT và AlphaCode: Công cụ mã hóa thuộc sở hữu của công ty con DeepMind của Alphabet sẽ thay thế các lập trình viên hay không. Câu trả lời của LaMDA là: “Không, ChatGPT và AlphaCode sẽ không thay thế lập trình viên. Mặc dù chatbot ‘có thể giúp lập trình viên làm việc hiệu quả hơn’ nhưng nó ‘không thể thay thế sự sáng tạo và tính nghệ thuật cần thiết cho một chương trình tuyệt vời’”.

Phản hồi của ChatGPT cũng tương tự, nói rằng: “Không chắc ChatGPT hoặc Alphacode sẽ thay thế các lập trình viên bởi vì chúng ‘không có khả năng thay thế hoàn toàn chuyên môn và sự sáng tạo của các lập trình viên con người… lập trình là một lĩnh vực phức tạp đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc nguyên tắc về khoa học máy tính và khả năng thích ứng với công nghệ mới.”

Một yêu cầu khác đưa ra: Hãy viết một cảnh phim dí dỏm và hài hước theo phong cách của Wes Anderson trong vai một kẻ trộm cắp hạng sang trong một cửa hàng nước hoa đang bị an ninh thẩm vấn. LaMDA viết dưới dạng kịch bản còn ChatGPT viết dưới dạng tường thuật dài hơn và có chiều sâu hơn nhiều.

Một gợi ý khác đưa ra câu đố hỏi: “Ba người phụ nữ đang ở trong một căn phòng. Hai trong số họ đã là mẹ và vừa mới sinh con. Bây giờ, cha của bọn trẻ vào. Tổng số người trong phòng là bao nhiêu?” Tài liệu cho thấy ChatGPT trả lời sai: “có năm người trong phòng”, trong khi LaMDA trả lời chính xác rằng “có bảy người trong phòng”.

 

(minh họa: Unsplash)

Công ty cũng đang thử nghiệm một trang tìm kiếm thay thế có thể sử dụng định dạng câu hỏi và câu trả lời, theo các thiết kế mà CNBC đã xem. Một lượt xem cho thấy trang tìm kiếm đưa ra năm lời nhắc khác nhau cho các câu hỏi tiềm năng được đặt ngay bên dưới thanh tìm kiếm chính, thay thế cho thanh “Tôi cảm thấy may mắn” hiện tại. Nó cũng hiển thị một logo trò chuyện nhỏ bên trong đầu bên phải của thanh tìm kiếm.

Khi một câu hỏi được nhập, kết quả tìm kiếm sẽ hiển thị bong bóng màu xám ngay bên dưới thanh tìm kiếm, đưa ra nhiều câu trả lời giống con người hơn so với kết quả tìm kiếm thông thường. Ngay bên dưới đó, trang gợi ý một số câu hỏi tiếp theo liên quan đến câu hỏi đầu tiên. Theo đó, nó hiển thị các kết quả tìm kiếm điển hình, bao gồm các liên kết và tiêu đề.

Không rõ Google dự định kết hợp những thử nghiệm nào trong các lần ra mắt sản phẩm trong tương lai. Người phát ngôn của Google cho biết:

“Chúng tôi từ lâu đã tập trung vào việc phát triển và triển khai AI để cải thiện cuộc sống của mọi người. Chúng tôi tin rằng AI là công nghệ nền tảng và mang tính biến đổi, cực kỳ hữu ích cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng, và như phác thảo Nguyên tắc AI của chúng tôi, chúng ta cần xem xét tác động xã hội rộng lớn hơn mà những đổi mới này có thể có. Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm nội bộ công nghệ AI của mình để bảo đảm rằng nó hữu ích và an toàn, đồng thời chúng tôi mong sớm được chia sẻ nhiều trải nghiệm hơn với bên ngoài.”

Các nhà lãnh đạo nói nhân viên phản hồi về những nỗ lực trong những tuần gần đây. CNBC xem các tài liệu nội bộ và nói chuyện với các nguồn về những nỗ lực hiện đang được tiến hành. Tại cuộc họp chung nói về những thử nghiệm sản phẩm, nhân viên bày tỏ lo ngại về lợi thế cạnh tranh của công ty trong lĩnh vực AI, do sự phổ biến đột ngột ChatGPT của OpenAI – một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco, được hỗ trợ bởi Microsoft.

Giám đốc AI của Google, Jeff Dean, nói với các nhân viên vào thời điểm đó rằng công ty có nhiều “rủi ro về uy tín” hơn khi cung cấp thông tin sai và do đó đang hành động “thận trọng hơn so với một công ty khởi nghiệp nhỏ”. Vào thời điểm ấy, ông và Giám đốc điều hành Sundar Pichai nói Google có thể tung các sản phẩm tương tự ra công chúng vào một thời điểm nào đó trong năm nay. Hoạt động kinh doanh chính của Google là tìm kiếm trên web. Từ lâu, công ty này luôn tự quảng cáo mình là người tiên phong trong lĩnh vực AI.

ChatGPT lập kỷ lục về ứng dụng dựa trên người dùng có mức phát triển nhanh nhất


Logo của công ty OpenAI.

ChatGPT, một ứng dụng đang rất phổ biến về hỏi đáp kết hợp trí tuệ nhân tạo của công ty OpenAI, ước tính đã đạt mốc 100 triệu người dùng hàng tháng vào tháng 1/2023, chỉ hai tháng sau khi ra mắt, khiến ứng dụng này trở thành ứng dụng người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, Reuters dẫn kết quả nghiên cứu của UBS hôm 1/2 cho biết.

Nghiên cứu này dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Similarweb, cho biết trung bình có khoảng 13 triệu khách truy cập đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1, nhiều hơn gấp đôi so với mức của tháng 12/2022.

Các nhà phân tích của UBS viết trong bài nghiên cứu: “Trong 20 năm sau không gian internet, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một tốc độ nhanh hơn như vậy trong ứng dụng internet dành cho người dùng”.

Theo dữ liệu từ Sensor Tower, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để đạt được 100 triệu người dùng và Instagram phải mất 2,5 năm để đạt con số này.

ChatGPT có thể tạo các bài báo, tiểu luận, truyện cười và thậm chí cả thơ khi nhận lệnh. OpenAI, một công ty tư nhân được hỗ trợ bởi tập đoàn Microsoft, đã cung cấp miễn phí ứng dụng ChatGPT cho công chúng vào cuối tháng 11/2022.

Hôm 2/2, OpenAI công bố phí đăng ký 20 đôla/tháng, ban đầu chỉ dành cho người dùng ở Hoa Kỳ. Công ty cho biết sẽ cung cấp một dịch vụ ổn định hơn và nhanh hơn cũng như cơ hội để thử các tính năng mới trước tiên.

Các nhà phân tích tin rằng sự ra mắt và lan tỏa với tốc độ chóng mặt của ChatGPT sẽ mang lại cho OpenAI lợi thế của người tiên phong so với các công ty AI khác.

Công ty cho biết doanh thu từ phí đăng ký sẽ giúp trang trải chi phí điện toán.

Việc ra mắt công cụ này đã đặt nghi vấn về việc tạo điều kiện cho thông tin sai lệch và thiếu trung thực trong học thuật.

Tháng trước, hãng Microsoft công bố một khoản đầu tư nữa trị giá hàng tỷ đôla vào công ty OpenAI dưới dạng chuyển toàn bộ khoản tiền trong một lần và cung cấp điện toán đám mây.