Mục lục
Bom “bay” GLSBD: Vũ khí lợi hại mà Mỹ sẽ cấp cho Ukraina
RFI
Báo Les Echos giải thích lý do vì sao mà loại bom GLSBD mà Mỹ sắp cung cấp cho Ukraina có thể giúp Kiev thay đổi cục diện trong cuộc chiến chống Nga.
Trong bài viết mang tựa đề “Khoản viện trợ quân sự mới mang tính quyết định của Hoa Kỳ cho Ukraina”, nhật báo kinh tế Pháp nhắc đến gói viện trợ quân sự mới hơn 2 tỷ đô la mà Washington đã quyết định dành cho Kiev, trong đó có loại vũ khí mang một cái tên rất lạ lùng GLSDB, tên tắt của Ground Launched Small Diameter Bomb (bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất).
Theo Les Echos, dù không phải là loại vũ khí tối thượng, nhưng GLSBD, có thể gọi nôm na là “bom lượn” hay “bom bay”, sẽ thay đổi đáng kể cục diện trên chiến trường theo chiều hướng có lợi cho Ukraina.
Tầm bắn tăng gấp đôi
Ưu điểm quan trọng nhất của loại bom GLSDB, theo nhà sử học Michel Goya, một cựu đại tá thủy quân lục chiến Pháp, là tầm bắn của nó lên đến gần 150 km, tức là một tầm hoạt động lớn hơn gấp đôi các khẩu đội pháo tối tân được cung cấp cho Kiev cho đến nay, bao gồm cả hệ thống pháo phản lực Himars của Mỹ.
Quả bom được phóng lên độ cao 40 km này có thể được hướng dẫn bay lơ lửng đến mục tiêu với độ chính xác khoảng vài mét có thể tấn công bất kỳ mục tiêu cố định nào, kho đạn dược hoặc nhiên liệu cũng như các căn cứ của Nga nằm trên lãnh thổ Ukraina, ngoại trừ khu vực phía nam của bán đảo Crimée, nằm quá xa. Tuy nhiên, theo chuyên gia Goya, tính năng đó cũng “đủ sức tàn phá”.
Trong thời gian qua, Quân Đội Nga có xu hướng di dời các cơ sở “cố định” ra xa khỏi mặt trận khi thấy chúng bị lọt vào tầm bắn của pháo binh Ukraina. Đây là điều Nga đã làm sau khi Ukraina triển khai các hệ thống phóng pháo phản lực Himars khét tiếng của Mỹ, với tầm bắn 80km.
Một khi các dàn phóng bom GLSDB được tung vào chiến trường, cách đường chiến tuyến khoảng 30 km chẳng hạn, nằm ngoài tầm bắn của địch thủ, điều đó sẽ buộc các căn cứ của Nga phải lui xa hơn, cách đó ít nhất 120 km. Hậu quả tất yếu là các chiến dịch của Nga sẽ bị cản trở đáng kể, đặc biệt là các hoạt động vận chuyển nhiên liệu, đạn dược và phương tiện khác cho các đơn vị tham gia chiến đấu bị kéo dài vì đoạn đường xa hơn gấp bội.
Dễ sử dụng, giá rẻ
Đặc điểm thứ hai của GLSDB là giá sản xuất rất thấp, chỉ khoảng 40.000 đô la so với 1 triệu đô la cho các tên lửa ATACMS mạnh hơn mà Kiev yêu cầu nhưng Washington không muốn cung cấp vì thực sự sẽ giúp Ukraina tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga, một điều cấm kỵ đối với người phương Tây vì nó có thể được hiểu là sự leo thang rõ ràng của cuộc xung đột.
Ưu điểm cuối cùng của GLSDB: loại bom bay này được chế tạo trên cơ sở hai thành tố chính: Bom GBU 39 và tên lửa M26, hiện có rất nhiều trong kho của Mỹ, trái ngược hẳn với nhiều loại vũ khí hạng nặng khác đã hứa cung cấp cho Ukraina.
Cũng liên quan đến vấn đề vũ khí cho Ukraina, trong bài phân tích “Liên Hiệp Châu Âu, đối tác an ninh và thương mại quan trọng của Ukraina”, Les Echos ghi nhận là cho đến nay Liên Âu đã cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev ba lần ít hơn so với Hoa Kỳ. Thế nhưng tổng viện trợ của EU kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột đã vượt quá số viện trợ của Washington nhờ các khoản hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.
Vũ khí tầm xa của Mỹ sẽ buộc Nga thay đổi toan tính tại Ukraine
Loại vũ khí tầm xa Mỹ vừa đồng ý cung cấp cho Ukraine sẽ đe dọa lớn đến lực lượng Nga.
GLSDB là loại bom dẫn đường bằng hệ thống định vị GPS, do Boeing (Mỹ) và Saab (Thụy Điển) hợp tác sản xuất. Vũ khí này có 2 phần, gồm Bom đường kính nhỏ GBU-39 và phần động cơ rốc két M26. Hai bộ phận này đều rất phổ biến trong kho vũ khí của Mỹ.
GLSDB không bay theo quỹ đạo đạn đạo mà có thể di chuyển linh hoạt nên khó bị ngăn chặn và được sử dụng để tấn công các mục tiêu mà các loại vũ khí có cơ chế ngắm bắn trực tiếp thông thường không thể bắn tới.
Nhà sản xuất Saab nói rằng các hệ thống rốc két phóng loạt như M270, HIMARS (Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao) hay Chunmoo của Hàn Quốc đều có thể phóng GLSDB. Tuy nhiên, theo Reuters, GLSDB chưa tương thích với HIMARS và Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các giàn phóng mới chuyên cho loại vũ khí này. Việc chuyển giao có thể diễn ra sớm nhất là trong mùa xuân năm nay.
Với GLSDB, Ukraine có thể tấn công các mục tiêu xa hơn với tiền tuyến. Rốc két có tầm tấn công xa nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đến nay là loại được phóng từ HIMARS, chỉ tấn công mục tiêu cách xa khoảng 80 km. HIMARS có thể phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân (ATACMS) với tầm bắn 300 km nhưng Mỹ chưa đồng ý gửi cho Ukraine.
Mỹ sắp viện trợ thêm 2 tỉ USD vũ khí, Ukraine sẽ có bom lượn thông minh tầm tấn công đến 150 km
GLSDB không uy lực bằng ATACMS nhưng rẻ hơn, nhỏ và dễ triển khai hơn, phù hợp mục tiêu của Ukraine là cản trở hoạt động của Nga và tạo ưu thế chiến thuật. Vũ khí này với tầm bắn 150 km cũng đủ đặt toàn bộ tuyến tiếp tế của Nga tại miền đông Ukraine và một phần bán đảo Crimea nằm trong tầm tấn công, theo Reuters.
Khi đó, Nga sẽ phải di chuyển nguồn tiếp tế xa khỏi tiền tuyến, khiến binh sĩ gặp nguy hiểm hơn và gây phức tạp cho kế hoạch tiến quân mới. “Điều này có thể làm chậm một cuộc tấn công của Nga. Như HIMARS đã ảnh hưởng lớn đến diễn tiến các sự kiện, những rốc két này có thể ảnh hưởng lớn hơn”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk nhận xét.
Nhà phân tích quân sự Oleksandr Musiyenko của Ukraine cho biết nếu Ukraine có thể tấn công đến biên giới Nga hoặc tại Crimea, điều này sẽ giảm khả năng tấn công của lực lượng Nga.
“Nga đang sử dụng Crimea như một căn cứ quân sự lớn để đưa lực lượng tăng viện cho binh sĩ ở tiền tuyến. Nếu chúng tôi có vũ khí 150 km, chúng tôi có thể tấn công đến đó và bẻ gãy kết nối hậu cần với Crimea”, ông Musiyenko phân tích.