Truyện Kiều là một tác phẩm lừng danh hàng đầu trong văn học cổ điển Việt Nam. Tác phẩm này đã được hàng trăm nhà khoa học trong nước và thế giới, cả trăm năm qua, quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề mà các nhà nghiên cứu chưa thể nhất trí với nhau.
Nguyên nhân vì tác phẩm ra đời cách nay hàng trăm năm, vì ngôn ngữ thơ vốn nhiều chỗ cô đọng “ý tại ngôn ngoại”, nhiều từ ngữ cổ khó hiểu, nhiều chữ Nôm có lắm cách đọc khác nhau, nhiều từ địa phương nay đã không còn sử dụng…
Nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, chúng tôi chỉ xin nêu vài chỗ, vài từ mà theo hiểu biết của chúng tôi cần nêu ra để các bậc thức giả suy nghĩ thêm.
Trước hết là từ nghỉ trong câu thơ thứ 12 của Truyện Kiều. Câu đó như sau:
Gia tư nghỉ/nghĩ cũng thường thường bậc trung.
Theo Đào Duy Anh, tác giả Từ điển Truyện Kiều, có một từ nghỉ: “nó” như trong câu: “Mé ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe”(câu 894). Dĩ nhiên từ nghỉ này không thể đặt vào ngữ cảnh của câu 12 vì Vương viên ngoại là người tử tế, không thể gọi thế. Chính vì thế, cụ Đào ghi: “Gia tư nghĩ cũng…” và cho rằng từ nghĩ ở đây có nghĩa là “nghĩ rằng”. Thú thật lúc đọc, tôi không tin vì tôi có biết một từ nghỉ trong Từ điển Annam – Lusitan – Latinh (1651) của Alexandre de Rhodes, có thể áp dụng vào chỗ này. De Rhodes có nêu: Nghỉ: người ấy, kiểu nói rất lịch sự. Người: cùng một nghĩa. Vì hai từ nghỉ và nghĩ cùng phiên từ một chữ Hán nên có hai cách viết. Vì vậy, tới nay tôi vẫn nghĩ câu thơ trên dùng nghĩa của từ nghỉ này là hợp nghĩa nhất.
Kế đến là từ nông sờ/nung sừ trong câu:
Sông Tương một dải nông sờ (câu 365)
Cụ Đào Duy Anh giải thích: Nông sờ: tức là nước cạn, thấy đáy sờ sờ ra đó; trái với sâu thẳm.
Trong Đại Nam quốc âm tự vị, học giả Huỳnh Tịnh Của không phiên hai từ này là nông sờ mà phiên nung sừ và giải thích là “minh mông, mù mịt” rồi lấy câu thơ trên minh họa.
Chúng tôi thấy cách làm của Huỳnh Tịnh Của thuyết phục hơn vì hai chữ nông sờ và nung sừ đều có một dạng chữ nôm/Hán như nhau. Còn ý nghĩa theo giải thích của Đào Duy Anh không hợp lý vì sông Tương là một sông lớn ở Trung Quốc: chiều dài 856km, lưu vực 94.600km2, lưu lượng 72,2 tỉ m3/năm, thì làm sao “cạn thấy đáy”. Còn nung sừ là “minh mông, mù mịt”thì quá phù hợp với con sông lớn.
Sau cùng, từ tổ con đen xuất hiện trong hai câu:
Mập mờ đánh lận con đen (câu 839)
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen (câu 1414)
Cụ Đào Duy Anh giải thích: “Con đen: chỉ người dân đen, người khờ dại (liên hệ với con đỏ hay xích tử chỉ người dân nghèo khổ trần trụi”).
Cách lý giải của Đào Duy Anh không hợp lý vì đoạn này Nguyễn Du nói về chuyện Mã Giám Sinh giao hợp với Kiều rồi dùng “nước vỏ lựu, máu mào gà” để đánh lừa khách làng chơi rằng Kiều vẫn còn nguyên trinh và dân đen làm gì có tiền để vào du hí với một cô gái (tức là Kiều) mà phải mất 300 lượng vàng mới mua được! Hơn nữa, từ tổ dân đen đã xuất hiện trong Bình Ngô đại cáo với nghĩa xót thương:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Còn Huỳnh Tịnh Của trong cuốn tự vị của ông đã giải thích: Con đen: con ngươi; tròng đen và dùng câu thơ 1414 để minh họa. Chúng ta biết rằng con ngươi là bộ phận quan trọng nhất trong con mắt và dễ dàng chuyển thành từ tổ chỉ con mắt theo phương thức hoán dụ. Và ý nghĩa con mắt trong hai câu thơ trên hoàn toàn thích hợp.
Tóm lại, cả ba trường hợp trên, nếu chúng ta chấp nhận tính hợp lý của cách hiểu mới thì nên cập nhật hóa để bảo đảm ý nghĩa thực của Truyện Kiều.
Nguồn: tạp chí Kiến thức ngày nay, số 96 Xuân Bính Thân, ngày 20-1-2016, tr. 86-87