Mục lục
Hanni Phạm – ca sĩ K-pop bị tẩy chay vì gia đình có gốc gác VNCH?
BBC News Tiếng Việt
8 tháng 2 2023
Hanni Phạm, thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc NewJeans, hiện là tâm điểm của lời kêu gọi tẩy chay vì gia đình Hanni bị cho là “ủng hộ Việt Nam Cộng hòa”, quốc gia chấm dứt tồn tại năm 1975.
Trang Facebook Tifosi và trang web Cánh cò vừa đăng tải bài viết nhan đề “Thần tượng thì có nhiều nhưng Tổ quốc chỉ có một”.
Bài viết đưa thông tin gia đình của nữ ca sĩ người Úc gốc Việt Hanni bị “khui” rằng “mang tư tưởng chống Cộng cực đoan, xuyên tạc lịch sử đất nước và cổ vũ cho những hành động xâm lược, thảm sát của lính Úc tại Việt Nam…”
Trang này cũng cáo buộc ca sĩ Hanni lừa dối để chuộc lợi. Đặc biệt vấn đề ở đây là tình yêu Tổ Quốc và thần tượng.
Một trang Facebook K Flower với hơn 400.000 lượt theo dõi thậm chí còn nhắc đến các thành viên của cô ca sĩ, bao gồm mẹ, ông ngoại và cô của Hanni có để avatar cờ vàng và có tình cảm với VNCH.
Hiện phía công ty lẫn cá nhân Hanni đều chưa lên tiếng chính thức về vấn đề này. Còn những Facebook được cho là gia đình của Hanni đều tạm thời khoá Facebook trước làn sóng tấn công này.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nói với BBC ngày 7/2 rằng:
“Các bạn trẻ và khán giả hâm mộ ca sĩ Hanni là đúng, vì Hanni là ca sĩ hát hay. Hanni hãy tự hào về bản thân, về tình yêu Việt Nam của mình! Không có độc quyền về tình yêu đất nước, vì có nhiều cách yêu đất nước. Hanni và thế hệ trẻ Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về những trang sử buồn, vui Việt Nam. Càng không thể là nạn nhân của bất cứ thứ chính trị hóa niềm tin nào, nhằm chống lại hòa hiếu dân tộc.”
Vì sao Hanni bị tẩy chay?
Luận điểm chung của làn sóng tẩy chay là việc ca sĩ Hanni không minh bạch về xuất thân liên quan đến VNCH của mình và dối gạt người hâm mộ Việt Nam.
Theo đó, những người này cho rằng, nếu nhóm nhạc NewJeans nhắm đến thị trường Việt Nam thì thành viên gốc Việt như Hanni phải có “lý lịch sạch”. Vì vậy, khi người hâm mộ tìm được hình ảnh của gia đình Hanni để cờ vàng thì cảm thấy bị phản bội.
“Bởi bạn không thể kiếm tiền trên đất của nước Việt Nam nếu như bạn mang tư tưởng chống cộng. Việc gia đình lẫn công ty quản lý tìm cách giấu nguồn gốc của Hanni nhưng mà vẫn cố kiếm tiền trên đất Việt Nam là hành vi thiếu tôn trọng và lừa dối khán giả,” một người bình luận về vụ việc dưới bài viết Tifosi.
Cũng theo luồng quan điểm này, vì ban đầu được cho là “trong sạch về mặt tư tưởng” cũng như lý lịch, nên trong buổi lễ kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng tầm đối tác quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, nhóm nhạc NewJeans mới được lựa chọn để phát biểu và cá nhân Hanni được ưu tiên phát biểu bằng tiếng Việt. Nhưng cuối cùng, gia đình cô lại ủng hộ VNCH và vì thế không xứng đáng đại diện cho Việt Nam.
Một luận điểm nữa cổ xúy tẩy chay là việc tư tưởng của một thần tượng có thể ảnh hưởng đến lối hành xử, suy nghĩ của lớp trẻ. Vì Hanni bị cáo buộc lớn lên trong gia đình có truyền thống chống cộng, nên cô sẽ làm lệch lạc những người hâm mộ Việt Nam.
Từ đó, những người ủng hộ luồng quan điểm này đã nhấn mạnh: “Thần tượng thì có nhiều nhưng Tổ quốc chỉ có một” hay “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Mất idol không chết, mất nước là chết không có chỗ chôn”. Những trang này kêu gọi tẩy chay, đòi hỏi Hanni phải lên tiếng về quan điểm chính trị của mình.
Một bình luận viết: “Cha ông hy sinh xương máu, cháu chắt đi thần tượng kẻ đã nổ súng vào tổ tiên mình.”
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cá nhân Hanni chưa có phát ngôn nào liên quan đến VNCH hay cộng sản, mà là gia đình cô ca sĩ bị cho là có những biểu hiện ủng hộ VNCH.
Ám ảnh bóng ma chiến tranh
Những người tẩy chay ca sĩ Hanni còn cho rằng việc ủng hộ một người có gia đình “theo” VNCH là bội phản đất nước Việt Nam, dù cô này mang quốc tịch Úc và gốc Việt.
Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 7/2:
“Lời kêu gọi tẩy chay cho ta thấy sự độc hại của những sự phân biệt vẫn tồn tại gần 50 năm sau cuộc chiến, dù ở Việt Nam hay ở cộng đồng tỵ nạn hải ngoại. Phần nhiều cũng do giáo dục, giáo dục ở đây là sự bưng bít thông tin về lịch sử, chính trị và xã hội.
“Bóng ma chiến tranh,” một loại ám ảnh (hauntology), thực chất xuất phát ở những người của lớp lớn hơn cũng như giới cầm quyền, rồi qua thời gian họ cứ truyền tải câu chuyện về bóng ma ấy cho các thế hệ sau. Vì vậy, thế hệ sau dễ ‘sinh’ ra thù hằn hơn, không đơn giản vì là sự thù hằn xuất phát từ trong họ mà nó được nuôi nấng qua bao thế hệ (2-3 thế hệ)… thành thử họ đưa ra một loạt những phản ứng phân biệt, chụp mũ dựa trên lý lịch – nhưng chính họ cũng không hiểu hậu quả và kể cả những định nghĩa như yêu nước, cộng sản hay quốc gia là gì,” ông Alex-Thái Đình Võ nhận định.
Facebooker Tan Trung Nguyen Quoc cũng nhắc đến khái niệm “hauntology”.
Ông còn phân tích Chỉ thị 221 CT/TW (17/6/1975) của Ban Bí thư khóa III Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác giáo dục ở miền Nam sau năm 1975.
“Chỉ thị đặt ra hướng ‘giải quyết’ hệ thống giáo dục miền Nam Việt Nam của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nay đã không còn tồn tại.
“Theo đó, trên cơ sở lý lịch, hiệu trưởng các trường học của chế độ cũ, các giáo viên, trí thức… bị cho là có mầm mống phản động, có nhân thân không tốt và có lối sinh hoạt ‘đồi trụy’ sẽ bị loại trừ ra khỏi hệ thống.
“Tư duy giáo dục kích động này chỉ có chút thay đổi vào giữa thập niên 1990. Nhưng điều này cũng đủ để nhiều thế hệ có năng lực của miền Nam Việt Nam bị loại trừ hoàn toàn khỏi không gian khoa học – chính trị quốc gia,” ông Trung diễn giải.
Hòa giải dân tộc?
Thế hệ Gen Z lớn lên với sự tiếp cận internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ nhỏ. Tuy nhiên, khi những người thuộc thế hệ này có những cách phản ứng được cho là gay gắt nhắm vào cô ca sĩ người Úc gốc Việt thuộc nhóm nhạc Hàn Quốc, khiến nhiều người đặt câu hỏi về cái gọi là hòa giải giữa người Việt Nam với nhau sau gần nửa thế kỷ.
Theo giáo sư Alex-Thái Đình Võ, cách Gen Z phản ứng như vậy cho thấy sự thiếu hụt của họ trong việc tìm hiểu một cách trung thực và cẩn trọng nhất có thể về lịch sử và văn hóa của chính họ, tức của Việt Nam.
“Mình cứ nghĩ là có học vấn, có internet và với sự tiện nghi để tiếp cận và trao dồi thì sẽ có những sự mong muốn hiểu biết và thấu hiểu hơn, nhưng không. Có người dùng cụm từ ‘ngu dân trị’ là vậy,” ông diễn giải.
Đề cập đến hòa hợp, hòa giải dân tộc (national reconciliation) như chính quyền Việt Nam thường kêu gọi, ông Alex-Thái Đình Võ cho rằng, đất nước đã có thể đi đến hòa giải, và những chuyện như vậy sẽ không xảy ra nếu hai bên thực tâm ngồi lại, nhìn lại sự thật của cuộc chiến và hậu quả của nó… thay vì cứ tối ngày miệt thị nhau, xem nhau như những bóng ma đầy ám ảnh ghê sợ.
“Điển hình, trong những thảo luận, đại diện của chính phủ Việt Nam luôn kêu gọi hòa hợp, hòa giải nhưng vẫn luôn lên án những người thuộc Việt Nam Cộng Hòa.
“Chẳng hạn họ yêu cầu chính phủ Mỹ chu cấp tiền và công nghệ để giúp tìm hài cốt quân nhân chết trong chiến tranh. Mỹ chi độ chừng 6 triệu USD với điều kiện là tìm hài cốt của tất cả người Việt, trong đó có người thuộc Việt Nam Cộng Hòa, nhưng nhà nước Việt Nam luôn bác bỏ và chỉ muốn dùng số tiền đó để tìm mỗi người bên họ thôi. Câu chuyện này cho ta thấy sự thiếu lòng thành trong những kêu gọi hòa hợp, hòa giải.
“Nếu tiếp tục như vậy thì khó đưa đến sự thấu hiểu và cảm thông cần thiết cho một sự hòa giải thật, thành ra những phản ứng của giới Gen Z là hành động không quá ngạc nhiên,” giáo sư Đình Võ nhận định.
Về vụ việc của Hanni, Facebooker Tan Trung Nguyen Quoc đánh giá:
“Việc một đứa trẻ sinh năm 2004, chưa từng có phát ngôn chính trị nhạy cảm nào, bị tầng tầng lớp lớp các thanh thiếu niên Việt Nam tấn công và chửi rủa… chỉ vì cô bé là con của một gia đình từng là một phần của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (trên thế giới vẫn còn hơn hai triệu người Việt như thế) là lý do mình luôn cười trừ khi một số trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước nhắc đến ‘hòa hợp, hòa giải dân tộc’.”
Quan điểm chính thống tại Việt Nam về hòa hợp, hòa giải dân tộc có thể tìm thấy trên trang Quốc phòng Toàn dân.
Một bài hồi 2019 trên trang này viết về sự kiện 30/04/1975 và Việt Kiều như sau:
“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta (đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh) giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước được thống nhất. Trong dịp này, đáng tiếc, một số công chức làm việc cho chính quyền tay sai Sài Gòn và người dân do bị bọn tay sai tuyên truyền đã rời bỏ đất nước, di tản, sinh sống ở nước ngoài…do thiếu thông tin chân thực ở trong nước, do bị tuyên truyền xuyên tạc nên đã có không ít người nhận thức sai lầm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta nói chung, về hòa hợp, hòa giải dân tộc nói riêng, dẫn đến kỳ thị với chế độ xã hội và Nhà nước ta.
“Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, khẳng định rõ: lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, chủ động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội. “
VNCH – VN Cộng sản: Mỗi cuộc chiến phải nhiều lần chảy máu
Nhà văn Khải Đơn
Gửi bài tới Diễn đàn BBC
9.2.2023
Tôi đã tìm ra Hanni từ Fanpage K Flower và nhiều trang khác có khán giả thuộc nhóm tuổi trẻ hơn tôi rất nhiều. Nhóm tuổi ấy không sinh ra trong chiến tranh, không nếm mùi khốn khó của cuộc chiến ấy. Ký ức của họ là sự tưởng tượng.
Vài phút sau khi tìm ra bài của K Flower, một bài viết tóm gọn hơn cùng nội dung có chủ đề “Thần tượng thì có nhiều nhưng tổ quốc thì chỉ có một” được đăng đồng loạt trên hàng chục fanpage khác.
Mỗi trang như vậy có khoảng từ 300-500 ngàn người theo dõi. Nhờ vài chục seeding (nội dung comment gợi ý để đẩy đối thoại từ bài viết đi xa hơn), sau nửa ngày, Hanni đã bị bóc phố là “có gia đình theo chế độ VNCH, hay nôm na là 3/// (ba que)”.
Chào mừng bạn đến với mô hình nung nấu thù hận và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Những chủ của fanpage này thường là vài công ty truyền thông. Họ có một số người sản xuất bài. Khi cần tấn công một ai đó, họ chỉ cần viết một phiên bản, đổi vài tít tựa, đăng đồng loạt vào “giờ vàng” ở các fanpage ăn khách mà họ đã nuôi dưỡng từ vài năm trước. Nội dung bài viết chỉ chừng 3-4 luận điểm lặp đi lặp lại, chỉ cần sửa một số dòng khiêu khích cảm xúc căm giận và khinh bỉ của công chúng đọc.
Hãy mở K Flower ra xem, fanpage đó hàng ngày thu thập thêm người hâm mộ bằng cách đăng lại hình ảnh xinh đẹp và dễ thương của các ngôi sao hàn. Hãy mở page “Trong căn phòng có 100 idols…” mà xem, vài ngày trước họ đang bàn bạc về quần áo của một nghệ sĩ khác.
Nhưng khi cần chăm bón cho thù hận, tất cả họ sẽ vào cuộc. Cùng một lúc.
Và khi hàng chục fanpage cùng nói một lúc, bạn có đủ dũng khí để cảm thấy khác đi về một chủ đề như vậy không? Bạn có nghi ngờ chính mình khi hàng chục ngàn anti-fan bắt đầu phỉ nhổ và lôi tên họ hàng, cha mẹ, ông bà của của cô gái trẻ đó lên để chứng minh là cô “đã từng tiếp xúc với cờ VNCH”? Vậy là bạn đã được “lùa gà” thành công.
Bạn thấy lòng yêu nước là chính nghĩa, văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Thình lình, bạn thấy mình thật vinh dự trở thành chiến sĩ trên mặt trận ấy, cùng nhau phỉ nhổ vào một người trẻ giống như bạn. Không sinh ra trong chiến tranh. Không hiểu ai đã đau khổ vì nó. Nhưng rất nhiệt tình căm thù một người mình chưa quen.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan này không có chân dung thật, chúng là hạt giống nhân tạo của một nhóm người đang sở hữu công chúng truyền thông. Sự căm ghét đó được tạo dựng trên sân khấu của mạng xã hội, nơi đám đông người trẻ vẫn đang học về lịch sử thật mơ hồ, mò mẫm trong cách kể chuyện về chiến tranh.
Hay đúng hơn, họ không biết đến sự tồn tại của cuộc chiến đó, ngoài trang vở lịch sử tuyên truyền. Hay đúng hơn, họ chỉ mới biết căm ghét Hanni ngày hôm qua, nhờ vài tay viết social đi google và tổng hợp thông tin về ông bà cha mẹ của cô bé.
Công chúng đó không cố ý căm thù Hanni, họ được dạy để làm điều đó, nhờ các fanpage như vậy.
Lịch sử tuyên truyền trong chương trình phổ thông và tuyên truyền trên báo chí chính là đống củi cần thiết, để những Fanpage như trên, khi cần châm lửa thù hận, đã có đủ tất cả chất liệu chúng cần. Sự cực đoan sinh ra từ góc nhìn hạn hẹp và ích kỷ của câu chuyện tuyên truyền. Trong góc nhìn đó, ta thắng – địch thua, ta chĩa súng bắn chết 10 tên địch.
Không ai có gương mặt con người, không có câu chuyện của những người bình thường dưới bánh xe lịch sử. Đi xa thêm 40-50 năm, kiểu kể chuyện lịch sử tối giản này dễ khiến người đọc chọn phe, bởi chọn làm chính nghĩa thì dễ hơn là thấu hiểu con người, chọn làm bên thắng cuộc giẫm đạp sự khác biệt thì dễ hơn hiểu vì sao người Việt phải lênh đênh đến Úc lưu vong, chọn làm kẻ giương lá cờ sát phạt trên mạng thì vui hơn là nghe một bạn trẻ cùng tuổi hát gì trong tác phẩm của cô. Chọn thù ghét dễ hơn chọn cố gắng hiểu thế giới của cái giếng mình trú ẩn bên dưới.
Tôi gọi đó là yêu nước bằng máu của người khác. Đó là ảo tưởng về tình yêu tổ quốc của một cộng đồng được xây dựng bằng cách cùng nhau thù ghét một đối tượng yếu thế không thể đáp trả họ, không thể nói lại, cũng không được phép phân bua.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan mang áo ‘tình yêu tổ quốc’
Đây gọi là chủ nghĩa dân tộc cực đoan mặc áo tình yêu tổ quốc, được xây dựng trên nền tảng của sự chớp nhoáng kịch tính của thuật toán các mạng xã hội, cộng với sự thiếu hiểu biết về cuộc chiến lịch sử mà mỗi gia đình Việt Nam đã trải qua bằng những nỗi đau khác nhau.
Tôi nhấn mạnh về nỗi đau khác nhau, bởi vì rất nhiều những người viết lớn tuổi đã dùng lý luận “gia đình tôi ba mẹ từng chiến đấu ở Trường Sơn” và lấy nỗi đau đó làm cái cớ hợp lý để bôi trét và phỉ nhổ một cô gái sinh ra ở Úc, cách Việt Nam gần 7 giờ bay, sinh ra dưới một bầu trời khác, rất lâu sau khi cuộc chiến kết thúc. Sự thù ghét đó có lý do thật hợp lý, vì gia đình tôi đau đớn trong chiến tranh, nên tôi sẽ làm cô dơ bẩn hèn hạ để vui lòng.
Tôi không rõ ba mẹ của tác giả bài viết trên có vui lòng không khi biết ông đang lớn tiếng bắt nạt một đứa bé ở trên mạng. Nhưng nhiều người đọc khác, cũng có cha mẹ từng chiến đấu ở Campuchia, ở Quảng Trị, ở Tây Ninh… bỗng nhiên cảm thấy có lý và đồng cảm để cùng ghét một nhân vật không liên quan đến cuộc đời họ.
Còn với nhóm người trẻ hơn, không có cha mẹ nào trong cuộc chiến, sự thù ghét của họ đến từ những cụm từ “tổ quốc”, “xuyên tạc lịch sử”, “hành động xâm lược”, “thảm sát của lính Úc”, “lừa dối người hâm mộ”. Những từ khóa cổ vũ hừng hực mỗi đứa trẻ đều học trong trường từ 6 tuổi đến 18 tuổi có tác dụng như những cụm từ khơi gợi cảm giác khiến họ thuộc về một đất nước, một khối, một nhóm người, khiến họ có danh tính và sự tồn tại. Khiến họ cảm thấy được mạnh mẽ. Tifosi biết điều đó. Và cái fanpage đó dùng chính các từ khóa đó để nhóm lên ngọn lửa thù địch.
Những fanpage như K Flowers ngày thường này chỉ tập trung đăng tải nhiều hình ảnh về vẻ đẹp của thần tượng Hàn Quốc, sự thành công của các ngôi sao, tình yêu, trang phục, cách diễn, chuyện hậu trường… của những cậu trai Hàn Quốc đẹp trai. Nội dung mỗi post chỉ từ vài chục chữ đến 150 chữ.
Trong vụ Hanni, những fanpage này bỏ công viết bài dài hơn 1000 chữ, đi thu thập hết ông bà, cha mẹ, họ hàng, tuổi thơ… của cô bé để tấn công. Họ thật bỏ công để xây dựng nền móng cho lòng thù địch nhắm vào cá nhân cô gái, và nhắm vào cộng đồng người Việt ở Úc mà có lẽ rất nhiều admin trong số các fanpage đó chưa bao giờ đặt chân đến quốc gia này.
Nhà văn Nguyen Thanh Viet viết trong tác phẩm “Nothing Ever Dies, “Mỗi cuộc chiến tranh đều diễn ra hai lần, lần đầu trên chiến trường, lần thứ hai trong ký ức”.
Khi Hanni bị tố trên cộng đồng người hâm mộ nhạc Hàn tại Việt Nam, cô trở thành vật tế thần trong cuộc chiến thứ hai của ký ức, nơi mặt trận vẫn chưa rõ màu gì. Cả phe hải ngoại lẫn phe ở Việt Nam đều đang dùng YouTube và Facebook làm chiến trường, lôi kéo con trẻ vào cuộc thù địch của họ.
Những người trẻ sống ở Việt Nam có rất nhiều tuyên truyền về chiến tranh nhưng có rất ít ký ức về sự đau thương đó. Sự đau thương mà họ biết là những bài giảng học thuộc lòng trong sách lịch sử, những bài viết lên đồng kể chuyện chi tiết cách giết chết quân thù ra sao trên truyền hình, báo chí mỗi khi ngày kỷ niệm đến. Sự đau thương mà họ biết không đến từ thịt da và mất mát của những con người thật.
Thật vậy, sự cuồng nhiệt tấn công một người trẻ cùng tuổi được tạo sinh từ cảm giác thù ghét trọn vẹn của những đứa trẻ mang ký ức bơm thổi từ bàn tay chạy chiến dịch mạng xã hội của những công ty truyền thông sau những Fanpage đó.
Mỗi năm đến ngày 30/4, tôi sẽ được nghe những người lớn tuổi viết về nỗ lực hòa giải, hoặc kêu gọi hãy về bên nhau. Ai về bên ai? Hòa giải giữa ai với ai? Với một bác bộ đội Xã hội Chủ Nghĩa thì sự hòa giải là giữa bác và một người lính Việt Nam Cộng Hòa từ thuở hai bên chĩa súng vào nhau ở hai chiến tuyến. Với một ông tướng Việt Nam Cộng Hòa thì sự hòa giải có lẽ là với một ông tướng khác ở miền Bắc trên chiến trận mà họ cùng mất đi bao đồng đội.
Với những bà mẹ mất con trên chiến trường miền Bắc? – Họ sẽ hòa giải với ai? Với những gia đình thuyền nhân bị chết người thân trên biển? – Ai hòa giải cái gì, khi họ chứng kiến người thân bị cướp biển cưỡng hiếp? Với những người Mỹ – họ đang bận làm phim với những hình ảnh người Việt chạy loăng quăng ở hậu cảnh, nói những câu tiếng Việt vô nghĩa, làm nền cho chủ nghĩa anh hùng đam mê chiến tranh của họ.
Còn bạn, trẻ măng và không nhuốm máu, hãy đặt câu hỏi về hòa giải cho chính mình.
Bạn sẽ hòa giải với ai? Bạn sẽ thù ghét ai? Câu trả lời thuộc về bạn, nhưng đừng làm cừu ngồi trên mạng ăn cỏ của truyền thông thù địch. Đừng dùng máu của thế hệ trước bôi lên mặt nhau và tưởng thế là anh hùng. Bởi cừu thì không làm anh hùng được.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, người thuộc thế hệ sinh ra nhiều năm sau khi Cuộc chiến VN kết thúc chính thức năm 1975.
Sự kiện Hanni và Hoàn Cầu Thời báo, phiên bản Việt Nam
Jackhammer Nguyễn
Tiếng Dân
9-2-2023
Việt Nam Cộng sản Hoàn Cầu báo
Trong câu chuyện ca sĩ trẻ người Úc gốc Việt, Hanni Phạm, bị một số trang mạng, danh khoảng Facebook, fan page Việt Nam tẩy chay vì gia đình có liên quan đến… Việt Nam Cộng Hòa, ta thấy nổi lên một điểm thú vị là các tờ báo lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam không đưa tin bao nhiêu. Họ im lặng trong những ngày đầu sôi động, rồi sau đó thẽ thọt nói rằng, Hanni bị tẩy chay vì… đời tư (sic)!
Khi nói đến cụm từ “đời tư”, các tờ báo chính thống này sẽ … định hướng dư luận rằng đây là liên quan đến cuộc đời tình ái, bê bối tiền bạc, tình dục… Chủ quan của tôi là độc giả Việt Nam không theo dõi mạng xã hội và truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại, sẽ nghĩ như thế.
Các trang mạng đòi tẩy chay Hanni, tiêu biểu là Tifosi và Cánh Cò (theo BBC tiếng Việt), hừng hực đưa lòng ái quốc kết hợp với chủ nghĩa cộng sản, rất đúng như cách tuyên truyền của cơ quan tuyên giáo Việt Nam.
Đây chính là mô hình của Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tờ Global Times này thường tung ra những luận điểm ái quốc, bài phương Tây, … rất sống sượng, dữ tợn, mà các tờ báo lớn khác của Bắc Kinh không làm, mặc dù cả Global Times và toàn bộ các tờ báo khác đều nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Global Times ra đời trong bối cảnh giáo điều Mác xít Lê nin nít Mao ít bị lỗi thời, Bắc Kinh bèn thêm gia vị dân tộc chủ nghĩa Hoa Hạ vào. Nhưng khổ nỗi là bản thân chủ nghĩa dân tộc lại bị chủ nghĩa cộng sản cổ điển bài xích, các tay tổ cộng sản chủ trương … quốc tế (thế mới có nào là Quốc tế ca, nào là Đệ Tam quốc tế).
Thế là Global Times ra đời. Một mặt làm ra vẻ như là không thuộc hệ chính thống cộng sản, mặt khác ve vuốt sự “thủ dâm tinh thần” của người Hoa Lục.
Việc kết hợp này sẽ đưa tới một dư luận xã hội (social narrative) đồng nhất quốc gia và chủ nghĩa xã hội (cộng sản), theo đúng câu tuyên truyền mà Đảng Cộng sản Việt Nam ra rả không mệt mỏi, yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội (cộng sản).
Các trang Tifosi, Cánh Cò và hàng trăm trang khác ở Việt Nam cũng thuộc loại lai tạp này.
Thực hiện mô hình Global Times, Bắc Kinh sẽ tránh được rắc rối trong quan hệ quốc tế với phương Tây mà họ muốn trục lợi, vì báo chí chính thức của họ chỉ trích phương Tây chừng mực hơn. Tương tự như vậy, Hà Nội để cho các trang như Tifosi, Cánh Cò,… mặc sức chửi bới người Việt hải ngoại chống cộng, chửi bới cờ vàng,… nhưng báo chính thống thì không đụng tới, đụng tới thì còn gì là… hòa giải dân tộc, như câu đầu môi chót lưỡi của họ nữa!
Có thể Đảng Cộng sản Việt Nam chậm chân hơn, ít tiền hơn, nên chưa chắc là họ bỏ ra một số tiền khổng lồ kiểu như ngân sách dành cho Global Times, và cũng không có đảng viên nào đạt trình độ giảo hoạt dữ dằn như Hồ Tích Tiến (Tổng biên tập Global Times), để có thể cho ra đời một mô hình chính xác như thế.
Theo tôi thì hiện nay công cụ “thủ dâm tinh thần” này tại Việt Nam do các hồng vệ binh phụ trách là chính. Có thể là họ có chút đỉnh tiền nào đó từ cơ quan tuyên giáo (chúng ta thường dùng từ dư luận viên), nhưng chủ yếu là tinh thần bảo vệ lý tưởng xã hội chủ nghĩa (cộng sản).
George Orwell và ngôn ngữ chính trị
Bạn đọc sẽ hỏi rằng, chẳng lẽ giữa thế kỷ 21 này mà còn bảo vệ lý tưởng cộng sản hay sao?
Trong bài: Đọc “chính trị và tiếng Anh” của George Orwell, tác giả Phan Phương Đạt trích dẫn:
“Kẻ thù lớn nhất của ngôn ngữ trong sáng là sự không trung thực. Khi có một hố ngăn cách giữa mục đích thực sự của ai đó với mục đích mà họ tuyên bố, thì người đó, một cách tự nhiên, sẽ quay sang sử dụng các từ dài và các thành ngữ đã kiệt quệ, giống như một con mực phun mực ra”.
“Nhưng nếu tư duy hủy hoại ngôn ngữ, thì ngôn ngữ cũng có khả năng hủy hoại tư duy. Một cách dùng từ dở có thể phát tán bởi truyền thống và bắt chước, thậm chí trong cả số những người phải biết và biết rõ hơn người khác”.
Phân tích của Orwell được chứng minh rất chính xác bởi những phát biểu của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam, cũng như ngôn ngữ của các cơ quan tuyên truyền của Đảng. Đó là những phát biểu dài sòng sọc và vô nghĩa, bằng cách ghép lại vài trăm từ ngữ chuyên chính cách mạng và ái quốc lại với nhau.
Tuy vậy kiểu phát ngôn này, và đằng sau nó là cách trình bày sách giáo khoa lịch sử, vẫn tác động được tới dân chúng, nhất là thế hệ trẻ lớn lên sau năm 1975. Ở đây, tôi không muốn dùng từ tẩy não (vì các thanh thiếu niên mới lớn lên, não họ chưa có gì để tẩy), mà là nhuộm đỏ. Mà màu đỏ ở đây cũng không phải là màu đỏ cách mạng thời kỳ sơ khai ở châu Âu, hay Mỹ, mà là màu đỏ đồng bóng của tín ngưỡng Khổng Khâu pha trộn giáo điều của Mác.
Việc nhuộm đỏ này đi đôi với chủ trương xóa bỏ lịch sử của hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.
Thế hệ trẻ Việt Nam sau năm 1975 cứ ngỡ lịch sử nước nhà bắt đầu từ năm 1930, năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề xóa bỏ lịch sử này. Đối với người trẻ trong nước, họ được dạy rằng người Việt Nam đã anh dũng đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, họ được dạy rằng có gần hai triệu người Việt tại Mỹ, lúc nào cũng hướng về tổ quốc xã hội chủ nghĩa của họ (sic), nhưng thảm trạng thuyền nhân và tù cải tạo đày ải hàng triệu người Việt, thì họ hoàn toàn không biết.
Thế nên, chúng ta không ngạc nhiên khi có những phát biểu dữ tợn nhưng ngu ngơ của hàng ngàn bạn trẻ trên Tifosi và Cánh Cò, ta không ngạc nhiên khi có Nguyễn Đức Thịnh giẫm lên cờ vàng ở Úc…
Nhưng ta sẽ ngạc nhiên đối với những “đối tượng” (từ của công an “nhân dân”) như Lê Thế Mẫu, Lê Ngọc Thống,… những cựu binh chiến tranh Việt Nam không còn trẻ nữa, lại đăng đàn bảo vệ Nga, Putin, bảo vệ chủ nghĩa cộng sản, bảo vệ cả khinh khí cầu do thám của Trung Quốc (mới đây ông Thống bảo rằng Mỹ không thể bắn được khí cầu này vì nó được làm bằng công nghệ … tế bào!)
Những người này có thể dốt nát về kỹ thuật, khoa học, nhưng họ không dốt về lịch sử đảng của họ, không thể không biết về chiến tranh Việt Nam,… Họ biết điều họ đang làm bậy.
Nhưng họ cũng chưa thể là Hồ Tích Tiến được, thế cho nên Global Times phiên bản Việt Nam chắc cũng còn lâu.
__________
Tham khảo:
https://nld.com.vn/giai-tri/ca-si-goc-viet-hanni-bi-cu-dan-mang-phong-sat-20230208090149499.htm
Từ Hanni Pham ngẫm về tương lai!
Trân Văn
10-2-2023
“Con gái và nhóm cứ ra albums. Bọn chửi con chúng nó cũng chẳng có tiền và chẳng có dự định mua gì từ con đâu con ạ. Chú sẵn sàng đặt mua 10 bộ deluxe version album/mini-album/single mới nhé.”
Tuần này, Hanni Pham là một trong những đề tài vừa nóng vừa đáng ngẫm nghĩ…
Hanni Phạm là nghệ danh của Phạm Ngọc Hân, 19 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Úc, sau đó chuyển sang Nam Hàn. Cô có thể sử dụng ba ngôn ngữ (Anh, Việt, Hàn) và đang là thành viên của ban nhạc nữ NewJeans tại Nam Hàn.
NewJeans vừa gây tiếng vang lớn khi bán được hơn 300.000 bản cho đĩa nhạc của mình sau khi phát hành một tuần, phá kỷ lục về doanh số của các ban nhạc nữ theo phong cách Kpop. NewJeans cũng đang đứng đầu Melon – nền trực tuyến lớn nhất Nam Hàn…
Hanni Pham trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Việt Nam vì một số nhóm mê nhạc Hàn, phim Hàn công bố… “điều tra” và bình phẩm về… “lai lịch” của cô. Đại khái là theo “điều tra” của Phan Nhất Hải My công bố trên K Crusk Động thì… ông ngoại của Hanni có mở một võ đường tại Úc. Trang Facebook của võ đường này có ảnh chụp cờ Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Cách nay… 11 năm, ông ngoại, mẹ, Hanni và em gái của cô từng… hiện diện tại hoạt động kỷ niệm thành lập võ đường…
Chưa hết, theo… “điều tra” thì Hanni còn có cô là chủ một nhà hàng. Nhà hàng này dám tuyên bố giảm giá cho các cựu chiến binh Úc từng cùng VNCH chiến đấu chống cộng sản tại miền Nam Việt Nam và tuyên bố “Văn hóa của chúng tôi dựa trên quan hệ họ hàng và mọi người đều là anh, cha, chú hoặc ông, ngay cả khi không có quan hệ huyết thống”… Cũng do vậy, “điều tra viên” nhận định: Mặc dù là thế hệ thứ ba trong gia đình có tư tưởng chính trị như thế này nhưng mình không khẳng định em cũng giống như gia đình em. Được nuôi dạy trong gia đình như thế thì ít nhiều em cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sự thật thì vẫn là sự thật, nếu mình không nói ra thì sớm muộn cũng có người khác nói ra. Mong các bạn cộng đồng fan Kpop đang support Hanni sẽ có một cái nhìn rộng hơn sau bài đăng này của mình. Quyết định yêu thương em tiếp hay không là quyền của các bạn (1)…
***
Kết quả… “điều tra” từ việc sục sạo những trang Facebook có “dây mơ, rễ má’ đến Hanni Pham được rải trên những trang, những group là nơi tập họp người Việt mê nhạc Hàn, mê phim Hàn và phản ứng của hàng chục ngàn thành viên khiến nhiều người kinh ngạc bởi không ai tưởng tượng thế hệ trẻ vốn vẫn được xem là rường cột tương lai của Việt Nam lại có thể theo kiểu như thế này – xin nhặt một ít ý kiến phản hồi từ trang KbizLove để độc giả tự lượng giá:
NB Ng: Không có hành động chống phá nhưng được nuôi dưỡng trong một gia đình có tư tưởng ba sọc (ám chỉ VNCH vì quốc kỳ là ba sọc đỏ trên nền vàng) thì chưa chắc sẽ không có tư tưởng đó. Các bạn trẻ ơi, Idol thì nhiều nhưng nước chỉ có một. Nếu một người nổi tiếng có sức ảnh hưởng mà lại có tư tưởng ba sọc thì quan ngại lắm đó.
Hoai Li: Cho dù em này không có tư tưởng ấy rồi cũng sẽ bị gia đình em tẩy não thôi! Các bạn không biết là đám người ấy truyền bá cực kỳ giỏi! Hồi xưa con em mình đã học 12 rồi, học giỏi nhé, thế mà đi học thêm Anh văn gặp trúng ông thầy ba sọc, cả buổi ông nói này nọ về đảng, còn nói Bác Hồ là người Trung Quốc… Ông thầy nói cả lớp ngồi nghe tin răm rắp… Rồi con em mình tự hào kể em mới được khai sáng. Sau này mình cố gắng giải thích rằng đó là lũ phản động đấy nhưng nó vẫn không tin… Thế mới thấy sự lợi hại của tụi đấy!
Nguyễn Trần Thảo Nguyên: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Sinh ra rồi lớn lên, được giáo dục trong môi trường mang tư tưởng đấy thì rất khó để nói là không mang tư tưởng đấy mọi người ơi, chỉ là có thể hiện ra hay không thôi. Idol thì còn hằng hà sa số, Tổ quốc chỉ có một thôi! Thuý Quỳnh: Đến giờ vẫn có nhiều bạn không biết tư tưởng VNCH và ba que là gì nhỉ. Đơn giản đó là bọn phản động, uống máu ăn thịt nhân dân ta, là chính phủ bù nhìn Mỹ lập ra. Bọn nó đã thua và vì thế mới có ngày 30/4 để chúng ta ăn mừng đấy. Thua xong thì cụp đuôi chạy sang các nước tư bản la liết bên đó. Một bọn kinh tởm vốn có dòng máu Việt Nam chảy qua đã cạn từ lâu. Ở đây chả thể nói hết được tội ác của bọn chúng nên mọi người hãy thử tìm hiểu nhé.
Na Na: Đứa nào mở mồm ra bảo fan chỉ quan tâm tới tài năng, không quan tâm chính trị thì chắc fan não tàn rồi. Ngu ngục (2)!..
***
Tuy có không ít người phản bác những ý kiến như vừa dẫn trên trên một số trang, group là nơi tập họp người Việt mê nhạc Hàn, mê phim Hàn, chẳng hạn có thể tìm ở trang Facebook KLoveFan những nhận định như thế này:
David Tong: Bảo sao đi đâu người Việt cũng bị kỳ thị. Lúc thì tự đưa người ta lên mây, lúc thì dìm người ta xuống tận bùn để hả hê cái sân si trong con người đầy khiếm khuyết.
Bé này sinh ra ở Úc có gì liên quan đến Việt Nam đâu ngoài mỗi cái tên. Các chiến sĩ hy sinh anh dũng cho các bạn hoà bình, cho Việt Nam hoà bình, chứ em ấy có liên quan gì, được lợi gì? Gia đình mang tư tưởng A không có nghĩa là em ấy cũng mang tư tưởng ấy.
Ví dụ bố mẹ mình rất yêu nước, yêu đảng, yêu bác Hồ, còn treo cả ảnh bác. Còn mình, đi du học và làm việc tại nước ngoài, mình không quan tâm đến chính trị. Nói thẳng ra mình bận học bận làm sấp mặt, không rảnh mà so đo chuyện quá khứ. Hãy là một người thông minh, đừng dùng ngôn từ sát thương người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ và sự sân hận của bản thân với một người bạn chưa từng gặp, chưa từng tiếp xúc.
Duy Khang: Một đất nước yếu kém xuất khẩu cu li với cô dâu mà bày đặt chửi. Chửi nhiều cũng không ảnh hưởng gì. Em ấy đang ở đất nước tự do giàu có chứ đâu phải ở đáy giếng.
Như Ngọc: Em ấy là Idol chứ đâu phải chính trị gia và ở Hàn Quốc chứ đâu phải ở Việt Nam mà sồn sồn lên như vậy. Chắc gì em ấy đã thèm về Việt Nam làm Idol. Soi cái gì mà soi cả dòng họ ba đời người ta làm như họ là tội phạm chiến tranh. Người ta không ăn cơm của mình, ủng hộ đảng nào là quyền của người ta. Em ấy chỉ có gốc Việt chứ cũng chả mang quốc tịch Việt Nam sao lại chửi. Vớ vẩn! Mình không ủng hộ ai cả chỉ muốn nói là soi ba đời của một đứa trẻ 18 tuổi như vậy là không có đạo đức. Nơi em ấy sống và làm việc không phải Việt Nam, công việc cũng không liên quan, tự dưng đào bới gia đình rồi chửi, đòi tẩy chay, rất là mắc cười, rất là nhảm nhí.
Ngọc Minh: Bọn này được huấn luyện theo kiểu bầy đàn để công kích cá nhân người ta thôi… Người bình thường ai làm vậy...
Vay Tiền Nhanh: Tôi thấy mấy đứa bò đỏ hài vãi. Chắc gì em đó thèm tụi bay ủng hộ. Nếu em ấy ghét đảng cộng sản, ghét chính quyền Việt Nam thì sao, tụi bây tính đi báo… Liên Hiệp Quốc à? Mắc cười vãi ra!..
Tuy nhiên vấn đề không nằm ở kêu gọi lên án, tẩy chay Hanni Pham hay phân tích đúng – sai, phản bác chuyện lên án, tẩy chay cô. Vấn đề cũng không nằm ở chỗ có thể hòa hợp – hòa giải được hay không. Khi một bộ phận không nhỏ thuộc thế hệ sẽ trở thành rường cột, trực tiếp hay gián tiếp góp phần quyết định tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc mà nhận thức chỉ là như thế thì xứ sở có thể tiến đến đâu?
***
Trái với thông lệ, đến giờ, hệ thống chính trị và hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục tảng lờ, xem như không nghe, không thấy, không biết gì. Phần lớn hệ thống truyền thông chính thức cũng thế. Chỉ có một vài cơ quan truyền thông chính thức như tờ Thanh Niên giới thiệu tóm tắt về tiểu sử và thành tích của Hanni Pham bởi… “Từ khóa Hanni (NewJeans) được tìm kiếm nhiều nhất Việt Nam” nhưng không nói gì thêm (3).
Cũng bàn về cuộc tấn công nhắm vào Hanni Pham, Tan Trung Nguyen Quoc kể rằng, sự kiện khiến Trung nhớ đến hai điều: Thứ nhất là Hauntology (Ám ảnh học) về chiến tranh Việt Nam – chủ đề đã từng được Hội Đồng Cừu bàn luận sơ lược mà nội dung chủ yếu giả thuyết hóa rằng chiến tranh Việt Nam dù đã kết thúc cách đây nửa thế kỷ vẫn sẽ tiếp tục “ma ám” các đối thoại chính trị của Việt Nam trong nhiều thập niên tới. Cách lý luận này vay mượn học thuyết Hauntology về Marxism đối với chính trị phương Tây của triết gia người Pháp Jacques Derrida.
Thứ hai là Chỉ thị số 221-CT/TW (17/6/1975) của Ban Bí thư khóa III Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác giáo dục ở miền Nam sau năm 1975 nhằm định hướng “giải quyết” hệ thống giáo dục miền Nam Việt Nam của chính quyền VNCH. Theo đó, trên cơ sở lý lịch, hiệu trưởng các trường học của chế độ cũ, các giáo viên, trí thức… bị cho là có mầm mống phản động, có nhân thân không tốt và có lối sinh hoạt “đồi truỵ” sẽ bị loại ra khỏi hệ thống. Những cơ sở giáo dục tư nhân, vốn khá mạnh mẽ và có năng lực của miền Nam, bị hạn chế và tiêu huỷ dần dần. Toàn bộ nền móng giáo dục có sẵn của khu vực này bị lật tung và buộc phải xây lại từ đầu theo tiêu chuẩn chính trị mới. Chỉ thị 221 và các văn bản sau đó còn là cơ sở để hình thành cái sau này gọi là “Hội đồng Tuyển sinh” tại các tỉnh thành phía Nam. Đây là một nhóm các nhà cách mạng trung kiên, những người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với việc một người có được phép theo đuổi các chương trình đại học và sau đại học hay không. Lý luận của họ đơn giản là: “Con cái có dính líu Mỹ Nguỵ thì không thể cho học nhiều”. Tuy nhiên, “dính líu đến Mỹ Nguỵ” đôi khi đơn giản là làm công chức về nông nghiệp, thương nghiệp cho chính quyền VNCH. Tư duy giáo dục kích động này chỉ có chút thay đổi vào giữa thập niên 1990 nhưng điều này cũng đủ để nhiều thế hệ có năng lực của miền Nam Việt Nam bị loại trừ hoàn toàn khỏi không gian khoa học – chính trị quốc gia.
Theo Trung, tư duy giáo dục kích động nói trên đã trở thành một phần công thức của giáo dục Việt Nam cho đến tận ngày nay, khiến cho cách nghĩ và nỗi ám ảnh về chiến tranh Việt Nam / lý luận lý lịch… “ám” cả những người trẻ, vốn có kiến thức và trải nghiệm rất hạn chế về cuộc chiến này. Nhiều gia đình của các bạn trẻ cực đoan này, theo mình nhìn sơ lược, thật ra không có đóng góp gì cho chiến tranh Việt Nam. Có gia đình thì trốn lại phương Bắc làm văn thư. Có gia đình thì chỉ có một người làm binh nhất được một vài năm thì về. Dùng huân chương, huy chương kháng chiến Pháp – Mỹ từ hai bên nội ngoại nhà Trung ra mà “phi” thì có khi cả họ các bạn chết chìm. Ấy thế mà đây lại là những nhóm cực đoan nhất và lắm lời nhất trong các hoạt động bài trừ chế độ cũ.
Việc một đứa trẻ sinh năm 2004, chưa từng có phát ngôn chính trị nhạy cảm nào, bị tầng tầng lớp lớp các thanh thiếu niên Việt Nam tấn công và chửi rủa… chỉ vì cô bé là con của một gia đình từng là một phần của chính quyền VNCH (trên thế giới vẫn còn hơn hai triệu người Việt như thế) là lý do mình luôn cười trừ khi một số trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước nhắc đến “hoà hợp, hoà giải dân tộc”. Đã bị “ma ám” thì chỉ có nhờ pháp sư trừ tà, chứ hoà hợp, hoà giải đường nào.
Trung còn viết thêm vài dòng nhắn riêng Hanni: Con gái và nhóm cứ ra albums. Bọn chửi con chúng nó cũng chẳng có tiền và chẳng có dự định mua gì từ con đâu con ạ. Chú sẵn sàng đặt mua 10 bộ deluxe version album/mini-album/single mới nhé.
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/groups/KLoveFan/posts/936125087385876/
(3) https://thanhnien.vn/tu-khoa-hanni-newjeans-duoc-tim-kiem-nhieu-nhat-viet-nam-185230207011714559.htm