Seite auswählen
Ngôi miếu vừa được dựng lại ngày 11 Tháng Hai 2023.

 

Ngay sau khi có tin ngôi miếu nhỏ thờ các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa trên đồi Charlie bị phá hỏng, rồi đến ngày 11 Tháng Hai được người của chính quyền huyện Sa Thầy, Kontum đến kiểm tra và cho dựng lại, số người đi đến đồi Charlie để viếng tăng đột ngột.

Bà chủ quán nước, đối diện với đường vào đồi Charlie cũng ngạc nhiên và nói số người đi lên đồi bằng xe máy nhiều đến bất thường. “Người đi viếng nhiều, thường là vào Tháng Tư, nhưng không hiểu sao từ đầu Tháng Hai, đã có rất nhiều nhóm đi viếng chỗ thờ ông Bảo”, bà nói.

Đường đi phức tạp. Mùa khô dẫn lên núi có nhiều đoạn cát trượt, ngoằn ngoèo, xe chạy không quen là dễ té và gây tai nạn. Nhiều khách đi viếng phải nhờ đến các thanh niên người Sedan, vốn vẫn lên núi làm rẫy, phát hoang cho chủ đất chở lên giùm. Dù những thanh niên sắc tộc thiểu số này chạy đã quen tay, thì lên đến nơi có miếu, cũng mất gần một tiếng rưỡi.

Thông tin từ phía các viên chức địa phương lên kiểm tra chỗ miếu bị hư hại, chỉ nói đơn giản là do xe chở keo đi qua, quẹt vào miếu thờ và làm gãy đổ. Theo giải thích là khi quẹt đổ, những người làm công có xếp các mảnh vỡ lại và đặt vào trong mé đất sâu. Tuy nhiên, thông tin này chỉ là truyền miệng, không có thông báo chính thức của huyện nên người quan tâm cũng còn vài thắc mắc là “xe keo” – xe chở cây keo hay xe chở các loại keo dán công nghiệp (?) – và vì sao chính quyền điều tra được chính xác như vậy, bởi đường lên các miếu thờ rất heo hút, khó đoán được điều gì xảy ra.

Chính quyền huyện Sa Thầy cho chở lên bốn miếng gạch lớn, cùng loại với miếu thờ đã có, và dựng lại. Dĩ nhiên, biểu tượng của Lữ đoàn Dù và tiêu ngữ Vị quốc vong thân trước đây không còn nữa. Tượng Phật Thích Ca đứng chung với Mẹ Quan Âm trên đồi, cạnh miếu thờ cũng bị lấy đi, chỉ còn lại một tượng.

Sự kiện miếu thờ bị đập phá đã làm dấy động sự quan tâm khắp nơi. Đặc biệt là ở Việt Nam, nhiều người lâu nay vẫn im lặng hay không bày tỏ chính kiến đã không kềm chế được, buông ra rất nhiều lời chỉ trích chính quyền hiện tại. Trên các trang Facebook cá nhân và diễn đàn khép kín, hàng ngàn biểu tượng ủng hộ bản tin xuất hiện cùng hàng trăm bình luận. Trong đó, có những người của thế hệ tiếp nối, năm nay mới chỉ chừng hơn 30-40 tuổi, nói họ đã khóc khi thấy cảnh ấy.

Cô Lina Phan, một người Úc gốc Việt về thăm quê, nhờ một người dân địa phương chở lên thắp hương, khi chứng kiến miếu không còn, mảnh vỡ xếp chồng một góc đã vừa đi nhặt lại, khóc và nói: “Ác quá, sao người chết rồi mà còn bị như vậy”. Bản video của cô quay lại cảnh tượng miếu đổ đã trở thành tin tức lan đi khắp nơi vào đầu Tháng Hai này.

“Nếu biểu tượng Dù hay chữ Vị Quốc Vong Thân không còn nữa, thì chẳng lẽ là người chết hoang, vô chủ?”, một người dùng Facebook bình luận. Ý tưởng này đã khiến một số nhóm người trẻ, thế hệ thứ ba của miền Nam VNCH bàn với nhau trên Facebook rằng họ sẽ sớm trở lại đó, mang theo hình ảnh và tiêu ngữ in sẵn và dán lại trong miếu thờ để mọi thứ được chính danh.

Trên đồi Charlie, nhà cầm quyền hiện nay cũng cho xây một nhà tưởng niệm rộng và quy mô, dành cho quân đội Bắc Việt, nhưng đìu hiu vì ít người viếng. Thỉnh thoảng các nhóm leo núi chọn ở đó làm chỗ cắm trại qua đêm vì bằng phẳng. Ấn tượng về những người lính VNCH ở đồi Charlie rất lớn, đến mức khi hỏi đường đến chỗ thờ ông Bảo, hầu như người dân địa phương nào – kể cả người sắc tộc thiểu số – đều biết. Điều lạ là nơi thờ không đề rõ tên Đại tá Nguyễn Đình Bảo bao giờ (nhiều người vẫn gọi là Trung tá Nguyễn Đình Bảo, tuy nhiên, sau trận Charlie anh dũng đó, lễ truy điệu đã phong Đại tá cho vị sĩ quan chỉ huy Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù được mệnh danh là Song Kiếm Trấn Ải).

Một người may mắn chứng kiến buổi dựng lại miếu, nghe một viên chức của huyện Sa Thầy nói “làm lại cho nhanh, chứ ngày nào cũng nghe điện thoại gọi hỏi miết mà phát mệt”. Sự quan tâm của người dân ở mọi nơi thật sự là một áp lực với những người cầm quyền địa phương.

Có sự kiện miếu đổ, mới thấy tấm lòng người dân miền Nam tự do dành cho chế độ VNCH vẫn luôn âm ỉ. Người dân luôn theo dõi, tìm đến và cùng nhau âm thầm bảo vệ những gì còn lại của nước Việt Nam tự do hôm qua. Chế độ đã mất, nhưng con người vẫn còn, và dường như truyền qua các thế hệ, niềm kiêu hãnh và gìn giữ các giá trị của Việt Nam Cộng Hòa, là điều vẫn được nuôi giữ.

Xôn xao tin ngôi miếu thờ ‘Người Ở Lại Charlie’ bị phá hủy

Người Việt

KON TUM, Việt Nam (NV) – Nhiều ý kiến trên mạng xã hội trong hai ngày 5 và 6 Tháng Hai bày tỏ sự phẫn nộ trước hình ảnh và video clip cho thấy cảnh một ngôi miếu được cho là thờ Trung Tá Quân Lực VNCH Nguyễn Đình Bảo trên đồi Charlie, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, bị đập phá.

Hai căn cứ Charlie và Delta nằm trong tuyến phòng thủ gồm nhiều cứ điểm của Quân Đoàn 2 Quân Lực VNCH ở phía Tây Sông Pôkô và quốc lộ 14, là những mục tiêu bị Cộng Quân tấn công đầu tiên trên đường tiến quân của họ về hướng Tân Cảnh, Dakto và thị xã Kon Tum, một trong ba mặt trận lớn trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Cảnh tượng miếu thờ trên đồi Charlie, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, trong video clip do Facebook “Lina Nguyen” đăng tải hôm 29 Tháng Giêng. (Hình: Chụp qua màn hình)

Trận đánh quyết định tại Đồi Charlie diễn ra từ ngày 11 đến 14 Tháng Tư, 1972, trong đó Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù (Tiểu Đoàn Song Kiếm Trấn Ải), tử trận, và Thiếu Tá Lê Văn Mễ, tiểu đoàn phó, quyết định rút quân khỏi Charlie.

Sau đó, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác nhạc phẩm “Người Ở Lại Charlie” để vinh danh Trung Tá Nguyễn Đình Bảo là người anh hùng trong cuộc chiến.

Được biết video clip ghi lại cảnh ngôi miếu được cho là thờ Trung Tá Nguyễn Đình Bảo bị phá hủy, được đăng tải đầu tiên trên Facebook “Lina Nguyen,” một người Úc gốc Việt, hôm 29 Tháng Giêng. Bà Lina chú thích đoạn clip: “Đường lên đỉnh Charlie” kèm với hai icon mặt khóc.

 Trung Tá Nguyễn Đình Bảo (trái). (Hình: Tài liệu)

Trong đoạn clip, một phụ nữ nghẹn ngào đặt câu hỏi khi thấy miếu thờ bị phá thành những mảnh vỡ nằm ngổn ngang, chơ vơ giữa đồng cỏ cháy trên đồi Charlie: “Tại sao lại như vậy hả chú?”

Một người đàn ông, được hiểu là người dân địa phương, trả lời: “Không biết!”

Người phụ nữ sau đó mô tả rằng “có một bàn tay phá hoại” trong việc phá miếu thờ. “Nghĩa tử là nghĩa tận mà, tại sao lại phá?” người phụ nữ nói thêm trước khi bật khóc.

Một nhóm du khách đi viếng đồi Charlie chụp cùng miếu thờ trong hình do Facebook “Ngọc Thúy Bitin’s” đăng tải hôm 6 Tháng Giêng. (Hình: Facebook “Ngọc Thúy Bitin’s”)

Trước đó, một hình ảnh do Facebook “Ngọc Thúy Bitin’s” đăng tải hôm 6 Tháng Giêng, cho thấy miếu thờ nêu trên vẫn còn nguyên vẹn khi một nhóm du khách đi viếng đồi Charlie chụp vào thời điểm đó.

Theo một bản tin của báo Giao Thông hôm 4 Tháng Hai, điểm cao 1015 – Charlie “là một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ dày đặc phía Tây sông Pô Cô” và “từng là chiến địa ác liệt trong chiến tranh.” (N.H.K)

Thắp Nhang Sao Mà Vẫn Căm Thù Người Chết

06/02/2023

Nguyễn Ngọc Phúc

 Việt Báo

blankblank

Đầu tháng 2 năm 2023, nghe được một tin buồn về đồi Charlie, nơi đại tá nhẩy dù Nguyễn Đình Bảo đã hy sinh năm 1972.

Khi được xem video clip, được nghe lời kể chuyện và được thấy cái miếu nhỏ để nhang khói cho hồn tử sĩ quân đội VNCH đã nằm xuống trên ngọn đồi Charlie nửa thế kỷ trước đây, nay đã bị đập phá tan nát như đống gạch vụn, tôi thấy lòng trùng xuống thật sâu và hụt hẫng như mới biết được có một sự lừa gạt, một điều dối trá và một chuyện không phải của văn hóa tập tục dân tộc Việt Nam hiện nay vào thế ky 21, nó ngược lại và giống như những chuyện trong lịch sử VN xa xưa.

Theo Đại Nam Thực Lục có ghi rằng thời nhà Nguyễn và vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Vương, vua Gia Long khi lên ngôi, đã cho đào mồ bốc mả, đập phá những di tích của kẻ thù cũ dù đã chết, quăng xác đi, xương cốt bị giã nát vứt đi xa, phơi thây và bêu đầu sọ người của nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ ở chợ hay làm bô đi tiểu. Không những thế còn xử lăng trì phanh thây họ hàng của nhà Tây Sơn hơn 30 người.

Trước đó, khi Nguyễn Huệ còn trên ngôi và có chiến tranh với nhà Nguyễn ở phương Nam nhưng vẫn không diệt được Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ cho rằng khí tiết nhà họ Nguyễn vẫn còn vượng quá. Cho nên, nghe lời xúi dục, nhà Tây Sơn đã cho đào mồ bốc mả toàn bộ lăng tẩm từ đầu đời nhà Nguyễn Vương ném xuống vực sâu hay vứt xuống sông. Vì vậy, cho nên, sau khi Nguyễn Vương lên ngôi, cũng đã trả thù nhà Tây Sơn bằng cách quật mồ lạị tương tự như vậy.

Trả thù người chết của người xưa quả thật dã man và kinh khủng. Đến xác chết và mồ mả cũng không được nằm yên thân với người sống.

Chuyện cái miếu nhỏ để thờ quân chủng nhầy dù, trong đó có đại tá Nguyễn Đình Bảo của quân lực VNCH, bị đập phá cũng giống như chuyện lịch sử ngày xưa ghi trên.
blank

Chỉ khác một điều là không có mồ mả xương cốt bị bốc lên, bị giã nát và vứt đi tứ tán trên ngọn đồi Charlie hay cứ điểm 1015 do quân miền Bắc đặt tên.
Vào năm 1972, có khoảng gần 500 binh sĩ nhẩy dù thuộc tiểu đoàn dù 11 quân lực VNCH và cố vấn Mỹ trấn giữ chống lại khoảng 6-7000 quân lính của sư đoàn 320 của Bắc Việt tấn công.
Hai bên đã quyết chiến với nhau trong hai tuần lễ thật đầy máu lửa đêm ngày.

Cuộc chiến không tương xứng 1/11 này đã khiến nhiều vị chỉ huy tiểu đoàn dù 11 bị tử trận do pháo kích, kể cả chỉ huy trưởng Trung Tá Nguyễn Đình Bảo.
Kiệt quệ về nhân lực, cạn nguồn súng đạn để chiến đấu, không còn được tiếp viện để giữ đồi, những người lính dù còn lại đã chấp nhận cái chết trận tại chỗ với quân thù khi mở đường rút lui.
Mưa bom trải thảm từ B52 được gọi đến và cuối cùng đã hủy diệt tất cả những sinh vật đang cầm súng không phân biệt Quốc Gia hay Cộng Sản để tranh dành nhau một cứ điểm chiến lược, trên đồi, ngang đồi hay dưới chân đồi.

Thoát khỏi vòng vây của sư đoàn 320 quân BV và của mưa bom B52, trong số 470 sĩ quan và binh si nhẩy dù với 1 cố vấn Mỹ trấn giữ duy nhất, chỉ còn lại có 36 người và vị cố vấn Mỹ là thiếu tá John Duffy và thiếu tá dù Lê Văn Mễ, chỉ huy phó tiểu đoàn. Họ đã mất đi 434 bị tử trận. ( xin coi trên youtube về hai vị sĩ quan Lê Văn Mễ và John Duffy này trong trận chiến đồi Charlie)

Bên phía quân CS, có khoảng hơn 1250 binh lính tử trận.

Còn lại sau đó là những gì?

Hố bom, mảnh đạn và xác người tan nát vung vãi khắp nơi không còn nhận ra được anh là ai? chức vụ gì?
Rồi con tạo vẫn xoay vần, trời đất, mưa gió và cỏ cây đã dần dần rơi xuống, thổi đi, đắp lại những gì không ai nhận hay cát bụi đã phủ che lên những dấu vết của chết chóc, của bom đạn, của tranh dành và của lý tường, không còn nhìn thấy đâu là CS hay QG.
Hận thù của cả hai bên đã bị san bằng và xóa tan trên ngọn đồi Charlie và câu chuyện về nó đã được ghi vào lịch sử của đất nước từ cả hai phe thua và thắng theo cái nhìn riêng của mình.
Chuyện tưởng như đã được khép lại sau gần 50 năm trôi qua nhưng vết thương vẫn chưa lành và đang bị chảy máu.
Thật chua xót.

Sách vở chỉ để dành cho hậu thế và mọi người tham khảo khi muốn biết về câu chuyện tranh Việt Nam và cuộc chiến ở đỉnh đồi Charlie.

Người dân Việt của bên thua cuộc thì chỉ muốn lưu lại một chứng tích thật đơn giản, thật đơn sơ và thật khiêm tốn, đã chọn một chỗ ở ven đồi hoang lạnh đơn độc và chả có ai để ý để lập ra một cái miếu nhỏ với một cái bình hương và một tấm bia cũ ghi chữ Tổ Quốc Vong Thần với hình con ó, huy hiệu của lính dù VNCH nằm sâu trong đó.

Trong tập tục dân gian Việt Nam, nó giống như những cái miếu nhỏ lập ra ở đầu thôn để thờ thần làng hay ở một ngã tư nào đó nơi xẩy ra một tai nạn chết người để thờ người chết. Không hơn không kém.

Chuyện đã qua và đã qua thật lâu nhưng mọi người khi nghe đến và nhìn thấy, họ vẫn không hiểu người CS sao lại có thể hận thù những người lính miền Nam đã chết trên ngọn đồi này mà thân xác không còn nguyên vẹn, không biết nằm ở đâu và không có được một nấm mồ chôn, một dòng di tích, một dấu thánh giá cho dù vô danh hay khi hài cốt được tìm thấy.
Có thấy được một nấm mộ nào với bia khắc ghi tên không hay chỉ nằm rải rác cô độc với rắn rết giun dán, dưới lùm cây ngọn cỏ hay mặt đất nào hoang nào đó, chẳng ai biết ở đâu và là ai?
Cùng với những người lính miền Bắc, người lính dù đã chết khi không còn súng đạn để chiến đấu và đã yêu cầu pháo binh và máy bay hãy bỏ bom pháo kích ngay trên đầu và thân xác của họ ở ngọn đồi này năm 1972.

Quân sử của thế giới gần như không có ghi những câu chuyện như vậy về chiến tranh và kết thúc tàn khốc như ngọn đồi Charlie.

Một ngôi miếu nhỏ được dựng lên ở chơ vơ giữa trời gần đỉnh đồi, không tên, không tuổi, không hình, không sắc và chẳng có dấu vết gì của hận thù được ghi trên đó.

Nhang khói cũng chẳng có suốt 365 ngày cả đêm lẫn ngày trừ khi có người lặn lội nhọc nhằn đi xe lên cũng chỉ để muốn cắm một vài nén nhang và cầu khấn cho linh hồn người lính được siêu thoát chứ có màng gì đến Nam Bắc, Cộng Sản hay Quốc Gia, thù hằn hay ca ngợi, kẻ thù hay bạn bè, lý tưởng giống nhau hay khác nhau.
Giữa người sống đang khấn vái và người chết nằm ở đâu không biết, chẳng ai biết ai và cũng chẳng có liên hệ máu mủ gì hay bổn phận phải làm.
blank

Khi họ sống, họ hoặc là người quốc gia hay người cộng sản.
Khi họ chết, họ là người Việt Nam.
Thế thôi, không còn hay với hoặc nữa.

Cái miếu nhỏ đó có nghĩa lý gì khi nhìn lên trên đỉnh đồi, một cột cờ cao ngạo nghễ của bên thắng cuộc được dựng bên cạnh một đài tưởng niệm to lớn và bề thế cho các người lính miền Bắc đã nằm xuống ở đây, ở giữa là tấm bia đá lưu niệm và tri ân liệt sĩ.
blankblank
Dù thấy vậy, chẳng có ai so bì, suy nghĩ hay than thân trách phận.
Cuộc đời và thế sự đã là như vậy thì nó phải như thế thôi.

Nhưng cũng may, trên tấm bia đá ghi khắc lịch sử của ngọn đồi này, trong đó, có viết vài dòng về những người lính dù VNCH trấn giữ ở đây.

Xin đọc lời khắc ghi trong hình bên cạnh.
blank
Bia không ghi một dấu vết hay một lời nói hận thù gì. Phải chăng, người lập miếu chỉ muốn nói về một ngọn đồi có rất nhiều người lính cả hai phe đều đã chết và mất xác tại đây.

Thế thì tại sao lại đi thù hằn và đập đổ cái miếu nhỏ không chữ, không nghĩa và không bia lập ở sườn đồi cô quạnh này?

Nếu muốn xóa tan tên tuổi và hình ảnh của những người lính vô danh của miền Nam đã chết không toàn thây ở đây thì tại sao ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ ngoại giao của VN đã cho lập bàn thờ cúng bái tưởng niệm những người lính của miền Nam ở nghĩa trang quân đội Biên Hoà và đã đích thân đến thắp nhang ở đó cùng với những người cựu quân nhân và người dân của miền Nam cũ không những một lần mà hai lần như vậy.
blank
Những lần đi theo phái đoàn của người dân ở cả hai miền Nam Bắc, cũ và mới, ông Nguyễn Thanh Sơn đã từng tuyên bố rằng hành động và thái độ của bên thắng cuộc đã thể hiện tinh thần hòa hợp và hòa giải dân tộc trong việc lo chăm sóc mộ bia đền đài nghĩa trang của người lính bên thua cuộc.
Để chứng tỏ điều đó, ông còn móc tiền túi ra $5 triệu đồng để tặng cho ban quản lý khu nghĩa trang có tiền chăm sóc 5 ngôi mộ hư hại nhất trong nghĩa trang.
blank
Cuối cùng như thế nào?
Câu chuyện đó, hình ảnh đó và hành động đó hình như không đủ sức đi ra ngoài nghĩa trang nghĩa là cuối cùng, chỉ nằm ở lại trong nghĩa trang này mà thôi. Nó không được chắp cánh bay đi khắp nước Việt Nam dù như ông đã nói rõ đó là chính sách của chính phủ CHXHVN.
Bởi thế cho nên, cái miếu nhỏ để thờ người lính dù chết trận đã bị đập nát trên sườn đồi Charlie.
Lời tuyên bố của ông đã được người VN của bên thua cuộc nhớ đến nhưng họ vẫn suy nghĩ.
Đây có phải là:
• Trả thù người chết khi họ không nói được chăng?
• Gạch nát mặt của tấm hình trên mộ bia của những người chết ở nghĩa trang quân đội nơi họ được chôn cất để làm gì?
• Hơn thế nữa, còn muốn trả thù người sống khi họ là kẻ thua cuộc? Họ còn cái gì để chống đỡ?
• Hôm trước thắp nhang rồi một thời gian sau, đập phá miếu thờ?
• Đã tuyên bố công khai là theo chính sách của nhà nước, cho lập bàn thờ và cho tiền túi riêng để lo săn sóc 5 ngôi mộ hư hại nhất ở nghĩa trang của những người lính mà ngày xưa coi là kẻ thù? Tiền của cá nhân ông hay của chính phủ? Người chết chỉ muốn nghe một lời của ông hơn là 5 triều đồng VN ông cho. Ông biết là lời gì không?
• Cách đó mấy trăm cây số, ở một ngọn đồi nay bị bỏ hoang, chỉ có một cái miếu nhỏ thì bị đập nát dù nó nằm chơ vơ ở sườn đồi cạnh con đường mòn lên đồi mà trên đỉnh là một cái lăng tẩm miếu kỷ niệm to lớn và bề thế dành cho liệt sĩ CS bên thắng cuộc đã nằm xuống.?
Cái lời muốn nghe đó chính là để cho cái miếu nhỏ không bị đập phá.

Có ai phàn nàn gì về sự khác biệt này hay không cho đến hôm nay?

Giữa lời tuyên bố của một ông thứ trưởng bộ Ngoại Giao nước CHXHVN Nguyễn Thanh Sơn và hành động đập phá lén lút của ai, không biết? làm sao những người mà ông thứ trưởng này muốn thuyết phục có thể tin rằng lời nói của ông:
• Đúng là chính sách chung của nhà nước?
• Đúng là chính sách thật sự và nhân đạo của chính phủ?
• Đúng là hành động chân thành và đứng đắn của những người lãnh đạo quốc gia mà ông là người đại diện?
Khi có những người làm sai những điều ông nói, với cương vị là những người lãnh đạo có trách nhiệm về chuyện này, ông sẽ có thái độ gì để chứng minh rằng:
• Ông đúng họ sai hay?
• Họ đúng ông sai hoặc ?
• Chả ai đúng chả ai sai cả.!
Lời tuyên bố nhân đạo của ông đã bay đi khắp thế giới của người Việt hải ngoại và tỵ nạn cũng như của các nước khác, những người được nghe và là những người mà ông muốn thuyết phục, họ đang chờ đợi để được nghe câu trả lời của ông sau gần 50 năm chiến tranh chấm dứt.
Khi con người đã chết ở ngọn đồi đó, trên đồi hay dưới đồi, cờ đỏ hay cờ vàng, lúc nằm xuống, họ không còn là kẻ thù với nhau, chỉ còn lại những người còn sống, còn thở, còn suy nghĩ và còn hơn thua trên mặt đất mới còn lòng thù hận với nhau.
Câu chuyện này chỉ được viết ra để hỏi những người còn sống trên mặt đất nhất là ông Nguyễn Thanh Sơn, một câu hỏi duy nhất:
THẮP NHANG SAO MÀ VẪN CĂM THÙ NGƯỜI CHẾT!

Tại sao vậy?
blankblank
02/05/2023
NNP

Đồi Charlie: Người đi, linh hồn ở lại

Tuấn Khanh

Saigon Nhỏ

Chúng tôi chọn những ngày cuối năm để leo lên ngọn đồi lịch sử Charlie, bởi vào lúc này thời tiết không quá khắc nghiệt để lần mò được đến nơi. Mang theo trong chuyến đi, những thứ quan trọng nhất là rượu, hoa và nhang: quà cho những người mà thế hệ chúng tôi chưa từng biết mặt.

Máu xương người Việt…

Khác với việc thắp nhang ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nay nằm trong địa phận tỉnh Bình Dương, đường đi nghĩa trang không khó nhưng lại phải chịu sự dòm ngó và hạch hỏi của nhóm gác cổng do công an địa phương cắt đặt, còn đường đi đến đồi Charlie chỉ có núi rừng, vài tấm bảng chỉ đường phủ đầy bụi đỏ. Thi thoảng trên đường có bắt gặp vài người dân tộc Jarai hay Sedang.

 

Thầy An Trú, đến từ Huế, đang thắp nhang và cầu nguyện cho những linh hồn trên ngọn đồi Charlie

Charlie là một chóp đồi cao nằm giữa ba huyện Sa Thầy, Đắk Tô và Ngọc Hồi, thuộc tỉnh Kon Tum. Đường đi đến đó cheo leo và trắc trở. Chúng tôi đoán là trước năm 1975, hầu hết cuộc chuyển quân đều dựa trên không vận mới có thể nhanh và an toàn. Người Việt trong vùng gọi là Sạc-Li, dựa theo âm tiếng Anh, mà trong chiến tranh Việt Nam, cứ điểm cao 900m so với mặt nước biển được quân đội đặt tên, tạo thành tuyến phòng thủ và quan sát khu vực ngã ba Đông Dương. Nơi đây còn là vùng bảo vệ cho sân bay quân sự Phượng Hoàng và bản doanh bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 22 Bộ binh ở Tân Cảng của miền Nam.

Việc đặt tiểu đoàn 11 nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ ở đồi Charlie là một sự khó chịu vô cùng đối với quân Bắc Việt, vì mọi cuộc chuyển quân ở ngã ba Đông Dương hay từ Bắc vào, qua ngã này, đều có thể bị phát hiện. Cho nên, trong cuộc tổng tiến công năm 1972 của quân đội Bắc Việt, cùng với một phần của Mặt trận Giải phóng miền Nam, đồi Charlie là mục tiêu cần phải bị xóa sổ. Cái gai cần phải nhổ cho đường tiến quân thuận tiện từ Tây Nguyên xuống đồng bằng miền Nam.

 

Nhóm đi viếng chụp hình lưu niệm trước ngã ba đường – một bên là đồi Charlie cứ điểm 1015
và một bên là cứ điểm Delta 1049

Mùa hè 1972, người ta gọi đó là mùa hè đỏ lửa. Đỏ lửa là bởi sự nóng bức của thiên nhiên, cộng thêm súng đạn bay khắp nơi trong một cuộc tương tàn nhân danh giải phóng của chủ nghĩa cộng sản. Không có số liệu chính xác nào nói về thương vong của cả hai bên ở đồi Charlie, nhưng dựa trên phần sử liệu được công bố thì phía Việt Nam Cộng Hòa có tiểu đoàn 11 Song kiếm Trấn ải (tạm tính khoảng hơn 600 người) đối đầu với quân của sư đoàn 320 Bắc Việt (tạm tính khoảng gần hơn 7,000 người), chưa kể phía lực lượng Mặt trận Giải Phóng Miền Nam không được công bố, thì con số ít nhất thiệt mạng sau khi máy bay B-52 bỏ bom rải thảm tái chiếm, những thanh niên Việt Nam của cả hai bên thiệt mạng, ít ra cũng phải là 4,000 đến 5,000 người trong trận đó.

Điều đó, có nghĩa rằng chuyến đi mất gần ba tiếng di chuyển lên đến đỉnh đồi của chúng tôi, nơi đâu cũng có máu xương người Việt. Từng viên đá, từng khúc quanh, từng ngọn cây… chắc đều giữ lại phần bí mật nhất chưa bao giờ được kể lại về số phận không chỉ của từng con người, mà của một dân tộc phải chịu điêu linh vì cuộc chiến tranh màu lý tưởng cộng sản.

Ngọn đồi Charlie xanh mướt và lặng lẽ giữa thông xanh, trời mây và gió se sắt lạnh. Đầu ngõ vào cầu treo dẫn đến chân đồi, chính quyền địa phương đến hôm nay cũng chưa dám ghi rõ ràng về cuộc chiến này, mà chỉ đơn giản là “Di tích lịch sử của điểm cao 1015 Charlie và 1049 Delta” – khác với giọng điệu thường đắc thắng và kiêu ngạo sau 1975, khi mà những di tích thường có thêm các tấm bia ngợi ca sự anh dũng của quân đội Bắc Việt.

Nhưng ở Charlie, mất mát quá lớn có thể là điều nhà cầm quyền ngại ngùng không muốn nhắc tới. Hàng năm không chỉ có những chuyến xe từ Bắc vào Charlie để viếng người thân sinh Bắc tử Nam, mà chính người miền Nam đứng trên ngọn đồi ấy cũng ngậm ngùi: Ai, điều gì… đã xô đẩy khiến cho máu xương Việt Nam chia lìa và chôn vùi thảm khốc đến vậy?

“Đi thăm ông Trung tá Bảo à?”

Chúng tôi đi xe máy, sáu người chở nhau và tận dụng mọi sức lực tay chân để có thể đến đỉnh đồi, trước khi trời sụp tối. Có đoạn phải vừa nổ máy xe, vừa đẩy, có đoạn vứt bớt đồ lại vì quá mệt, mang vác không nổi. Đoạn đường vừa tạm hết lầy sau mùa mưa, lại khô, trơn và nhiều ổ gà và đá vụn. Mọi người trong đoàn có lúc mệt đến mức hoa mắt, tay chân bủn rủn, thở không được vì không khí ngày càng loãng. Anh B., người khỏe nhất trong nhóm, có lúc đứng lại chắp tay và cầu nguyện “Đã đến được đây, mấy anh phải giúp tụi em đến nơi thắp hương mời rượu cho mấy anh”.

Đã 45 năm rồi. Những ngôi mộ, nếu có, thì giờ cũng đã um tùm cỏ lau. Thịt xương cũng đã là rêu bụi. Chiến địa đã trở thành rừng xanh bao phủ trên núi, ôm kín mọi nỗi lòng. Đó là chưa nói nhiều thế hệ đã đi qua, không biết, hoặc bị tuyên truyền bóp méo tin tức về những người lính Việt Nam Cộng Hòa ở đây. Vậy mà mấy lần, gặp một người Jarai hay Sedang, thấy chúng tôi hồng hộc thở trên đường, họ cười thân thiện và hỏi “đi thăm ông Trung tá Bảo à?”.

Lạ lùng. Sao họ lại biết Trung tá Bảo nhỉ? Thậm chí bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có tên Người ở lại Charlie cũng không nhắc gì về tên của người chỉ huy tiểu đoàn Song kiếm Trấn ải này. Dù sau khi tử trận ở Charlie, Trung tá Nguyễn Đình Bảo (1936-1972) được truy phong đại tá, nhưng dân trong vùng vẫn nhớ về một vị Trung tá, giữa hàng ngàn người đã gửi lại hình hài ở nơi này.

Người ở lại Charlie

Trận chiến Charlie diễn ra trong một tuần, dữ dội. Quân đội Bắc Việt được điều động tiến vào Nam, số trang bị và nhân lực được kể là gấp sáu lần quân Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ. Một người lính miền Nam phải chống cự với 6-7 người lính miền Bắc. Pháo kích và tiến công biển người diễn ra cấp tập trong ba ngày đầu. Đạn pháo kích đã khiến Trung tá Nguyễn Đình Bảo tử trận vào ngày thứ hai (12-4-1972), các chỉ huy nối nhau thay quyền kiểm soát cũng tử trận liên tục.

Không chỉ tấn công mà mục tiêu của sư đoàn 320 còn là tiêu diệt cho được tiểu đoàn Song Kiếm Trấn Ải (theo nhà văn Phan Nhật Nam thì sau trận đồi Charlie, tiểu đoàn này mất 400 quân nhân) nên quân Bắc Việt bao vây và chặn đường mọi ngã. Thậm chí súng phòng không Bắc Việt còn được chuẩn bị để ngăn không cho trực thăng tiếp viện.

Sau khi không còn đạn dược và lương thực, những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa còn lại đã rút lui, nhường đường cho tốp máy bay B-52 bỏ bom hủy diệt toàn bộ phần Sư đoàn 320 đang tràn lên ở đây. Charlie phút chốc thành bình địa, kể cả những bộ đội từ Bắc vào, cho đến những thân xác còn nằm lại của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.

Mọi nỗ lực tấn công hao tổn về con người và súng đạn của phía quân chính quy Bắc Việt hoàn toàn thất bại. Có lẽ vì vậy mà trong wikipedia Việt ngữ nói về Sư đoàn 320, chiến sử Charlie đã không được ghi lại cũng như cũng cố ý không nhắc tới, trong các mục viết ca ngợi danh tiếng của Sư đoàn này.

Nói về trận đánh đó, vùng đất đó, nhà văn Phan Nhật Nam có viết trong bài Người ở lại Charlie: “Bi kịch không riêng đối với những người lính Tiểu Đoàn 11 Dù, qua lần đi khuất của Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo – Nhưng cũng là bi kịch của mỗi thân phận Người Miền Nam hiện thực qua hy sinh xả kỷ của Người Lính, sự chịu đựng âm thầm của Người Vợ-Đứa Con Người Lính. Nỗi Đau kia hằng mới vì Nỗi Đau Luôn Là Nỗi Đau Chung, cùng với những dấu tích kỳ diệu miên viễn của Tình Yêu trong đời sống trần thế giới hạn của nhân sinh” (trích)

Cuối năm 1972, quân đội Việt Nam Cộng Hòa có tổ chức dựng bia tưởng niệm trên đỉnh đồi để tưởng các quân nhân đã hy sinh trong cuộc chiến, và ghi nhớ nơi tử trận của Đại tá Nguyễn Đình Bảo. Nhưng rồi sau 1975, chính quyền địa phương theo lệnh từ Hà Nội đã cho đập phá tất cả. San bằng mọi thứ. Nhưng đáng ngạc nhiên, là chính nhà cầm quyền Bắc Việt cũng không hề dựng bất kỳ bia tưởng niệm nào cho hàng ngàn người lính của họ đã thiệt mạng ở nơi này.

Mãi cho đến giữa thập niên 1990, những đoàn thân nhân từ miền Bắc vào để viếng, nơi con em của họ đã để lại tuổi xuân trên ngọn đồi Charlie mới góp tiền cùng nhau dựng một bàn thờ, hương khói. Còn về những người miền Nam, không biết ai đó đã ùn một đống đất, tựa như một gò nhỏ, hay có thể là một nấm mộ tượng trưng cho những ai lên thắp hương cho Đại tá Nguyễn Đình Bảo và những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Và dù rất khiêm tốn, không có bia hay chữ ghi chú nào, nhưng mọi người đều biết nếu thắp nhang cho những người miền Nam, thì đến đó.

 

Tác giả trước bảng giới thiệu về đồi Charlie

Giải oan cho cuộc biển dâu này

Khi cả nhóm loay hoay trên ngọn đồi, lúc chiều xuống đậm rồi, vẫn không biết là nơi nào để hướng đến, thì chính một người trẻ tuổi địa phương bất ngờ có mặt xuất hiện trên đó chỉ giúp, “nơi của ông Bảo”, hay nơi để viếng những người cùng ông ngã xuống, cũng vậy.

Hương bay theo gió, những cánh hoa vàng phất phơ trên cỏ. Tôi chợt nhớ đến phần cuối trong Đồi gió hú của Emily Bronte, rằng “dưới những cành hoa phất ấy, những người nằm dưới nấm mộ ấy có thật sự yên nghỉ không?”. Không có ai trả lời tôi suy nghĩ đó, chỉ có tiếng gió rít qua từng hồi như tiếng thở than.

Con đường xuống núi nguy hiểm và khó khăn hơn cả lúc đi lên, vì chung quanh là bóng tối, đường lầy với cát khô và đầy khúc quanh đốc xuống thẳng đứng. Nhưng bên cạnh chuyện việc lo lắng đi ra, ai cũng mang theo một cảm giác kỳ lạ. Trận chiến Charlie lại sống động như mới hôm qua, những người Việt Nam nổ súng vào nhau như vẫn còn nghe tiếng đạn bay. Rừng núi âm u như vẫn chực chờ những cái chết vô định. Chúng tôi cảm nhận được hết mọi thứ và ngồi lại, kể với nhau khi ra đến bên ngoài.

Ký ức thường rồi dần sẽ phai mờ, sự khốc liệt của chiến tranh, máu và nước mắt rồi cũng khô cạn. Nhưng anh hùng tử, khí hùng bất tử, cái chết vì chính nghĩa bảo vệ miền đất tự do của những thanh niên miền Nam Việt Nam quyết bảo vệ vùng đất của mình vẫn được nhớ đến, vẫn phảng phất trong hương gió núi vùng Dakto, trong lời hát, bất ngờ hiện ra vào chiều sẩm tối ở đồi Charlie, khiến chúng tôi gai người – sự linh thiêng của núi sông là đây, của cha anh là đây, của nghịch cảnh tương tàn vì tham vọng cơ đồ là đây.

Đi trong đoàn có hai sư thầy trẻ, vừa là bạn tín ngưỡng, vừa là người đồng chí hướng. Nhang được đốt lên, hoa được đặt xuống mặt đất bằng. Chai rượu trắng được rót xuống cùng những lời cầu nguyện khác nhau. Anh V., đứng thẳng dáng gầy, tay chắp nhang ngang mày im lặng. Sự tôn nghiêm của anh làm hơi rượu như nồng hơn, sẻ chia như những vần thơ của Tô Thùy Yên:

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chén rượu hồng đây xin rót xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Giờ thì không có ai là kẻ thù, cần diệt trừ và không có nơi chốn nào, cần phải bị giải phóng. Chỉ có những con người nằm lại với nhau, xương thịt nằm lại trên cùng một mảnh đất, cùng ngửa mặt lên bầu trời đêm của ngọn đồi Charlie để thấy thương đau là tên gọi chung của tất cả. Tất cả thịt xương Việt Nam đã đến, đã hư không, chỉ còn linh hồn ở lại.

Chắc chắn rồi chúng tôi sẽ trở lại, rót rượu cho mọi người, không phân biệt là ai. Vì như có một lời hứa âm vang trong tim với những con người đã đến, thân xác ra đi nhưng linh hồn mãi mãi ở lại Charlie. Những người anh em Việt Nam đã chết trên đất nước, đem lại những điều quý giá. Có những người dạy cho thế hệ sau biết chính nghĩa quốc gia là gì, và có những người lại dạy cho chúng tôi biết cuộc tương tàn ấy đau đớn thế nào trong tham vọng chủ nghĩa.

Tháng 12-2020

_________

Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ, nay đăng lại nhân sự kiện miếu thờ Đại tá Nguyễn Đình Bảo bị đập phá. SGN, ngày 4-2-2023