Không nên kỳ thị ai đó chỉ vì xuất thân của họ và giới trẻ Việt Nam nên có cái nhìn cởi mở hơn, đừng để bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền, một số người Việt ở Mỹ là hậu duệ của Việt Nam Cộng hòa nói với VOA về việc ca sỹ Hanni bị nhiều bạn trẻ trong nước tẩy chay.
Ca sỹ Hanni, 19 tuổi, thành viên nhóm nhạc nữ New Jeans của Hàn Quốc, mới đây đã bị nhiều bạn trẻ Việt Nam tẩy chay vì họ phát hiện gia đình cô có liên hệ chặt chẽ với Việt Nam Cộng hoà và có những phát ngôn chống đối chính quyền cộng sản.
Một bạn trẻ trong nước nói với VOA rằng ‘Hanni đáng bị tẩy chay vì chắc chắn cô bị tiêm nhiễm tư tưởng phản động của gia đình’ và những người thuộc Việt Nam Cộng hòa trước đây ‘chống phá và gây đau thương cho đất nước nên bị căm thù’.
‘Không được dạy hận thù’
Từ Portland, bang Oregon, Mỹ, một sinh viên kế toán ở Đại học Oregon đồng trang lứa với ca sỹ Hanni là anh Từ Đức Thanh, 20 tuổi, nói với VOA rằng ‘xuất thân [background] không quan trọng gì cả’ trong việc đánh giá một con người.
“Kỳ thị vì gia đình cũng giống như kỳ thị về chủng tộc vì chúng ta đâu có được chọn gia đình hay chủng tộc để sinh ra?” anh lập luận.
Anh Thanh cũng có xuất thân giống như cô Hanni. Gia đình anh ba đời sống ở Mỹ. Ông nội anh, cũng như ông ngoại Hanni, là sỹ quan của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Bản thân anh sinh ra ở Mỹ và chỉ nói được bập bẹ tiếng Việt. Bên cạnh học đại học, anh còn đang được đào tạo làm sỹ quan không quân.
“Nếu gia đình mình thể hiện quan điểm chính trị nào thì không có nghĩa là mình cũng ủng hộ quan điểm đó,” anh Thanh biện hộ cho Hanni.
Anh nói anh chưa bao giờ nghĩ ông cha mình là ‘phản động’ hay ‘phản quốc’ như cách một bộ phận giới trẻ Việt Nam đánh giá những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa trước đây.
“Họ chỉ làm những gì mà họ phải làm vào thời điểm đó. Họ đã đi theo và chiến đấu cho những gì mà họ tin tưởng, đó là tự do và dân chủ,” anh Thanh nói và cho biết bản thân anh ‘rất tự hào về cha ông mình’.
“Ông cha tôi đã trải qua rất nhiều gian khổ để gia đình tôi có được như ngày hôm nay,” anh nói.
Nhìn nhận về thế hệ những người lính Việt Nam Cộng hòa trước đây, từ trải nghiệm của gia đình mình anh Thanh nói ‘họ phải đi chiến đấu là điều hết sức khó khăn’.
“Ông nội tôi đi chiến đấu, khiến cha tôi không có cha trong thời gian dài. Rồi sau khi chiến tranh kết thúc, ông tôi lại bị đưa đi học tập cải tạo, gia đình lại tiếp tục bị chia cắt. Cha tôi cũng không được gần gũi với ông tôi,” anh giãi bày.
Theo lời anh thì bất chấp quá khứ đau thương trong chiến tranh, anh ‘chưa bao giờ được ông cha dạy là phải căm thù cộng sản’. “Nói chữ thù ghét thì quá nặng nề. Chỉ là chúng tôi không đồng ý với chế độ của họ và cách họ quản lý đất nước,” anh nói.
Khi được hỏi về thái độ của thế hệ đi trước trong cộng đồng gốc Việt, anh nói ‘dễ hiểu vì sao họ vẫn còn thù hận vì họ đã trải qua những chuyện kinh khủng và đau thương dưới chế độ cộng sản’.
“Nhưng đối với thế hệ trẻ chúng tôi, tình cảm đó không được chuyển qua nhiều,” anh nói.
Ngay cả tư tưởng chính trị, anh Thanh nói anh cũng ‘không hề bị ảnh hưởng bởi cha, ông’. “Là người trẻ lớn lên ở Mỹ, chúng tôi phải học cách có quan điểm của riêng mình. Rất khó để chúng tôi chấp nhận quan điểm của ông, cha” anh giãi bày.
Anh nói anh ‘không có vấn đề gì’ trong việc giao lưu hay làm bạn với những người trẻ có gia đình là cán bộ cộng sản. Theo lập luận của anh thì cho dù ông cha họ có thể làm điều ác trong chiến tranh, nhưng ‘không có nghĩa là họ cũng như vậy’.
Tuy nhiên anh nói anh sẽ không thuyết phục họ về quan điểm chính trị vì ‘sẽ không đi đến đâu. “Họ thừa hưởng nền giáo dục trong chế độ nên quan điểm của họ là những gì họ được dạy dỗ hay thừa hưởng từ ông cha họ,” anh Thanh lý giải.
Bị nhồi sọ?
Cách anh Thanh một thế hệ, ông Lâm Sỹ, 61 tuổi, hiện là công chức nhà nước ở hạt San Diego, bang California, nói ông ‘hiểu tại sao giới trẻ Việt Nam có thái độ như vậy’ vì bản thân ông đã sống những tháng ngày niên thiếu dưới chính quyền cộng sản Việt Nam ở miền Nam sau năm 1975.
Khi đó ông Sỹ mới 13 tuổi. Sau nhiều lần vượt biên bất thành, cuối cùng ông cùng ba anh em trai cũng đến được Mỹ vào năm 1983. Ba ông, cũng như ông nội anh Thanh, là sỹ quan trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, sau chiến tranh phải đi cải tạo và sang Mỹ theo diện HO.
“Tôi từng sinh hoạt hội, đoàn ở khu phố, cũng từng bị nhồi sọ bằng những luận điệu rất ngược ngạo,” ông nói. “Tôi còn nhớ tôi đã nghe những lời kêu gọi chống đế quốc Mỹ, lên án Ngụy.”
“Những lời kêu gọi chống Mỹ nguỵ như vậy không có tác dụng. Nếu đất nước muốn phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật thì phải có đầu óc mở rộng, không hận thù.”
Do đó, ông nói những bạn trẻ trong nước kêu gọi tẩy chay Hanni là ‘trẻ người non dạ nên thiếu nhận thức’. “Tôi thấy rất thương cho các em. Các em đã bị nhồi sọ quá nhiều,” ông nói.
Ông chỉ ra thái độ kỳ thị với phía bên kia đã có từ lúc ông còn nhỏ, sống trong nước. “Thời đó tôi rất khó xin vào học các trường lớn, còn đi xin việc thì bị xét lý lịch,” ông cho biết.
Cũng như anh Thanh, ông Sỹ nói ông ‘kính mến cha’ và ‘tự hào về gia đình’. Ông bác bỏ lập luận cho rằng những người lính Cộng hòa như cha ông là ‘phản quốc’ còn ‘cộng sản là chính nghĩa’.
“Nếu cộng sản có chính nghĩa thì sau năm 75 họ phải tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn chứ đằng này tôi chỉ thấy những hình ảnh họ chở đồ của miền Nam ra miền Bắc, rồi họ đánh tư sản, đổi tiền, đuổi người dân khỏi thành phố vào vùng kinh tế mới, đưa nhiều người chế độ cũ đi học tập cải tạo,” ông phân tích.
“Ngay cả bây giờ, ở Nhật hay Hàn, quân Mỹ vẫn đóng ở đó bao nhiêu năm nay và đất nước người ta vẫn phát triển thì họ có gì là phản quốc? Chẳng lẽ những nước đó là thù địch với Việt Nam? Tại sao hàng ngàn người Việt Nam qua những nước thù địch đó học tập hay xuất khẩu lao động?” ông lập luận.
Do đó, nếu có cơ hội gặp và nói chuyện với các bạn trẻ trong nước, ông Sỹ cho biết ông sẽ nói rằng ông ‘tự hào về nền văn hóa tự do của miền Nam nên mới sản sinh ra những trí thức, những văn nghệ sỹ xuất chúng’.
“Giả sử các em ngày hôm nay được sang các nước Âu-Mỹ để sinh sống hay du học thì chẳng lẽ các em nhìn thấy người Việt cầm cờ vàng rồi các em tẩy chay thì cũng mệt cho các em lắm,” ông nói.
Ông biện hộ cho Hanni rằng cô sinh ra ở một đất nước tự do nên khi lớn lên ‘cô có quan điểm độc lập không bị ảnh hưởng của gia đình’ nên ‘không có lý do gì để lấy gia đình Hanni ra để đánh giá cô ấy’ trừ phi chính bản thân Hanni thể hiện quan điểm chính trị.
Ông Lâm Sỹ lấy dẫn chứng từ bản thân ông – nhận thức chính trị của ông ‘không hề bị ảnh hưởng từ cha’.
“Trước 1975 thì tôi còn quá nhỏ. Sau 1975 ba tôi đi học tập cải tạo nên tôi có được ở cạnh ba đâu,” ông giải thích. Đến ngày rời Việt Nam sang Mỹ, trong đầu ông mới hình thành tư duy chính trị với những gì mà ông chứng kiến, ông cho biết.
‘Không kỳ thị cộng sản’
Khi được hỏi ông có kỳ thị cộng sản như những người cộng sản trong nước kỳ thị cộng hòa hay không, ông Sỹ nói: “Nếu tôi gặp một người Việt Nam bình thường thì chắc chắn tôi sẽ tay bắt mặt mừng không nhất thiết thái độ chính trị của họ là gì trừ phi họ áp đặt tư tưởng của họ lên bản thân tôi thì tôi sẽ phản kháng.”
Ngay cả khi làm bạn với những người có gia đình là cộng sản thì ‘cũng không thành vấn đề’ đối với ông nếu ‘bản thân họ không là gì (không thể hiện quan điểm cộng sản)’. “Du học sinh Việt Nam qua đây tôi tiếp xúc đâu có phân biệt gia đình các em đó là như thế nào đâu,” ông dẫn chứng.
Về việc chống Cộng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, với việc tẩy chay những văn nghệ sỹ từ trong nước sang Mỹ trình diễn hay lên án những ca sỹ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn là ‘phục vụ cho cộng sản’, ông Sỹ nói bản thân ông ‘không chống đối giao lưu văn nghệ giữa hai bên’.
Ông chỉ ra trường hợp ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng bị cộng đồng Việt Nam tẩy chay, biểu tình phản đối vì ‘Đàm Vĩnh Hưng hát những bài ca ngợi Đảng, Đoàn gì đó nên họ không thích’.
“Họ sợ cộng sản nên họ mới bỏ chạy ra nước ngoài mà còn tuyên truyền cho cộng sản nữa thì họ ghét là phải rồi,” ông lý giải. “Rất nhiều ca sỹ Việt Nam qua Mỹ hát mà có ai chống đối đâu.”
“Khi qua đến Mỹ tôi mới thấy hầu như không có sự phân biệt giữa người với người. Điều đó quá khác thời tôi còn ở Việt Nam. Đó là một xã hội đấu tố, người Việt lên án người Việt vì khác biệt quan điểm chính trị chứ không coi nhau là đồng bào nữa,” ông chỉ trích.
“Bởi vậy nên tính ra đã gần 50 năm rồi mà Việt Nam vẫn không hể hàn gắn vết thương chiến tranh.”