Mục lục
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chân dung một trí thức Việt
Người Việt tại nhiều nơi trên thế giới đón nhận tin tức về sự ra đi của giáo sư Ngô Vĩnh Long với nhiều suy nghĩ khác nhau. Ông từng là một trong những học giả hàng đầu đưa ra những lý luận thực tiễn về vấn đề chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và cảnh báo công khai những âm mưu của Bắc Kinh. Những nghiên cứu của ông được nhà nước Việt Nam theo dõi, nhưng ông cũng từng bị cấm về Việt Nam sau 1975.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long sinh năm 1944, tại Vĩnh Long. Tên của ông lấy từ địa danh ông sinh ra. Gia đình ông là người Bắc (Ninh Bình) di cư vào Nam. Ông Ngô Vĩnh Long là người Việt đầu tiên tốt nghiệp Đại học Harvard của Hoa Kỳ. Sau khi lấy bằng tiến sĩ về lịch sử Đông Á và Viễn Đông tại Harvard, ông làm Tổng Giám đốc Trung tâm tài liệu Việt Nam ở Cambridge và sau đó là giáo sư Đại học Maine.
Năm 2000, ông về dạy cấp đại học ở Việt Nam một giai đoạn ngắn, trong khuôn khổ chương trình Fulbright. Theo lời ông kể với bạn bè, dù chỉ là giảng dạy về kinh tế thế giới, nhưng hầu như ông luôn bị mật vụ theo sát và cuối cùng không quay trở lại. Trước đó, năm 1979, ông được mời về nghiên cứu tình hình nông nghiệp ở Hà Tây. Ông đã chỉ ra chính sách nông nghiệp hợp tác xã của Hà Nội là thất bại. Viết trên BBC Việt ngữ, tác giả Joaquin Nguyễn Hòa có tiết lộ về mối quan hệ giữa ông Long và Hà Nội rằng “Hà Nội lại cấm cửa không cho Ngô Vĩnh Long về nước, mà cũng không rõ lý do gì (những chuyện như thế thường không có lý do!). Anh Long kể với tôi rằng anh thoát bàn tay công an Việt Nam trong gang tấc nhờ một người bạn che chở trong một lần về Việt Nam”.
Theo đánh giá của giới trí thức cùng thời, giáo sư Ngô Vĩnh Long được chính quyền ưa chuộng vì quan điểm công dân yêu nước, chống sự xâm lấn Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng khó chịu vì sự nhận định không khoan nhượng của ông về chế độ cầm quyền cộng sản. Nói trên BBC vào năm 2013, ông khẳng dịnh là “Đảng đang làm ‘mất thời gian’ của nhân dân và các giới trong xã hội khi cố tình trì hoãn cải tổ thể chế, chính trị qua việc tiếp tục không ‘gạt bỏ’ điều 4 về vai trò độc tôn của Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và toàn thể xã hội ra khỏi Hiến pháp”.
Ông đưa ra các lý do cốt lõi về việc Bắc Kinh chiếm Hoàng Sa, và Hà Nội đã ngây thơ ủng hộ cuộc xâm lược đó ngay từ đầu, rằng Bắc Kinh đã âm mưu chiếm biển Đông từ nhiều thập niên trước cho mưu đồ bá quyền. Trong hội thảo về Hoàng Sa tại Harvard ngày 11 Tháng Một 2014, ông khẳng định “Trung Quốc lấy nốt Hoàng Sa rồi để từ đó mới nói rằng Trung Quốc có lãnh hải mấy trăm dặm, thành ra, gây tranh chấp khắp khu vực. Trung Quốc gây sự, chiếm chỗ này, chiếm chỗ kia, để mà người ta phải tới để điều đình với Trung Quốc. Khi mà tới nói chuyện với Trung Quốc thì Trung Quốc tuyên bố chỉ nói chuyện song phương thôi, chứ không nói đa phương. Trung Quốc dùng sức mạnh của các nước lớn để ăn hiếp các nước nhỏ”.
Trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, được phủ bằng tấm khăn thêu đẹp đẽ về mối quan hệ hữu nghị, có những điều cần phải nói rõ thì Hà Nội lại phải mượn lời của “người thứ ba”. Thay vì tự vạch trần thì Hà Nội mượn ngôn ngữ của những người như giáo sư Ngô Vĩnh Long. Ngày giáo sư Ngô Vĩnh Long ra đi, báo chí nhà nước viết nhiều bài về ông, trên nền tảng vấn đề biển Đông và chủ quyền quốc gia trong tương lai. Nhưng không có tờ báo nào nhắc đến những ngôn luận như ông từng nói trên BBC vào năm 2020: “Tình trạng chuyên quyền và sử dụng quyền lực một cách độc đoán có thể nói lại càng ngày càng tăng… Chính quyền hiện nay chuyên quyền hơn, nhưng không phải một cách mù quáng. Sự chuyên quyền hiện nay không phải vì cộng sản hay không cộng sản mà vì lợi ích là phần nhiều”.
Cần nói thêm, việc khen ngợi ông Long của chính quyền Việt Nam là cách lợi dụng quen thuộc của họ sau 1975, đối với những trí thức mà họ không thể hoàn toàn thu phục hoặc biến thành công cụ của mình. Khi ngừng tiếng súng, nhiều trí thức miền Nam hy vọng có thể dùng khả năng mình để phục vụ đất nước thời hòa bình, hy vọng xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn. Nhưng để rồi sau đó phải chấp nhận sự thật rằng cộng sản không thể thay đổi. Nhiều người chọn cách ra đi hoặc từ chối đứng cùng hàng ngũ, theo nhiều cách khác nhau.
Nhiều ý kiến không thích giáo sư ngô Vĩnh Long vì ông từng tham gia các thành phần phản chiến ở Việt Nam, tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có thể thấy rằng giáo sư Ngô Vĩnh Long là người sống với chủ nghĩa yêu nước thuần túy theo quan điểm cá nhân và không thuộc về bất kỳ chủ nghĩa hay lý tưởng nào. Bi kịch cuộc nội chiến Việt Nam với phần thắng thuộc về phía xâm lược khiến quan điểm của những thành phần yêu nước, không thuộc về cộng sản cũng không thuộc về cộng hòa, trở thành chủ đề của những chỉ trích. Không ít trí thức Việt Nam đã rơi vào hoàn cảnh này.
Cho đến khi qua đời, giáo sư Ngô Vĩnh Long đã viết nhiều công trình nghiên cứu. Ông cũng là gương mặt quen thuộc của các diễn đàn về những vấn đề chính trị và ngoại giao quốc tế được tổ chức tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Sự ra đi Ngô Vĩnh Long là một mất mát cho thế hệ trí thức người Việt bên ngoài quê hương – một thế hệ luôn ưu tiên nghĩ về dân tộc và đất nước nhưng không thể sống cùng chế độ cộng sản.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời ở tuổi 78
Nguồn: Seth Mydans, “Ngo Vinh Long, Lightning Rod for Opposing the Vietnam War, Dies at 78,” New York Times, 23/10/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Sau khi thoát khỏi nguy cơ bị bắt ở Việt Nam vì quan điểm phản chiến, Ngô Vĩnh Long trở thành người Việt phản chiến nổi bật nhất tại Mỹ.
Ngô Vĩnh Long là một học giả người Mỹ gốc Việt tích cực tham gia chính trị, đồng thời là một cây bút rất sung sức. Trong và sau Chiến tranh Việt Nam, tính thẳng thắn đã khiến ông thường xuyên bị đe dọa và thậm chí đã có lần bị ám sát hụt. Ngày 12/10 vừa rồi, ông qua đời tại Bệnh viện Thánh Joseph ở Bangor, Maine, hưởng thọ 78 tuổi.
Nguyên nhân là bệnh ung thư gan – Ngô Vĩnh Hội, con trai ông – cho biết.
Trước khi trở thành giáo sư sử học tại Đại học Maine, Ngô Vĩnh Long là sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại Đại học Harvard vào những năm 1960, sau khi tránh được việc bị bắt giữ ở Việt Nam, nơi ông đã khiến chính quyền Nam Việt Nam tức giận vì dám lên tiếng và biểu tình phản đối chiến tranh.
Trong những thập niên sau đó, ông tiếp tục hoạt động chính trị tại Mỹ và đã bị tấn công bởi những lời chỉ trích gay gắt mà ông cho rằng đã gây đau đớn và làm tổn hại đến sự nghiệp của ông.
Ngô Vĩnh Long đã thu hút sự chú ý ngay khi ông hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Logan ở Boston vào tháng 10/1964, khi ông cảnh báo các phóng viên rằng, dù có mất bao lâu đi chăng nữa, “người Việt Nam cũng sẽ không nhượng bộ”.
Đó là những lời lẽ khiêu khích và mang tính dự báo trong những năm đầu của cuộc chiến, và ông đã nhanh chóng trở thành người Việt Nam nổi bật nhất tại Mỹ trong chiến dịch phản chiến.
Ông bắt đầu đi diễn thuyết khắp nước Mỹ ngay trong năm đầu tiên đến Harvard, theo một chương trình giảng dạy về phản chiến, tham gia nhiều buổi diễn thuyết (teach-ins) với hai nhà hoạt động nổi tiếng Howard Zinn và Noam Chomsky.
“Ông ấy nói và viết để phản đối chiến tranh vào thời điểm thậm chí còn chưa có nhiều người Việt Nam sống ở Mỹ,” sử gia Christian G. Appy viết về Ngô Vĩnh Long trong cuốn lịch sử truyền miệng, Patriots: The Vietnam War Remembered From All Sides (Những người yêu nước: Chiến tranh Việt Nam từ mọi góc nhìn)
Chưa đầy một năm sau khi đến Mỹ, Ngô Vĩnh Long đã hỗ trợ các sinh viên Harvard tham gia một cuộc biểu tình phản chiến lớn ở Washington, D.C.
Sau đó, khi vẫn còn là nghiên cứu sinh, vào tháng 02/1972, ông tham gia vụ chiếm đóng lãnh sự quán Việt Nam Cộng hòa tại New York.
Tại Harvard, ông có các buổi thảo luận riêng với hai giáo sư, Samuel Huntington và Henry Kissinger, những người đóng vai trò nổi bật trong việc hoạch định chính sách của Mỹ ở Việt Nam, thách thức quan điểm ủng hộ chiến tranh của họ.
“Tôi đã cố gắng chứng minh với họ rằng Mỹ chỉ có thể thắng cuộc chiến bằng cách hủy diệt Việt Nam hoàn toàn, và họ không nên làm điều đó,” ông nói với Appy. “Cả Huntington và Kissinger đều nói, ‘Long, cậu thực sự quá ngây thơ. Mỗi quốc gia, giống như mỗi con người, đều có ngưỡng chịu đựng, Việt Nam cũng vậy thôi.’’”
Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, khi hàng trăm ngàn người Việt tị nạn tràn đến Mỹ, Ngô Vĩnh Long đã trở thành mục tiêu bị chính những đồng bào Việt Nam của ông đe dọa, một vài người trong nhóm này cáo buộc ông ủng hộ chính quyền Cộng sản Việt Nam.
Năm 1981, trong một buổi nói chuyện tại Harvard về Việt Nam thời hậu chiến, hàng trăm người Mỹ gốc Việt đã tụ tập để lên án và ném bom xăng vào Ngô Vĩnh Long, nhưng may là chúng không phát nổ. Vị giáo sư liên tục nhận những lời dọa giết, và trong suốt một năm sau đó, ông đã phải liên tục thay đổi nơi ở.
Lời lẽ của Ngô Vĩnh Long dường như có chủ đích kích động.
“Chính phủ này đã trở thành một trong những chế độ đàn áp nhất trên thế giới, vì những tội ác mà họ đang gây ra ở Việt Nam,” ông nói tại một cuộc biểu tình ở Đại học Nam Illinois vào ngày 28/04/1972, nơi ông được ‘chào đón’ bằng những câu khẩu hiệu như “Đả đảo Ngô Vĩnh Long!”
“Tôi đã trở thành tâm điểm của tất cả những sự thù hận và những vụ tấn công,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Writing Vietnam, một hội thảo tổ chức vào năm 1999 tại Đại học Brown. “Vậy nên, trong 20 năm tiếp theo, từ 1975 đến 1995, cuộc sống của tôi là địa ngục.”
Ông nói rằng những lời chỉ trích đã làm tổn hại đến sự nghiệp của mình, nhưng “đó là cái giá mà bạn phải trả khi bạn muốn trở nên có ích”.
Ngô Vĩnh Long sinh ngày 10/10/1944, tại tỉnh Vĩnh Long, miền Nam Việt Nam, và được đặt tên theo nơi sinh của ông. Cha ông, Ngô Ngọc Tùng, là nhân viên đường sắt, người đã cùng với mẹ ông, Hồ Thị Ngọc Viên, kêu gọi phản đối chiến tranh.
Cha mẹ ông thường xuyên phải trốn chạy, để cậu con trai Long chăm sóc cho 7 đứa em của mình. Tám anh em đã phải vật lộn để tự kiếm ăn, “có lẽ đó là lý do tại sao tôi thấp hơn bố tôi khoảng 15 – 18 cm.”
Ông cho biết, hồi năm lên sáu, ông đã cùng cha đi bộ 160 km đến thủ đô Sài Gòn để tìm những cuốn sách viết bằng tiếng Anh. Họ đã mua tiểu thuyết của Charles Dickens, sau đó quay về nhà và dành một năm để đọc hết cuốn “Những kỳ vọng lớn lao.”
“Chúng tôi đã học thuộc từng từ, từng câu, từng trang,” ông chia sẻ trong cuốn lịch sử truyền miệng. “Đó là cách tôi học tiếng Anh.”
Năm 16 tuổi, Ngô Vĩnh Long được thuê để đi khắp Việt Nam, cùng với một nhóm làm bản đồ cho quân đội Mỹ.
Sự tàn phá và bất công mà ông chứng kiến đã khiến ông chống lại chiến tranh, và vào năm 1962, ông từ chức và tham gia một phong trào phản chiến của sinh viên. Đối mặt với nguy cơ bị bắt, ông đã viện đến sự giúp đỡ của các quan chức Mỹ mà ông kết bạn để có được thị thực xuất cảnh rời Việt Nam.
Để duy trì tư cách sinh viên, theo đó cho phép ông ở lại Mỹ, Ngô Vĩnh Long đã trì hoãn việc hoàn thành chương trình học của mình tại Harvard, mãi đến năm 1978 mới lấy bằng Tiến sĩ về Lịch sử Đông Á và Ngôn ngữ Viễn Đông. Ông trở thành thường trú nhân Mỹ vào năm 1976, sau đó trở thành công dân Mỹ vào năm 1991.
Năm 1985, ông bắt đầu công việc giảng dạy toàn thời gian đầu tiên của mình, là giáo sư lịch sử tại Đại học Maine, đồng thời vẫn phát biểu và xuất bản về các vấn đề liên quan đến Việt Nam và khu vực.
Trong số hàng trăm công trình đã xuất bản của ông có các chuyên khảo như Before the Revolution: The Vietnamese Peasants Under the French (Trước Cách mạng: Nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc) và Vietnamese Women in Society and Revolution: The French Colonial Period (Phụ nữ Việt Nam trong xã hội và cách mạng: Thời kỳ Pháp thuộc.)
Ông đã gặp và kết hôn với người vợ đầu tiên của mình, Nguyễn Hội Chân, khi đang học tại Harvard, còn bà là một sinh viên Việt Nam tại Đại học Radcliffe. Họ ly hôn vào năm 1992. Năm 1998, ông kết hôn với người vợ thứ hai, Nguyễn Mai Hương, và sống cùng bà cho đến nay.
Những người còn lại trong gia đình ông gồm Ngô Vĩnh Hội, con trai, và Ngô Thái Ân, con gái, từ cuộc hôn nhân đầu tiên, cùng với hai con trai từ cuộc hôn nhân thứ hai, Ngô Vĩnh Thiện và Ngô Vĩnh Nhân; ngoài ra còn có hai người cháu.
Trong những năm qua, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thường xuyên về Việt Nam giảng dạy và thuyết trình. Trong năm học 2000-2001, ông đã giảng dạy một số khóa học tại Hà Nội với tư cách là học giả Fulbright.
Trong bài đăng cuối cùng của mình trên Facebook, chỉ 11 ngày trước khi mất, ông mô tả lại một căn bệnh về mắt chưa được chẩn đoán, vốn đã khiến ông giảm thị lực.
“Cái khổ là mùa thu nầy lá cây sẽ rất rực rỡ, nhưng tôi không biết tôi có thể đi chụp ảnh hay không,” ông viết.
Seth Mydans là phóng viên của The New York Times và The International Herald Tribune từ năm 1983 đến năm 2012. Hiện ông vẫn viết bài cho The New York Times.
Vĩnh biệt anh Ngô Vĩnh Long, một người yêu nước
Joaquin Nguyễn Hòa, gửi từ San Jose, California
Tôi biết tin anh Long qua đời qua trang Facebook của anh Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose. Giáo sư Trần Hữu Dũng ở Ohio xác nhận với tôi rằng anh Long qua đời vì bệnh ung thư gan lúc 5:30 sáng ngày 12/10/2022, thọ 78 tuổi.
Anh Ngô Vĩnh Long là giáo sư sử học, trường đại học Maine, anh tốt nghiệp đại học lừng danh Harvard, anh là bình luận gia nhiều vấn đề quan hệ quốc tế và Việt Nam, anh là thủ lĩnh phong trào phản chiến trong chiến tranh Việt Nam, anh từng chiếm đóng tòa lãnh sự Việt Nam Cộng hòa tại San Francisco,…
Tất cả những điều ấy, mọi người đều biết, và cũng có nhiều người chỉ trích, mắng chửi,…
Tôi không muốn lặp lại những điều ấy, chỉ xin kể lại đây những kỷ niệm cá nhân với anh Long.
Tôi biết anh Long khi còn làm phóng viên cho trang RFA Việt ngữ, khi cần những bình luận về tình hình Việt Nam, cũng như quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều tôi ấn tượng nhất khi phỏng vấn anh Long, hoặc khi chuyện vãn bên lề, là anh có hai nét bề ngoài có vẻ rất mâu thuẫn với nhau, một giọng nói khá yếu, đến mức có khi như thều thào, và một giọng cười rất sảng khoái và mạnh mẽ.
Chỉ sau vài lần trò chuyện, có lẽ anh Long cũng có cảm tình với tôi, anh mời tôi đến chơi với anh ở Bangor, Maine.
Anh đón tôi vào một ngày cuối đông. Từ trong sân bay, tôi thấy anh xăm xăm bước qua đống tuyết còn bề bộn, đi vào sảnh, dáng đi hồn nhiên như một đứa trẻ. Anh chở tôi đến ngay một tiệm bán … tôm hùm. Và buổi trưa hôm đó, câu chuyện dài dằng dặt của chúng tôi, đúng hơn là câu chuyện của anh, bắt đầu, kéo dài đến gần một tuần, bên ly rượu Sauternes, một loại vang cất từ nho mốc trên cành, mà anh cho tôi biết là rất “bắt” với tôm hùm và… lẩu mắm.
Tên của anh được đặt theo tên cái thị xã mà anh sinh ra, thị xã Vĩnh Long, nơi cha anh theo kháng chiến chống Pháp trong mặt trận Việt Minh. Ông cụ không phải là một đảng viên cộng sản, mà còn xa hơn nữa, sau năm 1954, cụ trở thành một tín hữu Tin Lành. Chính ông cụ là người bày cho anh cách học thuộc lòng các cuốn tiểu thuyết bằng Anh ngữ để học tiếng Anh. Và bằng cách đó anh đã đủ tiếng Anh để đại học Harvard lừng danh của Mỹ chấp nhận.
Ngoài chuyện có cha là người theo đạo Tin Lành, cũng không có nhiều người biết rằng trong gia đình anh Long còn có một nữ sĩ quan công binh, Danielle Ngô, vị chỉ huy một lữ đoàn công binh và cũng là nữ giới đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ.
Bà Danielle Ngô gọi anh Long là cậu ruột. Gia đình bà bỏ chạy khỏi Sài Gòn đúng ngày 30/4/1975, và được anh Long bảo trợ đến Mỹ. Đó là những năm rất vất vả với người tị nạn Danielle Ngô mới được vài tuổi, mà cũng là những năm rất vất vả với người phản chiến Ngô Vĩnh Long, hết bị dính tới vụ án Trương Đình Hùng (con trai bác sĩ Trương Đình Dzu từng là ứng viên tổng thống Việt Nam Cộng hòa), rồi lại bị ám sát hụt trong khuôn viên đại học Harvard.
Sau đó, Hà Nội lại cấm cửa không cho Ngô Vĩnh Long về nước, mà cũng không rõ lý do gì (những chuyện như thế thường không có lý do!). Anh Long kể với tôi rằng anh thoát bàn tay công an Việt Nam trong gang tấc nhờ một người bạn che chở trong một lần về Việt Nam.
Chuyện nước là thế, chuyện nhà cũng không suôn sẻ gì với cuộc hôn nhân đầu tiên gãy đổ. Nhưng có lẽ trời cũng bù lại cho tính cách hồn nhiên của anh bằng những đứa con rất giỏi giang, hai người con lớn rất thành đạt, còn cậu út, cũng tài hoa như cha, là một tay guitar cự phách, và tốt nghiệp đại học chỉ sau hơn hai năm.
Dĩ nhiên đối với kẻ hậu sinh như tôi thì những câu chuyện về các nhân vật phản chiến luôn là một sự hấp dẫn. Câu chuyện anh Long kể về nhân vật Nguyễn Thái Bình (bị an ninh Mỹ bắn chết vì cướp máy bay), làm tôi ngạc nhiên với lời bình luận của anh, “Bình tốt lắm, nhưng giao du với các nhóm quá tả”. Dần về sau, giữa những biến động xã hội, chính trị Mỹ, tôi thậm chí thấy rằng Ngô Vĩnh Long chưa chắc đã tả bằng nhiều thanh thiếu niên người Mỹ gốc Việt hiện nay.
Câu chuyện thứ hai làm tôi rõ hơn tính cách Ngô Vĩnh Long đến từ giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ở Virginia. Lần đó, giáo sư Hùng cho tôi xem những thư từ qua lại giữa chính quyền Mỹ với một số nhân sĩ trí thức người Mỹ gốc Việt, để chuẩn bị lộ trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tôi thấy có một bức thư ủng hộ kế hoạch H.O. (Humanitarian Operation) của người Mỹ nhằm đưa những người tù “cải tạo” sang Mỹ, trong số những chữ ký tôi thấy có Ngô Vĩnh Long. Kể chuyện này với anh Long, anh cười rất hồn nhiên như mọi khi, “các ông H.O. cứ réo tên tôi mà mắng chửi suốt ngày”.
Cách đây hơn một tháng, anh Long có sang San Francisco dự một cuộc hội thảo. Tôi có gọi cho anh để càm ràm là bạn bè gì tệ quá, sang mà không gặp. Anh cười hì hì giữa một cơn đau lạ đang hành hạ, anh kể với tôi là cô con gái lớn hoạt động xã hội ở Oakland, vẫn còn giận anh gì đó nên hai cha con không gặp nhau được. Hai anh em lại hẹn nhau lần sau với chai Sauternes, mà phải là lẩu mắm, chứ không phải tôm hùm.
Và sáng nay anh ra đi.
Anh Long không chính thức theo một tôn giáo nào, nhưng có lần chúng tôi đồng ý với nhau về tính hiện sinh của triết học Phật giáo. Anh có nhắc với tôi một số kỷ niệm với các nhà sư Việt Nam, như thiền sư Thích Nhất Hạnh. Anh không nổi tiếng như thiền sư, nhưng cũng có một số phận giữa hai làn nước từa tựa như thiền sư.
Có lần tôi hỏi ông T., một nhân vật nổi tiếng chống cộng tại Mỹ, nghĩ thế nào về Ngô Vĩnh Long? Ông T. nói: “Anh Long là một người yêu nước”.