Mục lục
Thể chế VNCH: Luôn cần nhìn lại một cách xác đáng
Alex-Thái Đình Võ
5 tháng 2, 2023
Biến cố 30 Tháng Tư 1975 mang lại sự đổi đời cho hàng triệu người Việt bởi những chính sách phân biệt và hà khắc của chính quyền mới như tù cải tạo, đánh tư sản, kinh tế mới, phân biệt lý lịch, v.v… Kết quả đã đưa đến việc nhiều người phải bỏ nước ra đi để tìm môi trường tự do và dân chủ hơn, với số đông tỵ nạn và định cư tại Hoa Kỳ.
Tuy đã gần 50 năm nhưng lịch sử Việt Nam của thế kỷ 20, lịch sử cuộc chiến Nam-Bắc, và lịch sử của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại vẫn chưa thật sự được nghiên cứu và hiểu rõ một cách tường tận và công bằng nhất có thể, bởi lịch sử được viết, ở Việt Nam hoặc ở Hoa Kỳ, đa số đều bị chi phối bởi thế lực chính trị của những người thắng cuộc và người có quyền lực.
Thành vì vậy, có nhiều giai đoạn và sự kiện trong lịch sử, cho đến bây giờ, vẫn còn bị bóp méo hoặc nhầm tưởng. Điển hình nhất là sự là sự bóp méo và nhầm tưởng về Việt Nam Cộng Hoà và những di sản của thể chế ấy, trong đó là sự chuyển tiếp của di sản mang tính cộng hoà (được phát triển trong thời Việt Nam Cộng Hoà) trong sự hình thành những cộng đồng người Việt tỵ nạn ở hải ngoại, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.
Vì lẽ đó, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ tại trường Đại học Oregon đã nỗ lực xuất bản hai công trình nghiên cứu quan trọng nhằm đặt nền tảng cho việc nghiên cứu kỹ, sâu, và công bằng hơn về những giai đoạn lịch sử đã từng bị xoá bỏ hoặc cố tình quên lãng.
Hai công trình nghiên cứu này là:
-Building a Republican Nation in Postcolonial Vietnam, 1920-1963 [Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Ở Việt Nam, 1920-1963] (NXB Đại học Hawaii, 2022);
–Toward A Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory [Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký Ức] (NXB Đại học Temple, 2023).
____________________
Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Ở Việt Nam, 1920-1963 là tập nghiên cứu do tiến sĩ Tường Vũ (Đại học Oregon) và tiến sĩ Nữ-Anh Trần (Đại Học Conneticut) đồng chủ biên và được nhà xuất bản Đại Học Hawaii xuất bản vào ngày 31 Tháng Mười Hai 2022.
Công trình này tập hợp mười một bài viết của các nhà sử học, khoa học chính trị, văn học và xã hội học (Peter Zinoman, Nguyễn Lương Hải Khôi, Martina Thucnhi Nguyen, Yen Vu, Duy Lap Nguyen, Jason A. Picard, Cindy Nguyen, Hoàng Phong Tuấn, Nguyễn Thị Minh, và Y Thien Nguyen), với cách nhìn và tư liệu lịch sử mới mẻ về sự phát triển của chủ nghĩa cộng hòa từ thời thuộc địa đến thời Đệ nhất Cộng hòa của Việt Nam (1955-1963).
Chủ nghĩa Cộng hòa là một xu hướng chính trị lớn của thế giới bắt nguồn từ Cách mạng Pháp và lan sang Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa thông qua các tác phẩm của các nhà tư tưởng Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu. Tư tưởng và tinh thần của Chủ nghĩa Cộng hòa đặt quyền lợi quốc gia trên hết, ủng hộ dân chủ, các quyền phổ biến của con người, quyền tự do chính trị và xã hội, và chế độ pháp trị.
Những ý tưởng này đã truyền vào suy nghĩ của các nhà cải cách và cách mạng Việt Nam từ những năm 1900 trở đi, trong đó có nhiều người đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Chủ nghĩa Cộng hòa cũng là một trong những nguồn cảm hứng chính cho việc thành lập Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam vào năm 1955. Các nhà lãnh đạo và các nhóm đã giúp thành lập nhà nước mới của Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và tích cực tranh đấu để biến lý tưởng của họ thành hiện thực trong một bối cảnh hậu thuộc địa cực kỳ khó khăn.
Do phe cộng sản với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga và Trung Cộng chiến thắng trong nội chiến với Việt Nam Cộng Hòa, các nhà báo và học giả phương Tây thường nhầm tưởng đảng cộng sản là đại diện chính thống duy nhất của dân tộc Việt nam trong lịch sử hiện đại. Thực sự những người cộng sản chỉ là một thiểu số rất nhỏ, và là thiểu số cực đoan nhất, trong hàng ngũ những người đấu tranh giành độc lập của Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 20.
Những người cộng sản không phải không có tinh thần dân tộc, nhưng họ coi đấu tranh giai cấp và tình đoàn kết vô sản quốc tế quan trọng hơn quyền lợi của dân tộc. Mặc dù cộng sản giành được quyền cai trị Việt Nam từ năm 1975, chủ nghĩa cộng hòa đã định hình sâu sắc Việt Nam hiện đại và ngày nay đang trở lại thách đố chế độ cộng sản với những yêu cầu dân chủ hoá và nhân quyền.
____________________
Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký Ức là tập nghiên cứu do tiến sĩ Linda Ho Peche (ViDDA), tiến sĩ Alex-Thái Đình Võ (Đại học Texas Tech), và tiến sĩ Tường Vũ đồng chủ biên và do Nhà xuất bản Đại học Temple xuất bản vào ngày 10 Tháng Hai 2023.
Với con số trên hai triệu người, người Mỹ gốc Việt là nhóm người tỵ nạn lớn nhất được tái định cư trong lịch sử Hoa Kỳ. Họ đang đóng góp nhiều vào sự phát triển xã hội, chính trị và kinh tế ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Tập sách này là một nỗ lực tiên phong trong việc xây dựng một cách tiếp cận tổng thể để nghiên cứu, giảng dạy, và học hỏi về cộng đồng năng động này. Đây cũng là quyển sách đầu tiên làm cầu nối giữa học thuật về ngành Lịch sử Việt Nam hiện đại với học thuật về người Mỹ gốc Việt (ngành Chủng tộc học).
Cuốn sách bao gồm 14 chương bên cạnh phần giới thiệu của chủ biên. Những tác giả (Y Thien Nguyen, Van Nguyen-Marshall, Wynn Gadkar-Wilcox, Tuan Hoang, Elwing Suong Gonzalez, Ivan V. Small, Christian Collet, Jennifer A. Huynh, Nguyen Vu Hoang, Hai-Dang Phan, Duyen Bui, Quang Tue Chan, Thien-Huong Ninh, Thuy Vo Dang) có bài trong sách đến từ nhiều ngành học khác nhau và trình bày những nghiên cứu mới nhất.
Đặt người Mỹ gốc Việt vào vị trí trung tâm, cách tiếp cận của chúng tôi lần theo lịch sử của cộng đồng này từ xã hội sôi động và nền văn hóa phong phú của miền Nam Việt Nam tự do, sau đó đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống cộng đồng người Mỹ gốc Việt bao gồm các chủ đề như quan hệ với các chủng tộc khác, hoạt động kinh doanh của phụ nữ, và đời sống chính trị với các hoạt động ở địa phương, trên phạm vi quốc gia và xuyên quốc gia. Phần thứ ba và phần cuối cùng tìm hiểu cách thức sáng tạo ra và lưu truyền trí nhớ và bản sắc tập thể trong cộng đồng.
Tập sách này là một nguồn tài liệu tuyệt vời để thiết kế các khóa học đại học về người Mỹ gốc Việt, hoặc làm tài liệu tham khảo cho các lớp sau đại học về ngành Hoa Kỳ học, Dân tộc học, Người Mỹ gốc Á, Lịch sử Việt Nam hiện đại, Chiến tranh Việt Nam, Người tỵ nạn, và Người di cư. Hiện tại không có tập sách nào khác có thể đóng vai trò này.
Để giới thiệu hai tập sách này đến quý đồng hương, trong thời gian tới tiến sĩ Tường Vũ và tiến sĩ Alex-Thái Đình Võ cùng một số tác giả cộng sự sẽ có những buổi ra mắt tại các cộng đồng người Việt ở Boston, Houston, Dallas, Atlanta, Washington D.C., và San Jose.
Ở Los Angeles và Orange County/Little Saigon sẽ có buổi nói chuyện tại Đại học UCLA vào chiều Thứ Năm, ngày 9 tháng 3, và hai buổi nói chuyện do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt tổ chức vào sáng và chiều Thứ Bảy, ngày 11 Tháng Ba 2023.
Mọi chi tiết về các buổi nói chuyện xin liên lạc tiến sĩ Alex-Thái Đ. Võ tại disanchientranhvietnam@ttu.edu.
__________
Building a Republican Nation in Vietnam, 1920-1963 [Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963] có thể mua tại:
__________
Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory [Hướng Tới Xây Dựng Ngành Học Người Mỹ Gốc Việt: Lịch Sử, Cộng Đồng, và Ký Ức] có thể mua tại:
Xem Thêm:
Nỗ lực xây dựng nền dân chủ thời VNCH
Học giả Mỹ gốc Việt và sách về 50 năm cộng đồng Việt
Phỏng vấn Giáo sư Tường Vũ – Chủ biên hai công trình nghiên cứu
Đoan Trang
3 tháng 3, 2023
Nhân dịp này, SGN có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với chủ biên của hai công trình nghiên cứu trên – Giáo sư Tường Vũ, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ, Trưởng khoa Khoa Chính trị Học tại Đại học Oregon.
Nói về hai quyển sách vừa được phát hành hồi Tháng Giêng năm 2023, Gs. Tường Vũ, cho biết:
Gs. Tường Vũ: Đây là hai quyển sách đặc biệt có giá trị, vì cộng đồng Việt ở Mỹ đã gần 50 năm, chiến tranh kết thúc cũng gần nửa thế kỷ, nhưng sách nghiên cứu về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất ít, rất sơ sài. Hai quyển sách là công trình nghiên cứu tương đối cơ bản về chủ nghĩa cộng hòa ở Việt Nam và lịch sử phát triển của cộng đồng người Việt tự do tại Mỹ, mà chúng ta có thể dùng trong trường học như giáo trình chính để giảng dạy cho học sinh trung học và sinh viên đại học, cũng như nghiên cứu sau đại học.
SGN: Theo giáo sư, việc quy tụ nhiều học giả người Mỹ gốc Việt tham gia công trình nghiên cứu tập thể này có đặc điểm gì mang ý nghĩa quan trọng?
Gs. Tường Vũ: Sách có sự đóng góp của các tác giả trẻ người Mỹ gốc Việt và một số học giả tại Việt Nam. Điều này có nghĩa: chúng ta viết về chúng ta. Hơn nữa, hiện nay có nhiều học giả người Mỹ gốc Việt nhưng hoặc không biết tiếng Việt, hoặc chỉ nói bập bẹ, nhưng hầu hết các tác giả trẻ của hai quyển sách này (14 trong số 17 tác giả) giỏi tiếng Việt, nghiên cứu lịch sử Việt và có cái nhìn thông cảm, hiểu biết đối với cộng đồng. Nếu viết về lịch sử của cộng đồng Việt mà không biết tiếng Việt, không dùng tài liệu tiếng Việt, thì cách họ viết và quan điểm sẽ là của người Mỹ, chứ không phải của đại đa số cộng đồng Việt.
Sự quy tụ nhiều học giả như thế cho thấy cộng đồng người Mỹ gốc Việt ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong xã hội Mỹ và cả ở Việt Nam.
SGN: Thưa, Ông nhận định thế nào về ngành học “Người Mỹ gốc Việt”?
Gs. Tường Vũ: “Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức” là một công trình mới mẻ. Nghiên cứu của các học giả trước về người Mỹ gốc Việt chỉ là từ năm 1975. Nếu thế, coi như chúng ta không có lịch sử gì cả, thậm chí lịch sử Việt Nam được nhìn dưới con mắt coi thường. Ví dụ như cách họ xem ‘chiến tranh Việt Nam là giữa Đế quốc Mỹ và dân tộc Việt Nam do cộng sản đại diện’, hay vì ‘Đế quốc Mỹ thua nên chúng ta mới có mặt ở đây’… Đại khái họ coi cộng đồng Việt ở Mỹ là vọng ngoại và không phải đại diện cho dân tộc Việt. Cách hiểu này sai lạc và có sự nhục mạ lý tưởng của người Việt ở Mỹ.
Ba chương đầu quyển sách nói về nền chính trị và văn hóa của VNCH mà người Mỹ gốc Việt đem sang Mỹ và tiếp tục có ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng, từ cách chúng ta sinh hoạt cho đến tổ chức cộng đồng. Tinh thần yêu nước và chống Cộng mạnh mẽ là một ví dụ: tinh thần này có lịch sử lâu dài ở Việt Nam trước khi Mỹ can thiệp. Đây là quan điểm mới mà chúng tôi hy vọng khi được vào trường học, các nhà nghiên cứu Mỹ gốc Việt và học sinh sinh viên có thể hiểu thêm về lịch sử cộng đồng Việt một cách đúng đắn hơn.
SGN: Phải mất bao lâu để hoàn thành được hai công trình đặc biệt này, thưa giáo sư?
Gs. Tường Vũ: Chúng tôi bắt tay thực hiện từ trước đại dịch COVID-19, và hoàn thành vào đầu năm 2023, có nghĩa phải mất 5 năm. Đầu tiên chúng tôi mời học giả tham gia và ấn định thời gian từ chín tháng đến một năm để họ viết, hoặc sửa bài (nếu đã có bài sẵn). Sau đó, các tác giả gửi lại để chúng tôi sửa vòng đầu, cũng như sắp xếp lại cách viết của các tác giả cho thống nhất. Kế đến chúng tôi tìm nhà xuất bản chuyên nghiệp và thực hiện đầy đủ các quy trình xuất bản sách ở đại học Mỹ. Khi nhận bản thảo, nhà xuất bản đầu tiên xem xét trước coi sách nghiên cứu có tốt không, đúng đắn không, thì mới tiếp nhận để đánh giá thêm.
Sau đó họ sẽ gửi bản thảo cho hai, ba học giả khác để bình duyệt kín. Những học giả này có thể biết chúng tôi, nhưng chúng tôi không được phép biết họ, để họ tự do phê bình một cách khách quan. Nếu các học giả chê, nhà xuất bản sẽ từ chối. Thời gian để các học giả đọc, nhận xét và viết bài phê bình kéo dài ít nhất từ bốn đến sáu tháng, có khi cả năm trời.
Sau khi có nhận xét và phê bình, nếu cần sửa chữa, tôi sẽ phải gửi lại cho các tác giả để họ làm điều này trong vòng vài tháng. Khi các bài đã hoàn chỉnh, tôi gửi lại nhà xuất bản đưa ra hội đồng quyết định có xuất bản hay không. Bước kế tiếp sẽ là sửa lỗi chính tả, văn phạm, trích dẫn, thiết kế, dàn trang và in ấn.
SGN: Cả hai quyển sách đều in bằng tiếng Anh. Thưa giáo sư, có cách nào cho độc giả muốn hiểu đúng đắn về lịch sử nhưng không biết tiếng Anh?
Gs. Tường Vũ: Trong tương lai chúng tôi có thể dịch hai quyển sách này sang tiếng Việt. Nhưng người không rành tiếng Anh, muốn hiểu về lịch sử người Mỹ gốc Việt có thể tham khảo quyển sách mà chúng tôi phát hành trước đây một năm, quyển: “Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975: Kinh nghiệm kiến quốc”.
Quyển sách này gồm 16 chương trong đó có 14 chương của 14 nhân vật nổi bật của VNCH như diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, nhà văn Nhã Ca, nhà báo Vũ Thanh Thuỷ, nhà văn Trùng Dương, ông Hoàng Đức Nhã, Tiến sĩ Võ Kim Sơn, Đại tá Trần Minh Công, ông Phạm Kim Ngọc…
Những nhân vật này kể về hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, báo chí của thời VNCH. Trong đó tôi tin có nhiều điều mà những người sống thời VNCH không phải ai cũng biết. Quyển sách rất sinh động, lý thú và toàn diện về VNCH.
SGN: Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ được thành lập năm 2019 nhằm khuếch trương nghiên cứu và giáo dục trong ba lãnh vực: cộng đồng người Việt ở Mỹ, quan hệ Việt-Mỹ, và Việt Nam đương đại. Sắp tới trung tâm có những hoạt động nào liên quan đến cộng đồng Việt tại Mỹ không, thưa giáo sư?
Gs. Tường Vũ: Sắp tới chúng tôi tổ chức hai hội thảo “50 năm người Mỹ gốc Việt” với những tư liệu bằng video rất có giá trị. Hội thảo sẽ mời những nhà hoạt động trong cộng đồng và các học giả trẻ để thảo luận về các vấn đề quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng. Hy vọng sau thảo luận chúng ta sẽ phát triển những suy nghĩ mới, giảm bớt bất hòa nếu có, và có thể làm việc chung với nhau vì lợi ích của cộng đồng.
Riêng với tour hội thảo và ra mắt sách sắp tới, chúng tôi mong nhận được sự đóng góp phản hồi của mọi người, nhất là các bạn trẻ, để tiếp tục thực hiện các sản phẩm tốt hơn trong tương lai. Hai quyển sách chỉ là khởi đầu, vì chúng tôi sẽ có những công trình lớn hơn với các đề tài mà chúng ta chưa nghiên cứu hết.
***
(*) Tour hội thảo và ra mắt sách bắt đầu ở Orange County, California vào ngày 11 Tháng Ba, tại Thư Viện Việt Nam: 10872 Westminster Ave #215, Garden Grove, CA 92843, gồm hai buổi: sáng tiếng Việt, chiều tiếng Anh.
Trước đó vào ngày 9 Tháng Ba, các tác giả có buổi nói chuyện tại UCLA, và vào ngày 10 Tháng Ba nói chuyện tại Westminster High School. Từ ngày 19 Tháng Ba, đến Tháng Sáu, 2023, các buổi hội thảo, ra mắt sách sẽ diễn ra tại Boston (Massachusetts), San Jose (California), Washington DC, và Dallas, Houston (Texas).