Seite auswählen

Trần Mai 

 

Hiệp hội chung sống với người nước ngoài (Nhật Bản) cung cấp

14.000 đô la Mỹ, khoảng trên 300.000 triệu đồng Việt Nam. Đây là khoản nợ mà L.T.T.L phải gánh để trả cho công ty môi giới, đổi lấy việc cô được sang Nhật làm việc theo dạng thực tập sinh kỹ thuật, hay còn gọi là tu nghiệp sinh kỹ năng. Cả hai tên gọi đều là uyển ngữ của xuất khẩu lao động tay nghề thấp.

L.T.T.L tại một phiên toà ở Nhật

 

 

Hai triệu – năm triệu đồng để sống tại Nhật

18 tuổi, L. bắt đầu làm việc trong một trang trại trồng quýt ở miền Nam Nhật Bản vào tháng 8.2018. Cô kiếm được 1.400 USD/tháng (150.000 yên, tương đương hơn 31 triệu đồng), nhưng gửi về nhà hầu hết số này để trả nợ và phụ giúp gia đình. Cô gửi đến 1.100 USD-1.200 USD (120.000 yên-130.000 yên) mỗi tháng, chỉ còn giữ 100 USD-200 USD (20.000 yên-30.000 yên), tức khoảng hơn hai triệu đến gần năm triệu đồng để chi phí cho cuộc sống của bản thân tại Nhật. 

Mức sống của L. được đánh giá là “vô cùng khó khăn” (theo  một tờ báo Nhật). 

 

Trung bình chi phí ăn uống, đi lại, thuê nhà… tối thiểu của thực tập sinh kỹ thuật như L., tại các vùng xa xa, có vật giá tương đối thấp hơn thủ đô Tokyo hay tỉnh Chiba… vào khoảng 50.000 yên-60.000 yên/tháng. 

 

Một cô gái vừa mới chạm ngưỡng cửa trưởng thành, vẫn còn trong tuổi đang lớn, nhưng phải gần như tuyệt đối bóp mồm bóp miệng, nhịn ăn nhịn tiêu để chi phí hàng tháng giảm xuống chỉ còn một nửa hoặc hơn 1/3 đôi chút. Mức sống này còn eo hẹp hơn ở Việt Nam.

Nhưng nếu hàng tháng không gửi đủ tiền về, số nợ gia đình L. đã lo cho cô đi Nhật sẽ tăng lãi suất, khiến tổng số tiền phải trả nhiều hơn. Đồng nghĩa với việc sau khi kết thúc mấy năm lao động, L. sẽ dành dụm được ít tiền hơn để mang về Việt Nam làm vốn làm ăn. 

 

Hoặc, như thường diễn ra-sau khi trả hết nợ, gia đình cô sẽ xây, sửa lại nhà cửa-nhà cửa của những người dân Việt Nam nghèo vùng nông thôn thường hết sức tạm bợ ọp ẹp. Xây nhà mới đồng nghĩa với việc mua sắm hoặc thay mới các phương tiện gia dụng khá đắt tiền, với những thứ được chọn lựa đầu tiên là xe máy-tivi-tủ lạnh-máy giặt-bếp ga… Tiếp theo là mua sắm nông cụ, nếu nhà làm nông. Mua thêm đất đai. Tiếp theo nữa có thể là dùng vốn để mở cửa hàng tạp hóa hay buôn bán nông sản, phân bón thuốc trừ sâu…v.v và từ giã nghề làm ruộng. Gia đình nào có con trai thì khi có tiền sẽ nuôi con tiếp tục đi học đến bậc đại học hoặc học nghề. 

 

Đó là cả một quá trình đổi đời lâu dài của toàn bộ người trong gia đình, có thể tính bằng chục năm. Tất cả quá trình đó phụ thuộc, trông đợi vào đồng tiền mà đứa con đang lao động ở nước ngoài gửi về.

 

Một gánh gia đình

Tại nhiều vùng làm nông nghiệp miền Bắc và miền Trung Việt Nam, xuất khẩu lao động đem về nhiều tiền cho quê hương đến nỗi nó được chính quyền xác định là một trong những thế mạnh kinh tế. Huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) có hơn 15.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về trên 200 triệu USD, tức khoảng gần 5.000 tỷ đồng. Số tiền này gấp 13 lần tổng thu ngân sách toàn huyện (khoảng 380 tỷ đồng vào năm 2020).

 

Nguồn ngoại tệ mạnh do những người con lao động xa xứ gửi về để xây nhà cửa đã khiến bộ mặt làng xóm thay đổi toàn diện. Xã Đô Thành ở huyện Yên Thành nằm gần núi, trước kia dân chỉ sống bám vào cây lúa, rất khó khăn, nhưng sau nhiều năm ồ ạt đi lao động nước ngoài thì giờ đã thành “làng tỷ phú” xứ Nghệ. Làng có hơn 4.000 hộ thì ¾ có nhà cao tầng hoặc biệt thự. Người lớn tuổi không phải làm ruộng nữa, hầu hết chỉ ở nhà chăm cháu nếu bố mẹ chúng đều đi lao động nước ngoài.  Hầu như mỗi gia đình đều có người đi lao động nước ngoài, có những nhà đi 3-5 người, cả con trai, con gái, rể, dâu. Đó là những tấm gương sáng rực động viên và cổ vũ cho những gia đình khác.  

 

Năm 2020, thu nhập bình quân của nông dân Việt Nam là 43 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu đồng/tháng (con số từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

 

18 tuổi, vẫn chỉ là đi làm nông nhưng L.T.T.L nhận được 1.400 USD/tháng tiền công. Theo tỷ giá USD trung bình là khoảng 31 triệu-33 triệu đồng. Nghĩa là gấp bảy tám lần 10 lần thu nhập bình quân nông dân ở Việt Nam. Nếu vẫn còn ở nhà, L. và gia đình có nằm mơ cũng không thể có. 

 

Chính vì thế, tuy phải thế chấp nhà đất vay ngân hàng cộng với vay nợ bà con họ hàng, thậm chí vay lãi nặng thêm để có đủ ba bốn trăm triệu cho một suất “đi đơn hàng” tại những nước có thu nhập cao, yêu cầu về nhân công tay nghề thấp như Nhật, thì hầu như mọi gia đình đều sẵn lòng. 

 

Lời xin lỗi nghẹn ngào vì “đường đi nước ngoài không thành”

Cuối năm 2019, thảm kịch 39 người Việt Nam chết trong thùng một chiếc xe tải đông lạnh ở Anh đã gây chấn động thế giới. Trong số các nạn nhân có 10 thanh thiếu niên, hai em nhỏ nhất 15 tuổi, một em 17 tuổi, bốn em 18 tuổi và ba em 19 tuổi. Những người còn lại ở độ tuổi 20-35, người lớn nhất 44 tuổi-đều trong lứa tuổi lao động. 

 

Chúng tôi đã cố gắng lần tìm thông tin và nói chuyện với người nhà của một số nạn nhân. Có những người đã ở vài nước Đông Âu vài năm, làm nhiều công việc chân tay khác nhau trước chuyến đi này. Vợ của một số người đàn ông cho chúng tôi biết ngôi nhà ở quê đã được xây khang trang nhờ tiền của những chuyến đi trước. Tuy nhiên, ở Đông Âu không có nhiều việc và nhiều tiền, chồng họ định đi lần này nốt vài năm, kiếm thêm tiền làm vốn về Việt Nam chuyển nghề rồi ở lại hẳn. 

 

Nguyễn Thị Trà My, cô gái 18 tuổi quê ở Nghèn, thị trấn nhỏ thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, trước khi chết vì ngạt thở trong container đã nghẹn ngào xin lỗi bố mẹ vì con đường đi nước ngoài không thành. 

Bố mẹ Trà My đã chuyển cho người môi giới 40.000 USD-gấp 100 lần tổng thu nhập hàng tháng của cả gia đình ở Việt Nam, để đưa Trà My sang Anh. Trà My đặt chân đến được nước Anh một lần trước khi chui vào thùng chiếc container định mệnh. Lần đó cô từ Pháp sang Anh, nhưng bị cảnh sát Anh bắt và buộc phải quay trở lại Pháp. Ở Pháp vài hôm, cô lại tìm cách sang Anh và cuối cùng có mặt trong chiếc container.

 

Bùi Thị Nhung, cô gái 18 tuổi thứ hai, sang Anh bằng tiền vay mượn của bạn bè. Lê Văn Hà, 30 tuổi, gia đình đã thế chấp hai miếng đất để vay 25.000 USD trả cho người môi giới. Anh C.H.D, một vợ hai con, vay 400 triệu đồng; anh C.H.T, một vợ bốn con, cầm cố nhà đất, vay 500 triệu đồng… Tất cả đều đã nằm lại ở Essex, để lại cho gia đình khoản nợ cụ thể và nỗi đau vô hình, tất cả đều khổng lồ.

 

Nhưng ngay trong những đêm đau đớn đầu tiên, khi danh sách các nạn nhân vừa được phía Cảnh sát Anh đưa ra, ngay khi các lực lượng pháp luật của Anh và Việt Nam đang rốt ráo thắt chặt mọi hoạt động kiểm soát việc buôn người thì vài gia đình cùng làng với một số chàng trai đã chết, vẫn nhận được tin tức đầy vui mừng của con trai họ. Chúng cũng chỉ mới 18, 19 tuổi, chụp ảnh trên trang mạng Facebook thông báo đã đến Pháp và đang chờ sang Anh. Một hai ngày sau, một chàng trai up tấm ảnh chụp ở Anh lên Facebook, báo hiệu chuyến đi thành công mỹ mãn.

 

Bên dưới có hàng trăm lời chúc mừng của bạn bè, những người họ hàng lớn tuổi, hàng xóm, người quen… Nhiều người cho biết bản thân hoặc người thân của họ cũng sắp bước vào hành trình này và hy vọng cũng được thuận lợi như vậy.

 

Niềm vui được mô tả là “vỡ òa” này cân xứng với gánh nặng tài chính mà người đó có nghĩa vụ đáp lại với toàn thể gia đình, như trên đã kể. Đó là một trọng trách vô cùng nặng nề.

 

Chính vì thế khi biết mình sắp chết, điều đầu tiên cô gái Nguyễn Thị Trà My trăng trối với bố mẹ không  phải là nỗi kinh hoàng về cái chết đang đến, mà lại là lời xin lỗi. Xin lỗi vì khi cô chết, bố mẹ sẽ phải gánh một khoản nợ cực lớn trong khi tương lai đổi đời đã tắt ngấm. 

Trong giờ lâm chung, cô gái nạn nhân trong thảm kịch gây ra bởi bọn buôn người lại tự lên án mình, cho rằng mình chính là thủ phạm cho sự nghèo khổ của cả gia đình.

 

Xót xa, tội nghiệp và phẫn nộ làm sao! 

 

Cô đơn và quẫn bách trên đất Nhật

Cũng như thế, khi biết mình mang thai, L.T.T.L cực kỳ lo sợ. Trước khi sang Nhật, công ty môi giới cảnh báo các cô gái rằng nếu mang thai, họ sẽ bị đưa về nước. Bị trả về nước nghĩa là chôn vùi hy vọng đổi đời cho chính các cô gái và cho cả gia đình, và món nợ gia đình đã vay sẽ trở thành khổng lồ, không thể trả nổi. Hơn thế, họ sẽ bị nhiều người khác chê cười và lên án là chỉ vì ham yêu đương, “đú đởn” mà đẩy cả gia đình vào bần cùng. Đó chính là tội đồ. Chính bản thân những cô gái cũng sẽ tự giày vò và không tha thứ cho mình vì việc ấy. Tuy đã ở thế kỷ 21 nhưng ở một số làng quê, cái tiếng con gái chưa chồng mà chửa, lại vì chửa mà bị đuổi về nước, chính là điều tiếng nhục nhã cho cả dòng họ.

 

Với vốn tiếng Nhật ít ỏi, L. không hề biết rằng chính phủ Nhật bảo đảm cho lao động nữ nước ngoài quyền được nghỉ thai sản và chăm sóc con cái như những đồng nghiệp Nhật Bản. 

 

Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thiếu lao động bao gồm nông nghiệp và ngư nghiệp yêu cầu các “thực tập sinh” làm việc liên tục trong thời gian hợp đồng (01-3 năm). Nếu nghỉ thai sản nghĩa là không thể làm việc, cũng có nghĩa là phá vỡ hợp đồng.

Nếu ở Việt Nam, L. có thể xưng một cái tên giả, được người yêu hoặc bạn thân đưa đến bất cứ bệnh viện nào có dịch vụ chấm dứt thai kỳ. Nhưng ở Nhật, do chế độ khuyến khích sinh sản nên việc phá thai đi kèm những điều kiện rất khắt khe mà người vi phạm có thể bị đi tù. Tùy vào bệnh viện và tình trạng thai nhi, chi phí phá thai thường dao động từ 80.000 yên đến 200.000-300.000 yên, tương đương 14 triệu đồng-hơn 50 triệu đồng/lần. Nếu tính thêm chi phí khám ban đầu như thử máu, thử nước tiểu, chụp phim… thì tổng chi phí tăng thêm từ 10.000 yên đến 20.000 yên nữa. Tức khoảng 16 triệu đồng đến 56 triệu đồng.

 

Một cô gái chỉ dám dành cho bản thân tối đa năm triệu đồng trên tổng số 31-33 triệu đồng kiếm được mỗi tháng, làm sao dám bỏ ra khoản tiền lớn đến thế để chấm dứt thai kỳ? Chưa kể, nếu em dám thì với sự thiếu hụt số tiền lớn đến vậy, L. sẽ rất khó giải thích khi gia đình hỏi han, thắc mắc. 

Em cũng không dám hỏi ai vì sợ lộ chuyện.

Hoang mang và cô độc, L. chọn cách làm quen thuộc nhất với những người ở tuổi cô ở vùng quê Việt Nam: lên mạng mua thuốc phá thai và uống. 

Thuốc phá thai mua trên mạng không giúp được L. Cái thai vẫn phát triển. Cô bó bụng và vẫn đi làm bình thường. 

 

Giữa tháng 11/2020, L. sinh non khi chỉ có một mình tại phòng ở Ký túc xá. Cô sinh đôi và tự cắt dây rốn cho con, nhưng cả hai bé trai đều đã chết khi rời bụng mẹ. L. quấn thi thể hai con bằng chăn, đặt chúng vào hai lần hộp carton, viết một bức thư trong đó cô xin lỗi hai con, viết rõ tên họ của chúng, và cầu mong hai đứa bé sớm về nơi an lạc-như phong tục của người Việt Nam. Bức thư nhòe nước mắt chấm dứt bằng câu niệm “Nam mô a di đà Phật”. Câu niệm này người Việt theo đạo Phật thường đọc lên khi cần có sự bằng an trong lòng, cũng là câu niệm để tiễn chân người qua đời được bằng an trong lòng từ bi của Phật. Cô đặt hai chiếc hộp đã được dán băng keo kín lên chiếc giá bằng mây ở gần cửa phòng.

 

Ngày hôm sau, L. đến bệnh viện và kể với một bác sĩ về tình trạng của cô, để xin lời tư vấn.

 

Vị bác sĩ này sau khi nghe câu chuyện đã tố cáo cô với cảnh sát. L. bị bắt giữ về tội Từ bỏ thi thể. Tại phiên tòa đầu tiên, các công tố viên cho rằng cô đã có ý định vứt bỏ thi thể hai đứa bé để che giấu việc mang thai. L. bị kết án tám tháng tù treo, thử thách trong vòng ba năm.

Tại phiên tòa thứ hai vào ngày 21/01/2022, sau khi nhóm luật sư của L. viện dẫn tình cảnh cô đơn và quẫn bách của cô, L. được giảm án còn ba tháng tù treo, thử thách trong hai năm. 

Ảnh hộp đựng thi thể trước khi hỏa táng. Nguồn ảnh: Hiệp hội chung sống với người nước ngoài (Nhật Bản) cung cấp.

 

Sự cay nghiệt của đồng hương

  1. và cả nhóm luật sư của cô tiếp tục kháng cáo vì cho rằng mình vô tội. Cô nói việc đặt thi thể hai bé sinh đôi trong hộp là để chờ sau khi cô hồi phục sức khỏe sẽ chôn cất chúng chứ không có ý định vứt bỏ.

Tình cảnh của L. là câu chuyện đau buồn về một mặt tối trong hiện trạng nữ lao động nước ngoài tại Nhật. Bất chấp những hình ảnh lung linh về một nước Nhật tình nghĩa  và hy sinh cho nhau, bất chấp luật pháp của nước Nhật, những lao động nữ như L., biết tiếng Nhật ít, khả năng tìm hiểu văn hóa, pháp luật, gần như không có chỗ dựa tinh thần và luật pháp tại nước sở tại… đều bị nhiều chủ doanh nghiệp và các công ty môi giới xem là một cỗ máy lao động, chứ không hoàn toàn là một con người.

 

Đáng buồn là trong khi có những luật sư và người ủng hộ Nhật Bản rất nhiệt tình giúp đỡ và lên tiếng tìm sự đồng cảm cho L. thì ngay tại tổ quốc của cô, L. lại phải hứng chịu nhiều cuộc bạo hành tinh thần trên mạng. Hầu hết bình luận của những người cũng là tu nghiệp sinh kỹ thuật như L. đều chửi bới và lên án cô vì hành vi phá thai. Tuy cùng hoàn cảnh đi lao động xa xứ để giúp đỡ gia đình nhưng nhiều bình luận rất cay nghiệt, mà lý lẽ trong đó không khác gì lập luận của các công ty môi giới hoặc các chủ doanh nghiệp đã đề cập ở trên.

Sự nghèo khó có thể tha hóa con người đến như thế, đến nỗi bản thân những người trong cuộc cũng cho rằng tốt nhất họ nên là một cỗ máy, ít nhất trong ba năm “đi đơn” ở Nhật, chứ đừng là con người. 

 

Trần Mai (04.03.2023)

 

Tham khảo:

 

https://vnexpress.net/nhat-ket-an-thuc-tap-sinh-viet-voi-cao-buoc-vut-xac-con-4419036.html

 

https://vietnamnet.vn/lang-ty-phu-nho-xuat-khau-lao-dong-778841.html

 

https://yenthanh.nghean.gov.vn/kinh-te-xa-hoi-63073/yen-thanh-tong-ket-nganh-nong-nghiep-va-ptnt-nganh-tai-nguyen-moi-truong-484991