Seite auswählen

Theo như một kinh tế gia từ trong nước nói rằng, mức sống của người dân Việt Nam vẫn sẽ ở mức nghèo so với thế giới nếu không có những cải cách quyết liệt về thể chế, cải thiện trình độ lao động và nâng cao khả năng tiếp thu công nghệ, sau hơn 20 năm, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã gấp tăng 13 lần.

Gia công hàng may mặc để xuất khẩu là một ngành sử dụng nhiều lao động ở Việt Nam, nhưng không đem lại nhiều giá trị gia tăng

Số liệu thống kê

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì tổng sản phẩm quốc nội, tức GDP, của Việt Nam trong năm 2022 đạt 414 tỷ đô la Mỹ. Con số này theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê Việt Nam không xê xích là mấy – ở mức 409 tỷ.

Như vậy, nếu so với chỉ 31 tỷ đô la hồi năm 2000 thì sau hơn 20 năm quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp 13 lần.

Cũng trong năm 2022, GDP của Việt Nam xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN, sau các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore với GDP lần lượt là 1.289, 535, 434 và 424 tỷ đô la Mỹ, nhưng lần đầu tiên đã vượt lên Philippines (401 tỷ) cũng theo số liệu của IMF.

Với khoảng cách hẹp như trên, dự kiến ngay trong năm 2023 Việt Nam sẽ vượt Singapore và Malaysia để vươn lên vị trí thứ ba trong ASEAN sau Indonesia, Thái Lan về quy mô nền kinh tế. IMF dự báo trong năm nay GDP của Việt Nam sẽ đạt 469 tỷ đô la.

Còn với tốc độ tăng GDP như hiện nay thì Việt Nam được dự báo chẳng mấy chốc sẽ vượt Thái Lan để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở đông nam Á. Nếu hồi năm 2000, kinh tế Việt Nam chỉ bằng 25% kinh tế Thái Lan thì trong năm 2023, theo dự báo của IMF, tỷ lệ này sẽ là 80% (469 so với 580 tỷ đô la).

Nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người thì với trên 4.100 đô la Mỹ một năm trong năm 2022, Việt Nam thua rất xa Singapore, Brunei và Malaysia với lần lượt là 79, 43 và 13 ngàn đô la một năm, cũng theo IMF, và xếp sau Thái Lan và Indonesia với lần lượt là 7.600 và 4.700 đô la Mỹ một năm, nhưng đứng trên Phillippines với 3.600 đô la. Xét tổng quát thì Việt Nam hiện xếp thứ 5 về thu nhập bình quân đầu người trong các nước đông nam Á.

Hiện tại Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước nghèo và được xếp vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Theo hai mục tiêu trăm năm mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra thì đến năm 2030, tức tròn 100 năm ngày thành lập Đảng, Việt Nam sẽ có mức thu nhập trung bình cao và đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước vào năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có mức thu nhập cao, tức là ngang bằng với Singapore và các nước phát triển khác.

Động lực tăng trưởng

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, kinh tế gia Phạm Chi Lan, vốn từng là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu khiến Việt Nam có bước phát triển vượt bậc như vậy sau hơn hai thập niên: cải cách thể chế, đầu tư nước ngoài và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do.

Cải cách thay đổi hệ thống kinh tế để phát triển theo cơ chế thị trường tạo ra cạnh tranh, mở ra cho doanh nghiệp tư nhân, cho quyền kinh tế tất cả người dân có thể kinh doanh. Mặt khác là mở cửa cho đầu tư nước ngoài để phát triển quan hệ thương mại với các nước khác nhau trên thế giới,” bà Lan nói

Bà nhấn mạnh nếu kinh tế Việt Nam vẫn hoạt động như kiểu cũ thì ‘không thể nào tăng trưởng như vậy được’ và cho rằng chính sự cải cách thể chế này ‘đã khơi thông được các nguồn lực của người dân và của đất nước để phát triển kinh tế’.

“Khi có cơ chế kinh tế tốt thì người dân mới có thể bỏ vốn ra sản xuất kinh doanh. Càng làm thì nguồn vốn càng tăng lên nhiều hơn, hình thành các đại doanh nghiệp có quy mô rất lớn,” bà giải thích.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến kinh tế Việt Nam cất cánh, theo lời kinh tế gia này, đó là nhờ Việt Nam đã gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giúp mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu.

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới khi tham gia vào các khối thương mại tự do quan trọng như CPTPP với Nhật và các nước ven Thái Bình Dương, EVFTA với các nước châu Âu và RCEP với Trung Quốc và các nền kinh tế xung quanh.

Ngoài ra, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tức FDI, và viện trợ phát triển, tức ODA, mà nhiều nhất đến từ Nhật, Pháp và Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB)và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã là ‘nguồn lực vô cùng quan trọng về vốn liếng để giúp Việt Nam phát triển’, theo bà Lan.

Các nguồn lực về mặt kỹ thuật, về kỹ năng và công nghệ ngày càng chứng tỏ là quan trọng. Trong giai đoạn phát triển đầu tiên, Việt Nam chưa tận dụng được các nguồn lực về công nghệ nhưng càng sau này Việt Nam càng hiểu hơn và càng có cơ hội tiếp cận các kỹ thuật mới, công nghệ mới của các nước.”

Không thể chủ quan?

Tuy nhiên, kinh tế gia kỳ cựu này cũng cảnh báo về những bất cập của nền kinh tế Việt Nam mà nếu chính phủ không khắc phục thì Việt Nam sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao để vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà tiến lên thành nước có thu nhập cao.

Bà lưu ý đến năm 2030 và năm 2045 thì quy mô dân số Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều so với mức 100 triệu như bây giờ, do đó để thu nhập bình quân đầu người lên mức trung bình cao và cao so với thế giới thì quy mô GDP của Việt Nam cũng sẽ phải gấp nhiều lần so với con số 400 tỷ đô la hiện nay.

Bà Phạm Chi Lan dẫn chứng trường hợp của các ‘con rồng châu Á’ như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã đi từ mức thu nhập thấp lên thẳng mức thu nhập bình quân cao là nhờ ‘tăng trưởng cao liên tục trong thời gian dài’. Trong khi Việt Nam thời gian sau này tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với những năm 1990 và 2000.

Bên cạnh nguồn lực về vốn và nguồn nhân lực, bà Lan nhấn mạnh Việt Nam cần phải chú trọng hiệu quả tăng trưởng thì mới đảm bảo tăng trưởng bền vững về lâu dài. Bà nói: “Tăng trưởng của Việt Nam hiện nay vẫn phải đòi hỏi nhiều nguồn lực, tốn kém quá nhiều tiền vốn cũng như tài nguyên khác nhau, không như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore luôn hướng đến những ngành kinh tế mới giúp tạo cho họ thu nhập cao trên thế giới.”

Với lại việc tăng trưởng của Việt Nam dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài cũng không phải là điều tốt, theo bà Lan, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là bên thu lợi nhiều nhất từ tăng trưởng của Việt Nam còn người dân trong nước sẽ không hưởng được bao nhiêu.

“Để tăng thu nhập cho người Việt thì phải tăng cường năng lực cho các doanh nhân Việt Nam để nền kinh tế có nội lực mạnh mẽ hơn.”

Bà chỉ ra một thực tế là đầu tư nước ngoài chiếm đến 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vào xuất khẩu ‘còn quá khiêm tốn’.

Bà Lan than phiền Việt Nam ‘đã duy trì vị trí thuần túy gia công đã quá lâu trong hai, ba thập nhiên vừa qua nên chỉ gặt hái được giá trị gia tăng thấp nhất’ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công nghệ và giáo dục

Tuy nhiên, bà cho biết hiện giờ chính phủ Việt Nam đã khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở mảng công nghệ mới chứ không cho đưa vào những công nghệ thấp nhất, rẻ tiền nhất như trước nữa.

Trong giai đoạn phát triển sắp tới bà cho biết sẽ đòi hỏi vừa công nghệ cao hơn vừa trình độ cao hơn của người lao động Việt Nam. Nếu Việt Nam không theo kịp hai yêu cầu này thì sẽ không phát triển nhanh như trước nữa và bị kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình như hàng trăm nước khác trên thế giới – điều bà nói bà đã lo kể từ khi Việt Nam ra khỏi mức thu nhập thấp hồi năm 2010.

Bà Lan than phiền lĩnh vực giáo dục-đào tạo, vốn có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế, ‘chuyển biến khác chậm chạp nên không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới’.

“Phải nâng cao kỹ năng, trình độ của lao động Việt Nam và cả tập quán làm việc công nghiệp,”
bà nhấn mạnh. “Như vậy Việt Nam mới có khả năng tiếp nhận được công nghệ mới mà các nhà đầu tư đưa vào.”

Bà cũng đề nghị Việt Nam đổi mới thể chế, chính sách phát huy công nghệ để giúp giới trẻ Việt Nam mà bà đánh giá là ‘sáng láng, nhanh nhạy, học được nhiều từ thế giới về kỹ thuật, về quản trị’ phát huy hết khả năng của họ.

“Nhiều người trẻ Việt Nam kết cục là lại đi ra nước ngoài để kinh doanh hay phát triển các công nghệ mà họ có ý tưởng, vì ở bên ngoài họ mới có điều kiện thực hiện được,” bà cho biết.

Bà nói việc Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững với nền kinh tế tuần hoàn ‘rất cần thiết để Việt Nam duy trì tăng trưởng cao và tự lực tự cường tốt hơn’.

Bà lấy dẫn chứng như trong các ngành nông nghiệp, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, đã ‘có chuyển hướng khá mạnh trong sử dụng các công nghệ mới trong canh tác, nuôi trồng, hạn chế dùng hóa chất độc hại’.

“Tăng trưởng xanh là yêu cầu khách quan của nền kinh tế Việt Nam vì các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều có yêu cầu về những tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm,” bà Lan cho biết.

‘Cải cách lần hai’

Từ đó, bà đề nghị Việt Nam phải thực hiện cuộc cải cách lần thứ hai về thể chế để tháo gỡ những điểm nghẽn vốn kéo lùi nền kinh tế.

“Tư duy cũ theo kiểu Nhà nước vẫn là người nắm tất cả nhiều lĩnh vực và can thiệp khá nhiều vào hoạt động của thị trường không còn phù hợp nữa.”

Theo lời bà Lan thì các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA đều là ‘hiệp định thương mại thế hệ mới’ với các đối tác phát triển nên trong đó có những yêu cầu cao về thể chế nền kinh tế mà Việt Nam đã cam kết. Đó là cơ hội quan trọng để Việt Nam ‘nâng tầm mình lên để tương ứng với các đối tác’.

Để giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường nước ngoài vốn thay đổi liên tục, bà cho biết các doanh nghiệp trong nước đã hiểu được tầm quan trọng của thị trường nội địa kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.

“Trên thực tế là với tình hình kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên, nhất là những người thuộc tầng lới trung lưu ngày càng tăng thì nó cho phép thị trường nội địa mở rộng rất nhiều,” bà nói.

 

 

VOA (08.03.2023)