Seite auswählen

„…chỉ có tổ chức có nhiều hội viên nhất mới có quyền thương lượng với người sử dụng lao động (điều 68). Với sự có mặt của nhiều tổ chức độc lập bị chia năm xẻ bảy số lượng hội viên, thì chỉ có Công đoàn nhà nước, với số lượng đoàn viên đông đảo, mới có quyền đại diện người lao động. Đó là hậu ý của những điều khoản phức tạp của luật Lao động.“

 

T.K.TRAN

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

 

Người lao động Việt Nam đang ở trong một hoàn cảnh đáng thương. Khi có việc làm, họ đã phải nhận mức tiền lương thấp không đủ sống mặc dù phải làm việc thường xuyên tới 48 giờ/tuần cộng với tăng ca thêm hàng chục giờ mỗi tháng.

 

Đồng thời họ còn thường phải chịu đựng lối đối xử thô bạo của đốc công người nước ngoài, như vụ của chủ Hàn Quốc mà Tuổi Trẻ đã đăng.

 

Sau dịch Covid, nay có ảnh hưởng chiến tranh ở Ukraine khiến hơn nửa triệu người lao động mất việc hay phải giảm giờ làm việc, đưa đến việc thu nhập của người lao động, vốn đã thấp nay lại còn kém hơn nữa.

 

Đứng trước tình trạng này, sự có mặt của một tổ chức độc lập để bảo vệ người lao động trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Một số thông tin như trên Việt Nam Thời báo cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã cho phép “thành lập các tổ chức công đoàn độc lập” bên cạnh Tổng liên đoàn lao động Việt Nam gọi nôm na là “Công đoàn nhà nước”.

Nhưng điều cần thiết là chúng ta cần minh định rõ hình thái tổ chức nào sẽ được phép và hình thái tổ chức nào không được phép.

 

Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ cho phép thành lập ‘công đoàn độc lập’. Tất cả các văn bản chính thức bao gồm bộ luật Lao động, luật Công đoàn, các nghị định chính phủ ban hành liên quan tới lao động đều không có bất cứ câu chữ nào nói rằng “công đoàn độc lập” được phép thành lập.

 

Trên thông tin báo chí lề phải từ ngữ “công đoàn độc lập” chỉ được nhắc đến như một “thế lực thù địch chủ tâm đánh phá nhà nước“.

Bộ Luật Lao động 2019 cho phép thành lập các tổ chức ‘đại diện người lao động tại cơ sở’.

 

Theo tôi, việc ngộ nhận về chuyện Đảng CS VN cho phép thành lập “công đoàn độc lập” bắt nguồn từ bộ Luật Lao động sửa đổi 2019 cho phép thành lập các tổ chức “đại diện người lao động tại cơ sở”.

 

Nhưng đúng ra “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” và “công đoàn độc lập” là hai ý niệm khác nhau, không nên nhầm lẫn.

 

Ta hãy xem, chương XIII của bộ Luật Lao động gồm những điều 170 tới 178 có quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Tại cơ sở có nghĩa là chỉ ở một xí nghiệp XYZ đơn lẻ mà thôi. Trong đó, đáng chú ý nhất là quyền đại diện người lao động để thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động, quyền tổ chức và lãnh đạo đình công được nêu lên. Trên nguyên tắc, những quyền căn bản này phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

 

Những quy định khác sẽ làm giảm thiểu hiệu quả của những quyền này. Ví dụ luật không hạn chế số lượng tổ chức được cho phép sẽ dẫn đến việc có nhiều tổ chức đại diện người lao động xuất hiện trong một xí nghiệp. Sẽ có những tổ chức đích thực và tổ chức giả hiệu cũng như sẽ có cạnh tranh, giành số hội viên của nhau.

 

Các điều khoản về thương lượng tập thể của bộ luật lao động đòi hỏi là chỉ có tổ chức có nhiều hội viên nhất mới có quyền thương lượng với người sử dụng lao động (điều 68). Với sự có mặt của nhiều tổ chức độc lập bị chia năm xẻ bảy số lượng hội viên, thì chỉ có Công đoàn nhà nước, với số lượng đoàn viên đông đảo, mới có quyền đại diện người lao động. Đó là hậu ý của những điều khoản phức tạp của luật Lao động.

 

Như thế những tổ chức độc lập tại các doanh nghiệp đơn lẻ mà nhà nước cho phép cũng sẽ bị vô hiệu hóa.

 

Bộ luật Lao động không cho phép các tổ chức người lao động được kết hợp thành liên đoàn ngành nghề độc lập hay Tổng liên đoàn độc lập.

 

Tổ chức độc lập đại diện người lao động tại cơ sở (ở các doanh nghiệp) mà nhà nước cho phép có những giới hạn mà thực tế sẽ bộc lộ.

 

Những hình thái tổ chức độc lập cao hơn, như liên kết ngành nghề, ví dụ như tổ chức đại diện công nhân ngành cơ khí, đại diện công nhân ngành vải, dệt…, hay liên kết trên bình diện địa phương, ví dụ như đại diện người lao động thành phố Hà Nội, Hải Phòng, hay liên kết trên bình diện quốc gia, ví dụ như tổ chức độc lập đại diện người lao động Việt Nam vẫn không được Bộ luật Lao động nhắc tới, có nghĩa là vẫn bị nghiêm cấm.

 

Điều này giới hạn rất nhiều việc bảo vệ quyền lợi căn bản của người lao động.

 

Những quyền lợi chính đáng chung cho mọi người lao động như giảm giờ làm, thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay xuống 40 giờ/tuần không thể do một tổ chức đại diện người lao động của một doanh nghiệp riêng lẻ đòi hỏi mà phải do sự đấu tranh của một tổ chức độc lập liên kết ngành nghề hay liên kết quốc gia thì mới có cơ hội thành công.

 

Bao giờ thì tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được thành lập?

Luật Lao động, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 cho phép thành lập “tổ chức người lao động tại cơ sở” với những giới hạn của nó. Việc thành lập đòi hỏi một số quy trình nhất định: đăng ký ở đâu? bộ Công An hay bộ Xã Hội?, hồ sơ gồm những giấy tờ gì?…

 

Khoản 4 của điều 172 ghi:.”Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký…”. Tuy nhiên luật không đặt mốc thời gian cho chính phủ ban hành các quy định liên hệ. Nghĩa là cho tới nay vẫn chưa có hướng dẫn gì cụ thể để có thể đăng ký các tổ chức độc lập.

 

Nhà nước định trì hoãn việc cho phép này tới bao giờ? Tôi không phải là nhà tiên tri để có thể dự đoán điều này.

 

Thế nhưng có vài dấu hiệu cho thấy là trong tương lai gần sẽ có thể có chuyển biến.

 

Thứ nhất, có tin là nhà nước Việt Nam đã cam kết là năm 2023 sẽ phê chuẩn Công ước ILO 87 về quyền liên kết và lập hội, là nền tảng để ban hành luật Hội, để hợp pháp hóa việc thành lập các tổ chức.

 

Thứ hai, hiệp ước CPTPP mà Việt Nam đã ký năm 2018 có những điều khoản về quyền lao động mà Việt Nam phải thực thi, chậm nhất là sau 3-5 năm chuẩn bị. Năm 2023 là hạn chót để thực thi.

 

Thứ ba, nhà nước Việt Nam đã rèn luyện cho Công đoàn nhà nước chuẩn bị cho việc cạnh tranh với các tổ chức lao động trong tương lai từ 2 năm nay (theo nghị quyết 02-NQ/TW của Trung Ương đảng CSVN, ký vào tháng 6/2021)

 

Trong bất cứ tình huống nào, hiện nay quan trọng hơn cả cho mọi tổ chức độc lập trong tương lai là chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, tìm kiếm mọi nguồn hỗ trợ để có thể hoạt động hợp pháp hữu hiệu cho lợi ích của người lao động.

 

 

T.K.TRAN

Gửi bài từ Stuttgart, Đức

 

BBC (09.03.2023)

 

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà hoạt động nghiệp đoàn T.K Tran từ Stuttgart, CHLB Đức