Seite auswählen

Người dân Hà Nội tưởng niệm ngày Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa. Ảnh chụp ngày 19/1/2017. AFP

 

Một trăm ba mươi sáu tổ chức Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đã ký vào bức thư ngỏ tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bản sao bức thư chung trong ngày 11/3/2023 cũng được gửi đến Toà Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) tại Hague lên án hành động xâm lược, chiếm đóng trái phép của Trung cộng với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nội dung bức thư cũng kêu gọi chính phủ Hà Nội đệ đơn kiện Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại PCA vào khi Trung cộng đang ngày càng hung hăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông.

Bức thư viết, những hành động thù địch của Trung cộng đã bắt đầu từ 49 năm trước với việc nước này đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung cộng sau đó lại vi phạm luật pháp quốc tế vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 khi tấn công và chiếm đóng trái phép các đảo của Việt Nam ở Trường Sa.

Trong khi đó, Hà Nội chưa đệ đơn kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng Tài Thường Trực, ngược lại chính phủ Hà Nội còn ra sức ngăn cấm công dân của mình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong những trận chiến này và đàn áp những công dân chỉ trích chủ nghĩa bành trướng của Trung cộng trong khu vực.

Bức thư chung có đoạn viết, bảo vệ chủ quyền, quyền lợi kinh tế và cuộc sống của ngư dân trên Biển Đông là trách nhiệm chung của mọi người dân Việt Nam. Trong tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước:

Thứ nhất, hãy cùng nhau mạnh mẽ lên án hành vi xâm lược của Trung cộng trên mọi diễn đàn để Thế giới không quên Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Trung cộng chiếm đóng bất hợp pháp. Liên kết hoạt động để tạo sức mạnh cho phong trào đấu tranh giành lại chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, cùng sát cánh với nhân dân các quốc gia tự do dân chủ trên thế giới lên án và đòi hỏi Bắc Kinh phải chấm dứt các hành vi gây hấn hung hăng tại Biển Đông để bảo vệ an toàn cho ngư dân.

Thứ ba, cùng hành động để tạo áp lực yêu cầu nhà nước Cộng Sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những người Việt Nam yêu nước đang bị giam cầm vì chống Trung cộng. Và chấm dứt chính sách ngăn chặn các sinh hoạt quần chúng nhằm phản đối hành vi xâm lược của Bắc Kinh hay vinh danh sự hy sinh của các binh sĩ trong hai trận chiến Hoàng Sa, Trường Sa và cuộc chiến biên giới phía Bắc.

Thứ tư, cùng lên tiếng đòi chính phủ Cộng Sản Việt Nam phải kiện Trung cộng ra Tòa án Quốc tế để xác định chủ quyền.

Hôm 19 tháng 1, tổ chức đảng Việt Tân tại Hoa Kỳ đã đưa ra Bản Lên tiếng, kêu gọi nhà nước Việt Nam phải có hành động cụ thể và mạnh mẽ để thế giới không quên Trung cộng đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực. 

Nội dung Bản Lên tiếng cũng kêu gọi Việt Nam cần kết hợp với các quốc gia tự do dân chủ trong khu vực để tạo sức mạnh liên minh nhằm ngăn cản sự bành trướng của Trung cộng, bảo vệ hòa bình chung cũng như bảo vệ cuộc sống và sinh mệnh của ngư dân Việt Nam; kêu gọi Chính phủ Việt Nam đòi chính phủ Trung cộng bồi thường thỏa đáng cho ngư dân nếu gây thiệt hại cho ngư dân.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, tác giả một số cuốn sách về biển đảo Việt Nam như: “Hoàng Sa – Trường Sa – Luận cứ và sự kiện”; “Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” hôm 19/1 nói với RFA rằng Việt Nam không được ảo tưởng đối với Trung cộng trong tình hình hiện nay, nhất là sự hiếu chiến của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình trong đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung cộng vừa qua. 

Theo ông, các nước Đông Nam Á cần phải đoàn kết, quyết tâm thống nhất để chống lại mưu đồ thống trị Trung cộng ở phương Nam. Nhưng thực tế, từng nước trong khối ASEAN vẫn có mâu thuẫn lẫn nhau về lãnh thổ, về tôn giáo, về sắc tộc, về tự do dân chủ, về con đường tiến lên… Do đó, đòi hỏi các nước ASEAN có một sức mạnh thống nhất như Liên minh châu Âu, như khối NATO thì còn lâu lắm…

Hôm 22/11/2022 PCA đã khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội. Cho ý kiến về sự kiện nay, Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức hôm 22/22/2022 khẳng định việc PCA mở thêm một chi nhánh nữa ở Hà Nội, nghĩa là PCA khuyến khích Việt Nam khởi kiện những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung cộng ra tòa trọng tài quốc tế. Mục đích chính của họ là khuyến khích Việt Nam đứng ra khởi kiện.

Vào ngày 22 tháng 1 năm 2013, Phi Luật Tân đệ đơn khởi kiện Trung cộng theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về một số tranh chấp giữa hai nước liên quan việc giải thích và áp dụng UNCLOS ở Biển Đông. Phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài được công bố vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 tuyên bố Trung cộng không có các quyền lịch sử dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Ngoài ra, Tòa bác bỏ khả năng Trung cộng được yêu sách vùng biển từ các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép ở Trường Sa, đồng thời xác định Trung cộng đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.

Đây được coi là một chiến thắng pháp lý quan trọng cho Phi Luật Tân, nước thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung cộng trước tòa.

RFA (12.03.2023)

 

 

Trung cộng đóng tầu nạo vét công suất gấp đôi tầu xây đảo ở Biển Đông

Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, khu vực có tranh chấp, đã được Trung cộng cải tạo thành căn cứ quân sự. Ảnh chụp ngày 20/03/2022 AP – Aaron Favila

Đội tầu nạo vét hơn 200 chiếc của Trung cộng sẽ được trang bị thêm một tàu nạo vét có công suất kỷ lục 10.000 kW. Theo trang South China Morning Post ngày 12/03/2023, tầu được dự kiến đóng sẽ mạnh hơn 50% so với « siêu tầu xây đảo » ở Biển Đông.

Theo kỹ sư trưởng Tần Bân, của công ty Đường thủy Thiên Tân (Tianjin Waterway Bureau), một chi nhánh của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung cộng (CCCC), « con tầu mới không chỉ lớn hơn mà còn là một bước nhảy vọt về chất lượng ». Tầu mới có công suất 10.000 kW, hơn gấp đôi so với tầu Thiên Kinh (Tian Jing, công suất 4.400 kW) từng tham gia vào việc bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Sau đó, Trung cộng đưa thêm tầu Thiên Côn (Tian Kun), có công suất 6.600 kW, vào hoạt động năm 2019 và hiện là tầu nạo vét mạnh nhất châu Á.

Cả hai tầu Thiên Kinh và Thiên Côn đều nằm trong đội tầu nạo vét hùng mạnh nhất thế giới do Công ty Đường thủy Thiên Tân khai thác. Tầu Thiên Côn, được hoàn thành năm 2017, hiện là tầu mạnh nhất, có khả năng đưa nguyên vật liệu từ khoảng cách 15 km và đào sâu đến 35 mét dưới đáy biển.

Còn tầu Thiên Kinh được biết đến do tham gia bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông. Tầu đã hoạt động động trong suốt 193 ngày quanh 5 rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng 09/2013 đến tháng 06/2014 và biến đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và Xu Bi từ rạn san hô chìm thành các thực thể đất liền lớn nhất ở Biển Đông, được trang bị sân bay, hệ thống radar và vị trí tên lửa. Sau khi hoàn thành công trình bất hợp pháp « Vạn lý trường thành cát » ở Biển Đông, tầu Thiên Kinh được trao giải tiến bộ khoa học và công nghệ năm 2019.

Trung cộng hiện sở hữu đội tầu khoảng 200 chiếc, được sản xuất từ năm 2006 nhằm mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất tầu nạo vét lớn nhất thế giới. Tầu nạo vét có thể công phá lớp đá dưới đáy sông, biển bằng mũi khoan, hút cát đá rồi bơm chúng qua đường ống đến nơi khác. Những con tầu này được sử dụng để nạo vét luồng tầu hoặc xây đảo nhân tạo.

RFI (12.03.2023)

 

 

Úc, Ấn Độ kêu gọi một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tiếp đồng nhiệm Úc Anthony Albanese tại New Delhi, Ấn Độ ngày 10/03/2023. AP – Manish Swarup

 

Tình hình Biển Đông là một trong những chủ đề đối thoại của thủ tướng Úc và đồng nhiệm Ấn Độ nhân chuyến công du New Delhi của ông Anthony Albanese. Trong thông cáo chung công bố ngày 10/03/2023, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường quan hệ đối tác về quốc phòng và an ninh hàng hải.

Ông Narendra Modi và ông Anthony Albanese kêu gọi « Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải có hiệu quả, thực chất và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) » trong bối cảnh Trung cộng và ASEAN đang đàm phán về chủ đề này. Dù không nêu tên Trung cộng, thông cáo chung của hai thủ tướng nhấn mạnh bộ Quy tắc ứng xử phải « không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào, kể cả những quốc gia không tham gia các cuộc đàm phán ».

Ngoài ra, Ấn Độ và Úc cũng nêu « tầm quan trọng của các quyền và tự do được lưu thông trên biển và trên không », cũng như « giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hay sử dụng vũ lực và đơn phương thay đổi nguyên trạng ». Theo trang Tribune India ngày 11/03, quan ngại này xuất phát từ việc Trung cộng gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông. Ấn Độ và Úc « nhất trí tiếp tục tiến hành các đợt triển khai máy bay từ lãnh thổ của nhau để củng cố năng lực tác chiến và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải ».

Và để thể hiện mối quan hệ song phương, Úc đăng cai tổ chức cuộc tập trận chung Malabar (cùng với hải quân Nhật Bản và Mỹ) vào cuối năm 2023 ở ngoài khơi tây Úc. Ấn Độ cũng sẽ tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre của Úc.

Một điểm quan trọng khác được thủ tướng hai nước nhất trí là « tái cam kết tăng cường hợp tác thông qua Bộ Tứ – QUAD ở Ấn Độ-Thái Bình Dương » về an ninh hàng hải cũng như hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời hai bên cũng nhấn mạnh đến « vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương ».

RFI (11.03.2023)

 

 

Trung cộng có hỏa tiễn siêu thanh tấn công tới căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương

Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng Mỹ (DIA) hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Ba, cho biết Trung cộng đang đi trước Nga trong việc phát triển vũ khí siêu thanh và có thể quốc gia này triển khai thành công một loại vũ khí có khả năng tấn công các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương, theo SCMP.

Ông Paul Freisthler, giám đốc khoa học bộ phận phân tích DIA, cho biết ngoài ra Trung cộng còn đang xây dựng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa trang bị đầu đạn siêu thanh, thứ vũ khí được thử nghiệm từ năm 2014. Ông nhận định Trung cộng đang hơn Nga cả về cơ sở hạ tầng hỗ trợ và số lượng hệ thống vũ khí siêu thanh. 

Hỏa tiễn liên lục địa DF-5B của Trung cộng trong ngày diễn hành ở Bắc Kinh hồi năm 2019. (Hình: Greg Baker/AFP via Getty Images)

Theo ông, sự phát triển mạnh mẽ của Trung cộng trong kỹ thuật này đến từ những đợt đầu tư, phát triển, thử nghiệm và triển khai tập trung. 

Học Viện Khí Động Học Trung cộng tuyên bố vận hành ít nhất ba đường hầm gió siêu thanh có khả năng hoạt động ở tốc độ Mach 8, 10 và 12 lần so với tốc độ âm thanh. Trong khi đó, Nga có ba hệ thống, bao gồm một hệ thống phóng từ biển có thể di chuyển với vận tốc Mach 8. Nga từng triển khai vũ khí vào nhiều mục tiêu ở Ukraine. 

Về phía mình, Mỹ vẫn chưa tuyên bố vận hành vũ khí siêu thanh. Các lực lượng Không Quân, Hải Quân và Lục Quân Mỹ đang phát triển các hệ thống riêng biệt. 

Người Việt (11.03.2023)

 

 

 

Không hèn như VN, Phi Luật Tân dùng chiến thuật đối phó Bắc Kinh

Việc công khai các hoạt động mang tính gây hấn của Trung cộng là nước cờ khôn ngoan của Manila, giới quan sát cho hay.

Phi Luật Tân đang ráo riết thu thập và công khai bằng chứng các hành vi quyết liệt của Trung cộng trên Biển Đông nhằm phản bác tuyên truyền của Bắc Kinh, đồng thời thu hút sự chú ý của dư luận.

Lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân đang áp dụng chiến thuật mới khi công khai các hành động quyết liệt của Trung cộng tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông. Một quan chức Phi Luật Tân cho biết đây là cách Manila đáp trả cuộc chiến của Bắc Kinh, đồng thời thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trở lại khu vực, theo South China Morning Post.

Thời gian qua, tuần duyên Phi Luật Tân tăng cường tuần tra các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, đồng thời ghi lại, sau đó công khai những hành vi của lực lượng Trung cộng tại các tuyến hàng hải chiến lược.

Một trong các sự vụ như thế là khi tàu hải cảnh Trung cộng sử dụng tia laser cấp độ vũ khí khiến một số thủy thủ Phi Luật Tân bị mất thị giác tạm thời hôm 6/2 ở Bãi Cỏ Mây, theo Reuters.

Tàu hải cảnh Trung cộng chiếu tia laser về phía tàu Phi Luật Tân

 

Manila sau đó gửi công hàm phản đối hành vi của tàu hải cảnh Bắc Kinh. Đoạn video vụ việc được công bố làm dấy lên lo ngại không chỉ tại Phi Luật Tân mà còn tại Mỹ và các nước khác có lợi ích liên quan trong khu vực.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. triệu tập đại sứ Trung cộng để phản đối. Sau đó, nhà lãnh đạo cảnh báo Phi Luật Tân đã chuyển trọng tâm từ chống lực lượng Hồi giáo nổi dậy và các mối đe dọa trong nước sang bảo vệ các lãnh thổ trên Biển Đông.

“Tôi muốn nhấn mạnh cách tốt nhất để xử lý các hoạt động ‘vùng xám’ của Trung cộng ở Biển Tây Phi Luật Tân (Biển Đông) là phơi bày các hoạt động ấy”, Jay Tarriela, Tư lệnh lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân, nói.

Hoạt động “vùng xám”, theo quan chức Phi Luật Tân, là hiện tượng Trung cộng thường xuyên sử dụng tàu đánh cá và tàu nghiên cứu dân sự để tiến hành các hoạt động quân sự, nhằm tránh phản ứng quân sự từ các nước có tranh chấp ở Biển Đông.

“Việc sử dụng tuần duyên lên tiếng chống lại hành vi gây hấn giúp các nước có chung lập trường bày tỏ sự lên án và chỉ trích, đưa Trung cộng vào trung tâm sự chú ý của dư luận. Hành động trong âm thầm của Trung cộng giờ đã bị phơi bày, buộc họ hoặc phải thú nhận, hoặc công khai nói dối”, ông Tarriela cho biết.

Theo ông Tarriela, phản ứng quyết liệt của Manila trong vụ chiếu tia laser đã buộc các quan chức Trung cộng, trong đó có đại sứ nước này ở Manila, phải lên tiếng giải thích khi bị báo giới đặt câu hỏi.

Trước đó, giới chức Trung cộng nói tàu tuần tra Phi Luật Tân đã đi vào vùng biển của Trung cộng. Trong tuyên bố ngày 13/2, Bộ Ngoại giao Trung cộng bào chữa rằng tàu hải cảnh nước này đã hành xử “chuyên nghiệp và kiềm chế”, sử dụng tia laser vô hại để theo dấu hoạt động của tàu Phi Luật Tân.

“Bằng cách công khai những đoạn video và ảnh chưa qua chỉnh sửa về hành động của Trung cộng, chúng tôi có thể một lần nữa tái định hình quan điểm của cộng đồng quốc tế nhằm có cách đánh giá khách quan, dựa trên sự thật, chứ không phải những lời tuyên truyền”, ông Tarriela nói.

Sau khi chi tiết vụ bắn tia laser được công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “hành vi nguy hiểm của Trung cộng trực tiếp đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”, cũng như làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Washington một lần nữa cảnh báo sẽ bảo vệ Phi Luật Tân, đồng minh theo hiệp ước của Mỹ, nếu lực lượng, tàu thuyền hay máy bay của Phi Luật Tân bị tấn công trên Biển Đông.

Raymond Powell, chỉ huy về hưu của không quân Mỹ từng có nhiều năm nghiên cứu chiến lược của Trung cộng, cho rằng việc công khai các hoạt động mang tính gây hấn của Trung cộng là nước cờ khôn ngoan của Manila.

Đất Việt (09.03.2023)