Seite auswählen

Vụ 4 tiếp viên vận chuyển ma túy: Cầm đèn chạy trước ô tô

 

20.03.2023

4 tiếp viên hàng không dính vụ ma túy
Vụ 4 tiếp viên xách 11.4 kg giấu trong 86 tuýp kem đánh răng, dù đọc tin trên báo hay đọc bình luận trên mạng, cảm giác đầu tiên là cũng bực mình. Sai nhiều quá.
Cái sai đầu tiên, nhiều báo vẫn đưa là “11.4 kg nghi là thuốc lắc và ma túy”. Nghi con khỉ, thuốc lắc không phải ma túy à? Nếu đủ hiểu biết, trong khi chưa có xác nhận chính thức là loại gì và con số cụ thể thì phải viết: “11.4 kg ma túy tổng hợp, loại Amphetamine và Methamphetamine.” Trong đó, dạng viên là Amphetamine, tức thuốc lắc – một loại Ectasy nào đó; dạng bột là Methamphetamine, dân chơi gọi là hàng đá (Ice – tinh thể), “hàng về” sau này đã được xác định là Ketamine.
Cùng là ma túy, nhưng về giá thì khác nhau một trời một vực. Bán lẻ cho dân chơi, các loại Amphetamine đóng khuôn thành thuốc lắc nhãn mác khác nhau (Queen, King, Ruby, Crazy, Mad, Apocalypse, Vulcano, Ice Crystal…), giá giao động từ 150.000 -700.000 ngàn/viên 500mg, tùy loại, tùy thời điểm, tùy chỗ bán. Trong ma túy dòng Methamphetamine (độ kích thích mạnh gấp hàng chục lần heroin), Ketamine – loại vừa bị bắt là đầu bảng, rất đắt. Dạng lỏng, trước Covid bán sỉ đã lên đến 1,5 -2 tỷ đồng/kg. Dạng tinh thể (bột) như vụ mới bắt đắt khoảng gấp rưỡi dạng lỏng. Mà đó là giá bán sỉ, cân ký nhé. Bán lẻ, liều chơi (một lần) cho một “con nghiện chân chính” cũng phải từ 2 – 4 triệu đồng/người, khoảng 25 -50 mg.
Cái bực mình tiếp theo là nhiều tay nhỏ lệ xót xa, tỏ ra thương hoa tiếc ngọc, tìm đủ cách bao biện cho các em tiếp viên kiêm cửu vạn (đếch biết đâu là nghề chính). Vin vào con số 10 triệu tiền công (như tự khai), các nhà đạo đức tuôn hàng xô nước mắt cá sấu mà gào lên rằng các em dại dột, bán tương lai bằng cái giá quá bèo. Do đó, khả năng các em bị lừa là rất cao, bởi chẳng ai biết chết mà bán tương lai rẻ thế.
Rách việc, có phân biệt được giữa lời khai với thực tế không? Trên thị trường, các loại kem đánh răng nhãn Pháp bán nhan nhản, cao lắm chỉ chừng 100.000 đồng/ống. Kem Colgate – một trong các loại được xách giùm chỉ 55.000 đồng. Cứ coi là bán hết, với giá cắt cổ, cả 86 ống kem kia chỉ cao lắm thu được 4- 5 triệu đồng. Thằng ngu nào lại bỏ ra 10 triệu đồng để nhờ xách hộ một lô hàng 5 triệu? Mà không chỉ một, cả 4 tiếp viên được đào tạo bài bản, có người đã 37 tuổi (sinh 1986) há lại không nhận ra sự vô lý bé mọn ấy?
Có người sẽ bẻ: xách giùm người quen, người thân nên không nghi. Tiền là người thân, người quen bồi dưỡng thôi. Bớt giỡn nhé. Chính các tiếp viên khai là người lạ, không biết ở đâu. Nghĩa là họ nhận lời làm phi vụ, họ hiểu rõ giá trị hàng hóa, số tiền công và có thỏa thuận hết đấy. Nếu là người quen lừa họ, họ khai ra ngay rồi, ngu gì bao che cho đứa lừa mình vô chỗ chết?
Một dạng ngu khác là ngu có bằng cấp, ngu khi tỏ ra hiểu luật. Xơi xơi mà bảo, nếu cơ quan điều tra không chứng minh được là 4 tiếp viên biết rõ hàng xách tay là ma túy thì họ bị lừa, sẽ thoát tội. Và: “Nghĩa vụ chứng minh họ không bị lừa là của cơ quan điều tra, các tiếp viên không có trách nhiệm phải chứng minh mình vô can, bị lừa”. Và: “Tòa chưa tuyên thì chưa ai bị coi là có tội”. Đến cỡ này thì tranh luận với cái đầu gối còn sướng hơn. Chỉ nhắc nhẹ: cô xách theo hàng, hàng trên tay cô là hàng cấm, là ma túy, nghĩa là cô/anh/chị/em… đã bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang đấy. Có trách nhiệm chứng minh hay không, lady and gentlement cứ tự nhiên. “Sống không phải là điều mới mẻ/ Chết thật ra cũng không mới gì hơn”.
Phóng viên trực tiếp đi làm tin hẳn sẽ biết rõ: ban đầu không cơ quan nào (hải quan, công an, an ninh sân bay….) chủ động cung cấp thông tin vụ này cả. Bởi lẽ, như thông báo công khai của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh trong buổi họp báo chiều 17/3, vụ này không ngẫu nhiên phát hiện sau khi soi chiếu. Nó là kết quả của cả một chuyên án, theo dõi cả một đường dây từ nhiều tháng trước. Hải quan không tự làm một mình mà ngay khâu kiểm tra đã có sẵn cả các cơ quan chức năng khác phối hợp, đủ ban bệ, làm quái gì có chuyện ngẫu nhiên.
Vì “một lý do nào đó”, nguồn tin vụ bắt bị rò rỉ cho báo chí, bịt không kịp. Nghe giang hồ đồn (giang hồ nói thì có sai bao giờ), khi cơ quan chức năng ập vào nhà kẻ sẽ nhận hàng cách sân bay…200 km, đối tượng đã trốn thoát. Trên bàn, máy tính vẫn mở, màn hình đang dừng lại ở trang báo mạng đưa tin vụ bắt 4 tiếp viên, không kịp out. Xem ra, vào giờ chót, chuyên án đã bị lộ, bể. E là rồi đây, báo nào đưa tin đầu tiên và nguồn rò thông tin sẽ được mời uống trà miễn phí mệt nghỉ.
Giang hồ cũng đồn, đám vô tình hay cố ý tham gia “chiến dịch giải cứu tiếp viên” đã cố tình giảm nghiêm trọng hệ số K (hệ số sinh lợi) của nghề cửu vạn. Trước đó, bằng đường buôn không gian (bay), hàng đã về đã trót lọt một số chuyến. Tiền công cửu vạn (nghĩa đen là khuân vác) là 80 -100 lần lớn hơn con số 10 triệu đồng. Giang hồ đúng là cái quái chi cũng biết.
Một thắc mắc hồn nhiên khác, rằng vụ này có nhiều uẩn khúc, chắc bị gài. Việt Nam giáp ranh khu vực Tam Giác Vàng, cái nôi của ma túy, trung tâm ma túy hàng đầu thế giới. Bình thường, Việt Nam là địa bàn trung chuyển, ma túy từ Việt Nam tỏa đi các nước mới đúng. Nhưng trong vụ này ma túy lại thẩm lậu ngược về Việt Nam. Vậy lời lãi đâu ra?
Lập luận thẩm thấu ngược này, nếu có đúng thì chỉ đúng với trường hợp heroin. Ma túy Tam Giác Vàng là ma túy gốc tự nhiên, chế từ thuốc phiện, thành morphin, thương phẩm buôn lậu nay chỉ là heroin. Ma túy bị bắt là ma túy tổng hợp – Amphetamine và Mathamphetamine. Những thứ này ở đâu cũng chế được. Từ thập niên 1970, khu vực Tam Giác Vàng cũng chế rất nhiều. Nhưng khu vực cảng Marseille mới là vô địch, giang hồ Pháp mới là nguồn cung mạnh nhất. Vả lại, như đã nói, là ma túy tổng hợp (tiền chất Amphetamine có trong thuốc trị cúm – Flu!) thì có thể có ở khắp nơi. Tùy trình độ của các hóa công, công nghệ chưng cất, chất lượng thuốc (độ tinh khiết, độ phê, độ nguy hiểm…) sẽ khác nhau. Do đó không có cơ sở, quy trình nào cho “lý thuyết” thẩm lậu ngược đối với ma túy tổng hợp cả. Không xuất phát từ gốc thực vật thì không có “vùng nguyên liệu” mà châu Á hay châu Phi là vùng chiếm ưu thế, giống như Nam Mỹ với các đồn điền trồng coca.
Có quá nhiều cái sai do cầm đèn chạy trước ô tô. Báo chí đăng khơi khơi, nhận xét, bình luận và suy đoán bất kể đúng sai thì phạm lỗi “đặt giả thiết trước khi hội đủ dữ kiện”.
Để cho dễ hình dung, xin đưa miễn phí một bộ tiêu chuẩn. Heroin “Double UO Globe Brand”, loại tinh khiết 99, 99%%, nhãn có vẽ hình 2 con sư tử vờn quả địa cầu, đặc sản Tam Giác Vàng, thường được đóng chính xác 3 gói = 1kg = 1000g.
Mỗi gói (0,3333kg) được phân thành 10 lượng
1 lượng = 10 chỉ
1chỉ = 10 phân
1 phân = 10 ly
1 ly = 10 liều dùng (bi, cữ, tép….), tức là khoảng bột trắng đựng trong khúc ống hút bằng nhựa, hàn kín 2 đầu cho con nghiện hít 1 lần. Vã quá thì 1 liều 2 thằng chia nhau cũng tạm.
Tất nhiên, trong quá trình phân lẻ, heroin đã bị độn thêm phụ gia (thường là các loại tân dược) nhiều lần nên độ tinh khiết cao lắm chỉ còn 35- 40%. Nếu chích, 1 bi thường được chia làm đôi, pha với 2cc nước cất. Như vậy, 1 bánh heroin bằng khoảng 100.000 liều dùng. Giá bán lẻ bao nhiêu, muốn biết thì đi mà hỏi bọn con nghiện, tôi không nghiện nên không biết. Giá bán sỉ, 1 bánh heroin năm 1997 (vụ Vũ Xuân Trường) là 4000 USD, nay khoảng 20.000 USD. Nhân lên là một con số khổng lồ, một bánh 0,3333 kg bằng 10 lũy thừa 5 liều dùng. Ai tò mò muốn biết lợi nhuận là bao nhiêu thì cứ lấy máy tính ra mà giải. Tôi thuộc loại dốt toán, thành phần thi 3 môn 9 điểm nên dù không sai cũng không tính giùm các bạn được.
Nguyễn Hồng Lam (Facebook)

Vụ án bốn tiếp viên hàng không xách 11kg ma túy: Hai trường hợp khả dĩ

 

Ảnh minh hoạ

GETTY IMAGES Ảnh minh hoạ

 

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thành Tô

Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ Úc

25.3.2023

Ngày 16/3/2023, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 4 tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vì mang theo lượng lớn ma túy cất giấu trong các tuýp kem đánh răng.

Đây là một vụ án hình sự nghiêm trọng liên quan đến tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích hai trường hợp có thể xảy ra trong quá trình xử lý vụ án này.

Trường hợp 1: Hành vi của 4 tiếp viên cấu thành tội phạm

Theo điều 248 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào mua bán trái phép chất ma túy thì bị phạt từ 5 năm tù đến tử hình hoặc chung thân và phải nộp tiền hoặc tài sản thu được từ việc mua bán trái phép chất ma túy. Mức án cụ thể được xác định dựa vào số lượng và loại chất ma túy, tính chất và hậu quả của việc mua bán trái phép chất ma túy.

Trong vụ việc này, lực lượng chức năng đã thu giữ được khoảng 4.300 gam viên nén màu xám và 80 gam chất bột màu trắng trong hành lý của các tiếp viên này. Tuy nhiên, để xác định loại ma túy này là gì và có thuộc danh sách các loại ma túy cấm hay không, cần có kết quả giám định khoa học kỹ thuật. Nếu kết quả giám định cho thấy loại ma túy này là heroin hoặc cocaine hoặc methamphetamine (ma túy tổng hợp) hoặc ecstasy (MDMA) hoặc ketamine (K) hoặc các loại khác có nguồn gốc từ opium poppy (thuốc phiện), cannabis (gai dầu), coca (lá cocain) hoặc các loại tổng hợp khác có công thức phân tử được quy định trong Phụ lục I của Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, thì hành vi của các tiếp viên này đã cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy.

Theo Bảng số II Phụ lục I Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngưỡng số lượng để xác định mức án cho các loại ma túy như sau:

– Heroin: từ 100 gam trở xuống là ít nhất; từ trên 100 gam đến dưới 600 gam là nhỏ; từ 600 gam đến dưới 2.500 gam là vừa; từ 2.500 gam trở lên là lớn.

– Cocaine: từ 100 gam trở xuống là ít nhất; từ trên 100 gam đến dưới 300 gam là nhỏ; từ 300 gam đến dưới 750 gam là vừa; từ 750 gam trở lên là lớn.

– Methamphetamine: từ 50 gam trở xuống là ít nhất; từ trên 50 gam đến dưới 200 gam là nhỏ; từ 200 gam đến dưới 500 gam là vừa; từ 500 gam trở lên là lớn.

– Ecstasy (MDMA): từ 0,1 gram trở xuống là ít nhất; từ trên 0,1 gram đến dưới 0,6 gram là nhỏ; từ 0,6 gram đến dưới 1,5 gram là vừa; từ 1,5 gram trở lên là lớn.

– Ketamine (K): từ 10 gram trở xuống là ít nhất; từ trên 10 gram đến dưới 40 gram là nhỏ; từ

40 gram đến dưới 100 gram là vừa; từ

100 gram trở lên là lớn.

Nếu loại ma túy này thuộc một trong các loại kể trên và số lượng nằm trong ngưỡng án cao hơn mức án tối thiểu cho tội mua bán chất ma túy (5 năm tù), thì các tiếp viên này có thể phải đối mặt với các mức án sau:

– Nếu số lượng ma túy thuộc ngưỡng án nhỏ hoặc vừa: Bị phạt tù chung thân hoặc tử hình và nộp tiền hoặc tài sản thu được do mua bán chất ma túy.

– Nếu số lượng ma túy thuộc ngưỡng án lớn: Bị phạt tử hình và nộp tiền hoặc tài sản thu được do mua bán chất ma túy.

Tuy nhiên, để xác định được mức án cụ thể cho các tiếp viên này, còn phải xem xét các yếu tố khác như:

– Tính chất và hậu quả của việc mua bán chất ma túy: Có gây ra thiệt hại cho sức khỏe của người sử dụng hay không? Có gây ra nguy hiểm cho an ninh quốc gia hay không? Có liên quan đến các tổ chức phi pháp hay không?

– Nhân thân của người phạm tội: Có tiền án tiền sự hay không? Có thành tích trong công việc hay không? Có khai báo thành khẩn hay không? Có giúp sức điều tra hay không?

– Động cơ và mục đích của người phạm tội: Làm vì sao? Vì ai? Với ai?

– Hoàn cảnh và điều kiện của người phạm tội: Bị ép buộc hay tự ý? Bị lợi dụng hay biết rõ hậu quả?

Các yếu tố này có thể được coi là các tình tiết giảm nhẹ hoặc nặng thêm trách nhiệm hình sự.

Getty Images

GETTY IMAGES

Trường hợp 2: Trường hợp 4 tiếp viên không cấu thành tội phạm hình sự

Nếu những người vận chuyển hoàn toàn không biết được hàng nhờ xách tay là ma túy; có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh là mình không biết, không cố ý thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, để chứng minh rằng những người vận chuyển “không biết” hàng mình được nhờ xách tay giùm là ma túy là rất khó khăn. Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tin nhắn, thông tin trao đổi gửi hàng; kinh nghiệm, nghiệp vụ của cơ quan chức năng; tình trạng sức khỏe và tâm lý của người vi phạm; mối quan hệ giữa người vi phạm và người gửi hàng; mức độ hợp tác với cơ quan điều tra…

Nếu cơ quan điều tra không thể chứng minh được ý thức cố ý của người vi phạm, thì có thể xem xét xử lý hành chính hoặc miễn trách nhiệm hình sự cho người đó. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm gặp và khó xảy ra.

Để minh họa cho câu trả lời của tôi, tôi sẽ cho bạn biết một vụ án hình sự có liên quan đến hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Đó là vụ án số 363/2021/HS-PT do Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu xét xử vào ngày 28/7/20221.

Theo bản án này, bị cáo là ông Sùng A Vàng (sinh năm 1980), dân tộc Mông, trú tại bản Nà Cùn, xã Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ngày 24/9/2020, ông Vàng được một người đàn ông lạ mặt nhờ mang giùm một chiếc ba lô từ bản Nà Cùn sang bản Bồng Lão (xã Nậm Nhùn) để giao cho một người khác. Người này nói rằng trong ba lô có thuốc men và quần áo và sẽ trả cho ông Vàng 500.000 đồng tiền công.

Ông Vàng đã nhận mang ba lô và không kiểm tra kỹ nội dung bên trong. Khi đi qua khu vực cầu Thia Phìn (xã Nậm Nhùn), ông Vàng đã bị công an bắt giữ. Qua kiểm tra, trong ba lô có 10 gói nylon chứa 10 kg heroin.

Tại phiên tòa, ông Vàng khai rằng không biết trong ba lô có ma túy và chỉ mang giùm theo yêu cầu của người lạ mặt. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã không tin vào lời khai của ông Vàng vì các lí do sau:

Theo kinh nghiệm điều tra của công an và kiến thức phổ thông của dân gian thì heroin được đóng gói thành các viên thuốc hoặc các viên nén có kích thước nhỏ để tiện mang theo hoặc nuốt vào bụng khi cần thiết. Trong khi đó, heroin trong ba lô do ông Vàng mang lại được đóng gói thành các gói nylon to bự rất dễ nhận biết.

Theo các chứng cứ thu thập được từ điện thoại di động của ông Vàng và các đối tượng liên quan thì ông Vàng đã có nhiều cuộc gọi và nhắn tin với một số người có liên quan đến đường dây ma túy. Các cuộc gọi và nhắn tin này có nội dung liên quan đến việc giao nhận hàng hóa, thời gian và địa điểm giao hàng.

Theo các chứng cứ khác như bản kê khai thu nhập của ông Vàng và các tài liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình ông Vàng thì thu nhập của ông Vàng rất thấp, không xứng với mức chi tiêu cao của ông Vàng trong thời gian qua. Điều này cho thấy ông Vàng có nguồn thu nhập khác từ hoạt động phi pháp.

Do đó, Hội đồng xét xử đã kết luận rằng ông Vàng đã cố ý tham gia vào hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, do ông Vàng có thành tích tốt trong công tác xã hội; không có tiền án tiền sự; có lời khai phối hợp với cơ quan điều tra; có gia đình khó khăn; được gia đình và cộng đồng bào dân tộc thiểu số ủng hộ giúp đỡ… nên Hội đồng xét xử đã tuyên phạt mức án nhẹ hơn so với mức án tối thiểu quy định cho trường hợp này là 20 năm tù. Cụ thể, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt ông Sùng A Vàng 18 năm tù giam về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đây là một ví dụ cho bạn thấy việc xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép chất ma túy là rất nghiêm ngặt và căn cứ vào các yếu tố khách quan để xác minh được sự thật.

Nếu 4 tiếp viên trên hành vi của họ không cấu thành tội phạm hình sự thì họ có bị xử lý gì không?

Theo quy chế lao động của hãng hàng không Vietnam Airlines, tiếp viên là nhân viên có trách nhiệm thực hiện các công việc phục vụ khách hàng trên máy bay và bảo đảm an toàn bay. Tiếp viên phải tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy tắc chuyên môn, kỹ thuật, an ninh hàng không. Tiếp viên cũng phải tuân thủ các quy định về ăn mặc, giữ gìn hình ảnh và uy tín của hãng.

Trong quy chế lao động của hãng hàng không Vietnam Airlines không có quy định cụ thể về việc tiếp viên có được nhận chuyển hộ hàng hoá có nhận thù lao khi đang làm nhiệm vụ tổ bay hay không. Tuy nhiên, theo một số luật sư chuyên về lĩnh vực hàng không và an ninh xã hội, việc này là rất nguy hiểm và có thể gây ra những rủi ro lớn cho tiếp viên cũng như cho an ninh hàng không. Họ khuyến cáo tiếp viên tuyệt đối không cho người lạ gửi nhờ hàng hoá khi đi công tác ở nước ngoài hoặc khi về Việt Nam.

Nếu 4 tiếp viên trong vụ án này được xác minh là hoàn toàn không biết trong ba lô có ma túy và được miễn trách nhiệm hình sự, thì theo tôi họ vẫn có thể bị xử lý theo quy chế lao động của hãng hàng không Vietnam Airlines. Họ có thể bị coi là đã vi phạm các quy tắc an ninh hàng không; đã làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của hãng; đã thiếu cẩn trọng và chủ quan khi nhận mang giùm hàng hoá cho người lạ… Hình thức xử lý có thể là cảnh cáo, khiển trách, giảm lương hoặc sa thải tuỳ theo mức độ vi phạm.

Để phân tích rõ hơn cho bạn hiểu được lí do tại sao việc nhận chuyển hộ hàng hoá cho người lạ là nguy hiểm và vi phạm quy chế lao động của tiếp viên, tôi sẽ dùng một số ví dụ sau:

Việc nhận chuyển hộ hàng hoá cho người lạ có thể gây ra nguy cơ cao bị mang theo các loại ma túy hay các loại vũ khí hay chất nổ trái phép. Đây là các loại hàng hoá bị cấm nhập khẩu hay xuất khẩu theo luật pháp Việt Nam và các nước khác. Nếu bị phát hiện mang theo những loại hàng hoá này, tiếp viên không chỉ bị xử lý hình sự mà còn bị mất quyền bay và mất việc làm. Đây là trường hợp của 4 tiếp viên trong vụ án này.

Việc nhận chuyển hộ hàng hoá cho người lạ có thể gây ra nguy cơ cao bị mang theo các loại hàng giả, hàng nhái hay hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là các loại hàng hoá bị cấm lưu thông trên thị trường Việt Nam và các nước khác. Nếu bị phát hiện mang theo những loại hàng hoá này, tiếp viên không chỉ bị xử lý hành chính mà còn bị ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của hãng và của cá nhân mình. Đây là trường hợp của một số tiếp viên đã từng bị công an kiểm tra và thu giữ nhiều đồ hiệu giả khi về nước từ nước ngoài.

Việc nhận chuyển hộ hàng hoá cho người lạ có thể gây ra nguy cơ cao bị mang theo các loại động vật hoang dã hay sản phẩm từ động vật hoang dã. Đây là các loại hàng hoá được quản lý chặt chẽ theo luật pháp Việt Nam và các nước khác. Nếu bị phát hiện mang theo những loại hàng hoá này, tiếp viên không chỉ bị xử lý hành chính mà còn vi phạm đến luật bảo vệ động vật hoang dã và góp phần vào tình trạng săn bắt trộm và buôn lậu động vật quý hiếm. Đây là trường hợp của một số tiếp viên đã từng bị công an kiểm tra và thu giữ nhiều sản phẩm từ da thuốc, ngà voi, sừng tê giác… khi về nước từ Châu Phi.

Vì sao quyết định trả tự do cho tiếp viên Việt Nam xách ma túy gây sốc và bức xúc?


Hình ảnh 4 tiếp viên Vietnam Airlines viết lời khai sau khi bị bắt vì vận chuyển ma túy được đăng trên báo chí Việt Nam vào ngày 17/3/2023.

Quyết định của cơ quan điều tra Việt Nam trả tự do cho 4 tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt giữ vì vận chuyển ma tuý vẫn tiếp tục tạo ra những làn sóng tranh luận, bên cạnh hàng ngàn bình luận trên mạng xã hội bày tỏ sự bức xúc, bất bình về quyết định trên.

Trước thực tế này, vào chiều 23/3, lãnh đạo TPHCM đã phải tổ chức một cuộc họp báo để giải thích về quyết định này. Theo đó, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM lý giải rằng trong trường hợp này, yếu tố lỗi về mặt chủ quan của tội phạm chưa được chứng minh và quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ không chứng minh được yếu tố này.

Theo ông Hà, việc điều tra, xử lý một con người “phải rất thận trọng và tập hợp đầy đủ cơ sở chứng cứ” và nếu quá trình điều tra phát hiện dấu hiệu, chứng cứ khác mà củng cố được hành vi vi phạm thì cơ quan điều tra vẫn áp dụng biện pháp xử lý, chứ không phải đã kết thúc vụ án.

Để làm rõ thêm khía cạnh pháp lý của vụ việc, VOA có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư nhân quyền hiện đang ở Đức. Mời quý vị theo dõi sau đây.

VOA: Xin chào Luật sư Nguyễn Văn Đài. Anh theo dõi thông tin mấy ngày qua chắc để ý thấy dư luận Việt Nam đang rất bất bình trước quyết định của cơ quan điều tra trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không bị bắt vì vận chuyển ma tuý. Nhiều người còn cho rằng các cô có “thế lực đỡ đầu” nên mới được xử lý nhẹ nhàng đến mức chưa có tiền lệ như thế. Anh nhận xét thế nào? Tội phạm ma tuý, theo luật và trên thực tế ở Việt Nam, có phải lúc nào cũng bị xử án nặng hay không?

LS. Nguyễn Văn Đài: Thưa chị Khánh An và quý khán thính giả, đối với luập pháp Việt Nam, tội vận chuyển ma tuý trái phép được quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Khung hình phạt cao nhất của nó lên đến mức án tử hình khi người vận chuyển đấy vận chuyển trên 100 gam ma túy tổng hợp (tinh chất) hay 300 gam ma túy dạng rắn. Theo thông tin báo chí thì cả 4 cô tiếp hàng không này đều mang tối thiểu trên 1 kg ma túy tổng hợp, tức là họ đều mang vượt quá ngưỡng bị áp dụng hình phạt tử hình theo Điều 250 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Điều 250 cũng quy định là cơ quan điều tra phải chứng minh được là những người vận chuyển này họ biết rằng hàng hóa vận chuyển là ma túy mà họ vẫn cố tình vận chuyển thì họ mới có cơ sở để khởi tố cũng như điều tra những tội phạm này.

Làm sao để chứng minh được người vận chuyển ma tuý đấy là họ cố tình? Thông thường, những người vận chuyển ma tuý thì họ luôn luôn phủ nhận rồi. Họ nói rằng họ không biết, hàng hóa họ vận chuyển ở trong vali hay gì đó là ma túy, mà họ chỉ được người này nhờ hay người khác nhờ vận chuyển hộ thôi, thì cơ quan điều tra phải yêu cầu người đó khai ra ai là người thuê và lượng hàng hóa này sẽ được vận chuyển cho người nào. Nếu như người vẫn chuyển đấy không thể chứng minh, không khai được tên tuổi và địa chỉ của người thuê mình, mà cũng không xuất trình được địa chỉ mà mình sẽ giao số hàng đó cho họ, thì đương nhiên người vận chuyển đó buộc phải biết hàng trong va li hay trong tuýp kem đánh răng đấy là ma tuý.

Thực tế ở Việt Nam, đặc biệt những người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…, họ thường xuyên nạn nhân của những vụ vận chuyển ma túy thuê này. Những người dân ở đó thường rất nghèo nên những người buôn ma tuý chuyên nghiệp thường lợi dụng tình trạng nghèo của người H’Mong và họ buôn ma tuý từ Lào về.

Tất nhiên, trong khoảng 100 vụ vận chuyển ma tuý của những người H’Mong thì chỉ khoảng 60% là họ biết chắc chắn nhưng họ vì lợi ích nên vẫn vận chuyển. Còn lại 40% trong các vụ án là họ bị lừa, nhưng các cơ quan cảnh sát điều tra phòng chống ma tuý của Việt Nam họ đều xử lý như nhau hết. Cùng lắm thì chỉ những người H’Mong mà kêu khóc, kêu oan từ đầu đến cuối thì họ không bị áp dụng mức án tử hình thôi, chứ còn thường là chung thân đối với những người vận chuyển trái phép ma tuý. Đấy là thực tế mà tôi từng chứng kiến ở Việt Nam. Đặc biệt có những vụ, khi tôi bị giam trong tù, tôi chứng kiến rất nhiều người họ hoàn toàn không biết thật, bị bạn bè lợi dụng thì khi xử lý vẫn bị coi như là đã biết trong đó là ma tuý.

Vụ bốn tiếp viên hàng không này đã được Cục Hải quan thành phố Hồ Minh điều tra và chính bản thân ông Cục trưởng tuyên bố đây là vụ việc đã được theo dõi từ trước, tức là các tiếp viên này đã có vận chuyển rồi, và khi các tiếp viên mang về thì họ đã chủ động soi. Tất cả những người ở Việt Nam ở trong hay ngoài nước mà từng đi qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, thì chúng ta thấy rất rõ ràng là hải quan rất hiếm khi họ chặn hành khách lại để họ soi hành lý. Hầu như là họ cho đi qua. Chỉ một số ít những người họ theo dõi thấy có quá nhiều hành lý cồng kềnh thì họ mới chặn lại để kiểm tra hành lý thôi. Chứ còn trong 100 hành khách, tôi cho rằng chưa đến 5% bị kiểm tra hành lý. Đặc biệt, các tiếp viên hàng không thì họ quá thân thuộc với hải quan rồi nên việc chặn lại để kiểm tra hành lý là nó phải có một sự việc gì cụ thể, bị theo dõi hay bị trình báo từ trước. Nhưng trên thực tế thì rất hiếm khi xảy ra trường hợp như vậy. Do đó, tôi tin lời của ông Cục trưởng Hải quan rằng đây là một chuyên án đã được hải quan theo dõi từ trước. Sau khi họ chuyển qua cho phòng Cảnh sát điều tra chống tội phạm ma tuý của TPHCM thì sau mấy ngày điều tra, họ lại thả ra. Họ cho rằng không có cơ sở để khởi tố vụ án, thì đây là điều không chỉ gây ngạc nhiên đối với những người hành nghề luật mà những người dân bình thường cũng sốc trước quyết định như vậy.

VOA: Như vậy theo luật sư, có những điểm mấu chốt nào trong thông báo quyết định thả các tiếp viên ra của cơ quan công an đã khiến cho người dân bị “sốc” và bức xúc?

LS. Nguyễn Văn Đài: Vấn đề ở đây là khi cơ quan cảnh sát phòng chống ma tuý của Công an TPHCM đưa thông tin lên báo chí, họ chỉ nói một câu ngắn gọn là “không đủ cơ sở để khởi tố vụ án”, chứ họ không nói trong quá trình điều tra, những người này đã khai thế nào, người nhờ họ vận chuyển là ai, địa chỉ họ vận chuyển cho ai… Nếu như, họ trình bày rõ ràng, mạch lạc ra để người dân biết là anh nói như thế nào là “không có căn cứ” thì người dân sẽ hiểu vấn đề. Nhưng cơ quan cảnh sát đã mập mờ ở đây.

Chắc chắn có những khuất tất ở đây làm cho người dân bức xúc. Người ta không thể tin được chuyện đó bởi vì khi đọc trên báo chí, những lời khai ban đầu của các tiếp viên đã quá mâu thuẫn với nhau rồi.

Mâu thuẫn đầu tiên họ nói rằng có một người đến gửi họ hành lý với tiền công là 10 triệu đồng và họ không biết người đó là ai. Mâu thuẫn thứ hai quan trọng hơn là họ nói rằng sau một chuyến bay mệt mỏi, họ không đủ sức khoẻ để kiểm tra tất cả hành lý người ta nhờ vận chuyển. Điều này hoàn toàn không đúng, bởi vì tôi là người biết rất rõ mỗi đoàn tiếp viên sau khi chuyến bay hạ cánh, họ có tới 72 tiếng để nghỉ ngơi trước khi họ bay chuyến bay trở về. Không thể nói vừa mới xong chuyến bay tới rồi lại phải bay về Việt Nam ngay. Chuyện đó rất phi lý! Từ lời khai của các tiếp viên đã chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn rồi, mà cơ quan điều tra lại không làm rõ điều đó, thì chính sự mập mờ, không rõ ràng của cơ quan điều tra đã khiến người dân Việt Nam càng bức xúc.

VOA: Vâng. Trên báo chí khi đưa tin về vụ bắt các tiếp viên, nhiều người dân đã chú ý đến tấm ảnh cả 4 cô ngồi cùng trong một bàn để viết tờ khai. Họ cho rằng cơ quan điều tra đã làm sai trong bước này. Nhận xét của họ có đúng không?

LS. Nguyễn Văn Đài: Chính xác. Đáng lý ra họ phải tách 4 người ra. Xưa nay tất cả đều phải như vậy chứ không phải chỉ riêng vụ này. Nguyên tắc là trong một vụ án, khi họ bắt được hai người trở lên, thì luôn luôn họ tách hai người đó ra các phòng khác nhau, thậm chí là hai điều tra viên khác nhau. Cho nên việc họ để cho 4 cô này ngồi cùng phòng và cùng viết thì đương nhiên họ thông cung với nhau rồi.

Tấm ảnh chụp có khuôn hình khá rộng, hoàn toàn không thấy xuất hiện một nhân viên hải quan hay cảnh sát điều tra nào thì hoàn toàn họ có thể trao đổi với nhau rõ ràng, thống nhất với nhau về lời khai. Điều này làm cho những người hiểu biết về quy trình điều tra càng bất bình.

Tiền lệ nguy hiểm

VOA: Khi họp báo, đại diện của Cục Hải quan TPHCM nói rằng vụ bắt giữ này diễn ra trong khi cơ quan này đang nỗ lực trấn áp tội phạm ma tuý, và bây giờ loại tội phạm này đã được mở rộng ra nhiều giới khác, kể cả đội ngũ nhân viên hàng không. Như vậy, theo luật sư, liệu tuyên bố về nỗ lực của hải quan Việt Nam và quyết định trả tự do cho các tiếp viên có xung khắc nhau không? Tác động của quyết định này thế nào?

LS. Nguyễn Văn Đài: Nói về nỗ lực phòng chống buôn lậu ma tuý nói riêng hay buôn lậu các loại hàng hoá khác nói chung qua đường hàng không và qua các tiếp viên, phi công, thì tôi không tin lắm vào tuyên bố của hải quan. Bởi vì ở Việt Nam, ai cũng biết giữa hải quan với phi công, tiếp viên thường là họ có thông đồng, móc ngoặc với nhau trong việc đưa hàng lậu, hàng cấm vào Việt Nam. Nhưng không hiểu sao ông Cục trưởng Hải quan TPHCM lại mạnh miệng tuyên bố như vậy. Nó không đúng với thực tế và bản chất của ngành hải quan Việt Nam.

Còn việc cơ quan cảnh sát phòng chống ma tuý TPHCM trả tự do cho 4 tiếp viên này chắc chắn nó tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm, bởi vì nó sẽ làm cho các tiếp viên, phi công và những người dân bình thường khác vận chuyện hàng cấm thì họ đều vẽ ra một cái tên nào đó mà họ không biết danh tính, thậm chí họ có thể ghi một địa chỉ ất ơ nào đó. Nếu trót lọt thì họ “trúng quả” và được một số tiền công rất lớn, hoặc nếu là người buôn thì họ sẽ có một khoản lợi nhuận khổng lồ. Còn nếu không may bị bắt thì họ nói “Tôi không biết có gì bên trong cả. Tôi chỉ có người nhờ vận chuyển thôi” và họ thoát tội. Như vậy, nó đã tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm từ ngày hôm nay trở đi.

Mất niềm tin, uy tín

VOA: Có một số người đặt câu hỏi về tính “nghiêm minh” và “công bằng” của luật pháp và lực lượng thực thi pháp luật tại Việt Nam khi so sánh quyết định thả các tiếp viên mang ma tuý và những án tù nặng nề đối với những người bất đồng chính kiến. Là một luật sư, cũng là một người được xếp vào giới “bất đồng chính kiến”, anh nhận định thế nào về so sánh này?

LS. Nguyễn Văn Đài: Vụ này tạo ra một sự bất bình ở người dân rất lớn. Họ bình luận là nếu người dân bình thường làm như vậy thì chắc chắn cơ quan điều tra sẽ bất chấp là cố ý hay không cố ý, biết hay không biết, nhẹ nhất là chung thân, nặng thì tử hình. Có người còn ví dụ có người dân ăn cắp một con vịt thôi thì có người 3 năm tù, người 7 năm tù, trong khi vận chuyển một số lượng ma tuý khủng khiếp như thế mà nó trót lọt, đưa vào tiêu thụ tại TPHCM thì không biết bao nhiêu tầng lớp thanh niên trẻ tuổi bị ảnh hưởn tiêu cực, và việc sử dụng ma tuý có thể dẫn đến những tội phạm cướp của, giết người, hiếp dâm…, người ta còn nói như vậy, sẽ có bao nhiêu tội phạm phát sinh từ hơn 11 kg ma tuý này.

Nói chung, vụ việc này không dừng lại hôm nay hay ngày mai, mà nó tạo một tâm lý không còn tin cậy vào hệ thống pháp luật của chế độ nữa. Chưa kể, nếu so sánh với những người bất đồng chính kiến hay phản biện xã hội, thì đáng lẽ ra chính quyền phải khen họ, bởi vì thông qua những phản biện đó, chính quyền biết được mình sai ở đâu, mình còn điểm gì yếu để khắc phục, giúp cho chế độ vững mạnh hơn. Nhưng họ lại cho rằng điều đó đe doạ chế độ thì đó là một sự nhận thức rất mù quáng, một nhận thức ngược so với những tư tưởng văn minh và tiến bộ trên thế giới.

VOA: Vụ bắt các tiếp viên đã được nhiều cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế đưa tin. Theo anh, liệu quyết định thả các tiếp viên của chính quyền Việt Nam có gây ra ảnh hưởng quốc tế nào không, trong khi trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ người nước ngoài vận chuyển ma tuý ở Việt Nam và bị kết án tử hình?

LS. Nguyễn Văn Đài: Việt Nam xưa nay cũng được quốc tế khen ngợi vì làm khá tốt trong việc hợp tác với cảnh sát hình sự quốc tế hay theo dạng đa phương, song phương với cảnh sát chống ma tuý của các quốc gia khác. Nhưng vụ việc này sẽ làm mất uy tín của ngành cảnh sát Việt Nam rất nhiều. Tôi cho rằng trong tương lai, phía Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc hợp tác với các cơ quan cảnh sát quốc tế để chống tội phạm ma tuý.

VOA: Vâng, cám ơn Luật sư Nguyễn Văn Đài đã dành thời gian cho VOA.

Bàn về vụ bốn nữ tiếp viên hàng không

 

26-3-2023

Mấy ngày qua, trên thông tin đại chúng bàn tán nhiều về vụ 4 tiếp viên nữ Hàng không VN, chuyến bay từ Pháp về bị Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện trong hành lý của họ có 11,5 kg chứa chất ma tuý, được che dấu trong các tuýp thuốc đánh răng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) đã tiếp nhận và giải quyết tin báo về tội phạm, quyết định tạm giữ 4 tiếp viên để lấy lời khai và thu thập chứng cứ (thời gian tạm giữ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự là không quá 9 ngày – Điều 118 BLTTHS). Trong thời gian tạm giữ, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát (VKS), xét thấy chưa đủ căn cứ khởi tố bị can để áp dụng biện pháp bắt tạm giam, nên đã trả tự do ngay cho 4 tiếp viên bị tạm giữ. Sau khi công bố thông tin này trên báo chí, thì có nhiều dư luận khác nhau, có những ý kiến nhận xét đánh giá sai trái và thiếu thiện chí.

Tôi đủ niềm tin và khẳng định rằng: CQCSĐT và VKS đã, đang và sẽ làm sáng tỏ vụ việc để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

– [ ] Với 11,5 kg có chứa chất ma tuý và với lỗi cố ý vận chuyển, là đặc biệt nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 250 BLHS, mức hình phạt cao nhất là tử hình; do đó phải hết sức thận trọng để đảm bảo nguyên tắc “không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người không phạm tội”.

– [ ] Vụ việc này có tính chất phức tạp, liên quan đến địa bàn nước ngoài; vì vậy xác minh điều tra nguồn tin về tội phạm, thời gian cho phép tối đa là 6 tháng, không tính thời gian tạm đình chỉ nếu có ( Điều 147 BLTTHS). Do đó, CQCSĐT vẫn đang tiếp tục điều tra, nếu có đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

– [ ] Khi nhận xét đánh giá về vụ việc này, cần thử đặt mình là luật sư bào chữa, hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 4 tiếp viên; là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán thụ lý vụ án;…để đưa ra kết luận khách quan

Tuy nhiên, với nguồn tin và tài liệu chứng cứ ban đầu: 4 nữ tiếp viên mang 11,5 kg có chất ma tuý được che dấu trong các hộp thuốc đánh răng, từ Pháp về VN. Lời khai ban đầu của 4 tiếp viên: không biết có chất ma tuý, mang hộ để được trả công 10 triệu đồng. Nội dung này đã hội đủ vụ án buôn bán ma tuý có tính chất xuyên quốc gia. Để điều tra làm rõ cần quán triệt các quy định pháp luật, lưu ý các tình tiết mâu thuẫn, áp dụng đầy đủ các biện pháp để nhanh chóng làm rõ, trừng trị tội ác này và trả lời đồng bào cả nước đang quan tâm, cụ thể là:

THỨ NHẤT: Quán triệt các Công ước quốc tế để phối hợp với Cơ quan phòng chống ma tuý nước Pháp và tổ chức quốc tế để điều tra:

– Ngày 01/9/1997, Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Quyết định số 798/QĐ-CTN về việc tham gia 3 Công ­ước quốc tế về kiểm soát ma tuý đó là: Công ước thống nhất về các chất ma tuý năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và các chất hư­ớng thần năm 1988.

– Phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cơ quan phòng, chống ma túy của Liên Hiệp quốc (UNODC), Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol)…

Với các văn bản pháp lý và tổ chức đó, phối hợp điều tra nguồn gốc xuất xứ, sản xuất, mua bán, giao nhận, vận chuyển, kiểm tra để lọt qua biên giới (Hải quan và các cơ quan có thẩm quyền Pháp) để 11,5 kg có hàm lượng chất ma tuý này về VN;…

THỨ HAI: Làm rõ lời khai của 4 nữ tiếp viên, những mâu thuẫn trong lời khai:

1- Cần mở rộng vụ việc: chỉ có 4 tiếp viên này và chuyến bay này, hay có tổ chức với sự tham gia của nhiều người? Nhiều chuyến bay?

2- Thông tin người gửi (bên Pháp) và người nhận (về VN) từ 4 tiếp viên khai và thông qua các biện pháp khác;

3- Bằng cách gì, do lỗi kỹ thuật hay có sự bố trí kế hoạch mà 11,5 kg có chất ma tuý này không bị Hải quan, An ninh hàng không Pháp;… không phát hiện được tại sân bay Pháp?

4- Theo thông tin trên báo chí: 4 nữ tiếp viên mang theo hành lý 11,5 kg có hàm lượng chất ma tuý, đựng trong 154 hộp kem đánh răng. Bốn nữ tiếp viên khai là không biết có đựng chất ma tuý, vận chuyển để được trả tiền công 10 triệu đồng. Nếu đúng 4 tiếp viên khai như thế thì cũng có nhiều bất hợp lý và mâu thuẫn:

Tôi ra cửa hàng tạp hoá mua 1 hộp kem đánh răng Colgate có cả vỏ bao, kèm 1 bàn chải đánh răng, giá là 37000 đồng. Tôi cân trọng lượng tuýp kem là 0,25 Kg (vì thấy có Colgate trong tang vật), so sánh ta thấy:

– Về trọng lượng: 0,25 kg một tuýp, mà 11,5 kg tất cả các Tuýp, tính phóng khoáng là khoảng gần 50 tuýp, nếu tuýp nhỏ hơn thì cũng chỉ 100 tuýp; chứ không thể là 154 tuýp Hải quan đã thu giữ. Khi sắp xếp số tuýp này vào hành lý, có thể 4 cô tiếp viên cũng cảm thấy hoặc nhận thức được điều khác lạ đó;

– Về giá cả, tôi mua hộp thuốc đánh răng đó với giá 37000 đồng (còn có cả hộp giấy và 1 bàn chải đánh răng). Nếu tính giá theo trọng lượng: 50 hộp cân nặng gần 11,5 kg, giá 37000 đ/1 hộp, thì giá trị toàn bộ lô hàng kem đánh rang là: 1850000đ (một triệu tám trăm năm mươi ngàn đồng). Giả sử rằng do kem đánh răng sản xuất tại Pháp về VN giá gấp 3 lần, thì toàn bộ lô hàng cũng chỉ bán được gần 6 triệu đồng. Thế nhưng, 4 cô tiếp viên khai vận chuyển số tuýp thuốc đánh răng này được trả tiền công 10 triệu đồng (?).

Những nội dung mâu thuẫn này cần được điều tra, xác minh làm rõ, khách quan; đảm bảo nguyên tắc “suy đoán vô tội, nghiêm cấm suy đoán buộc tội”.

Một vài ý kiến trao đổi về vụ việc này. Tôi tin tưởng CQCSĐT sẽ làm rõ để giải quyết đúng pháp luật. Đồng thời, cần nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm, với nguồn tin tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như vậy, mà để cả 4 tiếp viên ngồi cùng bàn viết bản tự khai, không cách ly, không giám sát,… sẽ bị thông cung, cùng thống nhất lời khai, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Một số hình ảnh từ LS Trần Đình Triển: