Seite auswählen

Tàu khu trục phi đạn dẫn đường USS Milius của Mỹ đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông ngày 23/3/2023.

 

Quân đội Trung cộng ngày 23/3 tuyên bố đã theo dõi và xua đuổi một tàu khu trục của Hoa Kỳ xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố, quân đội Trung cộng cho biết tàu khu trục phi đạn dẫn đường USS Milius đã xâm phạm lãnh hải của Trung cộng, phá hoại hòa bình và ổn định trong tuyến đường thủy bận rộn này.

“Các lực lượng của quân khu sẽ luôn duy trì tình trạng cảnh giác cao độ và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, ông Tian Junli, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Quân khu phía Nam của Trung cộng cho biết.

Hải quân Hoa Kỳ ngày 23/3 đã bác bỏ tuyên bố của quân đội Trung cộng, nói rằng tàu khu trục đang tiến hành “các hoạt động thường lệ” ở Biển Đông và không bị xua đuổi.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay qua, cho tàu đi ngang và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, một tuyên bố từ Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ nói.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung cộng đang gia tăng trong khu vực.

Hoa Kỳ đã củng cố các liên minh ở châu Á-Thái Bình Dương để tìm cách chống lại sự hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, trong lúc Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ của mình.

VOA (24.03.2023)

 

 

Trung cộng lên tiếng đe dọa sau khi khu trục hạm Hoa Kỳ vào Biển Đông

Khu trục hạm USS Milius tại vùng biển Hoàng Sa ngày 24/3/2023 US Navy

 

Trung cộng vào ngày 24/3 lên tiếng đe dọa về những hậu quả nghiêm trọng sau khi khu trục hạm USS Milius của Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động tại Biển Đông sang ngày thứ hai.

AP loan tin dẫn phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung cộng Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) về đe dọa vừa nêu. Nguyên văn lời người phát ngôn họ Đàm : “Hoạt động của quân đội Hoa Kỳ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung cộng; vi phạm luật pháp quốc tế; và đây là bằng chứng đanh thép về việc Hoa Kỳ theo đuổi chủ nghĩa bá quyền hàng hải và quân sự hóa Biển Đông. Chúng tôi long trọng yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt ngay những hành động khiêu khích như thế; bằng không sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ những sự vụ không mong đợi do hành động này gây nên.”

Cảnh báo của phía Trung cộng được đưa ra, sau khi khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Milius vào Biển Đông từ ngày 23/3 tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa.

Sau đó một phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Trung cộng tuyên bố rằng Hải quân và Không quân Trung cộng đã xua được chiến hạm Mỹ theo đúng luật pháp.

Phát ngôn nhân Hạm đội Bảy thuộc Hải quân Hoa Kỳ, Trung úy Luka Bakic, ra thông cáo cho rằng tuyên bố vừa nêu của phía Trung cộng là sai. Người này nói rõ trong trả lời AP rằng khu trục hạm USS Milius đang tiến hành hoạt động thường kỳ ở Biển Đông và không hề bị xua đuổi. Hoa Kỳ tiếp tục cho chiến đấu cơ, chiến hạm hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép.

Đại diện của Hạm đội Bảy không cho biết rõ khu trục hạm USS Milius có đi sát vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoặc có đối đầu gì giữa hai phía hay không.

RFA (24.03.2023)

 

 

Trung cộng loan báo đã « đuổi » một tàu chiến của Mỹ khỏi Hoàng Sa

Tàu khu trục Arleigh Burke USS Milius (DDG 69) di chuyển trên biển Phi Luật Tân ngày 13/03/2023. AP – Petty Officer 1st Class Gregory

 

Hôm 23/03/2023, Trung cộng loan báo đã « đuổi » một tàu chiến của Mỹ khỏi vùng Biển Đông. Theo quân đội Trung cộng, tàu khu trục USS Milius của Mỹ đã tiến gần « một cách bất hợp pháp » đến một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Washington đã bác bỏ thông tin mà họ cho là « dối trá ».

Theo AFP, thông cáo ngắn gọn của tướng Điền Quân Lý (Tian Junli), phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Trung cộng, nhấn mạnh « các lực lượng hải quân và không quân đã được huy động để theo dõi và giám sát » tàu khu trục của Mỹ và đã « phát cảnh báo và buộc » tàu này rời khỏi khu vực.

Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Trung cộng lên án hành động của Mỹ « gây phương hại cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông » và khẳng định quân đội Trung cộng « vẫn cảnh giác và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia ».

Về phía Mỹ, theo AFP, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khẳng định « tuyên bố của Trung cộng là dối trá », tàu USS Milius « đang tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Đông và không phải quay đầu ngược trở lại. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các chuyến bay, các chuyến hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ».

Hoa Kỳ vẫn thường xuyên điều tàu chiến đến Biển Đông nhằm bảo vệ « tự do lưu thông hàng hải », thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở vùng biển này. 

RFI (23.03.2023)

 

 

Trung cộng nói ‘xua đuổi’ tàu Mỹ ở Biển Đông, Washington bác bỏ

Quân đội Trung cộng hôm thứ Năm (23/3) cho biết họ đã theo dõi và “xua đuổi” một tàu khu trục Mỹ xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, song Hạm đội 7 hải quân Mỹ bác bỏ thông tin này.

Một sĩ quan Hải quân Mỹ (phải) đi trước khẩu súng 5754 (C) trên boong của USS Milius DDG69, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường có khả năng đa nhiệm vụ cập cảng phía nam Manila vào ngày 18/8/2012. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP/GettyImages)

 

Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam thuộc quân đội Trung cộng hôm 23/3 cho biết đã theo dõi và “phát cảnh báo rời đi” đối với tàu khu trục USS Milius của hải quân Mỹ khi nó đến gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông nhưng bị Trung cộng chiếm đóng trái phép từ năm 1974.

Tian Junli, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam, tuyên bố lực lượng này sẽ “duy trì trạng thái báo động cao” sau sự việc. Tuy nhiên, Hạm đội 7 hải quân Mỹ ra thông cáo bác bỏ thông tin tàu chiến của họ phải “rời đi”.

“Tàu khu trục USS Milius đang thực hiện nhiệm vụ bình thường ở Biển Đông và không bị xua đuổi. Lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, thông cáo của Hạm đội 7 có đoạn.

Hạm đội 7 không nêu rõ tàu khu trục USS Milius đang thực hiện nhiệm vụ gì ở Biển Đông.

Mỹ thường xuyên triển khai tàu chiến tuần tra ở Biển Đông để thách thức các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung cộng. Hải quân Mỹ phản đối Trung cộng vẽ ra cái gọi là “đường cơ sở thẳng”, còn gọi là đường 9 khúc bao quanh toàn bộ vùng biển trong các chuỗi đảo ở Biển Đông.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung cộng đang ngày càng gia tăng trong khu vực. Mỹ đã liên tục củng cố các liên minh ở châu Á – Thái Bình Dương để tìm cách chống lại sự quyết đoán của Trung cộng ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông khi Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ của mình.

Mới đây, Mỹ và Phi Luật Tân bắt đầu dự án trị giá 25 triệu USD nhằm cải tạo đường băng ở căn cứ không quân Basa trên đảo Luzon. Phi Luật Tân và Mỹ đã nhất trí bổ sung 4 địa điểm mới ở những khu vực chiến lược của Phi Luật Tân vào các căn cứ mà lính Mỹ được phép sử dụng trên lãnh thổ quốc gia Đông Nam Á này.

NTDVN (23.03.2023)

 

 

Hoa Kỳ bác tuyên bố của Trung cộng nói xua đuổi một khu trục hạm Mỹ ở Biển Đông

Khu trục hạm USS Milius (DDG69) tại căn cứ của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản hôm 22/5/2018 (minh hoạ) Reuters

 

Hoa Kỳ bác bỏ một tuyên bố của Trung cộng đưa ra ngày 23/3 rằng lực lượng của Bắc Kinh đã xua đuổi một khu trục hạm của Mỹ ra khỏi vùng biển Hoàng Sa tranh chấp tại Biển Đông.

AP loan tin dẫn thông cáo của Hạm đội Bảy thuộc Hải quân Hoa Kỳ cho rằng một tuyên bố đưa ra trong cùng ngày từ phía Trung cộng là sai. Đó là tuyên bố của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam Quân đội Hoa Lục nói rằng đã buộc khu trục hạm USS Milius của Mỹ ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông.

Trong trả lời AP, một đại diện của Hạm đội Bảy cho rằng khu trục hạm USS Milius đang tiến hành hoạt động thường kỳ ở Biển Đông và không hề bị xua đuổi. Hoa Kỳ tiếp tục cho chiến đấu cơ, chiến hạm hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép.

Đại diện của Hạm đội Bảy không cho biết rõ khu trục hạm USS Milius có đi sát vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoặc có đối đầu gì giữa hai phía hay không.

Thông cáo của phía Hạm đội Bảy thuộc Hải quân Hoa Kỳ được đưa ra sau  khi một phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Trung cộng tuyên bố rằng Hải quân và Không quân Trung cộng đã xua được chiến hạm Mỹ theo đúng luật pháp.

Vụ việc xảy ra vào khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung cộng tại khu vực gia tăng do Washington đẩy mạnh ngăn chặn hành động hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông và những nơi khác.

Trung cộng đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế La Haye vào năm 2016 tuyên không có căn cứ cả về pháp lý lẫn lịch sử; tuy vậy Trung cộng không công nhận phán quyết của Tòa.

Biển Đông là một tuyến hàng hải được đánh giá có tính chiến lược trên thế giới, hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này lên đến chừng năm ngàn tỷ USD; và vùng biển này còn giàu nguồn hải sản cũng như tài nguyên dầu mỏ.

RFA (23.03.2023)

 

 

Tổng thống Marcos: Các căn cứ quân sự mới với Mỹ sẽ ‘rải rác’ quanh Phi Luật Tân

Tổng thống Ferdinand Marcos tại lễ kỷ niệm 126 năm thành lập quân đội Phi Luật Tân.

 

Tổng thống Ferdinand Marcos (con) cho biết hôm 22/3 rằng 4 căn cứ quân sự mới theo thỏa thuận quốc phòng với Hoa Kỳ sẽ được đặt ở nhiều nơi khác nhau của Phi Luật Tân, bao gồm cả ở một tỉnh đối diện với Biển Đông, theo Reuters.

Tháng trước, ông Marcos cấp cho Mỹ quyền tiếp cận 4 địa điểm, ngoài 5 địa điểm hiện có theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014, diễn ra trong bối cảnh Trung cộng ngày càng lấn át ở Biển Đông và nhắm đến Đài Loan.

“Có 4 địa điểm bổ sung nằm rải rác khắp Phi Luật Tân – một số ở miền bắc, một số ở quanh Palawan, một số xa hơn về phía nam”, ông Marcos nói với các phóng viên bên lề lễ kỷ niệm thành lập quân đội Phi Luật Tân.

Hiệp ước EDCA cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các căn cứ của Phi Luật Tân để huấn luyện chung, bố trí trước thiết bị và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự, nhưng đây không phải là sự hiện diện thường trực.

Ông Marcos cho hay Phi Luật Tân và Mỹ sẽ sớm công bố địa điểm của các căn cứ, đồng thời cho biết thêm rằng các địa điểm này sẽ tăng cường khả năng của nước này trong việc bảo vệ “phía đông” của hòn đảo lớn nhất của họ, Luzon. Luzon là hòn đảo chính của Phi Luật Tân gần nhất với Đài Loan tự trị mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền.

Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 22/3 nhắc lại lập trường rằng phía Mỹ đang làm gia tăng căng thẳng bằng cách tăng cường triển khai quân sự trong khu vực, đồng thời nói thêm các nước nên “cảnh giác” và tránh bị Mỹ lợi dụng.

“Chúng tôi tin rằng hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia cần phải có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực, và không nên nhằm vào bên thứ ba hoặc làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba”, phát ngôn viên Uông Văn Bân nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ.

Một cựu chỉ huy quân đội Phi Luật Tân công khai nói rằng Hoa Kỳ đã đề nghị được tiếp cận các căn cứ ở Isabela, Zambales và Cagayan, tất cả đều nằm trên đảo Luzon, hướng về phía bắc tới Đài Loan và trên Palawan ở phía tây nam, gần quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông.

Một số nhà lãnh đạo của các chính quyền địa phương tại các địa điểm tiềm năng thuộc EDCA phản đối quyết định của ông Marcos, lo lắng rằng họ sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột nếu nảy sinh xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung cộng về Đài Loan.

Nhưng ông Marcos cho biết chính phủ của ông đã thảo luận với họ về tầm quan trọng của việc mở rộng quyền tiếp cận của Hoa Kỳ và “lý do tại sao điều đó thực sự sẽ tốt cho các tỉnh của họ”.

Washington cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 80 triệu đôla tại 5 địa điểm hiện có – Căn cứ không quân Antonio Bautista ở Palawan, Căn cứ không quân Basa ở Pampanga, Pháo đài Magsaysay ở Nueva Ecija, Căn cứ không quân Benito Ebuen ở Cebu và Căn cứ không quân Lumbia ở Mindanao.

Phát biểu trước quân đội Phi Luật Tân, ông Marcos yêu cầu họ cảnh giác vì mối đe dọa từ bên ngoài đối với an ninh ngày càng trở nên “phức tạp” và “không thể lường trước”.

“Hãy cảnh giác chống lại các yếu tố sẽ làm suy yếu nền hòa bình và sự ổn định phải khó khăn mới có được của chúng ta, hãy tiếp tục cải thiện quan hệ với các đối tác của quân đội ở nước ngoài”, ông Marcos nói.

Không đi vào chi tiết cụ thể, ông Marcos nói rằng ông nhận thức được “mối đe dọa mới nổi” đối với lãnh thổ của đất nước mình, và theo lời ông, những nguy cơ đó sẽ yêu cầu phải có “những điều chỉnh trong chiến lược của chúng ta”.

“Môi trường an ninh bên ngoài đang trở nên phức tạp hơn. Điều này ngày càng khó lường hơn”, ông Marcos nói.

VOA (23.03.2023)

 

 

Biển Đông trong mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung cộng hiện nay ra sao?

Vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông luôn được xem là vùng nhạy cảm giữa mối quan hệ của hai quốc gia cộng sản Việt Nam-Trung cộng.

Nằm sát sườn bên cạnh một quốc gia có tham vọng trên cả lục địa lẫn đại dương như Trung cộng, Việt Nam phải luôn giữ tâm thế cẩn trọng: một mặt phải bảo vệ chủ quyền, ghi nhớ những sự kiện lịch sử như Chiến tranh biên giới 1979 hay Gạc Ma 1988, chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông nhưng đồng thời không “gây hận thù với Trung cộng”, làm “ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam”.

Trong bối cảnh sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung cộng hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022, Việt Nam có vẻ càng thận trọng hơn nữa.

Giáo sư Carl Thayer cho biết, một nhà ngoại giao phương Tây thạo tin đã đánh email cho ông sau chuyến thăm trên để đánh giá rằng, ông Võ Văn Thưởng là thành viên duy nhất của phái đoàn Việt Nam, ngoài Tổng Bí thư Trọng, được nhắc đến nhiều trên báo chí Trung cộng.

Trong quan hệ song phương, các vấn đề có thể gây căng thẳng quan hệ hai nước có thể kể ra các sự kiện như kỷ niệm Hải chiến Hoàng Sa (tháng 1/1974), Chiến tranh biên giới (tháng 2/1979) và Gạc Ma (tháng 3/1988).

 

‘Bước ngoặt’ năm 2019 về Biển Đông

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Sau khi chiếm được bãi Gạc Ma trong cuộc xung đột năm 1988 với Việt Nam, Trung cộng đã biến nơi đây thành đảo nhân tạo rất lớn.

 

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đánh giá vấn đề này đã có một “bước ngoặt” xảy ra vào năm 2019, sau khi cuộc đụng độ giữa Trung cộng và Việt Nam về Bãi Tư Chính được giải quyết.

“Trước đó, vào năm 2017 và 2018, lãnh đạo Việt Nam đã ra lệnh cho nước ngoài dừng hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực này.

“Sau năm 2019, Việt Nam hạn chế nối lại hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại khu vực này. Không có sự cố lớn nào với Trung cộng kể từ đó.

“Theo đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam không muốn thực hiện bất kỳ hành động nào có thể phá vỡ tình trạng quan hệ hiện tại, bao gồm cả việc công khai cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và vụ thảm sát năm 1988 tại Gạc Ma,” ông Carl Thayer nhận định.

Điều này đồng nghĩa, cấp lãnh đạo của hai nước Việt Nam, Trung cộng đã thống nhất là không để các tranh chấp của họ ở Biển Đông làm cản trở sự hợp tác trên phạm vi rộng lớn trong khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

“Nói cách khác, họ đã đồng ý giải quyết tranh chấp này một cách hòa bình,” theo Giáo sư Carl Thayer.

Ông Thayer nhắc lại chuyến công du tháng 11/2022 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhấn mạnh ông Trọng là vị lãnh đạo đầu tiên trên thế giới bay đến Bắc Kinh để gặp ông Tập Cận Bình khi ông Tập tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba.

“Hai nhà lãnh đạo đã có “đối thoại sâu sắc, chân thành và thẳng thắn” về các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Thỏa thuận của họ đã được ghi lại trong Điểm thứ 9 của Tuyên bố chung gồm 13 điểm dài 4 trang.

“Hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đã nhất trí trong đoạn đầu (Tuyên bố chung) “việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông là vô cùng quan trọng; đồng thời nhất trí xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển, đóng góp cho hòa bình và an ninh lâu dài ở khu vực.

“Đoạn thứ nhất của Điểm thứ 9, đôi bên cũng nhất trí “sử dụng hiệu quả cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới hai nước; thông qua hội đàm và đàm phán, thảo luận các giải pháp tạm thời, chuyển tiếp mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương mỗi bên; và tìm kiếm các giải pháp cơ bản dài hạn được hai phía chấp nhận.”

“Trong đoạn thứ hai, lãnh đạo hai Đảng nhất trí “thúc đẩy trao đổi về hợp tác cùng phát triển trên biển và phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đẩy nhanh hai vấn đề nêu trên để sớm đạt được tiến triển thực chất. Sẵn sàng tiếp tục triển khai hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; trao đổi về việc mở rộng hợp tác trên biển ở Vịnh Bắc Bộ trên cơ sở đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên,” ông Thayer phân tích.

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, “kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình; và mở rộng tranh chấp; duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển” cũng được hai bên nhất trí, theo ông Thayer.

 

‘Đừng chọc con chó đang ngủ’

Hà Nội lâu nay vẫn rất thận trọng trong các vấn quan hệ và đối thoại với Trung cộng. Nhắc lại những tranh chấp giữa Trung cộng và Việt Nam, GS Carl Thayer nêu quan sát:

“Vụ Gạc Ma đặt ra hai tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các lãnh đạo tuyên giáo ở Việt Nam. Đầu tiên, phía Việt Nam được cho là thiệt hại 64 chiến sỹ và thua trong cuộc giao tranh. Thứ hai, bất kỳ sự công khai nào về sự kiện này mà gọi Trung cộng là kẻ xâm lược sẽ làm Bắc Kinh phật ý vì Trung cộng khẳng định rằng họ có quyền lịch sử đối với chủ quyền bãi Gạc Ma.

“Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo của Trung cộng và Việt Nam đã đồng ý “kiểm soát dư luận” và điều này có nghĩa là ngăn chặn việc đưa tin vào ngày kỷ niệm sự kiện này,” ông Thayer phân tích.

“Trong tiếng Anh có câu thành ngữ: “let sleeping dogs lie” (tạm dịch: Đừng chọc con chó đang ngủ). Nói cách khác, đừng có thực hiện các hành động có thể khiêu khích đối phương. Trong các báo cáo học thuật có thông tin cho rằng Trung cộng đã kỷ luật viên chỉ huy đội tàu tại Gạc Ma vào tháng 3/1988 vì đã sử dụng vũ lực khi chưa có lệnh.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Trung cộng bắt đầu xây dựng cơ sở quân sự trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) vào năm 2015

 

“Đoạn video trắng đen về cuộc đụng độ vào tháng 3/1988 cho thấy rõ ràng cảnh các tay súng Trung cộng bắn hạ lính Việt Nam tại vùng nước gần bãi cạn.”

“Chính quyền Trung cộng muốn thúc đẩy câu chuyện về sự trỗi dậy hòa bình của Trung cộng. Trung cộng không muốn có tiếng xấu cũng như không muốn tạo ra những liệt sĩ yêu nước cho phía Việt Nam. “

“Các nhà chức trách Việt Nam có thể đã quyết định vụ việc này là quá nhạy cảm để phát sóng trên các phương tiện truyền thông trong nước vào thời điểm này. Nhưng chính quyền Việt Nam không thể ngăn chặn cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông xã hội,” Giáo sư nhận định.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Yêu sách Đường lưỡi bò chín đoạn của Trung cộng trên Biển Đông

 

Về vấn đề này, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm hôm 13/3 đã nói với BBC rằng, sự nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung cộng đòi hỏi phía Việt Nam phải cẩn trọng.

“Chúng ta bức xúc và căm thù hành động dã man của một bộ phận hải quân Trung cộng nhưng không thù dai. Đối với việc làm phi nghĩa của một bộ phận hải quân Trung cộng, Việt Nam phải lên án.

“Còn quan hệ tốt với Trung cộng trên đại cục vẫn giữ, nhưng trên từng sự việc một, họ làm sai phải lên tiếng, phải nói một cách rõ ràng chứ không lập lờ. Ở gần một nước lớn mà nước đó luôn luôn có tư tưởng làm bá chủ thiên hạ thì Việt Nam bao giờ cũng vất vả, phải giữ quan hệ để không xảy ra mâu thuẫn,” ông Lâm kiến nghị.

Đồng thời, Tướng Lê Kế Lâm cũng cảnh báo rằng, bảo vệ chủ quyền biển đảo sắp tới đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.

“Chủ trương của Trung cộng độc chiếm biển Đông là không bao giờ thay đổi. Họ không chịu yên vị là cường quốc lục địa thôi mà họ muốn trở thành cường quốc trên đại dương.” ông Lâm kết luận.

BBC (23.03.2023)