Seite auswählen

LM Đinh Hữu Thoại

“Ngày 22 Tháng Ba 2023, Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, Linh mục Chánh xứ Đăk Giấc, Quản hạt Đăk Mót, đang cử hành Thánh lễ chiều thứ 4 Mùa Chay tại Giáo Họ Phaolô, thuộc Giáo xứ Đăk Giấc (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), thì một số cán bộ xã Đăk Nông đã xông lên bàn thờ, ngăn cản, chửi bới, yêu cầu dừng Thánh lễ. Vụ việc đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội qua một số hình ảnh và video trong những ngày qua”, trích bài viết của linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn, được đăng trên trang nhà của Giáo phận Kontum, tóm tắt cho biết sự việc đang làm rúng động nhiều người.

Việc ngăn cản sinh hoạt tôn giáo nói chung, vẫn thấy thường xuất hiện trên các bản tin hay mạng xã hội, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, người ta được nhìn thấy rõ sự hung hãn của một lực lượng tiến vào nhà dân, cắt đứt một buổi hành lễ Công giáo như hàng ngàn các thánh lễ khác vẫn đang diễn ra cùng ngày giờ đó, ở khắp đất nước Việt Nam.

Sau sự kiện, nhiều giáo dân và linh mục đã viết lời phản đối trên trang nhà facebook, như linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Đinh Hữu Thoại… Cuộc trò chuyện với linh mục Đinh Hữu Thoại ngay sau đây, có thể mở ra nhiều góc nhìn mới về bối cảnh.

 

Kính thưa linh mục Đinh Hữu Thoại, sự kiện Thánh lễ Công giáo tại Giáo phận Kon Tum bị quấy phá, cướp sách Roma… vào ngày 22-3 hiện đang làm nhiều người hoang mang bất bình – kể cả có đạo lẫn không đạo, cha có thêm tin tức gì về sự kiện này không?

Trên trang web của Giáo phận Kontum vừa có bài viết của Cha Tađêô Võ Xuân Sơn, trưởng ban truyền thông Giáo phận Kontum, có thuật lại vụ một nhóm cán bộ mặc thường phục, ko đeo bảng tên, công an có sắc phục của xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum đến quấy phá thánh lễ thánh thiêng của Công Giáo do Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, Chánh xứ Đăk Giấc, Quản hạt Đăk Mót, đang cử hành vào lúc 18g15 thứ Tư ngày 22 Tháng Ba 2023 tại Giáo họ Phaolo, thuộc địa bàn xã này.

Dẫn đầu nhóm người này được biết là ông Nguyễn Viết Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, ngụ tại TT Plei Kần, huyện Ngọc Hồi. Họ xồng xộc xông vào nơi dâng lễ là nhà riêng của một giáo dân, bất chấp sự đồng ý của chủ nhà. Ông Thạch quát tháo, la lối yêu cầu Cha Lê Tiên ngưng thánh lễ. Thánh lễ lúc đó mới tới phần Công bố Tin Mừng. Cha Tiên có ôn tồn nói có gì thì sau Thánh lễ ngài sẽ làm việc, chứ lúc này ngài không thể ngưng thánh lễ được. Ông Thạch tiếp tục có những lời lẽ rất thiếu văn hoá, không tôn trọng nghi lễ thánh thiêng đang diễn ra của những người Công Giáo. Một nữ cán bộ đã lên tận bàn thờ để cướp quyển Sách lễ Rôma mang đi, một người đàn ông khác đến rút dây điện của gia chủ làm cho cả gian phòng không còn ánh sáng, một hành vi không thể chấp nhận được. Một vài giáo dân đã phản ứng với hành vi của nhóm tự xưng cán bộ này… Thấy tình hình không ổn nên cuối cùng Cha Lê Tiên phải ban phép lành để kết thúc, chứ không thể tiếp tục dâng lễ được trước sự quấy phá của nhóm người này.

 

Được biết, Công giáo là một tổ chức tín ngưỡng đã có chính thức đăng ký sinh hoạt công khai, và được chấp nhận như theo nhà nước yêu cầu, nhưng lại xảy ra chuyện ngăn cản và xúc phạm thánh lễ một cách kỳ lạ như vậy. Theo cha, việc ngăn cản này có lý do vì sao?

Công Giáo là một tôn giáo có mặt tại VN từ trước khi chính thể cộng sản ra đời. Vì thế khi nhà cầm quyền Cộng sản làm ra luật Tín ngưỡng – Tôn Giáo (TNTG) thì đương nhiên phải công nhận Công giáo là một tổ chức tôn giáo hợp pháp và công khai. Tuy nhiên, luật TNTG thật ra không nhằm giúp người có tôn giáo được thực hành tự do tôn giáo mà nhằm hạn chế sự phát triển của tôn giáo, nhất là những tôn giáo ko chấp nhận sự quản lý của nhà cầm quyền. Những kẻ làm luật là vô thần, là công an, chứ không hề có tôn giáo mà lại làm luật TNTG thì đủ hiểu luật đó nhắm mục đích gì. Họ có làm màu mè khi gửi bản dự thảo góp ý trước khi ấn định thành luật, nhưng tất cả mọi góp ý của Công giáo đều không được quan tâm, giống như lời ông Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ mới nói về góp ý dự thảo luật đất đai: Góp ý mà không phù hợp với đường lối chính sách của đảng và nhà nước Cộng sản này thì không được chấp nhận.

Vì thế, việc đàn áp tôn giáo, nhằm hạn chế sự phát triển đã nằm trong chính sách từ Trung ương chứ đây không phải do địa phương bồng bột… Những địa phương khác không làm như huyện Ngọc hồi, Kontum, vì những nơi đó giáo dân đông đúc hơn so với vùng sâu vùng xa như Kontum. Những việc làm của nhóm cán bộ xã Đak nông thể hiện chính sách đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam.

 

Điểm lại những chuyện bất thường đã xảy ra ở Giáo phận Kontum, có vẻ như ở đây là một trong những nơi sinh hoạt tín ngưỡng hết sức cam go. Đối với các linh mục làm việc tại đây, từ năm 2021, chẳng hạn linh mục Nguyễn Quang Hoa bị một nhóm côn đồ vô cớ vây đánh, sau đó đến linh mục Trần Quang Truyền bị đâm trọng thương, nhà thờ An Khê bị đổ xăng dự định đốt cháy. Sự kiện lớn nhất gần đây là linh mục Trần Ngọc Thanh bị chém chết khi đang làm lễ… Trong cái nhìn cá nhân của mình, thưa cha có thể giải thích vì sao nơi này lại xảy ra quá nhiều sự kiện đáng sợ như vậy hay không?

Như tôi đã nói ở phần trên, chính sách đàn áp tôn giáo, vi phạm tự do tôn giáo nằm ngay trong chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam, thể hiện cụ thể trong Luật TNTG hiện hành và trong các Nghị định liên quan. Ở đó vẫn còn luật xin-cho, mà cấp có quyền “cho”, nay được đẩy xuống cấp xã chứ không phải cấp huyện như trước đây nữa. Cán bộ xã thì kiến thức giới hạn, văn hoá cũng hạn chế nên sự đàn áp hiện nay tệ hại hơn trước. Riêng Kontum là tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa thì hiểu biết của cán bộ xã càng kém cỏi.

Trong video đang lan truyền trên mạng, nhân vật Phó Chủ tịch xã quát rằng “nơi này không phải là nơi thờ tự” nhưng không nói rõ vì sao các gia đình lại không thể thờ tự. Điều này có đi ngược với tuyên bố về quyền tự do tôn giáo mà nhà nước Việt Nam ban hành? Sự kiện sinh hoạt tôn giáo bị cản trở ở giáo phận Kontum đã kéo dài nhiều năm (tính từ thư ngỏ của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, năm 2015), thưa cha, điều này ắt Tòa Giám mục Kontum đã biết, nhưng liệu các bề trên đã có ý kiến gì chính thức với chính quyền chưa?

Ông Phó Chủ tịch xã Nguyễn Viết Thạch là một cán bộ có hiểu biết kém về tôn giáo, ứng xử rất thiếu văn hoá trong tối 22 Tháng Ba vừa qua. Giáo họ Phaolo nơi này đã dâng lễ từ lâu qua cách bài trí nhà nguyện, đã sinh hoạt tôn giáo ổn định chứ không phải là lần đầu. Ông Thạch muốn kiểm tra hành chính gì đó thì ít ra cũng phải có hiểu biết tối thiểu là tôn trọng việc cử hành thánh lễ. Ông có lẽ cũng đã học qua trung học phổ thông thì kiến thức tối thiểu phải biết tôn trọng sự thánh thiêng của tôn giáo. Là một cán bộ xã ở chức Phó Chủ tịch mà thiếu hiểu biết thì thật đáng xấu hổ. Lẽ ra ông phải đợi thánh lễ kết thúc rồi gặp gỡ cha Tiên làm việc thì ko có gì đáng nói. Mà thời gian chờ có lâu gì, chỉ 15 phút nữa là xong Thánh lễ rồi.

Trong thư của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh năm 2015 , nguyên Giám mục Giáo phận Kontum có nói rõ hiện trạng tự do tôn giáo lúc ấy, và cho đến nay cũng không có gì khá hơn, thậm chí còn xảy ra những vụ việc ngày càng kinh khủng hơn như đâm cha Truyền tại Giáo xứ An Khê, tỉnh Gia Lai, sát hại cha Thanh khi ngài đang giải tội mới đây cũng tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi.

Những tuyên bố của nhà cầm quyền Việt Nam về tự do tôn giáo tại Việt Nam chỉ là dối trá. Chính vì thế, Bô Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 20 Tháng Ba 2023 vừa qua đã công bố về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam, trong đó có vấn đề về tự do tôn giáo. Ba ngày sau khi Hoa Kỳ ra công bố, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bác bỏ, thì ngay ngày đó, đã xảy ra vụ tấn công Thánh lễ Công Giáo tại Ngọc Hồi, Kontum… Như vậy thì nhà cầm quyền Việt Nam đã tự chứng minh rằng bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là đúng, còn lời bác bỏ của Bộ Ngoại giao Việt Nam là dối trá, là sai… Hiện Tôi không rõ Tòa Giám mục Kontum có ý kiến chính thức với nhà cầm quyền tỉnh Kontumum hay chưa, nên chưa trả lời được.

 

Tuy nhiên lâu nay, những sự kiện hành xử gây bất bình trong quần chúng thường được giải thích rằng đó là những sai lầm của cá nhân hay của một bộ phận chính quyền địa phương chưa có đủ sâu sát, thiếu kinh nghiệm. Thưa Cha nghĩ thế nào về sự bất cập này?

Qua những vụ việc xảy ra tại một số địa phương vùng sâu vùng xa, tôi nghĩ đó không hẳn chỉ là do sự kém cỏi của những người cầm quyền địa phương. Vì nếu như thế thì lẽ ra các cấp trên của họ đã xử lý họ và thay thế cán bộ khác. Nhưng tất cả nhưng vụ tấn công, đàn áp tôn giáo đều được bao che từ dưới lên trên, không một cán bộ sai phạm nào bị xử lý. Khi thì kết luận kẻ tấn công linh mục bị tâm thần, kẻ sát hại linh mục cũng bị tâm thần, cán bộ địa phương xúc phạm tôn giáo ngay trong Thánh lễ thì được khẳng định làm đúng pháp luật, như vụ xảy ra tại tỉnh Hoà Bình khi Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế thánh lễ tại giáo họ Đồng Tâm, giáo xứ Vụ Bản, tại thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình ngày 20 Tháng Hai 2022.

Tôi nghĩ  Việt Nam cần phải thay đổi tận căn chính sách đàn áp tôn giáo. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần đưa Việt Nam vào danh sách CPC cho tới khi nào nhìn thấy những cải thiện rõ rệt.

Tuấn Khanh

Sài Gòn Nhỏ (25.03.2023)

 

 

Kontum: Chính quyền xông vào giựt sách, yêu cầu linh mục đang làm lễ về ‘làm việc’

Đoạn video trên YouTube vào ngày 22/3/2023 cho thấy nhóm cán bộ ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, xông vào lấy sách, buộc linh mục phải dừng cử hành thánh lễ.

Ngày 22/3, trên mạng xã hội tại Việt Nam xuất hiện nhiều đoạn video quay lại cảnh một nhóm bao gồm công an mặc sắc phục và lãnh đạo ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, xông vào một địa điểm đang diễn ra thánh lễ của giáo dân Công giáo và giựt sách lễ, rút điện, lớn tiếng yêu cầu vị linh mục đang cử hành thánh lễ “về làm việc” với lý do “chưa có giấy phép” làm lễ.

“Mời lịch sự”

“Mời ông này về xã làm việc”, một người mặc thường phục lớn tiếng chỉ đạo các công an, dân phòng. “Tôi, Thạch, Phó chủ tịch xã nè, chịu trách nhiệm buổi làm việc hôm nay nè. Tôi tôn trọng mời ông xuống xã làm việc nè”, người đàn ông này tự xưng.

“Ông này ở đâu ra? Tôi hỏi ông này ở đâu?”, “Giấy phép đâu?”…, người đàn ông tự xưng tên Thạch tiếp tục quát vào linh mục dâng lễ và các giáo dân.

Trong khi đó, vị linh mục được cho biết là LM. Lê Tiên nhỏ nhẹ yêu cầu “các anh muốn làm gì thì đợi sau thánh lễ” và “các anh cứ lập biên bản đi rồi chúng tôi ký”, nhưng một phụ nữ đã sỗ sàng xông lên bàn thờ, đóng sập cuốn sách lễ linh mục đang đọc và đem đi, trong khi một người đàn ông khác trong nhóm cán bộ đi ra phía cột cắm điện rút các dây điện ra.

Các đoạn video còn cho thấy bất chấp lời yêu cầu ôn tồn của linh mục, người đàn ông tên Thạch tiếp tục tỏ thái độ hung hăng và quát “Kệ ông, tui đang làm việc…”, và la lối chỉ đạo cán bộ “đưa ông này về xã làm việc”, không quên khẳng định nhiều lần rằng tôi “mời lịch sự”.

“Đây không phải là lần đầu tiên. Đã có nhiều sự kiện tương tự xảy ra và điều này cho thấy, thứ nhất, chính quyền Việt Nam không đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ địa phương; thứ hai, cũng không hề có biện pháp nào để kỷ luật những cán bộ như vậy. Chúng ta có thể hiểu là nếu không phải khuyến khích, thì nó có sự che chắn cho địa phương để làm những hành vi hết sức xem thương những nghi thức quan trọng của một tôn giáo”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS), một tổ chức có trụ sở ở Mỹ chuyên hoạt động về dân sự, chính trị, tôn giáo Việt Nam, nhận xét với VOA.

VOA hiện chưa liên lạc được với chính quyền địa phương và giáo phận Kontum để lấy ý kiến về sự việc.

Ngoài các trang tin tôn giáo như Truyền thông Thái Hà, Amen TV… truyền thông nhà nước chưa đưa thông tin và Giáo phận Kontum cũng chưa lên tiếng chính thức hay thông báo gì về sự việc.

Theo các trang tin Công giáo, sự việc quấy rối thánh lễ diễn ra vào lúc 6:15 chiều 22/3 tại một giáo điểm ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, thuộc giáo xứ Đắc Giấc, giáo hạt Đắk Mót, giáo phận Kontum.

Câu chuyện “giấy phép” và những “túp-lều-thờ-tạm”

Theo TS. Nguyễn Đình Thắng, chính phủ, Bộ Ngoại giao và Uỷ hội Tôn giáo Hoa kỳ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam về yêu cầu “giấy phép” với những quy định phức tạp, khắt khe, khó khăn kéo dài đối với việc thực thi tôn giáo của người dân.

“Đấy chính là cản trở quyền tự do tôn giáo”, TS. Nguyễn Đình Thắng nói.

Trong một văn bản gửi giáo dân vào ngày 22/3/2015, Giám mục Giáo phận Kontum khi đó là Giám mục Hoàng Đức Oanh giải thích về những “túp-lều-thờ-tạm” trong giáo phận mà chính quyền liên tục tìm cách tháo dỡ.

“Ở Việt Nam, mỗi làng đều có đình, có miếu mạo; ở vùng cao, buôn làng nào cũng có nhà rông; còn làng có đạo thì có nơi thờ phượng. Tại Đắktô trước năm 1975, các buôn làng có đạo đều có nhà thờ, nhà nguyện. Những nơi thờ tự này, chiến tranh đã tàn phá hết trừ ở Thị xã Kontum”, văn bản nói và cho biết trong hơn 30 năm sau 1975, giáo dân ở khu vực này đã phải đi bộ có khi hàng trăm cây số để đến nơi có nhà thờ để cử hành các nghi thức tôn giáo. Chính quyền chỉ bắt đầu “cởi mở”, cho phép một số ít linh mục tới đây để dâng lễ.

“Trước nhu cầu tôn giáo quá lớn, xin phép nhiều lần không được đáp ứng, thì giáo dân chẳng còn cách nào hơn là ‘làm chui’”, văn bản nói thêm.

Giáo mục Hoàng Đức Oanh trong văn bản đề nghị giải quyết những vướng mắc trên một cách “hài hoà, có tình có lý”. Trong đó, ông nói “Trước hết, Luật pháp là phải công bằng” và “Quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, phải được tôn trọng. Mọi người phải chấp hành, nhất là các cán bộ chính quyền phải làm gương!”.

Ông cũng đề nghị chính quyền “chấm dứt chế độ xin-cho và tham nhũng”, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo dân phải ‘làm chui’ và sự tồn tại của những “túp-lều-thờ-tạm” trong giáo phận.

Giáo phận Kontum cũng là nơi đã xảy ra vụ sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh vào đầu năm 2022 gây chấn động dư luận.

Cùng với các khu vực như Nghệ An, Phú Yên, Đắk Lắk…, Kontum được xem là “điểm nóng” liên tục xảy ra những vụ trấn áp tôn giáo, không chỉ riêng Công giáo, mà còn đối với các nhóm tôn giáo Tin Lành, Phật giáo… do các hoạt động về tôn giáo, truyền giáo phát triển khá mạnh.

“Họ thấy rằng đây là một mối lo cho chế độ, thành ra nó có chính sách ngầm bên trong để ngăn cản sự phát triển của tôn giáo”, TS. Nguyễn Đình Thắng nói thêm.

VOA (24.03.2023)

 

 

Tù nhân lương tâm Phan Kim Khánh vừa mãn án 6 năm tù

“[Tôi] đã trở về sau sáu năm tù ngục. Cảm ơn toàn thể gia đình anh em bạn bè đã ở bên đồng hành,” ông Phan Kim Khánh, tù nhân lương tâm, viết trên trang cá nhân mới lập sau khi ra tù, hôm 22 Tháng Ba và hứa hẹn “từ từ mình sẽ cập nhật tiếp.”

Ông Khánh, 30 tuổi, quê ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, là sinh viên Đại Học Thái Nguyên trước khi bị cầm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước.”

Ông Phan Kim Khánh sau khi ra tù. (Hình: Facebook Phan Kim Khánh)

 

Theo bản án được Tòa Án tỉnh Thái Nguyên tuyên hồi năm 2017, dù đã mãn án tù, trước mắt ông Khánh là bốn năm quản chế tại gia.

Bên dưới bài đăng của ông Khánh, nhiều Facebooker đã để lại bình luận “Mừng em đã trở về sum họp với gia đình” và “Chúc em vững lòng cho con đường tiến đến ánh sáng văn minh, tiến bộ.”

Hồi năm 2017, hãng tin Reuters của Anh cho biết: “Phan Kim Khánh là sinh viên Khoa Quan Hệ Quốc Tế và con cả của một gia đình Công Giáo ở một tỉnh vùng sâu phía Bắc thủ đô Hà Nội. Trước khi bị bắt, Khánh đã viết blog chỉ trích chính quyền.”

Vào thời điểm phiên tòa xử ông Khánh diễn ra, một thông cáo do Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) phát đi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ tất các cáo buộc và trả tự do cho ông này nhưng bất thành. Theo HRW, vụ bỏ tù Phan Kim Khánh được nhìn nhận là để “bịt miệng tiếng nói ôn hòa chỉ trích chính quyền Việt Nam và nói về các vấn đề của đất nước trên mạng Internet.”

Cùng lúc, Luật Sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Khánh, được đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn bình luận: “Tôi đưa ra các ý kiến chẳng hạn như hành vi yêu cầu đa nguyên, đa đảng không vi phạm điều nào trong Bộ Luật Hình Sự [CSVN] cả. Bản án này chỉ dựa vào lời khai của Phan Kim Khánh. Cuối cùng, tư tưởng và quan điểm cá nhân không thể được một cơ quan nào giám định cả, nên kết luận giám định của Bộ Thông Tin Truyền Thông không phải là một cơ sở để kết tội. Nhưng Hội Đồng Xét Xử không chấp nhận quan điểm của tôi.”

Hồi năm 2015, Phan Kim Khánh nhận được học bổng của Chương Trình Thủ Lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tham gia khóa đào tạo do Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức. 

Người Việt (24.03.2023)

 

 

 

Đại sứ nhân quyền Thụy Điển thăm Việt Nam

Đại sứ Nhân quyền Thụy Điển Cecilia Ruthström Ruin phát biểu tại tọa đàm nhân quyền hôm 21/3/2023. Photo: Facebook Embassy of Sweden in Hanoi.

 

Đại sứ Thụy Điển đặc trách về Nhân quyền, Dân chủ và Pháp quyền, Cecilia Ruthström Ruin, vừa có chuyến thăm Hà Nội trong hai ngày, trong nỗ lực vận động thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

“Đại sứ đã gặp gỡ và đối thoại với nhiều bộ ngành, đoàn ngoại giao, nhân viên đại sứ quán, đại diện khối doanh nghiệp và các đối tác khác, nơi bà chia sẻ quan điểm của chúng tôi về các vấn đề quốc tế, khu vực và song phương liên quan đến nhân quyền”, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội cho biết trên Facebook hôm 22/3.

Đại sứ Ruin cũng đã đến thăm Viện Quyền Con Người tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tại đây bà thuyết trình trong một tọa đàm với chủ đề: “Nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Thụy Điển”.

Vị đại sứ đặc trách nhân quyền viết trên Twitter rằng bà có “những ngày quý giá ở Hà Nội với các cuộc trao đổi về nhiều vấn đề nhân quyền với các đối tác Việt Nam”.

Chuyến công du của bà diễn ra trong bối cảnh Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Đại sứ quán Thụy Điển cho biết bà chia sẻ với giới chức Việt Nam quan điểm của Thụy Điển về các vấn đề nhân quyền, các vấn đề song phương, khu vực và đa phương.

Tại buổi tiếp bà Ruin hôm 21/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ mong muốn rằng Thụy Điển sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam thực hiện tốt vai trò tại các diễn đàn quốc tế và trong mối quan hệ với Liên minh châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Thụy Điển đang giữ vị trí chủ tịch luân phiên của EU, theo cổng thông tin Bộ Tư pháp.

Chuyến thăm Việt Nam của bà Ruin diễn ra vài tuần sau khi các nghị viên EU tổ chức hội thảo xem xét mức độ vi phạm nhân quyền và quyền lợi của người lao động Việt Nam sau hơn hai năm chính quyền nước này thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA).

Tại cuộc hội thảo hôm 28/2, các diễn giả lên tiếng báo động rằng việc vi phạm nhân quyền, quyền tự do nhóm họp và quyền của người lao động Việt Nam tiếp tục bị chính quyền vi phạm ở mức ngày càng tồi tệ, đồng thời hối thúc các nghị viên EU gây sức ép mạnh hơn đối với chính quyền Hà Nội.

“Chúng tôi kỳ vọng Đại sứ Thụy Điển đưa ra những tuyên bố cứng rắn về vấn đề nhân quyền” khi công du Việt Nam, nhất là khi Thụy Điển hiện là chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, ông Sébastien Desfayes, Chủ tịch Uỷ ban Thụy Sĩ-Việt Nam (Consunam), một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Geneva, viết cho VOA hôm 23/3.

Ông Desfayes nêu nhận định: “Khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, chế độ Hà Nội đã đưa ra những cam kết quan trọng. Những cam kết này phải được thực hiện và cộng đồng quốc tế phải đảm bảo rằng những cam kết đó được thực hiện”.

VOA (23.03.2023)

 

 

 

Người bị án với cáo buộc theo chính phủ Đào Minh Quân nói bị ép nhận tội

Phiên xử 12 người bị cáo buộc thuộc tổ chức Chính phủ Quốc gia VN lâm thời. Phiên xử diễn ra tại TPHCM hôm 22/8/2018 AFP

 

Một người trong nước từng bị bỏ tù với cáo buộc theo tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời (QGVNLT) ở Hoa Kỳ lên tiếng cho biết ông bị ghép tội oan. Trong khi đó, các tổ chức vận động cho nhân quyền thường giữ im lặng trước những vụ án bị cho là có dính líu đến bạo lực, khủng bố.

Chính phủ QGVNLT nói gì?

Theo thống kê của RFA, từ năm 2017 cho đến nay, có ít nhất 60 người bị kết án vì cáo buộc theo tổ chức có tên Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời (CPQGVNLT) tại Hoa Kỳ. Theo truyền thông Nhà nước, hầu hết trong số này đều bị khép vào tội “hoạt động chống chính quyền” với các hành vi bạo lực, khủng bố như chế tạo bom xăng, đốt nhà để xe sân bay…

Một số vụ án đáng chú ý bao gồm: 16 người theo tổ chức này bị kết án về tội đặt bom xăng tại nhà xe và cổng ga đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hồi năm 2017; năm 2018, 12 người bị kết án tù với cáo buộc tuyên truyền, kích động biểu tình, dụ dỗ, lôi kéo và hứa sẽ phong chức cho những người tham gia CPQGVNLT; một nhóm 12 người khác cũng bị kết án vào năm 2022 vì tham gia vào tổ chức này với cáo buộc những người này đã thực hiện “trưng cầu dân ý” bầu cho ông Đào Minh Quân làm “Tổng thống Đệ tam Việt Nam Cộng Hòa.

Mới đây nhất, hôm 17/3, bà Phan Thị Thanh Nhã, sinh năm 1984, ngụ tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang bị bắt với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Bà Nhã bị cho đã tham gia tổ chức CPQGVNLT.

Từ tháng 1/2018, Bộ Công an Việt Nam lên tiếng cho rằng tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” là tổ chức khủng bố. Những người đứng đầu được nêu tên là ông Đào Minh Quân, hiện đang ở Mỹ tự xưng chức danh Tổng thống; Kelly Triệu Thanh Hoa, 50 tuổi, quốc tịch Mỹ, chức danh chuẩn tướng”; Bà Lâm Ái Huệ, 50 tuổi, quốc tịch Canada, chức danh “trung tướng”…

Bà Lâm Ái Huệ, khi trao đổi với RFA về những vụ bắt giữ người liên quan đến tổ chức của mình, nói:

“Đại khái là họ (chính quyền Việt Nam – PV) không muốn những người ở Việt Nam ủng hộ chính phủ này (CPQGVNLT – PV). Bởi vì họ biết rằng chính phủ này và Tổng thống Đào Minh Quân là thật.

Tổng thống là người đã song hành với chính phủ Hoa Kỳ và Liên hiệÂu châu, Tổng thống đã được dân bầu thì họ (chính quyền Việt Nam – PV) sợ là Tổng thống sẽ về lấy lại nước, cho nên họ tìm cách ngăn cản dụ dỗ, đến khi họ dụ dỗ không được thì bắt đầu giữ người.”

Bà Lâm còn cho biết CPQGVNLT sẽ có hành động bảo vệ cho những người là thành viên của tổ chức mà bị kết án tù:

“Sẽ có! Chính phủ chẳng những đã giúp những người tham gia chính phủ mà sẽ giúp những người đấu tranh chống Cộng sản Việt Nam, cái chuyện đó chính phủ sẽ thực hiện.”

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về những hành động cụ thể là gì thì bà Lâm nói “Tạm thời thì chúng tôi chưa cho biết được!”.

Phóng viên RFA không thể liên hệ được với ông Đào Minh Quân để hỏi thêm chi tiết.

Người bị án nói gì?

Ông Trần Quốc Lượng là người bị kết án năm năm tù giam hồi năm 2017 với cáo buộc “Hoạt động chống nhà nước”. Ông bị khởi tố cùng với 15 người khác, vì hành vi tổ chức đặt bom xăng tại sân bay Tân Sơn Nhất, theo báo chí Nhà nước đưa tin.

Tuy nhiên, khi trao đổi với RFA, ông Lượng bác bỏ những cáo buộc này và khẳng định mình không liên quan đến tổ chức CPQGVNLT. Tất cả tội danh là do cán bộ công an đe doạ, ép buộc ông phải nhận tội trong quá trình điều tra:

“Họ (cán bộ điều tra – PV) ghép tôi vào vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, 16 người ra toà nhưng tôi đâu có biết những người ấy là ai đâu, tới chừng ra toà, đứng trên vành móng ngựa chung mới biết á chứ!

Kể lại câu chuyện của mình, ông Lượng nói trước khi bị bắt, ông có bất mãn với các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông hay đối ngoại với Trung Quốc. Do đó, ông đã công khai lên tiếng một cách ôn hoà trên trang Facebook cá nhân của mình.

Vào tháng 1/2017, ông Lượng cùng với vợ bị công an bắt tạm giam. Trong quá trình điều tra, ông Lượng cho biết bị công an ép buộc phải nhận mình là thành viên của tổ chức CPQGVNLT, nếu không cả hai vợ chồng đều sẽ bị kết án:

“Họ (cán bộ điều tra – PV) nói rằng bây giờ một là họ bắt cả hai đứa, còn hai là tôi nhận hết thì họ sẽ thả vợ tôi về. Lúc đó tôi nghĩ nếu đi cả hai đứa thì chết! Như vậy là tôi chịu nhận.”

Đến khi nhận kết luận điều tra thì ông Lượng mới “té ngửa” khi biết mình bị khép vào các hành vi khủng bố. Theo bản kết luận, ông Lượng có vai trò là người chuẩn bị, chế tạo vũ khí, bom xăng:

“Họ (cán bộ điều tra – PV) nói tôi là chịu trách nhiệm về chế tạo vũ khí, mà trong khi đó vũ khí là cái gì, nó ở đâu thì không hề có luôn.

Nếu như kêu tôi chế tạo thì theo Luật tố tụng hình sự phải có văn bản thực nghiệm, phải có vũ khí và dựng lại hiện trường… Nhưng tất cả đều không có hết.

Họ nói tùm lum hết, có hồi thì họ nói rằng mày đem vũ khí bị bắt, rồi có khi thì họ nói bị bắt tại chỗ cùng tang chứng… Nhưng họ bắt tôi trước mặt nhiều người mà bây giờ họ nói vậy.”

Ông Lượng mãn hạn tù vào tháng 2/2022 và hiện đang trong thời hạn quản chế. Ông cho biết từ khi bị bắt với cáo buộc theo tổ chức CPQGVNLT, không có bất kỳ một ai là người của tổ chức này liên hệ, lên tiếng hay giúp đỡ cho gia đình ông cả, ông chưa từng tiếp xúc với ai thuộc tổ chức này:

“Tôi không biết gì về những người ở bên đó hết. Chỉ có mỗi một cô Hạnh (Nguyễn Thuý Hạnh – PV) ở trong Quỹ Tù nhân Lương tâm có giúđỡ tôi, còn lại những người kia thì tôi không biết ai hết.”

Các tổ chức nhân quyền dè dặt khi lên tiếng

Vậy, trong số khoảng 60 người đã bị kết án tù với cáo buộc theo tổ chức của ông Đào Minh Quân, có bao nhiêu người thực sự là thành viên của tổ chức, còn bao nhiêu người bị gán ghép tội trạng như trường hợp của ông Lượng?

Từ năm 2018 cho đến nay, các tổ chức nhân quyền, cả quốc tế và Việt Nam, chưa lên tiếng cho những người bị bỏ tù với cáo buộc theo CPQGVNLT. 

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Trường Sơn, người làm việc cho tổ chức Ân xá Quốc tế, chuyên phụ trách vấn đề Việt Nam, từ năm 2018 tới năm 2021, cho biết, thông thường các tổ chức nhân quyền sẽ rất cẩn trọng, dè dặt hơn đối với các vụ án chính trị, có yếu tố bạo lực, khủng bố:

“Theo tôi, nguyên nhân chính khiến cho các tổ chức nhân quyền tỏ ra dè dặt đối với các vụ án liên quan đến tổ chức CPQGVNLT đó là vì các cáo buộc mà phía Nhà nước đưa ra đối với những người này, trong đó có các cáo buộc rất nghiêm trọng về khủng bố.

Các tổ chức nhân quyền từ trước đến nay rất tránh lên tiếng ở các vụ việc mà người bị cáo buộc có sử dụng bạo lực ở bất kỳ hình thức nào.”

Cũng theo ông Sơn, trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, thông tin về các vụ án mang tính chính trị, dù có liên quan đến bao lực hay không, rất ít được công khai. Do đó, các tổ chức nhân quyền không có điều kiện để xác minh những cáo buộc của Nhà nước là có đúng sự thật hay không.

Một nguyên nhân khác khiến các tổ chức nhân quyền không lên tiếng ở các vụ án liên quan đến CPQGVNLT là vì, theo ông Sơn, từ năm 2017 cho đến nay, số vụ bắt giữ người bất đồng chính kiến tăng cao. Do đó, các tổ chức này thường sẽ tập trung ưu tiên tiếp cận với các vụ án mà họ có năng lực xác minh được thông tin.

RFA (23.03.2023)

 

 

Báo cáo nhân quyền 2022 của Mỹ vẫn còn sót nhiều!

Ông Nguyễn Văn Tráng và Nguyễn Ân, hiện đang tị nạn ở Thái Lan cho biết họ thường xuyên bị chình quyền VN sách nhiễu trong năm 2022 RFA edited

 

Một số nhà hoạt động, theo dõi nhân quyền Việt Nam đánh giá rằng Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình Việt Nam vừa được công bố hôm 20/3 vẫn chưa phản ánh đầy đủ, sát sao tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm qua. 

 

Báo cáo về đàn áp xuyên biên giới còn thiếu sót

Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam, cho biết báo cáo năm nay nhìn chung có công bố nhiều vụ việc vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam như trong các lĩnh vực tự do báo chí, tự do đi lại hay bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến…

Nhưng ông cũng khá thất vọng khi bản báo cáo này nói rằng Hoa Kỳ không ghi nhận được trường hợp đàn áp xuyên biên giới nào trong năm 2022 vừa qua.

Báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ nêu rằng trong những năm trước, các nhóm nhân quyền báo cáo rằng chính quyền Hà Nội đã gây sức ép với các nước lân cận như Campuchia hay Thái Lan nhằm không cho những người Việt Nam bị đàn áp được tị nạn chính trị, hay thậm chí là yêu cầu các nước này trả những người tị nạn về lại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tuyên bố những cá nhân này là những người di dân bất hợp pháp, rời khỏi đất nước vì vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong năm qua, Hoa Kỳ không ghi nhận trường hợp nào về việc chính quyền sách nhiễu những người lưu vong và gia đình của họ.

Ông Thắng nói:

“Riêng về phần đàn áp xuyên quốc gia thì tôi thấy rằng khá thất vọng khi bản báo cáo nói rằng không hề xảy ra trường hợp nào hết, mặc dù chúng tôi đã có gởi một số bản báo cáo.

Ví dụ như mục sư Aga đã bị liên tục  đe dọa và chúng tôi đã gửi báo cáo cho bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nhiều người tị nạn ở bên Thái Lan cũng nhận được lệnh truy nã của công an. Họ đe dọa chính đương sự đang ở Thái Lan và thân nhân gia đình họ ở Việt Nam.”

Chưa kể, theo ông Thắng, các kênh truyền thông nhà nước như An Ninh TV, An ninh thế giới, Báo Nhân dân, báo Xây dựng Đảng… đã tấn công liên tục những người bất đồng chính kiến đang ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ông Thắng khẳng định các hành vi đó đều được xem là đàn áp xuyên quốc gia.

Tất cả những vụ việc vừa nêu, ông Thắng cho biết đã gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Đồng thời, năm 2022, Freedom House đã có báo cáo về những trường hợp người tị nạn ở Thái Lan hay người thân của họ ở Việt Nam bị sách nhiễu. Do đó, ông Thắng nhận định Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận không ghi nhận được báo cáo về vấn đề đàn áp xuyên quốc gia là hoàn toàn thiếu sót.

Ông Nguyễn Ân, một người tị nạn đang ở Thái Lan khẳng định trong năm 2022, chính quyền đã nhiều lần đến quấy rối gia đình ông ở Việt Nam. Công an tỉnh Nghệ An gửi thư kêu gọi đầu thú cho người thân của ông Ân cùng lời đe dọa nếu không về đầu thú thì có thể sẽ gặp tai nạn, hoặc là bị bắt đưa về Việt Nam. Do đó, ông cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề này chưa khách quan:

“Bản thân tôi thấy rằng đây là một công bố, nhận xét thiếu khách quan và chưa đúng với thực trạng đàn áp, sách nhiễu đang diễn ra tại Việt Nam đối với người nhà của những người đấu tranh và những người đang lưu vong ở một nước khác.”

Một người tị nạn khác là ông Nguyễn Văn Tráng trao đổi với RFA qua ứng dụng tin nhắn cũng xác nhận rằng gia đình của ông thường xuyên bị chính quyền quấy nhiễu, và ông vẫn lưu trữ nhiều giấy tờ kêu gọi đầu thú được ký trong năm 2022.

Thư kêu gọi đầu thú do công an Việt Nam gởi đến gia đình hai ông Ân và Tráng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Báo cáo về buôn người không rõ ràng

Cô Minh Trang, đang theo học thạc sỹ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền tại Thuỵ Sỹ nói với RFA rằng ngoài thiếu sót trong báo cáo về tình trạng đàn áp xuyên biên giới, phần báo cáo về buôn người cũng chưa rõ ràng.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn lại báo cáo về nạn buôn người trên toàn thế giới vào báo cáo nhân quyền của Việt Nam. Nhưng báo cáo về nạn buôn người trên toàn thế giới lại không nêu rõ vấn nạn ở Việt Nam.

Theo cô Trang, năm qua, hiện tượng người Việt bị lừa sang Campuchia làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến được báo chí đưa tin rất nhiều, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại không nêu ra:

“Xảy ra hiện tượng là rất nhiều người Việt Nam bị lừa ra qua Campuchia lao động các tổ chức lừa đảo. Nếu muốn về là phải trả tiền chuộc, nếu không có tiền thì ở đó lao động, bị cưỡng bức, tra tấn, chích điện…

Có một số người liên lạc thành công với đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để giải cứu nhưng số người bị kẹt lại vẫn rất đông. Và cái đó là thể hiện công tác của chính phủ Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa làm tốt.”

Ngoài ra, theo cô Trang bản báo cáo này cho thấy các quyền dân sự, chính trị của người dân tệ đi trong năm qua. Còn quyền về LGBTQ+ có vẻ là có tiến triển hơn:

“Nặng nhất vẫn là quyền tự do ngôn luận và tự do lp hội. Bởi vì rõ ràng là càng ngày càng nhiều người lên tiếng bị bắt hơn và họ không phải là nhà hoạt động nổi tiếng gì cả mà có khi chỉ là những người rất bình thường trên mạng xã hội.”

Trong năm 2022, Bộ y tế đã nộp báo cáo cho Chính phủ về đề án luật Chuyển đổi giới tính. Lần đầu tiên nhiều đề xuất quan trọng cho quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới được đề cập, trong đó có quyền chuyển giới hợp pháp, quyền kết hôn theo giới tính mới, thay đổi hộ tịch…

Về quyền tự do lập hội, cô Trang nhận thấy rõ là không gian dân sự ở Việt Nam đang bị thu hẹp lại, thể hiện qua việc hàng loạt lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký bị bắt và kết án.

 

Vai trò của báo cáo nhân quyền của BNG Mỹ

Nói về vai trò của báo cáo nhân quyền thường niên của Mỹ, cô Minh Trang cho rằng thường thì các quốc gia sẽ cố gắng để không bị “chỉ mặt đặt tên” trong báo cáo nhân quyền với thành tích không tốt, nên báo cáo nhân quyền thường niên có thể đóng vai trò nhưng một cơ chế khích lệ sự tiến bộ trong một vài trường hợp.

Nó cũng có thể là nguồn thông tin chính thống để các NGOs hay giới nghiên cứu sử dụng trong việc giám sát và đánh giá, để các NGOs có thể làm vận động, lên án hay kêu gọi thay đổi… khi cần thiết. 

Một số nhà phân tích và hoạch định chính sách Hoa Kỳ cho rằng việc gắn các chính sách của Mỹ với vấn đề nhân quyền có thể làm hạn chế sự linh hoạt của chính phủ trong việc giải quyết một số vấn đề, và làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Nhưng cũng có một số bên ủng hộ các giá trị nhân quyền và dân chủ cho rằng, làm như vậy thì Mỹ sẽ có lợi về lâu dài.

Báo cáo này có mục đích như nguồn thông tin cho một số chính sách của Mỹ, chứ không liên quan đến việc hạn chế viện trợ hay không. Do đó, theo bà Trang, dù các báo cáo về nhân quyền của Mỹ đã được tiến hành thường niên từ từ 47 năm nay, nhưng tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn không có tiến triển gì.

RFA (21.03.2023)