- Mark Shea
- BBC World Service
Sau Thế chiến thứ hai, không thể chối cãi rằng Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và tin rằng quân đội của họ cũng vậy, có sức mạnh toàn năng.
Tuy nhiên, sau ít nhất tám năm chiến đấu, mặc dù đã đổ nhiều nguồn lực tài chính và nhân lực vào cuộc xung đột, Hoa Kỳ đã bị đánh bại bởi quân Bắc Việt và các đồng minh du kích, Việt Cộng.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Mỹ rút quân (29/3/1973), chúng tôi đặt câu hỏi với hai chuyên gia và học giả về lý do Mỹ thất bại trong Chiến tranh Việt Nam.
Nước Pháp, bị phá sản bởi Thế chiến thứ hai, đã cố gắng nhưng không giữ được thuộc địa của mình ở Đông Dương, và một hội nghị hòa bình đã chia Việt Nam thành một miền bắc cộng sản và một chính phủ do Hoa Kỳ hậu thuẫn ở miền nam.
Nhưng sự thất bại của Pháp không chấm dứt được cuộc xung đột trong nước, và bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi rằng nếu toàn bộ Việt Nam trở thành cộng sản thì các nước xung quanh cũng vậy, Hoa Kỳ đã bị lôi vào một cuộc chiến kéo dài một thập kỷ và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Vậy làm thế nào mà cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này lại thua trong một cuộc chiến trước một lực lượng nổi dậy và một quốc gia mới thành lập ở Đông Nam Á nghèo khó? Đây là những gì hai chuyên gia giải thích.
Mục lục
Sứ mệnh quá lớn
Chắc chắn tiến hành chiến tranh ở phía bên kia của thế giới là một công việc thực sự to lớn.
Vào lúc cao điểm của cuộc chiến, Hoa Kỳ có hơn nửa triệu quân ở Việt Nam.
Chi phí thật đáng kinh ngạc – năm 2008, một báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ ước tính tổng chi phí cho cuộc chiến là 686 tỷ USD (hơn 950 tỷ USD theo tiền hiện nay).
Nhưng Hoa Kỳ đã chi gấp bốn lần con số đó cho Thế chiến thứ hai và đã thắng thế, lại vừa tham gia cuộc chiến đường dài ở Triều Tiên nên không thiếu tự tin.
Tiến sỹ Luke Middup, một chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Hoa Kỳ tại Đại học St Andrews ở Anh, nói rằng có một tinh thần lạc quan chung trong những năm đầu của cuộc chiến.
“Đây là một trong những điều thực sự kỳ lạ đánh dấu toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam,” ông nói với BBC. “Mỹ hoàn toàn nhận thức được những khó khăn – có rất nhiều hoài nghi về việc liệu quân đội Mỹ có thể hoạt động trong môi trường này hay không, tuy nhiên, chính phủ Mỹ cho đến năm 1968 vẫn tự tin rằng cuối cùng họ sẽ giành chiến thắng.”
Tuy nhiên, niềm tin đó sẽ suy yếu – nó đặc biệt bị sứt mẻ bởi cuộc tấn công Tết Mậu Thân của cộng sản vào tháng 1/1968 – và cuối cùng sự thiếu sự hỗ trợ của quốc hội để chi trả cho cuộc chiến đã buộc Hoa Kỳ phải rút quân vào năm 1973.
Tuy nhiên, cả Tiến sỹ Middup và PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh ở Hà Nội, đều đặt câu hỏi liệu quân đội Hoa Kỳ, rốt cuộc, có nên vào Việt Nam hay không.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh lớn lên ở miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh và trực tiếp trải qua các cuộc ném bom của Hoa Kỳ vào các khu đô thị, và thấy rõ ràng là quân đội Hoa Kỳ chẳng có việc gì trên đất Việt Nam.
“Theo tôi, người Mỹ đã giúp chính quyền Bắc Việt rất nhiều bằng việc đóng ‘vai ác’ nên làm mọi sai lầm của Bắc Việt trong Chiến tranh Việt Nam đều bị quy cho nhu cầu thời chiến và dễ được tha thứ – miễn là họ chiến thắng,” bà nói.
Quân đội Hoa Kỳ không thích hợp với kiểu chiến đấu này
Các bộ phim Hollywood thường mô tả những người lính trẻ của Hoa Kỳ phải vật lộn để đối phó với môi trường rừng rậm, trong khi quân nổi dậy của Việt Cộng khéo léo len lỏi qua những bụi cây rậm rạp để thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ.
Tiến sỹ Middup thừa nhận: “Bất kỳ đội quân quy mô lớn nào cũng sẽ gặp khó khăn khi chiến đấu trong một số môi trường mà Mỹ được yêu cầu tham chiến.
“Có những nơi đó là loại rừng rậm nhất mà bạn có thể tìm thấy ở Đông Nam Á.”
Tuy nhiên, ông nói, sự khác biệt về năng lực giữa hai bên có thể bị phóng đại.
Có một câu truyện hình thành trong cuộc chiến rằng Quân đội Hoa Kỳ không thể đối phó với môi trường này, bằng cách nào đó, Bắc Việt và Việt Cộng thì đã quen rồi – điều này không bao giờ thực sự đúng,” ông nói.
“Quân đội Bắc Việt và Việt Cộng cũng phải vật lộn rất nhiều để chiến đấu trong môi trường này.”
Theo Tiến sỹ Middup, điều quan trọng hơn là chính những người nổi dậy luôn chọn thời gian và địa điểm của trận chiến, và họ có thể rút lui về nơi ẩn náu an toàn bên kia biên giới ở Lào và Campuchia, nơi các lực lượng Hoa Kỳ thường bị cấm truy đuổi.
Giáo sư Tường Vũ, trưởng khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Oregon ở Hoa Kỳ, nói với BBC rằng việc Mỹ tập trung vào đánh du kích Việt Cộng đã dẫn đến thất bại.
“Quân nổi dậy miền Nam sẽ không bao giờ có thể đánh bại Sài Gòn,” ông nói với BBC. Nhưng sai lầm chiến lược này, theo ông, đã cho phép quân chính quy Bắc Việt vào miền nam, và chính những lực lượng thâm nhập này sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Mỹ thua trận trên sân nhà
Chiến tranh Việt Nam thường được gọi là “cuộc chiến truyền hình đầu tiên” và mức độ báo chí đưa tin về cuộc chiến là chưa từng có.
Đến năm 1966, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ ước tính rằng 93% gia đình Hoa Kỳ có TV và các thước phim họ đang xem ít bị kiểm duyệt hơn và mang tính trực tiếp hơn so với các cuộc xung đột trước đó.
Đó là lý do tại sao các cuộc giao tranh xung quanh khuôn viên đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân lại có sức ảnh hưởng lớn đến vậy. Khán giả được chứng kiến gần như trực tiếp rằng Việt Cộng có thể đưa cuộc xung đột vào ngay trung tâm của chính quyền miền Nam – và vào phòng khách của công chúng Hoa Kỳ.
Từ năm 1968 trở đi, việc đưa tin phần lớn là bất lợi cho cuộc chiến – hình ảnh những thường dân vô tội bị sát hại, bị thương và bị tra tấn được chiếu trên TV và báo chí khiến nhiều người Mỹ kinh hoàng và quay lưng với cuộc chiến.
Một phong trào phản đối lớn nổ ra với các sự kiện lớn trên khắp đất nước.
Tại một cuộc biểu tình như vậy vào ngày 4/5/1970, bốn sinh viên biểu tình ôn hòa tại Đại học Kent State ở Ohio đã bị Vệ binh Quốc gia bắn chết.
“Cuộc thảm sát bang Kent State” chỉ khiến nhiều người phản đối chiến tranh hơn.
Việc bắt buộc thanh niên đi quân dịch, cũng như hình ảnh quan tài của những người lính Hoa Kỳ được đưa về quê nhà, có tác động tai hại đến tinh thần của công chúng – khoảng 58.000 quân nhân Hoa Kỳ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh.
Đối với Giáo sư Tường, đây là một lợi thế lớn cho miền bắc: mặc dù tổn thất của họ lớn hơn nhiều, nhưng nhà nước toàn trị của họ có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với truyền thông và độc quyền thông tin.
Ông nói: “Mỹ và Nam Việt Nam không có khả năng và thiện chí định hình dư luận tới mức độ mà Cộng sản có thể làm. Họ có một hệ thống tuyên truyền khổng lồ. Họ đóng cửa biên giới và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Bất cứ ai không đồng tình với cuộc chiến đều bị tống vào tù.”
Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh đồng tình rằng: “Mỹ đã thua trong cuộc chiến truyền thông. Bắc Việt hoàn toàn bị cô lập với thế giới nên những việc làm sai trái của chính quyền không bị vạch trần, thế giới chỉ nhìn nhận họ là những người công chính. Nhưng những hình ảnh về sự tàn bạo của nước Mỹ đã lan rộng khắp nơi.”
Mỹ cũng thua trong cuộc chiến giành sự ủng hộ ở Nam VN
Đây là một cuộc xung đột đặc biệt tàn bạo khi Mỹ sử dụng một loạt vũ khí khủng khiếp.
Việc sử dụng bom napalm (một hóa chất gây cháy ở 2.700C và bám vào bất cứ thứ gì nó chạm vào) và chất độc da cam (một chất hóa học khác được sử dụng để làm rụng lá cây rừng nơi kẻ thù trú ẩn nhưng cũng giết chết mùa màng, gây ra nạn đói) có tác động đặc biệt xấu đến nhận thức của người dân vùng nông thôn Hoa Kỳ.
Các nhiệm vụ “tìm và diệt” đã giết chết vô số thường dân vô tội trong các sự kiện như vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968, nơi binh lính Hoa Kỳ sát hại hàng trăm thường dân Việt Nam – một vụ việc tai tiếng nhất của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Con số dân thường thiệt mạng đã khiến quân đội Mỹ bị người dân địa phương xa lánh – những người không nhất thiết có khuynh hướng ủng hộ Việt Cộng.
Tiến sỹ Middup nói: “Không phải đại đa số người miền Nam Việt Nam đều là những người cộng sản tận tụy – hầu hết họ chỉ muốn tiếp tục cuộc sống và muốn tránh chiến tranh nếu có thể.
Giáo sư Tường đồng tình với quan điểm rằng Hoa Kỳ đã vật lộn để giành được sự ủng hộ.
“Quân đội nước ngoài luôn khó làm hài lòng mọi người – bạn sẽ luôn cho rằng họ không được đặc biệt yêu thích,” ông nói.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh phân tích thêm:
“Không chỉ người miền Bắc chống Mỹ mà cả người miền Nam cũng vậy. Những người làm việc trong các cơ quan của Mỹ ở miền Nam, đặc biệt là phụ nữ, rất bị kỳ thị.
“Việc người Mỹ đóng quân tại Việt Nam và chỉ huy quân đội miền Nam Việt Nam khiến tất cả người Việt Nam ghét Mỹ và không tin vào ý tưởng của họ.”
Quân cộng sản có tinh thần tốt hơn
Tiến sỹ Middup tin rằng nói chung, những người chọn chiến đấu theo phe cộng sản đã cam kết giành chiến thắng mạnh mẽ hơn so với những người được gọi đi quân dịch để chiến đấu theo phe miền Nam Việt Nam.
Ông nói: “Có những nghiên cứu mà Hoa Kỳ thực hiện trong Chiến tranh Việt Nam xác nhận đã có rất nhiều các cuộc thẩm vấn các tù nhân cộng sản.
“Cả bộ quốc phòng Hoa Kỳ và tập đoàn Rand (một think tank liên kết với quân đội Hoa Kỳ) đã đưa ra những nghiên cứu về yếu tố động cơ và tinh thần này nhằm tìm hiểu lý do tại sao Bắc Việt và Việt Cộng chiến đấu, và kết luận mà tất cả các nhà nghiên cứu nhất trí đưa ra là họ có động lực bởi vì họ coi những gì họ đang làm là yêu nước, tức là thống nhất đất nước dưới một chính phủ duy nhất.”
Khả năng tiếp tục chiến đấu của quân đội cộng sản bất chấp số lượng thương vong rất lớn có lẽ cũng là bằng chứng về sức mạnh tinh thần của họ.
Giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã bị ám ảnh bởi ý tưởng đếm xác chết, nếu họ có thể tiêu diệt kẻ thù nhanh hơn số quân đó có thể được thay thế, quân cộng sản sẽ mất ý chí chiến đấu.
Khoảng 1.100.000 lính Bắc Việt và Việt Cộng đã thiệt mạng trong chiến tranh, nhưng cộng sản dường như có thể thay thế số tử trận đó bằng số lính mới cho tới khi kết thúc chiến tranh.
Giáo sư Tường không chắc liệu miền bắc có tinh thần tốt hơn hay không, nhưng thừa nhận rằng sự giáo huấn mà quân đội miền bắc trải qua đã “vũ khí hóa” họ.
“Họ có thể khiến mọi người tin vào chính nghĩa. Nhờ vào hệ thống tuyên truyền và giáo dục, họ có thể biến mọi người thành những viên đạn.”
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh không đề cập đến việc truyền bá tư tưởng của chính phủ Bắc Việt, nhưng mô tả một sự đồng lòng đáng chú ý ở miền bắc. Mọi người “quyết tâm chống quân Mỹ. Chúng tôi chấp nhận mọi mất mát, đau thương, thậm chí cả sự bất công, với niềm tin rằng chỉ cần chiến tranh kết thúc, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Chính phủ miền Nam Việt Nam không được lòng dân và tham nhũng
Tiến sĩ Middup nhận thấy vấn đề quan trọng mà miền nam phải đối mặt là thiếu uy tín và sự liên kết với cường quốc thuộc địa cũ.
Ông nói: “Sự phân chia giữa Bắc và Nam Việt Nam luôn là giả tạo, do Chiến tranh Lạnh gây ra, không có lý do văn hóa, dân tộc hay ngôn ngữ nào để chia cắt Việt Nam thành hai quốc gia”.
Ông tin rằng miền nam đã bị thống trị bởi một thiểu số tôn giáo – người Công giáo.
Mặc dù nhóm này có lẽ chỉ chiếm 10 đến 15% dân số vào thời điểm đó (Việt Nam đa số theo đạo Phật), nhưng nhiều người trong số này ở miền bắc đã chạy vào miền nam vì sợ bị đàn áp, tạo ra cái mà Tiến sỹ Middup gọi là “một khối quan trọng” trong nền chính trị của Nam Việt Nam. Và những chính trị gia miền Nam này, giống như Tổng thống đầu tiên của miền Nam – Ngô Đình Diệm, có những người bạn Công giáo quyền lực ở Mỹ – những người như Tổng thống John F. Kennedy. Ông Diệm sau đó bị phế truất và bị giết trong một cuộc đảo chính do CIA hậu thuẫn vào năm 1963.
Tiến sỹ Middup nói: “Sự thống trị của một thiểu số tôn giáo này “làm cho nhà nước Nam Việt Nam không được lòng đại đa số dân chúng, những người theo đạo Phật”.
Ông tin rằng điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng về tính chính danh, và một chính phủ mà đa số người Việt Nam coi là hàng nhập ngoại, di sản của chủ nghĩa thực dân Pháp, khi nhiều người Công giáo đã chiến đấu với người Pháp.
Tiến sỹ Middup cho biết thêm: “Chính sự hiện diện của nửa triệu lính Mỹ đã nhấn mạnh thực tế rằng chính phủ này đang dựa vào người nước ngoài theo mọi nghĩa có thể hiểu được. Nam Việt Nam chưa bao giờ là một dự án chính trị có thể thuyết phục được một số lượng lớn người dân rằng nó đáng để chiến đấu và hy sinh.”
Ông nói, điều này đặt ra câu hỏi liệu quân đội Hoa Kỳ lẽ ra có nên được đưa đến để hỗ trợ một quốc gia mà ông mô tả là đầy rẫy tham nhũng hay không.
Ông nói: “Từ khi thành lập cho đến khi tan rã, [Việt Nam Cộng hòa] là một nhà nước vô cùng tham nhũng, tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn do khoản viện trợ khổng lồ của Hoa Kỳ từ năm 1960 đến năm 1975 – nó hoàn toàn làm lệch lạc nền kinh tế của miền Nam Việt Nam.
“Về cơ bản, điều đó có nghĩa là không ai có thể có được bất kỳ vị trí nào, dù là dân sự hay quân sự, mà không phải đưa hối lộ.” Ông tin rằng điều này có hậu quả sâu sắc đối với các lực lượng vũ trang.
Ông nói: “Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ không bao giờ có thể xây dựng một quân đội Nam Việt Nam đáng tin cậy, có năng lực.
“Và do đó, điều luôn luôn không thể tránh khỏi – và đã được (Tổng thống Hoa Kỳ) Richard Nixon công nhận là không thể tránh khỏi – rằng khi quân đội Hoa Kỳ rời đi vào một thời điểm không xác định trong tương lai, nhà nước Nam Việt Nam sẽ sụp đổ.”
Hoa Kỳ và Nam VN đối mặt với những giới hạn mà miền bắc không gặp phải
Giáo sư Vũ Tường không đồng ý với quan điểm rằng thất bại của miền nam là không thể tránh khỏi, và cảm thấy các nghiên cứu của Mỹ về Việt Nam thường tìm kiếm lời bào chữa.
“Họ muốn đổ lỗi cho ai đó về sự mất mát, và những người dễ đổ lỗi nhất là miền Nam Việt Nam,” ông nói và thêm rằng những lời chỉ trích về tham nhũng và thiên vị người Công giáo đã bị phóng đại trong các báo cáo của Hoa Kỳ.
Ông lập luận: “Có rất nhiều tham nhũng, nhưng không ở mức độ gây ra tổn thất cho cuộc chiến. Nó tạo ra nhiều đơn vị quân đội kém hiệu quả, nhưng nhìn chung, quân đội miền Nam Việt Nam đã chiến đấu rất tốt”.
Vì vậy, Giáo sư Tường tin rằng sẽ tốt hơn nếu miền Nam – vốn đã mất từ 200.000 đến 250.000 quân trong chiến tranh – vẫn chiến đấu hết mình, mặc dù với vũ khí và tiền của Hoa Kỳ.
Cuối cùng, đối với Giáo sư Tường, yếu tố quyết định là miền bắc có khả năng duy trì trạng thái chiến tranh tổng lực trong một thời gian rất dài – một nỗ lực tập trung mà miền nam tự do hơn không thể có được.
Bản chất của hệ thống chính trị có nghĩa là công chúng tin vào cuộc chiến và biết ít hơn về thương vong.
Giáo sư Tường nói: “Mỹ và Nam Việt Nam đơn giản là không thể định hình dư luận theo cách mà những người cộng sản có thể làm được.
“Mặc dù tổn thất lớn về nhân lực, họ vẫn có thể huy động lực lượng,” ông lưu ý, điều đó có nghĩa là các chiến thuật quân sự như tấn công liều chết, ‘biển người’ luôn có ở phía bắc, chứ không phải ở phía nam.”
Ông nói thêm, điều quan trọng là sự hỗ trợ tài chính và quân sự cho miền bắc từ Liên Xô và Trung Quốc đã không dao động như sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với miền nam.
Đối với Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, Việt Nam (cũng như Afghanistan) dạy cho chúng ta một bài học quý giá.
Bà nói: “Tất cả các quốc gia nên tự giải quyết vấn đề của mình – những người bên ngoài chỉ nên hỗ trợ”.
“Cá nhân tôi nghĩ lại, nếu người Mỹ ủng hộ Tổng thống Diệm thay vì lật đổ ông ta thì tình hình có thể đã khác. Liệu Việt Nam có trở nên giống Hàn Quốc? Sau này, khi có nhiều thông tin hơn, tôi mới hiểu rằng người Mỹ không hoàn toàn sai, nhưng cách họ tiến hành cuộc chiến khiến đa số người dân Việt Nam không thể chấp nhận được họ.”