Seite auswählen

Các chỉ huy quân đội Mỹ và Phi Luật Tân và đại diện sứ quan Hoa Kỳ (giữa) chụp ảnh kỷ niệm khai mạc cuộc tập trận Balikatan, tại Quezon, ngoại ô Manila, Phi Luật Tân, ngày 11/04/2023. REUTERS – ELOISA LOPEZ

Hôm 11/04/2023, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân đã bắt đầu đợt tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia Đông Nam Á này, vào lúc hai đồng minh đang nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng mạnh của Trung cộng trong khu vực.

Theo hãng tin AFP, khoảng 18.000 binh lính (12.200 lính Mỹ, 5.400 lính Phi Luật Tân và 100 lính Úc), tức là gấp đôi con số năm ngoái, sẽ tham gia đợt tập trận thường niên mang tên Balikatan (Kề vai sát cánh), trong đó lần đầu tiên có cả các cuộc thao dượt bắn đạn thật trên vùng Biển Đông.

Quân đội hai nước cũng sẽ thực hiện bài tập đáp trực thăng quân sự lên một đảo của Phi Luật Tân ngoài khơi đảo Luzon, cách Đài Loan khoảng 300 km. Trong khuôn khổ đợt tập trận kéo dài hai tuần, quân đội Mỹ sẽ sử dụng hệ thống tên lửa Patriot, được xem là một trong những hệ thống phòng không hiệu quả nhất thế giới hiện nay.

Đây là các cuộc tập trận thường niên Mỹ-Phi Luật Tân đầu tiên dưới nhiệm kỳ của tổng thống Ferdinand Marcos Jr., nhà lãnh đạo đang cố cải thiện quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ, quan hệ vốn đã xấu đi dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.

Vào đầu tháng tư vừa qua, Manila đã cho quân đội Mỹ sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự của Phi Luật Tân, trong đó có một căn cứ hải quân nằm không xa Đài Loan, một quyết định đã khiến Bắc Kinh giận dữ.

Đợt tập trận Balikatan diễn ra đúng một ngày sau khi Trung cộng vừa kết thúc ba ngày tập trận “bao vây hoàn toàn” Đài Loan, mà Bắc Kinh vẫn xem là một phần lãnh thổ của Trung cộng, sớm muộn gì cũng phải được thống nhất với Hoa lục, bằng vũ lực nếu cần.

Sau đợt tập trận chung thường niên này, các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Phi Luật Tân sẽ gặp các đồng nhiệm Mỹ ở Washington. 

Ngoài Phi Luật Tân, Hoa Kỳ cũng đang tăng cường quan hệ với một quốc gia Đông Nam Á khác là Việt Nam. Hôm qua, bộ Ngoại Giao Mỹ chính thức thông báo ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thăm Việt Nam cuối tuần này, trước khi đến Nhật Bản dự cuộc họp các ngoại trưởng nhóm G7 ở Karuzawa từ 16 đến 18/04. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Blinken thăm Việt Nam kể từ khi nhậm chức cách đây 2 năm. 

RFI (11.04.2023)

 

 

Lập trường của Ukraine về Biển Đông và lựa chọn của Việt Nam

Cuối tháng 3, 2023, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio thăm Ukraine (ngày 21/3) còn Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình thăm Nga (ngày 20/3). Hai chuyến thăm gần như diễn ra cùng lúc này của hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế Đông Bắc Á đến hai quốc gia đang đối đầu nhau, Nga và Ukraine, đã đưa ra hai bản tuyên bố có thông điệp đối lập nhau. Trong đó, đáng chú ý là bản tuyên tố chung của Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi có nội dung phê phán các hành động đơn phương dùng vũ lực trên Biển Đông. 

Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Nga (22/3/2023), tàu khảo sát biển của Trung cộng vốn đang xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã quấy phá khu vực khai thác dầu khí chung của Việt Nam và Nga ở Bãi Tư Chính. Đến ngày 6/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đón tiếp Phó thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko và lặp lại tuyên bố hồi năm 2022 khi ông thăm Mỹ “Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải” và nhấn mạnh tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cũng trong ngày này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tàu khảo sát của Trung cộng rời khỏi vùng biển Việt Nam. Những động thái này đặt ra nhiều vấn đề về an ninh, quyền lợi quốc gia và quan hệ quốc tế của Việt Nam. 

Ủng hộ và chống lại chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Mở

Trong chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Nga, hai nước này đã ký hai văn bản, một là Tuyên bố chung của về tăng cường Quan hệ Đối tác Phối hợp Chiến lược Toàn diện trong “Kỷ nguyên Mới” và hai là Tuyên bố chung về Kế hoạch Phát triển Trước năm 2030 về các ưu tiên trong hợp tác kinh tế Trung cộng-Nga

Về vấn đề cuộc chiến của Nga tại Ukraine, bản tuyên bố của Nga – Trung kêu gọi hòa bình nhưng không nói đến vấn đề Nga phải ngừng xâm lược và  rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bản tuyên bố của Nhật – Ukraine cũng kêu gọi hòa bình nhưng điều kiện hòa bình là Nga tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bằng cách ngừng tấn công và rút quân khỏi lãnh thổ nước này. 

Ngoài vấn đề cuộc chiến Ukraine, trong các tuyên bố nói trên, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống V. Putin bày tỏ thái độ chống lại chính sách “Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” của Hoa Kỳ. Họ cho rằng chính sách này tác động tiêu cực đến hòa bình và an ninh trong khu vực. 

Nga và Trung cộng cũng “bày tỏ quan ngại sâu sắc” trước việc NATO tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Họ cho rằng điều đó sẽ làm phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực. Tuyên bố này không nói sự hợp tác đó “gây hại” cho khu vực như thế nào.

Trong chính sách “Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Mở” của Hoa Kỳ có bao gồm một chương trình nhỏ là “Đối tác Mekong – Hoa Kỳ” nhằm trợ giúp các nước Tiểu vùng sông Mekong bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, khắc phục các hậu quả khi Trung cộng xây dựng 11 đập thủy điện giữ nước ở thượng nguồn dòng sông này.

Trong khi đó, tại Ukraine, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskyi cũng đã ra tuyên bố chung, trong đó có bốn mục lớn là Đoàn kết chống Nga xâm lược Ukraine, Hợp tác trong bối cảnh Nhật Bản đảm nhiệm Chủ tịch G7, Mở rộng hợp tác song phương, và Hợp tác trên trường khu vực và quốc tế. 

Trao đổi với RFA, TS. Hà Hoàng Hợp,  nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nhận xét:

“Nhật theo quan điểm của phương Tây, còn Trung cộng không lên án Nga trực tiếp và không tham gia trừng phạt Nga. Chiến lược đối ngoại của Nhật Bản đồng nhất với chiến lược của Mỹ và phương Tây đối với cuộc chiến này, còn Trung cộng đã đưa ra một kế hoạch hòa bình 12 điểm, nhưng kế hoạch này Nga cho rằng chưa thích hợp lúc này, còn phương Tây thì tỏ ra nghi ngại về tính khả thi của kế hoạch.”

Mục cuối cùng của bản Tuyên bố chung Nhật – Ukraine đã khẳng định “tính không thể tách rời của an ninh Châu Âu – Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,” và tuyên bố hai nước “đồng thuận, nhất trí cùng hợp tác hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở (FOIP), toàn diện và dựa trên các nguyên tắc pháp quyền.” 

Như vậy, ngoài vấn đề cuộc chiến Ukraine, Tuyên bố chung của Nhật bản – Ukraine và Trung cộng – Nga còn đối lập nhau ở vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương. 

Nhật – Ukraine ủng hộ Luật biển Quốc tế và hòa bình trên Biển Đông 

Trong văn mạch ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở (FOIP), Tuyên bố chung Nhật Bản – Ukraine, cũng vấn đề Luật biển Quốc tế và Biển Đông. Thủ tướng Kishida và Thổng thống Zelenskyi “khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) với các quy định về nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì tự do hàng hải và hàng không.” 

Sau khi nêu Luật biển Quốc tế như là cơ sở giải quyết các tranh chấp trên biển, hai nhà lãnh đạo “bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế. Họ khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển.”

Trước hiện tượng Ukraine đang bị Nga xâm lược nhưng vẫn ủng hộ Việt Nam và các nước nhỏ ở Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông, dù chỉ là qua một tuyên bố chung với Nhật Bản, TS. Hà Hoàng Hợp nhận xét về những tính toán những lợi ích chiến lược của Việt Nam đối với cuộc chiến của Nga: 

“Việt Nam tiếp tục mong muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và các bên cùng bàn và xử lý hậu quả của cuộc chiến. Việt Nam tiếp tục theo đuổi chiến lược không chọn phe trong lúc nguy cơ và rủi ro chiến tranh xảy ra với Việt Nam còn nhỏ; trong trường hợp nguy cơ và rủi ro chiến tranh lớn đến mức mấp mé chiến tranh, Việt Nam sẽ phải xem xét lại chiến lược không chọn phe.”

Trung cộng quấy rối dự án dầu khí Việt Nam sau khi Tập Cận Bình thăm Nga 

Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Nga vào ngày 22 tháng 3, 2023, tàu khảo sát của Trung cộng hoạt động ở khu vực Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên Biển Đông đã quấy rối dự án hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Nga. Hành vi của Trung cộng đã bị lực lượng chấp pháp của Việt Nam ngăn chặn. Tại khu vực này, công ty Zarubezhneft của Nga đã hợp tác với Việt Nam để khai thác khí đốt và dầu mỏ. 

Sau đó, khi tiếp Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko vào ngày 6 tháng 4 năm 2023 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lặp lại tuyên bố của mình vào năm 2022 khi thăm Hoa Kỳ, “Việt Nam không chọn phe, mà chọn công lý và lẽ phải” đồng thời nhấn mạnh những thỏa thuận giữa hai nước về “hợp tác kinh tế”.

  1. Hà Hoàng Hợp nhận xét với RFA là “Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn hàm ý rằng quan hệ kinh tế Việt-Nga sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển trong mọi hoàn cảnh.” Đối với khả năng xảy ra trường hợp Nga quyết định bỏ dự án dầu khí mà công ty Zarubezhneft quản lý (như trường hợp Rosneft đã phải rút lui mấy năm trước) vì sức ép của Trung cộng, TS Hà Hoàng Hợp đánh giá: 

“Nếu Nga bỏ dự án do Zarubezhneft đang làm, Việt Nam sẽ tự làm tiếp (có thể sẽ có đối tác làm ăn mới). Chưa có nước Đông Nam Á làm ăn chung với Trung cộng ở biển Đông. Tôi cho rằng Nga chỉ thôi khai thác, khi hết khí ở mỏ. Nga tiếp nhận tất cả những gì Rosneft để lại, mọi thứ vẫn còn nguyên đó. Chúng ta cần thời gian để xem Trung cộng sẽ tác động thế nào đến Zarubezhneft. 

Việt Nam đã và đang làm mọi cách để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình ở thềm lục địa (và thềm lục địa mở rộng), luật pháp quốc tế là cơ sở Việt Nam để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền… và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.”

Trong khi đó, TS. Nagao Satoru ở Viện Nghiên cứu Hudson, một think tank ở Washington DC, trao đổi với RFA rằng động thái của Trung cộng khi tung tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể phản ánh một chiến lược lâu nay của họ: lấp khoảng trống quyền lực. Khi Nga đang phải dồn hết sức lực cho cuộc chiến ở Ukraine và phụ thuộc vào Trung cộng về kinh tế và viện trợ quân sự (trá hình), họ rất khó bảo vệ quyền lợi của mình ở các hướng khác. Theo TS. Nagao Satoru, trước đây Việt Nam dựa vào Liên Xô để kiềm chế Trung cộng bành trướng là đúng, nhưng bây giờ, trước kết quả cuộc chiến của Nga ở Ukraine, việc dựa vào Nga không hẳn là một chiến lược hiệu quả. 

RFA (10.04.2023)

 

 

Mỹ cho chiến hạm vào Trường Sa trong lúc Trung cộng tập trận vây Đài Loan

Hải Quân Mỹ cho chiến hạm USS Milius đi vào vùng 12 hải lý gần đá Vành Khăn đang bị Trung cộng chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hôm Thứ Hai, 10 Tháng Tư, theo báo Stars and Stripes.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Trung cộng tập trận bao vậy Đài Loan nhằm trả đũa cuộc gặp giữa bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan và Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy.

Khu trục hạm USS Milius cập cảng Manila hồi Tháng Tám, 2012. (Hình: Noel Celis/AFP/GettyImages)

Đệ Thất Hạm Đội Mỹ thông báo chiếc USS Milius, chiến hạm trang bị hỏa tiễn dẫn đường, đang hoạt động gần khu vực bãi Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam và Phi Luật Tân nhằm duy trì các quyền tự do hàng hải và sử dụng hợp pháp vùng biển.

Hải Quân Mỹ thường gửi chiến hạm đến gần hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông để phản đối “yêu sách hàng hải quá mức” và “các hạn chế bất hợp pháp” của Trung cộng.

Toàn bộ quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp chủ quyền từ Trung cộng, Việt Nam và Đài Loan. Trong khi đó các nước Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei tuyên bố chủ quyền một phần. Quần đảo này cách Đài Loan 960 dặm về phía Nam.

Hai ngày trước khi tàu USS Milius bắt đầu tuần tra, Bắc Kinh tiến hành tập trận xung quanh Đài Loan để phản đối cuộc gặp mặt giữa bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan với ông Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ Viện Mỹ hôm Thứ Tư, 5 Tháng Tư, và ông Michael McCaul, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, hôm Thứ Bảy, 8 Tháng Tư.

Tuy nhiên theo ông Luka Bakic, phát ngôn viên Đệ Thất Hạm Đội, hành động của USS Milius không phải đáp trả Bắc Kinh, mà chỉ nhằm chứng minh Mỹ sẽ “hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, bất kể vị trí của các yêu sách hàng hải quá mức, hoặc các sự kiện đang diễn ra.”

Trong quá trình hoạt động, USS Milius đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi Đá Vành Khăn, một trong số nhiều đảo nhân tạo mà Trung cộng cho bồi đắp và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trong thập niên qua.

Theo ông Bakic, dựa trên luật quốc tế, các thực thể như đảo Đá Vành Khăn không được tính là một phần lãnh hải vì khi “ở trạng thái nguyên bản” những thực thể này đều bị chìm khi thủy triều lên.

Đệ Thất Hạm Đội cho biết chiếc USS Milius rời khỏi khu vực và sẽ tiếp tục hoạt động tại Biển Đông.

Thông thường Trung cộng hay phản đối các hoạt động kiểu này, tuy nhiên đến chiều Thứ Hai, 10 Tháng Tư, Bắc Kinh chưa đưa ra tuyên bố nào.

Hồi Tháng Ba vừa qua, Mỹ cũng cho chiến hạm USS Milius đến tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung cộng chiếm đóng sau khi cướp của VNCH vào năm 1974.

Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung cộng ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ quyền tự do hàng hải, hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công Ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. 

Người Việt (10.04.2023)

 

 

“Xung đột Đài Loan”: Phi Luật Tân có thể can dự, nếu Trung cộng tấn công đảo

Ảnh lưu trữ : Trực thăng của quân đội Phi Luật Tân tham gia cuộc tập trận Balikatan thường niên với quân đội Mỹ, ngoài khơi Claveria, tỉnh Cagayan, phía bắc Phi Luật Tân, ngày 31/03/2022. AP – Aaron Favila

Đe dọa quân sự gia tăng của Trung cộng với Đài Loan, trong bối cảnh Nga xâm lăng Ukraina, đang khiến Phi Luật Tân, vốn là một bên ‘‘thụ động’’ trong vấn đề Đài Loan, có thể trở thành một bên can dự vào xung đột, một khi chiến tranh bùng nổ. Giới quan sát ghi nhận lập trường của chính quyền Manila đã thay đổi đáng kể từ hơn một năm trở lại đây.

Mục Theo dòng thời sự xin giới thiệu nhận định của giáo sư quan hệ quốc tế Renato Cruz De Castro, Đại học De La Salle University, Manila.

Nguy cơ xung đột bùng phát tại Đài Loan không phải là mối quan tâm mới đây của chính quyền Phi Luật Tân. Chuyên gia Renato Cruz De Castro, trong một bài phân tích đăng tải trên trang mạng của Viện tư vấn Brookings Institution, cho biết ‘‘lần đầu tiên các vấn đề eo biển Đài Loan đã trở thành mối quan tâm của liên minh Phi Luật Tân-Mỹ là vào tháng 3/1996, khi Trung cộng bắn một số tên lửa đạn đạomô phỏng như thực với điểm rơi cách không xa bờ biển Đài Loan’’.

VTA ra đời sau lần Bắc Kinh đe dọa Đài Loan năm 1996

Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới sát Đài Loan, để cho Bắc Kinh thấy Mỹ không dung thứ cho việc gây hấn với Đài Bắc. Sau biến cố này, Washington thấy cần cải thiện quan hệ về an ninh với Manila. Hoa Kỳ hy vọng tăng khả năng tiếp cận với một số cơ sở hạ tầng không quân và hải quân ở đảo lớn Luzoncủa Phi Luật Tân, mà phần cực bắc cách không xa Đài Loan.

Như vậy, Mỹ có thể triển khai nhanh chóng lực lượng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở Đông Bắc Á. Từ năm 1996 đến năm 1998, hai quốc gia đồng minh đã đàm phán và ký kết Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA), được coi là cần thiếtđể làm hồi sinh liên minh quốc phòng Mỹ – Phi Luật Tân sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi Phi Luật Tân vào cuối năm 1992, trong bối cảnh làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Phi Luật Tân dâng cao. Tuy nhiên, rút cuộc ‘‘lo ngại về ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan, vốn là một trong những lý do chính của việc đàm phán và ký kết Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng, đã bị lãng quên khi hai đồng minh tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố và hoạt động bành trướng của Trung cộng ở Biển Tây Phi Luật Tân’’ (tức Biển Đông). Tuy nhiên tình hình đã trở nên hoàn toàn khác trong những tháng cuối cùng của thời chính quyền của cựu tổng thống Rodrigo Duterte.

Nga đánh Ukraina và nguy cơ chiến tranh bùng nổ ở Đông Á

Chuyên gia Renato Cruz De Castro nhắc lại một sự kiện cho thấy bước ngoặt thay đổi. Ngày 10/03/2022, hơn hai tuần sau khi Nga xâm lược Ukraina, đại sứ Phi Luật Tân tại Mỹ, ông Jose Manuel Romualdez, tuyên bố là tổng thống Duterte sẵn sàng mở các cơ sở quân sự của đất nước cho lực lượng Mỹ, nếu cuộc chiến của Nga chống Ukraina gia tăng, lôi cuốn Hoa Kỳ nhập cuộc.

Trong một cuộc họp báo với truyền thông Phillipines, đại sứ Romualdez tiết lộ rằng tổng thống đã khẳng định ‘‘nếu họ [tức Hoa Kỳ] yêu cầu Phi Luật Tân hỗ trợ… Phi Luật Tân sẵn sàng tham gia, đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng Ukraina lan sang khu vực châu Á.” Viên đại sứ cho biết cụ thể rằng tổng thống đã chỉ ra trong trường hợp khẩn cấp, “Phi Luật Tân sẽ cho phép các lực lượng Hoa Kỳ quay trở lại căn cứ hải quân cũ ở Vịnh Subic và căn cứ Không quân Clark gần đó.”

Theo vị chuyên gia Phi Luật Tân, đề xuất nói trên được coi là một nỗ lực ‘‘để chấn chỉnh lại liên minh trước khi nhiệm kỳ của ông Duterte kết thúc vào tháng 6/2022’’. Điều quan trọng hơn là  quan điểm như trên cũng ‘‘bộc lộ nỗi lo sợ tiềm ẩn của nhiều quốc gia Đông Nam Á trước viễn cảnh việc Nga xâm lược Ukraina sẽ khuyến khích Trung cộng có hành động tương tự ở eo biển Đài Loan’’, với nguy cơ gây nhiều thiệt hại ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và một số khu vực khác.

‘‘Các tương đồng về quan điểm giữa Trung cộng và Nga trong việc thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, do Hoa Kỳ lãnh đạo’’ khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á hiểu rằng cuộc xâm lược Ukraina của Nga có những tác động đến lợi ích quốc gia. Bắc Kinh có thể sử dụng một số thủ pháp như của Nga trong hoạt động tại ‘‘các vùng xám’’ (tức các vùng tranh chấp với sự tham gia của các lực lượng bán vũ trang, lực lượng dân sự), tiến hành ‘‘chiến tranh hỗn hợp’’, trước khi sử dụng vũ lực để chiếm đoạt, và sáp nhập các lãnh thổ tranh chấp.

Mỹ – Phi Luật Tân đẩy mạnh EDCA

Với những lo ngại như trên, chính quyền Duterte tỏ ý sẵn sàng cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng Phi Luật Tân làm nơi tập trận để đối phó với kịch bản bất ngờ ở Đài Loan. Theo vị chuyên gia đại học De La Salle University, Manila, có một số dấu hiệu cho thấy Manila và Washington đã thảo luận về khả năng này ngay dưới thời chính quyền Duterte trước khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức tháng 6/2022.

Hợp tác của liên minh quốc phòng Mỹ – Phi Luật Tân thực sự chuyển sang một bước mới, với việc bộ Quốc Phòng hai bên thông báo quân đội Hoa Kỳ sẽ được quyền tiếp cận thêm bốn căn cứ của Quân Đội Phi Luật Tân (AFP), theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA). Thông tin được đưa ra ngày 02/02/2023.

Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao EDCA, ký kết từ năm 2014, trước nhiệm kỳ của tổng thống Duterte, cho phép một số lượng lớn các đơn vị Mỹ đồn trú có kỳ hạn, và được luân chuyển, tại 5 căn cứ quân sự của Quân đội Phi Luật Tân, theo Thỏa thuận EDCA. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở quân sự theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao chỉ diễn ra hạn chế trong thời gian nhiệm kỳ sáu năm của tổng thống tiền nhiệm Duterte.

Theo điều chỉnh được công bố ngày 02/02/2023, tổng số các căn cứ Phi Luật Tân được giao cho Quân đội Mỹ sử dụng tăng từ 5 lên 9. Hoa Kỳ được phép dùng các căn cứ này để tổ chức huấn luyện, lắp đặt thiết bị, đặt kho vũ khí (trừ vũ khí hạt nhân), xây dựng đường băng và các cơ sở quân sự khác…, theo Hiệp định EDCA.

Điểm đặc biệt đáng chú ý là trong số 4 địa điểm mới, có ba căn cứ nằm ở cực bắc đảo Luzon:  Căn cứ hải quân Camilo Osias tại Santa Ana ở tỉnh Cagayan, chỉ cách Đài Loan khoảng 400km (250 hải lý), căn cứ không quân Lal-lo Airport ở Lal-lo, cũng thuộc tỉnh Cagayan, và căn cứ Melchor Dela Cruz ở Gamu, thuộc tỉnh láng giềng Isabela. Tổng cộng ba trên bốn căn cứ mới nằm không xa đảo Đài Loan.

Ba lợi thế của các căn cứ mới

Theo chuyên gia Renato Cruz De Castro, các căn cứ quân sự mà Phi Luật Tân vừa chuyển cho Hoa Kỳ quyền sử dụng, theo Hiệp định EDCA, có thể mang lại cho Quân đội Mỹ ba lợi thế chính như sau :

  1. Lợi thế thứ nhất là về mặt huấn luyện. Các lực lượng Không quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ có cơ hội triển khai các đơn vị chiến thuật tới khu vực Đông Nam Á, để tích lũy kinh nghiệm trong môi trường chiến đấu ở nước ngoài, với các điều kiện sát với môi trường khu vực, cụ thể là Đài Loan.
  2. Lợi thế thứ hai là các căn cứ này có thể dùng làm ‘‘cơ sở tiền phương’’ giúp cho các yêu cầu về hậu cần và sửa chữa/bảo dưỡng tàu thuyền của Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
  3. Lợi thế thứ ba là bàn đạp cho các hoạt động tác chiến. Nếu đụng độ vũ trang xảy ra ở Biển Đông hoặc Đài Loan, các căn cứ EDCA sẽ cho phép quân đội Hoa Kỳ nhanh chóng triển khai lực lượng tới khu vực.

Đài Loan ổn định là ”an ninh” với Phi Luật Tân

Như hầu hết các nước trên thế giới, Phi Luật Tân đi theo chính sách Một nước Trung Hoa, và Đài Loan chỉ được nhìn nhận như một vùng lãnh thổ tự trị, mà Manila không có quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, Phi Luật Tân không thể thụ động trước tình hình Đài Loan. Một cuộc xung đột vũ trang giữa Bắc Kinh và Đài Bắc sẽ gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng với Phi Luật Tân. Phi Luật Tân sẽ phải đối mặt với dòng người tị nạn Phi Luật Tân ở Đài Loan ồ ạt hồi hương, xung đột có thể lan rộng đến eo biển Luzon và thậm chí cả phía bắc đảo Luzon. Manila đã công khai bày tỏ nhu cầu hợp tác với Washington trong ‘‘một tình huống khẩn cấp về chiến lược’’ có thể xảy ra ở Đài Loan, là vấn đề an ninh quốc gia đối với Phi Luật Tân.

Nhà ngoại giao Romualdez, hiện tiếp tục là đại sứ của Phi Luật Tân tại Hoa Kỳ, thừa nhận rằng Phi Luật Tân phải hợp tác quân sự với Mỹ để ngăn chặn bất kỳ leo thang căng thẳng nào giữa Trung cộng và Đài Loan, không chỉ vì hiệp ước liên minh quân sự song phương, mà còn giúp ngăn chặn một cuộc xung đột lớn. Đại sứ Phi Luật Tân nhấn mạnh Phi Luật Tân sẽ chỉ cho phép các lực lượng Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự của mình tham gia vào xung đột ở Đài Loan “nếu điều đó là quan trọng đối với chúng tôi, vì an ninh của chúng tôi”.

Khó tưởng tượng Phi Luật Tân không tham gia ”bằng cách này hay cách khác”

Tổng thống Marcos Jr. chưa từng tuyên bố thẳng là Manila sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ trong bất kỳ tình huống vũ trang nào ở Đài Loan. Điều này xuất phát từ mối lo ngại của ông là xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung cộng về vấn đề Đài Loan có thể sẽ kéo Phi Luật Tân vào xung đột vũ trang lớn.Trong một cuộc phỏng vấn, tổng thống Phi Luật Tân giải thích: “Tôi đã học được một câu nói của người châu Phi: Khi voi đánh nhau, kẻ thua cuộc duy nhất là cỏ.Chúng tôi là cỏ trong tình huống này. Chúng tôi không muốn mình bị chà đạp.” (hay nói như một câu ngạn ngữ Việt Nam : trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết).

Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền Manila đã có nhiều thay đổi trong việc sẵn sàng đối phó với chiến tranh Đài Loan và nguy cơ xung đột gia tăng ở Biển Đông. Quyết định thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận EDCA như trên, việc nối lại nhiều hoạt động giữa Hải quân Phi Luật Tân và Hải quân Hoa Kỳ, việc thực thi tuần tra hải quân chung ở Biển Đông cho thấy rõ các thay đổi. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, khi được hỏi Manila có sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ nỗ lực nào của Hoa Kỳ để bảo vệ Đài Loan chống lại sự xâm lược của Trung cộng hay không, tổng thống Phi Luật Tân khẳng định : ‘‘Khi xem xét tình hình trong khu vực, đặc biệt là căng thẳng ở eo biển Đài Loan, chúng tôi có thể thấy rằng…, nếu xảy ra xung đột ở khu vực đó… rất khó tưởng tượng một viễn cảnh mà Phi Luật Tân sẽ không tham gia bằng cách này hay cách khác”. 

RFI (10.04.2023)

 

 

Trung cộng gây sức ép với Nga, có thể tạo xung đột cao ‘chưa từng có’ trên Biển Đông

Trung cộng gây sức ép lên Nga về quan hệ với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, theo lời một số chuyên gia.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu từ Hà Nội nêu ví dụ với BBC hôm 7/4, cho đến năm 2017, đã có ít nhất ba lần Trung cộng hỏi Nga về các dự án khai thác dầu và khí mà Nga làm với Việt Nam.

Theo đó, sự leo thang căng thẳng năm 2019 ở gần bãi Tư Chính vừa là gây sức ép lên Nga lẫn Việt Nam.

Ông Hợp nhấn mạnh, trong vòng khoảng một tháng trở lại đây, theo nguồn AMTI (Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á – một tổ chức thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS bên Mỹ) và các nguồn khác, trong đó có các nguồn từ chính phủ Việt Nam, các tàu hải cảnh Trung cộng đã nhiều lần tiến gần, có lúc rất gần các điểm khai thác khí đốt do Zarubezhneft điều hành.

“Đây là một bước leo thang mới, tạo rủi ro xung đột cao chưa từng có của Trung cộng” vì chưa bao giờ, tàu hải cảnh Trung cộng đến gần khu vực khai thác khí đốt do Zarubezhneft điều hành ở gần bãi Tư Chính như thế, ông Hợp đánh giá.

Nga chống lại sức ép của Trung cộng?

Hôm 6/4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, tàu Hải dương địa chất 4 của Trung cộng đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam.

Cùng thời điểm này, Phó thủ tướng Nga Chernyshenko đến Việt Nam ba ngày từ 5 đến 7/4 để đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Nga về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật.

Trong đó có các dự án hợp tác khai thác dầu khí cùng với Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông.

Trang Thông tin chính phủ nêu, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Nga D. Chernyshenko khẳng định Chính phủ Liên bang Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của mình tại khu vực.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng, có một khả năng thực tế là Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng các dự án khai thác dầu khí theo kế hoạch có từ trước, và kế hoạch mới.

“Chỉ cần quan sát các vụ tàu hải cảnh Trung cộng vào gần khu khai thác, đã thấy rõ phía Việt Nam đã kiên quyết ngăn chặn và đẩy các tàu đó ra xa, với các thao tác chuyên nghiệp, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Nga xâm lược Ukraine đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch hiện đại hóa quân sự và mua vũ khí trong tương lai, khiến nước này phải đa dạng nguồn cung và tránh lệ thuộc vào Nga-vốn chiếm 80% đơn đặt hàng quân sự của Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer nhận định, trong năm qua, Việt Nam đã tạm dừng mua sắm vũ khí trong khi đánh giá lại môi trường địa chiến lược của mình vì Nga không có khả năng đáp ứng các cam kết trong hợp đồng quốc phòng do nhúng sâu vào cuộc chiến ở Ukraine. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng e ngại nguy cơ bị phương Tây hay Mỹ áp lệnh trừng phạt thứ cấp khi mua số lượng lớn vũ khí từ Nga.

Ông Hợp nêu ý kiến, quan hệ hai nước Việt- Nga không giảm mức độ hữu nghị và hợp tác dù Việt Nam tìm các nguồn cung cấp vũ khí khác. Việt Nam có chiến lược trung hạn về công nghệ, công nghiệp quốc phòng, để sau năm 2030, Việt Nam có thể tự sản xuất phần lớn các loại vũ khí, thiết bị quân sự cho quân đội Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer nói với BBC rằng, trước cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã chống lại sức ép của Trung cộng để giới hạn các hoạt động khai thác dầu của Rosneft trong vùng gần Bãi Tư Chính.

“Tuy nhiên, áp lực từ Trung cộng đã khiến Rosneft rút lui. Những quyền lợi của Rosneft đã được Zarubezhneft tiếp nhận. Hiện nay, còn phải chờ xem các hoạt động của Trung cộng ở khu vực này có dẫn đến việc Nga ngừng hoạt động hay không.

“Zarubezhneft, hoạt động tại lô Tuna ở vùng biển của Indonesia, muốn xây dựng một đường ống dẫn dầu đến Việt Nam. Khi mà Việt Nam và Indonesia hiện đã đạt được thỏa thuận về ranh giới biển của họ, Trung cộng có khả năng sẽ hành động để khẳng định quyền chủ quyền của mình,” theo ông Carl Thayer.

Và nếu Trung cộng mạnh tay, ông Thayer dự đoán Việt Nam có khả năng sẽ làm theo tiền lệ đã đặt ra trong năm 2017 và 2018 bằng cách ra lệnh cho các công ty và nhà thầu nước ngoài ngừng các hoạt động của họ.

TS Hợp thì khẳng định, về vấn đề chủ quyền biển đảo, Việt Nam chưa từng nhượng bộ Trung cộng. Ông lấy ví dụ việc Việt Nam nêu đích danh tàu Hải dương địa chất 4 của Trung cộng cũng như điều tàu kiểm ngư để giám sát, rượt đuổi và chặn đầu tàu Trung cộng.

Trước đó, năm 2018, Việt nam gửi thư đến Liên Hiệp Quốc phản đối Trung cộng. Năm 2014, bằng mọi cách, Việt Nam làm cho Trung cộng phải rút giàn khoan HD981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Ông Hợp dự đoán, trong trường hợp dự án đường ống dẫn dầu đến Việt Nam chính thức được công bố và khởi động, Trung cộng sẽ phản ứng bằng cách đẩy mạnh chiến thuật vùng xám nhằm ngăn cản dự án của Nga, Indonesia, Việt Nam.

“Khi đó có rủi ro xung đột sẽ cao hơn nữa và nếu không quản trị tốt, trong trường hợp xấu nhất, có thể xảy ra đụng độ bằng vũ khí sát thương.”

Chiến thuật vùng xám của Trung cộng

“Chiến thuật vùng xám” là một kiểu chiến tranh phi quân sự được Trung cộng sử dụng để mở rộng lãnh thổ và tăng cường ảnh hưởng đối với các khu vực biển tranh chấp và các lãnh thổ của các quốc gia láng giềng của Trung cộng, ông Hợp diễn giải với BBC.

Theo chiến lược này, Trung cộng sử dụng các phương tiện phi quân sự như tàu cá, tàu buôn, tàu khảo sát, các tàu cứu trợ, du lịch, trang trại bè… để thâm nhập vào các vùng biển tranh chấp.

Ngoài ra, Trung cộng cũng tạo ra các đơn vị tổ chức bí mật để thu thập thông tin và làm tăng sức ép đối với các quốc gia trong khu vực.

Đặc biệt, Trung cộng cũng triển khai Chiến thuật vùng xám trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam được TS Hợp tóm tắt như sau:

  • Thăm dò dầu khí: Trung cộng đã tham gia vào các hoạt động thăm dò dầu khí trong EEZ của Việt Nam, mà Việt Nam tuyên bố là lãnh thổ có chủ quyền của mình. Tàu Trung cộng đã nhiều lần đi vào vùng biển Việt Nam để tiến hành các hoạt động thăm dò, dẫn đến tình trạng bế tắc căng thẳng giữa hai nước
  • Can thiệp vào các dự án năng lượng của Việt Nam: Trung cộng đã bị cáo buộc can thiệp vào các dự án năng lượng của Việt Nam ở Biển Đông, bao gồm cả việc hủy bỏ một dự án khoan dầu lớn vào năm 2017. Các tàu Trung cộng cũng đã được báo cáo là có liên quan đến việc quấy rối và đe dọa các tàu Việt Nam tham gia thăm dò năng lượng trong khu vực.
  • Dân quân biển: Lực lượng dân quân biển của Trung cộng đã hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả EEZ của Việt Nam. Các tàu dân quân này thường hoạt động với số lượng lớn và có thể được sử dụng để đe dọa tàu của các nước khác hoặc phong tỏa các vùng lãnh thổ tranh chấp
  • Tàu thực thi pháp luật: Trung cộng đã gửi tàu bảo vệ bờ biển và các tàu bán quân sự khác để thực thi các yêu sách của mình trong EEZ của Việt Nam. Các tàu này đã tham gia vào một số vụ quấy rối và đe dọa các tàu Việt Nam hoạt động trong vùng biển của họ
  • Xây dựng đảo nhân tạo: Trung cộng đã xây dựng một số đảo nhân tạo ở Biển Đông, bao gồm cả trong EEZ của Việt Nam. Những hòn đảo này đóng vai trò là căn cứ quân sự và dân sự, cho phép Trung cộng thể hiện sức mạnh và kiểm soát của mình trên một khu vực rộng lớn hơn
  • Công sự quân sự: Ngoài việc xây dựng đảo nhân tạo, Trung cộng cũng đã củng cố các vị trí quân sự của mình ở Biển Đông, bao gồm cả trong EEZ của Việt Nam. Điều này liên quan đến việc triển khai các hệ thống tên lửa, radar và các thiết bị quân sự khác, điều này đã làm dấy lên lo ngại giữa các nước láng giềng về khả năng xung đột và gây bất ổn.
  • Áp lực ngoại giao: Trung cộng đã sử dụng đòn bẩy kinh tế và ngoại giao của mình để cô lập và làm suy yếu các yêu sách của Việt Nam ở Biển Đông. Trung cộng đã xây dựng liên minh với các nước khác trong khu vực và sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để thuyết phục họ ủng hộ lập trường của Trung cộng

Ngoài ra, Trung cộng cũng tăng cường hoạt động không gian mạng như đánh cắp thông tin nhạy cảm từ mạng chính phủ và quân đội của các quốc gia khác, hoặc sử dụng các cuộc tấn công mạng để làm gián đoạn hoạt động của cơ sở hạ tầng quan trọng của các quốc gia khác.

“Nhìn chung, chiến thuật vùng xám của Trung cộng trong EEZ của Việt Nam được thiết kế để khẳng định sự thống trị của mình trong vùng biển tranh chấp mà không cần dùng đến lực lượng quân sự truyền thống,” ông Hợp kết luận.

BBC (08.04.2023)

 

 

Biển Đông : Thủ tướng Mã Lai Anwar bị chỉ trích về thương lượng khai thác dầu khí với Trung cộng

Thủ tướng Mã Lai Anwar Ibrahim (T) được chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tiếp tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung cộng, ngày 31/03/2023. AP – Sadiq Asyraf

 

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm qua, 07/04/2023, cựu thủ tướng Mã Lai Muhyiddin Yassin đã cực lực chỉ trích người kế nhiệm Anwar Ibrahim về việc ông tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Trung cộng về hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông. 

Phát biểu trước Quốc Hội Mã Lai hôm thứ Hai 03/04, khi tường trình về chuyến thăm Trung cộng của ông, thủ tướng Anwar Ibrahim đã tuyên bố là tập đoàn dầu khí nhà nước Petronas của Mã Lai sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò ở Biển Đông, nhưng Mã Lai sẵn sàng thương lượng về các mối quan ngại của Trung cộng về những hoạt động này.

Trên trang Facebook hôm qua 07/04, cựu thủ tướng Muhyiddin đã có phản ứng về tuyên bố của ông Anwar, cho rằng đây là một tuyên bố “bất cẩn” của một thủ tướng. Theo ông, cho dù Trung cộng là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, không thể nhân nhượng Bắc Kinh trên vấn đề chủ quyền của Mã Lai. Ông Muhyiddin khẳng định : “Chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của Mã Lai phải được bảo vệ mọi lúc”.

Theo cựu thủ tướng Mã Lai, tuyên bố nói trên của ông Anwar coi như gián tiếp công nhận yêu sách chủ quyền của Trung cộng về Biển Đông.

Ở Biển Đông, tập đoàn dầu khí nhà nước Petronas vẫn hoạt động trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai, nhưng trong những năm gần đây đã nhiều lần bị các tàu của Trung cộng quấy rối. Theo tiết lộ của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Mỹ, vào cuối tháng 3, một tàu tuần duyên của Trung cộng đã hoạt động sát một mỏ khí đốt mà tập đoàn Petronas đang khai thác. Mỏ khí đốt Kasawari có trữ lượng rất lớn và theo dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong năm nay.

RFI (08.04.2023)