Seite auswählen

  Nguyên Hạnh HTD

 

Những vạt nắng vàng rực rỡ của ba tháng hè đã tắt. Đám lá trên những cành cây chợt đổi màu. Mấy hôm nay trời bỗng dưng trở lạnh để trong hơi gió lành lạnh, ta nghe như mùa thu sắp về.

Thu về cho một niên học mới bắt đầu.

Trong tôi vẫn còn dệt nhiều giấc mơ êm đềm với bao kỷ niệm yêu dấu ngày xưa.

Màu hoa đào thoáng sau vườn nhà ai cũng khiến tôi khựng lại xao xuyến, hương dạ lý thoảng đâu đó trong đêm hè làm tôi bồi hồi cũng như hôm đưa đứa cháu ngoại -bé Kim- đi học, nhìn những bước chân sáo tung tăng mà lòng hối tiếc, trầm tư tưởng nhớ đến những tháng ngày xa xưa. Niềm ưu tư sâu xa trong lòng tôi vẫn ở quê nhà, nơi có những người bạn thân nghèo khổ, những mái trường đã thay đổi Thầy Cô.

Ngày tháng dần trôi, tuổi đời chồng chất, tre phải tàn để cho măng mọc; vậy mà sao tôi vẫn ngậm ngùi vì bé Kim đã làm sống lại những ngày thơ ấu của tôi!

 Click image for larger version  Name:	muc-tim.png Views:	1 Size:	70.2 KB ID:	61970

Tôi vơ vẩn nghĩ mãi về những ngày xa xưa, về tuổi hoa niên của đời mình, về những điều đã tan loãng trong cát bụi mà càng lớn tuổi những đám mây mỏng càng bay xa, xa mãi về phía chân trời. Thời gian như sóng biển vỗ mãi vào bờ, đã xóa mờ biết bao nhiêu là dấu chân in trên cát… dù biết vậy mà mùa thu về vẫn thấy lòng mình chùng hẳn xuống, cây lá như đìu hiu chia xẻ nỗi niềm! Nỗi nhớ như sợi tơ trời lãng đãng, vật vờ bay lượn giữa hư vô, chợt sà xuống vương mắc nơi góc vườn kỷ niệm.

Khi tôi còn là một cô học trò nhỏ bé, tâm hồn trong trẻo, mỗi buổi mai thức dậy trong hơi ấm của tấm chăn, trong tiếng ngân nga không dứt của những hồi chuông Thiên Mụ. Tiếng chuông bồng bềnh dội vào những tầng mây cao, cả thành phố ngủ yên dưới sự che chở của những hồi chuông thu không. Suốt cả thời thơ ấu và niên thiếu, tôi đã ngủ và thức dậy trong tiếng chuông chùa, tôi thường đi học trên những con đường thơm mùi trầm hương vào lúc sáng sớm mờ sương. Đây là những con đường mà ngày xưa tôi đã cùng bạn bè chen vai sát cánh trên những lối mòn xưa cũ, ngày ngày tháng theo nhau đến cổng trường, chia xẻ những ngày tháng mật ngọt của một thời thơ ấu.

Dòng sông kỷ niệm còn trùng trùng… giờ đây xin ngắt một khúc ngắn của dòng sông đó như một tín hiệu gọi về của tuổi ấu thơ.

Bé Kim là hình ảnh của tôi ngày nào từ cái thuở mà tôi còn mài đũng quần ở trường tiểu học của một tỉnh lỵ xa lắc, chung quanh toàn đồng ruộng mênh mông, chỉ nghe tiếng gió xào xạc qua các ngọn tre. Cái thuở mà tôi còn vòi vĩnh ba tôi mua cho bằng được cục gôm hai màu xanh trắng hay những cây viết chì ruột mềm, nét chữ thật sắc. Mới ngày nào tôi còn nâng niu những quyển tập có hình chiếc xe kéo ngoài bìa, nắn nót viết tên mình với nét chữ cố tình bay bướm; mới ngày nào đi thi Sơ Học Yếu lược, nhìn những chú lính lệ đầu đội nón dấu, vác lưỡi lê đi lui đi tới làm tôi khiếp sợ hãi hùng mà nay đã hơn 60 năm rồi!

Thuở ấy phải dùng cây viết lá tre đến hết năm lớp nhất, mãi đến ngày đậu vào Đệ Thất, ba tôi mới mua cho cây bút máy hiệu „Pilot“ màu xanh ngọc; phải chạy bộ từ nhà qua trường Đồng Khánh để xem kết quả cuộc thi tuyển. Oai làm sao khi cầm được cây bút máy trong tay, lúc đó thấy mình như lớn hẳn lên và quan trọng vô cùng trước những đôi mắt ngắm nhìn của bạn bè, tôi đã mân mê nhìn ngắm suốt ngày không biết chán. Tôi chỉ chờ có thế, hết phải cầm bình mực đi về mỗi ngày, khỏi lo mực đổ ra ngoài khi muốn chạy đua với các bạn, đôi tay không còn lem luốc và cũng không còn xin chấm mực nhờ của đứa bạn bên cạnh khi lỡ quên đem mực của mình theo, đỡ mất công nhờ vả nó.

Ngoài bình mực tím, tôi còn nâng niu trân quý những tờ giấy thấm màu hồng, đầu nghiêng nghiêng nắn nót từng chữ, tay kia không rời tờ giấy thấm làm khô chữ viết. Nhưng về phần các tập vở dù giữ gìn cách mấy, các góc tập cũng bị cong queo một cách tội nghiệp.

Bây giờ, dù thời gian đã vùn vụt trôi qua, dù bao tang thương biến đổi đã chồng chất nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn thương cái thời còn chấm mực mỗi khi viết. Đã bao lần tôi nhờ người quen về thăm nhà tìm mua dùm tôi một cây viết lá tre và vài gói mực từng viên nhỏ, nhưng có lẽ việc mình nhờ không đáng nên họ đã quên và tôi vẫn ngồi mơ cây viết lá tre với một bình mực tím!

Ở đây chỉ toàn bút nguyên tử nên bé Kim không sao hình dung được những cán viết gỗ đủ màu với những ngòi viết lá tre, lá bầu và những bình mực tím, mực xanh của bà Ngoại ngày xưa; Bé Kim vẫn mù tịt về nghệ thuật pha mực bằng nước nóng, bỏ vài viên mực thêm một trái mồng tơi nghiền nát, đợi cho tan rồi lọc lại bằng miếng vải mùng. Một công trình pha chế mà bà Ngoại đã say sưa và hài lòng với thành quả của mình. Bé Kim vẫn không biết phải hơ nóng ngòi viết mỗi lần thay cái ngòi mới để giấy vở không bị sờn lem chữ khi viết và bé Kim cũng không biết nhựa cây sầu đông bỏ vào lọ chế nước nóng vào để có một lọ keo dán thật đặc biệt.

Ngày xưa… cũng xa thật và cũng như mới hôm qua đây thôi vì kỷ niệm, hồi tưởng có khả năng đem ta về quá khứ, làm cho thời gian và không gian không còn hiện hữu nữa!

Đôi khi nhớ thương ngày tháng cũ, tôi thao thức muốn thoát hồn bay trở về thăm lại mái trường xưa, bơi lội thỏa thuê trên dòng sông cũ, giữa những hình ảnh thân yêu với bao kỷ niệm êm đềm thời niên thiếu.

Vườn Luxemburg những ngày cuối thu nắng vàng, lá vàng rực trên các ngọn cây, đâu rồi cậu bé Anatole France, đôi chân sáo cặp sách trên lưng ngẩn ngơ nhìn lá vàng rơi trên vai những pho tượng?

Thành ra, mỗi năm cứ đến những ngày tựu trường, tôi lại thấy bâng khuâng khó tả, lòng tôi lại ngập đầy những kỷ niệm xưa cho hồn tôi thoáng những men say. Dư hương của những ngày cũ, dư âm của những tiếng trống trường xưa vẫn còn vang vọng mãi để lòng tôi thấy nao nao mỗi độ thu về…

“Ai đâu trở lại mùa thu cũ,
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng!“

(Thơ: Chế Lan Viên)

 Nguyên Hạnh HTD

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen