Mục lục
Giải Cino Del Duca 2023 được trao cho nhà văn Dương Thu Hương
23-4-2023
Vào ngày 21 tháng 4 năm 2023, dưới sự đề xuất, với đa số tuyệt đối, của Hội đồng Giải Cino Del Duca Thế giới, do bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Pháp làm chủ tịch, Ủy ban Quỹ Del Duca, do Xavier Darcos, Đổng lý văn phòng của Institut de France, thuộc Viện Hàn lâm nước Pháp, đã trao Giải thưởng Thế giới 2023, trị giá 200.000€, cho bà Dương Thu Hương, nhà văn Việt Nam đang sống tại Pháp.
Tên của bà đã được Daniel Rondeau, thuộc Viện Hàn lâm Pháp, công bố vào ngày 21 tháng 4 năm 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris.
Theo nhận xét của Hội đồng giải Cino Del Duca, Dương Thu Hương là một nhà văn tận tuỵ và dấn thân trong việc lên án những vấn nạn tại Việt Nam.
Tên tuổi của bà vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt tại Pháp, nơi nhiều tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng Pháp.
Từ Chốn vắng, cuốn sách được đọc nhiều nhất của bà và Đồi bạch đàn, đến Đỉnh cao chói lọi, dành riêng cho nhân vật Hồ Chí Minh, bà mô tả cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, sức nặng của quá khứ và truyền thống trong một xã hội mang trong lòng nhiều dấu vết của các cuộc chiến tranh bi thương.
Giải thưởng Cino Del Duca 2023 tôn vinh một nhà văn lớn mà tác phẩm và nhân cách đặc biệt đã chuyên chở những thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại được Hội đồng giải thưởng công nhận.
Giải thưởng được lập ra bởi Simone Del Duca vào năm 1969 với mục đích tôn vinh sự nghiệp của một tác giả người Pháp hoặc nước ngoài có tác phẩm cấu thành, dưới hình thức khoa học hoặc văn học, một thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại.
Với số tiền thưởng lên đến 200.000€, chỉ sau giải thưởng Nobel Văn học.
Ban giám khảo bao gồm 14 thành viên, phần lớn là thành viên của Institut de France, thuộc Viện Hàn lâm Pháp.
Giải thưởng quốc tế Cino Del Duca dành cho văn học thường được ví von như một “antichambre” của giải Nobel Văn học danh giá.
Thật vậy, Mario Vargas Llosa được trao giải Cino Del Duca vào năm 2008. Hai năm sau, nhà văn người Pérou và Tây Ban Nha đã dành giải Nobel Văn học.
Cũng vào năm 2010, nhà văn Pháp, Patrick Modiano là chủ nhân của giải Cino Del Duca trước khi được vinh danh vào năm 2014 với giải Nobel Văn học.
Ngoài ra còn có các nhà khoa học đã được trao giải Cino Del Duca trước khi được nhận các giải Nobel về Sinh học, Y học và cả giải Nobel Hoà bình.
Năm 2022, nhà văn Nhật nổi tiếng Haruki Murakami cũng được trao giải Cino Del Duca. Murakami là một cái tên nổi bật và thường được đề cử trong danh sách các ứng viên cho giải Nobel Văn học.
Ngoài ra còn có nhà văn người Pháp gốc Tiệp nổi tiếng Milan Kundera cũng được vinh danh với giải Cino Del Duca vào năm 2009. Milan Kundera là tác giả của tác phẩm nổi tiếng L’Insoutenable Légèreté de l’être (Đời nhẹ khôn kham).
Việc nhà văn Dương Thu Hương được trao giải Cino Del Duca là một sự kiện lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Đó cũng là một cú đấm vào bộ mặt chế độ Việt Nam vì những tác phẩm của bà thể hiện sự bất mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản độc tài toàn trị. Bà đã từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam và phản đối độc quyền của đảng cộng sản.
Hiện nay, các tác phẩm văn chương của bà vẫn bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị.
Giải thưởng Thế giới Cino Del Duca sẽ được trao cho Dương Thu Hương dưới Mái vòm của Institut de France, Viện Hàn lâm Pháp, trong buổi lễ long trọng trao các Giải thưởng Lớn của Viện, vào ngày 21 tháng 6 năm 2023.
Nhắc đến Dương Thu Hương, người viết chợt nhớ đến lời nhận xét của một dịch giả nổi tiếng trong nước, khi gặp ông tại Lausanne, Thuỵ Sĩ: “Văn chương của Dương Thu Hương không có gì đặc biệt và khó đọc”. Khi ấy người viết có nói rằng “khó đọc” có lẽ vì nó trần trụi và khốc liệt khi phơi bày những sự thật, những nỗi thống khổ của người dân Việt Nam trong cái nhà tù khổng lồ lộ thiên! Văn chương của bà là thứ văn chương phản kháng mà không phải ai cũng có cái dũng và sự can đảm để viết…
Mong rằng Dương Thu Hương, một ngày không xa, sẽ được trao giải Nobel Văn học, để làm “thoả lòng” ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước, khi ông này phát biểu: “Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel Văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tất cả các nhà văn, tác giả trẻ hôm nay”.
Biết đâu, “niềm tự hào” ấy lại đến từ một ngòi bút sắt thép của một nữ nhà văn bất đồng chính kiến, đang phải sống tha hương, không hề run sợ, chùn bước trước bạo tàn và khủng bố của bộ máy độc tài toàn trị.
Mong lắm thay!
Dư luận trên mạng về tác phẩm của Dương Thu Hương
Hoàng Hưng dịch nhanh
Văn Việt
Chốn vắng của Dương Thu Hương
Bản tiếng Pháp (Terre des oublis của Phan Huy Đường) là một thành công ở Pháp (gần 200.000 bản phát hành, giải thưởng của báo Elle, tái bản trong các bộ sách Le Livre de Poche, Robert Laffont, …) tiếp theo là các bản dịch xuất bản ở Mỹ (bản tiếng Anh No Man’s Land của Nina McPherson) ở Ý và Tây Ban Nha.
● Nhiều phẩm chất được ca ngợi, nổi bật là về sự thể hiện sinh động tâm lý xã hội Việt Nam thời hậu chiến và sự quyến rũ của bút pháp
“Một sự đột nhập lôi cuốn vào lãnh thổ ít người biết: chấn thương gây ra bởi cuộc chiến tranh Việt Nam đối với những người chiến thắng”
“A fascinating foray into little-charted territory: the trauma wrought by the Vietnam War on its ‘winners’.”
(Kirkus Reviews)
• “Hương gợi lên vẻ đẹp của xứ sở, những truyền thống Việt Nam xưa, và những tiết tấu phi thời gian của đời sống hàng ngày, đối âm với những bi kịch của sự đàn áp và chiến tranh.
Chia sẻ những tâm sự đau khổ của mỗi nhân vật bị mắc vào cái mạng thắt nghẹt của tuyệt vọng, bổn phận, ham muốn, cảm thương, và giận dữ, Hương dẫn một câu chuyện quyến rũ, chính xác về chi tiết và có tầm rộng lớn. Một cuốn tiểu thuyết làm ta say đắm, phân tích một cách sắc sảo bản chất của chiến tranh và hòa bình, sự nghèo nàn và giàu có về vật chất và tinh thần, cái tôi và cộng đồng, sự cưỡng bức và tình yêu”
Huong evokes the beauty of the land, Vietnam’s ancient traditions, and the timeless rhythms of daily life in counterpoint to the tragedies of communist oppression and war.
Privy to the anguished thoughts of each character caught in this strangling web of desperation, duty, sacrifice, desire, compassion, and rage, Huong spins a captivating tale precise in details and grand in scope. A ravishing novel that exquisitely parses the nature of war and peace, material and spiritual poverty and wealth, self and community, coercion and love.
Donna Seaman (Booklist _ American Library Association)
• “Đó là một cuốn tiểu thuyết cao cả với bút pháp thơ, trộn lẫn nhục cảm với sự tàn bạo trong những miêu tả lộng lẫy đầy màu sắc và mùi hương. Người đọc không thể không bị chao đảo, chói lóa sau khi đọc nó”
C’est un sublime roman à l’écriture poétique mêlant la sensualité et la cruauté dans de somptueuses descriptions remplies de couleurs et d’odeurs. Le lecteur ne peut qu’en sortir ébloui, chaviré
(Florinette, Aquitaine, Pháp)
• Những trang đẹp nhất mà tôi đã được đọc về tình yêu, dục vọng, sự chia ly, nỗi đau, tình bạn, lòng chung thuỷ. Tấn bi kịch tam giác giữa Miên, thiếu phụ một làng quê Việt, người chồng hiện tại Hoan mà chị yêu và Bôn, người chồng trước mà mọi người ngỡ đã chết trong chiến tranh, là sự khai thác những tình cảm nhân bản thuần khiết…
Tấn kịch tâm lý được trang điểm tinh tế bằng những miêu tả thi vị và mãnh liệt trộn lẫn sắc màu, hương, vị. Tất cả, giống như luân phiên ánh sáng và nỗi đau trong tinh thần các nhân vật, người đọc luân phiên chiêm ngắm những phong cảnh tuyệt vời của thiên nhiên và làng quê hay chìm đắm trong rừng rậm với Bôn khi anh gợi lại những kỷ niệm điên loạn về chiến tranh.
Il s’agit des plus belles pages que j’ai lues sur l’amour, le désir, la séparation, la souffrance, l’amitié, la fidélité. Cette tragédie triangulaire entre Mien, jeune femme d’un village vietnamien, Hoan son mari actuel qu’elle aime et Bôn son premier mari qu’on croyait mort pendant la guerre est une exploration des sentiments humains à l’état pur…
Le drame psychologique est subtilement décoré par des descriptions poétiques et vigoureuses où se mêlent couleur, saveur, odeur. Tout comme alternent la lumière et la souffrance dans l’esprit des personnages, le lecteur contemple alternativement de superbes paysages de nature et de villages ou bien se fait engloutir dans la jungle avec Bôn qui évoque ses souvenirs déments de la guerre.
(Romur, Pháp – Amazon.com)
• Một trong những cuốn sách hay nhất mà tôi đã đọc những năm mới đây
Tiểu thuyết mới nhất của Dương Thu Hương: Chốn vắng, được giải Femina trong mục “sách nước ngoài”.
Cái mặt đường lớn này (dễ đọc, văn viết biết giữ cho giản dị) đã đưa chúng ta đi xa đến nơi đó nhờ sức mạnh khơi gợi tiếng động, mùi, màu, hương vị… ta khám phá ra mọi chi tiết đẹp như tranh vẽ của đời thường trong làng quê một nước Việt Nam hậu chiến.
Giống như trong phần lớn các tiểu thuyết châu Á nói nhiều đến thức ăn và ta bị cuốn theo tất cả những hình ảnh ngon lành ấy, ta ngấu nghiến cuốn sách như một cuốn tiểu thuyết trinh thám.
Un des plus beaux livres lus ces dernières années
Dernier roman de la vietnamienne Duong Thu Huong : Terre des oublis, qui avait été repéré dans la sélection “étranger” du prix Femina.
Ce gros pavé (qui se lit facilement, l’écriture sait rester simple) nous a emporté loin là-bas grâce à la puissance de ses évocations : bruits, odeurs, couleurs, saveurs, … on découvre tous les détails pittoresques de la vie quotidienne des villages de ce Viêt Nam de l’immédiat après-guerre.
Comme dans la plupart des romans asiatiques on y parle beaucoup de nourritures et porté par toutes ces images savoureuses, on dévore le bouquin comme un polar.
(BMR, Pháp – Amazon.com)
Đọc Chốn vắng trên mạng ở đây: http://yeuvannghe.blogspot.com/…/chon-vang-tac-gia…
***
Thiên đường mù của Dương Thu Hương (bản dịch tiếng Anh Paradise of the Blind của Nina McPherson):
Được chọn trong “500 cuốn sách lớn của tác giả nữ”:
● Sự hấp dẫn của “xứ lạ” và hiện thực xã hội:
“Cuốn sách thể hiện được vẻ đẹp lớn lao và những sự thú vị đầy ấn tượng của xứ sở độc đáo này, cũng như sự xuống cấp và hiện thực ảm đạm của thời hậu nội chiến”
The book captures the enormous beauty and sensory delights of this unique land, as well as the degradation and grim realities of the post-civil-war period.
(School Library Journal)
● Nổi bật là sự thể hiện đặc sắc văn hóa Việt Nam:
“… một chuyện kể giàu chi tiết và không định kiến. Tác giả… miêu tả sự phức tạp của văn hóa Việt Nam – sự trung thành với gia đình và tổ tiên, giá trị biểu trưng của thức ăn, sự phân biệt giai cấp và cảm giác luôn luôn tuyệt vọng trộn lẫn với lòng tự hào”
… a narrative rich in detail and free of cliche. The author, who lives with her children in Hanoi, depicts the complexity of Vietnamese culture–the allegiance to family and ancestors, the symbolic value of food, class distinctions and the continuing sense of desperation mingled with pride.
(Publishers Weekly)
“Qua con mắt của Hằng, chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của những ràng buộc gia đình và hiểu được vai trò của thực phẩm, nghi lễ và sự thờ cúng tổ tiên trong xã hội Việt Nam. Chúng ta cảm nhận nỗi khổ đau của người phụ nữ sống trong một xã hội nam quyền, ở đó họ chỉ ngang hàng với đầy tớ”
Through Hang’s eyes we perceive the importance of family ties and understand the role that food, ritual, and ancestor worship play in Vietnamese society. We see the Communist legacy as relatives and friends turn on one another in an effort to become the “king of the mountain,” and we feel the pain of women living in a male-dominated society where they are on equal footing only with servants. Highly recommended for Asian studies and women’s studies collections.
(Library Journal)
Nguyễn-Khoa Thái Anh
Chốn vắng của Dương Thu Hương
(Bản Anh ngữ: No Man’s Land, dịch giả: Nina Mc Pherson và Phan Huy Đường, ISBN I-4013-6664-3, U.S.: Nhà xuất bản Hyperion East, 402 trang, $24.95)
Nhà văn Dương Thu Hương, người phụ nữ miền Bắc quả cảm đã cống hiến quãng đời thanh xuân của mình cho cuộc đấu tranh vì lý tưởng chống Mỹ cứu nước để rồi sau “giải phóng” miền Nam năm 1975 đã phải “ngồi bệt xuống vệ đường Sài Gòn bưng mặt khóc” [1] cho một thiên đường đánh mất, có lẽ là một trong những ngòi bút và tiếng nói trong nước lên án nhà nước Việt Nam mạnh dạn nhất.
Rất tiếc tiểu thuyết Chốn vắng của bà chưa được ấn hành bằng tiếng Việt ở hải ngoại. Như mấy quyển tiểu thuyết sau này – Fragments of A Life, 1989; Novel Without A Name (Tiểu thuyết vô đề), 1995; Memories of A Pure Spring (Hồi quang của mùa xuân), 2000 – No Man’s Land (Chốn vắng, viết xong 1998) chỉ được xuất bản bằng tiếng Anh ở Hoa Kỳ (2005) đang tiếp tục gây tiếng vang cho tác giả. Ngoài Những thiên đường mù (Paradise of the Blind) đã được xuất bản trong nước một thời gian ngắn trước khi bị cấm, với ba quyển tiểu thuyết cuối cùng được xuất bản bằng tiếng Anh ở ngoài nước, Dương Thu Hương đã tạo cho mình một chỗ đứng ở Hoa Kỳ và châu Âu. Còn độc giả Việt thích đọc nguyên bản Chốn vắng có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa, xem ở hải ngoại có ai đủ bặt thiệp và sức thuyết phục để đảm trách vai trò in ấn với sự ủy nhiệm của tác giả hay không.
Qua văn phong bóng bẩy, đầy thi vị của No Man’s Land, độc giả không cảm thấy mình đọc truyện dịch mà trái lại như được xem một cuốn phim ly kỳ đầy màu sắc, hương vị và tình tiết éo le. Biến chuyển tài tình của cốt truyện, nghệ thuật tả chân không nhân nhượng, và nghệ thuật chuyển ngữ xuất sắc của hai dịch giả Phan Huy Đường và Nina McPherson đã mang lại cho người đọc cảm tưởng như đang thưởng thức một tuyệt tác Anh ngữ. Hai dịch giả này đã hợp tác với tác giả ở ba tác phẩm và nếu không lầm thì ông Phan Huy Đường dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp và sau đó bà Nina McPherson chuyển từ Pháp văn sang Anh văn. Được biết bà Nina Mc Pherson có du lịch và nghiên cứu về Việt Nam, nên đã có một số vốn liếng về Việt Nam. Trong một truyện dịch dài trên 400 trang, người thạo tiếng Việt không khỏi phát hiện được một số từ ngữ dịch chưa chuẩn, thí dụ như: chim lợn (danh từ miền Bắc) được dịch là “pig bird” thay vì “owl” là chim cú mèo (từ miền Nam), đậu xanh (mung bean) thành đậu vert (French green beans), măng thành tre (bambo thay vì bamboo shoot) và một vài câu ca dao tục ngữ dịch sai ý. Nhưng xét trên tổng thể, No Man’s Land là một truyện dịch mà các tác phẩm được chuyển ngữ khác khó sánh được.
Chốn vắng lần lượt xoay quanh khoảng non một chục nhân vật chính sống ở Thôn Núi (Mountain Hamlet), miền Bắc Trung bộ vào thời hậu “giải phóng” (sau 1975). Câu chuyện bắt đầu bằng một cơn giông tố thịnh nộ theo gót cô Miên trở về làng sau một chuyến đi tìm mật ong trên núi, nhưng rồi không như cơn giông qua mau và chóng tàn kia, khi cô rẽ đám đông đang vây quanh đầu ngõ để vào nhà, (độc giả cùng) cô bị một cú sét đánh ngang đầu: bóng ma của người chồng cũ tưởng đã chôn cất cùng với quá khứ nay lại tìm về án ngữ cuộc sống hạnh phúc êm ấm của cô.
Bổn, người chồng mà cô lấy vội trước khi anh lên đường ra trận, sau mười bốn năm biệt tăm, chỉ nghe tin đã thành liệt sĩ, nay lại lặn lội trở về sau nhiều năm luân lạc, kể cả một thời gian được người vợ Lào cứu sống và phụng dưỡng trên vùng sơn cước. Sự xuất hiện của Bổn giữa đám dân làng không phải là chuyện vinh quy bái tổ, không có chiêng trống hay khải hoàn ca của nhà nước đón mừng, nhưng một bàn tay vô hình đã cắt đặt và đề cử sự hy sinh của một người khác, một thiếu phụ đã lập gia đình, để đền bù cho người lính đã hi sinh quãng đời trai trẻ của mình cho lý tưởng ấy cái phần thưởng mà vì nghĩa vụ nên chưa kịp hưởng.
Đương nhiên sau cuộc đoàn tụ bất ngờ đó, xã hội còn nặng tinh thần phong kiến của làng xã Việt Nam đã tiếp tay quyền lực, gián tiếp ràng buộc và áp lực cô Miên phải rời bỏ Hoan, người chồng yêu quý và lý tưởng của mình – một nông thương gia khá giả và nhân từ – để đón nhận một số phận mới, ngang trái và hẩm hiu. Từ một cuộc sống sung túc chuyển sang một chòi nhà tồi tàn, Miên phải gò bó trong cuộc sống mới với một kẻ thân tàn ma dại mà nay chỉ còn là hiện thân của một quá khứ nguội nhạt, hậu quả của mội mối tình thời non trẻ quá vắn số. Từ thuở ban đầu quen biết, rồi cưới hỏi, đến khi Bổn lên đường chinh chiến, cuộc tình của hai người chỉ diễn ra trong vài ba tuần.
Bổn không những đã trở thành cái bóng mờ trong tim óc người thiếu phụ còn son trẻ – người đã một con với Hoan, người chồng đã cùng nàng xây 12 năm tổ ấm, sau khi nàng chịu tang Bổn hai năm – mà còn mang bệnh liệt dương, thân thể teo tóp, đầu óc nhỏ nhen. Anh mang bệnh tính của những cú sốc tâm thần do hệ quả của binh lửa (người Mỹ gọi là Post Traumatic Stress Syndrome/PTSD), lẫn lộn giữa hư và thực, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi một quá khứ khốc liệt của chiến tranh đến độ không những thân thể yếu đuối, cày không hay (nằm liệt giường hai ngày sau nửa buổi làm vườn), tình không biết, nên vô tích sự trong việc chăn gối. Có những lúc không thể đương đầu với cuộc sống thực tại, Bốn lại lui về nương náu trong thế giới hư cấu của anh. Vì thần trí bất an, nhiều lúc Bổn không sống trong thực tại mà đang vấn an hoặc than trách chuỗi ngày đã qua với hồn ma của của người trung sĩ trung đội trưởng đã bỏ mạng trong một trận đánh long trời lở đất do bom napalm Mỹ. Kết cuộc chỉ riêng Bổn còn sống sót.
Chuyện hồi tưởng hay hội ý với người trong quá khứ, Bổn làm thường xuyên và cũng đều đặn như chuyện đi cầu cạnh để Già Phiếu (một người đàn ông ngoài sáu mươi mà vẫn cường dương, có vợ trẻ và đông con) mách nước cho anh chinh phục lại vùng đất còn màu mỡ. Tưởng đã chiếm được thể xác của Miên, chỉ cần thời gian để tẩm bổ và hồi dương rồi có con với nàng thì Bổn sẽ có tình yêu và mái ấm gia đình. Nhưng qua cách thử nghiệm những bí quyết gia truyền do quân sư Phiếu chỉ điểm, độc giả thương hại Bổn hẳn đã có những phen dở mếu dở cười với những hành vi tình ái cố gắng thái quá của anh. Điều không buồn cười là tình yêu không thể thu phục bằng những toan tính hay mưu mô ti tiện mà trong trường hợp này có lẽ chỉ trông chờ ở một giải pháp cao đẹp hơn. Những vụ “tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn” (tiếc rằng thời đó không có Viagra), hái dược thảo, máu và dái dê của Bổn đã đưa đến một kết cục quái gở giữa hai người.
Trong khi đó Hoan phải gánh chịu cảnh oan trái, ôm nỗi niềm đau khổ đi xa, để lại cho vợ ngôi nhà lớn để lui tới (khi nàng muốn) và bé Hạnh, đứa con trai 5 tuổi được bà chị trông nuôi. Cái cử chỉ lặng lẽ quân tử, số tiền lớn mà chàng trao lại cho Miên trước khi chia tay (cũng là phần lớn số tiền Miên đã chi để thuốc thang cho Bổn) cũng như những ơn huệ chàng trao cho dân làng đã nói lên phần nào con người của Hoan. Chàng chỉ còn biết giải sầu qua những xáo trộn nội tâm hoặc hồi tưởng những lúc sống với mối tình không chân dung ở miền duyên hải, một mình trên nhà sàn trong những đêm không trăng sao, chờ đợi người đàn bà dai dẻo; hoặc theo bạn trai đi thăm viếng những cuộc mua vui thể xác rẻ rúng khác.
Nhưng đến khi người đàn ông quả cảm này chứng nhận được chuyện cam chịu đau khổ và ý tưởng muốn tháo gỡ nỗi tù túng của Miên thì Hoan đã nhận thực được sự hy sinh vô lý của mình và ra tay thi hành kế hoạch để giải thoát người vợ yêu quí.
Đây quả là một cuộc chiến tâm lý thu phục nhân tâm đầy đủ tính cách “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và đến khi bản chất lật lọng của Bổn đã không được làng nước và ngay cả Xa, người bạn thân đồng ngũ của anh dung túng nữa thì kết cục cũng đã được đoán trước. Khi Bổn được về dưới mái nhà của Hoan chung sống với Miên và ông Lư, người quản gia trung tín của Hoan, và được Miên chăm nuôi, người đọc không tránh khỏi ước muốn sự việc sẽ cải hóa được Bổn, nhưng từ chuyện dự định cưỡng hiếp nàng cho đến chuyện mượn súng săn của Xa để giết Hoan, cho đến khi chủ tịch xã và chủ tịch hội đồng nhân dân xã quyết định xử lý âm mưu thâm độc đó, thì có lẽ sự cáo chung của chế độ đen tối đã thành hình. Bổn không thể vin vào hậu thuẫn của bạn đồng ngũ và dân chúng nữa, khi bị lãnh cú bộp tai chát chúa của Xa.
Do đó chuyện kết tinh hắc ám – hòn máu của Bổn trong bụng của Miên – cái thai lớn dần là một thấp thỏm, hồi hộp, một lời nguyền rủa. So với chuyện đứa con sơ sanh ở đoạn kết, có phải tác giả đã kéo màn cho ánh sáng hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn?
Và đến kết cục, khi Bổn đã nhập cuộc hàn huyên được với vị trung sĩ trong một thế giới mới thì mọi chuyện có lẽ đã được tọa hóa và công lý an bài.
Đây không chỉ là một chuyện tình éo le tay ba, hay là những mảnh đời trong xã hội thôn dã thời hậu chiến mà chính là một thế giới thu gọn của Việt Nam, bao hàm ý nghiã của cục diện đương đại. Cái hay của Dương Thu Hương không chỉ nằm trong lời văn hay kết cấu của cốt truyện mà chính ở cái bố cục “thiện thắng tà”, một triết lý nhân hậu, rất thuần Việt, bất chấp hiện trạng bi đát của con người. Cái khéo của Dương Thu Hương là đã vượt qua được chính thân phận cay đắng của mình, của đất nước để chuyển đạt một thông điệp tươi sáng đến với quê hương, một sự bắt mầm, một hy vọng đang vươn lên trong màn đêm, một cách tài tình và bóng bẩy.
Độc giả có thể thấy trong Bổn hình ảnh của một số lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, biểu tượng của những ý đồ nhỏ nhen, cố chấp, tham quyền cố vị và bám víu; Hoan là hiện thân của một thế lực dân chủ, một chính thể ngay thẳng giàu mạnh và bao dung, ngay cả khi thua trận hay thắng thế lúc nào cũng là một nguồn lực dồi dào giúp cho sự sinh tồn của đất nước. Miên là mảnh đất miền Nam màu mỡ và trù phú hay chính là cả đất nước Việt Nam đang trông chờ sự gỡ trói ra khỏi thế bí, giải thoát khỏi sự ám chướng hoen ố của bóng ma quá khứ.
Ngòi bút tả chân của Dương Thu Hương thật mãnh liệt và táo bạo, cho ta thấy cảnh tồi tàn của Việt Nam thời hậu chiến, tưởng chừng mùi hôi thối của những ngõ ngách, hẻm hốc, mương cống, nhà chứa, hay ngay cả bệnh thối mồm kinh niên của Bổn đã xông lên tận mũi. Bù lại, độc giả không khỏi hình dung hay mường tượng đến những màu sắc, âm thanh hay những hương vị đậm đà khác của quê hương như tiếng sóng vỗ, mùi mặn của nước biển, tiếng gió hú trên những buôn thượng du, mùi thơm ngào ngạt của những đồng nội rợp hương thơm của các loài hoa, mùi đất và cây cỏ sau cơn giông. Hay là thực tại hơn: đám diều hâu vỗ cánh chập chờn theo dấu chân tàn lực của Bổn để rỉa rúc vào cái xác anh kéo lê lết sau lưng mà chúng đã mổ ăn hơn một nửa?
Còn gì thực hơn đối với những cựu chiến binh (nhất là đối với Dương Thu Hương), hình ảnh quen thuộc của những cảnh chiến trường khốc liệt, máu me và chết chóc, một ván cờ thí bắt đầu và kết thúc bằng sự hy sinh đắt giá đến tột cùng của dân tộc mà ngày nay chính quyền Hà Nội vẫn rêu rao cho chính nghiã của cuộc chiến thắng vừa qua, cho một bóng ma tàn của quá khứ đã và đang được dùng làm lý cớ cho sự trường tồn của bạo quyền?
Chẳng lẽ chỉ riêng tác giả – một trong những người đã hy sinh để đóng góp cho quá khứ của chiến thắng đó – mới có quyền ước mơ cho một đất nước Việt Nam công bằng và tươi sáng hơn?
California, July 2005
© 2005 talawas
Dương Thu Hương và Chốn vắngBBC
|
|||||
Nhà văn Dương Thu Hương đang ở Paris để cùng với nhà xuất bản Sabine Wespieser ra mắt cuốn sách mới của bà nhan đề là Terre Des Oublis, bản tiếng Pháp dịch từ tác phẩm Chốn vắng.
Cuốn sách được giới thiệu tại Liên hoan sách lần thứ 26 tại Paris, qui tụ sách của trên dưới 2.000 tác giả đến từ nhiều nơi trên thế giới. Trong khung cảnh nhộn nhịp của một quán cafe ở thủ đô nước Pháp, nhà văn Dương Thu Hương (DTH) đã trò chuyện với Christine Nguyễn (CN), cộng tác viên của đài BBC tại Pháp. CN: Bà nói rằng những nhân vật trong truyện có thực ngoài đời, đó là những người đàn bà Việt Nam trong chiến tranh và họ đã thôi thúc bà viết cuốn Chốn vắng? DTH: Vâng, hoàn toàn tất cả những tiểu thuyết của tôi đều dựa trên những câu chuyện thật và Chốn vắng cũng như vậy, tức là những nhân vật này tôi đã gặp họ và câu chuyện của họ xảy ra ở tại Quảng Bình. Tất nhiên là khi tôi viết thì tôi có gia cố vào đó tất cả những suy tưởng của tôi, những giấc mộng của tôi và những ý tưởng và những quan niệm sống của tôi. Và đương nhiên là tôi phải nói một cách rành rọt: phần kết chính là phần mà tôi sáng tạo. Cái đoạn kết người ta gọi là có hậu đó chính là giấc mơ của tôi cho số phận những người đàn bà như Miên. Còn trong cuộc sống thì có lẽ mọi người đều biết rằng sau cuộc chiến tranh này hàng vạn người đàn bà chết già bởi vì không có ai lấy họ nữa và họ bị dồn vào những nông trường xa xôi, những nông trường trồng cam ở Hòa Bình và các tỉnh miền núi khác, trồng cam, trồng lạc, trồng sắn và những nông trường toàn đàn bà đến nỗi ở một cái chân trời không bao giờ hiện lên một người đàn ông nào cả. Và nếu có một vài thi thoảng hiện lên một người đàn ông thì đối với họ đấy là những cái hạnh phúc rất là hiếm hoi, mặc dù nó chỉ là một cái thứ hạnh phúc vay mượn và chụp giật. CN: Với ba nhân vật: cô Miên, anh Bôn và anh Hoan thì ba nhân vật này tạo thành một cái bi kịch trong xã hội sau thời chiến. Ý đồ sáng tác của bà khi viết tác phẩm Chốn vắng này là gì? DTH: Thật ra tôi là người viết văn không có ý đồ. Khi nào tôi định viết, khi nào có thời gian và khi nào có đủ điều kiện để có thể ngồi viết được thì những câu chuyện mà nó còn tích trữ trong óc tôi thì nó tự nó mở đường chui ra và tôi viết là dưới sức ép của nó như người ta nói là viết như một sự ám ảnh và tôi hoàn toàn không có ý đồ gì cả. Khi tôi đã bắt đầu viết thì câu chuyện đó nó sống dậy và những nhân vật đấy nó kéo tôi theo chứ tôi không kéo họ theo. CN: Như vậy thì phải chăng sự ám ảnh đó chính là những thân phận của những người lính cũng như là của những người phụ nữ sau chiến tranh thống nhất đất nước, thưa bà? DTH: Vâng, chính là những lịch sử, những con người cụ thể họ luôn luôn ám ảnh tôi và tôi như một thứ tù nhân của họ vậy. Đấy là cái nhà tù lớn nhất mà tôi phải chịu đựng. CN: Cô Miên là một trong 3 nhân vật chính, vì phải đối đầu với những sức ép truyền thống, sức ép xã hội mà phải quay về với người chồng cũ sau bao nhiêu năm thất lạc. Phải chăng sự phát triển của nhân vật này nó có một cái gì đó không được bình thường, hay là nói khác đi là nó không có đại diện cho đa số những cái trường hợp đại loại như thế có thật xảy ra ở Việt Nam, thưa bà? DTH: Nó rất bình thường với thế hệ của chúng tôi và nó xa lạ với thế hệ của các chị. Vì bây giờ các chị trẻ tuổi và các chị đã tự cho mình quyền được sống cuộc đời của các chị. Các chị không chịu sức ép của truyền thống và sự hy sinh một cách vô tận như chúng tôi. Cho nên tôi đã nói lại là cái thích của người này có thể là cái không thích của người khác. Cái của đối với người này là tất nhiên thì đối với người khác là hoàn toàn ngược với lý chí và có thể là không tất nhiên. CN: Cũng là một người phụ nữ đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam thì bà nghĩ gì về thân phận những người phụ nữ sau cuộc chiến hiện nay? DTH: Tôi nghĩ rằng những thế hệ sau chiến tranh đã tiêu mòn và đã già rồi như tôi rồi và tất cả những thế hệ ấy là những cuộc đời bị đánh mất trong hoàn toàn câm lặng và quên lãng. Tôi hy vọng là các chị và những người trẻ hơn các chị sẽ không bao giờ nếm trải lại những cái địa ngục mà chúng tôi đã trải qua. CN: Phải chăng ngoài những điều bà vừa tâm sự ra, đâu đó cũng chính là cuộc đời thật của bà được dàn trải trong quyển sách này? DTH: Cuộc đời thật của tôi thì nó có giống cô Miên, tức là tôi luôn luôn phải hy sinh thân tôi vì người khác, và cuộc đời của tôi là một cuộc đời tù đày vì người khác. Tù đày đây không phải nghĩa là trong nhà giam của cộng sản, mà còn tù đày trong một cái nhà giam lớn hơn, vì đối với tôi thì con người ta luôn luôn phải gánh vác trách nhiệm. Và cái trách nhiệm đối với tôi thì nó cao cả hơn là cái hạnh phúc của chính bản thân mình. Cho nên khi tôi viết cô Miên thì tôi cảm thất rất là dễ dàng bởi vì tôi hiểu được cái tâm trạng của người đàn bà đó. Bản thân cuộc đời tôi cũng là một mảnh của cuộc đời người ta. |
Mấy ngày vừa qua, trên facebook, nhiều người xôn xao vì một tin vui: nhà văn Dương Thu Hương được giải Cino Del Duca trị giá 200.000 euro của Pháp.
Tôi cũng vui.
Tôi gặp Dương Thu Hương một lần ở Hà Nội vào cuối năm 1996. Tối đó có cả nhà thơ Lê Đạt. Chúng tôi ăn tối trong một nhà hàng, thú thực, đến nay, tôi hoàn toàn không nhớ tên. Cũng không nhớ đã ăn món gì. Chỉ nhớ những lời Dương Thu Hương kể về cuộc đời của chị, về công việc viết lách của chị. Ấn tượng lớn nhất trong tôi là sự thẳng thắn của chị. Dường như chị không e dè gì cả. Giữa nhà hàng khá đông khách, chị cứ oang oang: “Bọn cộng sản” thế này, “bọn cộng sản” thế kia. Đó là lần đầu tiên tôi về Việt Nam và lần đầu tiên tôi đến Hà Nội. Tôi rất ngại chuyện bị công an theo dõi.
Ăn xong, tôi định trả tiền, nhưng Dương Thu Hương cương quyết từ chối. Chị dứt khoát: “Tôi trả!” Lê Đạt đưa mắt nhìn tôi: “Tính cô ấy thế. Để cô ấy trả đi!”
Chúng tôi ghé lại một quán cà phê trên bờ hồ Hoàn Kiếm để nói chuyện tiếp. Vẫn chuyện văn chương, và, thỉnh thoảng, chuyện chính trị. Giọng Dương Thu Hương vẫn lớn và vẫn gay gắt về những biểu hiện độc tài tại Việt Nam. Tôi lắng nghe là chính. Mãi đến gần khuya, khi quán chuẩn bị đóng cửa, câu chuyện mới chấm dứt.
Tôi về nhà trọ của một người bạn, giáo sư Nguyễn Xuân Thu, trên đường Nguyễn Khuyến. Anh đã ngủ nên tôi không kể chuyện gặp Dương Thu Hương.
Sáng hôm sau, tôi bay vào Sài Gòn sớm. Anh Thu bị công an gọi lên “làm việc”. Người ta hỏi anh: Sao gặp Dương Thu Hương? Gặp, nói chuyện gì? Anh Thu phủ nhận. Anh khẳng định dứt khoát là không hề có chuyện đó. Công an cũng dứt khoát: Người của chúng tôi đã theo dõi anh từ nhà hàng đến quán cà phê và cuối cùng, đến tận nhà anh ở số 52B đường Nguyễn Khuyến. Anh Thu vẫn chối. Mấy ngày sau, công an lại gọi anh Thu lên, xác minh lại: Không phải anh, mà là người đàn ông ở chung với anh, cao lớn hơn anh, đã gặp Dương Thu Hương. “Người đó là ai?”
Mấy ngày sau, tại Sài Gòn, tôi bị công an gọi lên “làm việc”. Lúc ấy tôi ở tại nhà em trai của tôi, hoạ sĩ Nguyễn Hưng Trinh, nhưng không khai báo tạm trú. Công an không biết tôi ở đâu. Họ bèn gửi giấy “mời” đến Song Chi, lúc ấy là em dâu của tôi, đang làm việc ở báo Thanh Niên, nhờ chuyển lại. Tôi đến Cục xuất nhập cảnh ở số 254 đường Nguyễn Trãi, quận 1, để “làm việc”. Người ta hỏi tôi về việc viết lách ở hải ngoại và, đặc biệt, về cuốn “Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản” tôi xuất bản năm 1991. Trong câu chuyện, có một câu hỏi: “Ở Hà Nội, gặp Dương Thu Hương để làm gì?”
Mới thấy công an Việt Nam theo dõi Dương Thu Hương kỹ đến độ nào.