Seite auswählen

Trần Vũ thực hiện

Văn Việt

clip_image002

 dịch giả của Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Ấm, Trần Vũ, Đỗ Phước Tiến, Trần Trung Chính, Võ Đình, Ngọc Khôi Nina McPherson được biết đến qua nhiều văn phẩm dịch thuật: Beyond Illusions [Bên Kia B o Vọng], Paradise of the Blind [Những Thiên Đường Mù], Novel Without A Name [Tiểu Thuyết Vô Đ], No Man’s Land [Chốn Vắng], Memories of a Pure Spring [Lưu Ly], The Dragon Hunt [Giấc Mơ Thổ], Savage Winds [Gió Dại], v.v..

Sinh 1961, tốt nghiệp đại học Yale môn sử Trung Hoa, tốt nghiệp cử nhân văn chương Việt Nam tại đại học Diderot-Paris, cử nhân tiếng Quan Thoại và giảng dạy Anh ngữ tại đại học Vũ-Hán, cố vấn Á châu cho ngân hàng Indo-Suez, Nina Mc Pherson từng bị trục xuất khỏi Trung Hoa trong thời gian làm phóng viên cho Pháp Tấn Xã khi bao sân biến động Thiên An Môn tại Bắc Kinh và cũng từng bị trục xuất khỏi Việt Nam lần về sau cùng. Hiện dạy Anh văn trong chương trình Princeton Prison Teaching Initiative.

–oOo–

Đã thật lâu văn học Việt Nam hoàn toàn không được biết đến trên lục địa Bắc-Mỹ. Ngoại trừ một vài dẫn nhập, đôi ba luận án, không mấy khi độc giả Hoa Kỳ cầm được một cuốn tiểu thuyết Việt Nam viết bằng tiếng Anh. Tình trạng đó đang dần thay đổi, do công sức nỗ lực của nhiều dịch giả mà Nina McPherson là một trong những người hăng say đầy nhiệt tình. Thành công đầu tiên của McPherson khởi đi từ bản dịch tác phẩm của Dương Thu Hương. Chính qua bản dịch Những Thiên Đường Mù mà quần chúng Hoa Kỳ bắt đầu khám phá gương mặt thật ẩn kín phía sau cuộc chiến Việt Nam: Gương mặt của con người.

Không chỉ thuần túy là một dịch giả, Nina McPherson thuộc thế hệ người Mỹ sau chiến tranh. Một thế hệ không biết đến bom đạn, hầm chông, kẽm gai, bẫy mìn hay thù hận trên đất nước Việt Nam. Một thế hệ mới. Nhưng họ là ai? Sẽ thật khó tìm câu trả lời. Nhưng nếu chúng ta dám khẳng định: Tất cả tuổi trẻ hôm nay dù ở nơi nào trên trái đất, ít vướng bận lý tưởng, chủ nghĩa, chỉ làm những gì họ thích; thì tuổi trẻ Hoa Kỳ có lẽ đầy đủ điều kiện hơn hết để sống những giấc mơ của mình. Nina McPherson cũng đã thực hiện ước mơ của cô. Cách đây vài năm cô sang sinh sống tại Trung Hoa, trong suốt 5 năm liền học tiếng Quan Thoại, rồi trở thành ký giả đã tận mắt chứng kiến thảm kịch Thiên An Môn. Từ giã Hoa Lục, Nina McPherson sang làm việc ở Pháp, cùng lúc lao mình vào công tác phiên dịch những truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam cho nhà xuất bản William Morrow. Mùa thu 93 cô đặt chân xuống Hà Nội tìm gặp nhà văn ưa thích: Dương Thu Hương. Đây là dịp để chúng ta gặp gỡ và khám phá những tác năng đã thôi thúc một dịch giả Hoa Kỳ tìm đến văn chương Việt Nam. Những tác năng của đam mê, cũng lẫn khát khao tìm kiếm một thế giới con người.

[Trần Vũ, tháng 3-1994]

–oOo–

Trần Vũ: Chào Nina. Cám ơn Nina đã dành nhiều thì giờ cho buổi nói chuyện hôm nay. Từ 2 năm trở lại đây, từ 1992 độc giả VN và đặc biệt giới đọc sách Hoa Kỳ đã có thể cầm trên tay một vài quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Việt Nam trong ấn bản Anh ngữ. Là một trong những dịch giả chính, Nina có thể kể rõ về nghề nghiệp phiên dịch của mình?

Nina McPherson: Tôi cám ơn Vũ đã tạo cơ hội cho tôi trình bày về một đam mê của mình. Tôi thích đối mặt với những câu hỏi. Tính hiếu kỳ của Vũ giúp tôi tìm hiểu mình thêm một chút. Nhưng trước hết, Vũ cho phép tôi chữa những gợi tưởng không chính xác trong câu hỏi của Vũ. Đầu tiên, không nên cường điệu hóa tầm hiểu biết của độc giả Hoa Kỳ về văn học Việt Nam, cũng như những quan tâm thương mãi mà ngành xuất bản Mỹ dành cho nền văn học này. Hiện nay theo tôi biết, không có – như Vũ nói – một vài cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Việt Nam trong ấn bản tiếng Anh: Chỉ có một quyển tiểu thuyết Việt Nam duy nhất chuyển sang tiếng Anh phát hành tại Hoa Kỳ. Đó là cuốn Paradise of the Blind [Những Thiên Đường Mù]. Cuốn tiểu thuyết thứ nhì được phiên dịch là The sorrow of war [Nỗi buồn Chiến Tranh] của Bảo Ninh, vừa xuất bản ở nước Anh, cả hai do tôi cùng dịch với Phan Duy Đường. Nếu tính thêm bản dịch tuyệt vời “Kiều” của Huỳnh Sanh Thông, chúng ta cũng chỉ mới đếm được 3 tác phẩm thôi. Tình trạng ở Pháp rất khác, có nhiều dịch phẩm hiện được bày bán. Tôi cũng không dám tự nhận danh hiệu “một trong những dịch giả chính” mà Vũ dành cho. Trước hết, trên thế giới, số dịch giả, Âu Mỹ hoặc Việt Nam, đủ khả năng dịch văn chương Việt chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Tôi vừa kể tên hai người trong thiểu số đó: ông Huỳnh Sanh Thông, phần văn học cổ điển, và anh Phan Huy Đường, phần văn chương hiện đại. Gần đây, có vài tài năng mới tham dự: Greg Lockhart, ở Úc châu, đã dịch Nguyễn Huy Thiệp, và Peter Zinoman đã dịch Phạm Thị Hoài, cả hai đều nói trôi chảy tiếng Việt. Riêng tôi thì chưa. Tôi nghĩ mình là người dịch chung với một người bạn là anh Phan Huy Đường. Còn về sự nghiệp phiên dịch? Thông thường tôi không thích bàn về sự nghiệp. Sự nghiệp là một danh từ tuy rất Mỹ (career), nhưng đối với tôi không có ý nghĩa mấy. Đó là chữ dùng cho quý vị tổng giám đốc – trong những nghề nghiệp có thăng thưởng, ngạch trật, rõ rệt và đo lãi được, không thể dùng cho thân phận làm người. Tôi đã hành nghề ký giả lúc xưa, nhưng đối với đam mê dịch thuật, chữ “nghề” hoàn toàn phản. Chuyển ngữ một văn bản là cả một câu chuyện riêng tư, huyền bí. Chính ước muốn, khát khao mãnh liệt đưa tác phẩm vào một ngôn ngữ khác, mới thật sự quan trọng. Cảm thấy cần thiết, bắt buộc, hoặc không cảm thấy gì hết. Thiếu ham muốn, phiên dịch chỉ là một khâu kỹ thuật, không còn là văn chương nữa. Ước muốn tiểu thuyết Việt Nam trong tôi nảy sinh từ tình bạn, lòng trắc ẩn, sự trùng hợp ý thức và đạo đức, tình tri ân gần như xương thịt mà tôi cảm nhận – hoặc không cảm nhận – ở tiếng nói của Một Con Người Khác. Tất cả đã đến bất ngờ như thanh âm của một dàn nhạc giao hưởng trình tấu bất chợt, khai nở, soi mở, nhiều tiếng nói bất chợt của văn học Việt Nam xuyên đến tận tôi, bằng một tiếng nói duy nhất: bản dịch Pháp văn của Phan Huy Đường. Nhớ lúc đó, tôi khám phá Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài vào một ngày mưa xám tháng 3 năm 90, trong một hiệu sách. Dạo ấy tôi vừa đến Pháp. Á châu còn ám ảnh tôi như một nỗi đau câm. Đối với tôi, Thiên Sứ là một sự khám phá kỳ lạ. Tiếng nói của một thiếu nữ Việt Nam, cùng bằng tuổi với mình, kể thế nào là Sống ở vị thế một Người Đàn Bà, một Nhà Văn, một Con Người trong thế giới Cộng Sản. Tôi vừa rời bỏ Á châu sau khi đã sống 6 năm liền ở đó, với ba năm ở Hoa Lục giống “ếch ngồi đáy giếng”. Rồi tôi đọc bản dịch tiếng Pháp Thiên Sứ. Đùa cợt, trong suốt, mà quặn ruột. Thật sự thì đã có hai tiếng nói, tác phẩm – và bản dịch – cả hai đều đã đánh thức điều gì đó ẩn kín trong lòng tôi. Đời sống, đằng kia. Hoặc hố thẳm giữa những phần đất cách biệt, hoang lạ mà tôi mang trong mình. Tóm lại Thiên Sứ ào đến tôi như một cuộc giải thoát, một thứ lễ giác ngộ Gia-Tô, một xúc động trí tuệ. Tôi cần dịch Thiên Sứ như cần ăn. Tôi đã kiếm tên anh Phan Huy Đường trong máy Tiểu-viễn (minitel); gặp, và trở thành người dịch chung với anh ấy. Suốt một năm trời tôi đã dịch Thiên Sứ sang tiếng Anh, từ bản dịch tiếng Pháp của anh Đường. Nhưng đáng buồn là cả tôi và anh ấy đều không kiếm được nhà xuất bản, và không thích hợp được với Phạm Thị Hoài. Chính vào thời điểm đó, một tiếng nói khác vọng đến tôi từ Việt Nam: Tiếng nói của Dương Thu Hương. Anh Phan Huy Đường vừa hoàn tất bản dịch Những Thiên Đường Mù. Với tôi, tức khắc là một tiếng sét, nhưng lần này phát dậy từ bản năng sâu thẳm cùng đam mê vô vàn hơn. Vô điều kiện. Là một tình yêu thoát thai từ ngưỡng mộ không ngừng bồi đắp. Với bản dịch thứ nhì này, tôi tìm được một nhà xuất bản ở Hoa Kỳ, nhờ một người bạn thời sinh viên cùng trường đại học Yale, cũng yêu thích văn chương Á châu như tôi: Will Schwalbe làm việc cho nhà William Morrow. Chính Will, cũng ở tuổi 32, đã lấy quyết định mạo hiểm cho in Dương Thu Hương, lúc đó chưa ai biết đến ngoài cộng đồng Việt Nam.

Trần Vũ: Trong một thời gian dài, tiểu thuyết VN hoàn toàn vắng bóng trên thị trường Hoa Kỳ, chắc Nina đã gặp rất nhiều khó khăn khi tìm cách thuyết phục các nhà xuất bản Mỹ tung ra thị trường “một sản phẩm mới”? Hôm nay mọi người đều biết Những Thiên Đường Mù trong ấn bản Anh ngữ được xem là một thành công thương mãi, tuy rất tương đối vì tính chất “thiểu số” cũng như văn chương Việt Nam chưa quen thuộc với độc giả Hoa Kỳ. Nhưng thành công dù tương đối, vẫn là một cá cuộc mà Nina đã thắng. Nina giải thích sao về cá cuộc kỳ lạ này?

Nina McPherson: Tôi đội lại chiếc mũ ký giả cũ để chỉnh Vũ một chút: Tiểu thuyết VN với một ấn bản duy nhất Những Thiên Đường Mù vẫn hoàn toàn vắng bóng trên “thị trường Hoa Kỳ”. Cũng không đáng ngạc nhiên: nhiều tiểu thuyết VN cũng vắng bóng trên “thị trường Việt Nam”! Hãy thử kiếm mua Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài hay Nguyễn Huy Thiệp ở Hà Nội hay Sàigòn. Đố tìm được, nếu không có một vài người bán sách can đảm trao vội vàng, lén lút những ấn bản cũ sang nhượng lại. Cũng không thể xem là Dương Thu Hương thành công thương mãi tại Hoa Kỳ. Đây là một cá cuộc mà mình khó lòng kiểm tra kết quả. Với nhà Morrow, nhà xuất bản lớn hàng thứ 5 trên đất Mỹ, lần đầu tiên họ thử nghiệm thể loại tiểu thuyết VN với lượng in giới hạn, khoảng mười ngàn cuốn, bán rất chạy, không ở những siêu thị sách nhưng tại các hiệu sách nhỏ. Chính những hiệu sách nhỏ này mới giữ vai trò quan trọng trong ý kiến của dư luận. Có rất nhiều bài phê bình khen ngợi trên phần lớn những tạp chí và diễn đàn văn chương Mỹ. Đặc biệt trên trang nhất của Los Angeles Times, Book Review, New York Times, New Yorker, Time, Wall Street Journal, v.v.. Gần đây hơn, Viking Penguin, nhà xuất bản sách bỏ túi lớn nhất trong các nước xử dụng tiếng Anh, đã mua lại quyền tái bản. Đại học Harvard, ví dụ, cũng đã hướng dẫn sinh viên học các trích đoạn của Tiểu Thuyết Vô Đề trong chương trình giảng dạy về chiến tranh VN. Đó là những gì kiểm tra được. Nhưng thật sự, thành công, với tôi, ít lớn lao hơn, nhưng trừu tượng hơn. Ngay việc in ấn, đã là một điểm son trong tình bạn. Tôi nghĩ, chuyện 4 người bạn, anh Phan Huy Đường, Will Schwalbe, Dương Thu Hương, và tôi – thuyệt phục được một cơ sở xuất bản lớn, khá thương mãi, chịu mạo hiểm in tiểu thuyết cho một người đàn bà Việt Nam ly khai, còn trong bóng tối, đã là một thành tựu. Dương Thu Hương đã cất được tiếng nói của mình trong thế giới tiếng Anh. Phải công nhận đã nhờ rất nhiều vào nỗ lực, khả năng thẩm định văn chương, tinh thần trách nhiệm của Will Schwalbe, quyết tâm in Dương Thu Hương giữa một rừng tác giả khác, và chọn Những Thiên Đường Mù, chính vì tác phẩm này không đề cập đến chiến tranh. Vũ cũng biết là đối với nhiều người Mỹ, “Việt Nam không được nhìn như một đất nước, nhưng đồng nghĩa chiến tranh”. Nếu Vũ muốn hiểu, có thể xem như nhiệm vụ của cả 4 người – chị Hương, anh Đường, và đặc biệt với tôi và Will, những người tương đối lý tưởng – muốn phá vỡ bức tường chối từ, lòng mù quáng, những ẩn ức mà chúng tôi xem như “Chứng bệnh Việt Nam”. Bản dịch Những Thiên Đường Mù mang đến cho độc giả Hoa Kỳ một hình ảnh khác về Việt Nam, xuyên qua đôi mắt và tiếng nói của một người đàn bà, một tiểu thuyết gia, đầy xót xa lẫn dấn thân trọn vẹn. Đối với chúng tôi, Dương Thu Hương thể hiện linh hồn Việt Nam, từ làng quê, hương lúa, các món ăn, đến những người đàn bà nông thôn còn nhuộm răng đen, đến các phố phường Hà Nội. Dương Thu Hương mở ra cho người Mỹ cánh cửa phơi bày một xứ sở, một thế giới ít bị hủy diệt bởi chiến tranh (mà trong một thời gian dài nước Mỹ đã liên đới, coi như cuộc chiến của mình) hơn là bị hủy hoại bởi một hệ thống mang tên Cộng Sản, và bị sức nặng của một nền văn hóa còn cực kỳ Phong kiến là Khổng giáo đè nén. Một khía cạnh “thành công” khác của Những Thiên Đường Mù, mà đối với tôi khá bất ngờ, dù hiển nhiên: Lòng tri ân của thế hệ Việt kiều trẻ, không thông thạo tiếng Việt, nhưng vẫn cảm thấy mình là người Việt Nam. Họ đọc bản dịch, như tìm lại văn hóa Việt, và cùng lúc khám phá văn chương Việt. Những bức thư của họ, làm tôi vô cùng xúc động. Cuối cùng về mặt “thị trường”, như Vũ thích bàn đến, thì đối với tôi, đối với nhà xuất bản, còn có một góc độ khác, lôi cuốn trong tác phẩm của Dương Thu Hương. Đây là tiếng nói của một người đàn bà, kể về thân phận đàn bà ở Á châu. Tại Hoa Kỳ, “các dân tộc thiểu số châu Á” đang trở thành khối lượng độc giả có tri thức và mỗi ngày một tăng. Nhu cầu đọc sách đề cập kinh nghiệm phụ nữ, những đấu tranh cho nữ giới ngày càng tăng. Tất nhiên, nhãn hiệu “thiểu số” hoàn toàn phi lý. Nhưng đối với Tây phương, thân phận của người đàn bà Việt Nam – chưa nói đến sự ly khai chính trị của Dương Thu Hương – càng thiểu số gấp bộ. Những Thiên Đường Mù trước nhất là cuộc đời của ba người đàn bà, ba số phận phụ nữ biểu trưng cho điều kiện nữ giới tại Việt Nam. Đây là tiếng nói phê phán của người đàn bà Việt Nam đối với cơ chế Cộng Sản, đối với nền văn hóa Khổng-Mạnh. Và sau hết, Những Thiên Đường Mù là một cuốn tiểu thuyết hay, buồn và nhiều xúc cảm mà chỉ một người như Dương Thu Hương mới kể được.

(Còn tiếp)

Trần Vũ thực hiện bằng Pháp văn và phiên dịch, tháng 3-1994

Bản in lần đầu trên tập san Hợp Lưu số 17 phát hành tháng 6-1994

Trần Vũ: Nina còn dịch tác phẩm nào khác của Dương Thu Hương?

Nina McPherson: Tôi vừa hoàn tất bản dịch Tiểu Thuyết Vô Đề [Novel Without A Name], cũng sẽ do nhà Morrow in trong năm 94. Việc chữa bản thảo, viết lời tựa, giới thiệu với quần chúng Hoa Kỳ, với báo giới là một tiến trình lâu lắc, gian lao. Không những chỉ thuần túy chuyển ngữ, nhưng cũng cần tạo một nhịp cầu giới thiệu văn hóa Việt Nam. Một công việc nặng nề, cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị và tạo dựng một khung cảnh cho phép giới báo chí, độc giả Hoa Kỳ hiểu và nhận rõ thông điệp của Dương Thu Hương. Thật sự không dễ dàng. Dù Tiểu TThuyết Vô Đề viết về “Chiến tranh Việt Nam”, một đề tài lôi cuốn người Mỹ, nhưng đây là một tác phẩm viết cho người Việt. Chữ “Mỹ” chỉ được nhắc đến 2 lần trong suốt văn bản! Chính sự vắng mặt của chính mình, theo ý tôi, sẽ làm độc giả Hoa Kỳ cảm thấy khó chấp nhận, khó cảm thông.

Trần Vũ: Với tư cách là dịch giả đã “làm việc” trên bản thảo, Nina định giá thế nào về nghệ thuật và tác phẩm của Dương Thu Hương?

Nina McPherson: Phải nói là tôi không đủ thẩm quyền để đánh giá toàn bộ trước tác của Dương Thu Hương, vì chỉ đọc được trong ấn bản tiếng Pháp: Những Thiên Đường Mù, Tiểu thuyết Vô Đề, Truyện Tình Kể Trước Lúc Rạng Đông. Tôi ước ao, một ngày nào đó, có thể đọc hết trong tiếng Việttôi sẽ bắt đầu với Bên Kia Bờ Ảo Vọng. Còn về nghệ thuật, có một điểm chắc chắn, là tất cả các nhà xuất bản, dịch giả, và độc giả của Dương Thu Hương đều chia sẻ một điều: Ai cũng say mê lối viết cực kỳ gợi cảm, và yêu mến qua bút pháp, người đàn bà, nhà văn, người kể chuyện lạ lùng là Dương Thu Hương. Tất nhiên, tình yêu này hoàn toàn không mù quáng, và cũng không ai thần thánh hóa Dương Thu Hương. Ở vị trí một người chuyển ngữ, tôi thấy rất rõ những giới hạn trong lối viết của Dương Thu Hương, về mặt hành văn và kỹ thuật, và tôi là người thứ nhất, với anh Phan Huy Đường, đã nói cho chị Hương hay điều ấy. Sự thật, như tất cả những người viết văn khác, như mọi người, chị Hương vướng mặt khuyết của những ưu điểm của mình. Tôi có thể liệt kê rõ hơn nếu Vũ muốn – Chị Hương là một người viết truyện phim (scénariste), làm việc với những mảng hình ảnh ráp nối, và điều đó đôi khi làm hại đến cấu trúc tiểu thuyết, làm hại cho phần hợp lý của câu chuyện. Quá nhiều flash-back, cắt cúp vụng và thô. Đó là do ảnh hưởng của nghề phim. Chị Hương còn là người đấu tranh cho dân chủ, một người đàn bà khinh “nghệ thuật vị nghệ thuật”, rất thực tế, chẳng cần tự biện. Do đó các nhân vật của chị Hương quá kiểu mẫu, hình nộm, được tạo dựng chỉ để chuyên chở thông điệp chính trị của tác giả. Chính chị Hương cũng thú nhận là mình nóng nảy, viết gấp, không đọc lại, không chữa, chị sáng tác dưới áp lực và đam mê của tình hình. Bản thảo có lỗi, có nơi sơ sót, vụng về. Tóm lại chị Hương cần một người chữa bản thảo, và chị rất hiểu điều đó. Nhưng đối với tôi, các giới hạn này hoàn toàn nhỏ bé so với văn tài lớn lao bẩm sinh ở Dương Thu Hương. Nhiều nhà văn phải học suốt đời những gì mà Dương Thu Hương biết nắm bắt một cách bản năng: Cách kể một câu chuyện, trút hết lòng dạ, viết với tim gan mình. Tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần các chương trong Tiểu thuyết Vô Đề, Những Thiên Đường Mù mà lần nào cũng thấy mìn run rẩy, cổ họng thắt lại vì cay đắng, hoặc vì sung sướng, chính những lúc ấy tôi biết mình đã gặp một nhà văn đích thật.

Trần Vũ: Có những bài phê bình bất lợi, nghiệt ngã trên sách báo Hoa Kỳ?

Nina McPherson: Tất nhiên. Trong ngành in ấn, các nhà xuất bản sẽ thất vọng nếu như không có những luồng phê bình đối ngược. Nhưng tôi cảm thấy thương hại những bài “phê bình bất lợi” này nhiều hơn là giận, vì tính chất ti tiện và hoàn toàn không thông hiểu của người viết. Sự kiện đập vào mắt trước nhất là những bài phê bình nghiệt ngã – đến từ phía Việt Nam hay Hoa Kỳ – đều không phải những bài phê bình văn chương. Mà là những tấn công cá nhân, nham hiểm, chỉ phơi bày thêm gương mặt người viết. Cho Vũ một ví dụ: Có một bài phê bình đăng trên tập san Far Eastern Economic Review, một tạp chí chuyên về chính trị và kinh tế Á châu, đã dành nguyên một trang cho tác phẩm (ấn bản tiếng Anh), cuộc đời và những đấu tranh cho dân chủ của Dương Thu Hương. Cuối bài viết, tác giả đã ngợi khen bản dịch bằng một công thức khá thâm độc: “Chính nhờ vào tài năng của hai dịch giả Nina McPherson và Phan Huy Đường mà tập tiểu thuyết này hoàn chỉnh, nhưng vì hai dịch giả chỉ có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp và không sử dụng chung một ngôn ngữ nào khác, chúng ta ao ước một bản dịch trực tiếp hơn.” Hai cái tát cùng một lúc! Theo lời phê bình, nếu hiểu sát nghĩa, thì Dương Thu Hương là một nhà văn tồi, phải nhờ vào bản dịch mà tác phẩm mới gọi là đọc được, còn dịch giả là bọn vô học phải làm việc bằng tiếng Pháp. Hoàn toàn không đúng. Vì chúng tôi chia sẻ với nhau, ngoài tiếng Pháp, tiếng Anh (anh Phan Huy Đường là người chữa bản thảo tiếng Anh của tôi một cách tỉ mỉ và nghiêm khắc), còn cả tiếng Hoa mà tôi thông thạo và nói trôi chảy nhờ đã theo học trong năm năm liền và từng sống ở Hoa Lục. Như Vũ biết, 50% từng vựng tiếng Việt là gốc Hán. Văn chương Việt Nam mang dấu ấn Trung Hoa rất rõ, trên câu chữ, thành ngữ. Chính dấu ấn Trung Hoa này đã giúp tôi rất nhiều, hiểu thêm tinh hoa và nghĩa trong tiếng Việt. Mỗi khi chạm phải khó khăn trước một từ cần dịch sát (từ tiếng Pháp), anh Phan Huy Đường chỉ cần chuyển âm sang Hán-Việt là tôi hiểu. Tiếng Việt hợp với tôi hết mình, chính vì tiếng Việt bị pha trộn rất nhiều, rất phân tâm về mặt ngôn ngữ. Tôi cũng thế.

Trần Vũ: Từ Hoa Lục sang Việt Nam, từ Bắc Kinh đến Hà Nội, Nina có vẻ dấn thân vào một chu kỳ khác. Tại sao lại có sự chọn lựa lạ lùng như vậy? Vì sao Nina chọn dịch tiểu thuyết VN từ văn bản Pháp văn mà không là tiểu thuyết Trung Hoa, trong lúc Nina thông thạo tiếng Quan Thoại và đã học văn chương Trung Hoa?

Nina McPherson: Câu hỏi của Vũ hay lắm. Mọi người vẫn hỏi tôi luôn, và mỗi lần tôi trả lời một cách khác. Không phải vì tôi muốn trốn tránh, nhưng vì cuộc sống của chính mình hãy còn bí mật đối với cả chính mình. Và con đường mà mình đeo đuổi, vừa do chí hướng vừa do số mạng. Tôi không là Phật tử, nhưng cũng không tin là có nhiều chọn lựa lắm trong đời sống của một con người. Những chọn lựa thật sự hình thành trong ta rất sớm, từ thuở ấu thơ. Đúng là tôi đã “chọn” học tiếng Quan Thoại, vào năm thứ hai của đại học Yale. Nhưng mẹ tôi sẽ nói cho Vũ biết là tôi đã muốn học tiếng Quan Thoại từ năm lên mười. Tại sao? Tôi cũng không rõ. Nhưng lúc trẻ thơ, tôi thấy chữ tượng hình đẹp mê hoặc. Tôi đậu cử nhân Sử, chuyên ngành Sử Trung Hoa hiện đại. Luận án ra trường viết về nhà văn ly khai Liu Binyan, hiện đang lưu vong tại Hoa Kỳ. (Phương Tây xem Liu Binyan là « Lương tâm Trung Hoa » với tác phẩm Ác Mộng của Các Quan lại Đỏ). Sự lựa chọn làm luận án ấy, cũng đã cho Vũ thấy khía cạnh số mạng: Tôi luôn luôn bị dằn co giữa chính trị và văn chương. Đó là hai cực trong đời sống của tôi. Lúc nào chúng cũng phải giao tiếp với nhau. Có lẽ, gần như không thể tránh khỏi, tôi phải trở thành ký giả, cũng như phải ghi nhận một tình cảm trắc ẩn sâu đậm đối với Dương Thu Hương. Tôi ngưỡng mộ, ao ước khả năng đương đầu những giao điểm của cuộc đời của chị ấy. Nhưng hãy trở lại câu hỏi chính. Vũ hỏi tại sao dịch tiểu thuyết VN từ văn bản Pháp văn, mà không dịch tiểu thuyết Trung Hoa? Tôi chỉ có thể trả lời giống như nhà thám hiểm đầu tiên trên đỉnh Everest: ‘‘Tại vì…’’ Có ngàn lý do. Những lý do hiển nhiên và những lý do sâu xa hơn: Trước nhất tôi mới chập chửng trong tiếng Việt, nhưng nếu dù có thông thạo tiếng Việt, như tôi đã nắm vững tiếng Quan Thoại, dù có đậu tiến sĩ văn chương VN, lấy chồng Việt, và dù có sống ở Việt Nam, tôi cũng không nghĩ mình có khả năng dịch một mình hơn bây giờ. Tôi đã thử dịch một vài tác giả Trung Hoa hiện đại, như Zhang Xinxin, nhưng luôn với sự giúp đỡ của vài người bạn Hoa. (Zhang Xinxin theo Hồng Vệ Binh trước khi bị kết án phản cách mạng). Trước sự khác biệt quá lớn giữa 2 nền văn hóa, như Việt Nam và Tây phương, một dịch giả cẩn trọng khó lòng đảm đương được trọn vẹn chức năng của mình. Anh Phan Huy Đường là một trường hợp cá biệt; một trường hợp lưỡng văn hóa. Còn việc dịch từ văn bản Pháp văn? Thì như thế nào mới là “một bản dịch trực tiếp”? Có chăng? Ai mới có đủ thẩm quyền để dịch? Thiết lập khuôn vàng thước ngọc, đối với tôi, là hiểu dịch thuật như một khoa học chính xác, một thảo trình quy ước tương đương, trong lúc chuyển ngữ là một nghệ thuật. Có bắt buộc phải là người Việt để phiên dịch sang tiếng Việt? Hay phải là người Pháp chuyển ngữ sang tiếng Pháp mới hay? Thật nguy hiểm nếu khẳng định trước. Về mặt văn hóa, tinh thần, chúng ta đều là những đứa con lai, tất cả, dù chúng ta nhìn nhận hay không. Nếu cứ khư khư bảo vệ sự thuần khiết văn hóa mà chính mình cũng không biểu trưng nổi, đến một lúc nào đó, sẽ đi đến chỗ “thanh lọc nhân chủng” trong ngành dịch. Nhưng mà Vũ đang lôi kéo tôi vào một cuộc lý giải triết học về dịch thuật hao tốn thời giờ! Thật sự,clip_image002chuyển ngữ đối với tôi, không có mục tiêu tái tạo bản sao trung thành, như ảnh chụp của bản gốc. Chuyển ngữ có thể trở nên một nghệ thuật, một phong cách viết, một trước tác, một đối thoại, thấm nhiễm tầm nhìn và tiếng nói của người dịch. Một cách tuyệt đối, một bản dịch chính xác không thể có. Dịch là phản. Mọi người đều biết. Bằng chứng, lời ngợi khen nồng nhiệt nhất cho một dịch giả là câu: “Tôi rất yêu thích bản dịch này, đọc không thấy gì là dịch”. Sự thật, là tôi không thể, và cũng không bao giờ cho phép mình phiên dịch bất kỳ một cuốn tiểu thuyết VN nào từ bất kỳ một văn bản tiếng Pháp nào. Ví dụ, tôi không thấy mình đủ khả năng hay đủ thẩm quyền để dịch Nguyễn Huy Thiệp. Vì phong cách, bút pháp và những truyện của Nguyễn Huy Thiệp quá đậm đặc tính chất Việt Nam. Điều đó trông thấy rõ trong những bản dịch Nguyễn Huy Thiệp đã in, tất cả vẫn chưa được trong suốt, giống như không thể dịch được. Thực tế, tôi cũng không dịch một mình, như một người đi lạc vào trong một khoảng trống, hay tôi chỉ dịch duy nhất từ một văn bản tiếng Pháp: Tôi cùng dịch với anh Phan Huy Đường. Ấn bản tiếng Anh là kết quả của sự hợp tác giữa hai chúng tôi, với tất cả ưu cùng khuyết điểm. Đôi khi, một tổng thể cho cái nhìn hoàn chỉnh hơn tổng số các bộ phận được nhìn riêng lẻ cộng lại.

(Còn tiếp)

(*) ảnh chụp Dương Thu Hương, Phan Huy Đường và họa sĩ Phan Nguyên tại Paris đầu thập niên 90

Trần Vũ: Trong bối cảnh hiện nay, Nina không nghĩ Việt Nam là một chủ đề thời sự? Rồi với thời gian, khi thời trang biến mất, tâm tình độc giả Hoa Kỳ sẽ thay đổi? Những quan tâm bất chợt của độc giả Mỹ đối với con người và xã hội Việt Nam sẽ chóng tàn? Nếu đúng như vậy, thì có thể nói là độc giả hôm nay chỉ tìm kiếm phong vị lạ trong tiểu thuyết Việt Nam?

Nina McPherson: Câu hỏi của Vũ mở ra một đề tài khá bao quát. Tôi ý thức quá rõ khía cạnh chốc lát của thời sự, cùng “phong vị lạ” của Việt Nam và “Đông phương” dưới mắt người Tây-Âu. Chính vì thế tôi đã bỏ nghề ký giả. Tôi không thích sống một hiện tại vĩnh cửu. Quá khứ, điều Vũ gọi là “Cái Chết Sau Quá Khứ” mãnh liệt ám ảnh tôi. Tất nhiên, trong lúc này, tổng thống Clinton hủy lệnh cấm vận, Việt Nam trở thành một chủ đề thời sự, nhưng nó không giống lắm những đề tài thời sự khác… Tôi sẽ trở lại đề tài này. Về “phong vị lạ”: Chắc chắn là có một thị trường cho những độc giả chỉ đi tìm Exotisme. Nhưng đây là một thị trường gia giảm rất thất thường. Tuy vậy, mối quan tâm Việt Nam của người Mỹ, của dân tộc Mỹ, không chỉ hạn hẹp trong một cơn khát thương mãi tức thời, theo một thị trường phù xuất trồi sụt, hay đồng nghĩa hóa với một mê hoặc “của lạ” nào đó. Nó phức tạp hơn nhiều, chôn sâu trong lòng người Mỹ. Tôi nghĩ chính châu Âu, đặc biệt người Pháp thích đi tìm Exotisme hơn người Mỹ, do tưởng nhớ quá khứ thuộc địa của mình ở Đông Dương. Bằng chứng, họ cứ tiệp tục gọi Phương Đông (Orient), Cochinchine (Nam-kỳ), Tonkin (Bắc-kỳ), An-Nam (Trung-kỳ), bán đảo Trung-Ấn (Indo-Chine)… (Tên Cochinchine xuất phát từ chữ “Cochin” trong tiếng Bồ Đào Nha ám chỉ Ấn Độ, Cochinchine mang nghĩa Trung-Ấn ngầm chỉ một nửa ảnh hưởng văn minh Ấn và một nửa ảnh hưởng Trung Hoa. Tonkin hay Tunquin là ký âm từ Đông Kinh, tên cũ của Hà-Nội.)

Có thể, người Mỹ ít lãng mạn. Tôi không nghĩ những quan tâm Việt Nam hiện nay là phù du. Có quá nhiều những tiếng vọng, đau khổ, tủi nhục, và ray rứt để có thể quên Việt Nam một sớm chiều. Chiến tranh, giống tình yêu, là thứ kinh nghiệm ghi dấu cuộc đời. Quá khứ ấy tiếp tục sống trong lòng ta, thực hơn cả thực tại. Và Việt Nam, đối với hàng triệu người Mỹ, chưa từng đặt chân tới, chưa từng mất mát một người thân, vẫn là bước ngoặc trong đời sống. Đối với Robert Kramer, nhà thực hiện phim tài liệu, đã từng phản chiến, rồi tự ý lưu vong sang Pháp, nó là một chuỗi ám ảnh. Đối với Oliver Stone, cựu chiến binh trở thành đạo diễn Hồ Ly Vọng, Việt Nam như con quỷ ám thường trực. Còn những « VETS », những cựu binh cầm bút viết về Việt Nam càng đông hơn: Michael Herr, Tim O’Brien, Philippe Caputo, và gần đây nữa, Robert Olen Butler giải thưởng Pulitzer, phô bày những trắc ẩn sâu sắc của mình đối với Việt Nam, những gì đã sống ở đó, xuyên qua tiếng nói của các nhân vật Việt Nam sinh sống ở tiểu bang Louisiane. Nhưng phải nhận là Việt Nam đang là một đề tài biến đổi rất nhiều. Phim ảnh, tiểu thuyết, truyện ngắn Hoa Kỳ viết về Việt Nam còn nhắc đến chiến tranh, nhưng càng lúc càng nhiều phim, truyện do chính người Việt thực hiện. Đa số là tiếng nói phụ nữ: Linda Lê, Lệ Lý Hayslip, Tiana Alexandra, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài là những gương mặt nổi bật, nhưng chắc chắn còn nhiều người khác nữa.

Trần Vũ: Thế hệ trẻ Hoa Kỳ như Nina, nhìn về cuộc chiến Việt Nam ra sao? Vô tâm, không can dự hay băn khoăn?

Nina McPherson: Thông thường mọi người nghĩ thế hệ của tôi không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Mặt nào đó, rất đúng, nhưng tránh khỏi thời kỳ bản lề của đất nước mình chưa chắc là điều may mắn. Tôi cảm thấy thế hệ mình hụt một chuyện gì quan trọng. Điều tôi biết, lớp người cùng tuổi với mình, sinh năm 61, đều đã va chạm với chiến tranh, cách này hay cách khác. Trẻ thơ, chúng tôi đều là chứng nhân phân vân trước bối rối của cha mẹ, đối với một cuộc chiến xa vời truyền hình về nhà; chứng nhân cơn khủng hoảng chính trị và niềm tin của đất nước. Tôi còn nhớ đã trông thấy, năm lên mười hay mười một tuổi, trong phòng ngủ của ông anh lớn một người bạn, bức hình nổi tiếng chụp đứa bé gái trần truồng, bốc cháy vì bom napalm, và một bức khác, cũng đầy biểu tượng, hình một người lính Nam Việt hành quyết một Việt Cộng giữa đường với khẩu súng lục. Những bức hình không có chú thích. Một cơn ác mộng mà tôi không giải thích được. Nhưng chúng tôi linh cảm, rất sớm, trước những cuộc cãi vã dữ dội giữa cha mẹ, giữa những ông anh, đó là đề tài cực kỳ nguy hiểm, một nỗi sợ, một thứ tai tiếng nhục nhã đớn đau trong gia đình, một “bí mật dơ bẩn”. Trong một thời gian dài, chúng tôi không dám đặt câu hỏi. Mãi về sau, mới hiểu cuộc chiến đã giết sự hồn nhiên trong trắng của đất nước. Giết chết ảo mộng. Điều tôi kiểm chứng, đối với rất nhiều người cùng lứa tuổi, ám ảnh Việt Nam – Sụp đổ ở Việt Nam – đã trở thành, một cách vô ý thức, lý do viện dẫn cho mọi chối từ, thụ động của chính mình trước mọi đấu tranh, trước mọi tình huống chính trị thế giới. Lối thoái thác đó bọc lộ rõ trong thái độ của Hoa Kỳ đối với Somalie và Nam-Tư.

Trần Vũ: Nina đã có mặt ở Thiên An Môn vào đúng lúc “Mùa Xuân Bắc Kinh”. Có phải chính cuộc đàn áp đẫm máu này đã hủy đi phần nào ảo ảnh, giấc mơ Trung Hoa đối với Nina? Không phải Nina sang Tàu để khám phá những huyền bí Viễn Đông sao? Một thứ hương thơm quyến rũ xa vời mà biến động Bắc Kinh đã xóa đi? Những năm tháng ở Hoa Lục, Nina có dự đoán trước cuộc nổi dậy của sinh viên hay cảm giác sẽ phải xảy ra chuyện gì đó, trong bầu không khí nặng nề khi ấy?

Nina McPherson: Ngày 4 tháng 6-1989 là khúc quành trong đời tôi. Làm thế nào để lượng định sức công phá của một biến cố to lớn như vậy ở mình? Tôi cũng chưa thấu rõ. Tôi có những người bạn Hoa đã chết, bị bắt, tù đầy, tuổi trẻ vỡ tan và lưu vong tứ xứ. Tôi đã thấy một trong những sinh viên của mình trên đài truyền hình, còn bận áo ngủ sau cuộc tuyệt thực, cùng với một nhóm sinh viên tranh đấu đi gặp thủ tướng Lý Bằng. Nhưng chuyển động dân chủ không chỉ bắt đầu từ năm 1989. Tất cả mọi người đều chờ đợi từ lâu. Mặt nào đó, chúng tôi, ký giả và giáo sư ngoại quốc, đều cùng tham dự. Cùng đồng lõa. Nhưng không phải Thiên An Môn đã phá vỡ ảo tưởng trong tôi. Tôi không có ảo tưởng nào hết. Những ảo mộng, nếu có, tôi đã đánh mất ở trấn Vũ-Hán, nơi tôi dạy tiếng Anh từ năm 1984 đến 1986, ở một đại học tỉnh lỵ. Trước nhất, không ai trách tôi đã đi tìm kiếm hương thơm huyền bí của Viễn Đông, như Vũ nói. Giống các sinh viên Hoa Kỳ cùng khóa ở đại học Yale khi ấy, tôi là một người tự do khuynh Tả, không có nghĩa là tôi theo Chủ nghĩa Xã hội. Động lực thúc đẩy tôi sang Trung Hoa rất giản dị: Ước muốn thu thập kinh nghiệm làm việc ở Hoa Lục, quốc gia mà mình đã nghiên cứu. Các giáo sư hướng dẫn của tôi ở đại học Yale, thời đó phần lớn là những cựu nổi loạn chán chường của năm 1968, cựu tín đồ sám hối của chủ nghĩa Mao. Vào đầu thập niên 80, họ đều ý thức rất rõ những lầm lạc của mình và không ngớt khuyên nhủ sinh viên cảnh giác chiếc bẫy Cộng Sản. Không ai ăn năn hối lỗi bằng những tín đồ Mao-ít!

Nếu có một nổi loạn nào đó, chính vì tôi cưỡng lại đầu óc trưởng giả, tính cách “Yuppie”, ham danh phận của tuổi trẻ. Các bạn tôi đều muốn trở thành bác sĩ, luật sư, thương gia. Còn tôi, tôi muốn đi xa, đi khắp trái đất, trông thấy tận mắt, viết, sống, làm một điều gì. Đối với những người bạn cùng trường, tôi là một đứa khùng. Một người bạn thân đã trách tôi “mất hết tham vọng sự nghiệp”. Trung Hoa đối với họ không phải là hương thơm huyền bí, nhưng là một lỗ đen. Tôi còn nhớ, học bổng của tôi, cho hai năm trời, chỉ vỏn vẹn năm ngàn đô-la. Còn lương giáo sư Anh văn của tôi ở đại học Vũ-Hán chỉ hơn ba mươi đô-la một tháng. Mà chẳng có gì quyến rũ trong cuộc sống ở trấn Vũ-Hán. Tôi sống với sinh viên Hoa trong những nhà ngủ không có hệ thống sưỡi, không nước máy, đầy chuột cống, lúc nhúc gián, bị những loa phóng thanh bủa vây hò hét từ 5 giờ sáng, la gào những khẩu hiệu tuyên truyền Marxiste, ca ngợi công lao Mao, xen lẫn những bài ca Cách Mạng. Đồng ca tập thể…

Ưu đãi duy nhất cho tôi, là được phòng riêng, trong lúc các sinh viên Hoa ngủ từ bốn đến sáu người trong những buồng hai mươi thước vuông. “Hương thơm quyến rũ xa vời” là những cầu tiêu sát hành lang, không hệ thống cống thải mà là những hố xí bốc mùi hôi thối, hay mùi nước phân đong đưa từ các quang thúng thum thủm của những người nông dân gánh đi tưới rau. Mỗi tuần tôi được tắm ở nhà tắm công cộng hai lần và cũng phải xếp hàng lãnh nước nóng như mọi người. Bạn bè Hoa thì bị công an theo dõi. Còn sinh viên theo học với mình thị bị chính trị viên Chi Bộ Đoàn hạch hỏi, bắt làm báo cáo… Tôi sút mất bảy ký-lô và đánh mất rất nhiều ảo mộng. Không ai hiểu tại sao tôi sang Trung Hoa. Với ý đồ gì? Họ nghi tôi làm gián điệp cho CIA, vì tôi nói sõi tiếng lóng địa phương. Vì tôi viết được tiếng Quan Thoại. Vì tôi hiểu quá nhiều, lại quá chú tâm vào các biểu ngữ đòi dân chủ do sinh viên dán dọc bờ tường câu lạc bộ. Những biểu ngữ bị chính quyền lột đi ngay. Những truyền đơn bị công an nhặt tức khắc. Thời đó, một người bạn Tàu đã ví tôi như một mầm sinh kháng thể, trong hệ thống đối kháng vi trùng của con người! Tôi đã chứng kiến hết những giận dữ, cay đắng của thế hệ trẻ Trung Hoa. Sau đó tôi trở thành ký giả làm việc tại Hồng-Kông, năm 1987 tôi trở lại Bắc Kinh làm đặc phái viên cho Thông Tấn Xã Pháp (AFP Agence France-Presse).

Đây là thời kỳ mà kinh nghiệm chuyên môn đã tác động lên tôi rất nhiều, và cũng đã thay đổi quan hệ giữa tôi với Hoa Lục. Tôi không còn là một nhà giáo giữ vai trò nhân đạo. Tôi sống trong một căn nhà giữa khu Ngoại giao cấm người bản địa. Tôi thấy rõ mình bị đối xử như kẻ địch. Ở Hoa Lục, người ký giả bị xem như gián điệp. Tôi còn bị nghi ngờ hơn vì công an không hiểu tại sao một người Mỹ lại đi làm việc cho Pháp ở Trung Quốc. Năm 1987 tôi “bao sân”, như trong nghề thường nói, những vụ nổi dậy chống Bắc Kinh ở Tây Tạng. Tôi đã chứng kiến tận mắt các Lạt Ma bị đạn của công an Trung Quốc, chính tôi cũng bị bắt giam nhiều lần, bị thẩm cung. Không phải đợi đến Thiên An Môn, như giọt nước tràn ly, đã cắt đứt tất cả. Tôi không trở lại Bắc Kinh nữa, từ 1989.

(Còn tiếp)

 

Văn chương Việt Nam toát lên một nổi ám ảnh quá khứ. Người Việt bị quá khứ nhập tràng. Nhà văn Việt để tang cho quá khứ đánh mất, làm như với cuộc ly tán, cùng những vết thương sâu đậm của chiến tranh, quá khứ của người Việt bị cướp mất. Và  thiếu quá khứ chung, tương lai trở nên khó hiểu. 

[Nina McPherson]

 

–oOo–

Trần Vũ: Mùa Thu 93 vừa qua, hình như Nina đến Việt Nam lần đầu? Ấn tượng đầu tiên của Nina ra sao? Việt Nam có thật khác Trung Hoa? Có giống Một Thiên Đường Mù?

Nina McPherson: Thật ra, không phải là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi đã thăm Hà Nội và Sàigòn năm 91, với tư cách cố vấn Á châu cho ngân hàng Indosuez (Ngân hàng Đông Dương cũ, Banque de L’Indochine sát nhập với Banque de Suez), nhưng lúc đó tôi đi trong một đoàn thương mãi, không được tự do đi lại, bị kiểm soát rất chặt chẽ. Và tôi cũng không quen ai. Ấn tượng đầu tiên là thủ tục quan liêu Cộng Sản ở đây là một bản sao khủng khiếp của Cộng Sản Trung Quốc. Cũng ngần ấy đạo đức giả. Cùng một cung cách lừa gạt ngoại kiều. Thời ấy tôi chưa biết một chữ tiếng Việt, nhưng vẫn hiểu đại khái những câu chuyện. Nhất là ở Hà Nội, nơi từ vựng và cách phát âm gần giống với tiếng Phổ Thông. Thật kỳ quặc, lần đầu đến Việt Nam nhưng tôi có cảm tưởng đã trông thấy, đã sống qua, vừa quen thuộc, vừa xa lạ. Tôi chưa hiểu các chữ “phở” hay “nem” hoặc “bún”, nhưng những từ như “Tư hữu hóa”, “Kiều hối”, “Tư bản”, “Cộng sản”, “Lãi suất”, “Cổ đông”, “Thị trường chứng khoán” hoặc “Ngoại giao”, “Hữu nghị”, “Đàm phán”, “Hộ khẩu”, “Lý lịch”, v.v.. — các từ vựng kinh tế và chính trị hoàn toàn là tiếng Trung Hoa. Nhưng Việt Nam đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp. Như mọi người Mỹ đến Việt Nam, tôi ngạc nhiên thấy người Việt không hề có thái độ thù hằn đối với mình. Đặc biệt, tôi mê sự khác biệt giữa tính khí của người Việt với người Tàu. Người Tàu đại đa số như đàn cừu, còn người Việt có cá tính mạnh, sởi lởi như người miền Nam châu Âu, lại lai văn hóa. Tâm trạng của người Việt phức tạp, sự phân tâm – mà, có thể, người Việt xem như căn bệnh quốc gia, một thảm kịch – đối với tôi lại là một luồng sinh khí, so với thời tôi sống sự rập khuôn ở Hoa Lục với nền giáo lý Khổng Mạnh muôn thuở. Ở người Việt, Khổng giáo du di và tình cảm hơn. Tôi thấy mình gần gũi với người Việt, vì tôi cũng là một thứ lai văn hóa, gốc gác Hung Gia Lợi, lớn lên ở Pháp, trưởng thành ở Hoa Kỳ và học tiếng Phổ Thông (Quan Thoại), tôi mang trong mình sự phân tâm này.

Chuyến trở về Việt Nam lần thứ nhì, mới thật sự là lần đầu đối với tôi. Vì tôi linh cảm mình được chờ đợi. Tôi đi với mục đi duy nhất: Gặp và tìm hiểu Dương Thu Hương, nên rất bồn chồn. Trong thư từ trao đổi với chị Hương, hai năm liền qua trung gian anh Phan Huy Đường, tôi cảm thấy thật gần gũi chị, mặc dù ở xa, vẫn yêu mến tấm lòng vị tha, tánh khiêm nhường lạ lùng, tính hài hước và những tình cảm mẫu tử chị dành cho tôi. Nhưng tôi cũng biết chị Hương dễ kích động, có cá tánh mạnh mẽ. Chưa chắc hai chúng tôi sẽ hợp nhau! Tôi trông thấy chị trước tiên ở phi trường, bên kia những quầy Hải Quan âm u. Chị thật đẹp, tươi cười với bó hoa trên tay. Bên cạnh chị còn có nhà văn Bảo Ninh, và dịch giả Dương Tường. Tôi cực xúc động. Tất cả diễn ra như trong tiểu thuyết của Dương Thu Hương!

Trần Vũ: Nina làm thế nào để chuyện trò với họ?

Nina McPherson: Tôi rất sung sướng và ngạc nhiên là Dương Thu Hương cũng nói tạm được tiếng Pháp, dù chị chỉ học 6 tháng trong nhà tù với một quyển tự điển! Thật tình, mối liên hệ giữa hai chị em chúng tôi vượt giới hạn của ngôn ngữ, chỉ cần cắn đôi một chữ đã hiểu nhau. Dương Thu Hương là một người đàn bà – không, một con người – nhạy cảm nhất mà tôi từng gặp. Không thể giấu chị điều gì. Chị đoán tất. Một thứ tri thức hiếm, chắc chắn rất khủng khiếp đối với đàn ông và với tất cả mọi thứ quyền lực. Tóm lại, tôi với chị rất hợp nhau. Trong 2 tuần lễ, tôi với chị gặp nhau hầu như mỗi ngày. Chị dẫn tôi đi chơi từ sáng đến tối. Đưa tôi đi ăn tất cả những món ăn tôi thèm khát qua tiểu thuyết của chị. Tôi đã sống những giây phút giản dị mà thật quý báu. Một bát phở ở lề đường, một chén chè khuya cuối phố hàng Đào. Một buổi cắm trại, những con se sẻ nướng ướp ngũ vị hương ở gần thành Cổ Loa, với gia đình chị Hương. Tôi cũng muốn nói thêm là vào năm 93, dân chúng Hà Nội đều biết và rất quý chị Hương. Tuần lễ thứ nhì, chúng tôi bàn về dự tính làm một cuốn phim, dựa trên kinh nghiệm chiến tranh của Dương Thu Hương. Chúng tôi mướn một thông dịch viên để chị Hương có thể trình bày hết mọi ý tưởng của mình. Cuộc đời của chị Hương làm tôi choáng váng. Tôi đã thâu hơn sáu giờ băng, và có lẽ thâu cả 50 giờ cũng vẫn còn muốn nghe.

Trần Vũ: Nina còn gặp nhà văn nào khác nữa?

Nina McPherson: Tôi ra Hà Nội, mục đich chính là gặp Dương Thu Hương, cùng làm việc với chị về dự án quay phim, nên không có mấy thời giờ gặp quần hào Hà Nội. Mặt khác, mọi người biết tôi “đi với chị Hương”, nên nhiều nhà văn mà tôi muốn gặp đã tránh mặt. Vũ biết đó, kẻ sĩ Bắc Hà sinh sống trong một ngôi làng và trong cái làng bé xíu đó, Dương Thu Hương, ở vị thế một người đàn bà, một người phản kháng, chịu ruồng rẫy. Chịu cô lập, đối với Dương Thu Hương, vừa là một chọn lựa, vừa là cái giá phải trả cho tự do của mình, chối từ sự đê tiện phổ biến trong môi trường ấy. Có một ngoại lệ là nhà văn Bảo Ninh, một người bạn thân của Dương Thu Hương, một người đã trả giá và còn tiếp tục trả giá cho tự do ngòi bút của mình. Tôi rất qúy anh Ninh, nhà văn và con người. Trước khi gặp Bảo Ninh tôi có đọc truyện ngắn Gió Dại. Tính chất trữ tình, lòng xót thương, ý chí muốn hiểu thảm kịch thân phận đàn bà – Việt Nam hay ngoại quốc – của Bảo Ninh làm tôi nghẹt thở. Ở Hà Nội, cả ba chúng tôi chia sẻ những giờ phút thật vui. Bảo Ninh là một người gợi cho tôi nhiều tin cậy. Anh đã chịu đựng tiếng Việt gớm ghiếc của tôi trong suốt thời gian tôi ở Bắc. Tình bạn chân thành giữa Dương Thu Hương và Bảo Ninh làm tôi xúc động mãnh liệt. Tình bạn giữa một người đàn ông và một người đàn bà thường hiếm, bất cứ ở đâu trên thế giới, ở Việt Nam càng hiếm hơn!

Trần Vũ: Là một người ngoại quốc, Nina nhận xét đặc biệt nào về văn chương đương đại Việt Nam? Có hay không, một chủ đề chính?

Nina McPherson: Tôi không chắc chúng ta có thể khoanh vùng một chủ đề văn hóa hoặc quốc gia nào trong văn chương, nhất là đối với một dân tộc sống rải rác như dân Việt. Nhưng tôi dám nói rằng có một chủ đề – đúng ra là một mối ám ảnh lớn – trong văn chương Việt Nam hôm nay, cho dù là tác phẩm của các nhà văn Việt kiều hay của những người viết văn phản kháng trong nước, văn xuôi Việt Nam vẫn nổi cộm lên một nỗi ám ảnh thời gian – gần như kiểu Proust đi tìm thời gian đánh mất: Quá khứ. Trong nghĩa đó, văn chương phản ảnh tâm tình của quần chúng. Đối chọi hẳn với văn học Hoa Kỳ mà tôi nghĩ bận tâm với thực tại và hướng về tương lai nhiều hơn. Văn chương Việt, theo ý riêng của tôi, bị quá khứ nhập tràng. Nhưng không phải là một quá khứ chết, một quá khứ vẫn tiếp tục sống trong hiện tại, dưới khía cạnh nào đó còn thực hơn cả thực tại. Tôi rất kinh ngạc khi thấy các nhà văn Việt đều để tang cho quá khứ đánh mất, một thứ quá khứ chung, xưa cũ, không thể vãn hồi. Làm như, với cuộc ly tán, cùng những vết thương sâu đậm của chiến tranh, quá khứ của người Việt bị cướp mất. Và thiếu quá khứ chung, tương lai trở nên khó hiểu… Ở những người viết truyện thật khác biệt như Dương Thu Hương, Bảo Ninh, hay ở Vũ, điều đó thấy rất đậm nét. Nhà văn Việt sống với quá khứ, làm như họ muốn cứu vãn nó. Trong Tiểu Thuyết Vô Đề, nhân vật Quân sống hoàn toàn bằng “flash-backs”. Thời gian của Quân là tầm nhìn của Dương Thu Hương. Một thứ thực tại trống rỗng ý nghĩa, chỉ có quá khứ. Có thể, vì quá khứ của người Việt khó hiểu, không đồng nhất, muôn mặt. Làm thế nào để diễn tả kinh nghiệm thời gian này? Đối với tôi, là câu hỏi dành cho mỗi bản dịch. Chỉ trên phương diện kỹ thuật đã rất khó, vì thời gian trong ngôn ngữ của người Việt, cũng như trong tiếng Hoa, hoàn toàn mơ hồ và trạng huống, trong lúc ở tiếng Anh hoặc tiếng Pháp phải cực kỳ chính xác.

Nhưng khó khăn không ở khâu kỹ thuật mà mang tính cách tâm thần nhiều hơn. Ví dụ: Khi dịch Tiểu Thuyết Vô Đề, tôi đề nghị sau khi thảo luận với Dương Thu Hương, dịch tất cả những hồi ức, hồi tưởng, “flash-backs” quay về quá khứ ở thì hiện tại (Temps Présent) và phần còn lại của câu chuyện – thực tại của chiến tranh đang diễn ra – trong thì quá khứ chết (Passé Simple/Preterite). Và chị Hương đã chấp thuận. Mục đích của tôi – là muốn người đọc, như nhân vật Quân, sống hết mình, thật dữ dội, những đứt đoạn giữa quá khứ và hiện tại.

Dưới một góc độ tương đối, Tiểu Thuyết Vô Đề còn là một phương thức giúp người đọc Hoa Kỳ nghiệm sinh quá trình tỉnh mộng. Tôi vẫn nghĩ, mỗi một con người cần sống một truyện kể – và chia sẻ câu chuyện đó với kẻ khác. Với người Việt, câu chuyện của đời sống, của quá khứ, của hiện tại và tương lai, đã bị phá vỡ. Sự cắt đứt tàn bạo qua hai mốc thời điểm 54-75, cùng một lúc là một thảm kịch, nhưng cũng trở thành kho tàng lớn cho sáng tạo.

Trần Vũ: Nina dự tính gì hiện nay?

Nina McPherson: Nội dịch thuật không cũng đã rất nhiều. Hiện thời tôi tìm cách xuất bản ở Hoa Kỳ tập truyện ngắn Việt Nam Giấc Ngủ Nơi Trần Thế do anh Phan Huy Đường tuyển chọn. Với anh ấy, tôi cùng dịch sang tiếng Anh 6 truyện ngắn của Bảo Ninh, Nguyễn Thị Ấm, Đỗ Phước Tiến, Trần Trung Chính, Trần Đạo, và một truyện ngắn vượt biên của Vũ mà mình cùng thảo luận bữa trước. Đối với các nhà xuất bản Mỹ, truyện ngắn không ăn khách lắm, họ thích in tiểu thuyết hơn. Do đó tôi quyết định gửi đăng mấy truyện ngắn này trên các tạp chí văn chương lớn ở Hoa Kỳ và ở Anh, nhằm đánh động các nhà xuất bản và cảm thức của giới phê bình.

Số báo tới, truyện ngắn Giấc Ngủ Nơi Trần Thế của Nguyễn Thị Ấm sẽ đăng trên Grand Street, một tập san văn chương vùng Nữu Ước, cũng là tập san đã đăng Phạm Thị Hoài và Dương Thu Hương. Truyện ngắn của Trần Đạo, Bộ Xương Người Trị Giá Một Tỷ Đô La sắp đăng trên tạp chí Story và The Coral Reef (Biển San Hô) của Vũ, cùng với Savage Winds (Gió Dại) của Bảo Ninh sẽ đăng trên Granta, là tập san văn chương uy tín trong thế giới Anh ngữ. Chỉ mới là khởi đầu. Thêm một nhà văn Việt được đăng, là mở rộng thêm cánh cửa cho những người khác. Tạo môi trường là khâu rất quan trọng. Một khung cảnh giúp người Mỹ thưởng ngoạn văn chương Việt Nam. Tôi cũng dự tính dịch tập Cái Chết Sau Quá Khứ của Vũ mà mình đã thỏa thuận hôm nọ. Hiện tại tôi với anh Đường đang điều đình với nhiều nhà xuất bản Mỹ. Ngoài dịch truyện, tôi đang làm việc cho dự án quay phim Tiếng Hát Át Tiếng Bom dựa trên kinh nghiệm của Dương Thu Hương. Hiện đang trong giai đoạn phát thảo truyện phim mà tôi cùng viết chung với chị Hương và anh Đường. Chúng tôi đang tìm đạo diễn với người bảo trợ chi phí. Nếu thành, chắc chắn tôi sẽ sang sống ở Việt Nam nhiều tháng để học tiếng Việt và cùng khai triển truyện phim với Dương Thu Hương.

Trần Vũ: Câu hỏi chót. Việc đã dịch nhiều văn bản, có gợi ra cho Nina ước muốn cầm bút tự tạo ra thế giới của riêng mình? Và Nina sẽ kể chuyện gì, ngày mai, nếu bước qua cánh cửa sáng tác?

Nina McPherson: Càng dịch, tôi càng ao ước viết. Nhưng cùng lúc dịch thuật cũng cho phép tôi tự trình bày, qua những tiếng nói khác nhau. Không chỉ đơn thuần là những bài tập bút pháp; nhưng là một phong cách của riêng tôi. Thật sự, trong tuyệt đối không ai có thể dịch được, chỉ có sáng tác. Cũng đừng quên chữ “thuật” trong từ “dịch thuật” trong tiếng Việt; người dịch cùng lúc kể lại câu chuyện bằng xúc cảm của mình. Còn nếu sáng tác, tôi sẽ kể chuyện gì? Thật tình, tôi khát khao viết về kinh nghiệm sống thực của mình ở Trung Hoa. Tôi có nhiều ý tưởng. Nhưng rất thành thật, tôi có hai sở đoản: ngại ngùng không dám viết tự truyện, và quá khứ ký giả. Nghề ký giả giết chết nghề văn, vì bắt người viết văn chạy trốn bề sâu, và quá dấn thân trên bề mặt. Tôi còn quá gắn bó với vai trò nhân chứng. Đó là một mâu thuẫn có thể trở thành sáng tạo như trường hợp Nadine Gordimer. Nhưng muốn viết truyện giả tưởng, phải buông thả hết mình. Và trước khi buông thả, phải hiểu mình. Ở tuổi 33, chắc đã đến lúc thử nghiệm.

TV thực hiện bằng Pháp văn và phiên dịch, Paris 25 tháng 3-1994, đánh máy lại tháng 7 & 8-2016