- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
Trong một báo cáo vừa ra mắt của Dự án 88 (The Project 88) đã chỉ ra bốn nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương bị bỏ tù không phải vì án kinh tế mà có “động cơ chính trị”.
Dự án 88 gọi bốn nhà hoạt động trên là Vietnamese Four – “Bộ tứ Việt Nam” – là những người tiêu biểu trong NGO (tổ chức phi chính phủ) mà chính quyền Việt Nam dùng tội “trốn thuế” sau khi tham gia hoạt động nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiệt điện than, nhưng thực chất là do yếu tố chính trị.
“Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này vì chúng tôi quan sát thấy rằng các chuyên gia trong lĩnh vực NGO đang bị bắt giữ và các tổ chức của họ buộc phải đóng cửa. Đây là một xu hướng mới mà chúng tôi muốn hiểu sâu hơn.
“Báo cáo cho thấy Bộ tứ Việt Nam là những trường hợp điển hình của một làn sóng đàn áp mới đối với xã hội dân sự, đặc biệt là khu vực NGO trong nước,” ông Ben Swanton, người viết báo cáo nói với BBC News Tiếng Việt qua email.
Chính phủ Việt Nam, trong các văn bản chính thức, cho rằng những phúc trình về nhân quyền này chủ yếu “suy diễn một chiều thái quá và mang động cơ thù địch về chính trị, đã dựa trên một số thông tin chưa được kiểm chứng cùng sự kỳ thị đối với Việt Nam”.
Điểm nổi bật của báo cáo dài hơn 80 trang là chứng minh được “động cơ chính trị” của chính quyền, thông qua những bằng chứng chi tiết dựa trên luật pháp và sự khảo sát gần 90 bản án của những cá nhân bị kết tội trốn thuế giai đoạn từ năm 2017 đến 2022. Từ đó, cho thấy “sự bất bình thường” trong cách nhà cầm quyền xét xử “Bộ tứ Việt Nam”.
Báo cáo cũng cho thấy một xu hướng kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền tối cao vào năm 2016, nhà nước đã ban hành một loạt các biện pháp nhằm hạn chế quyền tự chủ và tác động của các tổ chức xã hội dân sự.
Bộ tứ Việt Nam, những người đã thúc đẩy chính phủ cam kết thực hiện chính sách giảm khí thải carbon để “Phát thải Ròng bằng Không” vào năm 2050, qua đó mở đường cho thỏa thuận chuyển đổi năng lượng trị giá 15 tỷ USD giữa G7 và Việt Nam, nhưng trớ trêu thay, hiện họ là những tù nhân sau song sắt.
Theo đó, bà Nguỵ Thụy Khanh, người được mệnh danh là “anh hùng môi trường”, Giám đốc Trung tâm GreenID chịu án 24 tháng tù.
Ông Mai Phan Lợi, cựu chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng – MEC lãnh 45 tháng tù. Ông Bạch Hùng Dương, cựu giám đốc MEC bị tuyên 27 tháng tù. Cả ba người đều nhận tội và được cho là “thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải” nên được giảm án.
Riêng ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) là người duy nhất không nhận tội. Ông bị tòa cấp phúc thẩm tuyên y án 5 năm tù giam.
Gần đây, ông Bách tuyên bố tuyệt thực cho đến khi được trả tự do hoặc chết, theo lời bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách nói qua video được chiếu tại buổi ra mắt báo cáo hôm 21/4 tại Bangkok, Thái Lan.
Mục lục
‘Vũ khí hóa’ luật pháp
Cả bốn nhà hoạt động môi trường có tên trong báo cáo của Dự án 88 đều bị truy tố với tội danh “trốn thuế”. Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định các vụ bắt giữ lãnh đạo NGO là án kinh tế đơn thuần. Hồi 23/6/2022, bà Lê Thị Thu Hằng, khi đó còn là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao (nay đã lên Thứ trưởng) từng mạnh mẽ khẳng định “Ngụy Thị Khanh bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định pháp luật về quản lý thuế và đã thừa nhận hành vi này.”
“Một số ý kiến suy diễn cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động và ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở và không đúng với bản chất của vụ việc”- bà Hằng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong báo cáo của Dự án 88 đã chỉ ra rằng, theo Điều 200 BLHS 2015, tội trốn thuế không nằm trong danh sách các tội danh mà Cơ quan An ninh Điều tra Hà Nội có thẩm quyền điều tra.
Theo luật, Cơ quan An ninh Điều tra chỉ điều tra các tội khác nằm ngoài các tội danh liên quan tới “an ninh quốc gia”, “tội ác chiến tranh” hay “tội nghiêm trọng” thì phải có sự chỉ định “ngoại lệ” của Bộ trưởng Bộ Công an.
“Vì tội trốn thuế không thuộc thẩm quyền của Cơ quan An ninh điều tra và không có lý do gì cho thấy cơ quan này hành động vượt thẩm quyền nên có cơ sở để suy luận, chính Bộ trưởng Bộ Công an – Tô Lâm đã chỉ đạo cơ quan này điều tra Bách và Khanh,” báo cáo do ông Ben Swaton viết.
Theo tìm hiểu của BBC, xét trên Điều 17 của Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra Hình sự 2015, Cơ quan An ninh Điều tra Công an cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành Điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.
Vì bà Ngụy Thị Khanh và ông Đặng Đình Bách đều không là người trong ngành công an nên yếu tố khách quan được loại bỏ. Do đó, có thể thấy vụ án của họ là “liên quan đến an ninh quốc gia”, trái ngược với diễn ngôn mà Bộ Ngoại giao thông báo ra ngoài.
Kết luận của Dự án 88 còn dựa trên bằng chứng thực nghiệm cho thấy việc Cơ quan điều tra an ninh điều tra “rất hiếm” khi điều tra các trường hợp bị cáo buộc trốn thuế.
Trong 86 vụ án mà tổ chức này khảo sát, Cơ quan An ninh Điều tra chỉ tham gia điều tra 2% số cá nhân bị kết tội trốn thuế, trong khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra phụ trách tới 98% số nghi phạm.
Một điểm bất thường khác là cả bốn nhà hoạt động: Khanh, Lợi, Dương và Bách đều bị tạm giam trước khi xét xử cho đến khi xét xử, dù việc này cũng cực kỳ hiếm đối với các cá nhân bị buộc tội trốn thuế. Cụ thể, chỉ 1,2% trường hợp là bị tạm giam tới khi xét xử.
Đáng chú ý, bà Ngụy Thị Khanh là một trường hợp cá biệt khi bà bị buộc tội trốn thuế thu nhập cá nhân, trong khi ba người còn lại bị truy tố về tội trốn thuế doanh nghiệp.
Báo chí Việt Nam đưa tin bà Khanh bị kết tội vì trốn thuế đối với 200.000 USD tiền thưởng mà bà nhận từ Giải thưởng Môi trường Goldman:
“Theo Tòa án, giải thưởng không thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2006. Sau khi nhận được số tiền trên, Ngụy Thị Khanh đã không kê khai, không nộp thuế thu nhập cá nhân, số tiền trốn thuế là hơn 456 triệu đồng,” theo trang Người Lao động.
Dự án 88 ghi nhận, việc trốn thuế thu nhập cá nhân mà bị lãnh án hình sự là “cực kỳ hiếm”, chỉ chiếm khoảng 1%.
Còn với trường hợp của ba ông: Lợi, Dương, Bách bị truy tố vì trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, luật pháp Việt Nam lại để một khoảng mù về việc các tổ chức NGO trong nước có phải trả thuế hay không đối với những khoản tài trợ nhận từ các tổ chức nước ngoài cho các dự án phát triển nước ngoài.
Vì khoảng thời gian mà cả ba bị bắt, việc không trả thuế đối với những khoản tiền từ nước ngoài là một “thông lệ”, dù những dự án này được chính phủ phê duyệt hay chưa, theo Dự án 88.
Riêng ông Đặng Đình Bách nhận mức án nặng hơn nhiều so với ông Lợi và ông Dương. Nhưng khi xét mức trốn thuế mà ông Bách bị cáo buộc là 1,38 tỷ đồng, lại ít hơn mức hơn 1,9 tỷ đồng mà ông Lợi và ông Dương bị cáo buộc. Ông Bách còn bị biệt giam và chỉ được gặp luật sư trước phiên tòa của mình 10 ngày trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm.
Vợ ông, bà Trần Phương Thảo cũng nhận được cuộc gọi của một người xưng là Nguyễn Thị Thủy, từ Tổng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội thông báo rằng, số tiền trốn thuế của chồng bà nếu không được khắc phục thiệt hại thì tài sản gia đình vợ chồng bà sẽ bị tịch thu.
Khi bà Thảo vào thăm ông Bách vào ngày 17/3/2023, ông Bách nói một cán bộ cùng cơ quan trên cũng thông báo rằng tài khoản ngân hàng ông bị tịch thu.
Dựa trên sự bất cân xứng của các bản án, Dự án 88 cho rằng, cáo buộc trốn thuế dường như đã được áp dụng một cách tùy tiện với mục đích “bịt miệng những cá nhân này và loại trừ họ khỏi xã hội”. Và vì thế, các bản án của nhà nước Việt Nam là đang vi phạm quyền tự do biểu đạt và quyền được tham gia vào các hoạt động công cộng của những cá nhân nói trên.
Thông cáo báo chí của Dự án 88 viết: “Cả bốn người đều bị xét xử kín, kéo dài chưa đầy một ngày, cho thấy rằng kết quả của những phiên tòa này đã được định đoạt từ trước”.
Tại buổi họp báo tại Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài tại Thái Lan (FCCT) hôm 21/4, ông Ben Swanton còn tiết lộ với BBC rằng, gần đây có thêm thông tin là ông Mai Phan Lợi bị giam ở khu an ninh quốc gia trong trại giam – một dấu hiệu nữa cho thấy án của hai ông có liên quan đến “chính trị”.
Khó khăn cho NGO trong nước
Khác với những nhà hoạt động, bất đồng chính kiến làm về lĩnh vực nhân quyền đòi hỏi dân chủ, đa đảng, đa nguyên… những nhà hoạt động về các vấn đề như môi trường, quyền LGBT, quyền cho phụ nữ thường được cho nhiều không gian hơn. Tuy nhiên, việc bắt bớ và bỏ tù bốn nhà hoạt động nói trên đã chỉ ra một xu hướng đàn áp mới của chính quyền Việt Nam, không chỉ nhắm tới nhóm xã hội dân sự hoạt động ngầm mà cả nhóm đã có giấy phép.
Tại buổi họp báo, Dự án 88 cũng thông tin rằng, nhiều NGO báo cáo quy trình xét duyệt các dự án có khoản tài trợ của nước ngoài ngày càng nhiêu khê và mất nhiều thời gian.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu nhận xét về việc chính phủ Việt Nam nhắm tới cả các nhà hoạt động làm về biến đổi khí hậu và môi trường, vốn được thảo luận tương đối an toàn hơn so với các chủ đề như nhân quyền:
“Bất kỳ hình thức vận động cải cách nào của NGO đều bị coi là đáng ngờ và có thể là một phần của sự “diễn biến hòa bình” mà Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm dập tắt.
“Hiện việc xin giấy phép được thực thi nghiêm ngặt hơn với các yêu cầu rất nhiêu khê để nhận tiền thực hiện các hoạt động, cho thấy chính phủ Việt Nam đang cố gắng đặt các tổ chức phi chính phủ được cấp phép vào tình thế khó khăn như thế nào.
“Rõ ràng là chính phủ Việt Nam chủ yếu quan tâm đến việc duy trì quyền lực và không màng đến các hành động của họ có thể gây tổn hại như thế nào đến các nỗ lực phát triển cộng đồng do các tổ chức xã hội dân sự hỗ trợ,” ông Phil nhận định.
Đại diện HRW nhắc đến Nghị định 58/2022/NĐ-CP. Nghị định này đưa ra các điều khoản mà ông Phil cho rằng “vi phạm quyền, hạn chế cao để giám sát hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam”. Nghị định còn đặt các khoản viện trở từ nước ngoài sẽ nằm dưới sự kiểm soát và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan nhà nước “mà không đếm xỉa đến nhu cầu thực tế của người dân Việt Nam”.
Người chấp bút viết nghiên cứu, tiến sỹ Ben Swanton nói với BBC rằng, một yếu tố cho phép cuộc đàn áp này là “thiếu hậu quả” từ cộng đồng quốc tế:
“Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa phải trả giá cho việc bỏ tù Bộ tứ Việt Nam vì tội đánh thuế với động cơ chính trị. Báo cáo đã minh chứng rằng việc truy tố Bộ tứ Việt Nam là có động cơ chính trị và những người này đang bị bức hại vì cố gắng cứu trái đất và xây dựng một xã hội dân sự độc lập,” ông nói với BBC.
Một điều gây phẫn nộ là Việt Nam được nhận gói ngân sách 15,5 tỷ USD từ Nhóm G7 để cắt giảm điện than và chuyển dần sang năng lượng sạch mà không kèm theo yêu cầu nhân quyền cụ thể nào.
Ông Swanton khẳng định, tính triệt để của báo cáo với những bằng chứng cụ thể đã giúp minh oan cho bốn nhà hoạt động môi trường trên. Dự án 88 theo đó sẽ dùng báo cáo này để nâng cao nhận thức về tình hình nhân quyền đang ngày một tệ hại ở Việt Nam.
Đồng thời, báo cáo sẽ là cơ sở vận động để yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho Đặng Đình Bách, người gần đây đã tuyên bố rằng ông sẽ tuyệt thực cho đến khi được trả tự do hoặc đến chết.
“Tình trạng của Bách là cực kỳ khẩn cấp và đòi hỏi phải có áp lực ngoại giao ngay lập tức để đảm bảo việc trả tự do cho ông ấy,” tiến sỹ Swanton nêu quan ngại.
Hồi tháng 2/2023, ông Sơn Phạm, cựu Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN (hiện đã đóng cửa) viết trên Facebook cá nhân rằng “giới xã hội đang ngủ đông”.
Theo ông, cách đây 3 – 4 năm, khoảng thời gian tháng 2 này là các hội thảo của giới xã hội, phi lợi nhuận, phi chính phủ “có thể tính bằng tuần, có nghĩa tuần nào cũng có khắp các mặt trận Nam Bắc, khắp các Tỉnh Thành trọng điểm… nhưng đến nay, con số ấy vỏn vẹn ít ỏi do cơ quan ban ngành chính phủ hay hội đoàn quần chúng chính trị tổ chức thôi.”
“Có thể nói như con gấu dễ thương, giới xã hội cộng đồng chính thức ”ngủ đông”, mà chưa phải ngủ là yên ắng… họ âm thầm chuyển nghề, cơ cấu lại tổ chức, hoạt động càng nhỏ càng tốt… vì nguồn ngân sách không còn dồi dào, nguồn viện trợ phải nói là rất thách thức,” ông Sơn viết.
Đàn áp gia tăng dưới thời Tổng bí thư Trọng
Hiện Việt Nam có hơn 170 tù nhân chính trị đang thụ án, và khoảng 30 người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử. Việt Nam cũng có số lượng tù nhân chính trị đứng sau song sắt cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Myanmar và Việt Nam dùng án tử với tỷ lệ cao hơn bất kỳ chính phủ nào khác trong ASEAN.
Chính quyền đã mạnh tay đàn áp người bất đồng chính kiến, bắt đầu với mạng lưới các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, và mở rộng sang các nhà vận động quyền đất đai; cộng đồng người Thượng, người Mông và người Khmer Krom.
Các nhà thờ độc lập và những người cố gắng thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bên ngoài các tổ chức do chính phủ kiểm soát; các nhà môi trường ủng hộ không gian xanh đô thị và trách nhiệm đối với sự cố tràn chất thải độc hại lớn; và các nhà cải cách khác cũng rơi vào tầm ngắm.
“Các cuộc đàn áp này chủ yếu được thực hiện bởi những người theo đường lối cứng rắn, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,” ông Phil Robertson nêu quan sát.
Theo ông, những cuộc truy bức này được “tiếp tay” bởi hệ thống tòa án “kangaroo” tức án bỏ túi, với số năm tù được quyết định từ trước. Đại diện HRW cho rằng, Việt Nam đã “vũ khí hóa luật vi phạm nhân quyền”, và “không có công lý, và không có sự độc lập trong ngành tư pháp của Việt Nam”.
Ngoài tư pháp, vị Tổng Bí thư còn có cả công an, an ninh trong tay. Báo cáo của Dự án 88 chỉ ra rằng, việc Cơ quan An ninh Điều tra bắt tay vào điều tra vụ “trốn thuế” của bà Ngụy Thị Khanh và Đặng Đình Bách là do Bộ trưởng Bộ Công An – Tô Lâm mới có thẩm quyền chỉ đạo.
Hôm 11/11/2022, phiên toà thứ ba xét xử ông Lê Anh Tú, một nghi can hoạt động mật vụ, hỗ trợ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Công an Tô Lâm “được nhắc tên, theo RFA. Cụ thể, ông Trọng được coi là người chủ trương, còn ông Tô Lâm là tổ chức thực hiện vụ bắt cóc.
Trong hồ sơ nhân quyền Việt Nam, vấn đề tiếp cận luật sư hay tình trạng nhà tù cũng như quyền được tiếp cận ý tế của các tù nhân lương tâm cũng được nêu bật, qua cái chết trong tù của ông Đỗ Công Đương.
Quan sát sự chuyển động của việc đàn áp mà chính phủ Việt Nam thực hiện sẽ thấy Hà Nội đang nhắm đến những luật sư nhân quyền, những người có giấy phép hành nghề – vì sự can đảm của họ trong việc tiếp nhận bào chữa các án chính trị, nhân quyền.
Điều này khiến Việt Nam càng tiệm cận hơn với Trung Quốc trong vấn đề chống “nhân quyền, cách mạng màu, diễn biến hòa bình” – đúng như cam kết trong tuyên bố chung mà hai nước ký kết sau chuyến thăm của vị Tổng Bí thư 79 tuổi đến Bắc Kinh hồi tháng 11/2022.
Tuy nhiên, chỉ chừng chục năm trước đó, vấn đề nhân quyền của Việt Nam được coi trọng hơn nhiều. Cụ thể, trong những năm cuối cùng của chính quyền Obama, khi Việt Nam đang đàm phán để tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, hay TPP, mọi thứ về nhân quyền và quyền lao động đều được đặt lên bàn đàm phán, ông Phil Robertson chỉ ra điểm khác biệt.
Vào năm 2013, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền của ông Phil thậm chí còn đón một phái đoàn chính phủ Việt Nam đến thăm trụ sở tại Washington, DC.
“Họ tham gia vào cuộc tranh luận kéo dài một tiếng rưỡi với nhân viên của chúng tôi về nhân quyền trong khuôn khổ đối thoại nhân quyền song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”
Chỉ trong vòng 10 năm, theo ông Phil Robertson, tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cho là “đi từ tồi tệ đến tệ hại hơn rất nhiều” và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện xây dựng một vòng kềm tỏa không chỉ đối với các tổ chức phi chính phủ này mà còn cả nguồn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ địa phương.
Việt Nam bác bỏ luận điểm của HRW là “thái quá, thù địch”
Trong một bài hôm 18/01/2023 trên trang Đảng Cộng sản, quan điểm chính thức của Nhà nước Việt Nam là “phê phán luận điệu xuyên tạc “nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ”.
Bài viết có đoạn:
“Các luận điệu phê phán theo lối tư biện nhân danh tính phổ quát của nhân quyền tự nhiên của cá nhân cùng lối suy diễn một chiều thái quá và mang động cơ thù địch về chính trị, đã dựa trên một số thông tin chưa được kiểm chứng cùng sự kỳ thị đối với Việt Nam để cường điệu hóa quyền của một vài cá nhân, mà bỏ qua quyền của các cá nhân, nhóm xã hội trực tiếp liên quan đến sự vi phạm nhân quyền của cá nhân đó.
“Cách nhìn nhận hết sức tồi tệ này thể hiện rõ trong các bản phúc trình nhân quyền toàn cầu của HRW; khi tổ chức này lâu nay liên tục báo động về “một xu hướng nhân quyền tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng tại Việt Nam”.
Nếu theo luận điệu này thì cho đến nay, HRW hầu như chẳng còn thu thập được chất liệu bảo đảm quyền con người nào ở nước ta để “sản xuất” phúc trình về nhân quyền. Đó chính là một logic hết sức tồi tệ của các luận điệu phê phán nhân quyền tại Việt Nam.”
Ngoài ra, bài của báo Đảng Cộng sản cũng phê phán việc “nhân danh nhân quyền phổ quát để che lấp ý thức hệ chính trị phương Tây”:
“Ý thức hệ chính trị này vốn đẫm màu sắc chủ nghĩa đế quốc văn hóa, xem văn hóa phương Tây là trung tâm, coi nhân quyền phương Tây chi phối nhân quyền phổ quát toàn thế giới và cao hơn chủ quyền quốc gia. Nó lại bị chi phối bởi nguồn kinh phí hoạt động của những cá nhân, tổ chức dân sự nước ngoài theo cơ chế thị trường và không thiện chí với Việt Nam.
“Nên điều dễ hiểu là nó thường sai sự thật, thiên vị, mang màu sắc chính trị thực dụng, vụ lợi, thậm chí nhiều khi có tính chống đối công khai, trắng trợn và quyết liệt. Từ đó nó dễ gây ra phản ứng tiêu cực trong dư luận Việt Nam và cả thế giới….”