Seite auswählen

26/04/2023

RFI

Không có kịch bản viết trước, máy quay đi mượn, kinh phí ban đầu chỉ với 7 triệu đồng, phim tài liệu “Đứa trẻ trong sương” đã ra mắt công chúng vào năm 2022, và tạo dựng được tên tuổi trên trường quốc tế, như được đề cử vào danh sách rút gọn của 15 bộ phim tài liệu xuất sắc nhất Oscar 2023.

Nhân vật Má Thi Di trong phim "Đứa trẻ trong sương" do đạo diễn Hà Lệ Diễm thực hiện.

Nhân vật Má Thi Di trong phim “Đứa trẻ trong sương” do đạo diễn Hà Lệ Diễm thực hiện. © Hà Lệ Diễm/ Varan Vietnam/ Cinéma du reel.

Xoay quanh nhân vật Má Thị Di, bộ phim kể về tục kéo vợ của người H’mong và những xung đột giữa văn hoá truyền thống và lối sống hiện đại, giữa cách biệt thế thệ và thời đại.

Cô bé Di 12 tuổi, xuất hiện ở đầu phim với những tiếng cười ngây thơ, trong trẻo của trẻ thơ, nô đùa cùng chúng bạn, chơi trò “kéo vợ”, tái hiện lại những phong tục của dân tộc H’mong. Trò chơi trẻ con ấy như là “một tấm gương phản chiếu thế giới của người lớn trong mắt của lũ trẻ, nhưng lại không phải thế giới thực của người lớn”, như nhận định của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Câu chuyện của cô bé Di 12 tuổi, được mở ra với hình ảnh màn sương trắng từ từ bao phủ, nhẹ nhàng nuốt trọn cả núi rừng, thơ mộng nhưng cũng đầy lo lắng. Đằng sau những “bản sương giăng, đèo mây phủ” đó, là những khung cảnh chân thực về cuộc sống của Di và bản làng H’mong, do chính nữ đạo diễn quay lại trong vòng 3 năm.   

Hà Lệ Diễm theo chân Di đi hái rau, gánh củi, lên nương, đến trường, làm đèn lồng, nô đùa cùng chúng bạn. Cũng như bao cô gái tuổi mới lớn, Di thường xuyên tranh cãi với cha mẹ. Rồi đến một ngày, Di đã biết yêu. Những năm tháng tuổi thơ ấy đã nhanh chóng bị khuấy đảo, như vội tan biến trong làn sương mù của đại ngàn. Vào mùa xuân, trong dịp Tết cổ truyền của người H’mong, Di gặp Vàng, lúc này cô bé mới 14 tuổi. Di đã đến nhà Vàng và nghĩ chỉ là đến chơi, nhưng lại bị Vàng “bắt vợ”. Hai ngày sau, Di được Vàng chở về nhà và hai bên gia đình bàn chuyện kết hôn cũng như thách cưới, nhưng quyền quyết định cuối cùng là từ hai người trẻ.  

Cô gái 14 tuổi nhất mực phản kháng, trốn lên trường học. Thầy cô và cán bộ xã đã đến can thiệp khuyên ngăn cuộc tảo hôn này. Vàng đã quyết định “bắt” Di một lần nữa, ngay tại nhà của cô. Thế nhưng, theo tục lệ của người H’mong, bố mẹ, hay những người lớn khác không có quyền can ngăn khi nhà trai đến kéo vợ, chỉ có chị em trong nhà và chính bản thân Di phải là người hành động. Không chỉ khai thác tâm lý nhân vật chính – Má Thị Di, máy quay của đạo diễn cũng cho thấy cuộc đấu tranh nội tâm của người mẹ : một bên phải tuân theo phong tục truyền thống, bên kia thì mong con hạnh phúc. Bởi theo người H’mong, con gái phải được kéo đi thì mới được tôn trọng, và người chồng đầu tiên được cho là người tốt nhất.

Bộ phim lên đến cao trào trước hình ảnh Di bị “kéo” đi ngay trước mặt người nhà, không khác gì một vụ bắt cóc giữa ban ngày, chân tay em giẫy giụa, phản đối, kêu cứu thảm thiết. Chỉ còn cách xe máy của Vàng vài mét, chân của Di đã mắc được vào cột và có thêm thời gian trước khi mẹ của Di, bà Say đến. Dường như bà chấp nhận “nhận lại con”, bà kêu hai đứa uống chén rượu chia tay, để Di nói rõ với Vàng là không yêu, không cưới, chấm dứt ý định kéo vợ. Bà chấp nhận việc Di từ chối bị kéo, chẳng khác nào như chứng kiến con gái li dị, qua một đời chồng. 

“Đứa trẻ trong sương” lần đầu tiên ra mắt công chúng quốc tế vào tháng 11/2021, tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (IDFA). Tại đây, Hà Lệ Diễm đã giành được giải “đạo diễn xuất sắc nhất”. Sau đó, nữ đạo diễn đã mang phim tham dự hơn 100 liên hoan phim lớn nhỏ trên khắp thế giới. Gần đây nhất, “Đứa trẻ trong sương” đã được đề cử vào TOP 15 phim tài liệu xuất sắc trong danh sách rút gọn của giải Oscar danh giá.   

Phim tài liệu mang tính nhân văn

Trong khuôn khổ chương trình Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 45 (REEL 2023), diễn ta tại Paris từ ngày24/03-02/04, bộ phim đã được chiếu tại phòng chiếu phim của bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet hôm 02/04. Vào liên hoan phim REEL lần thứ 44 (2022), “Đứa trẻ trong sương” đã giành được giải Clarens (Prix Clarens du documentaire humaniste) về phim tài liệu mang tính nhân văn. Sau phần công chiếu là mục thảo luận, bàn tròn nói về tính nhân văn trong phim tài liệu này với sự góp mặt của đạo diễn Hà Lệ Diễm, đại diện sản xuất Trần Phương Thảo và chủ tịch của Hiệp hội Clarens. Cuộc giao lưu, tranh luận nhằm làm sáng tỏ sự can thiệp của đạo diễn trong phim.  

Bàn tròn nói về tính nhân văn trong phim tài liệu do bảo tàng Guimet, Paris, Pháp, tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu quốc tế (Cinéma du reel), ngày 02/04/2023.

Bàn tròn nói về tính nhân văn trong phim tài liệu do bảo tàng Guimet, Paris, Pháp, tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu quốc tế (Cinéma du reel), ngày 02/04/2023. © RFI

Phim tài liệu cũng có những thể loại tài liệu khác nhau. Có phim tài liệu thuộc thể loại nhân chủng học, về khoa học, về du lịch, hay mang tính nhân văn. Riêng về phim tài liệu mang tính nhân văn, đó là những thước phim ghi lại mảnh đời thực từ những con người thực, hướng đến việc phơi bày một vấn đề xã hội, có thể là vấn đề chung hoặc của một bộ phận trong xã hội. Phim nêu bật những khó khăn, xung đột mà nhân vật gặp phải và các giải pháp mà họ đưa ra để giải quyết vấn đề. Đó là trường hợp của phim “Đứa trẻ trong sương”.  

Có mặt tại bàn tròn, ông Robert Thierry, chủ tịch hiệp hội Clarens, chuyên thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động văn hoá, xã hội, mang giá trị nhân văn, nhận định : “chắc chắn rằng ‘Đứa trẻ trong sương’ đã  bày tỏ những điểm mạnh về tính nhân văn, đó là lòng thương cảm đối với người khác. Sự thấu cảm đó có thể dễ dàng nhận thấy trong bộ phim. Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể thấy được mối liên hệ, tình bạn giữa Diễm và Di và gia đình cô bé. Đó là  một mối liên hệ chặt chẽ giữa Diễm và thế giới mà đạo diễn đang tìm hiểu, khi băng qua những làn sương mây. Tính nhân văn được thể hiện qua sợi dây thương cảm và góc quan sát rất nhân văn đối với những khoảnh khắc khác nhau trong đời thường của gia đình Di của người H’mong, cũng như mong muốn của đạo điễn, không muốn để Di bị kéo đi, theo những phong tục cổ xưa. Mong muốn ấy đã tạo ra một sức mạnh cho đạo diễn để thực hiện phim, và đó cũng chính là lý do mà hội đồng giám khảo của giải Clarens đã chọn trao giải cho “Đứa trẻ trong sương”.   

Đạo diễn là “đồng minh” của nhân vật 

Câu chuyện của cô bé Di, 12 tuổi, cũng giống như số phận của bao cô gái tuổi vị thành niên người H’mong phải đối mặt với tục “bắt vợ”Theo Alexandre Levray, phụ trách Liên hoan phim quốc tế Amiens, thông qua nhân nhân vật Di, “người ta có thể thấy tuổi thơ của một cô bé, muốn lớn lên theo một cách khác, nhưng lại không có lựa chọn. Bộ phim tài liệu đầu tay của Hà Lệ Diễm, được xây dựng dựa trên sự gần gũi với nhân vật của mình, và đặt câu hỏi về khoảng cách cần có với nhân vật. Điều này khiến chúng ta nhớ đến một số bộ phim của Herzog, đẩy nhân vật đến giới hạn của họ, nhưng ở trong Đứa trẻ trong sương thì ngược lại, nữ đạo diễn trở thành đồng minh của nhân vật”.      

Quả thật, mối quan hệ giữa Diễm và Di không chỉ là giữa một đạo diễn và nhân vật được quay, mà như hai chị em, hai người bạn. Trong suốt 92 phút, người xem có thể dễ dàng cảm nhận được sự hiện diện của đạo diễn qua những màn đối thoại giữa Diễm và Di trong những câu chuyện đời thường nhất, cho đến những câu thoại ngắn ngủi, đủ để bộc lộ cảm xúc của nhân vật như “Di có chịu lấy chồng không?” – “Không. Di bảo thằng nào kéo Di thằng đó là dở hơi.”   

Không chỉ Di mà gia đình và bản làng cũng vậy, dường như chẳng ai thấy lạ lẫm, hiếu kỳ hay ngại ngùng trước máy quay, coi đạo diễn và máy quay là một, để cô tự do kể về thế giới của cô bé H’mong bằng nhãn quan riêng của mình. Để tạo được mối quan hệ không có hoặc rất ít khoảng cách đó giữa đạo diễn và nhân vật, tại bàn tròn sau buổi chiếu phim ở bảo tàng Guimet, Hà Lệ Diễm thuật lại nhận định từ bố của Di, ông Phò, người đã hỗ trợ Diễm rất nhiều để tiếp cận với văn hoá H’mong của bản làng : “Mấy ngày đầu mới đến, bố Di chở thẳng ra ruộng trồng lúa cùng mọi người luôn. Tôi cũng vào làm cùng mọi người, làm liên tục hai ba ngày. Bố Di mới thấy là con bé này sống sót được như ở H’mong ở trên Sa Pa. Do vậy, ông ấy để tôi thích làm gì thì làm, thích ở lại nhà thì ở.”  

Đạo diễn quên đi nhiệm vụ của mình ?   

Khán giả có thể cảm nhận được sự hiện diện đó rõ hơn khi Di cất tiếng kêu cứu: “Chị Diễm ơi cứu em !”, trong lúc đang vùng vẫy khi bị gia đình nhà trai kéo ra đến cổng. Người xem dường như nín thở cùng đạo diễn, vì bất lực vì căng thẳng, vì lo lắng cho số phận của Di, khi Diễm quay máy quay, hướng về phía mẹ Di và gọi : “Chị ơi..!” Kể về chi tiết này, Hà Lệ Diễm cho biết, cô đã được bố mẹ Di giải thích về việc bố mẹ không được can ngăn, Di phải tự phản kháng và chỉ có anh chị em trong nhà mới được ra kéo Di về và Diễm cũng được coi như anh chị em trong nhà. Cô nói thêm : “Lúc mà mọi người xúm vào kéo Di, Di đã lao vào ôm chân của tôi, và tôi đã phải buông máy quay ra. Tôi đưa tay ra kéo Di. Bình thường tôi rất là khoẻ nhưng không thể nào khoẻ bằng 3 4 người đàn ông. Họ lôi Di ra ngoài cửa luôn. Bà nội Di đã chặn tôi lại, không cho tôi giúp Di. Lúc đó, tôi đã ra chất vấn Vàng: -“Tại sao em lại kéo ? Em đã hứa với chị rồi mà, nhưng Vàng trả lời tỉnh bơ : – “Em có hứa bao giờ đâu”.  Lúc tôi cầm máy quay lên, đầu óc tôi trắng xoá, đến lúc Di gọi tên tôi thì tôi giật mình, tôi sợ nhất là Di bị bưng lên xe máy là đi luôn.”   

Làm phim tài liệu là hoàn toàn chủ quan ?  

Cảnh kéo vợ cũng chính là phút cao trào, đắt giá nhất trong phim và đặt ra câu hỏi về vị trí của đạo diễn nằm ở đâu, là một người đứng ngoài xem quay lại, hay cũng là một người trong đó ? Việc có quan hệ thân thiết với nhân vật, phải chăng đã khiến đạo diễn quên đi nhiệm vụ của mình, quên đi mất tính khách quan cần có ? Trả lời câu hỏi này, Hà Lệ Diễm nhận định rằng thể loại phim tài liệu mà cô làm là hoàn toàn chủ quan. Trước tiên là từ việc chọn nhân vật chính, góc quay, cho đến lúc dựng phim. Có những người lựa chọn đặt máy quay một chỗ, để mọi chuyện diễn ra tự nhiên. Có những người thì quyết định vác máy đi mọi nơi, theo sát nhân vật, cho thấy sự hiện diện của mình ở đó.   

Trong vòng 3 năm theo chân Di, nữ đạo diễn cho biết đã nhiều lần khó có thể giữ vững cảm xúc, đã có lúc giận và buồn, bỏ về luôn khi phải chứng kiến những chuyện liên quan đến Di và bố mẹ. Cô nói : “Di có bao nhiêu nỗi buồn, Di đổ lên đầu tôi, bố mẹ Di cũng vậy. Khi làm phim tài liệu, thì bao nhiêu năng lượng tiêu cực của nhân vật cũng ảnh hưởng đến mình rất nhiều”. Có lần Di và Diễm cùng đi xem phim với nhau, khi xem lại những cảnh được quay, cô bé Di đã hỏi đạo diễn, lúc đó chị giận như vậy mà vẫn quay được à ? Cô trả lời : “nếu không quay lại thì làm sao Di có thể xem lại được cảnh lúc đó diễn ra như thế nào”.  

Trên thực tế, Di đã tự cứu lấy mình. Nữ đạo diễn thuật lại những lời căn dặn của mẹ cô bé, nói với Di “nếu không muốn bị kéo đi, thì phải hết sức vùng vẫy, như một con lợn, đập chân tay xuống đất, còn nếu đồng ý cưới thì cứ thế đi lên xe về nhà họ”. Đó chính là lời giải thích về cảnh Di hết sức bình sinh, kháng cự, trong cảnh đắt giá nhất phim.    

Khi được hỏi về sự hiện diện của đạo diễn liệu có can thiệp, ảnh hưởng đến quyết định, mong muốn kháng cự, muốn giải thoát khỏi tục kéo vợ của cô bé Di hay không ? Hà Lệ Diễm nhớ lại có lần Di gọi mình đến và hỏi – “theo chị thì em có nên lấy chồng không ?” cô hỏi lại Di –“Sao em bảo em muốn đi học mà giờ lại đổi ý, muốn đi lấy chồng ?” rồi Di bảo – “xong rồi, đi !” Theo nữ đạo diễn sinh năm 1991, thực ra Di đã có quyết định cuối cùng của mình, Di chỉ muốn nghe xem ai đứng về phía mình hay không thôi. Khi mình có mặt ở đó, cầm máy quay, thì không thể coi như vô hình được, “bởi nếu không trả lời cũng là tác động mà trả lời cũng là tác động”.  

Hiện “Đứa trẻ trong sương” đang được công chiếu tại khắp các rạp trong hệ thống Beta Cinemas, DCINE và Lotte Cinema tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam. Phía nhà sản xuất phim cho biết, đã ghi nhận ít nhất 12 000 lượt xem. Gần 3 năm sau khi đóng máy, Má Thị Di nay đã trưởng thành, cô gái 19 tuổi đã hoàn thành chương trình học phổ thông,  kết hôn và sinh con với người mình yêu mà không theo tục lệ kéo vợ. Hiện Di cùng mẹ đang bán quan mạng đồ thổ cẩm do chính mình làm ra.