CaliToday News – Lời nói đầu: Gần đây, có dư luận cho rằng Hiệp Định Geneva 1954 không thiết lập ra hai Quốc Gia, cho nên cuộc chiến từ 1954 đến 1975 chỉ là một cuộc nội chiến. Vì là nội chiến, nên không có việc Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra cũng còn dư luận thắc mắc về hai chữ Quốc Gia đối chọi với Cộng Sản. Vì thế, tác giả đã tham khảo nhiều tài liệu để viết ra bài này.
Trước khi đi sâu vào vấn đề Hiệp Định Geneva 1954, cần phải lược qua tình hình Việt Nam từ thế kỷ thứ 19. Hòa ước Giáp Thân 1884, ký kết giữa quân xâm lăng Pháp và Nhà Nguyễn, đã trao quyền bảo hộ Việt Nam cho Pháp. Các Vua Nhà Nguyễn đều phải chấp nhận điều hành quốc gia dưới sự chỉ đạo của thực dân Pháp. Bất bình với hòa ước mất nước này, nhiều cuộc cách mạng đã nổ ra nhưng đều thất bại. Khởi đầu là cuộc kháng chiến của Tôn Thất Thuyết dưới danh nghĩa “Cần Vương”, phò Vua Hàm Nghi phất ngọn cờ kháng chiến. Khởi nghĩa thất bại, Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, đầy sang Pháp. Tiếp theo là các cuộc khởi nghĩa của các anh hùng Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Hoàng Hoa Thám, Đinh Công Tráng, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Thái Học.. nhưng chỉ thành công trong một phạm vi nhỏ rồi tan vỡ. Pháp chiếm lĩnh toàn bộ Viêt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu.
1)Tình hình chính trị và chiến sự Việt Nam dẫn đến Hội Nghị Geneva.
Khi Thế Chiến thứ Nhất khởi động, Pháp buộc thanh niên Việt Nam phải tòng quân đi lính để chết thay cho lính Pháp. Thế Chiến thứ Hai cũng thế, thanh niên Việt phải nhập ngũ và bỏ xác tại các mặt trận xa quê hương. Sau khi Pháp thua trận ở Đông Nam Á, quân đội Nhật tiến vào Việt Nam giải giới Pháp, Pháp bỏ chạy. Năm 1945, Nhật thua trận, Pháp trở lại Việt Nam. Chính trong giai đoạn này, ngày 14 tháng 6, năm 1946, tại Hội Nghị Fontainebleau, Hồ Chí Minh, đại diện cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký thỏa ước mời Pháp trở lại Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, Việt Minh (tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) được sự yểm trợ tích cực của Liên Sô và Trung Cộng, đã không tuân theo hiệp ước này và tổ chức du kích chiến (guerilla warfare) trên miền Bắc Việt Nam. Thời gian ấy, chính phủ Pháp phải đương dầu với tình hình kiệt quệ về tài chánh và quân sự sau thế chiến, không thể điều thêm quân sang các xứ bảo hộ, trong đó có Việt Nam. Việt Minh lợi dụng cơ hội này, vừa đánh du kích, vừa gài gián điệp, vừa biến chiến tranh du kích thành các cuộc đánh lớn chống Pháp.
Với nước Pháp, tuy phải lo ổn định nền tài chánh và kinh tế èo uột của minh, nhưng vẫn còn một số tướng lãnh có tham vọng giữ lại chế độ Thực Dân tại Indochina. Pháp đã chỉ định Navarre làm Tướng chỉ huy của Pháp tại Việt Nam, mong ổn định tình hình chiến sự của nước thuộc địa này. Sau mấy trận đánh bị thua thê thảm, Navarre bầy ra kế hoạch dụ Việt Minh vào trận Điện Biên Phủ, một thung lũng nhỏ tại cao nguyên tây bắc, trên đường sang Luang Prabang của Lào, hy vọng với sự bố trí sẵn các ụ pháo nặng chung quanh địa điểm này, sẽ tiêu diệt Việt Minh nếu Việt Minh dám tấn công. Nhưng Pháp không ngờ là Trung Cộng lại nhiệt tình yểm trợ Việt Minh trong trận đánh này! Chính Tướng Vy Quốc Thanh, nhận lệnh của Bắc Kinh, chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ, và ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp thi hành, bất chấp sẽ phải hy sinh hàng vạn dân quân miền Bắc. (Võ Nguyên Giáp, sau này trả lời phỏng vấn của một phóng viên Pháp, đã nói: “dù có phải hy sinh cả trăm ngàn quân, mà dành được chiến thắng, chúng tôi cũng sẵn sàng hy sinh.”) Vì “chiến thuật Biển Người”, thí quân như thế, mà tổn thất cả hai bên rất cao, mỗi bên chết và bị thương vài chục ngàn người, chưa kể những người dân trong các vùng chung quanh bị buộc phải gánh đạn, vận chuyển lương thực cho bộ đội, đã chết vì bệnh, vì kiệt sức nhiều đến nỗi không thể đếm được. Vì thế, mà Pháp phải đầu hàng. Với sự thua trận này, Pháp thấy không thể còn trụ lại tại Việt Nam nữa, đương nhiên tính đến việc phải bỏ chạy. Dựa vào sức ép của quốc tế, Pháp chấp nhận tham dự Hội Nghị Geneva để bàn về việc rút lui khỏi Việt Nam.
2) Tình hình chung quanh Hội Nghị Geneva.
Tháng 4 năm 1954, các nhà ngoại giao đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Liên Sô, Trung Cộng, Pháp và Anh đã họp tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập. Cuộc họp này nhằm giải quyết những vấn đề xung đột tại Đông Nam Á Châu, gồm Việt Nam, Lào và Cambodia. Trên hết và quan trọng nhất là vấn đề giao tranh giữa Việt Minh, đại diện cho khối Cộng Sản Quốc tế và Thực Dân Pháp. Chính phủ hợp pháp của Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo, thập niên đó, quá yếu, vì thay đổi liên tục nên không được quốc tế tôn trọng, không được hỏi ý kiến. (Từ 1948 đến 1954, Quốc Trưởng Bảo Đại thay đổi 6 lần Thủ Tướng: Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn văn Tâm, Bửu Lộc, và cuối cùng là Ngô Đình Diệm 1954-1955).
Buổi trưa ngày 20 tháng 7 năm 1954, sau khi giải quyết xong các vấn đề của Cambodia, Lào, những vấn đề quan trọng còn lại về Việt Nam đã được các bên đồng ý rằng một đường ranh chia cắt nước Việt Nam sẽ là vĩ tuyến 17 và một cuộc bầu cử đế thống nhất hai miền sẽ là tháng 7 năm 1956, hai năm sau cuộc ngừng bắn. Một yếu tố quan trọng là “Thỏa Hiệp Về Sự Ngưng Tính Thù Địch tại Việt Nam” (The “Agreement on the Cessation of Hostilities in Vietnam”) đã được ký bởi Pháp và Tư lệnh Việt Minh, không có Việt Nam! Theo sự đề nghị của Chu Ân Lai, một hội đồng Quốc Tế Kiểm Soát (The International Control Commission – viết tắt là ICC) với chủ tịch là Ấn Độ, và hai thành viên Canada và Ba Lan, được chỉ định để kiểm soát việc ngừng bắn. Hiệp định Geneva chính thức được đưa ra cho 7 thành viên ký, nhưng 2 thành viên là Mỹ và Quốc Gia Việt Nam từ chối ký vào hiệp định. Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ, nhận lệnh của Hoàng Đế Bảo Đại, làm Trưởng Phái đoàn đại diện Quốc Gia Việt Nam, không chấp nhận ký vào Hiệp Định Geneva vì không chấp nhận chia cắt Việt Nam và nhân danh phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng:
“… Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở.”
3)Nội dung Hiệp định Geneva:
Một cách vắn tắt, hiệp định Geneva liên quan đến Việt Nam, ký ngày 21 tháng 7 năm 1954, có những điểm quan trọng như sau:
1-Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia Độc Lập, chấm dứt 75 năm cai trị bởi người Pháp.
2-Một vùng “trái độn” sẽ chạy dài dọc theo vĩ tuyến 17 cho cả hai bên Nam, Bắc, để cho các lực lượng của hai bên sẽ tập trung lại sau khi họ đã rút lui
3-Một khu phi quân sự có chiều ngang là 3 dặm (4.8 cây số) sẽ được thiết lập dọc theo vùng “trái độn” của mỗi bên.
4-Các lực lượng của Liên Quân Pháp sẽ tập trung tại phía Nam của vĩ tuyến, Việt Minh ở phía Bắc của vĩ tuyến.
5-Dân chúng được tự do chuyển vùng trong vòng ba trăm ngày.
6-Cả hai miền không được tham dự vào bất cứ lực lượng quân sự đồng mình nào hoặc tìm kiếm trang bị cho quân đội.
7-Thiết lập một Hội Đồng Kiểm Soát Quốc Tế (ICC) trong đó có Canada, Ba Lan, và Ấn độ với vai trò chủ tịch, để kiểm soát việc đình chiến.
8-Một cuộc tổng tuyển cử với các phiếu bầu kín sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956, dưới sự kiểm soát của ICC.
Hiệp định được ký bởi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Pháp, Trung Cộng, Liên Sô, và Anh. Quốc gia Việt Nam lãnh đạo bởi Quốc Trưởng Bảo Đại, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, và Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ, từ chối ký vào hiệp định, còn Mỹ thì ghi nhận về sự đình chiến và tuyên bố rằng Mỹ sẽ kiềm chế những đe dọa hoặc sử dụng võ lực đề làm phiền họ.
Để tránh những quan niệm rằng sự chia cắt này sẽ là vĩnh viễn, một bản tuyên bố không có chữ ký (The unsigned proclamation), nói trong điều 6: “Hội nghị nhận thức rằng mục đích quan trọng của hiệp định liên quan đến Việt Nam là chấm dứt những nghi vấn có tính chất quân sự về sự chấm dứt sự thù địch, và vùng trái độn quân sự chỉ là tạm thời và không thể được định nghĩa như là thiết lập một thể chế chính trị hoặc một biên giới chính tri…”
Thực tế, Hiệp Định Geneva 1954 là một sự thất bại chính trị nặng nề cho quốc tế, vì Miền Bắc không tôn trọng hiệp định này, trừ việc chấp nhận vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự. Lý do thứ hai: Hiệp ước này đã được soạn thảo quá nhanh, chưa đầy hai tháng sau trận Điện Biên Phủ và chưa được mọi bên đồng thuận. Miền Bắc, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, mới đầu cũng ngần ngừ không ký vì không tin là có tổng tuyển cử sau 2 năm, nhưng sau vì áp lực của Bắc Kinh và điện Kremlin, đại diện Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký vào biên bản. Ngay sau đó, Việt Minh đã chuẩn bị kế hoạch xâm lăng miền Nam bằng cách gài lại một số điệp viên, làm căn cước giả, hoặc tình nguyện vào các trường Quân Sự, hoặc làm việc với chính quyền miền Nam, “chui sâu, trèo cao”, có kẻ làm tới Phụ Tá của Tổng Thống! (Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Thành Trung…) Một số lợi dụng hệ thống chùa chiền lỏng lẻo, cạo đầu làm sư, biến chùa làm cứ điểm ém quân. Tinh vi hơn nữa, là tại một số làng xã xa xôi, trước khi di chuyển ra Bắc, du kích buộc các cô thôn nữ phải lấy du kích, ngay cả thương bệnh binh, cố tình gieo thai cho những cô thôn nữ này, để một mai quay lại, thì đã có sẵn vợ và con làm gián điệp. Đây là sự kiện chứng tỏ Cộng Sản Việt Nam, theo lệnh của Cộng Sản Bắc Kinh, đã chính thức phản bội hiệp định Geneva, nhằm thực hiện mưu đồ của Cộng Sản Quốc Tế là nhuộm đỏ toàn bộ Đông Nam Á Châu, dần tiến chỗ Quốc Tế Đại Đồng, tức là nhuộm đỏ cả Thế Giới.
Về vấn đề hai quốc gia hay một quốc gia, thực tế cho thấy Việt Nam, được quốc tế gọi là “The State of Vietnam” hoặc “L’Etat du Vietnam”, dịch là Quốc Gia Việt Nam, là dòng chính của Lịch Sử, truyền từ đời Vua Hùng qua các thời đại đến Nhà Nguyễn, và Quốc Trưởng Bảo Đại là hậu duệ chính thức của Triều Nguyễn. Chính Quốc Trưởng Bảo Đại đã mời Ngô Đình Diệm, nguyên Thượng Thư Bộ Lại làm Thủ Tướng. Những yếu tố lịch sử này chứng minh Việt Nam là một Quốc Gia chính thức và hợp pháp. Sau cuộc Trưng Cầu Dân Ý, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã trở thành Tổng Thống, ông đã đổi tên nước là “Việt Nam Cộng Hòa”, được quốc tế chính thức công nhận là “The Republic of Vietnam”, một quốc gia có quan hệ ngoại giao cấp Đại Sứ với 101 quốc gia, và cấp Lãnh sự với 4 quốc gia khác. Năm 1957, Hoa Kỳ bảo trợ Viêt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc được Đại Hội Đồng bỏ phiếu, 40 thuận và 8 chống, trong đó có Liên Sô, Trung Cộng. Cuối cùng, Liên Sô dùng quyền lực phủ quyết (Veto) không cho quốc gia Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc với tư cách là thành viên chính thức, vì thế, cho tới 1975, Việt Nam Cộng Hòa vẫn chỉ là tham dự viên.
Trong khi đó, chính phủ miền Bắc là một thực thể có nguồn gốc từ một nhóm du kích Cộng Sản, tôn thờ ngoại bang: Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Khrushev (trong tất cả các cuộc mít-tinh có sự tham dự của Ban Lãnh Đạo Đảng và dân miền Bắc, đều trưng hình các lãnh tụ Cộng Sản Quốc Tế trên hình Hồ Chí Minh), mới được thành lập chính thức và hợp pháp, được quốc tế công nhận từ 1954, được coi như là một nước riêng biệt, có quốc hiệu là Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Điều quan trọng là khi chưa thành hình quốc gia thì dùng cờ đỏ, búa liềm để chiêu dụ nông dân và công nhân, nhưng sau khi thành công đã đổi quốc kỳ thành cờ đỏ, sao vàng, và có quốc ca chính thức là bài “Tiến Quân Ca”. Chính quyền này chỉ được 5 quốc gia Cộng Sản công nhận (Nga, Trung Cộng, Tiệp Khắc, Cuba, Bắc Hàn). Sự kiện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau 1975, đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Viêt Nam vẫn giữ cờ đỏ sao vàng, chứng tỏ hiển nhiên là nước này hoàn toàn KHÔNG CÓ ĐỘC LẬP, và chỉ là một quốc gia đàn em của Cộng Sản Trung Hoa, vì cờ Trung Cộng cũng là cờ đỏ nhưng có 5 ngôi sao vàng tượng trưng cho 5 quốc gia lệ thuộc hệ thống Cộng Sản Quốc Tế (Tây Tạng, Mông Cổ, Cuba, Bắc Hàn, và Việt Nam)
Trở lại việc xâm lăng hay nội chiến: Sự kiện chính quyền nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho hàng chục Sư đoàn kéo theo đại pháo, xe tăng, đi dọc đường mòn Trường Sơn, (mà sau này là Đường Mòn Hồ Chí Minh) tiến vào miền Nam thuộc Việt Nam Cộng Hòa, thì đã là khởi đầu một cuộc xâm lăng không tuyên bố, không khác gì Pháp xâm lăng Viêt Nam lần thứ hai dựa vào Hiệp Ước Fontainebleau do chính Hồ Chí Minh ký với Pháp. Đến năm 1975, khi từng đoàn xe tăng mang cờ đỏ sao vàng băng qua cầu Hiền Lương, vượt qua khu Phi Quân Sự của miền Nam, tấn công các thành phố miền Nam, thì là cuộc Xâm Lăng chính thức của thế kỷ 21, cũng không khác gì cuộc xâm lăng mà Nga chủ động tấn công Ukraine hiện tại, nghĩa là cực kỳ vô lý, vô chính nghĩa, và vô luật pháp.
Cũng như cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, miền Bắc đã áp dụng đúng “Xâm Lăng Tính” của các đội quân xâm lăng hung ác: bắt toàn bộ các nhân viên hành chánh, quân sự của phe bị xâm lăng vào các trại tù khổ sai, với mục đích cho chết dần mòn. Xử tử những ai chống đối. Xua đuổi trí thức, và những người có tài sản vào khu Kinh Tế Mới cũng để cho họ chết dần mòn. Hiếp dâm các người vợ của các quân nhân chế độ cũ bằng sự đe dọa đuổi đi Kinh Tế Mới. Tịch thu tài sản của tất cả những người có nhà cửa và thương mại. Đục tường, moi câu tiêu tìm vàng, nếu thấy vàng cất dấu thì lập tức bắt chủ nhà đi tù. Tuy chưa chôn toàn bộ học trò như Tần Thủy Hoàng, (có chôn học trò vào dịp Tết Mậu Thân tại Huế) mà chỉ đốt sách, nghĩa là muốn tiêu diệt cả tư tưởng của Việt Nam Cộng Hòa, thì việc nước Cộng Sản xâm lăng một nước Tự Do đã rõ như ban ngày, không ai có thể chối cãi được điều này.
Sau năm 1975, một số vị trí thức miền Nam cũ đã kêu gọi quốc tế mở lại Hiệp Định Geneva. Những vị này không hiểu tình thế, vì như đã nói trên, Việt Nam Cộng Hòa không ký tên vào hiệp định này! Đến gần đây, môt số dư luận cho rằng cuộc chiến 1954-1975 là cuộc nội chiến và không bên nào xâm lăng bên nào. Mong những vị đó nhìn vào thực tại của bán đảo Triều Tiên, hiện nay vẫn là 2 quốc gia đối nghịch nhau, hoặc nhìn vào Đài Loan và Trung cộng, để thấy cũng là hai quốc gia riêng biệt, dù cùng mầu da và tiếng nói, cho đến sang thế kỷ kế tiếp, không biết đã sát nhập nhau chưa.
Chu Tất Tiến, 26 tháng 4 năm 2023.
(Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford chính thức tuyên bố bỏ rơi Việt Nam: “Hôm nay, người Mỹ có thể lấy lại niềm hãnh diện đã có trước vấn đề Việt Nam. Nhưng điều đó không thể thực hiện được bằng cách tiếp tục chiến tranh.” (Today, Americans can regain the sense of pride that existed before Vietnam. But it cannot be achieved by re-fighting a war.)
Tham Khảo:
-The Geneva Accords of 1954, Jennifer Llewellyn, Jim Southey, Steve Thompson. Publisher: Alpha History
URL: https://alphahistory.com/vietnamwar/geneva–accords–of–1954/
–https://en.wikipedia.org/wiki/1954_Geneva_Conference
–https://www.britannica.com/place/Vietnam/The-two-Vietnams-1954-65
–https://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/2004/03/printable/040321_chineseadviserstwo
Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa” Chu Tất Tiến (Kỳ 1)
Cù Huy Hà Vũ
Tiếng Dân
30-4-2023
Tôi và Chu Tất Tiến, tác giả của nhiều bài viết dưới bút danh “Lính già Chu Tất Tiến”, là những “người quen” theo đúng nghĩa đen của từ này. Để cho rõ ràng hơn, sau đây tôi sẽ gọi anh là “Lính già Việt Nam Cộng hòa” Chu Tất Tiến.
Trước khi tôi bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào ngày 5 tháng 11 năm 2010 rồi sau đó kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chu Tất Tiến đã phỏng vấn tôi nhiều cuộc về hiện tình Việt Nam. Cuối năm ngoái, ông đã đến thăm tôi và vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại nhà chúng tôi tại Quận Cam (Orange County), Hoa Kỳ.
Quận Cam được mệnh danh “Little Sài Gòn, thủ đô của những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam” bởi nơi đây người Việt trên đất Mỹ mà tuyệt đại đa số có liên hệ đến Việt Nam Cộng hòa sống đông đảo nhất. Đông đảo đến nỗi ra đường ở các thành phố Garden Grove, Westminster… chỉ nghe rặt tiếng Việt, thi thoảng mới thấy một người Mỹ bản địa, dù trắng dù đen. Vì lý do này mà có người Việt sống tại đây nói: “Đêm nằm mơ đi Mỹ”! Còn vợ chồng tôi thì bảo nhau: Đây không chỉ là “Little Sài Gòn” mà thực sự là “Little Việt Nam”.
Chu Tất Tiến là con người bộc trực. Anh kể: “Khi tôi đang học ở một trường quân sự ở Mỹ thì xảy ra vụ lính Mỹ thảm sát 500 người dân ở Mỹ Lai. Tôi lập tức nổi sùng, lớn tiếng lên án tội ác này của lính Mỹ. Thế là tôi bị nhà trường liệt vào đối tượng ‘anti – American’.” Rồi Chu Tất Tiến lấy ra một quyển sách nhan đề “The undaunted voices for human rights in Vietnam” (Những tiếng nói kiên cường cho nhân quyền tại Việt Nam) và ký tặng tôi. Anh nói: “Cuốn sách này tập hợp những bài tôi phỏng vấn các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, trong đó có bài tôi phỏng vấn anh nhân ngày 30 tháng 4, đặc biệt sau khi anh gửi Quốc hội Việt Nam “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc” vào ngày 30/8/2010”.
Tôi nói với Chu Tất Tiến rằng Tòa án Việt Nam đã lấy Kiến nghị này làm một trong những bằng chứng để kết án tôi 7 năm tù và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bản án ghi rõ: “Bài: ‘Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc’. Vũ trả lời phỏng vấn đài RFA ngày 31/8/2010, đồng thời gửi lên trang “Bauxite Vietnam”. Vũ bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Phê phán Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây chia rẽ, thù hằn dân tộc bằng lời lẽ: “ …Tiếc thay cho ban lãnh đạo nhà nước Việt nam thống nhất đã không làm được như thế mà ngược lại – phải nói thật – còn sát muối vào vết thương chiến tranh chưa kịp lên da bằng việc tập trung cải tạo trong hàng năm trời cả trăm nhìn quân nhân viên chức VNCH, ….đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ vào vòng xoáy thù hận, dẫn đến một số quay ra chống chính quyền mới để rồi bị kết tội xâm phạm An ninh quốc gia”.
Chu Tất Tiến còn là một con người tài hoa và có quan hệ rộng rãi. Anh dạy võ, viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc và hát khá hay. Vợ chồng tôi đã được anh đôi lần mời đến dự những buổi biểu diễn văn nghệ do anh cầm chịch, với sự tham gia của hai con trai anh với tư cách nhạc công. Mới đây, anh còn giới thiệu tôi gặp một số người bạn của anh là cựu quan chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa, xuất thân Trường Quốc gia Hành chính để mạn đàm thời cuộc…
Những ngày cuối tháng Tư này, như mọi năm, những người Việt gốc gác Việt Nam Cộng hòa rầm rộ kỷ niệm “Ngày quốc hận 30-4” vì cho rằng ngày đó Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã cưỡng chiếm Việt Nam Cộng hòa dẫn đến họ “mất nước”. Chu Tất Tiến về phần mình viết bài “Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam” và gửi cho các diễn đàn trên mạng vào ngày 26/4 vừa qua.
Đây là một bài viết công phu nhưng đáng tiếc là nhiều thông tin và nhận định trong bài của anh rất sai sự thật. Tôi, với tư cách “phản biện chuyên nghiệp”, sẽ chứng minh điều này như sau đây (các phản biện của tôi được đặt dưới các câu, đoạn trích từ bài viết của Chu Tất Tiến).
Chu Tất Tiến viết: “Sau khi Pháp thua trận ở Đông Nam Á, quân đội Nhật tiến vào Việt Nam giải giới Pháp, Pháp bỏ chạy. Năm 1945, Nhật thua trận, Pháp trở lại Việt Nam. Chính trong giai đoạn này, ngày 14 tháng 6, năm 1946, tại Hội Nghị Fontainebleau, Hồ Chí Minh, đại diện cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký thỏa ước mời Pháp trở lại Việt Nam”.
– Trên thực tế, chỉ ba tuần sau khi Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố Việt Nam độc lập vào ngày 2/9/1945, đêm 23/9/1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ trực tiếp của quân Anh đã nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Tiếp đó, ngày 28/2/1946 Pháp đã ký với Trung hoa dân quốc một hiệp ước cho phép Pháp hay thế quân đội Trung hoa dân quốc giải giáp quân Nhật ở miền Bắc Việt Nam và thiết lập quyền kiểm soát của Pháp tại đây cũng như tại Lào và Campuchia. Đổi lại, vẫn theo hiệp ước này, Pháp nhượng lại cho Trung hoa dân quốc một số quyền lợi về kinh tế. Do đó, việc Pháp tiến quân ra miền Bắc chỉ còn là vấn đề thời gian. Để tạo sự hòa hoãn nhằm củng cố năng lực kháng chiến của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp là Jean Sainteny một hiệp định sơ bộ. Theo thỏa thuân này, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp và Chính phủ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào Việt Nam thay Trung hoa dân quốc để giải giáp quân Nhật, đạo quân này sẽ phải rút khỏi Việt Nam sau 5 năm. Như vậy, Hội nghị giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp tại lâu đài Fontainebleau ở Pháp từ ngày 6/7 đến ngày 10/9/1946 diễn ra sau khi quân Pháp đã vào Việt Nam. Mặt khác, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn mà không có sự tham dự của Hồ Chí Minh. Có thể kiểm chứng tại Wikipedia.
Chu Tất Tiến viết: “Chính Tướng Vy Quốc Thanh, nhận lệnh của Bắc Kinh, chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ, và ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp thi hành, bất chấp sẽ phải hy sinh hàng vạn dân quân miền Bắc. (Võ Nguyên Giáp, sau này trả lời phỏng vấn của một phóng viên Pháp, đã nói: “dù có phải hy sinh cả trăm ngàn quân, mà dành được chiến thắng, chúng tôi cũng sẵn sàng hy sinh.”) Vì “chiến thuật Biển Người”, thí quân như thế, mà tổn thất cả hai bên rất cao, mỗi bên chết và bị thương vài chục ngàn người, chưa kể những người dân trong các vùng chung quanh bị buộc phải gánh đạn, vận chuyển lương thực cho bộ đội, đã chết vì bệnh, vì kiệt sức nhiều đến nỗi không thể đếm được. Vì thế, mà Pháp phải đầu hàng.”
– Không có tài liệu nào, kể cả của Trung Quốc, cho thấy “Tướng Vy Quốc Thanh chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ và ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp”. Ngược lại, Hồi ức của Trương Đức Duy, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Văn Trang, nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt nam và Vương Đức Luân, nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam công bố nhân dịp 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004) đăng trên Báo điện tử “Hoa Hạ kinh vĩ”(Trung Quốc) ngày 7-4-2007 ghi rõ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Vi Quốc Thanh là Tổng cố vấn quân sự. Cố vấn quân sự các cấp của phía Trung Quốc ra tiền tuyến dốc toàn lực hiệp tác giúp đỡ.”
– Không có tài liệu nào cho thấy Quân đội nhân dân Việt Nam dùng “chiến thuật Biển người” trong chiến dịch Điện Biên Phủ cả. Ngược lại, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo phương châm “phải giành thắng lợi tối đa với xương máu tối thiểu.” Nhà cầm quân này của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tâm sự với tôi, Cù Huy Hà Vũ, vào ngày 4/9/2003: “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi là “kéo pháo ra”, thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” vì phương án đầu không bảo đảm chắc thắng. Khi tiễn tôi ra mặt trận, Bác chỉ dặn tôi: tướng quân tại ngoại, có chắc thắng thì hãy đánh, ngược lại là “hết vốn”. Mặt trận Nha Trang năm 1946 là một bài học xương máu. Được Bác cử đi thị sát mặt trận này, tôi nghiên cứu thấy thế địch mạnh hơn hẳn ta nên tôi đã yêu cầu các đồng chí chỉ huy mặt trận rút quân để bảo toàn lực lượng nhưng các đồng chí đó không nghe. Kết quả là mặt trận vỡ và quân ta bị tổn thất nặng nề. Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) sau này cũng vậy, tôi không tán thành đánh tiếp sau đợt 1 vì chắc chắn sẽ tiếp tục bị thiệt hại bởi yếu tố bất ngờ đã không còn. Tựu trung lại là phải giành thắng lợi tối đa với xương máu tối thiểu. Tôi là Võ nhưng lại là Văn vì tôi thương người, thương anh em chiến sĩ lắm”. Tôi đã thuật lại tâm sự này của danh tướng họ Võ trong bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Chân dung một huyền thoại” được tôi viết nhân dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, được nhiều sách báo Nhà nước Việt Nam và nước ngoài đăng (Sau khi bỏ tù tôi, chính quyền Việt Nam một mặt “đốt” các trang điện tử trong nước đăng bài viết này của tôi nhưng mặt khác, “cướp cạn” bản quyền của tôi đối với “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Chân dung một huyền thoại” để đặt tên cho các cuốn sách, bài báo, triển lãm vinh danh ông.) Theo ghi nhận tại Wikipedia, quân Pháp có 1.747 tới 2.293 người chết, 5.240 tới 6.650 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 bị bắt làm tù binh, Quân đội nhân dân Việt Nam có 4.020 người chết,[3] 9.691 người bị thương,[28] và 792 mất tích. Vậy không hiểu Chu Tất Tiến dựa vào nguồn tài liệu nào để khẳng định “mỗi bên chết và bị thương vài chục ngàn người”?!
Chu Tất Tiến viết: “Hiệp định được ký bởi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Pháp, Trung Cộng, Liên Sô, và Anh. Quốc gia Việt Nam lãnh đạo bởi Quốc Trưởng Bảo Đại, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, và Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ, từ chối ký vào hiệp định, còn Mỹ thì ghi nhận về sự đình chiến và tuyên bố rằng Mỹ sẽ kiềm chế những đe dọa hoặc sử dụng võ lực đề làm phiền họ.”
– Ngày 21/7/1954, tại Hội nghị Geneva, Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay mặt Tổng tư lệnh Quân dội nhân dân Việt Nam và Tướng Henri Delteil, Quyền Tổng Tư lệnh Lực lượng Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương, đã ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Như vậy, Hiệp định này, còn gọi là Hiệp định Geneva 1954, là một hiệp định giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp. Do đó, Chu Tất Tiến nói Trung Cộng, (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), Liên Sô và Anh” ký hiệp định này là hoàn toàn sai.
– Bản thân Chu Tất Tiến trước đó viết: “Chính phủ hợp pháp của Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo, thập niên đó, quá yếu, vì thay đổi liên tục nên không được quốc tế tôn trọng, không được hỏi ý kiến. (Từ 1948 đến 1954, Quốc Trưởng Bảo Đại thay đổi 6 lần Thủ Tướng: Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn văn Tâm, Bửu Lộc, và cuối cùng là Ngô Đình Diệm 1954-1955).” Khoan bàn đến chuyện có phải chính phủ của Bảo Đại vì quá yếu hay bị Pháp coi là bù nhìn của Pháp nên bị nước này gạt ra khỏi tiến trình đàm phán hiệp định đình chiến với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì việc chính phủ Quốc gia Việt Nam không được tham gia đàm phán hiệp định này là một rất rõ ràng. Cũng rất rõ ràng rằng một chính phủ chỉ có thể từ chối ký một hiệp định nếu chính phủ này là một bên đàm phán hiệp định! Do đó, việc Chu Tất Tiến khẳng định “Quốc gia Việt Nam lãnh đạo bởi Quốc Trưởng Bảo Đại, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, và Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ, từ chối ký vào hiệp định” chẳng những hoàn toàn sai sự thật mà còn mâu thuẫn gay gắt với chính mình.
Chu Tất Tiến viết: “Để tránh những quan niệm rằng sự chia cắt này sẽ là vĩnh viễn, một bản tuyên bố không có chữ ký (The unsigned proclamation), nói trong điều 6: “Hội nghị nhận thức rằng mục đích quan trọng của hiệp định liên quan đến Việt Nam là chấm dứt những nghi vấn có tính chất quân sự về sự chấm dứt sự thù địch, và vùng trái độn quân sự chỉ là tạm thời và không thể được định nghĩa như là thiết lập một thể chế chính trị hoặc một biên giới chính tri…”
– Viện dẫn này của Chu Tất Tiến rất thiếu chính xác khi so sánh với Điều 6 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 bằng tiếng Pháp và tiếng Anh.
Acte final de la conférence de Genève et déclarations annexes (21 juillet 1954).
6. La Conférence constate que l’accord relatif au Vietnam a pour but essentiel de régler les questions militaires en vue de mettre fin aux hostilités et que la ligne de démarcation militaire est une ligne provisoire et ne saurait en aucune façon être interprétée comme constituant une limite politique ou territoriale. Elle exprime la conviction que la mise en oeuvre des dispositions prévues dans la présente déclaration et dans l’accord sur la cessation des hostilités, crée les prémisses nécessaires pour la réalisation dans un proche avenir du règlement politique au Vietnam.
The Final Declarations of the Geneva Conference July 21, 1954.
6. The Conference recognizes that the essential purpose of the Agreement relating to Viet-nam is to settle military questions with a view to ending hostilities and that the military demarcation line is provisional and should not in any way be interpreted as constituting a political or territorial boundary. The Conference expresses its conviction that the execution of the provisions set out in the present Declaration and in the Agreement on the cessation of hostilities creates the necessary basis for the achievement in the near future of a political settlement in Viet-Nam.
Như vậy, “la ligne de démarcation militaire est une ligne provisoire et ne saurait en aucune façon être interprétée comme constituant une limite politique ou territorial” (tiếng Pháp) và “the military demarcation line is provisional and should not in any way be interpreted as constituting a political or territorial boundary” (tiếng Anh) tương đương trong tiếng Việt là “Đường ranh giới quân sự tạm thời không thể diễn giải theo bất cứ cách nào như là một ranh giới chính trị hay lãnh thổ.”
(Còn tiếp)
______
Tác giả:Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, từng là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.
Lưu ý của Tiếng Dân: Trong bài tranh luận này, một số nơi tác giả Cù Huy Hà Vũ sử dụng Wikipedia làm làm cơ sở để kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, Wikipedia không phải là nguồn tin đáng tin cậy. Chính Wikipedia có bài “Wikipedia is not a reliable source” (Wikipedia không phải là nguồn đáng tin cậy), vì nó có thể được bất kỳ ai đó chỉnh sửa vào bất cứ lúc nào, nhất là những thông tin về lịch sử, đôi khi được những người của “bên thắng cuộc” vào chỉnh sửa theo chủ ý của họ… Cho nên trang Wikipedia cảnh báo: Không nên coi Wikipedia là nguồn tham khảo dùng trong bài viết.
Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa” Chu Tất Tiến (Kỳ cuối)
Cù Huy Hà Vũ
Tiếng Dân
30-4-2023
Chu Tất Tiến viết: “Thực tế, Hiệp Định Geneva 1954 là một sự thất bại chính trị nặng nề cho quốc tế, vì Miền Bắc không tôn trọng hiệp định này, trừ việc chấp nhận vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự. Lý do thứ hai: Hiệp ước này đã được soạn thảo quá nhanh, chưa đầy hai tháng sau trận Điện Biên Phủ và chưa được mọi bên đồng thuận. Miền Bắc, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, mới đầu cũng ngần ngừ không ký vì không tin là có tổng tuyển cử sau 2 năm, nhưng sau vì áp lực của Bắc Kinh và điện Kremlin, đại diện Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký vào biên bản. Ngay sau đó, Việt Minh đã chuẩn bị kế hoạch xâm lăng miền Nam bằng cách gài lại một số điệp viên, làm căn cước giả, hoặc tình nguyện vào các trường Quân Sự, hoặc làm việc với chính quyền miền Nam, “chui sâu, trèo cao”, có kẻ làm tới Phụ Tá của Tổng Thống! (Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Thành Trung…) Một số lợi dụng hệ thống chùa chiền lỏng lẻo, cạo đầu làm sư, biến chùa làm cứ điểm ém quân. Tinh vi hơn nữa, là tại một số làng xã xa xôi, trước khi di chuyển ra Bắc, du kích buộc các cô thôn nữ phải lấy du kích, ngay cả thương bệnh binh, cố tình gieo thai cho những cô thôn nữ này, để một mai quay lại, thì đã có sẵn vợ và con làm gián điệp. Đây là sự kiện chứng tỏ Cộng Sản Việt Nam, theo lệnh của Cộng Sản Bắc Kinh, đã chính thức phản bội hiệp định Geneva, nhằm thực hiện mưu đồ của Cộng Sản Quốc Tế là nhuộm đỏ toàn bộ Đông Nam Á Châu, dần tiến chỗ Quốc Tế Đại Đồng, tức là nhuộm đỏ cả Thế Giới.”
– Đảng cộng sản Việt Nam không hề giấu giếm rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của Đảng là thống nhất đất nước bằng mọi giá. Do đó, Hiệp định Geneva 1954 mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Pháp chỉ là bước đầu tiên trên con đường thống nhất hai miền Nam – Bắc. Việc Quân đội nhân dân Việt Nam và các tổ chức đảng cộng sản chôn dấu vũ khí, cài người ở lại miền Nam trước khi tập kết ra miền Bắc theo Hiệp đinh cho thấy họ đã tính tới khả năng Mỹ và chính quyền miền Nam do Mỹ gây dựng sẽ không tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956 như Hiệp định quy định (mà Chu Tất Tiến có nhắc tới) và như vậy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các lực lượng cộng sản ở miền Nam phải tiến hành chiến tranh để thống nhất đất nước. Trên thực tế, dưới sự chỉ huy của Mỹ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm đã không thực hiện tổng tuyển cử để thống nhất đất nước đồng thời thực hiện chiến dịch “Tố cộng – Diệt cộng”. Wikipedia cung cấp nhiều nguồn tin về chiến dịch này. Trong khoảng thời gian 1955-1960, theo số liệu của Việt Nam Cộng hoà, đã có 48.250 người bị tống giam. Theo 1 nguồn khác từ Mỹ, đã có khoảng 24.000 người bị thương, 80.000 bị hành quyết hay bị ám sát, 275.000 người bị cầm tù, thẩm vấn hoặc với tra tấn hoặc không, và khoảng 500.000 bị đưa đi các trại tập trung.[22] Năm 2015, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng “Trong những năm 1954 – 1959, ở miền Nam đã có 466.000 đảng viên và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đày và 68.000 người bị giết. Như vậy, việc Việt Nam Cộng hòa vi phạm Hiệp định Geneva 1954 đã dẫn đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các lực lượng cộng sản ở miền Nam vi phạm Hiệp định bằng tiến hành chiến tranh ở miền Nam để thống nhất đất nươc.
– Chu Tất Tiến nói “Cộng Sản Việt Nam, theo lệnh của Cộng Sản Bắc Kinh, đã chính thức phản bội hiệp định Geneva” là hoàn toàn sai sự thật. Ngược lại là đằng khác. Chính Trung Quốc không muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất đất nước vì một Việt Nam thống nhất sẽ tiệt tiêu tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía Nam của họ. Đã có nhiều tài liệu cho thấy điều này mà mới nhất là “Bí mật lịch sử tháng 4 năm 1975: Trung Quốc định tung lính Dù nhảy xuống Biên Hòa chặn Bắc Việt?” đăng trên RFA ngày 26/4/2023. Theo tài liệu này, Trung Quốc đã cho người đến gặp ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên Phó trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng hòa tại Paris và đưa ra một kế hoạch can thiệp quân sự của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Bắc Việt chiếm Miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Cụ thể là Trung Quốc sẽ thả dù hai sư đoàn dù này xuống Biên Hòa trong khuôn khổ một “lực lượng quốc tế” sẽ được thành lập nếu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh yêu cầu quốc tế giúp đỡ
Chu Tất Tiến viết: “Về vấn đề hai quốc gia hay một quốc gia, thực tế cho thấy Việt Nam, được quốc tế gọi là “The State of Vietnam” hoặc “L’Etat du Vietnam”, dịch là Quốc Gia Việt Nam, là dòng chính của Lịch Sử, truyền từ đời Vua Hùng qua các thời đại đến Nhà Nguyễn, và Quốc Trưởng Bảo Đại là hậu duệ chính thức của Triều Nguyễn. Chính Quốc Trưởng Bảo Đại đã mời Ngô Đình Diệm, nguyên Thượng Thư Bộ Lại làm Thủ Tướng. Những yếu tố lịch sử này chứng minh Việt Nam là một Quốc Gia chính thức và hợp pháp. Sau cuộc Trưng Cầu Dân Ý, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã trở thành Tổng Thống, ông đã đổi tên nước là “Việt Nam Cộng Hòa”, được quốc tế chính thức công nhận là “The Republic of Vietnam”, một quốc gia có quan hệ ngoại giao cấp Đại Sứ với 101 quốc gia, và cấp Lãnh sự với 4 quốc gia khác. Năm 1957, Hoa Kỳ bảo trợ Viêt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc được Đại Hội Đồng bỏ phiếu, 40 thuận và 8 chống, trong đó có Liên Sô, Trung Cộng. Cuối cùng, Liên Sô dùng quyền lực phủ quyết (Veto) không cho quốc gia Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc với tư cách là thành viên chính thức, vì thế, cho tới 1975, Việt Nam Cộng Hòa vẫn chỉ là tham dự viên.”
– “Truyền” là “trao lại”, tức có sự kế thừa tự nguyện. Ở Việt Nam, không kể thời các Vua Hùng, đã có 10 triều đại phong kiến (vua đứng đầu quốc gia) là: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn và Nguyễn. Như vậy, các triều đại phong kiến kế tiếp nhau thông qua đảo chính hay lật đổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Bản thân triều đại Nguyễn đã kết thúc vào ngày 30/8/1945 khi Hoàng đế Bảo Đại – Nguyễn Phúc Vính Thụy đọc tuyên bố thoái vị và trao lại ấn và kiếm vàng tượng trưng quyền lực của Nhà Nguyễn cho đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bộ trưởng Trần Huy Liệu và Bộ trưởng Cù Huy Cận (Bảo Đại có kể chuyện này trong hồi ký “Con Rồng Việt Nam” (Le Dragon d’Annam) của ông). Do đó, Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng không phải là chính quyền được Nhà Nguyễn truyền lại, càng không phải chính quyền được các Vua Hùng truyền lại. Trên thực tế, Quốc gia Việt Nam là do Pháp dựng lên năm 1949 nhằm giúp Pháp chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi Pháp tái xâm lược Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Bản thân Việt Nam Cộng hòa ra đời trên cơ sở giải thể Quốc gia Việt Nam thông qua một cuộc “trưng cầu dân ý” do Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tổ chức, đồng nghĩa Việt Nam Cộng hòa không phải là chính quyền kế thừa Quốc gia Việt Nam vì không có sự chuyển giao tự nguyện chức vụ quốc trưởng Quốc gia Việt Nam từ Bảo Đại sang Ngô Đình Diệm. Như vậy, Chu Tất Tiến nói Việt Nam Cộng hòa là “truyền nhân” theo nghĩa chính thể thừa kế từ các Vua Hùng truyền lại là sai hoàn toàn so với lịch sử. Cũng như vậy, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là chính quyền được Nhà Nguyễn truyền cho, càng không phải chính quyền được các Vua Hùng truyền cho. Chỉ có Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “truyền nhân” của hai chính thể trước đó là Việt Nam Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam khi hai chính thể này cùng trao lại quyền lực cho nó vào ngày 2/7/1976.
– Theo Wikipedia, Việt Nam Cộng hòa được sự công nhận của 77 quốc gia, không phải 101 quốc gia như Chu Tất Tiến nói. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sự công nhận của khoảng 20 quốc gia. Tuy nhiên, để trở thành “quốc gia” theo đúng nghĩa thì chính quyền phải thực hiện được quyền lực của mình đối với toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Với lý do này, Việt Nam Cộng hòa và ngay cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến trước ngày 30/4/1975 cho dù được sự công nhận của một số quốc gia khác không phải là “quốc gia” vì không thực hiện được chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ quốc gia gồm cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Chỉ sau khi thống nhất đất nước, đặt toàn bộ lãnh thổ Việt Nam dưới sự kiểm soát của mình thì Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa và tiếp đó Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới trở thành “quốc gia” theo đúng nghĩa. Việc Liên Hợp Quốc kết nạp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thành viên vào ngày 20/9/1977 là sự xác nhận chính thức quy chế “quốc gia” của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chu Tất Tiến viết: “Trở lại việc xâm lăng hay nội chiến: Sự kiện chính quyền nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho hàng chục Sư đoàn kéo theo đại pháo, xe tăng, đi dọc đường mòn Trường Sơn, (mà sau này là Đường Mòn Hồ Chí Minh) tiến vào miền Nam thuộc Việt Nam Cộng Hòa, thì đã là khởi đầu một cuộc xâm lăng không tuyên bố, không khác gì Pháp xâm lăng Viêt Nam lần thứ hai dựa vào Hiệp Ước Fontainebleau do chính Hồ Chí Minh ký với Pháp. Đến năm 1975, khi từng đoàn xe tăng mang cờ đỏ sao vàng băng qua cầu Hiền Lương, vượt qua khu Phi Quân Sự của miền Nam, tấn công các thành phố miền Nam, thì là cuộc Xâm Lăng chính thức của thế kỷ 21, cũng không khác gì cuộc xâm lăng mà Nga chủ động tấn công Ukraine hiện tại, nghĩa là cực kỳ vô lý, vô chính nghĩa, và vô luật pháp.”
– Như trên đã nói, vĩ tuyến 17 theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 không phải là biên giới giữa hai quốc gia. Còn nếu Chu Tất Tiến phủ nhận hai văn kiện quốc tế này để tự ý chia Việt Nam thành hai quốc gia, Việt Nam Cộng hòa nằm phía Nam vĩ tuyến 17, thì Chu Tất Tiến giải thích thế nào Lời mở đầu Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1956 ghi câu “Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan”? Không lẽ Ải Nam quan nằm dưới vĩ tuyến 17!? Còn nếu Chu Tất Tiến thừa nhận Ải Nam Quan giáp giới với Trung Quốc là cực Bắc của Việt Nam Cộng hòa thì rõ ràng không có chuyện Việt Nam bị chia thành hai quốc gia, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cộng sản và Việt Nam Cộng hòa chống cộng, ở vĩ tuyến 17. Do đó, chiến tranh giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyệt nhiên không phải là một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia, mà là một cuộc chiến tranh giữa những người có chung một quốc gia là Việt Nam, còn gọi là “nội chiến” (civil war). Nói cách khác, không có chuyện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – miền Bắc “xâm lược” Việt Nam Cộng hòa – miền Nam vì thuật ngữ “xâm lược” chỉ áp dụng trong trường hợp quốc gia này tấn công quân sự quốc gia khác mà thôi!
Bên cạnh Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954, cùng ngày 21/7/1954, Chính phủ Mỹ còn ra một tuyên bố riêng, nhấn mạnh: “Chúng tôi chia sẻ hy vọng rằng các hiệp định sẽ cho phép Campuchia, Lào và Việt Nam đóng vai trò của mình với tư cách các quốc gia hoàn toàn độc lập, có đầy đủ chủ quyền, trong cộng đồng các quốc gia hòa bình, và sẽ cho phép người dân trong khu vực này quyết định định tương lai của chính mình.” Cùng trong Tuyên bố này, Chính phủ Mỹ khẳng định “Việt Nam là một quốc gia không thể bị chia cắt” khi tuyên bố: “Liên quan đến phát biểu trong tuyên bố liên quan đến bầu cử tự do ở Việt-Nam, Chính phủ Mỹ muốn làm rõ quan điểm của mình đã thể hiện trong tuyên bố tại Washington ngày 29 tháng 6 năm 1954, như sau: Trong trường hợp các quốc gia hiện bị chia cắt trái với ý muốn của họ, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách đạt được sự thống nhất thông qua các cuộc bầu cử tự do có sự giám sát của Liên Hiệp Quốc để đảm bảo rằng các cuộc bầu cử được tiến hành một cách công bằng.”
Điều 1 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam cũng nhắc lại lập trường “Việt Nam là một quốc gia không thể bị chia cắt” của Mỹ và các nước khác khi quy định: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận.”
Tóm lại, cả Hội nghị Genève 1954 lẫn Hội nghị Paris 1973 về Việt Nam nói chung, Chính phủ Mỹ nói riêng, đều khẳng định “Việt Nam là một quốc gia không thể bị chia cắt”. Từ đó toát lên một sự thật lịch sử là chiến tranh giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một cuộc nội chiến (civil war) vì đây là một cuộc chiến tranh giữa những người có chung một quốc gia Việt Nam, Do đó, việc Chu Tất Tiến và những ai khác nói rằng từ năm 1954 đến 1975 ở Việt Nam có hai quốc gia có biên giới là vĩ tuyến 17 để từ đó nói Việt Nam Dân chủ Cộng đã “xâm lược” Việt Nam Cộng hòa rõ ràng là sai sự thật lịch sử.
Chu Tất Tiến viết: “Sau năm 1975, một số vị trí thức miền Nam cũ đã kêu gọi quốc tế mở lại Hiệp Định Geneva. Những vị này không hiểu tình thế, vì như đã nói trên, Việt Nam Cộng Hòa không ký tên vào hiệp định này! Đến gần đây, môt số dư luận cho rằng cuộc chiến 1954-1975 là cuộc nội chiến và không bên nào xâm lăng bên nào. Mong những vị đó nhìn vào thực tại của bán đảo Triều Tiên, hiện nay vẫn là 2 quốc gia đối nghịch nhau, hoặc nhìn vào Đài Loan và Trung cộng, để thấy cũng là hai quốc gia riêng biệt, dù cùng mầu da và tiếng nói, cho đến sang thế kỷ kế tiếp, không biết đã sát nhập nhau chưa.”
– HIệp định Geneva 1954 được ký ngày 21/7/1954 giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp. Đến tháng 10/1955, Việt Nam Cộng hòa mới ra đời thì lấy đâu ra Việt Nam Cộng hòa “không ký tên vào hiệp định này”!
– Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) và Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) chỉ trở thành hai quốc gia độc lập từ khi gia nhập Liên Hợp Quốc vào tháng 9/1991. Do đó, chiến tranh Triều Tiên 1951-1953 giữa hai bên là chiến tranh giữa hai miền của cùng một quốc gia Triều Tiên và vì vậy là nội chiến.
– Đài Loan không phải là thành viên Liên Hợp Quốc. Năm 1979, Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thừa nhận chính phủ nước này là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Do đó, Đài Loan không phải là một quốc gia độc lập.
Kết luận lại, sự thật lịch sử không thể là hệ quả của một sự áp đặt, nhất là sự áp đặt đó đến từ những người thắng trận, mà phải được xác định thông qua các cuộc tranh luận nghiêm túc và khoa học với các bằng chứng khả tín chứ không bằng cảm tính. Cũng cần nói ngay rằng các cuộc tranh luận nghiêm túc loại trừ mọi từ ngữ dung tục, tục tĩu, mang tính mạt sát, phỉ báng. Trên tinh thần này, tôi rất mong nhận được phản hồi từ “Lính già Việt Nam Cộng hòa” Chu Tất Tiến và những người khác, nhất là quý vị từng là quân, cán, chính Việt Nam Cộng hòa, hầu dựng lại một cách chính xác nhất có thể các cuộc nội chiến ở Việt Nam trong thế kỷ 20 nói chung, nội chiến trong Chiến tranh Việt Nam nói riêng.
Tôi cũng mong muốn và hy vọng rằng thông qua các cuộc tranh luận như thế này các bên trong cuộc chiến sẽ hiểu nhau hơn. Điều này là vô cùng cần thiết để xóa mọi hận thù, hướng tới đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam thành một khối nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ, Hùng mạnh và Thịnh vượng. Bởi chỉ có vậy Việt Nam ta mới đủ sức đánh bại mọi cuộc xâm lăng đến từ Trung Quốc bành trướng cũng như hóa giải mọi thách thức khác của thời đại!
Kỷ niệm 48 năm Ngày Thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023)
Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 29/4/2023
_______
Tác giả:Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, từng là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.
Lưu ý của Tiếng Dân: Trong bài tranh luận này, một số nơi tác giả Cù Huy Hà Vũ sử dụng Wikipedia làm làm cơ sở để kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, Wikipedia không phải là nguồn tin đáng tin cậy. Chính Wikipedia có bài “Wikipedia is not a reliable source” (Wikipedia không phải là nguồn đáng tin cậy), vì nó có thể được bất kỳ ai đó chỉnh sửa vào bất cứ lúc nào, nhất là những thông tin về lịch sử, đôi khi được những người của “bên thắng cuộc” vào chỉnh sửa theo chủ ý của họ… Cho nên trang Wikipedia cảnh báo: Không nên coi Wikipedia là nguồn tham khảo dùng trong bài viết.
Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc? – Cù Huy Hà Vũ
LGT: Gần đây, cái tên Cù Huy Hà Vũ được nhắc tới nhiều trên công luận. Chúng tôi đã đăng một số bài về anh từ các cây viết khác, nay mời độc giả đọc bài viết của anh. Đây là ý kiến riêng của
Cù Huy Hà Vũ.
Ngoài cái tên gọi cho cuộc chiến này gây tranh cãi trong nhiều năm qua, bài viết sau đây của TS Luật Cù Huy Hà Vũ, bên cạnh việc tranh luận về cuộc chiến, còn bàn về chủ đề có thể gây tranh cãi, đó là cái tên gọi cho ngày kết thúc cuộc chiến này.
***
Năm nào cũng thế, cứ những ngày cuối tháng Tư người Việt gốc gác Việt Nam Cộng hòa ở hải ngoại rầm rộ kỷ niệm “Ngày quốc hận 30-4”. Họ cho rằng ngày đó Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Bắc Việt Nam đã cưỡng chiếm Việt Nam Cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Nam Việt Nam, dẫn đến họ “mất nước”.
Chu Tất Tiến, một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa đã viết bài “Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam” và gửi cho các diễn đàn trên mạng vào ngày 26/4 vừa qua.
Trong lời giới thiệu bài “Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa Chu Tất Tiến” gồm 2 kỳ đăng trên báo Tiếng Dân (2), được đăng lại trên Facebook Cù Huy Hà Vũ, tôi đã chứng minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa không phải là hai quốc gia độc lập. Thực vậy, vĩ tuyến 17 theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 không phải là biên giới giữa hai quốc gia.
Lời mở đầu Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1956 ghi câu “Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan.” Do đó, chiến tranh giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyệt nhiên không phải là một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia, mà là một cuộc chiến tranh giữa những người có chung một quốc gia là Việt Nam, còn gọi là “nội chiến” (civil war).
Nói cách khác, không có chuyện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – miền Bắc “xâm lược” Việt Nam Cộng hòa – miền Nam vì thuật ngữ “xâm lược” chỉ áp dụng trong trường hợp quốc gia này tấn công quân sự quốc gia khác mà thôi!
Khi giới thiệu bài viết nói trên của tôi, tôi đã đặt câu hỏi tại sao những người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt ở Mỹ, lại hận thù Nhà nước Việt Nam hiện hành dai dẳng đến như vậy, khi mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua và Mỹ, quốc gia mà họ nhập tịch, đã có quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 30 năm nay. Bạn Thuy Nguyen hồi đáp: “Họ nhớ dai vì chính quyền VN nào cho quên? Vẫn ăn mừng chiến thắng đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Và hơn nữa, trẻ em bên Mỹ hoàn toàn độc lập trong suy nghĩ, sự nhắc nhở này chỉ nói lên tại sao họ có mặt ở đất nước này. Đó là lý do cá nhân, không có chủ trương, định hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!”
Quả vậy, trên báo của Đảng cộng sản Việt Nam và các báo khác ở Việt Nam (báo Nhà nước đương nhiên, vì tư nhân không được ra báo) đều xuất hiện dòng chữ “Chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2023)”.
Bản thân tôi cách đây 13 năm đã yêu cầu Nhà nước Việt Nam bỏ cách diễn đạt ngày 30/4 thành “Ngày giải phóng Miền Nam”, “bởi nó – tôi nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 29/4/2010 có tiêu đề “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ” (3) – “dễ bị diễn giải thành ‘Miền Bắc thôn tính Miền Nam’ và trong trường hợp đó lại trở thành mầm mống gây chia rẽ Bắc – Nam không chỉ trong nhân dân mà trước hết và ngay trong chính nội bộ những người cộng sản. Mặt khác, không thể nào thực hiện được hoà hợp, hoà giải với những người Việt bên kia chiến tuyến như Nhà nước cộng sản Việt Nam chủ trương nếu Nhà nước này vẫn duy trì cách diễn đạt mang đậm chất ‘thắng – thua’ như trên”.
Và tôi đã đề nghị, chỉ dùng “Ngày Thống nhất Đất Nước” để diễn đạt biến cố lịch sử này. Kết cục là Nhà nước Việt Nam chẳng những không nghe lời nói phải này của tôi để thực thiện Hòa Giải Dân Tộc mà lại còn bỏ tù tôi vì đã nêu ra yêu cầu này cũng như các kiến nghị đổi mới chính trị khác trong bài trả lời phỏng vấn nói trên của tôi.
Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nỗ lực truyền lại sự thù hận cho con, cháu họ như một “di sản”. Hầu hết sinh hoạt công đồng của “người Việt tỵ nạn cộng sản” diễn ra với sự tham dự của con, cháu họ đều bắt đầu bằng màn chào quốc kỳ Cộng hòa Việt Nam Cộng hòa – cờ vàng ba sọc đỏ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa và những diễn ngôn kêu gọi xóa bỏ, thậm chí lật đổ Nhà nước Việt Nam hiện nay do Đảng cộng sản lãnh đạo. Như vậy, đó không đơn thuần là sự nhắc nhở lý do họ và con cháu họ có mặt ở Mỹ, mà là lời kêu gọi phục thù không hơn không kém!
Tư tưởng phục thù này đã ít nhiều thành công khi có một số người trẻ tuổi gốc Việt tổ chức các “Đại hội hậu duệ Việt Nam Cộng hòa” để “nguyện cùng đứng lên đón nhận trọng trách và nối tiếp con đường của thế hệ Cha Anh kiêu hùng, để tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng Hoà và điều tâm niệm phụng sự cho Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm được duy trì mãi mãi trong những thế hệ mai sau”, như Đại hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019 (4) đã dõng dạc tuyên bố trong Thư ngỏ. Tại Đại hội Hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại năm 2022, cựu tướng Mỹ gốc Việt, ông Lương Xuân Việt, con của một cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hòa và là Thiếu tướng gốc Việt đầu tiên của quân đội Mỹ, đã thổ lộ nỗi đau “mất nước” và thẳng thừng gọi cộng sản Việt Nam là “giặc”, được cử tọa rào rào vỗ tay tán thưởng (5).
Cho dù Nhà nước Việt Nam có nghiêm túc coi đây là mầm mống của phiên bản “Chiến tranh Việt Nam” trong tương lai hay không thì sự kêu gọi phục thù từ người Việt chống Cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa cùng với hưởng ứng nhiệt thành của “hậu duệ” của họ, trong đó có sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ, càng làm cho Nhà nước Việt Nam tin rằng “các thế lực thù địch” muốn thanh toán họ là hiện hữu!
Về ý kiến, theo đó trẻ em gốc Việt bên Mỹ mà có hận thù cộng sản Việt Nam thì là tự ý chúng chứ “không có chủ trương, định hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!”, tôi cho rằng đó là một so sánh không chuẩn. Thực vậy, Đảng Cộng sản đang thực hiện chế độ toàn trị ở Việt Nam thì việc họ buộc người dân và các tổ chức tổ chức mừng “Ngày Giải phóng Miền Nam” là điều không có gì là khó hiểu. Còn đối với nước Mỹ và các nước khác, mà tuyệt đại đa số, nếu không nói là tất cả, người Việt có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nhập tịch, ngày 30-4 đâu phải là ngày “mất nước” để trở thành “ngày quốc hận” của các nước này để rồi chính quyền “có chủ trương, định hướng và bắt buộc” tổ chức ký niệm ngày này!
Bất luận thế nào, tôi vẫn kiên trì rằng “Ngày Thống nhất đất nước” là cách diễn đạt ngày 30-4 thích hợp nhất vì nó phù hợp nhất với nguyên lý “Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước” của chủ nghĩa Nhất thể Việt hay hệ tư tưởng của người Việt. Điều này một khi được Nhà nước Việt Nam chấp thuận sẽ là bước đi thực tế để hóa giải hận thù của những người “đồng bào” đã từng ở bên kia chiến tuyến trong một cuộc nội chiến không đáng có, cho dù nguồn cơn là Chiến tranh Việt Nam do Mỹ tiến hành nhằm ngăn chặn Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản theo “Thuyết domino” (6).
Tác giả: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, từng là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.
________
Chú thích
1. Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam, Nhật báo Cali, 2/5/2023
2. Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa” Chu Tất Tiến (Kỳ 1 và kỳ cuối), Tiếng Dân. ngày 30/4/2023
3. Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 29/4/2010
4. Đại hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019, Liên hiệp Hội đồng quốc dân Việt Nam
5. Tướng Lương Xuân Việt nói thẳng mặt Cộng sản: Các anh giải phóng cái gì? Ai cần các anh giải phóng? DTV, 9/6/2022
6. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ được bắt đầu từ cuối cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương khi Hoa Kỳ quyết định tài trợ 80% chi phí cho cuộc chiến tranh này như đã đề cập. Tuy nhiên cuộc chiến tranh này của Hoa Kỳ lại dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người Việt. Vì vậy nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến là không sai nhưng đó chỉ là một cuộc chiến trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành. Trên thực tế, giai đoạn sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1973 theo Hiệp định Paris được các chuyên gia quốc tế gọi là giai đoạn “Việt nam hoá” chiến tranh của Hoa Kỳ. Chính vì vậy tôi (Cù Huy Hà Vũ) cho rằng ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời cũng là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa những người Việt (trích Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ đã dẫn).
Góp ý cùng anh Cù Huy Hà Vũ
6-5-2023
Với tất cả sự quý mến, tôi xin có vài ý kiến muốn đóng góp cùng anh Hà Vũ.
1. Chiếc áo không làm nên thầy tu, dù cho dùng từ gì để gọi ngày 30/4 – cả như anh đề nghị là chỉ dùng “Ngày Thống nhất Đất Nước” – thì cũng không làm khác được nội dung của một biến cố lịch sử. Nội dung:
Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào,
Đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam.
(Bùi Giáng)
Hay như ông Tố Hữu hô hào:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.
2. Chị Mạc Việt Hồng, chủ nhiệm báo Đàn Chim Việt đang ở Ba Lan, cũng từ “bên thắng cuộc” như anh. Chị đã thoát ra khỏi kén, thành bướm bay lượn cùng với trăm hoa. Chị viết trên Facebook hôm 1/5:
“Mình cho rằng, còn chế độ Cộng sản thì không có hòa giải dân tộc gì cả. Trên thế giới này, chưa có nước nào thành công trong việc hòa hợp hòa giải dân tộc với chế độ cộng sản cả, mà chỉ có thể xóa bỏ chế độ, khi đó mọi hận thù sẽ tan biến. Vậy, khi chế độ còn ngồi đó, thậm chí còn vững như bàn thạch, thì các cụ bàn cái gì?”
“Họ chưa khi nào thừa nhận những sai lầm từ cải tạo tư sản, từ đổi tiền, thực chất là cướp bóc tài sản của tầng lớp giầu có ở miền Nam Việt Nam. Họ chưa bao giờ thừa nhận thảm kịch thuyền nhân mà hàng trăm ngàn người đã nằm dưới đáy biển. Họ không thừa nhận việc các trại cải tạo hay việc đẩy đi kinh tế mới là đày đọa con người. Mọi việc hòa giải phải bắt đầu từ nhận lỗi, xin lỗi; cái mà sẽ không bao giờ có dưới chế độ CS. Vậy thì bạn chờ gì ở đây?”
“Cho nên, khi chế độ Cộng sản còn đó, không có hòa giải gì đâu, bàn cho phí lời đi. Điều này cũng đã được lịch sử minh chứng. Đông Đức- Tây Đức chỉ hòa giải được khi bức tường Berlin sụp đổ. Ba Lan, thời Cộng sản cũng vậy, kiều dân ở nước ngoài cũng bị coi như “thế lực phản động”, “chống phá” nọ kia; nhưng khi chế độ Cộng sản ở đây sụp đổ thì trong- ngoài chan hòa trong vài nốt nhạc”.
“Hòa giải, tóm lại phải ngồi cùng một chiếu (như Ba Lan là cùng cái bàn Tròn), anh vẫn ngồi chiếu trên, được quy định độc quyền bằng điều 4; tôi vẫn ngồi chiếu dưới cho gì được nấy, cần gì phải xin xỏ, thì đến Tết Công-gô, các cụ nhé”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của chị MVH.
3. Cũng như Tây Đuc, Đông Đức, Đại Hàn, Triều Tiên, Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hai quốc gia. Liên Hiệp Quốc và thế giới công nhận điều này. Anh không thể lấy lời mở đầu của Hiến Pháp VNCH 1956 để nói nó là một quốc gia. Lời mở đầu không phải là một điều khoản của Hiến pháp, mà dù có là điều khoản thì cũng không có nghĩa là một quốc gia. Đài Loan vẫn coi Hoa Lục là lãnh thổ của mình dù trong thực tế là hai quốc gia. Chiến tranh Việt Nam không phải hoàn toàn nội chiến mà là cuộc chiến tranh Ý Thức Hệ, cả hai bên đều có yêu tố bên ngoài nhúng vào.
4. Anh viết “…không thể nào thực hiện được hoà hợp, hoà giải với những người Việt bên kia chiến tuyến như Nhà nước cộng sản Việt Nam chủ trương…”
Chính quyền CSVN chưa bao giờ chủ trương hoà giải, họ chỉ hô hào “đại đoàn kết”, tức bó thân về với triều đình.
Tiền lệ về hoà giải xưa nay đã có như ở Mỹ, Đức, Ba Lan, Nam Phi… Nhưng tiền lệ nguời cộng sản thực tâm làm hoà giải thì chưa có và sẽ không bao giờ có.
Đảng CSVN CHƯA BAO GIỜ đưa ra nghị quyết để chính thức có chính sách và lời xin lỗi, cũng như Quốc Hội thông qua luật đặc biệt cho vấn đề này.
Sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức có mục đích làm thầy pháp bắt ma (exorcist), đổ tất cả tội lỗi lên đầu nguời đã chết, nhằm xoa dịu sự chống đối của dư luận cho những người lãnh đạo đang còn sống, nó không phải là một sự hoà giải thực sự và chính thức.
Người CS NẾU thực sự muốn hoà giải, họ phải thể hiện bằng hành động cụ thể, chứ không phải bằng những lời tuyên truyền. Những cái mà nguời Việt Nam cần thấy:
– Nghị quyết của BCH Trung ương
– Luật của Quốc Hội
– Lời xin lỗi từ cấp cao nhất
– Tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo được trả tự do.
– Công nhận và bảo vệ quyền tự do bày tỏ của nguời dân.
Những điều này, chủ nghĩa cộng sản không cho phép, vì nó làm hư thể chế.
Cho nên đúng như chị MVH nhận xét, muốn thực sự hòa giải phải bỏ đi thể chế này.
Làm gì có hận thù nếu thể chế này tan biến, cho nên nếu ai đó nói có hận thù thì đó là lòng dân cả nước đang hận thù thể chế.
5. Anh viết “Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nỗ lực truyền lại sự thù hận cho con, cháu họ như một “di sản”. Hầu hết sinh hoạt công đồng của “người Việt tỵ nạn cộng sản” diễn ra với sự tham dự của con, cháu họ đều bắt đầu bằng màn chào quốc kỳ Cộng hòa Việt Nam Cộng hòa – cờ vàng ba sọc đỏ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa và những diễn ngôn kêu gọi xóa bỏ, thậm chí lật đổ Nhà nước Việt Nam hiện nay do Đảng cộng sản lãnh đạo. Như vậy, đó không đơn thuần là sự nhắc nhở lý do họ và con cháu họ có mặt ở Mỹ, mà là lời kêu gọi phục thù không hơn không kém!”
Cứ cho là nhận xét này của anh về người Việt tỵ nạn ở hải ngoại là đúng (mặc dù tôi không đồng ý) thì nó cũng tự nhiên thôi và không có gì sai cả. Anh xuất thân là hoàng tử Đảng nên chưa bao giờ kinh qua sự đau thương và mất mát của những nạn nhân. Và như đã nói ở trên, họ thù hận chế độ. Họ (mà trong đó có tôi) thù hận cái hệ thống. Nếu cái hệ thống này không còn nữa thì sự thù hận đó sẽ biến mất đi.
6. Anh viết, “nguyên lý ‘Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước’ của chủ nghĩa Nhất thể Việt hay hệ tư tưởng của người Việt”.
Độc lập dân tộc không nhất thiết phải gắn liền với thống nhất đất nước. Nói rằng đó là “chủ nghĩa Nhất thể Việt hay hệ tư tưởng của người Việt” thì nó có vẻ gán ghép và gượng ép quá! Do Thái trước kia không có đất nước vẫn độc lập dân tộc. Đông Hồi và Tây Hồi mà ngày nay là Bangladesh và Pakistan đều độc lập dân tộc nhưng không thống nhất đất nước. Vì chủ trương này nên Bắc Việt mới xâm lược Miền Nam, và khi chiếm được rồi thì bóc lột, trừng phạt và trả thù.
7. Anh viết, “nguồn cơn là Chiến tranh Việt Nam do Mỹ tiến hành nhằm ngăn chặn Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản theo ‘Thuyết domino’.”
Hiệp Định Geneva 1954 chia đôi đất nước thành hai quốc gia và quy định thống nhất trong hoà bình. Nhưng có Cộng Sản nào trên thế giới tôn trọng hiệp định đâu? Ở Việt Nam, họ xé Geneva 54 và Paris 73. Mỹ là nạn nhân của đế quốc Anh và chưa bao giờ chiếm đất của ai làm thuộc địa. Mỹ đến Việt Nam không vì tư lợi mà là để giúp Miền Nam chống lại sự xâm lược của Miền Bắc, bảo vệ tiền đồn thế giới tự do, là một phản ứng trước sự xâm lăng của Miền Bắc. Anh không thể ở phía trên thì nói chiến tranh Việt Nam là nội chiến, nhưng phía dưới thì nói là “do Mỹ tiến hành”.
Anh Hà Vũ có lợi thế chính trị là hoàng tử Đảng của “bên thắng cuộc” và ra hải ngoại được “bên thua cuộc” nhiệt tình đón nhận. Anh muốn bảo vệ chế độ và nghĩ rằng chỉ cần có tự do là nó sẽ tốt hơn, nhưng theo tôi, đó là điều không tưởng. Anh có thể hoá bướm để bay lượn khắp non sông, nhưng chỉ khi nào bướm ra khỏi kén.