Seite auswählen

 

Xe tăng vào dinh Độc Lập

GETTY IMAGES

48 năm sau ngày 30/4: Cuộc chiến lần hai đang từ trong ký ức?

BBC News Tiếng Việt hôm nay trao đổi với Giáo sư Nguyễn Xuân Thu và Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hai cựu thuyền nhân đang sống tại Úc về vấn đề hòa giải dân tộc, 48 năm sau ngày 30/04/1975.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thu và Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đều có những đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp giáo dục tại Việt Nam và ở nước ngoài sau một quá trình gian nan với tư cách một thuyền nhân Việt Nam đến Úc.

Nhìn lại sau 48 năm, nhiều tiếng nói đối lập ở Việt Nam vẫn bị ‘bịt miệng’ với Điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Một số nhà quan sát xem Việt Nam như một quốc gia ‘xuất khẩu tù nhân chính trị’ khi nhân quyền mang yếu tố đổi chác trên bàn cờ ngoại giao với các cường quốc.

Báo chí Việt Nam tránh né câu chuyện thuyền nhân của diễn viên Quan Kế Huy trên sân khấu Oscars 2023.

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời, hay nhà văn Dương Thu Hương được trao giải Cino-Del-Duca 2023 vắng bóng trên truyền thông trong nước là những câu chuyện mới nhất cho thấy vết thương này vẫn tiếp tục ‘rỉ máu’ sau 48 năm.

‘Phải làm lành vết thương’

Giáo sư Nguyễn Xuân Thu

NGUYEN XUAN THU Từng là một thuyền nhân vào năm 1980, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu không thể quên chuyến hải trình giông bão từ Rạch Giá (Kiên Giang) để đến trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan) vào giữa tháng 7/1980

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu, 88 tuổi hiện đang sinh sống tại thành phố Melbourne, Úc.

Ông đặc biệt được nhớ đến với những đóng góp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam như giúp RMIT mở đại học tại Việt Nam, thành lập Quỹ học bổng Việt Nam (Vietnam Scholarship Foundation)…

Ngày 27/5/1975, một tháng sau ngày chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Giáo sư Xuân Thu theo những “ngụy quân”, “ngụy quyền” khác lên đường đi học tập cải tạo tại trại cải tạo Long Thành, với “Công việc chủ yếu hàng ngày của chúng tôi là học tập chính trị. Những bài học thường nêu lên tội ác của Mỹ, Ngụy đối với nhân dân, Mỹ không có sức mạnh đáng kể… Đó là những bài học hết sức đau đầu và sau những bài học như thế chúng tôi được yêu cầu phải viết những bài “thu hoạch”. Ngoài ra, điều khó khăn nhất của chúng tôi là phải viết đi viết lại các bản “Tự khai báo”, tố cáo và lên án tội ác đối với Cách mạng, với nhân dân của tất cả những ai, kể cả ông bà, cha mẹ, đồng nghiệp, bạn bè và cả chính bản thân mình”, ông nhớ lại.

Từng là một thuyền nhân vào năm 1980, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu không thể quên chuyến hải trình giông bão từ Rạch Giá (Kiên Giang) để đến trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan) vào giữa tháng 7/1980.

“Trong lúc thời tiết đang có bão, tôi liều chết lại vượt biên lần thứ hai. Sáng ấy tôi ra khỏi nhà trong lúc các con của tôi còn đang ngủ. Lần này tôi cũng xuất phát từ Rạch Giá. Sau ba ngày và bốn đêm lênh đênh trên biển, con tàu nhỏ chở 63 người chúng tôi may mắn cập bến tại một tỉnh ở phía Nam của Thái Lan, cách trại tị nạn Songkhla của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc khoảng một giờ lái xe.

Trong thời gian trên biển, chiếc thuyền của chúng tôi bị cướp biển người Thái Lan đến lục soát, lấy tiền của, vàng bạc năm lần. Nhưng may mắn là đàn bà con gái không bị hãm hiếp như nhiều con tàu khác.”

Và ông không bao giờ quên được hình ảnh của mình cách đây 43 năm.

“Chúng tôi được đưa đến trại tị nạn Songkhla lúc ấy khoảng giữa trưa, trời nắng nóng. Chúng tôi bị các trại viên trong trại đến bao vây thăm hỏi. Trong người tôi lúc ấy chỉ vỏn vẹn mặc một chiếc áo thun và một cái quần xà lỏng và trên tay chỉ cầm một cái túi nhỏ đựng kem dánh răng và một vài cái quần lót. Đó là tất cả gia tài của tôi mang theo trên con đường tị nạn và một ý chí quyết sống để lo cho vợ và năm đứa con của tôi còn ở lại quê nhà.”

Về trại tị nạn Songkhla, Giáo sư Xuân Thu mô tả “Từ ngày ra đời làm việc tôi chưa bao giờ phải chung đụng với đủ hạng người và nhiều vấn đề quá phức tạp như tại trại tị nạn Songkhla.”

“Nhiều người vì tư thù hay ganh tị tố cáo nhau lên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, hoặc trực tiếp nộp đơn lên các phái đoàn xét hồ sơ định cư. Bản thân tôi cũng bị tố cáo là cộng sản.”

Cảnh gia đình thuyền nhân Việt Nam tại trại tị nạn Songkhla

GETTY IMAGES Cảnh một gia đình thuyền nhân Việt Nam tại trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan) vào tháng 10/1981

Từ sau chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 1991 cho đến lúc quyết định xin nghỉ việc tại trường Đại học RMIT vào đầu tháng 4 năm 1994, Giáo sư Xuân Thu đã về Việt Nam nhiều lần mỗi năm.

“Năm 1994, tôi là cố vấn cho Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong thời gian này, tôi không được liên lạc với công an. Chỗ tôi ở, quán ăn trước nhà thì luôn có công an ngồi ở đó. Tôi đi đâu thì họ luôn đi theo dõi. Từ năm 1994 đến 2000 thì năm nào (có thể mỗi năm ít đi một chút) thì công an bảo chúng tôi đừng có đi đâu vào những ngày 30/4 đó. Vào những ngày 30/4 hằng năm, thì trên đài phát thanh, truyền hình cứ phát sóng về lòng căm thù Mỹ…” Giáo sư Xuân Thu nhớ lại.

“Vào những tháng Tư thì lòng tôi rất buồn và tê tái, vì nhà nào cũng treo cờ. Khi công an đến thì tôi phải tìm cờ mà treo. Khi đó lá cờ Việt Nam là lá cờ xa lạ của tôi nhưng tôi phải làm theo thôi. Theo tôi nếu chính phủ Việt Nam có ý muốn hòa giải thì họ sẽ phải có chính sách.”

“Chúng ta không thể sống mãi trong men rượu chiến thắng, hay mãi mãi ôm ấp vết thương hận thù. Điều cả dân tộc Việt Nam cần phải làm là hãy tự làm lành vết thương của mỗi người, mỗi gia đình để cuộc sống của chúng ta được thanh thản hơn và để có đủ sức mạnh xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và phát triển thực sự”, Giáo sư Xuân Thu nói với BBC News Tiếng Việt.

‘Người vuông’ và ‘người tròn’

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

NGUYEN VAN TUAN Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn được trao Huân chương Australia vì những đóng góp cho nghiên cứu y khoa, phòng chống loãng xương, và giáo dục đại học vào ngày 26/1/2022

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales kể lại hành trình tị nạn đến Úc vào năm 1981.

“Ngày 16/4/1981 một chếc ghe đi sông chở 23 người (trong đó có tôi) từ Rạch Giá. Sau ba ngày lênh đênh trên biển thì ghé bờ biển Budi ở miền Nam Thái Lan. Budi là một làng chài, giáp ranh giới với Mã Lai. Chiếc ghe không có la bàn, đã rong rủi sang tận miền Nam Thái Lan. Phải nói sự sóng sót là một phép lạ. Đó cũng là thời điểm khởi đầu của một hành trình tị nạn của tôi, một cái “mốc” lịch sử không bao giờ phai nhòa trong kí ức”, Giáo sư Tuấn viết về ký ức chuyến hải trình.

Ông mô tả cảm giác buồn vời vợi khi nghe một đoạn nhạc của Nguyệt Ánh và Việt Dũng “Nắng nơi đây vẫn là nắng ấm; Nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương” tại trại tị nạn Songkhla.

“Ngày đầu tiên nhập trại Songkhla, tôi tưởng mình lạc vào một thành phố ở Việt Nam. Người ở đâu mà đông đúc ghê, mật độ dân số ở đây chắc phải cao nhất nhì thế giới! Nhìn qua cách ăn mặc, thấy người nghèo nhiều hơn người giàu, và điều này cũng dễ hiểu. Đại đa số người nhập trại là đã bị cướp bóc trên biển, nên họ chẳng còn gì. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyến may mắn, nên bà con còn giữ vàng và tiền đến đây.

Thuyền nhân Việt Nam

GETTY IMAGES Thuyền nhân Việt Nam đang được kéo lên một tàu hải quân của Mỹ vào ngày 24/3/1975 tại Đà Nẵng

Bình luận với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Tuấn cho rằng ‘hoà giải’ ở đây là xoá bỏ hận thù, còn ‘hòa hợp’ là đoàn kết dân tộc.

“Không thể nào có đoàn kết dân tộc khi mà hai bên vẫn còn thù hằn với nhau. Do đó, hoà giải phải có trước hoà hợp. Làm gì để hoà giải dân tộc? Theo tôi, điều cần làm trước hết là hoà giải với người ở trong nước. Hãy bắt đầu bằng những chánh sách đối xử tốt và công bằng với những người từng phục vụ trong thể chế Việt Nam Cộng hòa trước đây, tôn trọng những người đã khuất vì lí tưởng của họ, và thay đổi những ngôn ngữ và cách diễn đạt sao cho không gây tổn thương đến cảm xúc của những người từng ở bên kia chiến tuyến.”

Qua tiếp xúc và làm việc với những người ở hai bên chiến tuyến, Giáo sư Tuấn thấy hình như ở một số người đã bị chi phối bởi những yếu tố mang tính lịch sử và cá nhân quá nặng nề nên khó gần được với nhau.

“Tôi hay nói đùa rằng họ là những ‘người vuông’ để phân biệt với những ‘người tròn’. Tôi làm quản lý khoa học và từng được dạy rằng tất cả chúng ta nên là những ‘người tròn’ (rounded person), tức là người có khả năng chấp nhận những dị biệt để thích ứng với mọi tình huống. Do đó, hoà giải có thể cũng bắt đầu từ giáo dục sao cho học sinh lớn lên biết yêu thương nhau thay vì gieo vào họ những hận thù mang máu sắc chánh trị.”

“Tôi rất thích câu văn của Nguyễn Thanh Việt (tác giả tiểu thuyết ‘Người tị nạn’) mỗi cuộc chiến diễn ra hai lần, lần đầu trên chiến trường, và lần hai là trong kí ức. Hoà giải và hoà hợp dân tộc là một cuộc chiến trong kí ức”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói với BBC News Tiếng Việt.

Khẩu hiệu chào mừng 30/4

GETTY IMAGES Quan điểm của Hà Nội về hòa hợp, hòa giải dân tộc như sau, “Việt Nam luôn là bên chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, kỷ niệm ngày chiến thắng thống nhất non sông đương nhiên là ngày vui của cả dân tộc và việc lớn sau chiến tranh trong lịch sử cho thấy luôn là hòa hợp, gồm cả hòa giải, xóa bỏ hận thù trong nội bộ dân tộc và cả xoá bỏ hận thù với kẻ xâm lược”