Ngày 30 tháng Tư năm nay vừa trôi qua. Tuần trước đó, đứa cháu đang học ở đại học, text hỏi về “Black April” (Tháng Tư Đen). Tôi hỏi lại, để làm gì. Cháu trả lời vì trường muốn có dữ kiện “Viet history” (lịch sử người Việt tị nạn), họ dặn nếu không biết thì hỏi những người nào biết. Tôi trả lời đó là một câu chuyện dài, rất dài và rất bi đát của người miền Nam, khó trao đổi qua text, kể cả viết bài.
Đã hẳn tài liệu về chiến tranh Việt Nam có sẵn, rất nhiều trong các thư viện, nhưng trường đại học nầy thuộc loại lớn của nước Mỹ, cũng là đại học lớn nhất Tiểu Bang vẫn muốn biết thêm, phần chắc là họ muốn biết tiếng nói bộc trực của nạn nhân. Nghĩ như thế, tôi mở máy viết, cô đọng chỉ hơn một trang A-4 về cái riêng của gia đình. Dù cái riêng đó đã viết thành sách, nằm trong cái chung của miền Nam. Tôi nhắc đến Kissinger ở phần cuối và nhấn mạnh ba chữ “Allies and Betrayals” (Đồng minh và Phản bội)
Email xong, vẫn lẫn quẫn trong đầu, có thể trường đại học nầy chưa chấp nhận các tài liệu có sẵn? Họ còn muốn biết tâm trạng người tị nạn, sau 48 năm? Muốn có thêm câu trả lời trực tiếp của nạn nhân qua con cháu họ?
Một đại học Mỹ mà như thế thì người Việt làm sao quên được cứ vào mỗi tháng Tư?
Cũng vào mỗi tháng Tư chuyện hòa giải, hòa hợp giữa người Việt lại vỡ ra! Vết thương lại tươm máu, dù người cầm quyền Việt Nam có dùng bất cứ loại từ ngữ nào, bất cứ hình thức nào để “mừng ngày thống nhất đất nước” thì cái gọi là “thống nhất” nghe vẫn không ổn.
Vì đã thống nhất thì trường đại học Mỹ đâu còn tìm hiểu nữa? Đã thống nhất, đúng như định nghĩa của từ điển, thì giữa người Việt đâu còn nhắc đến hòa giải, hòa hợp? Như hiện tại gọi là nước Đức, không ai gọi là nước Đức thống nhất!
Còn nếu nói thống nhất về địa dư thì ngay cả hiệp định năm 1954 vẫn ghi là Việt Nam, chỉ tạm thời chia đôi vì khác nhau thể chế chính trị.
Do đó nói đến thống nhất là phải nói đến sự hòa hợp dân tộc. Và, hiện tại, dân tộc có hòa hợp hay không?
Câu trả lời là có. Nhưng chưa thể hoàn toàn. Vì vết thương quá sâu đậm mà thể chế chính trị gây ra vết thương đó vẫn sờ sờ ngay trước mắt. Người dân vẫn phải đối diện với nó hàng ngày.
Ngay sau năm 1975 những cuộc hôn nhân Bắc – Nam giống như là “hôn nhân dị chủng”, đó là sự thật. Nhưng, 48 năm qua, từng bước đã bình thường. Đã “con đàn, cháu đống” nên người dân phải tự hòa hợp vì ràng buộc huyết thống. Không muốn hòa hợp cũng không được. Nhưng vết thương 30 tháng Tư không phải vì thế mà lành!
Là hòa hợp mà không hòa giải. Chưa thể, hoặc không thể hòa giải!
Như đã nói, thể chế chính trị quyết định về sự hòa hợp. Muốn hòa hợp, trước tiên phải hòa giải. Nhưng người cầm quyền hiện tại vẫn nhân danh yêu nước, nhân danh độc lập, tự do, hạnh phúc để bào chữa nợ máu xương họ đã gây ra. Như thế là thách đố sự thật, thách đố công lý nên chuyện hòa giải bế tắc.
Một vụ án hình sự về tội giết người, dù thủ phạm thể hiện sự ăn năn, cũng đã khó được thân nhân của nạn nhân tha thứ. Vì thế đôi khi thân nhân của nạn nhân vẫn đòi hỏi được trực tiếp chứng kiến việc thi hành án tử hình, để chính họ tìm cách giải tỏa sự căm thù cho bản thân.
Còn thể chế chính trị hiện tại, bên thắng cuộc, với câu nói “dẫu có đốt cháy cả dãy trường sơn…” cũng phải đánh, phải giết quân xâm lược và bọn tay sai bán nước cho thấy tính sắt máu đến ghê rợn! Vì sự thật đế quốc Mỹ không hề xâm lược. Vì sự thật Việt Nam Cộng Hòa không hề bán nước! Trái lại, Việt Nam Cộng Hòa đã bảo vệ Hoàng Sa đến giọt máu cuối cùng, năm 1974. Trong khi ông Phạm Văn Đồng đã ký công hàm công nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, từ năm 1958!
“Chiến sĩ gái” Dương Thu Hương là người tình nguyện vào giải phóng miền Nam. Khi hoàn thành nhiệm vụ, đặt chân vào Sài Gòn, thay vì vui mừng “đã cứu được đồng bào” lại ngồi xuống vỉa hè, bật khóc!
Tại sao không tự hào, tận hưởng thành quả, mà bật khóc? Vì, trăm nghe không bằng mắt thấy. Vì bị rơi vào tình trạng lạc lõng giữa một Sài Gòn giàu có và văn minh. Người chiến thắng thì lơ ngơ lớ ngớ. Người được cứu lại hoảng loạn tột cùng. Trong ánh mắt khiếp hãi của người Sài Gòn lúc đó đã làm người chiến thắng chợt tỉnh, cảm nhận được bản thân, giống như kẻ cướp. Một kẻ cướp hoàn toàn ngây thơ vô tội.
Biết mình không phải là “chiến sĩ” như tuyên truyền, không chỉ riêng chiến sĩ gái Dương Thu Hương vỡ mộng đẹp. Nhưng người dám nói công khai và thẳng thắn như bà, rất hiếm.
Là nạn nhân của một bộ máy lường gạt khổng lồ và ghê tởm. Phải thốt lên, một chế độ man rợ đã chiến thắng một chế độ văn minh.
Hàng trăm ngàn người đi B để “giải phóng miền Nam” với ước mơ cao đẹp nhất, đã chết. Hàng trăm ngàn người còn sống, thì ngỡ ngàng. Xuất thân từ một xã hội chế độ tem phiếu bỗng đứng giữa một xã hội nguy nga tráng lệ, ngồn ngộn vật chất, đang sụp đổ, dù gì vẫn giống như một người bị đói khát lâu ngày đang đứng trước một mâm cỗ, đang đứng trước một tô phở thơm ngát mũi, thì bản chất tự nhiên là phải ngồi vào bàn. Cầm đũa. Ăn. Rồi ngấu nghiến cho thỏa cơn đói cồn cào!
Vật chất vung vãi khắp nơi phải thu gom lại. Phải tìm mọi cách gửi ngược về Bắc cho thân nhân đang nghèo đói ở quê nhà. Nghĩ và làm như thế là lẽ đương nhiên.
Con búp bê biết nhắm mắt, mở mắt mà anh bộ đội cột sau ba lô, trên đường về quê là một ước mơ, một món quà tuyệt vời dành cho con gái. Còn “16 tấn vàng trong kho bạc của Việt Nam Cộng Hòa là do Nguyễn Văn Thiệu chạy trốn mang theo” phải tốn bao nhiêu công sức truy cứu, tìm kiếm cả hơn mười năm sự thật mới được sáng tỏ, thì dành cho ai?
Từ chiến sĩ gái, thành nhà văn phản kháng. Từng bị tù vì phản động, rồi lưu vong. Rồi trở thành nhà văn nổi tiếng, vừa đoạt được giải thưởng cao quý Cino-Del-Duca 2023 thế giới, chính là người rất cần được người cầm quyền Việt Nam hòa giải.
Vì người cầm quyền Việt Nam rất thích nhặt nhạnh thành tích của người Việt khắp nơi trên thế giới để khoe là “người của mình” thì nhà văn Dương Thu Hương, từng là “người của mình”, rất xứng đáng được như thế. Giải thưởng bà vừa đoạt là sự ghi nhận của thế giới tự do về công trình bà đóng góp vào văn đàn thế giới, không hề do phe cánh hay chạy chọt. Nói khác đi, là từ “trời rơi xuống”. Minh bạch và cao quý.
Tôi, người viết, chưa hề đọc hết một tác phẩm nào của nhà văn Dương Thu Hương nên không dám khen / chê. Chỉ biết bà xuất thân từ trong lòng chế độ miền Bắc. Như thế bà từng là người con của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nên nhà nước Việt Nam hãy mở cửa, dang tay chào đón “người con thành đạt xuất sắc của mình” để hòa giải.
Hòa giải với chính “người trong nhà” mà chưa được thì đừng nói đến hòa giải với người miền Nam.
(3/5/2023)