Seite auswählen

Chuyện ăn độn (Phần 1)

 

Nguyễn Thông

18-5-2023

Cách đây mấy hôm, trên phây cô nhà văn Phan Thúy Hà (tác giả những cuốn sách lừng danh như Gia đình, Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi, Qua khỏi dốc là nhà… ) kể chuyện một anh bộ đội sau khi đánh nhau ở miền Nam, hết chiến tranh trở về quê nhà Nghệ Tĩnh, anh không ngờ người quê mình đang tiến lên chủ nghĩa xã hội mà đói đến thế. Có chi tiết buồn thảm kinh lắm, tôi không tiện biên ra đây.

Chợt nghĩ, mình chính là chứng nhân lịch sử của thời đen tối đói kém ấy, sao không ghi lại để góp vào cái bảo tàng đói kém mà thể chế này đã tạo nên, dù họ cố tình lờ đi.

Mới chỉ vài chục năm thôi nhưng chuyện này đã xưa như cổ tích. Bọn trẻ bây giờ, ngay cả những đứa sống ở vùng nông thôn nghèo cũng chả biết “ăn độn” là gì. Chúng không hình dung ăn mà lại độn, đâm ra thắc mắc độn thế nào, độn cái gì, sao lại phải độn…

Tôi có đứa cháu họ học lớp lá, có lần nó xin ông trẻ ơi cho cháu ăn độn với, thì ra nghe người nhớn nói, nó tưởng độn là món ngon, kiểu như gà quay, khoai tây chiên, pizza chẳng hạn. Trẻ con ngây thơ thật dễ thương.

Bây giờ lương thực ê hề, nước ta xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, ở thành phố chả mấy ai phải ăn độn. Sơn hào hải vị thì có thể thèm chứ cơm không thiếu. Nghĩ càng thương bà con những vùng sâu vùng xa, vùng núi cao, sau nửa thế kỷ tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội mà vẫn đói, vẫn ăn độn, vẫn thèm cơm. Hôm coi cái ảnh nhà báo Trần Đăng Tuấn (người chủ trương quỹ Cơm có thịt) đưa lên mạng, thấy thương lắm. Bọn trẻ rách rưới gầy gò không chỉ thèm thịt mà thiếu cả cơm.

Không phải ăn độn nên bây giờ người ta không nghĩ tới từ “ăn độn” trong tiếng Việt nữa. Rồi nó sẽ mất hẳn, thành từ cổ, như biết bao từ đã bị như thế. Ngày xưa người xứ ta lấy ăn cơm là chính, nhưng khi hạt gạo hiếm hoi, chẳng đủ no bụng nên phải thêm thứ này thứ nọ độn vào nồi cơm. Nhiều khi một phần gạo cõng hai, ba phần độn. Ăn thứ cơm ấy gọi là ăn độn. Cốt no cái bụng đã, còn ngon để tính sau.

Miền Bắc ăn độn trường kỳ, suốt từ sau năm 1954 cho mãi tới đầu thập niên 90, còn dân miền Nam trước năm 1975 theo như ông bạn đồng nghiệp tôi người TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) kể thì không phải ăn độn, lúa gạo ê hề, độn điếc gì. Chỉ từ sau 1975 mới được nếm món đặc sản vĩ đại ấy, ông bảo vậy.

Bu tôi sinh tôi sau chiến thắng Điện Biên Phủ gần 1 năm. Sau này tôi nhớn rồi, thỉnh thoảng bu tôi ôn nghèo kể khổ, bảo “chỉ ông Thông là khổ nhất, chả biết thịt sữa là gì, tinh dững ăn độn”, dù đã hòa bình.

Bu tôi kể, lúc tôi còn bú nhưng bu chả có sữa, bởi ăn toàn những khoai, sắn, củ rau muống thì lấy đâu ra sữa. Tôi còi cọc đèo đẹn, nuôi mãi mới lớn, cũng một phần do tôi là sản phẩm của thời đại thiếu thốn “dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá/mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô”, học đến lớp 10 mà chỉ loắt choắt như đứa lớp 7-8 hệ 12 bây giờ. Lúc đi khám sức khỏe vào đại học chỉ được gần 40 ký. Chị gái tôi cười bảo, cậu còn nặng hơn cả bộ đội, hồi ông Uy (anh tôi) khám sức khỏe đi bộ đội chỉ được tròm trèm 39 ký. Nhẹ thì nhẹ, cứ trúng tuyển, chiến trường đang khát quân.

Đầu những năm 1960, cả miền Bắc rùng rùng bước vào công cuộc hợp tác hóa. Nhà nào không chịu vào hợp tác, cố làm ăn riêng lẻ thì bị o ép khổ sở đủ đường. Nhưng thày tôi quyết không vào, thày tôi bảo, xem kìa, những nhà vào hợp tác chỉ vài ba hôm là ăn độn ngay, nhà mình vừa mới khá lên, có bát cơm trắng thế này nhờ làm lụng mà được, chứ vào hợp tác là mất.

Lý lẽ vậy, sắt đá kiên quyết thế, nhưng đến năm 1964 thì thày tôi đành phải phất cờ trắng đầu hàng, cùng nhà bác Ỷ, nhà bà Nhu, là 3 nhà cuối cùng khép cánh cửa vào hợp tác ở xã. Không vào cũng chả được, họ coi như phản động, thành phần chống đối lại con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội; thuế khóa, thóc nghĩa vụ phải chịu nặng gấp đôi hộ xã viên, con cái đi học thì học phí cũng gấp đôi, muốn sinh hoạt đội thiếu nhi, muốn vào đoàn thanh niên cũng chả ai cho vào, còn định đi thoát ly làm công nhân hoặc học trung cấp rõ là điều không tưởng.

 (Phần 2)

Nguyễn Thông

18-5-2023

 

Đầu thập niên 60, sau một thời gian ngắn thí điểm làm ăn theo hình thức tổ đổi công (cứ 5 – 10 nhà ghép lại với nhau, ruộng đất vẫn riêng nhưng trâu bò nông cụ thì chung, lao động vần công), nông dân miền Bắc bị đảng và nhà nước ép vào hợp tác. Hợp tác tước đoạt hết ruộng đất và công cụ sản xuất, làm việc tính điểm, 10 điểm được gọi là 1 công. Cuối vụ chiêm hoặc mùa, mỗi nhân khẩu một vụ được chia vài chục cân thóc, quy thành gạo chỉ vài ký/tháng, thế là bắt đầu cuộc trường kỳ ăn độn.

Trước đó, còn riêng lẻ, nồi cơm vừa mới hôm nào bắc lên mở vung ra cơm trắng thơm phưng phức, đến nỗi mấy bà người thôn Du Lễ, Tú Đôi xã Kiến Quốc bên cạnh đi chợ huyện ngang qua, thường vào nhà tôi xin nước mưa uống cho đỡ khát giữa độ đường, các bà hỏi “ông ơi, nhà ta nấu gạo gì mà thơm thế?”. Hồi ấy, thày bu tôi có gần 9 sào ruộng, dành hẳn mấy sào cấy lúa di hương hoặc dự thơm, hạt thóc chắc nình nịch, xay ra hạt gạo có màu phơn phớt xanh, cơm thơm ngào ngạt. Cơm gạo di hương chỉ rưới mắm cáy cũng ngon quắt tai.

Nhưng vào hợp tác thì chấm hết, không còn ruộng để cấy di hương, dự thơm nữa, các bà Tú Đôi, Du Lễ đi chợ ngang qua vẫn vào uống nước, chả ai hỏi gì, ngay cả lúc nhà tôi trúng bữa cơm trưa. Nồi cơm giờ bữa thì độn khoai khô, bữa khoai tươi, củ sắn, ngô, khoai tây, mình tinh, dong riềng, hôm nào sang hơn thì mì sợi, cầm cái đũa cả xới mỏi mắt mới tìm thấy hạt gạo.

Thực ra thì không phải ai cũng chịu cảnh ăn độn. Cán bộ cấp cao dù thời nào cũng vậy, ngay cả khi chiến tranh ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, đói kém nhất vẫn không phải ăn độn. Họ còn có cả vùng quy hoạch trồng lúa đặc sản ở Mễ Trì (huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội) hoặc vùng lúa huyện Hải Hậu (Nam Hà, tức Nam Định và Hà Nam bây giờ) chuyên cấy lúa tám thơm, dự hương cung cấp gạo ngon cho trung ương. Hồi những năm 1973-1976 tôi học đại học, trường nằm ngay vùng lúa Mễ Trì ấy, buổi chiều ra đồng ngồi hóng gió, hương lúa thơm dìu dịu như say lòng người. Cây lúa còn thơm như vậy thì hạt gạo thơm đến thế nào.

 Dân chúng chẳng ai tị nạnh với cán bộ trung ương làm gì. Quan to thì phải có chế độ đặc biệt, kể cả hạt gạo. Điều đáng quý thời ấy là những cán bộ nhơ nhỡ, be bé đều chịu chung cảnh đói kém với dân. Những cán bộ xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi như ông Sơn, ông Hoạt, bà Tươm… gia đình nào cũng ăn độn như bao hộ xã viên khác. Anh Tế, con bác họ tôi là phó chủ nhiệm HTX nhưng giở vung nồi cơm nhà anh thấy tinh những sắn. Tôi học chung cấp 1 với anh Nguyễn Đình Gơ, con bà Tươm, phó bí thư, trưởng công an xã, một lần đến rủ Gơ đi học nhóm, trúng bữa cơm Gơ rủ vào ăn một bát hẵng đi, nồi cơm cũng chỉ toàn khoai lang độn, được mời ăn cơm mà kỳ thực là ăn khoai, vật chất nghèo nàn nhưng cái tình thì nhớ mãi.
Thèm cơm là sự thèm thuồng thường xuyên của đám trẻ con sống ngay giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ thời ấy. Chả ao ước điều gì ghê gớm, nhiều khi khát vọng thật giản đơn, chỉ ước có bát cơm trắng không độn khoai khiếc gì, chan nước cá kho cũng đủ thỏa lòng. Hạt thóc thời đó là hạt vàng, phải nộp lên kho thóc nhà nước để xay gạo gửi ra tiền tuyến nuôi bộ đội, các thầy cô giáo, cán bộ phụ trách đoàn đội, các cán bộ xã, và cả báo Nhân Dân nữa, khuyên chúng tôi ráng chịu thèm nhạt, đói thiếu để chờ ngày chiến thắng, nghe xuôi xuôi nên ai cũng chấp nhận.

Suốt thời nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, phải nói thực rằng, tôi chả ao ước gì lớn, chỉ thèm được ăn no. Hầu như những đứa cùng thế hệ tôi đều vậy. Có đứa xung phong đi bộ đội bởi bộ đội được ăn no, chứ chẳng lý tưởng lý tiếc gì.

Thứ độn vào nồi cơm thì đủ cả. Thông thường nhất là khoai khô, khoai lang, khoai tây, sắn, ngô, khoai sọ, củ mình tinh, mì sợi, bột mì nặn thành từng cục, có khi cả các loại đỗ, sau này có thêm hạt lúa mạch (miền Nam gọi là bo bo). Khó ăn nhất là bột mì cũ bị vón mọt hôi, vài bữa ngán ngay. Không có dầu mỡ để rán bánh như bây giờ, chỉ còn cách nhào nặn bột thành từng cục đem luộc, hấp hoặc bỏ vào phía trên nồi cơm. Đem ra phố thuê cán thành mì sợi thì tốn tiền, một tiền gà ba tiền thóc. Bột mì mới còn đỡ, gặp phải mẻ bột cũ đầy mọt hoặc cứt gián phải đem rây lại. Mà cái thứ cứt gián thật ghê gớm. Cả nồi cơm chỉ cần bị một cục cứt gián là hôi ùm, không ăn thì đói, ăn vào cứ muốn nhổ ra ngay. Có những mẻ bột do để quá lâu mọt nâu bò lổm ngổm. Nhưng bột mì vẫn chưa là gì so với hạt bo bo về sau này.

 (Phần 3)

Nguyễn Thông

19-5-2023

 

Nhiều khi cơm độn cũng chả đủ cho nhà đông miệng ăn, nhiều gia đình phải dùng đến cách độn gián tiếp là ăn thật nhiều rau củ. Độn vào bữa ăn chứ không phải chỉ riêng nồi cơm. Nhà tôi sau khi đã vào hợp tác xã cũng thiếu gạo như những nhà xã viên khác, cơm chỉ 2 lưng bát mỗi người nên rau thành món độn. Có những bữa, rửa rau muống cả rổ sề, chỉ luộc chấm mắm cáy thôi, thế mà cũng ăn hết. Mùa nào thức ấy, canh rau cải, rau tập tàng (tập tàng là tên chỉ nhóm rau gồm những loại rau dại như rau sam, rau dền, rau muối… nấu chung với nhau), mướp, rau ngót, ngọn khoai lang, ngọn bí, đọt bầu, mùng tơi… chiếm lĩnh mâm cơm, cứ xanh ngăn ngắt. May mà ăn rau nhiều không chán, lại sẵn nữa, không thì chết đói. Thày tôi động viên “cơm không rau, ốm đau không thuốc”.

Lại nhớ sau khi nhạc sĩ Vũ Trọng Hối có bài hát Bước chân trên dải Trường Sơn, được ít lâu thì có bài chế theo. Lời nguyên của nó là “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/đá mòn mà đôi dép không mòn/Ta đi nhằm phương xa/gió ngàn đưa chân ta về quê hương/quân về trong gió đang dâng triều lên” được chế thành “Ta lại đi và nấu cơm nồi nhôm/Rế mòn mà cái đít không mòn/Ta bắc nồi cơm lên/sắn nhiều hơn ngô/ngô nhiều hơn khoai/khoai nhiều hơn cơm/trông nồi cơm đó thấy sao mà ngán”, đứa nào cũng thuộc, ngồi dăm ba đứa lại hát inh ỏi cho vui và đỡ đói.

Khoai là một phần của cuộc sống người Việt, là bản sắc Việt, có khi còn hơn cả hoa sen, áo dài, những thứ gần đây được xưng tụng, tung hô thành quốc này quốc nọ. Khoai có nhẽ chỉ chịu xếp đứng sau rau muống và truyện Kiều. Hồi tôi mới vào Nam năm 1977, người ta gọi tôi là Bắc Kỳ rau muống. Nếu cần quốc hoa, tôn vinh hoa rau muống là xứng đáng nhất.

Suốt thời thò lò mũi xanh, quần đùi cởi trần đánh dậm, tới tận khi biết để ý gái làng, tôi rặt ăn khoai. Bữa chính khoai, bữa phụ cũng khoai. Sáng khoai, tối khoai, đến nỗi đùa nhau, nhà mày ăn cơm chưa, chứ nhà tao “khoái ăn sang” (sáng ăn khoai). Nồi cơm, gọi là cơm cho ra vẻ chứ thực ra một phần gạo bốn phần khoai. Đang dở bữa, thấy khách lạ tới, chị tôi kín đáo đậy vung nồi lại kẻo người ta nhìn thấy sẽ cười thày bu. Chị tôi bảo vậy. Chị thường giành ngồi đầu nồi, không phải để tranh ăn, mà chủ động nhặt nhạnh bới xới những chỗ có cơm rải rác dồn vào bát thày bu, sau đó là các em, khi tới phần mình chỉ rặt khoai là khoai. Ký ức về khoai, chị tôi và sự tử tế cứ theo mãi tới bây giờ.

Suốt bao nhiêu năm như thế, cái thời thiếu đói và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp nữa là chiến tranh “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, khoai với người nông dân miền Bắc chả khác gì người bạn thân thiết, như vị cứu tinh. Nhiều khi, ăn độn, ăn khoai ngán tận cổ, đám trẻ con chúng tôi thiếu điều kêu trời, đả đảo khoai, coi nó như quân thù quân hằn, buộc cho nó tội hành hạ, tra tấn mình, làm khổ mình, ác hơn cả quân Mỹ Diệm. Tới khi có miếng cơm trắng thường xuyên mới vỡ nhẽ mình tệ, mình bạc. Không có nó, lại chả xanh cỏ ở mả Đò, mả Vối (hai cái nghĩa địa làng) lâu rồi. Lại nhớ trong sách tập đọc lớp 2 hay lớp 3 gì đó, có câu “Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”.

Sau năm 1975, khi mới vào miền Nam mưu sinh, tôi lẩn mẩn hỏi các anh chị đồng nghiệp cùng lứa tuổi, rằng hồi xưa các bác trong này có phải ăn độn không, ăn khoai không. Nhiều người ớ ra, không biết “độn” là cái gì, có người còn hỏi độn là tên gọi của thứ củ gì. Còn khoai á, ăn hoài, đủ kiểu ăn chơi làm từ khoai. Khi tôi kể đám chúng tôi phải ăn khoai trừ bữa, thay cơm, thầy Long dạy lý cười hềnh hệch bảo mấy thầy nói giỡn hoài, miền Bắc xã hội chủ nghĩa giàu có, thiên đường, làm chi nghèo đói như vậy. Thầy Vy cười bảo thầy Long, thầy đừng tin, nó nói chơi đó, nói đùa thôi, chứ ngoải cơm trắng gạo tám thơm quanh năm xơi chả hết, làm gì có chuyện ăn khoai ăn độn. Nói xong, thầy Vy cấu cho tôi một nhát, kiểu như ai khảo mà xưng, xấu hổ, mặc dù thừa biết làm sao giấu được các bố ấy.

Nhưng chỉ vài tháng sau, cuối năm 1977, tôi và thầy Vy chẳng cần chứng minh nữa, mà thầy Long cũng không phải tìm hiểu thêm nữa. Khẩu phần 16 ký lương thực mỗi tháng chỉ còn 5 ký gạo, thậm chí suốt 3 năm 1978 – 1980 mỗi tháng chỉ còn 3 ký gạo. Còn lại là khoai lang, khoai mì (củ sắn), mì sợi, và nhất là đặc sản của thời đại xã hội chủ nghĩa vẻ vang: Hạt bo bo. Bo bo là tên gọi nôm na do người miền Nam đặt, chứ dân Bắc vẫn trịnh trọng gọi bằng cái tên hạt mạch, lúa mạch. Thứ mà người ta (Liên Xô, Đông Âu) dùng nuôi lợn nuôi bò, thì suốt hơn chục năm xứ ta dùng để nuôi người. Nhiều năm sau, cứ nhắc tới bo bo, người đời vẫn rùng mình. Ngay cả tôi, cũng không có cảm giác biết ơn nó như mình từng biết ơn khoai. Bo bo là thứ ký ức buồn, đau khổ, đen tối, căm giận.

 

 (Phần 4)

Nguyễn Thông

19-5-2023

 

Khoai lang ăn nhiều bị nóng cổ, nhãi ruột, mà không ăn thì đói. Những nhà nghèo còn ăn luôn cả củ khoai bé tí (vốn để nuôi lợn), quê tôi gọi là khoai rãi, chả cần gọt vỏ, bỏ vào rổ tre chà xát cho vỏ mỏng ra rồi ghế chung với gạo.

Ăn khoai rãi cũng có nguyên do, bởi củ khoai lang to đem bán mua gạo, cả chục ký khoai mới được ký gạo. Củ nhơ nhỡ thì rửa sạch thái phơi khô bỏ vào chum chờ ngày giáp hạt. Nông thôn miền Bắc những năm trước và sau 1975 nhà nào cũng phải thủ sẵn chum khoai khô.

Tôi nhớ năm 1972, cơn bão số 7 vật vã quăng quật suốt một ngày, rồi tiếp đến mưa tầm tã thêm ngày nữa, nhà tôi phen ấy mà không có chum khoai khô có lẽ đổ đói cả nhà. Hết gạo không còn hột nào, chả thể chợ búa gì, bu tôi lấy khoai lang khô bung với đỗ đen, ăn cầm cự qua được cơn bão. Cũng có cái lạ, là ông Giá anh họ tôi sống ngoài phố rất thích món khoai khô đỗ đen bung này, ông bảo còn ngon hơn cả sơn hào hải vị ở phố, nếu có tí đường trộn vào nữa thì tuyệt.

Nghiệm ra rằng, thứ gì người ta thích thì ngon, chẳng cứ đắt rẻ. Nhưng nhà tôi chỉ tới tết mới mua được đường theo bìa mua hàng tết. Dân ở phố mỗi tháng được phân phối 5 lạng đường, còn dân thôn quê bị nhà nước lờ đi, hình như họ nghĩ nông dân sống thế nào cũng được.

Nhắc chuyện khoai lang, lại nhớ mấy “kỷ niệm”. Có một dạo, chả biết ban chủ nhiệm hợp tác xã xin ở đâu về được giống khoai năng suất cao, ông Viên đội trưởng đội 4 giải thích, đó là giống khoai do nước bạn Trung Quốc viện trợ. Bà con gọi nôm na thành khoai ba tháng, chả là giống khoai được trồng bấy lâu nay, như khoai chuột lột đặc sản chẳng hạn, phải 4 tháng mới thu hoạch, thì khoai mới này chỉ cần 3 tháng đã dỡ. Củ rất to, nhiều củ, ngắn thời gian, ai chẳng mừng. Tới khi dỡ khoai thì vỡ mộng. Củ khoai to thật nhưng nếu đem luộc, đem nấu thì nó trong vắt, bèo nhèo, nhạt như nước ốc. Nấu cho lợn, lợn cũng chê. Khoai 3 tháng chỉ để ăn sống, giống như ăn củ đậu, tất nhiên thua xa củ đậu. Trồng được đôi ba vụ, hợp tác xã bèn dẹp khoai 3 tháng, từ bấy không ai nhắc tới nữa.

Làng tôi (thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) có ông Đại, nhà nghèo lắm. Ông thích nói khoác. Chị tôi bảo tại ông tên Đại nên cái gì cũng cứ phải phóng to ra. Vụ khoai năm ấy, may mắn sao, khoai nhà ông Đại “thắng lợi toàn diện”, củ nào củ nấy nần nẫn. Ông thích chí khoe khắp làng, bọn trẻ con chúng tôi tò mò tới chứng kiến thành tựu nông nghiệp xã hội chủ nghĩa nhà ông Đại. Bình thường thì người ta thu hoạch khoai lang ngoài đồng về, đem đổ dưới gậm giường, nhưng ông Đại thì khác. Ông bắt vợ con ngủ dưới đất, còn ông trân trọng chất khoai lên giường. Trên hai giường tre khoai cao như hai trái núi trong nhà. Ai cũng lắc đầu lè lưỡi thán phục. Từ bấy, làng lại có thêm sự tích văn hóa “khoai ông Đại”.

Trẻ con bây giờ sướng như tiên. Bà chị tôi bảo vậy. Tôi cũng thấy thế. Ngay cả ăn độn khoai chúng cũng không hề, nói chi thứ khác. Em gái tôi thì bảo, được ăn độn khoai đã khá, chứ nhiều lúc đói, thực đơn phong phú lắm, thứ gì cũng bỏ vào mồm được. Nó ngồi tỉ mẩn kể ra, này nhé, ăn cả quả thèn đen (tím thâm cả mồm), quả mây và quả sắn (vị chát xít), quả vối, quả sung, quả rau muống, mút nụ hoa dong riềng, ăn đòng đòng non, ổi xanh, táo rụng…

Lạ ở chỗ, ăn bẩn thế nhưng bụng dạ chẳng làm sao, có nhẽ miễn nhiễm rồi, cứ thế còi cọc, rồi lớn lên, rồi đứa đi bộ đội, đứa vào dân quân, đi học, thoát ly, tỏa ra khắp miền đất nước. Lâu lâu có dịp ngồi với nhau, tinh nhắc chuyện cũ, quanh đi quẩn lại cuối cùng lại về chuyện ăn uống một thời đói kém. Đúng là không quên nổi.

Tôi vừa sinh ra đã chịu cảnh ăn độn, thì như mọi đứa mới sinh cũng được bú mẹ nhưng bu tôi chỉ tinh ăn độn khoai củ, rau thay cơm, ít sữa nên suốt tuổi thơ tôi lúc nào cũng còi cọc đèo đẹn. Tôi chịu cảnh ăn độn từ khi chưa dứt sữa. Tuy nhiên, thời ăn độn ghê nhất lại là lúc bắt đầu đi làm, năm 1977, trở về sau.

 (Phần 5)

 

Nguyễn Thông

19-5-2023

 

Tốt nghiệp đại học tháng 12.1976, tháng 4.1977 tôi khăn gói quả mướp xuống tàu biển Thống Nhất ở bến Chùa Vẽ, Hải Phòng vào Nam, hành nghề dạy học. Mấy tháng chờ việc ở quê nhà, thày bu tôi thương thằng con gần bốn năm đói dài đói rạc nên bồi dưỡng chút thức ăn có chất đạm bù lại. Tôi bốn tháng được ăn cơm trắng, rau cỏ vườn nhà, cá mú vùng quê lúc ấy cũng khá rẻ, nên trông đã ra cái hồn người, đã có tí da tí thịt. Khi biết tôi phải vào Nam, thày tôi động viên, bảo miền Nam lúa gạo tôm cá nhiều, vào trong ấy chắc đỡ hơn ngoài bắc mình, con ạ.

Cầm tờ “công vụ lệnh” (quyết định phân công công tác), tôi ra trụ sở ngân hàng nhà nước gần bến Bính đổi tiền được 90 đồng tiền miền Nam, ra tiếp bến Chùa Vẽ xếp hàng mua được cái vé tàu khách Thống Nhất hạng 90 đồng (có 3 hạng: 60, 90, 120, loại 60 bao giờ cũng hết trước), nhờ trình công vụ lệnh nên được ưu tiên, chứ có nhiều người xếp hàng mấy ngày vẫn không mua nổi, nhỡ chuyến thì phải chờ hơn chục ngày sau mới xếp hàng tiếp. Giờ nhớ lại cảnh chen chúc nhau trong hàng dây thép gai nhọn hoắt ở quầy vé Chùa Vẽ vẫn còn kinh kinh.

Hôm rồi 15.5.2023, được ngồi ăn trưa với vợ chồng bác Hòa – cô Milena Nguyen cùng quê Phòng “Việt kiều” ở Úc về, anh Hòa bảo, giá biết nhau hồi ấy thì đâu đến nỗi nào, bởi anh là máy trưởng trên con tàu đó, cho chú lên luôn khỏi mua vé.

Thày tôi nói đúng, nhưng chỉ đúng khoảng 3 tháng. Tôi ở khu tập thể của trường trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 Sài Gòn, ăn cơm nhà ăn tập thể. Cơm trắng tinh, đồ ăn bữa thịt bữa cá không phải chịu cảnh thèm nhạt. Thầm nghĩ, sướng, thế mà cứ định chống lệnh, định ăn vạ ở quê. Mấy anh em từ các khoa Văn, Sử, Địa của Đại học Tổng hợp Hà Nội vào, túm tụm ở chung vài phòng trong cái khách sạn cũ dành cho sĩ quan Đại Hàn, được Quân khu 7 bàn giao cho trường làm ký túc xá. Đến bữa ăn thì kéo nhau xuống nhà ăn, ngày hai bữa, hết giờ dạy thỉnh thoảng mượn cái xe đạp làm vài vòng thăm thú phố phường. Tối thì chấm bài, chơi domino, gần khuya nấu mì tôm ăn xì xụp, tưởng như xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công đến nơi rồi.

Được 3 tháng, đến cuối tháng 7.1977. Đùng một cái, hết gạo. Rất đột ngột. Nhà bếp thông báo, từ nay không nấu ăn cho giáo viên nữa, để các anh chị tự mua “lương thực” tiêu chuẩn về nấu riêng. Chả là gạo tiêu chuẩn 16 ký giờ chỉ còn 6 ký, số còn lại được thay bằng mì tôm, sắn (củ mì), bột mì.

Sang năm 1978 kinh hoàng hơn, củ mì, bột mì cũng hiếm, chỉ rặt hạt bo bo (lúa mạch nhập về để chăn nuôi nhưng giờ dành cho người). Với khẩu phần lương thực đa dạng hổ lốn thế, nhà bếp bó tay chả biết phải nấu nướng thế nào phục vụ thầy cô giáo. Với đám sinh viên, nhét kiểu gì, thứ gì vào mồm chúng chả được, nhưng với những “bậc” trí thức thì họ ngại. Chả nhẽ lại phát cho thầy cô 3 củ sắn luộc ăn trước khi lên lớp.

Trong số thức độn đó, may mắn là mỗi tháng tiêu chuẩn giáo viên có 8 gói mì tôm (mì gói, mì ăn liền) thay gạo. Mì gói giấy hiệu Vifon hoặc sau này là Colusa, vỏ có hình 2 con tôm nên chết tên mì tôm. Suốt thời gian dài, mì gì thì mì, bất kể của hãng sản xuất nào, dân chúng đều gọi là mì tôm tuốt, cũng như có thời bất cứ loại xe máy nào cũng gọi thành xe Honda.

Tôi với thầy Vy, đồng hương Hải Phòng, đồng khoa (anh Vy người Thủy Nguyên, Văn khoa khóa 16) bàn cách gộp mì tôm của hai thằng lại được 16 gói, nhờ lão Đào Gia Thiệp là bộ đội đi học, đem xuống hẻm bán cho bà người Tàu rồi mua lại gạo mậu dịch của bà ấy (bà này chuyên buôn lậu gạo, lại móc với nhân viên kho lương thực nên lúc nào cũng sẵn gạo mậu dịch). Mì ăn liền thời đó hiếm, chỉ phân phối cho cán bộ nhân viên nhà nước nên được giá. 16 gói mì chuyển ngang được vài ký gạo, đem về nấu dè sẻn cho đỡ thèm hơi cơm.

Thứ độn ghê gớm nhất, cho tới giờ cứ nhắc đến nó là kinh khiếp: Hạt bo bo. Nếu còn chiến tranh đã đi một nhẽ, đằng này ròng rã gần 2 chục năm hòa bình. Tôi mà là nhà điêu khắc, tôi sẽ dựng bức tượng thật to với nguyên mẫu là hạt bo bo, khắp các tỉnh thành, để làm chứng tích muôn đời về một thời kỳ khốn nạn, con người không bằng con vật, con lợn.

 (Phần cuối)

Nguyễn Thông

19-5-2023

 

Hồi ấy, một ký gạo được quy thành 3 ký đại mạch (bo bo), nhập từ Liên Xô. Người và lợn tranh nhau thứ đặc sản này. Nó nhỏ hơn hạt đỗ đen, màu nâu nhạt, lõm giữa, cứng như đá. Đã không có điện đun nấu, thiếu cả than củi (đến nỗi thầy Võ Thanh Long dạy lý trong chuyến đi chơi thăm công trình thủy điện Trị An chả thiết ngắm nghía gì, cứ nhăm nhăm tìm mua củi, đem về chất đầy hành lang ký túc xá, còn nhà chú Thăng chỉ chẻ củi mà nát cả nền gạch phòng xép trên lầu 4), vậy mà thứ của khỉ này đổ vào nồi nhôm đặt lên bếp than tổ ong hầm đến lụi bếp mới chịu nở mềm. Nhai nó nhạt nhẽo, như trâu trệu trạo nhai rơm trong chuồng. Không ăn thì đói, cố nuốt, nghẹn, nước mắt trào ra. Ăn vào thế nào, khi thải ra vẫn y nguyên vậy. Không ngờ đời giáo học của nhà trường xã hội chủ nghĩa một đất nước đã thống nhất “nào bên nhau cầm tay, ta lên đường hạnh phúc” như lời một bài hát của nhạc sĩ Văn An, mà khổ thế, khổ như con lợn, thảm hơn cả anh giáo Thứ trong Sống mòn của cụ Nam Cao xưa kia.

Lão giáo học Vy nghĩ ra một kế, hầm bo bo cho mềm, xong lấy chảo quẹt tí mỡ (mỡ cũng là hàng hiếm) đổ bo bo vào đảo lên, nêm nếm mắm muối, thêm ít cọng rau, thành món hổ lốn, Vy đặt tên là “Ngọc thực đặc sản”. Xơi được vài bữa cũng chán bởi dù gì nó cũng chỉ là bo bo. Mì tôm còn có giá, còn bán cho mụ Tàu được, chứ bo bo thì… chó nó thu mua, Thiệp cằn nhằn sau khi vác một bao xuống bán nhưng chả ai thèm để ý.

Thưởng thức bo bo được vài năm, mặt anh nào anh ấy hõm vào, giơ xương, hốc hác, sắc diện nhợt nhạt, thiếu hẳn sinh khí, nhìn mặt chỉ thấy cằm thấy trán bọc da, lơ thơ lèo bèo chút thịt. Đó là khuôn mặt điển hình trong thực tế của phần đông thầy cô giáo lẫn công nhân viên chức những năm từ 1978 đến giữa thập niên 1980.

Năm tôi cưới vợ, thầy Châu Hoàng Tiểng dạy toán, người chụp ảnh duy nhất của Trường Dự bị đại học TP.HCM, ưu ái chụp cho cuộn phim đen trắng Sveta 32 kiểu. Gửi phim sang Liên Xô nhờ ông anh trai đang học bên đó rửa ảnh cho rẻ. Giờ thỉnh thoảng lật giở coi lại mấy cái hình đám cưới, nhìn mặt mình, cứ tưởng đứa nào. Đưa cho con xem, chúng săm soi ngắm nghía ngồi lâu rồi bảo chắc không phải bố. Riêng chuyện đám cưới thời bao cấp tôi sẽ viết ở phần tiếp theo.

Mỗi dân tộc đều có những thời khốn nạn. Cứ nghĩ rằng dân xứ này khi bị đẩy vào cuộc nội chiến Bắc – Nam tương tàn, nồi da xáo thịt, anh em trong nhà bắn giết nhau, hại nhau bởi cái ý thức hệ… là khốn nạn lắm rồi, nhưng ai ngờ khi đất nước đã thống nhất, hòa bình đã trở về thì lại bước sang thời tăm tối mới.

Bốn mươi năm, từ 1955 đến 1995 (riêng miền Nam từ 1975 – 1995), chỉ bởi sự hãnh tiến, ngu dốt, độc đoán của nhà cai trị với những đường lối ngu dại, chủ trương ngoan cố giáo điều, những kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, hợp tác xã, đánh tư sản, cải tạo công thương theo kiểu ăn cướp… mà cuộc sống nhân dân có lúc bị đẩy vào tận chân tường, bờ vực. Những năm dài đen tối ấy đều được lịch sử và người tử tế ghi lại bằng cách này hay cách khác.

Thủ phạm dù có được đặt tên đường, được tung hô ca ngợi, được dựng tượng, lập nhà thờ, rồi cũng tới ngày bị xem xét lại công tội phân minh. Nói đâu xa, những năm dài ăn độn, tọng hạt bo bo vào miệng dân là sản phẩm của những đấng bậc ấy chứ đâu phải của ai./.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen