Mục lục
Chuyên gia LHQ yêu cầu Việt Nam giải trình việc điều tra hình sự luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư bào chữa cho vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. YouTube PLO.
Các chuyên gia nhân quyền của LHQ vừa gửi thư yêu cầu chính phủ Việt Nam giải trình liên quan đến cuộc điều tra hình sự “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” do Công an tỉnh Long An, khởi xướng đối với một trong những luật sư nhân quyền và người bảo vệ nhân quyền nổi tiếng nhất ở Việt Nam, ông Đặng Đình Mạnh. Các chuyên gia nhận được thông tin cho rằng đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với ông Mạnh và các đồng nghiệp vì những hoạt động bảo vệ công lý trong vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ hay còn được gọi là Tịnh Thất Bồng Lai.
Văn thư của Báo cáo viên đặc biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, Báo cáo viên đặc biệt về xúc tiến và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền đề ngày 31/3/2023 và vừa được công bố hôm 30/5 có đoạn viết: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi khi đang diễn ra một cuộc điều tra hình sự cáo buộc ông Mạnh, điều này dường như có mối liên quan trực tiếp với việc bào chữa của ông ở Việt Nam”.
Cáo báo cáo viên đặc biệt nói rằng nếu những thông tin mà họ nhận từ các nguồn khác nhau mà được xác nhận, thì vụ việc này dẫn đến “một sự cố nghiêm trọng vi phạm một số tiêu chuẩn quốc tế và khu vực liên quan đến tự do và hành nghề luật sư một cách độc lập”.
Theo các tiêu chuẩn này, các quốc gia phải đưa ra tất cả các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng các luật sư có thể thực hiện tất cả các chức năng nghề nghiệp của họ mà không bị đe dọa, cản trở, quấy rối hoặc can thiệp không phù hợp.
Ba báo cáo viên cũng nhắc đến việc luật sư Mạnh bị cấm xuất cảnh khi ông định sang Campuchia vào đầu tháng 2/2023 và phía công an thông báo cho ông rằng ông đã bị đưa vào danh sách cấm xuất cảnh của Bộ Công an kể từ tháng 8/2021, điều mà ông không được thông báo trước đó.
Như VOA đã đưa tin, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 5 luật sư bào chữa các thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, ngày 21/03/2023, bị Công an Long An triệu tập và thẩm vấn liên quan đến cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Việc triệu tập diễn ra sau khi cơ quan này tiếp nhận tin báo từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 – Bộ Công an) cho rằng ông Mạnh “có hành vi phát tán trên mạng clip hình ảnh, bài viết có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ”.
Truyền thông Việt Nam cho biết công an tỉnh Long An triệu tập ông Mạnh lần 2 vào ngày 12/4 nhưng ông không có mặt, nói thêm rằng nếu người được triệu tập vắng mặt thì sau đó sẽ bị áp giải theo luật định.
Các chuyên gia LHQ yêu cầu chính quyền Việt Nam cung cấp thông tin chi tiết về các chứng cứ dẫn đến việc điều tra hình sự đối với ông Mạnh và giải trình xem những điều này phù hợp ra sao với các nghĩa vụ của Việt Nam theo điều 14, 19, 21 và 22 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Đã quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày các chuyên gia gửi thư cho phía Việt Nam hồi 31/3 và tính đến ngày công bố hôm 30/5, văn thư này vẫn chưa được Hà Nội hồi đáp, theo email của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ gửi cho báo giới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về thư yêu cầu giải trình của các chuyên gia LHQ.
Nữ luật sư Mỹ gốc Việt Vi Trần, đồng sáng lập Tạp chí Luật khoa, nêu nhận định với VOA về Điều luật 331 của Việt Nam:
“Điều luật 331 là điều luật rất phi lý. Nó là luật trên cả luật. Nó không hợp lý và vô ý nghĩa. Và nếu dùng điều luật đó để buộc tội những người luật sư thì càng không đúng hơn, bởi vì một người luật sư phải làm tất cả mọi thứ để bảo vệ và biện hộ cho thân chủ của mình.
“Nếu nhìn về phía luật pháp quốc tế thì việc dùng những điều luật như vậy để buộc tội họ khi họ thực thi quyền lợi của mình và của thân chủ thì rất là sai”.
“Hành vi sách nhiễu, cản trở, đàn áp giới luật sư, đặc biệt là những luật sư can đảm dám nhận lời bảo vệ, bào chữa cho các thân chủ trong những vụ án “bị xem là nhạy cảm” là hành vi xâm phạm nhân quyền của cả luật sư lẫn thân chủ”, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Mẹ Nấm, người theo dõi vụ án Thiền Am, nêu nhận định với VOA.
Bà Quỳnh nhận định rằng qua thư yêu cầu giải trình này có thể là “cơ sở để giới quan sát nhân quyền quốc tế nhìn lại Điều 331 – một điều luật mơ hồ, vi hiến, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam”.
Hồi tháng 3/2023, Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) có thư ngỏ gửi Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam lên án cuộc điều tra hình sự đối với luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và kêu gọi Việt Nam ngưng điều tra hình sự đối với ông và những luật sư khác với mục đích gây phương hại đến hoạt động và quyền tự do biểu đạt của họ.
Ngoài ra, ICJ còn kêu gọi Việt Nam hủy bỏ hay sửa đổi Điều 331 cho tương thích với luật nhân quyền quốc tế, cũng như phải có mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc thực thi một cách tự do nghề luật sư mà không phải lo sợ bị trả thù, bị hạn chế, hay bị sách nhiễu trong quá trình tố tụng.
VOA (07.06.2023)
HRW – Việt Nam: Hãy phóng thích nhà vận động chống tham nhũng
Thầy giáo âm nhạc Đặng Đăng Phước bị truy tố vì viết về các vấn đề nhân quyền
(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc và ngay lập tức phóng thích nhà vận động chống tham nhũng Đặng Đăng Phước.
Công an tỉnh Đắk Lắk bắt ông Phước hồi tháng Chín năm 2022 và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự. Một tòa án dự kiến sẽ xử vụ án của ông vào ngày mồng 6 tháng Sáu năm 2023. Nếu bị kết luận có tội, ông phải đối mặt với mức án lên tới 12 năm tù.
“Chính quyền Việt Nam vận dụng các điều luật có nội dung điều chỉnh quá rộng và mang tính đàn áp để truy tố những người lên tiếng kêu gọi cải cách,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bỏ ngay lập tức mọi cáo buộc đối với Đặng Đăng Phước và các nhà hoạt động khác – những người đóng vai trò thiết yếu trong việc tầm soát những sai phạm và tham nhũng mà chính quyền Việt Nam tuyên bố muốn phòng chống.”
Đặng Đăng Phước, 60 tuổi, đã phục vụ trong quân đội Việt Nam và đóng quân tại Lào trong hơn 4 năm. Sau khi xuất ngũ, ông trở thành một giảng viên âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Đặng Đăng Phước thường xuyên bình luận về các vấn đề xã hội, chính trị và môi trường, và ủng hộ những người nghèo và yếu thế, như những người dân oan khiếu kiện đất đai và các nhóm thiểu số người Thượng. Ông viết rằng: “Tôi bênh vực lẽ phải/ Người thân cô, thế cô/ Chẳng màng hơn với thiệt/ Lợi danh chuyện hư vô!…” Vì lẽ đó, ông tuyên bố rằng mình “lên tiếng để nhằm hạn chế những bất công xã hội.”
Trong thập niên vừa qua, Đặng Đăng Phước đã đấu tranh chống tham nhũng và lạm quyền ở cấp cơ sở. Ông đã vận động để các quyền dân sự và chính trị được bảo vệ tốt hơn, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp và tự do tôn giáo. Ông công khai phản đối bộ luật an ninh mạng năm 2018 mang nặng tính đàn áp.
Đặng Đăng Phước đã ký một số kiến nghị ủng hộ dân chủ, trong đó có bản Kiến nghị 72 công bố vào tháng Giêng năm 2013, kêu gọi sửa đổi hiến pháp để cho phép bầu cử đa đảng. Ông cũng ký tên vào Lời Tuyên bố của các Công dân Tự do, công bố vào tháng Hai năm 2013, đề nghị hủy bỏ điều 4 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992 có nội dung trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam vị trí độc tôn về quyền lực. Bản tuyên bố kêu gọi xây dựng một hệ thống chính trị đa đảng, phân quyền và phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang.
Ông cũng lên tiếng để nâng cao nhận thức về các dự án kinh tế chụp giật, có tác động tiêu cực đến môi trường. Tháng Năm năm 2016, ông ký bản tuyên bố phản đối Formosa, một công ty thép Đài Loan đã xả chất thải độc hại và gây ra một thảm họa ô nhiễm biển quy mô lớn dọc vùng biển miền trung Việt Nam. Những người ký tên vào bản tuyên bố kêu gọi phải điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về vụ việc, đền bù cho những người dân bị mất nguồn kiếm sống do thảm họa, và quy trách nhiệm. Tháng Bảy năm 2022, không lâu trước khi bị bắt, ông lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng khai thác quặng titan mà ông gọi là “liều lĩnh” ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đặng Đăng Phước thể hiện tình đoàn kết với các nhà bất đồng chính kiến khác qua việc lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt bỏ tù, trong đó có Nguyễn Thúy Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Lân Thắng, Đinh Văn Hải, Nguyễn Tường Thuy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Thành, Đinh Thị Thu Thủy và Bùi Văn Thuận.
Ngày mồng 8 tháng Chín năm 2022, ông viết một bài đăng Facebook để ủng hộ nhà hoạt động nhân quyền Bùi Tuấn Lâm (còn được gọi là “Thánh Rắc Hành”) bị công an Đà Nẵng bắt ngày mồng 7 tháng Chín. Chưa đầy hai tiếng sau, công an Đắk Lắk đến bắt Đặng Đăng Phước.
Sau khi bắt Đặng Đăng Phước, công an triệu tập vợ ông, bà Lê Thị Hà, để thẩm vấn ít nhất là hai lần và tra vấn bà về một số bài hát mà ông Đặng Đăng Phước đã hát rồi đăng trên tài khoản Facebook của ông. Một trong những bài hát đó là “Con đường Việt Nam,” do Việt Khang, một cựu tù nhân chính trị, sáng tác để vinh danh người tù chính trị nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức, người đã “đi tù vì đồng bào, vì quê hương.” Đặng Đăng Phước cũng hát bài “Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ,” là sáng tác của blogger nhân quyền Tuấn Khanh, ta thán về những vấn nạn ở Việt Nam dưới quyền lực của Đảng Cộng sản.
“Giới lãnh đạo Việt Nam căm ghét quyền tự do biểu đạt đến mức đàn áp cả những nhà hoạt động chỉ hát lên một vài bài ca phê phán họ,” ông Robertson nói. “Liên minh Châu Âu, bên đã ký kết một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam trong đó có các điều kiện về nhân quyền, và các đối tác thương mại khác, cần lên tiếng với chính phủ Việt Nam về các vi phạm nhân quyền liên tục của họ.”
VNTB (07.06.2023)
Đắk Lắk: Thầy giáo âm nhạc Đặng Đăng Phước bị kết án 8 năm tù giam
Thầy giáo Đặng Đăng Phước bày tỏ sự ủng hộ Quốc hội sớm ra Luật Biểu tình FB Đặng Phước
Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, ông Đặng Đăng Phước bị Toà án Nhân dân tỉnh này kết án tám năm tù giam và bốn năm quản chế trong phiên sơ thẩm về tội danh “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo khoản 1 của Điều 117 Bộ luật hình sự do các hoạt động giúp đỡ dân oan và ủng hộ tự do, dân chủ, nhân quyền một cách ôn hòa.
Phiên toà xét xử ông Phước bắt đầu từ 07h30 sáng và kết thúc vào lúc 14h30 chiều ngày thứ ba, 06/6/2023. Vợ ông là bà Lê Thị Hà cùng đại diện nhóm bốn luật sư có mặt trong phiên xử án, cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Tôi có được vào dự phiên tòa hôm nay, chồng tôi bị kết án tám năm tù giam và bốn năm quản chế, và anh ấy sẽ kháng án,” bà Lê Thị Hà cho biết ngay sau khi kết thúc phiên tòa.”
Luật sư Lê Văn Luân, đại diện cho nhóm luật sư bào chữa của ông Đặng Đăng Phước cũng cho hay ngay sau khi rời khỏi tòa án:
“Về khung cảnh phiên tòa, không có gì là diễn biến bất thường, hoặc có gì căng thẳng quá mức, vị chủ Tọa phiên tòa điều khiển ôn hòa, ít can thiệp nhất trong các phiên tòa mà tôi tham gia từ trước đến này và không tạo ra điểm nhấn gì về mặt gọi là điều khiển cả.
Trong lúc phiên tòa diễn ra, ông Đặng Đăng Phước được bào chữa đầy đủ, tự bào chữa chính thức, và bảo vệ quan điểm của ông, sau đó đến phần bào chữa của các luật sư. Chúng tôi đã bào chữa và tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát, tất nhiên việc đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát không đi đến được kết luận cuối cùng và từ phía Viện Kiểm sát không dựa trên căn cứ cụ thể.”
Ông Luân cho rằng, căn cứ vào quan điểm của các luật sư dựa theo các tình tiết của vụ án, mức án tám năm tù là quá nặng nề so với những gì mà ông Phước đã làm, đồng thời cho biết thêm chủ tọa và hội đồng xét xử trong phiên tòa cư xử đàng hoàng và lịch sự.
‘Sinh ra là để yêu thương, đấu tranh chỉ vì điều tốt đẹp hơn’
Về thông điệp cuối cùng trong phiên tòa của ông Đặng Văn Phước, Luật sư Lê Văn Luân thuật lại và cho RFA hay: “Tôi nhớ nhất trong nội dung mà ông Phước nói, với lời đầu tiên ông cảm ơn cha mẹ của ông đã sinh ra ông để ông có mặt trên đời để ông yêu thương và được yêu thương con người. Và ông cũng nói mọi điều mà ông đã lên tiếng và đấu tranh trong suốt thời gian qua là để với mong muốn cho xã hội, đất nước và con người của đất nước này được tốt đẹp hơn.”
Ngay sau phiên tòa, ngày 06/6, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân ban châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở tại Hoa Kỳ, đưa ra tuyên bố, bình luận:
“Mức án dành cho ông Đặng Đăng Phước là quá đáng và không thể chấp nhận được. Những gì nó bộc lộ là Chính phủ Việt Nam hoàn toàn không khoan dung đối với những công dân bình thường chỉ ra tham nhũng, lên tiếng chống lại sự bất công và kêu gọi trách nhiệm giải trình của các quan chức địa phương.
Đó chính xác là những điều mà ông Đặng Đăng Phước đã làm ở Đắk Lắk, và bây giờ chính phủ tuyên bố những hành động thổi còi như vậy là tuyên truyền chống nhà nước.
Bản án tù oan này cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trò chơi giả dối thực sự thiên về nắm giữ quyền lực và gạt ra ngoài lề các đối thủ chính trị, nhưng không quan tâm đến việc giải quyết những sai phạm phổ biến của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hàng ngũ của nó.”
Đại diện của Theo dõi Nhân quyền từ Bangkok cho biết thêm rằng, thật sự rất khó để chỉ ra sự khác biệt giữa Trọng và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc, người cũng sử dụng “chống tham nhũng” như một trò chơi quyền lực để siết chặt quyền lực của mình – đó là điều mà người dân Việt Nam nên suy cẩn thận, kỹ lưỡng.
Toà án Hà Nội kết tội nhà giáo Đặng Đăng Phước trong một phiên tòa chỉ kém một tuần lễ là tròn hai tháng, sau khi đã kết án cùng tội danh quy định theo điều 117 Bộ Luật hình sự Việt Nam, đối với nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng hôm 12/4/2023 với mức án sáu năm tù giam và hai năm quản chế.
Theo bản cáo trạng mà RFA có được, đĩa CD ghi lại hình ảnh và âm thanh ba bài hát của ông hát trên Facebook đã được Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đem đi giám định và kết luận:
“Đây là những nội dung có chứa nhiều ngôn từ xuyên tạc sự thật, phỉ báng chính quyền nhân dân, cố tình bôi đen sự thật, nói xấu chính quyền nhằm làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của chính quyền, Nhà nước, cổ suý tinh thần ‘dấn thân’ đấu tranh cho cái gọi là ‘dân chủ, nhân quyền’ nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Một đoạn video bài hát dài năm phút này được cựu giảng viên âm nhạc trường Cao Đẳng Sư phạm Đắk Lắk đăng trên trang Facebook cá nhân có tên Đặng Phước vào ngày 1/8/2021 có đoạn cho thấy vị thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước ôm một cây đàn ghi ta, say sưa hát bài “Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ” của nhạc sĩ Tuấn Khanh với ca từ da diết: “Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ, Người người lặng yên, u uất trong tim, Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ, Bài học tự do đâu chỉ cơm no, Gánh xiếc to sao không nghe tiếng cười, Tiếng vỗ tay sao như tiếng khóc người, Vuốt mặt nhìn nhau, Bỗng thấy nghẹn lời…”
‘Vận động chống tham nhũng và lạm quyền ở cấp cơ sở’
Khoảng một năm sau, vào ngày 8/9/2022, ông Phước đã bị chính quyền địa phương bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” và đoạn video bài hát này là một trong ba đoạn video bài hát yêu nước có sự tham gia của ông được đăng trên Facebook ở các thời điểm khác nhau mà đã trở thành bằng chứng để Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk dựa vào đó sử dụng nhằm cáo buộc ông vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Còn theo thông cáo của HRW trước phiên tòa, ông Đặng Đăng Phước trong thập niên qua đã vận động chống tham nhũng và lạm quyền ở cấp cơ sở:
“Ông đã ủng hộ việc bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự và chính trị, bao gồm quyền tự do ngôn luận, biểu đạt, lập hội, hội họp và tôn giáo. Ông công khai phản đối luật an ninh mạng năm 2018 mang tính đàn áp của Việt Nam. Đặng Đăng Phước đã ký nhiều kiến nghị ủng hộ dân chủ, trong đó có Kiến nghị 72, ban hành vào tháng 01 năm 2013, kêu gọi thay đổi hiến pháp để cho phép bầu cử đa đảng.
Ông cũng đã ký Tuyên ngôn Công dân Tự do, ban hành vào tháng 2 năm 2013, tìm cách bãi bỏ điều 4 trong Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, trong đó trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền về quyền lực. Tuyên bố kêu gọi tạo ra một hệ thống chính trị đa đảng, phân chia quyền lực và phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang. Ông cũng lên tiếng để nâng cao nhận thức về các dự án kinh tế bóc lột có tác động tiêu cực đến môi trường. Vào tháng 5 năm 2016, ông đã ký tuyên bố phản đối Formosa, một công ty thép của Đài Loan đã đổ chất thải độc hại và gây ra thảm họa ô nhiễm biển nghiêm trọng dọc theo bờ biển miền trung Việt Nam.
Đặng Đăng Phước thể hiện tình đoàn kết với những người bất đồng chính kiến khác bằng cách công khai lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền đang bị nhà cầm quyền Việt Nam cầm tù, bao gồm Nguyễn Thúy Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Lân Thắng, Đinh Văn Hải, Y Wo Nie, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Thành, Đinh Thị Thu Thủy, Bùi Văn Thuận,” vẫn theo tổ chức nhân quyền có trụ ở New York, Hoa Kỳ.
Phó Giám đốc, đại diện HRW ở khu vực châu Á, ông Robertson nói: “Sự coi thường quyền tự do ngôn luận của giới lãnh đạo Việt Nam thậm chí còn lan sang cả những nhà hoạt động đã hát một vài bài hát chỉ trích họ. Liên minh Châu Âu, đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam có điều kiện về nhân quyền, và các đối tác thương mại khác, nên lên án chính phủ vì những vi phạm nhân quyền liên tục của họ.”
Quốc Phương
RFA (06.06.2023)
Ủng hộ dân chủ, đa đảng, thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước lãnh 8 năm tù
NGUỒN HÌNH ẢNH,DP FACEBOOK Chụp lại hình ảnh, Thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước
Ngày 6/6, Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm ông Đặng Đăng Phước, nguyên giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, tuyên ông 8 năm tù giam, 4 năm quản chế.
Ông Phước bị bắt vào ngày 08/9/2022 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sau phiên tòa, bà Lê Thị Hà nói rằng bà luôn tin chồng mình vô tội:
“Nhà cầm quyền có thể tuyên anh bao nhiêu năm đó là chuyện trong tầm tay họ, nhưng với dân với nước anh không làm gì sai. Chồng tôi đâu có tham nhũng, trộm cướp, buôn lậu hay lừa gạt ai?,” bà Hà nói từ Đắk Lắk.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói rằng ông Phước đã đăng nhiều bài viết “mang nội dung xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; và gây chiến tranh tâm lý…”
Tháng 8/2022, trong bài viết cuối cùng trên Facebook cá nhân, ông bày tỏ sự ủng hộ đối với Bùi Tuấn Lâm – người có biệt danh ‘Thánh rắc hành’ và vừa bị xử tù sau khi có video chế giễu bữa ăn đắt tiền tại nhà hàng của Salt Bae của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Chưa đầy hai giờ sau khi ông Phước đăng bài viết này, công an Đắk Lắk ập vào nhà bắt ông.
Bà Hà cho hay bà được vào dự tòa, được nhìn thấy chồng, nhưng hai vợ chồng không có cơ hội nói với nhau câu nào.
Bà kể rằng ngay sau khi phiên tòa kết thúc, công an ‘lao vào’ đưa ông Phước đi ‘tích tắc’.
“Tôi không biết anh thực sự có khỏe không nhưng tinh thần anh vẫn rất minh mẫn,” bà Hà nói.
Thầy giáo hát ‘Con đường Việt Nam’
Hôm 06/6/2023, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam bãi bỏ các cáo buộc với ông Đặng Đăng Phước và trao trả tự do cho ông.
Ông Phil Robertson phát biểu:
Robertson nói: “Sự coi thường quyền tự do ngôn luận của giới lãnh đạo Việt Nam thậm chí còn lan sang cả những nhà hoạt động đã hát một vài bài hát chỉ trích họ.
“Liên minh Châu Âu, đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam trong đó có điều kiện về nhân quyền, và các đối tác thương mại khác, nên lên án chính phủ vì những vi phạm nhân quyền không ngừng của họ.”
Sau khi ông Phước bị bắt, công an Đắk Lắk đã hai lần cho triệu tập và thẩm vấn vợ ông là Lê Thị Hà về các bài hát mà ông hát và cho đăng trên Facebook.
Một trong các bài hát đó là ‘Con đường Việt Nam’, do cựu tù chính trị, ca sỹ Việt Khang sáng tác, nhằm tôn vinh cựu tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức.
Ông Phước cũng hát bài ‘Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ’ do nhạc sỹ Tuấn Khanh sáng tác, trong đó có những câu như:
“Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Bài học tự do đâu chỉ cơm no…”
‘Chưa hết bàng hoàng’
Từ quê nhà Đắk Lắk, bà Lê Thị Hà nói với BBC rằng bà vẫn còn thấy ‘bàng hoàng và đau đớn vì bản án của chồng’.
Tuy nhiên, bà nói rằng bà đã tự trấn an và tụ nhủ bản thân phải mạnh mẽ hơn để đồng hành cùng chồng trên con đường chông gai phía trước.
“Cuộc đời này không có gì nằm ngoài quy luật thành – trụ – hoại – diệt, bánh xe lịch sử lăn đều, công hay tội phải để đời sau đánh giá,” bà Hà nói với BBC khi vẫn còn thấm mệt sau phiên tòa.
Dùng Facebook chống tham nhũng
Năm nay 63 tuổi, trước khi bị chính quyền địa phương bắt, ông Đặng Đăng Phước là giảng viên âm nhạc của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Ông Phước từng phục vụ trong quân đội Việt Nam và đóng quân tại Lào trong 4 năm. Sau khi rời quân đội, ông trở thành giáo viên dạy nhạc.
Ông thường bình luận về các vấn đề chính trị, xã hội và môi trường trên Facebook cá nhân, lên tiếng bảo vệ những người yếu thế, trong đó có những người dân mất đất và người Thượng.
Ông viết: “Tôi bảo vệ sự chính trị và những người không có quyền lực. Tôi không màng danh lợi.”
Trong 10 năm qua, ông đã dùng Facebook để vận động chống tham nhũng và lạm quyền, lên tiếng bảo vệ quyền dân sự và chính trị, trong đó có quyền tự do ngôn luận, biểu đạt, hội họp và tôn giáo.
Ông công khai phản đối Luật An ninh mạng năm 2018.
Ông cũng ký nhiều kiến nghị ủng hộ dân chủ, trong đó có Kiến nghị 72 được công bố tháng 1/2013, kêu gọi thay đổi Hiến pháp để cho phép bầu cử đa đảng.
BBC (06.06.2023)
Việt Nam tuyên phạt thầy giáo chống tham nhũng Đặng Đăng Phước 8 năm tù
Ông Đặng Đăng Phước. Photo Facebook Đặng Phước.
Hôm 6/6, một tòa án ở Đăk Lăk tuyên phạt nhà hoạt động chống tham nhũng Đặng Đăng Phước 8 năm tù và 4 năm quản chế về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”, theo tin từ gia đình ông.
Vợ ông Phước, bà Lê Thị Hà, người được phép dự phiên tòa ở thành phố Buôn Ma Thuột, nói với VOA sau phiên xử:
“Anh Đặng Đăng Phước không nhận tội. Ảnh tuyên bố vô tội”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nêu nhận định với VOA qua email sau phiên tòa:
“Mức án dành cho ông Đặng Đăng Phước là quá đáng và không thể chấp nhận được. Bản án này cho thấy rằng chính phủ Việt Nam hoàn toàn không khoan dung đối với những công dân bình thường chỉ ra tham nhũng, lên tiếng chống lại sự bất công và kêu gọi trách nhiệm giải trình của các quan chức địa phương”.
“Bản án tù oan này cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trò chơi giả dối thực sự thiên về nắm giữ quyền lực và gạt ra ngoài lề các đối thủ chính trị, nhưng không quan tâm đến việc giải quyết những sai phạm phổ biến trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam”, vẫn lời ông Robertson.
“Thật sự rất khó để phân biệt giữa ông Trọng và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc, người cũng sử dụng chiến dịch ‘chống tham nhũng’ như một trò chơi quyền lực để siết chặt quyền lực của mình – điều mà người dân Việt Nam nên suy nghĩ lâu dài và kỹ lưỡng”, ông Robertson cho biết thêm.
Một ngày trước khi tòa xử ông Phước, HRW hôm 5/6 kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và lập tức phóng thích ông, nói rằng “Chính quyền Việt Nam vận dụng các điều luật có nội dung điều chỉnh quá rộng và mang tính đàn áp để truy tố những người lên tiếng kêu gọi cải cách”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi đề nghị bình luận của VOA về lời kêu gọi của HRW.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội được đảm bảo, và rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Ông Phước, 60 tuổi, giáo viên dạy môn âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Đắk Lắk, bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt vào tháng 9/2022 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Truyền thông Việt Nam dẫn kết luận của cơ quan an ninh điều tra cho biết ông Đặng Đăng Phước đã thường xuyên lên mạng xã hội Facebook “đăng tải những bài viết, video clip mang nội dung xuyên tạc, chống phá nhà nước”.
VOA (06.06.2023)
Aktivist und Musiklehrer in Vietnam zu acht Jahren Haft verurteilt
Ngày 06.06.2023 thông tấn xã Tin lành Đức Evangelischer Pressedienst (epd), đã loan tin chế độ Cộng sản Việt Nam hôm nay vừa kết án thầy giáo chống tham nhũng Đặng Đăng Phước 8 năm tù và 4 năm quản thúc.
Trong hơn 10 năm qua, thầy giáo Phước đã hoạt động cho tự do ngôn luận, bảo vệ môi trường và chống tham nhũng trong guồng máy chính quyền Cộng sản. Tháng 9 năm 2022 thầy Phước viết một bài trên Facebook ủng hộ Bùi Tuấn Lâm, một nhà hoạt động cũng đã bị chế độ CS Hà Nội bắt sau khi anh mỉa mai ám chỉ bộ trưởng công an Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng tiền tỷ khi đi “công vụ, du hý” bên Anh. Theo tin của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) chỉ vài giờ sau khi đăng tải, Đặng Đăng Phước đã bị công an bắt giữ.
Trong thời gian qua, không có tuần nào là không có người đối kháng bị CS Việt Nam bỏ tù.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói Âu châu cũng có trách nhiệm trong vấn đề nhà nước Cộng sản Hà Nội đàn áp tù nhân chính trị ở Việt Nam. Theo ông, hiệp định thương mại tự do của liên minh Âu châu (EU) với Việt Nam có các điều khoản rõ ràng về tình trạng nhân quyền. Vì thế , liên minh Âu châu (EU) có nhiệm vụ buộc chế độ CS Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền liên tục của họ.
Xin các bạn (rành tiếng Đức) đọc thêm chi tiết trong bài của thông tấn xã Tin lành Đức (EPD) và bản tin tiếng Việt của đài VOA ở dưới.
Kính
TS Duong Hong-An
„Diễn đàn Vietnam 21“
„Forum Vietnam 21“
Aktivist und Musiklehrer in Vietnam zu acht Jahren Haft verurteilt
epd
Phnom Phen, Hanoi (epd). Seine Lieder kamen beim kommunistischen Regime in Vietnam nicht gut an: Ein Gericht sprach den Musiklehrer und Menschenrechtsaktivisten Dang Dang Phuoc am Dienstag der Propaganda gegen den Staat für schuldig. Der 60-Jährige muss für acht Jahre ins Gefängnis, wie Radio Free Asia berichtete. Anschließend soll er noch vier Jahre in der südvietnamesischen Provinz in Dak Lak unter Hausarrest stehen. Die Menschenrechtsorganisation Human Rights Watch (HRW) kritisierte die massive Repression gegen Regimekritiker im südostasiatischen Land.
Dang Dang Phuoc engagiert sich HRW zufolge seit mehr als zehn Jahren für Meinungsfreiheit sowie gegen Korruption und Umweltverbrechen. Im September 2022 schrieb er einen Facebook-Post zur Unterstützung des Aktivisten Bui Tuan Lam. Dieser war verhaftet worden, nachdem er ironisch auf den ausschweifenden Restaurantbesuch eines Politikers angespielt hatte. Wenige Stunden nach seinem Post wurde Dang Dang Phuoc laut HRW festgenommen. Auch seine Frau wurde demnach zu vermeintlich regierungskritischen Liedern befragt, die der Musiklehrer gesungen haben soll.
Das Regime in Vietnam geht brutal gegen Kritikerinnen und Kritiker vor. In den vergangenen Monaten verging kaum eine Woche, in der kein Menschenrechtsaktivist oder Oppositioneller zu einer Haftstrafe verurteilt wurde. Der stellvertretende Asiendirektor von Human Rights Watch, Phil Robertson, sieht auch Europa in der Verantwortung. Das EU-Freihandelsabkommen mit Vietnam enthalte Menschenrechtsauflagen, erklärte er im Vorfeld des Verfahrens gegen Dang Dang Phuoc. Die EU müsse deshalb die vietnamesische Regierung für ihre andauernden Rechtsverletzungen zur Rede stellen.
Thông tấn xã Tin lành Đức Evangelischer Pressedienst (epd) (06.06.2023)
BPSOS tham dự buổi công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
Tại buổi công bố bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao gửi Quốc Hội và Tổng Thống Hoa Kỳ về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm nay, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, là một trong 10 nhân vật thuộc xã hội dân sự được mời tham dự. Trong đó, phân nửa đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế và phân nửa là những người đến từ các quốc gia nơi đang diễn ra tình trạng đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng gồm có China, Myanmar, Iran và Việt Nam.
“Sự hiện diện của tôi cho thấy Việt Nam đang được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quan tâm không kém so với China, Myanmar và Iran, là những quốc gia với tình trạng đàn áp tôn giáo hết sức tồi tệ” Ts. Thắng nhận xét.
Ngoại Trưởng Antony Blinken và Đại Sứ Lưu Động Rashad Hussain công bố bản phúc trình năm 2022 về tự do tôn giáo quốc tế, ngày 15/05/2023 (hình của RFA)
Trong lời giới thiệu bản phúc trình, Ngoại Trưởng Antony Blinken bày tỏ mối quan ngại của chính phủ Hoa Kỳ về tình trạng đàn áp tôn giáo trong năm 2022:
“Thật không may, bản phúc trình cũng ghi lại sự tiếp tục và, trong một số trường hợp, sự gia tăng của các xu hướng rất đáng lo ngại. Chính phủ ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số bằng nhiều biện pháp, bao gồm tra tấn, đánh đập, giám sát bất hợp pháp và cái gọi là trại cải tạo. Họ cũng tiếp tục tham gia vào các hình thức phân biệt đối xử khác trên cơ sở đức tin hoặc không đức tin.”
Tiếp theo, Đại Sứ Lưu Động Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain ghi nhận những đóng góp của xã hội dân sự đã giúp cho văn phòng của Ông hoàn thành bản phúc trình, đối phó với những biện pháp đàn áp tôn giáo và thúc đẩy sự cải thiện chính sách đối với các tôn giáo ở nhiều quốc gia:
“Tất nhiên, không công việc nào trong số này có thể thực hiện được nếu không có sự lãnh đạo ngoan cường của xã hội dân sự, bao gồm cả những nhà lãnh đạo tận tâm đang tham gia cùng chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy, cảm ơn bạn rất nhiều vì sự hợp tác của các bạn.”
Ngoại Trưởng Antony Blinken tiếp đón phái đoàn xã hội dân sự, ngày 15/05/2023 (hình từ BNG Hoa Kỳ)
Bản phúc trình năm nay, cũng như trong 2 năm qua, ghi nhận đóng góp của BPSOS qua các báo cáo về những vụ vi phạm ở Việt Nam:
“Chiếu theo các bản báo cáo của tổ chức NGO Boat People SOS, trong năm [2022] đã có ít ra 95 vụ vi phạm qua đó công an địa phương đã triệu tập, khảo tra, sách nhiễu hoặc đe doạ các tín đồ của các hội thánh không đăng ký Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, Truyền Giảng Phúc Âm và Tin Lành Đề Ga,” bản phúc trình viết.”
Theo Ts. Thắng tổng số vụ vi phạm do BPSOS báo cáo năm 2022 là gấp đôi con số này, bao gồm nhiều vụ ép bỏ đạo các tín đồ Tin Lành người Hmong và người Thượng, các vụ sách nhiễu và hiếp đáp tín đồ theo đạo Cao Đài gốc bởi thành viên của Chi Phái 1997, các đợt tấn công vào Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, các vụ cưỡng chiếm tài sản của những nhà dòng và giáo xứ Công Giáo, các kế hoạch phá huỷ những chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, việc ngăn cản hoặc đe doạ người trong nước để không tham gia các sự kiện quốc tế về tự do tôn giáo…
“Thực ra, chính các nhóm và các cộng đồng bị bách hại này đã cung cấp thông tin gốc cho các bản báo cáo của chúng tôi,” Ts. Thắng giải thích. “Điều này chứng tỏ sự tăng trưởng về nội lực của các cộng đồng bị bách hại.”
Từ năm 2015 đến nay, BPSOS đã huấn luyện khoảng 2 nghìn thành viên của trên 200 nhóm và cộng đồng tôn giáo như vậy cách thu thập và phối kiểm thông tin cho các bản báo cáo vi phạm. Từ đó đến nay, gần 500 bản báo cáo, bao gồm hàng nghìn vụ vi phạm, đã được chuyển đến LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và nhiều định chế nhân quyền quốc tế.
Dựa vào các báo cáo vi phạm dồn dập trong năm 2022, ngày 30 tháng 11 năm ngoái, Ngoại Trưởng Blinken đã liệt Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng.
“Việc tôi có mặt tại buổi công bố bản phúc trình năm 2022 cũng là sự ghi nhận của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về các đóng góp của chính những cộng đồng bị bách hại ở Việt Nam cho bản phúc trình và cho quyết định đưa Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt ,” Ts. Thắng nói.
Ngoài ra, cuộc tiếp đón bởi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ và giới chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế còn là sự khẳng định uy tín của BPSOS trước những lời cáo buộc mang tính vu khống và đưa tin giả của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, mà gần đây nhất là bản tin ngày 13 tháng 10, 2022 của chương trình truyền hình VTV4:
“Nguyễn Đình Thắng là một cựu quan chức của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Năm 1979, Thắng vượt biên sang Mỹ, điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển, một tổ chức phi chính phủ thường xuyên cấu kết với tổ chức khủng bố Việt Tân để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, cổ vũ, khích lệ chống đối cực đoan trong nước, nhất là kích động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.”
Ngày 6 tháng 4 vừa qua, BPSOS đã kiện VTV và VTV4 ra toà ở Hoa Kỳ về tội vu khống với ác ý hãm hại.
Phái đoàn xã hội dân sự tham gia buổi công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế, ngày 15/05/2023 (hình từ BNG/Hoa Kỳ)
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình gửi Quốc Hội về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới:
http://machsongmedia.org (06.06.2023)