Seite auswählen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Một tàu hải cảnh Trung cộng ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông, Trung cộng vào ngày 19/4/2023

Tàu hải cảnh Trung cộng CCG 5901 hiện diện tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), ở phía tây bãi Tư Chính từ ngày 8/6, theo Tướng Raymond M. Powell từ Đại học Stanford.

Trong một dòng tweet hôm 8/6, Tướng Raymond M. Powell, Trưởng Dự án Myoushu, Trung tâm Gordian Knot Center for National Security Innovation, Đại học Stanford thông tin về đường di chuyển của tàu hải cảnh được mệnh danh là “monster” (con quái vật) này.

“Điều khiến sự kiện này đáng chú ý đó tàu China Coast Guard 5901 (CCG 5901) là một trong tàu hải cảnh lớn nhất thế giới, với chiều dài 165 mét và nặng 12.000 tấn của Trung cộng. Con tàu này vượt trội hẳn so với những tàu kiểm ngư dài trên 56 mét của phía Việt Nam được cắt cử để theo sát các hoạt động của tàu Trung cộng.” ông Raymond M. Powell nói với BBC News Tiếng Việt.

Ông Raymond cho biết thêm với BBC là con tàu CCG 5901 này chỉ phát tín hiệu AIS trong khoảng 7,5 giờ trong ngày thứ Năm 8/6, và sau đó “đen” ngay lập tức sau đó.

Trung cộng tăng hơn gấp đôi số tàu cảnh sát biển tuần tra trên các vùng mỏ dầu khí của Việt Nam ở bãi Tư Chính trong năm 2022, tăng từ con số 142 ngày vào năm 2020 lên 310 ngày vào năm 2022, theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (The Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI).

“Mục tiêu của Trung cộng trong việc tuần tra tại những khu vực này để thiết lập cái gọi là “quyền lịch sử” đối với tuyên bố đường chín đoạn. Trung cộng đã liên tục gia tăng sự hiện diện của mình trong những năm qua với sự phản đối công khai rất ít ỏi từ Hà Nội”, ông Raymond M. Powell bình luận.

Đây là những diễn biến mới nhất trên Biển Đông sau khi tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung cộng và các tàu hộ vệ, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông trong gần một tháng qua đã rời vùng biển Việt Nam hôm Thứ Hai 5/6.

Hôm qua 10/6, Việt Nam phản bác luận điệu của Trung cộng cho rằng “tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 hoạt động hợp pháp ở Biển Đông”.

Trước đó ngày 6/6, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng khẳng định “Trung cộng có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận”.

NGUỒN HÌNH ẢNH,RAYMOND M. POWELL Chụp lại hình ảnh, Con tàu khách khổng lồ San Sha 2 (Tam Sa 2) và tàu tuần tra Zhong Guo Yu Zheng 310 của hải quân Trung cộng cũng đã hướng đến Bãi Tư Chính vào ngày 8/6, theo Tướng Raymond M. Powell

Ông Raymond ngày 8/6 cũng cho biết thêm con tàu khách khổng lồ San Sha 2 (Tam Sa 2) và tàu tuần tra Zhong Guo Yu Zheng 310 của hải quân Trung cộng cũng đã hướng đến Bãi Tư Chính trong một động thái khẳng định chủ quyền của Trung cộng trên Biển Đông.

‘Càng hung hăng hơn’

Từ Sài Gòn vào hôm nay, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định với BBC News Tiếng Việt, trong hơn 10 năm qua, các tàu địa chất, tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Trung cộng “luôn xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí đi vào thềm lục địa của Việt Nam”.

“Đây là chuyện hết sức bình thường của nhà nước Trung cộng. Từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay, Trung cộng không bao giờ giấu giếm tham vọng chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên những người quan sát trên Biển Đông nhất là trong hai tháng qua đã đặt ra một câu hỏi là tại sao Trung cộng đợt này lại rất hung hăn đến như vậy”, ông Đinh Kim Phúc đặt câu hỏi.

Ông Đinh Kim Phúc nhận định có ba lý do chính cho thái độ ngày càng xác lập hơn từ phía Bắc Kinh trên Biển Đông, cụ thể bao gồm tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Asean và Trung cộng “dường như đang đi vào giai đoạn bế tắc và hành động của Trung cộng là muốn đổ lỗi cho Asean nếu đàm phán thất bại”.

Được bắt đầu khởi động vào năm 2000, tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct – COC) giữa Asean và Trung cộng cho đến nay chưa đạt kết quả cụ thể.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Các cấu trúc trên cụm đảo Nam Yết (Tizard bank) hiện do Việt Nam kiểm soát trên Biển Đông, ảnh ngày 22/4/2023

Hai lý do khác theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc là Trung cộng muốn “lợi dụng sự suy yếu của Nga” trên chính trường thế giới, khi gây sức ép với lô dầu khí do Nga đang khai thác và vận hành trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhằm tiếp tục khẳng định chủ quyền

“Ngoài ra, trước những tin đồn dồn dập về nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ thì Bắc Kinh dường như muốn gây sức ép cho phía Hà Nội. Lý do quan trọng nhất theo tôi là Trung cộng muốn gây sức ép liên tục để Việt Nam từ bỏ tư tưởng đi với Phương Tây, đi với Mỹ, đánh bại ý chí tự do hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Trung cộng muốn cho Việt Nam thấy các nước Phương Tây chỉ quan tâm đến tự do hàng hải, và sẽ không không muốn can dự liên quan đến tranh chấp chủ quyền”, ông Đinh Kim Phúc cho biết thêm.

Trong một bình luận trên Foreign Policy ngày 10/06, Giáo sư Peter A. Dutton, ngành luật quốc tế từ Đại học U.S. Naval War College và Đại học New York nhận định “Trung cộng đang muốn viết lại luật biển”.

Cụ thể Giáo sư Peter A. Dutton đã đề cập đến quyển sách ‘China’s Law of the Sea: The New Rules of Maritime Order’ của tác giả Isaac B. Kardon, ấn bản hồi tháng Ba, về mong muốn thật sự của giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải.

Đó là mong muốn của Bắc Kinh “một trật tự quốc tế hậu tự do [post-liberal international order]” khi định hình lại một trật tự quốc tế trên đại dương, một thuật ngữ do Tiến sĩ Isaac B. Kardon từ Carnegie Endowment for International Peace nêu trong sách.

Và Tiến sĩ Isaac B. Kardon cho rằng Trung cộng đã “hưởng lợi vô cùng lớn” khi Mỹ “vắng bóng trong những đấu trường quan trọng” liên quan đến vấn đền Biển Đông trong những năm qua.

BBC (11.06.2023)

 

 

Việt Nam phản bác phát biểu của Trung cộng về vụ tàu khảo sát xâm nhập EEZ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Việt Nam ngày thứ Bảy bác bỏ một phát biểu của Trung cộng phủ nhận việc một tàu khảo sát của nước này hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam suốt gần một tháng, nói rằng chủ quyền của Việt Nam “phải được tôn trọng.”

Tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hộ tống tiến vào vùng biển của Việt Nam từ ngày 7 tháng 5 và thường xuyên đi qua các mỏ dầu khí do các công ty Nga điều hành, theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền, bất chấp nhiều lần Việt Nam lên tiếng yêu cầu các tàu này rời đi.

Các tàu này cuối cùng rời đi vào ngày 5 tháng 6, Reuters cho biết, dẫn thông tin từ các chuyên gia theo dõi tàu biển.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung cộng ngày 6 tháng 6 nói trong một cuộc họp báo thường kì rằng các tàu này thực hiện “các hoạt động nghiên cứu bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung cộng” và rằng “không có chuyện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.”

Truyền thông nhà nước Việt Nam ngày 10 tháng 6 dẫn một phát biểu của bộ ngoại giao phản hồi phát biểu của phía Trung cộng, tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

“Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của một quốc gia được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước ven biển, trong đó có Việt Nam phải được tôn trọng,” người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói.

“Đây chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm, xây dựng và đóng góp thiết thực của các nước liên quan vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thượng tôn pháp luật ở khu vực, trong đó có khu vực Biển Đông.”

Theo luật quốc tế, các tàu được phép đi qua các vùng đặc quyền kinh tế của nước ngoài, nhưng không được thực hiện các hoạt động khảo sát không có giấy phép. Các hoạt động này của Trung cộng ở Biển Đông từ lâu đã trở thành vấn đề đối với các nước trong khu vực, vì Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển giàu năng lượng, bao gồm cả các vùng đặc quyền kinh tế.

Trong một sự phản đối công khai hiếm hoi, chính phủ Việt Nam vào ngày 25 tháng 5 yêu cầu tàu nghiên cứu Trung cộng và các tàu hộ tống rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau chuyến thăm Hà Nội của quan chức cao cấp Nga Dmitry Medvedev.

VOA (11.06.2023)

 

 

Việt Nam phản bác phát ngôn của Trung cộng về tàu Hướng Dương Hồng 10

Sơ đồ hoạt động của Hướng Dương Hồng từ 7/5/2023 trong EEZ của VN Marine Traffic

Việt Nam lên tiếng phản đối việc Trung cộng tuyên bố rằng “không có việc tàu Hướng Dương Hồng 10 tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trong ngày 10/6 khi được phóng viên đề nghị bình luận, về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Vương Văn Bân khi người này cho rằng ““không có việc tàu Hướng Dương Hồng 10 tiến vào EEZ của nước khác”, đã khẳng định “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa”.

Bà Hằng đồng thời cho biết, “quy chế pháp lý của quần đảo Trường Sa cũng như các thực thể của quần đảo này đã được xác định rõ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của một quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước ven biển, “trong đó có Việt Nam phải được tôn trọng”.

“Đây chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm, xây dựng và đóng góp thiết thực của các nước liên quan vào hoà bình, ổn định, hợp tác và thượng tôn pháp luật ở khu vực, trong đó có khu vực Biển Đông”, bà Hằng nhấn mạnh.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung cộng bằng những luận chứng như trên mà đã nhiều lần nêu rõ lập trường của Việt Nam trước các hoạt động bất hợp pháp của Trung cộng trong vùng biển được Việt Nam xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế.

Liên quan đến việc tàu Hướng Dương Hồng 10, Bộ Ngoại giao VN đã ba lần lên tiếng phản đối Trung cộng. Trong đó, ngày 25/5, bà Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã “giao thiệp nhiều lần với phía Trung cộng”.

Bà Hằng cũng nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung cộng tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước”.

Trước đó, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 6/6, người phát ngôn Bộ này -ông Vương Văn Bân trả lời câu hỏi của Reuters về “lý do” tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung cộng “rời vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam đêm 5/6”, cho rằng nước này có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với cái gọi là “vùng biển liên quan của quần đảo Nam Sa”. Nam Sa là cách Trung cộng gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ông này cũng tuyên bố rằng “không có việc tàu Trung cộng tiến vào EEZ của nước khác” và khẳng định hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hộ tống là “chính đáng và hợp pháp”.

Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung cộng và đoàn tàu hộ tống gồm tàu hải cảnh và dân quân biển đã rời vùng biển Việt Nam sau 28 ngày liên tục đi lại trong vùng nước này.

Chuyên gia Raymond Powell, người đứng đầu dự án Myoushu thuộc Trung tâm Gordian Knot về An ninh Quốc gia thuộc Đại học Standford, Mỹ, cho biết thông tin này trên Twitter với hình ảnh theo dõi đoàn tàu được cập nhật.

Thông tin tàu khảo sát Trung cộng rời vùng biển Việt Nam xảy ra vào khi Đối thoại an ninh thường niên Shangri-La đang diễn ra ở Singapore. Phát biểu tại diễn đàn này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng Lý Thượng Phúc nói “Nhờ những nỗ lực chung của các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, các trao đổi và hợp tác đã phát triển mạnh hơn”.

Trung cộng đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn vẽ sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Toà Trọng tại Quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường này nhưng Trung cộng không tuân thủ phán quyết của toà. 

RFA (10.06.2023)

 

 

Tàu hải quân Trung cộng ‘thăm hữu nghị’ Phi Luật Tân

Tàu Hải quân Trung cộng Thích Kế Quang (Qi Jiguang) hôm 23/5/2023 cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.

Tàu huấn luyện hải quân lớn nhất của Trung cộng lên đường đến Phi Luật Tân hôm thứ Sáu 9/6, là điểm dừng chân cuối cùng của chuyến thăm “hữu nghị” trong khu vực, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về các hoạt động hàng hải của Trung cộng ở Biển Đông.

Tàu huấn luyện Qijiguang (Thích Kế Quang), lớn hơn một tàu khu trục thông thường, đã rời Brunei hôm 8/6 đi tới Phi Luật Tân trong khuôn khổ chuyến đi kéo dài khoảng 40 ngày bao gồm các điểm dừng ở Việt Nam và Thái Lan trước khi đến Brunei.

Đến cuối chuyến đi, tàu Qijiguang và thủy thủ đoàn gồm 476 sinh viên hải quân và sĩ quan đã đi qua Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, Biển Đông, Vịnh Thái Lan và Tây Thái Bình Dương.

Con tàu được đặt theo tên của một vị tướng triều đại nhà Minh đã chiến đấu chống lại cướp biển Nhật Bản. Hoạt động huấn luyện trên con tàu tập trung vào các bài tập điều hướng, chống cướp biển và bắn súng bằng vũ khí hạng nhẹ, theo truyền thông nhà nước Trung cộng.

Việc tàu sắp đến Phi Luật Tân diễn ra trong bối cảnh có những căng thẳng với các nước láng giềng về Biển Đông. Trung cộng tuyên bố chủ quyền về hầu hết vùng biển, nhưng Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Phi Luật Tân cũng có tuyên bố chủ quyền về một phần Biển Đông.

Chuyến thăm cũng diễn ra ngay sau cuộc diễn tập cảnh sát biển ba bên lần đầu tiên có sự tham gia của Phi Luật Tân, Nhật Bản và Hoa Kỳ, kết thúc hôm 7/6.

Phi Luật Tân đã tăng cường quan hệ quân sự với Hoa Kỳ trong năm nay, tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn và thậm chí cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các căn cứ quân sự trong nước. Quyết định này khiến Trung cộng tức giận khi Manila nói rằng việc cho Mỹ tiếp cận sẽ hữu ích nếu lực lượng Trung cộng tấn công Đài Loan, nơi Trung cộng tuyên bố chủ quyền.

Căng thẳng còn gia tăng hơn nữa khi Phi Luật Tân thả phao hoa tiêu ở quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông vào tháng trước, nhanh chóng khiến cho Trung cộng làm điều tương tự.

Vào ngày 23-25/5, tàu huấn luyện kể trên đã cập cảng Việt Nam, trùng thời gian có chuyến đi của một tàu nghiên cứu Trung cộng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ ngày 7/5 đến ngày 6/6. Sự hiện diện của tàu nghiên cứu đã khiến Hà Nội có những phản đối hiếm hoi.

Nam Dương, nước chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, cho biết hôm 8/6 rằng khối này sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự đa phương đầu tiên từ trước đến nay ở Biển Đông vào tháng 9.

VOA (09.06.2023)

 

 

Các nước ASEAN sẽ diễn tập chung lần đầu tiên ở Biển Đông

Các cuộc diễn tập phi chiến đấu sẽ diễn ra gần vùng quần đảo Natuna của Nam Dương trong tháng 9.

Ảnh chụp một tàu Cảnh sát biển Trung cộng nhìn từ một tàu hải quân của Nam Dương. Tàu hải quân Nam Dương đang đi tuần tra tại khu vực Đặc quyền Kinh tế của nước này ở phía bắc quần đảo Natuna ngày 11/1/2020. Antara Foto/M. Risyal Hidayat/via Reuters

Nam Dương, nước chủ tịch năm nay của Khối ASEAN hôm thứ Năm (8/6) cho biết các quốc gia Đông Nam Á sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự chung lần đầu tiên ở Biển Đông. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington trong khu vực eo biển Đài Loan và trên tuyến đường biển có tranh chấp này.

Cuộc diễn tập phi chiến đấu sẽ diễn ra gần quần đảo Natuna của Nam Dương trong tháng 9 thể hiện sự đoàn kết trong Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – các quan chức quân sự Nam Dương cho biết.

“Tất cả [các nước ASEAN] đều đã khẳng định tham gia” – ông Julius Widjojono – Người phát ngôn của lực lược vũ trang Nam Dương cho tờ Benar News của RFA biết và nói thêm rằng diễn tập này sẽ là một sự kiện thường niên. Tuy nhiên, Myanmar hiện chưa khẳng định có tham gia hay không – ông Julius nói. Myanmar – quốc gia bị giằng xé bởi xung đột – là thành viên không được chào đón tại các cuộc họp lớn của ASEAN.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông, bao gồm cả vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đài Loan và các quốc gia thành viên ASEAN có liên quan là Brunei, Malaysia, Phi Luật Tân và Việt Nam. Mặc dù Nam Dương không coi mình là một bên trong tranh chấp Biển Đông nhưng Trung cộng thường tuyên bố quyền lịch sử đối với một số khu vực biển chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương và vùng xung quanh quần đảo Natuna.

Tư lệnh quân đội Nam Dương, Đô đốc Yudo Margono – người đưa ra đề xuất tổ chức cuộc diễn tập ASEAN tại cuộc gặp hôm thứ Tư (7/6) tại Bali của các bộ trưởng quốc phòng trong khối – nói rằng cuộc tập trận chung này sẽ giúp tăng cường sự ổn định trong khu vực.

“Nam Dương sẽ tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy một khu vực an toàn, hòa bình và ổn định, không có bất kỳ mối đe dọa và xáo trộn nào đe dọa chủ quyền của các quốc gia” – ông Yudo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.

“Một vùng biển an toàn sẽ tự động giúp thúc đẩy kinh tế của các nước trong khu vực” – ông nói.

‘Thông điệp mạnh mẽ tới các cường quốc”

Cuộc tập trận ASEAN – được gọi là Cuộc Diễn tập Đoàn kết ASEAN hay Asec01N – sẽ có sự tham gia của các đơn vị lục quân/bộ binh, hải quân và không quân từ các quốc gia thành viên ASEAN và quốc gia quan sát viên Đông Timor. Cuộc diễn tập sẽ tập trung vào nội dung an ninh hàng hải và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Ông Khairul Fahmi – một nhà phân tích quân sự và an ninh tại Viện Nghiên cứu An ninh và Chiến lược có trụ sở tại Jakarta, nói rằng cuộc diễn tập này một sáng kiến tốt của Nam Dương.

“Đây là một hình thức cụ thể của ngoại giao quốc phòng nhằm xây dựng lòng tin, giảm quan ngại và hiểu nhầm giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước ASEAN. Thêm vào đó, sẽ có rất nhiều thách thức và đe dọa đối với lợi ích quốc gia của Nam Dương” – ông Fahmi nói.

Theo ông, sáng kiến này của Nam Dương cũng giúp khẳng định quyền chủ quyền của nước này ở biển Bắc Natuna – nơi mà Trung cộng tuyên bố là một phần quyền lịch sử của nước này, được đánh dấu bằng đường chín đoạn hiện được vẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

“Đây là một phần trong những nỗ lực của ASEAN nhằm cùng nhau nắm giữ một vai trò chiến lược hơn trong việc duy trì ổn định khu vực”- ông Fahmi nói.

“Đồng thời, nó [sáng kiến tập trận chung] gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các cường quốc có lợi ích trong khu vực, đặc biệt trong Biển Bắc Natuna, đừng bỏ qua/phớt lờ ASEAN”.

Trung cộng đã thiết lập một số cơ sở quân sự trên một số đảo và đá mà nước này kiểm soát ở Biển Đông. Năm 2016, một tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết rằng:  Các yêu sách chủ quyền của Trung cộng là không có cơ sở pháp lý xét theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này và tiếp tục khẳng định sự hiện diện của mình.

Nam Dương, Việt Nam và Malaysia đã cáo buộc Trung cộng làm gián đoạn các hoạt động thăm dò dầu khí của họ bằng các cuộc xâm nhập thường xuyên của các tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển Trung cộng, dẫn đến các cuộc đối đầu. ASEAN và Trung cộng đã đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trong nhiều năm nhằm quản lý tranh chấp một cách hòa bình nhưng tiến triển đạt được rất chậm chạp.

Mỹ, một quốc gia không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng có hiệp ước quốc phòng với Phi Luật Tân, đã thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung cộng bằng việc tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải” trên tuyến đường biển này.

Trong khi quan chức từ một số quốc gia ASEAN đã bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến giữa các siêu cường về vấn đề Đài Loan, vào đầu năm nay, Washington và Manila đã ký một thỏa thuận cho các lực lượng của Mỹ gia tăng tiếp cận đối với các căn cứ quân sự ở Phi Luật Tân – một động thái khiến Trung cộng tức giận.

RFA (09.06.2023)

 

 

Việt Nam lại phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật quanh đảo Ba Bình

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (MOFA via Bao Quoc te)

Việt Nam vừa lên tiếng phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ việc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình, cho rằng hành động này “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.

Tân phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo hôm 8/6:

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Trước đó, hôm 7/6, Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo truyền thông trong nước.

“Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn vi phạm tương tự trong tương lai”, bà Hằng cho biết thêm.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Đài Loan và yêu cầu họ bình luận về phát biểu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhưng chưa được phản hồi.

Hồi tháng 3 năm nay và tháng 12 năm ngoái, Việt Nam từng lên tiếng tương tự.

Trong một thông cáo ngày 2/12/2022 đáp trả phản ứng của Hà Nội, Đài Bắc nói: “Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) nhắc lại rằng, theo luật pháp quốc tế và luật biển, họ có tất cả các quyền đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển liên quan của chúng. Đảo Ba Bình (Taiping) chắc chắn là lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), và chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) có thẩm quyền thực thi tất cả các quyền của một quốc gia có chủ quyền đối với Đảo Taiping và các vùng biển liên quan của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)”.

Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng thực tế đã bị Đài Loan chiếm và quản lý từ 1956.

RFA (08.06.2023)