Seite auswählen

Nguyễn Công Khanh 

Minh họa: alex-harmuth-unsplash

 

Ai nghe thấy tên thành phố Seattle đều ngán về cái mưa dai dẳng, một năm gần sáu tháng trời. Biểu tượng của Seattle là một người cầm dù.

 

Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc

Anh có về gọi nắng đến cho em…    

(Thơ Trần Mộng Tú)

 

Vậy mà chúng tôi đã ở thành phố Seattle này gần 50 năm rồi. Khi chúng tôi từ trại tị nạn Camp Pendleton, Cali hồi 1975, muốn lên Seattle định cư, thì một người bạn đang ở Quận Cam vội vàng vào trại ngăn chúng tôi đừng đến vùng gió lạnh mưa mùa đó.  Một người cháu có chồng Hải quân Mỹ, đã từng đến Seattle, cũng sợ chúng tôi không chịu được cái lạnh vùng Tây Bắc và khuyên chúng tôi nên chờ để được ra cư ngụ ở Cali.

 

Nhưng chắc là số trời đã định nên sau này nhiều lần chúng tôi cố cựa quậy muốn dời nhà về miền nắng ấm, dù đã có những người bạn cố kéo chúng tôi về Cali, và dù đã đặt tiền mua nhà mấy lần tại khu Little Saigon mà rồi chúng tôi vẫn mọc rễ ở Seattle chừng ấy năm trời.

Tới nay đã nghỉ hưu rảnh rỗi, con cái ở khắp mọi nơi, không gì ràng buộc thì chúng tôi lại quen cái mưa phùn rả rích của Seattle, cái mưa đã giúp cho thành phố sạch sẽ, không khí trong lành, cây cối lúc nào cũng xanh tươi. Mùa hè nào trời nắng quá hai tuần là chúng tôi lại mong mưa để cây cỏ khỏi bị chết khô và cũng đỡ công tưới nước.

Quán cà phê Hello Em ở Seattle (ảnh: helen-ngoc-unsplash)

 

Seattle được nổi tiếng thế giới vì có nhiều hãng đặt bản doanh tại đây như Boeing, Microsoft, Amazon, Costco… và không thể quên được Seattle còn có cà phê Starbucks, Seattle’s Best, Tully’s. Trong thành phố chỉ đi vài trăm thước lại thấy có tiệm cà phê. Buổi sáng trên phố từng đám người một tay cầm cellphone, một tay cầm ly cà phê, vội vã băng qua đường đến sở làm. Đó là một hình ảnh quen thuộc của Seattle. Mỗi khi đi xa, chúng tôi thường mang theo cà phê Seattle’s Best như một quà địa phương để tặng bạn.

 

Tôi không nhớ rõ ngụm cà phê đầu tiên đến với tôi từ khi nào, chắc chắn không phải đến năm mười tám khi tôi rời Hà Nội vào Nam năm 1954.

 

Lúc thiếu niên trong thời tản cư ở miền Bắc vì chiến tranh tôi được nghe có những quán cà phê ở các thị trấn mới mọc lên như Chợ Đại, Đồng Quan, Cống Thần. Sau này, khi trở lại Hà Nội, tôi hay chơi đàn banjo bài “Cô hàng Cà Phê” của Canh Thân, mà tự hỏi không hiểu cô hàng cà phê huyền hoặc đến thế nào mà có người chết mê chết mệt được.

 

Gia đình tôi không ai uống cà phê. Hồi nhỏ ở Hà Nội, có những buổi tối đi qua đầu phố, tôi ngửi thấy được một mùi thơm ấm áp lan tỏa cả một vùng. Dưới ánh sáng đèn đường mờ ảo, mấy người đàn ông ngồi yên lặng trên ghế đẩu thấp, trầm ngâm hút thuốc lá, quanh một một cái bàn nhỏ cũng thấp như ghế, trên để những phin cà phê bằng nhôm. Bên cạnh đó một người đang khều than đỏ rực đun nước nóng trong một cái tủ gỗ nhỏ. Tôi cảm thấy như họ đang sống những giờ phút riêng biệt, xa với đời sống thường nhật của mọi người. Đó là một hàng cà phê gánh. Sau này, tôi còn được biết Hà Nội có một số tiệm cà phê, mà cà phê Nhân được nổi tiếng ở phố Cầu Gỗ. Tôi tiếc là hồi đó hãy còn quá trẻ để được ngồi cùng với họ.

 

Hồi mới di cư vào Nam, tôi cùng với một nhóm bạn thường đạp xe lang thang để khám phá thành phố mới. Chúng tôi hay đến nhà một người bạn có tên là Dzư Văn Chất như một trạm nghỉ chân. Sở dĩ tôi nhớ vì họ của anh được viết một cách đặc biệt là “Dzư” và lại là em của một nhà thơ nổi tiếng về một thể thơ lạ. Mỗi lần đến đó, phòng bên ngoài thì các nhà thơ nhà văn ngồi họp chuyện với nhau, còn chúng tôi ngồi ở phòng bên trong nơi có bàn riêng của ông cụ thân sinh anh.

 

Thay vì lấy nước cho chúng tôi uống, anh tự động như một thói quen lấy nước sôi đổ thêm vào phin cà phê đang pha dở của ông cụ và chia cho chúng tôi. Ly cà phê xái nhì đó chắc là những ngụm cà phê đầu đời của tôi. Một mùi thơm và hương vị nhẹ nhàng qua các giác quan làm tôi tưởng đã thành một người lớn. Chúng tôi lúc đó thích uống ngọt nên cứ lấy muỗng cho thêm đường, nghĩ bụng nếu được uống thứ cà phê pha nước nhất thì chắc hẳn là tuyệt diệu lắm.

 

Cả thời kỳ trung học tôi không có dịp nào để uống một ly cà phê thực sự. Mãi cho đến khi thi được vào trường Hành Chánh đầu năm 1959, hàng tháng lãnh học bổng ngang với lương một công chức, tôi để dành tiền mua được một xe Vespa Italy và cùng các bạn ăn diện theo đúng kiểu thanh niên thời đó: Đi giầy Gia bên Khánh Hội, may áo chemise Adam trước Tòa Đô Chánh, đồ bộ từ nhà may Tân Tân đường Tự Do và quần Chiến đường Lê văn Duyệt mà hiện nay chủ tiệm thành đại gia lớn Lê Ân ở Việt Nam.

 

Có tiền tôi rủng rỉnh ngồi với các bạn hàng giờ ở các quán cà phê hay quán kem. Chúng tôi đã sống trong một thời kỳ hưng thịnh, an bình nhất của nền Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam. Chỉ cần người cha đi làm là có thể nuôi cả gia đình, bệnh viện miễn phí, học đường từ tiểu học lên đến đại học không phải trả tiền. Một vài trường như Sư Phạm hay Hành Chánh… còn được cấp học bổng toàn phần suốt mấy năm học.

 

Lúc đó chúng tôi thường đến hai tiệm Mai Hương và Hà Nội ở góc đường Bonard và Pasteur, ngồi nói chuyện hay chẳng nói câu nào với nhau cho đến khi trong ly chỉ còn nước đá tan lạt nhách. Vừa uống cà phê vừa nhìn người qua lại. Nhìn mãi họ, lại thấy họ nhìn lại mình như một bọn vô công rồi nghề chẳng giống ai. Sau một thời gian, chúng tôi cũng bỏ cái thú ngồi quán.

Trường Hành Chánh những năm đó tọa lạc tại đường Alexandre de Rhodes cạnh Bộ Ngoại Giao, đằng sau Nhà thờ Đức Bà gần ngay đường Tự Do. Sau giờ tan học, sẵn xe chúng tôi thường rủ nhau lượn một vòng xuống phố và tìm vào các tiệm cà phê trên đường Tự Do. Trong các tiệm đó, tiệm La Pagode hình như để dành cho các văn thi sĩ.

 

Tiệm Brodard là một tiệm ăn hơn là tiệm cà phê. Chỉ có Givral là hợp với chúng tôi vì khung cảnh giản dị hơn, bánh, kem và cà phê ngon mà lại ở ngay góc đường, nhìn sang khách sạn Continental và nhà Hát Lớn của thành phố. Cả hai cùng ở trên đường Tự Do biểu hiện cho một thời thanh lịch của Sài Gòn. Phía bên kia là khách sạn Caravelle nhiều tầng xây theo kiến trúc mới. Những nơi đó đã từng chứng kiến biết bao biến cố của lịch sử.

 

Sau này tiệm Givral ngày càng nhiều khách ngoại quốc đến, chiếm chỗ của chúng tôi và cà phê bắt đầu tăng giá. Chúng tôi phải tìm nơi khác, nhưng Givral đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng đẹp lâu dài.

 

Nhớ lại những thời gian mới vào Nam, cha tôi được chuyển ra làm việc ở Đà Nẵng, cả gia đình phải đi theo trừ tôi ở lại Sài Gòn học trường Chu Văn An. Trong những ngày đầu, chưa có chỗ trọ, tôi đạp xe đến trại học sinh di cư Phú Thọ, nhưng trại đã đóng cửa, nhìn vào ngổn ngang rác rưởi. Tôi lại tìm đến Nhà Hát Lớn lúc đó vẫn còn một số người di cư vào muộn nên chưa giải tỏa.

 

Tôi đang đứng lớ ngớ ở đại sảnh thì gặp một anh bạn đang lễ mễ khuân hành lý đi xuống.  Sau khi biết tôi đang cần nơi trú ngụ, anh bèn dẫn tôi lên đến khúc ngoặt của cầu thang tầng thứ ba, bảo tôi cứ dọn đến chiếm chỗ của anh vì anh đã có một nơi ở bên ngoài rồi. Anh giục tôi về dọn đến ngay. Hành trang của tôi chẳng có bao nhiêu. Tôi may mắn có một cái xe đạp để di chuyển, một vali nhỏ đựng quần áo, một ít vật dụng và một giường xếp kiểu nhà binh.

 

Những ngày chờ trường khai giảng, tôi hay nằm một mình qua khung kính vỡ nhìn xuống những cảnh sinh hoạt dưới đường. Từ đó tôi thấy được cái công viên, mà sau này được dựng tượng một người lính Thủy Quân Lục Chiến cầm súng xung phong. Tôi nhìn thấy cái bồn phun nước mà xe cộ chạy quanh suốt ngày, nhìn dọc theo phố Bonard, xa xa là bùng binh chợ Bến Thành. Trước mặt Nhà Hát Lớn là phố Catinat, một khu phố Tây có nhiều người ngoại quốc áo quần sang trọng qua lại. Những người thợ chụp hình photostop trên công viên thường bất ngờ nhắm chụp những khách qua lại, sau đó dụ họ mua hình.

 

Tôi thấy một người đàn ông giữ xe hơi, cứ mỗi lần có xe nào đến đậu trước cửa Nhà Hát Lớn là ông ta cầm chổi lông gà lăng xăng chạy đến, mở cửa xe và lấy chổi quơ bụi quanh xe. Sau đó ông ta chờ đóng cửa, rồi cúi rạp người nói với họ những câu tiếng Tây gì tôi không được rõ. Lúc chủ xe trở lại, ông ta lập lại những động tác cũ, và cung kính đứng chờ để nhận tiền. Ngày nào tôi cũng nhìn cái hoạt cảnh kiếm tiền của ông ta, quá dễ dàng, mà chẳng phải trả một đồng thuê bãi đậu xe của thành phố.

 

Nhà hàng Givral ở ngay góc đường, mỗi lần tôi đi xuống phố đều nhìn vào thấy quá xa lạ với mình, mà mãi ba, bốn năm sau tôi mới có dịp vào ngồi uống cà phê như họ.

 

Hồi đó, mỗi buổi sáng vào khoảng tám giờ, một xe Lambretta ba bánh của Sở Thông Tin đến đậu trước Nhà Hát Lớn, mở loa phóng thanh vang suốt khu phố những bản tin và bài bình luận. Xen kẽ là ba bài nhạc mà tôi nhớ mãi. Bài Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương gợi lại bao nhiêu kỷ niệm về thành phố mà mình vừa rời bỏ, bài Ngày Trở Về của Phạm Duy thấm cái nỗi buồn của người thương binh sau mười năm chiến tranh lê bước trở về làng xưa và bài Tiến Về Miền Nam tôi nhớ là của Trọng Khương với biết bao hùng khí của cả triệu người theo gót người xưa Nam Tiến đi làm lịch sử.

 

Một hôm đang nằm nhìn ra ngoài qua khung kính vỡ, tôi chợt thấy một cậu bé lặng lẽ đến ngồi cạnh tôi và cùng nhìn xuống đường. Sau một hồi trò chuyện, tôi theo em lên thăm gia đình em ngụ trên lầu ba. Họ là những người trong các làng đạo từ vùng Thanh Hóa. Khi hiệp định đình chiến Genève được ký kết, họ tìm cách ra Hải Phòng để được di chuyển vào Nam. Cộng Sản đã cố ngăn cản bằng đủ mọi cách, mãi sau họ mới thoát được và nhờ chuyến tầu há mồm cuối cùng tới được bến bờ tự do.

 

Bố của em là một ông giáo làng. Có nhiều ngày, tôi đạp xe chở em lang thang đi thăm khắp phố phường. Thỉnh thoảng, bố mẹ em mời tôi cùng ăn những bữa cơm di cư thanh đạm. Vài tuần sau, em cho tôi biết gia đình em và các người cùng làng sắp đi định cư ở một vùng xa. Tôi lên từ giã họ. Thấy con có vẻ quyến luyến tôi, bố em mời tôi cùng đi với họ. Ngày tựu trường còn xa, tôi nhận lời. Tối hôm sau, có xe đến đón và chở chúng tôi đến tập trung tại Đình Phú Nhuận để sáng sớm sẽ khởi hành đến chỗ định cư.

 

Đoàn xe vận tải gần chục chiếc nối đuôi nhau, xe nào cũng chở đầy dân di cư, thực phẩm và các dụng cụ phá rừng làm rẫy. Khi ra khỏi thành phố, tôi không định hướng được họ sẽ đi về đâu. Tôi cũng không muốn hỏi, tìm chỗ nằm dựa vào đống hành lý, nhìn núi rừng chạy lùi đằng sau. Xe chạy suốt ngày đến gần tối, dừng lại giữa đường lộ, hai bên là rừng, phía trước phía sau cũng chỉ thấy rừng. Mọi người khuân hành lý xuống xe, mệt mỏi đứng ngẩn ngơ giữa đường, sau đó theo người hướng dẫn lội bộ đến một khu nhà sàn của người Thượng, mở lương khô ra ăn và tối đó ngủ trong căn nhà dài của họ.

 

Sáng sau, trong làn sương lạnh của núi rừng, tôi thức giấc đã thấy mọi người tụ tập ở bên ngoài. Một số đàn ông nai nịt sẵn sàng và mang theo dao rừng. Tôi bước ra nhập vào với họ và theo chân một vị linh mục dẫn đầu. Đoàn người băng qua đường, dẫm trên cỏ ướt. Những người đi trước vung dao, phạt lối làm quang đường để các người sau tiến lên. Băng một quãng đường, cả đoàn dừng lại bên một dòng suối.

 

Tôi còn nhớ rõ hình ảnh lúc đó. Mọi người đứng yên lặng, có một cái gì rưng rưng thật là thiêng liêng của giây phút khởi đầu. Vị linh mục tìm một tảng đá cao bước lên đứng trước mọi người. Bên dưới, nước suối chẩy ào ào trắng xóa sau những tảng đá.

 

Họ bắt đầu đọc kinh. Kinh Kính Mừng và kinh Lạy Cha. Tôi cũng cùng đọc với họ. Lời kinh của chúng tôi âm vang trong khu rừng nguyên thủy còn đọng sương sớm. Hai bài kinh này tôi đã thuộc lòng trong những năm đầu tản cư 1946 chạy giặc Pháp ở các làng đạo vùng trung du. Lúc đó tôi học trường đạo ở nhà thờ, ngủ chung với đám trẻ trong nhà mà gia đình tôi đang tạm trú.

 

Sáng nào cũng bị đánh thức dậy từ sáng sớm cùng các người lớn đọc kinh, giọng còn ngái ngủ. Tối đến, tôi cũng cùng họ đọc kinh trước khi đi ngủ. Thành thử dù không phải là con chiên, tôi đã thuộc nằm lòng hai bài kinh nói trên từ thuở ấu thời. Sau đó là bài giảng của vị linh mục mà tôi còn nhớ một đoạn:

 

Ông Moses lúc đi lánh nạn đem theo đoàn giáo dân đã tìm đến một dòng suối trong một khu rừng để định cư. Những ngày qua chúng ta cũng đã đi lánh nạn vượt qua hàng ngàn cây số và hôm nay đến được nơi đây, trong khu rừng này, bên cạnh dòng suối như xưa Moses đã đến. Chúng ta sẽ đốn cây làm nhà, phá rừng phá rẫy để trồng trọt như người xưa. Đây là miền đất hứa của chúng ta và của các con cháu chúng ta sau này…

 

Tôi ở lại với họ ít ngày nữa, theo họ vào rừng phạt cỏ làm lối đi, đốn cây dựng những căn lều tạm cho tới khi gần ngày khai trường. Nhân có chuyến xe lên tiếp tế, tôi từ biệt họ trở lại Sài Gòn. Cậu bé tiễn tôi ra tận xe. Khi xe chạy xa tôi vẫn thấy em đứng lặng nhìn theo cho đến khi xe lái quặt khuất vào một quãng đường rừng.

 

Từ đó tôi không được tin của họ, tôi chỉ có thể đoán ra nơi họ định cư là trên quốc lộ đi Đà Lạt, chắc là vùng Blao.

 

Tôi trở lại chỗ cầu thang lầu ba của nhà Hát Lớn, xung quanh đã vắng lặng, nhiều gia đình đã đi dịnh cư ở các nơi khác. Tôi nằm một mình trên ghế bố chờ ngày nhập trường, bâng khuâng nhìn xuống đường. Vẫn mấy người thợ chụp hình photostop kiên nhẫn đứng đưa những tấm hình mời khách, vẫn người giữ xe lăng xăng chạy từ xe nọ tới xe kia, vẫn những khách ngoại quốc ra vào quán cà phê Givral góc phố… Nghĩ đến những ngày vừa qua, nghĩ đến những người mình đã chia sẻ một phần lịch sử với họ, tự nhiên thấy lòng buồn vô hạn, nghĩ rằng chắc mình không bao giờ còn được gặp lại họ nữa. Chẳng bao lâu, Nhà Hát Lớn đóng cửa không nhận người tị nạn nữa.

 

Bẵng đi một thời gian, tôi quên hẳn chuyện cà phê vì mải học thi cuối năm. Một buổi tối mấy người bạn đến kéo tôi đi uống cà phê tại một tiệm gần nhà, hình như cũng có tên là Mai Hương trên đường Dakao. Khung cảnh tiệm cà phê bây giờ huyền ảo hơn, có một chút đèn mầu. Sau quầy hai cô gái khá xinh, nét đẹp có vẻ liêu trai, không để ý đến khách hàng, mải nói chuyện thỉnh thoảng cười khúc khích với nhau. Bàn bên cạnh tôi, một thanh niên ngồi lặng lẽ, thỉnh thoảng liếc nhìn hai cô một cách kín đáo, rồi cúi xuống với dáng điệu đau khổ.  Không hiểu người ta biết uống cà phê trước khi biết yêu hay sau khi biết yêu?

 

Sài Gòn lúc đó có tiệm cà phê Gió Bắc trên đường Phan Đình Phùng nổi tiếng vì ông chủ tiệm có cô con gái đẹp. Tôi theo bạn đến đó một lần, nhưng tiệm thì nhỏ, tối, ngạt mùi thuốc lá, lại không còn bàn trống, chúng tôi đành bỏ ra. Tôi đã không có dịp xem mặt cô gái hàng cà phê đẹp như thế nào.

Ảnh: khanh-nguyen-unsplash

 

Tôi không phải là một dân ghiền cà phê, hay một tay uống cà phê khó tính. Chúng tôi thường chọn tiệm, chọn chỗ ngồi thoải mái, cà phê đừng quá dở, miễn chỉ cần có chỗ ngồi được lâu cho qua đi cái buồn nản của tuổi trẻ.

 

Sau khi ra trường, phải đổi đi các quận ở miền Nam, tôi thường có những buổi sáng ngồi trong quán của mấy chú ba Tầu, ăn xong tô hủ tiếu, uống những ngụm cà phê vị rất lạ hình như có mùi ngô đậu gì trong đó, mà người ta thường gọi là cà phê “bí tất”. Nhìn sang bàn bên cạnh thấy mấy người lớn tuổi, ngồi co chân trên ghế, đổ cà phê vào đĩa cho bớt nóng rồi xì xụp uống một cách ngon lành.

 

Thỉnh thoảng có dịp trở lại Sài Gòn, bạn bè hầu hết nhập ngũ hay đã đi xa, tôi cùng một vài người bạn còn lại như sống vội, đến hết quán này đến quán nọ. Hết Mai Hương đến Hà Nội, rời Brodard đến Givral, rồi vòng về Thanh Bạch, ngồi nhìn đường phố, nhìn những tà áo lụa bay mà mình sắp sửa phải rời xa.

 

Buổi tối lại cùng bạn đến các vũ trường, từ Mỹ Phụng đến Olympia, từ Đại Nam sang Baccara, từ Arc-en-Ciel sang Melody… Ngồi trước những ly cà phê, những cái gạt tàn đầy khói thuốc và nghe những bản nhạc rã rời trong nửa đêm về sáng.

 

Nhớ nhất là sau khi đã lập gia đình, vợ chồng tôi thường đến Phở Tầu Bay trên đường Lý Thái Tổ. Ăn xong một tô “Xe Lửa”, nóng toát mồ hôi, chúng tôi không đến tiệm cà phê Nhân ở cách đó mấy căn, mà lại sang ngay cái hẻm nhỏ bên cạnh, gọi ly cà phê đá và vài cái bánh rán nóng hổi. Gió mát từ bên trong ngõ thổi vào trong lần áo đẫm mồ hôi, mát rượi.

 

Khi sang Mỹ, tôi làm cho một cơ quan giúp tìm việc cho người tị nạn. Công việc nhẹ nhàng, sở lại cung cấp cà phê miễn phí, nên tay tôi lúc nào cũng cầm ly cà phê thành một thói quen, dù không uống; đến khi nguội lại thay ly khác. Cô thư ký lúc đó pha rất ngon đúng vị, khi cô thôi việc, cô khác thay thế pha cà phê đắng ngắt, làm tôi mất vị trong nhiều năm. Sau này tôi lại uống cà phê không đường như một số người Mỹ.

 

Có những lần đến Little Saigon, quận Cam ở Cali, ngồi hàng giờ ở quán Coffee Factory gặp đủ mặt anh hùng hào kiệt ngày xưa, nghe toàn chuyện trên trời dưới đất.

 

Đến New Orleans, Louisiana, buổi tối ngồi uống cà phê nghe nhạc Jazz ở phố Bourbon, bên ngoài trời mưa rả rích. Thật là tuyệt diệu.

 

Sáng sau, trước khi rời thành phố, ăn sáng ở quán Café du Monde tại khu bờ sông, tưởng như ngồi ở một quán cà phê giữa Paris, uống café au lait và ăn bánh beignet, mà các cô tiếp viên hầu hết là người Việt.

 

Ảnh: celine-ylmz-unsplash

 

Chỉ hai tháng sau, trận bão Katrina kéo đến những cơn lũ lụt khủng khiếp tàn phá khu vực này và những dấu vết thăm viếng của chúng tôi chỉ còn lại trong kỷ niệm.

 

Tôi cố nhớ lại, khi đi du lịch hình như tôi chưa bao giờ gọi cà phê ở Bắc Kinh, Thượng Hải, chưa bao giờ gọi cà phê ở Tokyo, Osaka, chưa bao giờ gọi cà phê ở Bangkok hay ở Phnom Penh… Chỉ nhớ những ly cà phê ở Paris, cà phê đứng, cà phê ngồi hai giá khác nhau, nhưng loại nào cũng đặc quánh, cứ phải đòi thêm nước sôi để pha cho loãng thêm. Xuống Provence, miền Nam nước Pháp, vợ chồng người anh họ tôi đã ở đó từ năm 1954, rót cà phê vào bát thay vì vào ly để mời chúng tôi, theo cách uống của vùng này.

 

Xuống vùng Nam Mỹ, thăm cô con gái út ở đang học ở Buenos Aires, Argentina, đến uống cà phê và xem trình diễn Tango tại quán Café Tortoni mà kiến trúc bên trong như một lâu đài nhỏ. Quán này có giữ nhiều lưu niệm của nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Nhạc và vũ điệu Tango được coi như quốc hồn quốc túy của Argentina. Tại nhiều đường phố, nhiều quán ăn vũ điệu Tango được trình diễn bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cũng như nhiều người, tôi rất thích nhạc và điệu nhảy nhịp nhàng của Tango.

 

Tôi đã đến một lớp để học, số bước của Tango mà tôi học trước đây thường là 4 bước, đếm từ 2, rồi ngưng, 3,4,1, rồi ngưng và lại tiếp tục. Cách đếm này rất đúng với nhịp của Tango. Số bước của Tango Argentina là 13 bước nên có nhiều biến đổi rất đặc biệt với những động tác được gọi là “kick” và “cross”. Trường học có các lớp với các trình độ khác nhau. Tôi nhập vào lớp vỡ lòng. Sau khi cô huấn luyện viên chỉ dẫn các bước căn bản, mọi người tự chọn partner để tập.

 

Tôi không biết chọn ai thì có một bà Mỹ già còn lẻ loi, được cô giáo đưa đến ghép với tôi. Tôi với bà cùng tập, nhưng mỗi người bước một cách không ai giống ai. Tôi cứ quen chân đi theo 4 bước, cuối cùng thì bà chịu thua. Bà ta nói với cô giáo Tango là bà đã mù lại gặp người cũng mù thì làm sao mà khá được. Sau đó bà có partner khác và cô huấn luyện viên kéo tôi ra một chỗ để dạy riêng. Đi được một vài bước đúng, những bước sau tôi lại quen chân đi 4 bước như cũ. Cô giáo cũng đành chịu thua, nhưng tôi đã được tiếng sang tận Argentina để học Tango!

 

Minh họa: simon-sun-unsplash

 

Năm vừa rồi, sang thăm vợ chồng con gái và hai đứa cháu ngoại ở Bogota, thủ đô Colombia, chúng tôi lại được thưởng thức cà phê của xứ sở này. Cà phê Colombia là một lọai cà phê nổi tiếng thế giới, thuộc loại Arabia có hương vị đặc biệt và được nhiều người ưa thích, khác với cà phê Việt Nam là Robusta vị đắng hơn. Arabia cần một khí hậu thích hợp, ít mưa hơn và giá cao gần gấp đôi Arabia. Chúng tôi có đi thăm một đồn điền cà phê Café Plantation, cách Bogota khoảng hai giờ lái xe.

 

Dọc đường đi không khác gì cao nguyên Việt Nam, với đồi núi chập chùng và đường lộ uốn quanh co. Bên đường thỉnh thoảng có các quán ăn đặc sản là thịt nướng, nhưng là thịt bò chứ không phải là thịt rừng. Từ cổng vào đồn điền là những khu đất rộng trồng đầy lan, loại Cattleya, hoa lớn và mầu sắc rực rỡ. Giống như ở Thái Lan, các cây lan lại được trồng gắn lên các thân cây cổ thụ, như một rừng lan thiên nhiên mỹ thuật. Cạnh đó là mấy căn nhà được trang trí thần thoại theo kiểu nhà của Bảy chú lùn với nàng Bạch Tuyết, khiến du khách tưởng mình như lạc vào cõi thần tiên.

 

Hướng dẫn viên là một thanh niên trẻ, nói tiếng Anh lưu loát nhưng chưa bao giờ đặt chân tới Mỹ. Anh ta giải thích và đưa đi khắp vườn hướng dẫn từ giai đoạn ươm hạt cho đến khi cây có quả, hái xuống và qua các nơi phơi, sấy, bóc vỏ, rang và cuối cùng là xay. Giai đọan nào cũng đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt. Hãng cũng có một mẫu cà phê Việt Nam ở đó, anh cho biết cà phê này được nhập cảng để chế biến chỉ cho dân chúng dùng, còn cà phê Colombia để xuất cảng.

 

Tự nhiên, tôi thấy thương cho Việt Nam chỉ cố chạy theo số lượng mà quên mất phẩm chất như gạo, cà phê, tiêu, nước mắm, thủy sản… đã không những đánh mất thương hiệu và còn mất giá thảm thương. Chặng cuối anh ta mời chúng tôi đến phòng khách và tự tay pha cà phê cho chúng tôi. Anh nói mỗi ngày anh uống một ly cà phê đen không đường, đó cũng là gout của tôi. Tôi cùng anh nâng ly thưởng thức vị cà phê đen, café negro, lại pha chút rượu đặc biệt của “Hacienda Coloma” để cho thêm vị. Lúc giã từ, tôi chúc anh tiếp tục hạnh phúc ở “thiên đường cà phê”.

 

Trong một chuyến đi thăm vùng Địa Trung Hải, chúng tôi bay đến Genoa miền Đông nước Ý, thăm vùng Cinq Terres và Portofino là nơi mà ca sĩ khiếm thị nổi tiếng Andrea Bocelli đã đến trình diễn. Sau đó, lấy xe lửa xuyên ngang nước Ý để xuống tầu tại Venice. Những năm tháng trước đó, vợ chồng tôi thường lặng người ngồi nghe từ những đĩa hát của Bocelli ca những bài hát trữ tình của thời 1950 hay trước đó, làm hồi tưởng lại cả một thời tuổi trẻ thơ mộng xa xưa.

 

Bài Love In Portofino, Andrea hát với giọng đầy tình tự, mê hoặc khiến chúng tôi đã phải đến đó lưu lại trong bốn ngày. Hôm đó chúng tôi đứng giữa công trường Portofino, bên một bến nước nơi trình diễn, mường tượng đang nghe thấy tiếng hát của Andrea cùng hòa với tiếng ve sầu vang rộn xung quanh. Chúng tôi đi dọc theo bến, thấy có một tiệm cà phê nổi trước mặt, muốn có một cảm giác “Cà phê bồng bềnh”, chúng tôi bước qua cầu. Ở đó chúng tôi đã phải trả chín đôla một ly cà phê nhỏ, đắt gấp ba lần ly cà phê ở những nơi khác.

 

Sau này, khi đi du lịch đến các thành phố hay khi tầu cặp các hải cảng, chúng tôi có một thói quen là đi triệu tìm các quán cà phê và thường là cà phê Starbucks để sử dụng được internet. Thành thử chúng tôi ít có dịp thưởng thức hương vị cà phê của các địa phương.

Ảnh: zoe-fernandez-unsplash

 

Chúng tôi trở lại sau 40 năm xa Hà Nội để thăm lại phần mộ bên ngoại. Lúc đó là mùa Thu, chúng tôi tạm trú trong khu phố cổ, ở thành phố mà tôi đã sinh trưởng. Trời đã bắt đầu trở lạnh, tiệm cà phê Trung Nguyên ở ngay gần khách sạn không làm tôi nhớ đến quán cà phê gánh ở một góc phố năm xưa, cũng không gợi tôi nhớ đến Cô hàng Cà Phê của Canh Thân mà tôi đã say mê gẩy đàn banjo khi mới lớn.

 

Nhiều năm sau, có việc về lại, chúng tôi vào một quán khá lịch sự trong khu du lịch quốc tế cạnh Bờ Hồ, từ Hàng Đào đi ra, đối diện với một thương xá lớn bốn năm tầng, kiến trúc lạ lẫm. Tôi ngồi cùng bàn với mấy người bạn ngoại quốc của con tôi. Tiệm mở rộng nhìn ra mặt đường, không có cửa kính chắn, vì thế các người bán hàng rong qua lại liên tục mời chào chúng tôi mua đủ mặt hàng của họ. Các cô tiếp viên cố xua đuổi, nhưng chúng tôi bảo cứ để họ tự nhiên, vì đó là hình ảnh một Hà Nội trong ký ức của tôi.

 

Tôi gọi một ly cà phê đá. Khi cầm ly lên tôi chợt thấy có con ruồi trong ly, tôi gọi cô tiếp viên, cô thản nhiên lấy muỗng gạt con ruồi ra và đặt lại ly nước trên bàn cho tôi. Anh bạn Mỹ trẻ nhìn tôi mỉm cười, tôi không biết nói gì chỉ còn cách cười lại với anh ta.

 

Tôi lại nhớ đến một chị bạn thân từ thuở nhỏ của vợ tôi. Chị có hồi là chủ hãng tương Bồ Đề, hương vị dịu ngọt, không nặng như tương Cự Đà. Ngày xưa gia đình chị đã sống nhiều năm tại Blao, nhân dịp chị về thăm chốn cũ, được khuyến khích khi trở lại Mỹ nên mở một hãng cà phê để giúp phát triển kinh tế cho vùng cao nguyên Việt Nam.

 

Chị là một người năng động, nhất là trong lãnh vực kinh doanh. Với thiện chí, chị lập một xưởng biến chế cà phê ở Cali lấy tên là Cà phê Jean Martin, lập lại tên một hãng cà phê nổi tiếng ở Sài Gòn mấy chục năm trước. Máy rang, máy xay đã được tàu thủy chở sang từ bên Đức. Nhãn hiệu, bao gói đã được in. Quảng cáo đã thành hình. Mấy chuyến cà phê đầu tiên được chở từ Việt Nam qua làm chị khựng hẳn lại. Lúc chúng tôi đến thăm xưởng của chị, thấy một đám nhân công cả Việt lẫn Mễ đang tỉ mỉ nhặt ra từng viên sạn ra khỏi đám hạt cà phê chưa rang. Chị nhìn chúng tôi, cười buồn “Chỉ tiền công nhặt sạn ra khỏi cà phê là đã thấy hết cả vốn lẫn lời rồi”.

 

Khi cà phê Trung Nguyên pha sẵn “3 in 1” trong gói nhỏ được nhập cảng lần đầu vào Mỹ, tôi lại thích thú uống cà phê này mỗi ngày. Lý do là nó rất tiện, có mùi thơm của quê hương và pha chế hợp vị. Nhưng chỉ ít lâu sau, không hiểu có phải vì cạnh tranh, tôi đọc thấy cà phê Trung Nguyên có pha thêm nhiều tạp chất gì đó, khiến tôi cũng cảm thấy mất ngon. Nhất là khi thế giới khám phá ra hàng từ Trung Quốc và Việt Nam lạm dụng nhiều hóa chất độc hại trong lúc chế biến và bảo trì nên làm mọi người nghi ngại, do đó đã làm hại lây đến các sản phẩm đúng tiêu chuẩn khác.

 

Thấy mà tội nghiệp cho những người chủ trương website Thiên Đường Cà Phê trong nước, với những bài vở phong phú, những trang trình bầy mỹ thuật giới thiệu các quán cà phê với những cái tên rất lạ, hấp dẫn để cố gắng tạo dựng và bảo vệ cái văn hóa cùng cái thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Về lại Sài Gòn, chúng tôi cũng chỉ đến Givral để uống cà phê, không ở đâu khác. Sài Gòn đã mở rộng khá lớn, đi đâu cũng thấy xa lạ, bụi bặm và giao thông tắc nghẽn, thành thử ngoài những ngày đi thăm danh lam thắng cảnh ở các tỉnh xa, chúng tôi chỉ còn loanh quanh vào mấy con phố cũ như Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Tự Do, Gia Long và khu chợ Bến Thành. Chúng tôi cùng các bạn cũ có đến Café Terrace vài lần nhưng không gọi cà phê, chỉ gọi các món ăn. Vào Café Highland, lại gọi kem.

 

Nghe nói bây giờ Sài Gòn có nhiều quán cà phê nghệ thuật, rất nghệ sĩ và lịch sự. Ngoài ra Sài Gòn có cà phê vườn, khách được thưởng thức hương vị cà phê giữa đám cây cảnh hữu tình; cà phê ôm đại loại như bia ôm; mới đây lại có cả cà phê nằm không với nghĩa dung tục mà chỉ là nơi để nghỉ ngơi thoải mái; cà phê cao tầng ở nhà hàng trên thượng tầng cao ốc, nhìn xuống các mái nhà nhấp nhô phía dưới. Khác với cà phê cao tầng, cà phê ở dưới thấp nhất, là cà phê bệt.

 

Đó là một hiện tượng đặc biệt, rất phóng khoáng. Những người trẻ, có lẽ hầu hết là sinh viên, họ đến ngồi khá đông ở công viên cạnh Nhà thờ Đức Bà, không bàn không ghế mà ngồi bệt ngay trên viền gạch các lối đi. Bên cạnh họ là những ly cà phê nhựa mang từ một quán nào đến, hay không có gì cả. Chúng tôi đã đi qua đó vài lần. Họ ngồi từng đám nhỏ, nói chuyện với nhau, không ồn ào, không để lại dấu vết của rác rưởi.

 

Đây đó vài thanh niên, thiếu nữ ngồi một mình, tựa gốc cây đọc sách hay đang làm việc với máy vi tính. Giữa đám là một nghệ sĩ râu tóc muối tiêu dài chấm vai, mũ dạ, áo gi-lê khoác ngoài trông rất “bụi” với chiếc vĩ cầm, đang nhắm mắt say sưa kéo những khúc tình ca lãng mạn của những năm nào. Hình ảnh của ông làm tôi nghĩ ngay đến những nhạc sĩ du mục trên đường phố tại Mỹ, chỉ khác trước mặt ông không đặt cái hộp đàn để người qua lại bỏ tiền. Tiếng vĩ cầm của người nghệ sĩ đã ở lại trong tôi nhiều ngày. Tiếng đàn chắc cũng đã bay bổng trong các tầng lá xanh của công viên và len vào hồn những người trẻ ở đó. Nghĩ nếu tôi còn ở cái tuổi như họ bây giờ, chắc ngày nào tôi cũng đến đó, như đã hơn nửa thế kỷ trước tôi cũng ở thành phố này, cũng đạp xe lang thang cùng bạn qua công viên này.

Minh họa: camille-brodard-unsplash

 

Có lần, ngồi cùng với gia đình ở cà phê Givral, tôi đã nói chuyện là có thời tôi đã trú ngụ ở cái góc của cầu thang tầng lầu thứ ba Nhà Hát Lớn phía trước mặt. Các con tôi rất ngạc nhiên, khiến tôi phải trở lại câu chuyện hơn 50 năm cũ. Nhiều lần đi dọc theo đường Tự Do, nhớ lại thuở hoa niên, rong xe với các bạn dọc phố Tự Do ra thẳng đến bến Bạch Đằng. Nhớ lại nơi đây đã đón gần triệu người di cư từ Bắc vào Nam đi tìm tự do. Quán cà phê La Pagode, nơi các nhà văn nhà thơ thường họp mặt, đã đóng cửa im lìm lúc nào, vậy mà tôi không có dịp đọc được một bài viết nào của họ.

 

Sau khi được tin Givral và thương xá Eden bị phá bỏ, tôi thấy bàng hoàng. Nơi đã từng ghi dấu những kỷ niệm một thời ở đó, nay đã thành đống gạch vụn. Không hiểu Givral hiện diện từ lúc nào, nhưng có được ngồi uống ly cà phê ở đó hay ở phía bên kia lề đường của Hotel Continental, mới cảm nhận thấy những thay đổi sâu xa của lịch sử, cái thay đổi ngang nhiên của cuộc đời và cái hòa nhập vào văn chương lãng du tự do cùng thế giới.

 

Lần gia đình chúng tôi về thăm Sài Gòn vào mùa Thu năm 1994, ngồi ăn sáng uống cà phê trong vườn của khách sạn Continental, dưới những cây hoa sứ già cỗi. Nhà hàng vắng khách, chỉ có bàn chúng tôi và một bàn gần đó của một thiếu phụ trẻ người Âu. Thấy con gái tôi nói tiếng Anh, cô đoán chúng tôi là người Việt từ Mỹ trở về, cô bắt chuyện với chúng tôi như những người du lịch thường tình cờ gặp nhau phút chốc trong một chuyến đi. Cô cho biết, cô sanh ở Sài Gòn, năm 1954 cha cô đem gia đình về Pháp. Cha mẹ cô đã mất, đây là lần đầu tiên cô trở lại thăm nơi cô đã ra đời.

 

Năm 2009, chúng tôi trở lại Sài Gòn. Trên đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi và khu vực xung quanh đã có nhiều thương xá tân tiến. Khu Eden đã quá cũ, theo luật đào thải sẽ bị đập bỏ, tất nhiên cái tiệm cà phê lịch sử Givral cũng bị cuốn theo. Thời buổi cạnh tranh, những kiến trúc mới sẽ tạo nên những thương xá mới hoành tráng hơn. Tôi hy vọng doanh thương ở Việt Nam có đủ khôn ngoan để một Givral mới sẽ vẫn ở đó, ở cái góc Tự Do, Lê Lợi cũ. Từ cái góc đó ta có thể nhìn thấy những di tích xưa của thành phố, thấy Continental, Nhà Hát Lớn, Caravelle, nhìn thấy con đường Catinat cũ. Chính cái quán này sẽ đem lại lợi nhuận từ du khách ngoại quốc, không những riêng cho quán mà cho cả thương xá Eden nói chung.

 

Nếu có một lần nữa trở lại Sài Gòn, không hiểu có còn một Givral như xưa để mà ngồi, mà nhớ lại những ngày qua! Dù sao, đâu phải lúc nào cũng có thể trở lại Sài Gòn để đến quán Givral, mà quên mất thành phố mình đang ở có những thương hiệu cà phê nổi tiếng khắp thế giới. Có những quán cà phê mà những người du lịch từ khắp nơi đều muốn đến.

 

Khi nào bạn có dịp đến Seattle, từ trung tâm thành phố bạn có thể đi bộ về phía biển đến Pike Market, một địa điểm du lịch của thành phố không thể thiếu. Không xa, chỉ vài con phố thôi. Nếu đến vào mùa Hè thì thật là tuyệt vời, trời trong, nắng ấm, khách du lịch nhàn du đầy đường phố. Chúng tôi cũng thường đến đó, mọi người cứ tưởng lầm là du khách từ xa đến, mà ngay chúng tôi nhiều lúc cũng quên mình là dân cư ngụ ở đây lâu năm.

 

Chợ đầy các sạp hoa đủ mầu của người Hmong. Bạn nhớ dừng lại chỗ có con heo lớn bằng đồng ngay cửa chính vào chợ, có một tiệm bán cá khá đặc biệt. Khi khách hàng muốn mua con cá nào thì nó sẽ được người bán cá bên ngoài ném như bay vào sau quầy cho người tính tiền, trong tiếng hô hào hứng đồng loạt của những người bán cá và tiếng reo cười thích thú của du khách đứng quanh. Trăm lần ít khi trượt một. Cửa hàng bán cá này đã là đề tài cho hai cuốn sách Fish và Fish Philosophy của John Christensen dùng để huấn luyện cho nhiều cơ quan công cũng như tư khắp nước Mỹ, hướng dẫn nhân viên tìm thấy hứng khởi trong công việc tầm thường hay nhàm chán.

Quán cà phê Hello Em ở 1227 S Weller St, Seattle (ảnh: Facebook Hello Em)

 

Pike Market có nhiều quán cà phê. Quán Starbucks ở đó hơi nhỏ nhưng nổi tiếng, thường được gọi là “Starbucks Chính Hiệu” (Original Starbucks), vì là tiệm Starbucks đầu tiên trên thế giới, mở cửa từ năm 1971. Khách rất đông, phải chen nhau đứng xếp hàng ngoài hè đường chờ đến lượt.

 

Chúng tôi hay đến hai quán, quán thứ nhất là quán Lowel’s, bạn đi về phía tay phải, qua một tiệm bán cá khác, ở đó có một anh Mỹ cựu chiến binh Việt Nam chúng tôi quen từ khi chân ướt chân ráo mới đến Mỹ. Lúc nào gặp anh chúng tôi cũng dừng lại thăm hỏi. Qua thêm một tiệm ăn Athenian, mà tài tử Tom Hanks đã để lại lưu niệm ở đó nhân dịp đến đóng phim Sleepless in Seattle.

 

Vào quán Lowel’s bạn đến quầy chọn món ăn, lát sau họ sẽ đưa đến tận bàn, hay chỉ cần mua một ly cà phê và một cái bánh tự mình mang đi. Hãy lên lầu ba, chọn một cái bàn gần cửa kính, từ đó bạn có thể thấy cả một vùng biển rộng, thấy những cánh buồm trắng xa xa, những con hải âu dập dờn trong gió, thấy cả rặng núi Olympic đỉnh còn phủ tuyết trắng xóa và ngắm bóng những chiếc phà chìm lẫn trong sương mù trong vịnh Puget Sound. Quán thứ hai là Le Panier, nhiều hương vị Pháp, bạn có thể gọi cà phê, bánh mì và bánh ngọt. Quán lúc nào cũng đông, bạn hãy cố tìm một chỗ nhìn sang phía chợ hoa và ngắm khách du lịch rộn dịp qua lại.

 

Bạn cứ việc ngồi lâu với ly cà phê, không ai để ý đến bạn đâu. Chúng ta sẽ có dịp nhắc lại kỷ niệm của những năm xưa cũ: Từ cà phê xái nhì của thời niên thiếu, đến những cà phê Nhân, Gió Bắc, Mai Hương, Brodard, La Pagode và Givral… Giờ đây hãy cùng nhau thưởng thức những ly cà phê có những cái tên mới Tully’s, Seattle’s Best, Starbucks với những hương vị mới, ở một xứ sở tự do trong một thế giới bao la rộng mở, và chắc rằng vẫn không thể nào quên được những ly cà phê đen, cà phê sữa đá, những giọt đắnggiọt chờ cố hữu của quê hương.

 

 

Nguyễn Công Khanh 

 

Nguồn: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ben-tach-tra/ca-phe-lang-du/