Mục lục
Anh bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. Ảnh: changevn.org
Người phát ngôn của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCDO), tức Bộ Ngoại giao Anh, vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại của nước này đối với vụ bắt giữ “anh hùng khí hậu” Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập tổ chức bảo vệ môi trường Change tại Việt Nam.
“Vương quốc Anh kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng tất cả các quyền con người, bao gồm quyền tự do ngôn luận và lập hội. Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự như CHANGE trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện cho tất cả mọi người”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh ngày 14/6 nói.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng bị công an thành phố Hồ CHí Minh bắt giam hôm 31/5 cùng với chồng và hai nhân viên với cáo buộc “Trốn thuế”. Bà là nhà hoạt động môi trường thứ 5 bị bắt tại Việt Nam, sau ông Phan Mai Lợi, ông Đặng Đình Bách, bà Nguỵ Thị Khanh và ông Bạch Hùng Dương. Hầu hết các nhà hoạt động đều bị bắt với cáo buộc trốn thuế.
Thông cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Anh được đưa sau khi hàng loạt các quốc gia và tổ chức như Mỹ, Đức, Liên Hiệp Quốc, Theo dõi Nhân quyền… hồi đầu tháng này đã lên tiếng chỉ trích Hà Nội về động thái trấn áp người hoạt động bảo vệ môi trường.
Các chính phủ và tổ chức quốc tế cũng cảnh báo Hà Nội về việc G7 và các đối tác gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đô la để giúp Việt Nam loại bỏ than đá, và thỏa thuận này cần có sự tham gia của các nhà hoạt động xã hội dân sự.
“Chúng tôi lưu ý rằng trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), được thống nhất vào tháng 12 năm 2022 giữa Việt Nam và các đối tác G7+, Chính phủ Việt Nam cam kết tham vấn các tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông và các bên liên quan khác để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi của xã hội. Để phù hợp với điều này, các tổ chức môi trường và những người ủng hộ khác phải có khả năng đóng góp một cách có ý nghĩa vào việc hoạch định chính sách về khí hậu và môi trường”, thông cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Anh nói.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng là người sáng lập tổ chức bảo vệ môi trường Change, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương năng động có sứ mệnh nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực vào năm 1997, được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2019, trở thành đặc phái viên trẻ của UNESCO và nhận bằng khen của Thủ tướng Việt Nam trong cùng năm.
Bà Hồng đã ngưng hoạt động của Change vào năm ngoái sau vụ những vụ bắt giữ các nhà hoạt động môi trường khác với cáo buộc trốn thuế.
Cả Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đều nói rằng các vụ bắt giữ là một phần trong xu hướng rộng hơn của chính quyền Việt Nam nhằm vào tự do ngôn luận.
VOA (15.06.2023)
Nhà hoạt động Trần Bang kháng cáo án sơ thẩm, sức khoẻ ngày càng xấu đi
Nhà hoạt động Trần Văn Bang trước khi bị bắt Facebook Trần Bang
Nhà hoạt động Trần Bang kháng cáo án sơ thẩm, sức khoẻ ngày càng xấu đi
Nhà hoạt động Trần Văn Bang (còn được gọi là Trần Bang) đã kháng cáo bản án sơ thẩm, trong khi không được chữa trị khối u trên cơ thể ngày càng to ra.
Hôm 12/5, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt ông tám năm tù giam và ba năm quản chế về tội danh “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” trong phiên toà kéo dài chỉ hơn ba tiếng đồng hồ.
Ngày 15/6, một người em của ông cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết như sau:
“Anh Bang đã làm đơn kháng cáo và gia đình được luật sư Trần Đình Dũng thông báo rằng toà án đã chấp nhận đơn kháng cáo này. Giờ chỉ còn chờ toà án xếp lịch xét xử phúc thẩm.”
Người này cho biết trong lần gặp ngày 02/6 tại trại tạm giam của cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM, tinh thần của anh ruột mình rất vững vàng, tuy nhiên sức khoẻ yếu đi. Ngoài mắt đau và tai ù, ông còn bị đau xương khớp.
Đặc biệt, khối u ở vùng bẹn vẫn đang phát triển và gây cho ông nhiều đau đớn nhưng vẫn không được đi xét nghiệm sinh thiết để có thể biết có nên phẫu thuật cắt bỏ hay không.
Tháng 12 năm ngoái, ông được đưa đi khám bệnh ở trạm xá của Trại tạm giam Chí Hòa và Bệnh viện 30/04 của Bộ Công an và bác sĩ khuyên ông nên mổ sớm khối u này.
Ông Bang và gia đình đã làm đơn đề nghị với giám thị trại giam cho ông được đi xét nghiệm sinh thiết nhưng chưa được chấp nhận và ông cũng chưa được khám lại, người em của ông nói.
Ông Bang, 62 tuổi, được nhiều người biết đến với nhiều lần xuống đường tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc trong các vụ việc xung đột với Việt Nam ở Biển Đông. Ông cũng là thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng- quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức cổ suý cho nhân quyền, cải cách chính trị và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ông cũng tích cực trợ giúp gia đình tù nhân lương tâm và những người hoạt động gặp hiểm nguy.
Trong phiên toà giữa tháng năm vừa qua, ông bị kết tội sử dụng ba tài khoản Facebook gồm “Trần Bang,” “Bang Trần” và “Tran Josh” để soạn thảo và đăng tải 39 bài viết có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng, nói xấu chính quyền nhân dân, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn đối với chính quyền, Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo.”
Trong phiên sơ thẩm, ông Bang nói rằng các tài khoản này đã bị hack và ông không sử dụng chúng từ lâu, tuy nhiên lập luận của ông không được chấp nhận. Luật sư bào chữa Trần Đình Dũng thì cho rằng trong hồ sơ vụ án một số tài liệu, chứng cứ điện tử còn thiếu cho nên đề nghị trả lại hồ sơ, khi nào làm cho rõ ràng thì có phán quyết nhưng đề nghị của ông cũng bị bác bỏ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông còn Nhóm công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hiệp quốc cho rằng việc bắt giữ ông vi phạm nhiều điều khoản của các công ước về nhân quyền mà Hà Nội đã phê chuẩn.
RFA (15.06.2023)
Các nhà hoạt động cộng đồng bị bắt giữ, họ là ai và làm gì? (kỳ 1)
Chân dung ông Đặng Đình Bách đăng trên trang chiến dịch vận động. hoto StandwithBach.org.
Để hợp thức hoá toàn bộ chiến dịch này, Bộ công an chỉ đạo Bộ KH&ĐT tung lưới bằng cách ban hành Quyết định Số.1460/QĐ-BKH&ĐT ngày 22/8/2022 để kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ từ nước ngoài của VUSTA giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022. Tất cả đều như cá nằm trên thớt.
Trong chưa đầy hai năm, sáu nhà hoạt động thuộc các trung tâm phát triển vì cộng đồng thuộc VUSTA đã bị bắt và kết án với cáo buộc trốn thuế. Họ là:
GIAO – LỢI – DƯƠNG – BÁCH – KHANH – HỒNG
Luật sư, tiến sỹ HOÀNG NGỌC GIAO, sinh 1954, là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), mang mã số thuế: 0105651577. Ông Giao là phó giáo sư và đồng thời là Luật sư, từng là trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Ông là người nổi tiếng vì những bình luận sâu sắc trong các vấn đề chính trị, xã hội và bang giao quốc tế, nhiều lần trả lời phỏng vấn giao lưu cùng các nhà ngoại giao phương tây. Ông bị bắt ngày 20/12/2022 vì cáo buộc trốn thuế.
Nhà báo MAI PHAN LỢI, sinh năm 1971, là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng MEC, được thành lập theo quyết định số 470/QĐ-LHHVN ngày 26/7/2012 thuộc VUSTA, mang mã số thuế: 0105989599. Ông Mai Phan Lợi là một nhà báo nổi tiếng, từng điều hành trang Facebook “Góc nhìn báo chí-công dân” với hơn 120 ngàn thành viên và nhóm “Diễn đàn nhà báo trẻ” có hơn 33 ngàn thành viên tham gia mà trong số đó chủ yếu là sinh viên báo chí.
Ông còn là thành viên của Ban Điều Hành Mạng lưới VNGO-EVFTA nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA). Ông bị bắt ngày 2/7/2021 với cáo buộc trốn thuế và bị toà sơ thẩm kết án 48 tháng, tại phiên phúc thẩm ông được giảm án xuống còn 45 tháng.
Luật sư BẠCH HÙNG DƯƠNG, sinh 1975 là một thành viên đoàn luật sư Hà Nội, đồng thời giám đốc trung tâm MEC bị bắt cùng ngày 2/7/2021 với Ông Mai Phan Lợi. Ông Dương là một và bị kết án 30 tháng tù, tại phiên phúc thẩm, Ông được giảm xuống còn 27 tháng tù giam.
Luật sư ĐẶNG ĐÌNH BÁCH, sinh năm 1978, là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững (LPSD) thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số 171/ĐK-KH&CN ngày 18/6/2007, mang mã số thuế: 0102304889. Trung tâm là tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập, hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam. Trung tâm cũng là thành viên ban điều hành VNGO-EVFTA. Ông bị bắt ngày 2/7/2021 và bị kết án 5 năm tù giam, ông luôn khẳng định mình vô tội và nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng bảo vệ ông.
Nhà hoạt động NGUỴ THỊ KHANH, sinh 1976, là giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), trực thuộc VUSTA, có Quyết định thành lập số 840/QĐ ngày 27/12/2011 với Mã số thuế: 0105778862. Trung tâm GreenID hoạt động góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững. Bà Khanh là một anh hùng khí hậu, là quan sát viên chính thức của Việt Nam tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2015. Bà là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải môi trường Goldman vào năm 2018 và được cộng đồng biết đến rộng rãi thông qua các hoạt động chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường. Bà bị bắt ngày 9/2/2022 và bị kết án 24 tháng tù giam, sau đó được giảm xuống 21 tháng và bà mới được ra tù vào giữa tháng 5 sau khi đã thụ án được 16 tháng.
“Cô gái nam cực” – HOÀNG THỊ MINH HỒNG, sinh năm 1972, là giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) được thành lập theo quyết định số 78/QĐ-LHHVN do VUSTA cấp ngày 28/1/2013, mang mã số thuế: 0312269912. Bà Hồng là Đặc phái viên trẻ của UNESCO, là anh hùng khí hậu, Bà đã truyền một nguồn năng lượng lớn và rất tích cực cho giới trẻ trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường và động vật hoang dã. Vào năm 2018, cựu tổng thống Mỹ Obama đã viết rằng Bà Hồng là một trong những người trẻ đã truyền cảm hứng cho ông. Bà Hồng bị bắt ngày 31/5/2023 với cáo buộc trốn thuế. Sau khi bà bị bắt giữ, hàng loạt báo chí quốc tế, cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cao uỷ Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đều lên tiếng “quan ngại” về vụ bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng.
Tất cả GIAO- LỢI-DƯƠNG-BACH- KHANH-HỒNG đều là những người rất giỏi và năng động. Họ làm việc nhiều với giới tri thức và những người nổi tiếng. Họ đều có tố chất đặc biệt, khả năng truyền cảm hứng cao độ và ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ .
VUSTA VÀ “XĂNG PHA NHỚT”
Việt nam là một xã hội toàn trị nhưng sau hơn 30 năm đổi mới, các tổ chức “bán nhà nước” đã bắt đầu phát triển và tìm kiếm cho mình những chỗ đứng nhất định. Một trong những cái nôi để hình thành các tổ chức có tính “lai” giữa “dân” và “nhà nước” chính là VUSTA.
VUSTA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Vietnam Unions of Science and Technology Associations (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) được thành lập vào năm 1983, là một tổ chức chính trị – xã hội, thành viên của Mặt trận tổ quốc, nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam và tất nhiên dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
VUSTA có hàng ngàn đơn vị trực thuộc từ trung ương xuống địa phương, bao gồm 89 Hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố, hơn 500 các tổ chức khoa học và công nghệ, đơn vị nghiên cứu trực thuộc. VUSTA có 101 cơ quan báo, tạp chí với hơn 400 ấn phẩm báo chí khác nhau.
VUSTA hoạt động kiểu “xăng pha nhớt”, được coi là khu vực dân sự giao thoa giữa “Nhà nước và Thị trường”, quản lý thì khi lỏng khi chặt, tuỳ quan điểm của lãnh đạo, được khen cũng nhiều và bị chê cũng không ít.
VUSTA là một chiếc ô che cho nhiều ban, hội, viện, trung tâm, nhà xuất bản, tạp chí, tổ, nhóm… ở phía dưới ra đời và vận hành một cách tương đối độc lập với nhà nước, hoạt động trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ trên khắp cả nước. Những “tổ chức” kiểu này được gọi là NGO của Việt Nam nhưng thực tế họ không hoàn toàn “phi chính phủ”. Nhà nước muốn họ “thành” kiểu nào là kiểu đó, luật pháp về Hội và Tổ chức phi chính phủ chưa có, các văn bản pháp luật có chỗ chồng lần, có chỗ thiếu hụt nên vấn đề này rất tù mù.
Các tổ chức, hội, trung tâm, viện, quỹ… nằm trong VUSTA ở cấp dưới thường được cho phép thành lập mà không được cấp kinh phí từ nhà nước. Chi phí hoạt động hầu hết là từ sự đóng góp của các thành viên hoặc làm theo hợp đồng với các dự án.
Các thành viên của VUSTA được tiếp nhận các khoản tài trợ từ Nhà nước và các đối tác khác để thực hiện công việc của mình. Người đứng đầu các trung tâm thường gắn liền với hoạt động chuyên môn, một số rất có uy tín, được cộng đồng trong và ngoài nước biết đến.
TRI THỨC “CẶN BÔ CẦN CẢNH GIÁC
“Trí thức là cục phân” chính xác là lời của ông tổ “Lê Nin” viết vào năm 1919 trong thư gửi nhà văn Maxim Gorky, đại ý rằng “tri thức tư sản là tay sai của đồng vốn tư bản, những kẻ cứ nghĩ chúng là bộ não của dân tộc nhưng trên thực tế chúng không phải là não, mà là cục phân của dân tộc.”
Bởi vậy, chính quyền cộng sản luôn đề cao giai cấp công nông, coi thường trí thức. Cho nên khi các tổ chức do những trí thức thành lập, lại được sự tài trợ của “đồng vốn tư bản” thì bị đưa vào diện theo dõi đăc biệt.
Một mặt nhà nước rất cần các tổ chức có vẻ “phi chính phủ” trong việc thể hiện với thế giới về một Việt Nam cởi mở và hướng đến cộng đồng, mặt khác luôn luôn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của họ. Trong số những hội nhóm ăn chơi vô bổ trực thuộc VUSTA thì không ai để ý, nhưng sẽ có một số tổ chức của những người giỏi sẽ “được” để mắt tới.
Các trung tâm thuộc VUSTA thường nhận được tài từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các từ các Đại sứ quán các nước phương tây để thực hiện các dự án phát triển về xã hội và cộng đồng. Họ đã cố gắng thực hiện điều này trong một vùng xám với bối cảnh pháp lý hết sức phức tạp.
Khi các “trung tâm” hoạt động hướng đến giới trẻ và bắt đầu có tác động đối với xã hội, thì đó là lúc mà Đoàn thanh niên cộng sản bắt đầu coi đây là nơi thách thức sự lãnh đạo tuyệt đối của họ đối với thanh niên.
Khi các “trung tâm” trở thành trung tâm phát triển cộng đồng, được quốc tế chú ý và tài trợ thì đối với lưc lượng an ninh “đám cặn bã” này bắt đầu làm “tay sai” để thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” và đã đến lúc cần phải dọn đi.
Để hợp thức hoá toàn bộ chiến dịch này, Bộ công an chỉ đạo Bộ KH&ĐT tung lưới bằng cách ban hành Quyết định Số 1460/QĐ-BKH&ĐT ngày 25/8/2022 để kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ từ nước ngoài của VUSTA giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022. Tất cả đều như cá nằm trên thớt.
VOA (15.06.2023)
Thấy gì từ vụ án cô Dung?!
Lê Ngọc Luân
Tôi đã quan sát thật kỹ và cố gắng chắt lọc các thông tin để nhận thấy rằng phán quyết của TAND tỉnh Nghệ An tuyên giảm từ 5 năm tù xuống 15 tháng tù nó hiện rõ mồn một bức tranh nền tư pháp Việt Nam hiện nay. Vì sao? Xin đặt ra các giả thiết để các bạn tự cho mình nhận định vậy!
1) Giả sử nếu sau khi toà sơ thẩm tuyên 5 năm tù và dư luận, báo chí truyền thông không lên tiếng kịch liệt thì có khả năng xảy ra bản án phúc thẩm giảm sâu như vậy không?
2) Sau khi toà sơ thẩm tuyên, trước áp lực dư luận, Chánh án toà Hưng Nguyên cho rằng chúng tôi cũng trăn trở, đã tuyên thấp nhất của khung hình phạt (5 năm tù) do cô Dung không có các tình tiết giảm nhẹ đủ theo Điều 51 và 54 BLHS nên không thể tuyên thấp hơn. Vậy câu hỏi đặt ra tại sao phiên toà phúc thẩm cô Dung vẫn kêu oan nhưng toà cấp phúc thẩm vẫn chuyển khung và giảm sâu mức án, chỉ còn mấy ngày nữa ra tù?
3) Nếu cô Dung có tội (đầy đủ chứng cứ căn cứ pháp lý thuyết phục) chúng ta có tin rằng toà phúc thẩm sẽ tuyên án 15 tháng tù (khung hình phạt cao nhất là 10 năm)? Và giả sử nếu như cô Dung không bị bắt giam thì toà có tuyên miễn hình phạt như cô Hương (do không bị giam ngày nào)? Có phải do cô Dung bị bắt giam nên tuyên gần bằng mức tạm giam để phù hợp hay đó là mức án hợp tình hợp lý? Dư luận có đặt câu hỏi tuyên án gần bằng mức tạm giam để tránh bồi thường oan ai như bà Lê Thị Thu Ba – Phó trưởng ban chỉ đạo cải cách Tư pháp từng phát biểu mang tính thời sự rằng “có trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử, phải tuyên phạt cho tương xứng”?
4) Trong vụ việc này, toà Hưng Nguyên hoặc toà tỉnh Nghệ An một trong hai toà có toà sai, chắc chắn! Vậy nếu sai thì trách nhiệm của những người thẩm phán xét xử sẽ thế nào? Tiếng kêu thấu trời xanh của thân phận con người đối với những người cầm chiếc búa có đặt trái tim của mình vào đó trước khi giáng xuống số phận đồng loại không?
5) VKS tỉnh Nghệ An kháng nghị (ai đọc cũng hiểu là điều tra để làm rõ số tiền lớn hơn, nếu vậy cô Dung sẽ chịu án nặng hơn 5 năm). Tuy nhiên, toà bác kháng nghị, vậy VKS kháng nghị đúng không? Nếu đúng thì có đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm để tránh bỏ lọt tội phạm không? Nếu sai thì VKS có ý kiến hay trách nhiệm gì với yêu cầu kháng nghị sai của mình?
6) Sẽ có bao nhiêu vụ án như cô Dung? Và có bao nhiêu thân phận con người trên đất nước này vướng lao lý có được “may mắn” dư luận lên tiếng? Vậy những thân phận không may mắn ấy giờ sẽ phải thế nào?
P/S: Bài viết này, không chỉ chia sẻ riêng với những người đọc trên Facebook mà tôi còn mong muốn lớn hơn những người đứng đầu Quốc Gia hãy nhìn xuống phía nhân dân để thấu hiểu rằng – còn có rất nhiều tiếng kêu ai oán!
Cô Dung là một hạt cát bé nhỏ có “chút may mắn” trong hàng tỷ hạt cát “không may mắn” giữa đại dương mênh mông này.
Cuối cùng, tôi gửi lời chúc mừng đến các đồng nghiệp của mình đã nỗ lực, tận hiến bảo vệ tốt nhất cho Thân chủ!
Lê Ngọc Luân
TiengDan (14.06.2023)
USCIRF kêu gọi Việt Nam sửa đổi luật về tôn giáo, cho phép báo cáo viên LHQ đến thăm
Phái đoàn USCIRF gặp các nhóm tôn giáo độc lập tại Tp. HCM ngày 18/5/2023. Photo Facebook Trung Kien Pham.
Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) vừa ra kiến nghị kêu gọi Việt Nam thực hiện các bước để các nhóm tôn giáo có thể đăng ký “một cách đơn giản hơn và không mang tính bắt buộc” thông qua việc sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và hai dự thảo nghị định dưới luật; đồng thời cho phép các cáo báo viên đặc biệt của LHQ “tiếp cận không hạn chế” để điều tra các vi phạm tự do tôn giáo.
USCIRF đưa kiến nghị này hôm 12/6 sau khi cử một phái đoàn đi khảo sát thực tế ở Việt Nam từ ngày 15-19 tháng 5 vừa qua.
“Chuyến thăm của USCIRF tới đất nước này – do các Ủy viên Fred Davie và Eric Ueland dẫn đầu – đã tạo cơ hội để thảo luận những mối quan ngại [của USICRF] với các quan chức chính phủ Việt Nam cũng như các nhóm tôn giáo và xã hội dân sự”, USCIRF nói với VOA qua email sau chuyến thăm Việt Nam.
Nhất quán với những phát hiện và khuyến nghị trong Báo cáo thường niên năm 2023 của USCIRF, phái đoàn đã thảo luận về các mối quan ngại về tự do tôn giáo với các nhà đối thoại của chính phủ và xã hội dân sự, bao gồm các vấn đề liên quan đến các “yêu cầu đăng ký phức tạp và phiền phức” theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2018 của Việt Nam cũng như “sự không nhất quán của chính quyền địa phương và việc thực thi các quy định đó không thống nhất trên toàn quốc”.
“Phái đoàn của chúng tôi kêu gọi chính phủ sửa đổi bộ luật này bằng cách làm cho việc đăng ký đơn giản hơn và không bắt buộc, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”, tuyên bố của USCIRF gửi cho VOA cho biết thêm.
Ngoài ra, phái đoàn USCIRF nêu quan ngại về hai dự thảo nghị định về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, ban hành vào tháng 6/2022 và kêu gọi chính phủ “xem xét lại các nghị định hà khắc này trước sự quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế”.
USCIRF cũng nêu quan ngại “vấn đề đặc biệt nghiêm trọng về ép buộc từ bỏ đức tin nhắm vào các thành viên của cộng đồng Tin lành người dân tộc Hmong; tù nhân lương tâm tôn giáo; và các vấn đề tự do tôn giáo khác” mà ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm tôn giáo độc lập tại Việt Nam.
“Chúng tôi tiếp tục xác định các vấn đề vi phạm nghiêm trọng và ngày càng trầm trọng hơn. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về các vụ buộc phải từ bỏ đức tin gia tăng trong năm qua, tính chất hạn chế của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, các yêu cầu đăng ký phức tạp và hà khắc”, Phó Chủ tịch USCIRF Frederick Davie cho biết trong thông cáo ngày 12/6.
Thông cáo cũng nhắc đến việc nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục giam giữ và bỏ tù các tù nhân lương tâm tôn giáo—bao gồm cả nhà hoạt động tự do tôn giáo và Phật giáo Hòa Hảo nổi tiếng Nguyễn Bắc Truyển.
“Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong quan hệ song phương trong hai thập kỷ qua, trải rộng trên nhiều lĩnh vực hợp tác bao gồm thương mại, an ninh và giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, mối quan hệ đang phát triển này không thể phát huy hết tiềm năng nếu không tôn trọng tự do tôn giáo theo các nghĩa vụ quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã cam kết,” Ủy viên Eric Ueland nói.
“USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực với Việt Nam để cho phép các Thủ tục đặc biệt liên quan của Liên Hợp Quốc tiếp cận không hạn chế vào quốc gia này để điều tra các vi phạm tự do tôn giáo”, ông Ueland kêu gọi.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị bình luận về thông cáo của USCIRF, nhưng chưa được phản hồi.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo tín ngưỡng.
Từ năm 2014 đến nay, chính quyền Việt Nam từ chối yêu cầu thăm viếng của những người được ủy quyền theo Thủ tục Đặc biệt bao gồm Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tình hình của những người bảo vệ Nhân quyền; Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội ôn hòa; Báo cáo viên Đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt; và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.
Trước đây, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng đã đến thăm Việt Nam hai lần. Chuyến thăm đầu tiên là vào năm 1998 và điều này dẫn đến sự hồi sinh của một số tôn giáo trong nước. Lần thứ hai là vào năm 2014 khi đang Hà Nội soạn thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
VOA (15.06.2023)
Luật sư môi trường Đặng Đình Bách tuyệt thực ‘vì công lý’
Chân dung ông Đặng Đình Bách đăng trên trang chiến dịch vận động. Photo StandwithBach.org.
Luật sư môi trường Đặng Đình Bách bắt đầu tuyệt thực từ ngày 9/6 nhằm “truyền đi thông điệp để nâng cao nhận thức của mọi người về môi trường, công lý và khí hậu”, bà Trần Phương Thảo, vợ ông, cho VOA biết sau khi thăm chồng hôm 11/6.
Cuộc tuyệt thực này diễn ra giữa lúc nhóm làm việc của LHQ ra kết luận rằng việc chính quyền Việt Nam tống giam ông Bách với cáo buộc “trốn thuế” là “tùy tiện”, điều mà Hà Nội trước đó đã bác bỏ.
Bà Thảo cho biết về lý do chồng bà tuyệt thực:
“Anh Bách nói quyết định tuyệt thực của anh ấy rằng về bản chất là anh ấy muốn truyền đi thông điệp để nâng cao nhận thức của mọi người về các vấn đề xã hội như là môi trường, công lý và khí hậu, mong muốn tất cả cùng hợp nhất để giải quyết những vấn đề toàn cầu. Còn về hình thức, anh ấy nói: “Tôi sẽ tuyệt thực hoàn toàn từ ngày 9/6 và tôi chấp nhận hậu quả, dù mất đi thân mạng””.
Vào cuối tháng 5, hơn 80 tổ chức quốc tế tranh đấu vì nhân quyền và công bằng khí hậu từ khắp nơi trên thế giới ký một thỉnh nguyện thư kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho luật sư môi trường Đặng Đình Bách, người được cho là sẽ tuyệt thực trong tháng 6, nhân dịp đánh dấu 2 năm kể từ khi ông bị giam cầm.
Trước đó, vào tháng 3, ông Bách, người đang thụ án 5 năm tù vì cáo buộc “trốn thuế” tại trại giam số 6 tỉnh ở Nghệ An do Bộ Công an quản lý, đã chuyển thông điệp ra ngoài như sau: “Tôi khẩn thiết yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam cân nhắc lại việc coi các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội là mối đe doạ an ninh chính trị để từ đó dừng việc bắt bớ vô cớ và khép tội oan sai. Đồng thời bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững một cách thực chất và có trách nhiệm, bao gồm và không giới hạn về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, và quyền con người”.
Bà Thảo cho biết chồng bà gầy đi “nhưng tinh thần và sức khỏe ổn định”.
“Anh ấy từ chối nhận các khẩu phần ăn của trại giam từ ngày 9/6”, bà Thảo cho VOA biết sau khi xem được mảnh giấy ghi thông điệp từ chồng hôm 11/6.
VOA không thể xác nhận một cách độc lập thông tin ông Bách tuyệt thực. Trại giam số 6 và Bộ Công an không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.
Hôm 26/5, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNWGAD) ra kết luận chính thức nói rằng việc công an Hà Nội bắt giam ông Bách hồi tháng 6/2021 với cáo buộc “Trốn thuế” là “tùy tiện”.
“WGAD nhận thấy việc giam giữ ông Bách là tùy tiện theo các mục I, II, III và V và yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của ông Bách ngay lập tức và làm cho điều kiện phù hợp với các quy định quốc tế liên quan”, bản kết luận viết.
“WGAD lo ngại rằng mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, nếu tiếp tục, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, thông cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ hôm 9/6 viết.
Vẫn trong tháng trước, nhóm WGAD đưa ra ý kiến liên quan đến việc bỏ tù ông Bách, cho rằng đó là “sự vi phạm luật pháp quốc tế” và bày tỏ lo ngại về “vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện” đối với các nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Hôm 17/3, chính quyền Việt Nam phản hồi cho các cáo báo viên đặc biệt của LHQ, nói rằng việc bắt giam ông Đặng Đình Bách với tội danh “Trốn thuế” là phù hợp với luật pháp của nước này.
Chính quyền Việt Nam cho biết thêm rằng việc xét xử ông Bách là “rõ ràng minh bạch”, với chứng cứ “đầu đủ”, và rằng ông Bách không khai báo các khoản ghi nhận tài trợ từ nước ngoài mà Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) của ông tiếp nhận.
VOA (14.06.2023)
VN: Vì sao công an ‘truy tìm’ ba luật sư nhân quyền bào chữa vụ Thiền Am
NGUỒN HÌNH ẢNH,MANH DANG Chụp lại hình ảnh, Luật sư Nguyễn Văn Miếng (trái) và luật sư Đặng Đình Mạnh (phải) là hai trong số ba luật sư đang bị công an Long An truy tìm
Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm ba luật sư từng tham gia bào chữa vụ “tịnh thất Bồng Lai”, sau khi mời nhiều lần nhưng vắng mặt.
Ba luật sư đang bị Công an tỉnh Long An truy tìm là LS Nguyễn Văn Miếng (57 tuổi), LS Đào Kim Lân (56 tuổi), LS Đặng Đình Mạnh (55 tuổi), cũng là những người từng tham gia bào chữa vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.
Vụ án xảy ra ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự. Nay các luật sư bào chữa cho vụ án cũng bị điều tra theo Điều 331 này.
Báo Tuổi Trẻ viết, đầu tháng 3, Công an tỉnh Long An đã tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an.
Theo đó, các luật sư có dấu hiệu tội phạm “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” bằng hành vi đăng tải hình ảnh, có những phát ngôn, bài viết lên mạng thông qua các video.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An nói đã gửi giấy triệu tập nhiều lần cho ba luật sư nhưng họ đều không đến làm việc và không có lý do vắng mặt. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm ba luật sư nói trên.
Ngày 12/4, báo Pháp Luật TP HCM dẫn thông tin từ Công an Long An cho hay LS Đặng Đình Mạnh bị cơ quan này triệu tập lần hai nhưng vẫn vắng mặt. Trước đó, ngày 21/3, ông Mạnh cũng đã bị triệu tập.
Báo Tuổi trẻ cũng thông tin thêm, công an phường xác nhận các luật sư “không có mặt tại địa phương” và “không liên lạc được”.
Bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 13/6 về việc công an phát lệnh truy tìm ba luật sư, phát ngôn viên của Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) cho rằng, thay vì chấm dứt các điều tra hình sự sai trái nhắm vào các luật sư nhân quyền, nhà cầm quyền Việt Nam lại gia tăng sách nhiễu bằng việc ra quyết định truy tìm họ.
“Những cuộc điều tra hình sự phi lý này nhắm vào các luật sư nhằm làm suy yếu công việc của họ với tư cách là luật sư và việc họ thực hành quyền tự do ngôn luận vốn được luật nhân quyền quốc tế bảo vệ,” người phát ngôn của ICJ nhận định.
Đồng thời ICJ cũng lên án Điều 331 của BLHS Việt Nam, cho rằng điều này có những lổ hỏng nghiêm trọng vì thiếu tính chính xác và rõ ràng, đã hạn chế hoạt động hợp pháp của các luật sư và những người bảo vệ nhân quyền.
NGUỒN HÌNH ẢNH,TUỔI TRẺ ONLINE Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á nói với BBC ngày 13/6 về diễn biến “truy tìm”:
“Việt Nam đã thường xuyên không cho những người bị buộc tội dưới nhãn “an ninh quốc gia” quyền tiếp cận luật sư và thăm gặp người thân, nhưng điều đó là chưa đủ và bây giờ họ đang hình sự hóa cả các luật sư.
“Việc buộc tội các luật sư bào chữa cho thân chủ của họ hoàn toàn làm suy yếu tuyên bố của chính phủ Việt Nam rằng họ tôn trọng pháp quyền,” ông Robertson kết luận.
Hồi tháng 3 và tháng 5, ICJ đã gửi thư tới Bộ Tư pháp Việt Nam (MOJ) và Bộ Công an (MPS) kêu gọi chấm dứt việc tiếp tục sách nhiễu và điều tra hình sự các luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng theo Điều 331 BLHS Việt Nam.
Trong hai thư ngỏ của ICJ gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ICJ nói rằng cuộc điều tra hình sự đối với Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn miếng dường như có liên quan đến việc của các luật sư đã bào chữa trong các vụ án có vẻ nhạy cảm, bao gồm cả vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.
Hiện Việt Nam có hơn 170 tù nhân chính trị đang thụ án, và khoảng 30 người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử. Việt Nam cũng có số lượng tù nhân chính trị đứng sau song sắt cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Myanmar và Việt Nam dùng án tử với tỷ lệ cao hơn bất kỳ chính phủ nào khác trong ASEAN.
Chỉ trong vòng 10 năm, theo ông Phil Robertson, tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cho là “đi từ tồi tệ đến tệ hại hơn rất nhiều” và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện xây dựng một vòng kềm tỏa không chỉ đối với các tổ chức phi chính phủ này mà còn cả nguồn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ địa phương.
Đại diện HRW nói rằng, Việt Nam đã “vũ khí hóa luật vi phạm nhân quyền”, và “không có công lý, và không có sự độc lập trong ngành tư pháp của Việt Nam”.
Báo cáo của Dự án 88 ra mắt hồi 25/4 mang tên The Vietnamese Four – “Bộ tứ Việt Nam”.
Bộ tứ Việt Nam mà Dự án 88 nói đến là bốn nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.
Bà Ngụy Thị Khanh được trả từ do hôm12/5, sớm hơn thời hạn là 5 tháng.
Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau đó, Việt Nam bắt giữ một Anh hùng Khí hậu là bà Hoàng Thị Minh Hồng, cũng với tội danh trốn thuế.
Chính phủ các nước như Mỹ, Đức và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc Hà Nội bắt giữ bà Hồng. Cơ quan đặc trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhắc lại bà Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ 5 bị bắt về tội trốn thuế ở Việt Nam trong vòng hai năm qua.
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đều cho rằng các vụ bắt giữ nói trên nằm trong xu hướng rộng hơn của chính quyền Việt Nam trấn áp xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.
BBC (13.12.2023)