Seite auswählen

Tưởng Năng Tiến

Saigon Nhỏ

  

 

Tôi không quen nhưng biết (hầu hết) những người làm nhạc ở đất nước mình, trừ mỗi ông Thanh Phúc – tác giả của bản Người Mèo Ơn Đảng:

Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát
Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng
Bao đời nay sống nghèo lam lũ
Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi

Cuộc sống của người Mèo ở Việt Nam hiện nay, nói nào ngay, không “sáng” gì cho lắm:

Điện Biên: 29 người H’Mong bị cáo buộc “hoạt động phỉ”  

Hàng ngàn người Hmong biểu tình ở Điện Biên

Binh sĩ Lào và Việt Nam bắn chết 4 phụ nữ Hmong

Hàng ngàn người H’Mong phản kháng đàn áp tín ngưỡng

Báo Nguy Về Đàn Áp Dân Hmong

Bốn người Hmong bị kết án “âm mưu lật đổ chính quyền”

Alarming Crackdown on a Group of Hmong Individuals  

Vietnam: Investigate Crackdown on Hmong Unrest  

Vietnam: Hanoi hospitals refuse treatment to ailing Hmong

Sau biến động Mường Nhé – xẩy ra hồi năm 2011, ở Điện Biên – hàng trăm người H’mông bị sát hại, hàng ngàn người khác bị bắt giữ, số còn lại thì không ít kẻ đã hốt hoảng rời bỏ bản làng đi tìm đường lánh nạn. Bốn năm sau, năm 2015, tôi tình cờ gặp được vài chục người di tản (buồn) này gần khu chợ Saphan Mai – thuộc Bang Khen – ngoại ô Bangkok.

 

Tôi vẫn hay ghé đây vì có chút giao tình với một vị mục sư, từ Việt Nam vượt biên sang Thái. Ông tuy còn trẻ nhưng được coi như người lãnh đạo tinh thần của những gia đình H’mong ở cái xóm “tị nạn đa chủng tộc” này. Nói là đa chủng tộc vì ngoài người Việt, người Mèo, còn có vài chục người Miến Điện (cũng) đang chui rúc trong cùng một khu ổ chuột.

Ngày trước – theo tôi biết – đây là khu cư xá của nhân viên phi trường Don Mueang, kế cạnh. Với thời gian, nhà cửa xuống cấp mỗi lúc một thêm thảm hại nên họ bỏ đi ráo trọi. Lần hồi nó trở thành nơi tụ tập của đám dân tứ xứ, một cái xóm nghèo, với giá thuê rất rẻ. Chỉ cần mươi mười lăm ngàn baht, cỡ ba bốn chục Mỹ kim mỗi tháng, là có thể tìm được một chỗ trú thân.

Ông Sùng A Cháng, bạn rượu của tôi, hiện đang “trú” tại nơi này. Cũng như tôi, ông ấy đã quá tuổi lao động nên thường xuyên rảnh rỗi và sẵn sàng nâng ly – bất kể sáng/trưa/chiều/tối. Chúng tôi thường tợp rượu trước, rồi mới lai rai qua bia, cùng với lạc rang hay lạc nấu.

Già yếu nên cả hai cũng chả uống được chi nhiều, chỉ hết một chai Hong Thong loại nhỏ (350ml) và qua đến nửa chai Singha là chuyện trò đã trở nên sinh động hẳn – dù ông bạn có hơi nghễnh ngãng :

-Tôi bị cán bộ cứ thay phiên tát vào má vào mặt mấy ngày liền nên bây giờ cái tai lúc nào nó cùng hơi “ù ù” khó nghe quá, ông ạ.

 

-Sao lại đến nỗi vậy?

-Họ bắt phải bỏ đạo nhưng tôi không chịu!

Chuyện đức tin, tuy thế, không phải là nguyên do chính để ông Sùng A Cháng rời bỏ Việt Nam. Đất đai canh tác bị thu hồi mới thực sự là giọt nước tràn ly khiến ông bạn tôi phải dắt díu vợ con chạy qua Lào rồi tìm đường sang Thái.

-Chứ ông thử nghĩ xem, không có đất thì người biết sống làm sao nên phải đi thôi.

“Đi đâu ?” Có lẽ chưa bao giờ là câu hỏi mà ông Sùng A Cháng đặt ra một cách… nghiêm trang hay thấu đáo cả:

-Người ta chạy thì mình cũng phải chạy theo thôi, chứ muốn có ở lại cũng không được. Cái nhà nước này khó sống với nó lắm, ông ơi!

Kiểu lập luận giản dị của ông bạn tôi, tất nhiên, không được cả chính quyền Thái Lan lẫn Cao Ủy Tị Nạn chấp nhận. Họ không thích cái kiểu “tị nạn tập thể,” kéo nhau đi từng đoàn như thế. Ai mà có thể mở rộng vòng tay để chào đón mãi những kẻ khốn cùng, cứ tiếp tục đến (hết thập niên này sang thập niên khác) từ một xứ sở… Độc lập – Tự do – Hạnh phúc!

May mắn là IDC (Immigration Detention Center, Nhà Giam Của Cơ Quan Di Trú) ở Bangkok luôn trong tình trạng quá tải nên cả gia đình ông chưa ai bị truy tố và giam giữ về tội nhập cư trái phép. Thế là cả nhà lêu bêu giữa thủ đô Bangkok. Tiền không có một cắc, tiếng không biết một chữ, và cũng chả quen biết bất cứ ai để có thể nhờ cậy hay tá túc.

-Ấy thế mà rồi cũng sống sót được, lạ thật ông nhỉ?

-Thì đã bảo là trời sinh voi, trời sinh cỏ mà!

Tôi tiện miệng mà nói thế chứ cỏ ở Thái Lan, xem ra, cũng chả nhiều nhặn gì cho lắm. Sự thực, nhờ vào hội thánh, vài cơ quan thiện nguyện và những người bạn tốt bụng từ hải ngoại (bà Kim Bintliff, cô Grace Bùi, cô Nguyễn Thanh Tâm, cô Maria Trần Ngọc, bạn Mi Vân, bạn Phạm Dương Đức Tùng, bạn Phan Ngọc…) tận tình chia sẻ ngọt bùi nên mấy chục gia đình người H’mong ở Sanpha Mai vẫn có thể sống còn nơi xứ lạ.

Lần hồi rồi cả hai anh con trai của ông Sùng đều có việc làm: Đứa đi phụ hồ, đứa đẩy xe kem. Hai cô con dâu đi rửa chén cho quán ăn gần đó. Hai ông bà ở nhà trông tám đứa cháu nội lao nhao. Phụ nữ Mèo chả ai mà không mắn đẻ.

Thì cũng đủ ăn đấy chả đói bữa nào nhưng buồn quá ông ơi. Chúng tôi nhớ nương rẫy lắm. Ở đây chả có núi rừng, cây cối gì xất cả. Vợ tôi cứ khóc hoài. Nó đòi về nhưng làm sao mà về được?

 

Nghe ông chồng nói mà bà vợ rơm rớm nước mắt khiến tôi cũng phải sụt sùi. Đồng bệnh tương lân mà. Tôi cũng muốn về lắm chứ, cũng muốn được đến phần mộ của song thân thắp một nén nhang, ra Hồ Xuân Hương tắm thêm lần nữa, và leo lên Đồi Cù ngồi hát bản “Chiều Vàng” để chỉ cho chính mình nghe – lần chót:

Trên đồi xanh chiều đã xuống dần
Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng…

Tôi hay đi loanh quanh Miên, Miến, Thái, Lào…  chỉ vì cảnh vật ở những nước láng giềng này cũng từa tựa Việt Nam. Ngồi lê la nói chuyện với ông bà Sùng A Cháng ở Bangkok (hay với “những Việt kiều” ở Biển Hồ) thì cũng gần như là được nói chuyện với đồng bào cùng khổ của mình, ngay tại quê nhà vậy.

Tất nhiên không phải ai cũng ù té chạy khỏi Việt Nam như gia đình ông Sùng A Cháng. Ông Triệu Tài Vinh, chả hạn, chả việc gì phải chạy đi đâu cả. Ông ấy thuộc diện “Người Mèo Ơn Đảng” mà: quê ở Hà Giang, có bằng cử nhân, tiến sỹ gì đó, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, ủy viên trung ương đảng…

Chỉ có điều (hơi) đáng tiếc là tuy cùng đảng nhưng ông ấy khác phe với đồng chí Tổng Bí Thư nên vừa bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đề nghị Bộ Chính Trị bỏ vào lò cho nó cháy chơi. Thế là Triệu Tài Vinh đã bị đánh tơi bời hoa lá:

Vua Mèo: Nối gót Đinh La Thăng

Tám chuyện vua mèo

“Lý ông Mèo” của ông Triệu Tài Vinh

BCT bỏ phiếu thông qua quyết định bắt giam Vua Mèo Triệu Tài Vinh

Phiếm & Biếm: Cái lý của thằng Mèo

Tôi cũng là người sinh trưởng miền núi nhưng không vì thế mà có thể lên tiếng bênh vực cho ông Triệu Tài Vinh. Những anh “lưu manh giả danh cán bộ” vào tù là phải (giá) không có chi để phàn nàn hay thắc mắc hoặc khiếu nại gì ráo trọi. Tôi chỉ có chút băn khoăn là sao bỗng dưng cả triệu người Mèo ở Việt Nam lại bị “đồng hoá” với cái ông Vinh (thổ tả) ở Hà Giang? Sao khi khổng khi không quí vị lại có thể vơ đũa cả nắm rồi mang vua Mèo hay thằng Mèo ra để giễu cợt (khơi khơi) như vậy được?

Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe

Trần Tế Xương sinh năm 1870 và mất năm 1907. Câu thơ thượng dẫn có thể được ông viết từ cuối thế kỷ mười chín. Vào thời điểm này, khi mà mọi phương tiện truyền thông và giao thông đều vô cùng giới hạn nên cách nhìn lệch lạc của nhà thơ về một sắc dân bản địa – rộng lòng mà nói – có thể bao dung và thông cảm được phần nào. Còn chúng ta, những kẻ đang sinh sống ở thế kỷ 21 (thời điểm mà quả đất đã thu nhỏ như một cái làng) mà chả lẽ cũng vẫn tư duy theo kiểu bộ lạc thế sao?