Mục lục
MỘT LUẬT SƯ TUYÊN BỐ CHẤM DỨT VĨNH VIỄN HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ SAU KHI 3 LUẬT SƯ NHÂN QUYỀN SANG HOA KỲ
Các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo vụ Đồng Tâm- Nguồn hình FB Lê Hoà
Sáng 21 tháng 6 năm 2023, trên trang Facebook của luật sư Lê Hoà đã ra tuyên bố, ông sẽ chấm dứt vĩnh viễn hoạt động hành nghề luật sư sau khi phiên toà phúc thẩm vụ án Trần Trung Dũng cưỡng đoạt tài sản kết thúc. Đây là vụ án dang dở mà ông tham gia bào chữa cho bị cáo. Dù hết niềm tin vào nền tư pháp Cộng sản, nhưng ông Hoà có “một chút hy vọng mỏng manh là công lý sẽ có ở Việt Nam, dù chỉ một tý thôi cũng được”. Tuyên bố trên của ông Hoà diễn ra sau khi nhận được thông tin 3 luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân phải dứt áo sang Hoa Kỳ, sau nhiều ngày bị an ninh Cộng sản gây áp lực, đe doạ, triệu tập, ra quyết định truy tìm với cáo buộc ba ông vi phạm quyền tự do ngôn luật vì đưa những chứng cứ liên quan đến vụ án Tịnh thất Bồng Lai lên mạng xã hội. Sự kiện 3 luật sư đồng nghiệp sang Hoa Kỳ khiến ông Hoà cảm thấy vừa buồn, vừa vui. Ông Hoà cho biết, ông Miếng và ông Mạnh đã cùng ông và một số luật sư khác nhận lời bào chữa, bảo vệ các bị cáo vụ án Đồng Tâm. Cả 3 luật sư trên đều là những người có tâm, có tầm. Trước đó, vào ngày 27 tháng 5 năm 2021, ông Hoà đã công khai tuyên bố bỏ nghề luật sư vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam. Ông đã không còn nhận bất kỳ vụ án mới nào.
VietBF (22.06.2023)
Luật sư Đào Kim Lân sẽ báo cáo gì với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc?
Luật sư Đào Kim Lân trên trang YouTube Nhật Ký Luật Sư YouTube Nhật Ký Luật Sư
Hai năm qua, các luật sư tham gia bào chữa cho các nạn nhân bị cáo oan ở Tịnh Thất Bồng Lai (TTBL) đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan pháp luật và lãnh đạo Đảng và Nhà nước cao nhất về sai phạm của Công An (CA) huyện Đức Hòa và tỉnh Long An nhưng không được xem xét giải quyết. CA Long An lại tạo dựng đơn thư tố cáo các luật sư vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự (Lợi dụng các quyền tự do dân chủ), tạo cớ “mời”, ra “thông báo truy tìm” các luật sư để điều tra. Luật sư Đào Kim Lân đã bị cấm xuất cảnh không được tham dự lễ khai giảng ở trường cũ mà Luật sư từng học tập và tốt nghiệp. CA cũng đến tận nhà đe dọa, trấn áp tinh thần người thân luật sư Lân. Nguy cơ bị khởi tố, bị bắt giam đang hiển hiện.
Mong muốn làm sáng tỏ vụ việc, liên tiếp từ ngày 13-6 đến 18-6, Luật sư Đào Kim Lân đã có nhiều buổi livestream trần tình với cộng đồng mạng đang chuẩn bị hồ sơ để báo cáo sự việc lên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Trong trạng thái xúc động, livestream khá dài, để mọi người dễ theo dõi chúng tôi xin tóm tắt dưới đây những nội dung chính.
Đã khiếu nại đến tất cả các cơ quan nhà nước Việt Nam
Từ nhỏ được học tập dưới mái trường XHCN, lớn lên từng học trường An Ninh, Luật sư Lân ý thức được Mỹ và thực dân đế quốc phương Tây là kẻ thù xâm lược nên luôn cảnh giác. Lớn lên, dù rất thích mùi xà bông thơm Dove ông luôn cẩn thận mài nhẵn cho mất đi nhãn hiệu chữ Dove trên cục xà bông trước khi dùng nhưng trong bụng vẫn cứ lo những người chung quanh nhận biết mùi thơm của loại này. Vì vậy ông luôn có ý thức tốt khoe xấu che không làm gì để ảnh hưởng đến lợi ích, danh dự đất nước. Từ trước đến nay ông Lân luôn thiện chí hợp tác, trao đổi với CA huyện Đức Hòa và tỉnh Long An về những sai phạm trong tố tụng, hành xử công quyền của họ trước và kiên nhẫn chịu đựng những chiêu trò đe dọa, bôi xấu của đám tổ chức ngoại vi, dư luận viên mà ông gọi là bọn “loa làng”.
Ông và các luật sư đồng nghiệp buộc lòng phải nhiều lần có văn bản tố cáo lên cấp trên vì CA địa phương đã vi phạm pháp luật quá nghiêm trọng gây ra oan trái, bất công với người vô tội. Với ông, trước sau như một ông tin vào duy nhất là luật pháp và nhà nước Việt Nam. Nhiều người thân, bạn bè là cán bộ có trách nhiệm, nhiều lần hứa hẹn với ông sẽ có biện pháp xử lý, ông đã tin và chờ đợi. Nhưng rất tiếc đã hơn 2 năm qua, những kiến nghị ấy không được phản hồi.
Năm luật sư của Tịnh thất Bồng lai (từ trái sang): Ngô Hoàng Anh, Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Trịnh Vĩnh Phúc. Hình: Facebook Manh Dang
Giải oan thân chủ, Luật Sư bị quy chụp
Vụ án có những tình tiết mâu thuẫn đến khó hiểu, thông tin báo chí, thông tin của “loa làng”, thông tin của những người am hiểu trên mạng xã hội mâu thuẫn đến rối loạn: TTBL bị khởi tố ba tội hay một tội khi báo chí chính thống của nhà nước khi đăng ba tội loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 331 Bộ luật Hình sự, khi đăng chỉ một tội theo Điều 331?
Tại sao CA công bố thông tin bắt khẩn cấp, quả tang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hình ảnh vật chứng nhưng lại khởi tố theo Điều 331 ?
Tại sao khởi tố theo Điều 331 nhưng CA lại bao vây, canh giữ TTBL không cho ai ra vào. CA đóng quân từ ngoài vào trong nhà, tịch thu xe, cắt sóng wifi, làm cho các cháu bé không thể học (kể cả online) suốt thời gian dài.
Để góp phần với các cơ quan pháp luật làm sáng tỏ vụ án, không để ảnh hưởng, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trong đó có người già, phụ nữ, trẻ em, các luật sư đã lập ra kênh YouTube Nhật Ký Luật sư cung cấp những thông tin chính thống của vụ án theo hồ sơ vụ án, các hoạt động pháp luật của các luật sư trong từng giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Bình luận giải thích pháp luật về các tình huống có liên quan. Đây là vụ án hình sự theo Điều 331 liên quan đến danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân nên việc thông tin rõ ràng minh bạch tránh những dư luận sai lệch là hết sức cần thiết. Nếu cơ quan điều tra làm tốt việc truyền thông chính xác, đúng đắn thì các luật sư không phải làm thêm công việc trái tay này.
Ngược lại, CA Long An, tổ chức đã có nhiều sai phạm đang bị khiếu nại tố cáo về việc tạo dựng chứng cứ giả để buộc tội TTBL lại một lần nữa tạo dựng những chứng cứ giả để “mời”, tiếp theo đó là “truy tìm” các luật sư đến để xác minh điều tra dấu hiệu vi phạm theo Điều 331 trong việc cung cấp thông tin trên kênh Nhật Ký Luật Sư. Người bị tố cáo điều tra xử lý người tố cáo là việc làm ngược ngạo hiếm có.
Cần có cơ quan khách quan xem xét
Theo luật tố tụng hình sự về trách nhiệm điều tra theo địa bàn, lãnh thổ thì ông Lân và các đồng nghiệp đều cư trú tại TP.HCM, việc livestream thực hiện trên địa bàn TP.HCM nên nếu có tội phạm xảy ra thì phải do CA TPHCM điều tra, sao lại là Long An?
Hơn thế nữa, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân, cho dù Luật sư Lân có phạm tội thì vợ con ông không hề tham gia, không phải chịu trách nhiệm gì nhưng CA Long An lại cử điều tra viên đến gia đình đe dọa, đàn áp người thân luật sư Lân. Đây là hành vi khủng bố, không phải cách hành xử của cơ quan pháp luật.
Trong bối cảnh bức bách, quyền hành nghề Luật sư bị hạn chế như là bị bịt miệng. Ngay sự an nguy, quyền tự do thân thể của các luật sư cũng có nguy cơ bị tước đoạt. Gõ cửa khắp các cơ quan tổ chức trong nước đều im lặng. Luật Sư Đào Kim Lân buộc lòng phải cầu cứu đến các tổ chức quốc tế khách quan. Cụ thể là Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Luật sư Lân dự kiến sẽ trình bày những nội dung chính là các vi phạm tố tụng, những hành vi sai phạm pháp luật của CA huyện Đức Hòa và tỉnh Long An.
Qua nội dung livestream, Luật Sư Đào Kim Lân cho biết đang hoàn thiện các văn bản này và đang nhờ dịch ra tiếng Anh để tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc dễ tiếp nhận nội dung. Luật sư Lân đã giới thiệu trước một số nội dung chính dự kiến sẽ trình bài với các tổ chức có trách nhiệm không phải là điều mới mẻ mà chính là những sai phạm pháp luật của CA Long An, Đức Hòa, trong chuỗi vi phạm đàn áp, buộc tội oan, làm ảnh hưởng danh dự nhân phẩm các thành viên TTBL mà ông và các luật sư đồng nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan pháp luật và lãnh đạo nhà nước.
Công an bao che tội phạm, bắt người trái phép!
Công an Đức Hòa đã bao che, bỏ lọt tội phạm trong vụ vợ chồng ông Võ Văn Thắng dẫn đầu gần 50 người xông vào TTBL lấy cớ tìm con hành hung gây thương tích, cướp phá tài sản. TTBL tố cáo sự việc đề nghị khởi tố về ba hành vi: xâm nhập chỗ ở trái phép, cướp tài sản, cố ý gây thương tích nhưng CA Đức Hòa chỉ khởi tố về một tội cố ý gây thương tích và có văn bản trả lời hành vi 50 người xông vào TTBL là không phạm pháp. Chính cách hành xử này làm các thành viên TTBL bức xúc nói “CA bao che tội phạm” và bị cáo buộc phạm tội theo Điều 331.
Sự kiện ông Trần Quốc Thắng, CA Đức Hòa mời cô Diễm My lên CA huyện. Tại đây, CA đã cách ly Diễm My với các thành viên khác của TTBL và cưỡng chế bằng sức mạnh giao Diễm My cho vợ chồng ông Thắng bắt về nhà giam giữ là hành vi sai phạm pháp luật.
Bức xúc việc Diễm My bị bắt, các thành viên TTBL hô hoán “CA bắt người”. Đây là sự việc có thật, một hành vi phạm pháp của công dân diễn ra ngay tại trụ sở cơ quan công quyền nhưng những người nói lên sự thật lại bị đi tù vì phạm Điều 331.
Phiên toà xử sáu người thuộc Tịnh thất Bồng Lai ở huyện Đức Hoà, Long An hôm 20/7/2022. Hình: PLO
Diễm My: mắt xích then chốt mất tích bí ẩn?
Sau sự kiện này, trên mạng xã hội xuất hiện hai clip của Diễm My tố cáo ông vợ chồng ông Thắng đã giam giữ trái phép cô nhiều tháng trời. Ông Thắng có hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm thân thể cô. Diễm My cũng tố cáo CA huyện Đức Hòa và cụ thể là CA Trần Quốc Thắng đã lừa ký giấy mời cô lên làm việc và dùng sức mạnh xâm phạm thân thể, bắt cóc cô. Diễm My cũng tố cáo đích danh thầy chùa Thích Nhật Từ toa rập với ông Thắng bàn mưu bức hại TTBL với những thủ đoạn độc ác. Các Đài Truyền Hình và Báo chí đã thông tin đơn đặt, dối trá, xúc phạm danh dự của cô và các thành viên TTBL.
Điều đáng nói là trong tâm trạng bị kích động, Diễm My đã dùng lời lẽ hết sức nặng nề nhục mạ, lên án các đối tượng mà cô tố cáo nhất là với cha mẹ ruột là ông Thắng, bà Mai. Xét về hình thức, hành vi thì hai clip này là bằng chứng rõ ràng nhất, điển hình nhất vi phạm Điều 331, đáng phải khởi tố hình sự. Nhưng mặt khác, trong bối cảnh chung của vụ án, Diễm My là người bị hại trong nhiều hành vi bắt người trái phép, giam giữ người trái phép,….
Đồng thời cô cũng là người có liên quan rất quan trọng không thể vắng mặt trong phiên tòa xét xử TT BL. Thế nhưng dù các luật sư nhiều lần yêu cầu khiếu nại, các cơ quan tố tụng chỉ xem cô là nhân chứng, có mặt cũng được, vắng mặt cũng không sao. Trên đất nước có ba người dân thì có một CA , Diễm My bị bốc hơi ở đâu đó mà mấy năm qua không còn tăm tích.
CA tạo chứng cứ giả quy kết tội
Nghiêm trọng hơn nữa là CA Long An đã tạo dựng chứng cứ giả trắng trợn để cáo buộc, xúc phạm danh dự các thành viên TTBL. Ngày 5-1-2022, CA cung cấp thông tin cho báo chí khởi tố TTBL về ba tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, loạn luân, Điều 331. Tất cả báo chí, đài truyền hình, các YouTuber “bò đỏ” đồng loạt đăng thông tin này kèm theo hình ảnh clip thầy Lê Thanh Nhị Nguyên bị bắt quả tang đang lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng với 100 triệu đồng vật chứng, trong hồ sơ vụ án còn có cả tên người bị hại là Hồ Phước Lợi. Thế nhưng sau đó các báo đồng loạt đăng lại mà không đính chính là khởi tố một tội theo Điều 331 và đến nay sau hai phiên xử sơ phúc thẩm vẫn chỉ có một tội về Điều 331.
Thế nhưng trước và sau phiên tòa nhiều lần báo chí tung tin. hình ảnh về bản kết luận giám định AND cho thấy nhiều trẻ trong TTBL là con loạn luân. Báo chí đăng cả phả hệ cho rằng bé này con ai, bé kia con ai theo “kết quả giám định ADN” khi thò ra khi thụt vào là không có? Bác Sĩ Phan Xuân Trung xem xét theo phả hệ này và phát hiện ra cụ Lê Tùng Vân là một siêu nhân, người ngoài hành tinh khi từ nhỏ đến 60 tuổi không có con nhưng từ sau 60 đến 89 tuổi lại có đến 13 con.!!!
CA Long An nhiều lần lấy mẫu tế bào bất hợp pháp các thành viên TTBL. Trong thời gian dịch COVID-19, CA cho rằng có người nhiễm COVID đi vào TTBL cưỡng bức các thành viên phải đi vào khu cách ly và tiến hành lấy máu. Sau phiên xử phúc thẩm, CA lại bao vây phong tỏa TTBL mà không có bất cứ văn bản nào, đồng thời dùng sức mạnh không chế, cưỡng ép các thành viên để lấy mẫu dịch vòm họng. Các luật sư đến bảo vệ các thân chủ, khuyến cáo CA làm đúng pháp luật cũng bị gây khó khăn đủ điều.
Những chứng cứ mà các cơ quan tố tụng Long An quy chụp cho TTBL vi phạm DDiều 331 cũng là sự quy kết, tạo dựng. Ngoài các câu nói “CA bao che tội phạm”, “CA bắt người”. “Thích Nhật Từ ngu như bò” như đã nêu, CA Long An còn cắt ráp lời giảng của cụ Lê Tùng Vân dạy mọi người phải thượng tôn pháp luật thành câu nói khác và quy tội phỉ báng tôn giáo và pháp luật. Thủ đoạn này là bài bản mà CA Hà Nội từng áp dụng với Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Đàn áp tôn giáo, che lấp sự thật!
Còn rất nhiều hành vi đạp trên pháp luật để đàn áp các thành viên TTBL là những người tu tại gia, không phục tùng theo giáo hội Phật giáo quốc doanh của Nhà nước. Họ có nhiều ảnh hưởng đến xã hội nhờ tài năng. Nhiều thành viên đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi. Kênh YouTube Năm Chú Tiểu của họ được hàng triệu view, được danh hiệu Nút Phím Vàng.
Một nguyên nhân sâu xa khác, cái tội lớn nhất của TTBL là dám nói lên sự thật, dám tố cáo CA Đức Hòa đòi hối lộ.
Lần này, đến lượt các luật sư của TTBL phải trả giá cho việc nói lên sự thật về những sai phạm của CA . Luật sư Đào Kim Lân khẳng định ông chấp nhận những bất trắc thậm chí cả sự an nguy cho bản thân nhưng phải nói lên sự thật. Vì nếu không ngăn chặn được tình trạng này thì bất cứ một người dân Việt vô tội nào cũng có thể bị bắt giam, phạt tù nếu trái ý cường quyền. Quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của người dân có thể bị chà đạp mà không có ai, không có cơ chế nào bảo vệ. Luật pháp chỉ là công cụ đàn áp của thế lực cầm quyền.
Chúng tôi hoan nghênh tinh thần dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng. Nhưng chúng tôi hết sức quan ngại về cái giá phải trả của các luật sư.
Mong rằng 100 triệu người dân Việt cần quan tâm tự cứu mình, cùng đồng hành với các luật sư.
Kiều bào nước ngoài khúc ruột ngàn dặm không chỉ thể hiện lòng yêu nước bằng mồ hôi nước mắt qua tiền kiều hối mà cần lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ các luật sư, đòi hỏi nền pháp luật công minh.
Gió Bấc
Nguồn tham khảo
https://www.youtube.com/watch?v=23Fith8wtSA&t=76s
https://www.youtube.com/watch?v=JRsdcv5YeZY
https://www.youtube.com/watch?v=qG-xILWFzgg
RFA (21.06.2023)
Báo cáo quốc tế: Việt Nam đàn áp biểu tình ôn hòa suốt 3 thập niên
Công an chặn các nhiếp ảnh gia chụp ảnh trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra trước Nhà hát lớn ở Hà Nội vào ngày 22 tháng 7 năm 2012.
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR) hôm 20/6 công bố một báo cáo mới, ghi nhận tình trạng đàn áp có hệ thống đối với quyền tự do hội họp ở Việt Nam trong ba thập niên qua.
Báo cáo dài 58 trang có tên “Lịch sử Bạo lực – Đàn áp quyền tự do hội họp ở Việt Nam”, với phiên bản tiếng Anh và tiếng Pháp, được giới thiệu là một báo cáo toàn diện nhất cho đến nay về phong trào biểu tình ở Việt Nam và những hình thức đàn áp mà người biểu tình đã phải đối mặt trong hơn ba thập niên.
“Những hành động của chính phủ nhằm trấn áp các cuộc biểu tình bao gồm: sử dụng vũ lực không cần thiết và/hoặc không cân xứng, bắt giữ, giam giữ, truy tố và các hình thức tấn công và quấy rối khác đối với những người lãnh đạo, người tham gia và người ủng hộ biểu tình”, báo cáo của FIDH và VCHR nói.
Điểm qua các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Việt Nam trong 3 thập niên qua, báo cáo nói các cuộc biểu tình của người dân là một đòi hỏi của xã hội dân sự. Chúng phản ảnh nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực như chống Trung Quốc, đòi công lý cho những người dân bị mất đất đai, đòi tự do tôn giáo, bảo vệ môi trường, bênh vực quyền của người lao động, chống lại các dự luật hạn chế quyền con người…
“Hết các cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hoà, với những người biểu tình xuống đường như một cách thức thông báo cho chính quyền về những bất bình của họ”, báo cáo nói.
Tuy nhiên, “thay vì lắng nghe những mối quan tâm của người biểu tình, chính quyền đã luôn luôn đàn áp những người biểu tình này, đôi khi với bạo lực cực độ. Công an và những kẻ côn đồ được chính phủ hậu thuẫn thường xuyên đánh đập và giam giữ những người biểu tình, đe dọa, sách nhiễu và theo dõi họ”.
Người biểu tình thường bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ, bị từ chối chăm sóc y tế, bị ngược đãi và tra tấn, thậm chí trong một số trường hợp, điều kiện giam giữ tồi tệ và ngược đãi đã dẫn đến người bị giam cầm tử vong, vẫn theo báo cáo.
Ngoài ra, một số nghị định và quy định có tính hạn chế cao của Việt Nam, chẳng hạn như Nghị định 38, Thông tư 9, 13 và đặc biệt các điều khoản quy định về “an ninh quốc gia”, còn cung cấp các công cụ pháp lý để chính quyền đàn áp những người đã hoặc đang thực hiện quyền quyền tự do hội họp ôn hòa của họ.
“Các cá nhân và cộng đồng Việt Nam dũng cảm thuộc mọi tầng lớp xã hội đã phải trả giá rất đắt cho việc tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa bất chấp sự đàn áp của chính quyền”, báo cáo dẫn lời Phó Chủ tịch VCHR Penelope Faulkner nói.
Bà yêu cầu các chính phủ nước ngoài phải gây áp lực nhiều hơn đối với Hà Nội để đảm bảo việc thực thi an toàn quyền tự do hội họp ôn hòa, trực tuyến và ngoại tuyến, trở thành hiện thực”.
Thêm vào đó, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị chi tiết và thiết thực đối với chính phủ Việt Nam để có thể điều chỉnh luật pháp và thực tiễn của đất nước liên quan đến quyền tự do hội họp ôn hòa cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
“Việc sửa đổi tất cả các điều khoản về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự phải là điểm khởi đầu để đảm bảo một môi trường an toàn và thuận lợi cho quyền tự do hội họp ôn hòa ở Việt Nam”, Tổng thư ký FIDH Adilur Rahman Khan nói. Ông thúc giục Hà Nội “nên đẩy nhanh quá trình thông qua luật biểu tình đã quá hạn từ lâu để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”.
Trong nhiều dịp khác nhau, các lãnh đạo nhà nước và đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam phản bác những lời chỉ trích của các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chính quyền của đất nước Đông Nam Á nhiều lần nói rằng họ đảm bảo và thúc đẩy nhân quyền theo luật pháp trong nước, cũng như theo các cam kết quốc tế.
VOA (21.06.2023)
Hơn 60 tổ chức nhân quyền kêu gọi Obama thúc giục VN trả tự do cho bà Minh Hồng
Hôm 20/6/2023, sáu mươi lăm tổ chức nhân quyền và môi trường đã công bố một bức thư ngỏ gửi tới cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, yêu cầu ông công khai kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho nhà hoạt động khí hậu và học giả của Quỹ Obama, Hoàng Thị Minh Hồng.
Bà Hồng đã bị giam giữ mà không bị buộc tội vào ngày 31/5 và bị bắt vì tội “trốn thuế” vào ngày hôm sau.
Bức thư viết:
“Công an Việt Nam đã bắt giữ bà Hồng vào ngày 1/6/2023. Bà đang bị biệt giam và không được gặp luật sư. Chính phủ đang chuẩn bị truy tố bà Hồng với tội danh trốn thuế. Bà phải đối mặt với án tù bảy năm và nếu bị kết tội, bà có thể phải bị tù trong một hệ thống nhà tù nổi tiếng về tra tấn và thiếu trách nhiệm.”
Bức thư cũng lập luận rằng vụ bắt giữ bà Hồng là vụ mới nhất trong một loạt các vụ truy tố có động cơ chính trị, sử dụng các cáo buộc sai trái về trốn thuế để hình sự hóa các hoạt động bảo vệ khí hậu:
“Bà Hồng là nhà hoạt động khí hậu thứ năm bị bỏ tù trong hai năm qua tại Việt Nam vì bị cáo buộc trốn thuế. Đặng Đình Bách, một nhà hoạt động bị bỏ tù khác, đã bị kết án 5 năm tù sau khi ông vận động thành công để chính phủ loại bỏ carbon trong ngành năng lượng. Một cuộc điều tra nhân quyền, được công bố vào tháng Tư, đã ghi lại bằng chứng rõ ràng rằng các vụ truy tố này có động cơ chính trị và được thiết kế để hình sự hóa các hoạt động bảo vệ khí hậu bằng cách sử dụng các cáo buộc sai trái về trốn thuế.”
“Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố công khai kêu gọi trả tự do cho bà Hồng. Ông đã gặp bà Hồng và ca ngợi công việc của bà, và quỹ ông tiếp tục sử dụng tên và hình ảnh của bà trên trang web của mình. Vì vậy, có lẽ sẽ rất thích hợp nếu ông tham gia cùng Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại giao để đưa ra tuyên bố công khai của riêng ông kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà.”
Những người ký tên trong bức thư bao gồm các tổ chức nhân quyền hàng đầu, như Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers), và Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth).
Bức thư được đưa ra sau những tuyên bố công khai từ Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Đức về việc bắt giữ bà Hong.
Hôm 8/6, cộng đồng cựu sinh viên quỹ Obama đã gửi thư riêng cho Obama, yêu cầu ông can thiệp để đảm bảo bà Hồng được trả tự do. Hai ngày sau, Quỹ Obama đã đưa ra một tuyên bố trên tài khoản Instagram của mình kêu gọi “Việt Nam tôn trọng các quyền của bà Hồng”.
Cùng ngày, nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg cũng kêu gọi trả tự do cho bà Hồng.
Sau đó, ngày 15/6, Ban biên tập tờ Washington Post cho rằng Hoa Kỳ và các chính phủ G7 nên đặt điều kiện tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam bằng việc yêu cầu trả tự do cho bà Hồng và các nhà hoạt động khí hậu khác khỏi tù. Bất chấp ngày càng nhiều tiếng kêu gọi trả tự do cho bà Hồng, cựu Tổng thống Mỹ Obama cho đến nay vẫn im lặng.
“Ông Obama nên đẩy mạnh yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho bà Hồng,” ông Ben Swanton, Đồng Giám đốc Dự án 88 nói. “Một tuyên bố công khai của ông Obama có rất nhiều trọng lượng. Nó không chỉ giúp nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của bà Hồng trong giới chính trị Hoa Kỳ, mà còn tạo ra nhiều áp lực trong nước đối với chính phủ Việt Nam. Obama cực kỳ nổi tiếng ở Việt Nam. Nếu ông Obama kêu gọi trả tự do cho bà Hồng, chính phủ sẽ phải giải thích cho người dân Việt Nam lý do tại sao bà Hồng bị giam giữ.”
Bà Hồng bị bắt giữ thế nào?
Hôm 31/5/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng cùng với khoảng 15 nhân viên cũ và hiện tại và chồng của bà. Bà Hồng buộc phải thú nhận hành vi trốn thuế và vào ngày 1/6 và chính thức bị bắt theo điều 200 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trong khi các nhân viên và chồng bà được trả tự do, bà Hồng hiện bị giam giữ biệt lập trước khi xét xử.
Ben Swanton, Đồng Giám đốc Dự án 88 nhận định rằng do đây là vụ bắt giữ có động cơ chính trị nên có thể phải mất một thời gian dài, có khi tới một năm, trước khi bà Hồng được đưa ra xét xử và kết án.
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam tới nay chưa công bố chính thức lý do bắt giữ bà Hồng.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng là nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo phong trào chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Năm 2013, bà Hồng thành lập Trung tâm Hành động Chung tay và Kết nối vì Tăng trưởng và Môi trường (CHANGE), một tổ chức ủng hộ các hoạt động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. CHANGE là thành viên của Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, một liên minh vận động chính sách đã bị buộc phải giải tán sau khi 4 lãnh đạo của liên minh này bị bỏ tù vì tội trốn thuế trong giai đoạn 2021-2022.
Năm 2017, CHANGE đã tổ chức kiến nghị ngừng xây dựng một nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Long An của Việt Nam, đã thu được hơn 15.000 chữ ký và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, công việc này đã buộc phải dừng lại sau khi cảnh sát can thiệp.
Bà Hồng nói rằng “các chữ ký đã được lên kế hoạch gửi cho các chủ sở hữu và nhà đầu tư Hàn Quốc, và các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam, nhưng do sự đàn áp của cảnh sát trong thời gian đó, chúng tôi quyết định không gửi kiến nghị.”
Theo ông Swanton, hoạt động tích cực của CHANGE khiến tổ chức này trở thành kẻ thù của ngành than.
Bà Hồng đã không giấu giếm điều này và trong một bài báo đăng trên báo nhà nước Việt Nam, bà được trích dẫn nói rằng “ngành than là vô đạo đức”.
Bối cảnh vụ bắt giữ
Việc bắt giữ các các nhà hoạt động khí hậu hàng đầu của Việt Nam diễn ra vào thời điểm chính phủ Việt Nam đang trong quá trình đàm phán các chi tiết của Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JET-P) trị giá 15 tỷ USD với khối G7 cộng, Đan Mạch và Na Uy.
Theo thỏa thuận, Việt Nam được cho là sẽ phải đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Để quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và bình đẳng, cần phải có sự tham vấn thường xuyên với giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác. Tuy nhiên, ông Swanton lưu ý rằng “nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục, thì sẽ không còn tổ chức dân sự độc lập nào tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.”
BBC (21.06.2023)
Tại sao Facebook “xoay chiều”, kìm hãm tự do ngôn luận tại VN?
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
Cách đây chừng một thập niên, Facebook từng góp phần giúp đem lại tự do ngôn luận cho nhiều người dân tại Việt Nam… thì nay Facebook lại đang giúp Chính phủ Hà Nội bóp nghẹt nó. Washington Post hôm 19/6/2023 có bài viết nhận định như trên, dẫn lời của hai người từng làm việc với Facebook trong thời kỳ đầu tại Châu Á.
Facebook “bắt tay” với VN
Theo hai cựu nhân viên Facebook chia sẻ trên Washington Post, khi Facebook bắt đầu hoạt động ở Việt Nam, nó giống như một ‘cuộc cách mạng’, lần đầu tiên, mọi người ở đất nước này có thể trao đổi trực tiếp về các vấn đề thời sự. Người dùng đã đăng bài về sự lạm dụng của cảnh sát và sự lãng phí của chính phủ, chọc thủng lỗ hổng trong tuyên truyền của Đảng Cộng sản cầm quyền…
Nhưng khi mức độ phổ biến của Facebook bùng nổ ở Việt Nam, nhanh chóng đưa quốc gia này trở thành thị trường lớn thứ bảy trên toàn thế giới của công ty, chính phủ Việt Nam lại ngày càng yêu cầu nhiều hạn chế hơn.
Việc “cấm cản” càng siết chặt kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu tháng 1 năm 2019 đến nay, dẫn đến tình trạng có nhiều tài khoản mạng xã hội trên Facebook bị khóa và bị mất.
Một số người rơi vào hoàn cảnh “bị khóa” Facebook từng chia sẻ với RFA rằng, Facebook đã không giúp đỡ họ, ngay cả khi họ thông báo với về tình trạng trên.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình hôm 21/6 xác nhận với RFA Facebook đã không tôn trọng tuyệt đối người dùng ở Việt Nam. Ông nói tiếp:
“Trong thực tế, nhà nước Việt Nam không phải là nhà nước dân chủ, họ yêu cầu Facebook làm những việc trái với nguyên tắc tự do ngôn luận. Cho nên Facebook phải thực hiện những yêu cầu của nhà nước Việt Nam, một số người dùng Việt Nam rất hay bị mất Facebook, bị cấm, bị ngăn chặn, hạn chế trong một thời gian ngắn, dài tùy trường hợp và có khi bị khóa tài khoản rất lâu, thậm chí khóa vĩnh viễn… Facebook nói họ vi phạm tiêu chuẩn này kia nên bị như thế, có một số do đăng những vụ việc ảnh hưởng đến nhà nước Việt Nam.”
Cũng theo bài viết ngày 19/6, Washington Post dẫn nguồn từ bốn người từng làm việc cho Hãng Meta, công ty mẹ của Facebook, các nhóm nhân quyền, giới quan sát và những nhà vận động hành lang cho biết Facebook phải nhượng bộ nhiều lần trước yêu cầu của chính phủ toàn trị Hà Nội. Facebook thường xuyên kiểm duyệt giới bất đồng, và buộc loại trừ những người dùng bị chính phủ xem là mối đe dọa cho chế độ ra khỏi nền tảng mạng xã hội này.
Hãng Meta thông qua một danh sách nội bộ những quan chức đảng cộng sản không được chỉ trích trên Facebook. Danh sách này được giữ kín ngay cả trong nội bộ Meta và chưa hề được báo cáo trước đây. Danh sách còn có những hướng dẫn trong việc kiểm soát nội dung trên mạng Facebook; và những hướng dẫn này phần lớn do các giới chức Việt Nam soạn thảo.
Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho biết, việc Facebook gỡ bài, mặc dù nội dung không vi phạm quy định cộng đồng, là chuyện xảy ra thường xuyên, trong đó có chính bài viết của ông:
“Việc mà Facebook gỡ bài thường xuyên xảy ra ở Việt Nam. Tôi có rất nhiều người bạn và bản thân tôi cũng thế, cũng bị gỡ bài một cách oan uổng. Facebook cũng áp dụng biện pháp là ẩn, xóa bài và treo bút, ví dụ 3 ngày, 1 tuần, hay là 1 tháng…v.v. Bản thân tôi cũng đã bị một lần.”
Nhà hoạt động Việt Nam Trịnh Bá Phương trong phiên tòa xét xử ông ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 12 năm 2021 vì đăng trên Facebook về một cuộc đụng độ tranh chấp đất đai năm 2020 khiến bốn người thiệt mạng. AFP.
Đòn bẩy kinh tế để “đôi bên cùng có lợi”?
Vào tháng 5 năm 2020, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, có hai bài của ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do bị Facebook giới hạn truy cập tại Việt Nam. Cụ thể là bài, ‘Thủ tướng Việt Nam kêu gọi người Việt nước ngoài chung tay chống dịch COVID-19’ được đăng vào ngày 21/4 và bài ‘Yêu cầu nhân sự Trung ương khóa XIII của ông Trọng: “Sự chỉ đạo cũ rích!”’ đăng ngày 27/4.
Phía Facebook đưa ra lý do cho việc giới hạn này qua tin nhắn chung: “Vì những hạn chế pháp lý của địa phương, chúng tôi giới hạn quyền truy cập vào bài đăng của quý vị tại Việt Nam”. Nhà báo Võ Văn Tạo trả lời RFA khi đó cho rằng việc cơ quan truyền thông như Đài Á Châu Tự Do bị Facebook giới hạn nội dung tại Việt Nam đã đi ngược lại với tiêu chí khách quan, công bằng mà tập đoàn này đề ra trong quá trình thành lập thương hiệu của mình. Ông Tạo cho rằng, việc Facebook nhân nhượng với chính quyền Việt Nam, tập đoàn này đã thiên về phía lợi nhuận khi họ đặt điều này lên bàn cân với quyền tự do ngôn luận.
Khi được hỏi nhận định của mình về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 21/6 khẳng định, Facebook đã trở thành một kênh truyền thông phổ biến của nhiều người Việt. Từ mạng xã hội này, người Việt dùng để kết nối lẫn nhau, và thực hiện các hoạt động từ chia sẻ thông tin, quan điểm, vận động cộng đồng, cho đến thương mại. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, dựa vào Facebook để quảng cáo và thực hiện các giao dịch thương mại. Sự gia tăng lượng người dùng cũng như là sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam đã giúp đóng góp một doanh thu đáng kể cho Facebook. Theo Ông Vũ, Việt Nam giờ đã trở thành một trong những thị trường lớn của Facebook.
Tiến sĩ Vũ cho rằng, khi Việt Nam đóng góp một lượng đáng kể doanh thu cho Facebook thì đến lượt nó-giới cầm quyền của Việt Nam, có một đòn bẩy để áp lực Facebook thực hiện những yêu cầu của họ. Chẳng hạn như gỡ bỏ những bài mà giới cầm quyền không thích hoặc cho rằng nó ảnh hưởng đến chế độ chính trị xã hội. Ông Vũ nhận định tiếp:
“Tuy vậy, Facebook cũng đối mặt với một vấn đề riêng của chính họ. Nếu mà Facebook gỡ quá nhiều bài thể hiện quan điểm của người dùng chỉ để thoả mãn yêu cầu của nhà cầm quyền thì lúc đó mạng xã hội Facebook sẽ trở nên buồn chán vì người dùng không còn tin tức gì hấp dẫn để đọc, dần dần người ta sẽ thấy đây là nơi toàn những thông tin tuyên truyền, chứ không phải là một không gian tự do để bày tỏ quan điểm. Khi người dân cảm nhận như vậy thì họ sẽ dần dần bỏ Facebook mà chuyển sang một mạng xã hội khác và Facebook sẽ chết. Do đó Facebook đã đi dây trong chính sách của họ. Họ cố gắng gỡ một số thông tin dưới áp lực của nhà cầm quyền, nhưng mặc khác vẫn cố gắng tạo một sân chơi tương đối tự do cho các quan điểm được trình bày.”
Trong trường hợp nếu chính quyền Việt Nam đe doạ đòi cấm Facebook, không cho hoạt động ở Việt Nam nữa thì theo Tiến sĩ Vũ, không những là Facebook thiệt phần doanh thu mà chính quyền Việt Nam cũng sẽ gặp những rắc rối lớn không kém. Ông Vũ phân tích thêm:
“Thứ nhất, các doanh nghiệp nhỏ mất đi một kênh quảng cáo và bán hàng. Khi mà mạch máu giao thương bị chặn lại, kinh tế sẽ nhanh chóng suy giảm.
Thứ hai, trong suốt một thời gian dài, nhiều người Việt Nam đã quen thuộc với Facebook như một không gian bày tỏ quan điểm tương đối tự do. Dẹp bỏ Facebook, cũng tương tự như việc chặn lại những phát ngôn của một đa số người dân, điều này có thể dẫn đến một sự phản đối và cuối cùng có thể dẫn đến chống đối chế độ.
Và cuối cùng, Facebook còn là một kênh để nhà cầm quyền theo dõi những động tĩnh và quan điểm của xã hội để kịp thời điều chỉnh và tương tác. Việc thiếu nắm bắt quan điểm của xã hội có thể khiến nhà cầm quyền lúng túng khi phải đối phó với những phản ứng đột ngột của người dân và điều này là một mối nguy của chế độ.”
Do đó ông Vũ cho rằng, những nhà hoạt động xã hội cần thuyết phục với Facebook rằng sự cởi mở về thông tin là có lợi cho cả Facebook và cả xã hội Việt Nam. Việc cấm Facebook hoạt động ở Việt Nam nó có thể làm giảm doanh thu của Facebook nhưng ngược lại nó có hại nhiều hơn cho chính đảng cầm quyền. Và vì vậy theo ông Vũ, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không muốn cấm Facebook hoạt động ở Việt Nam dù bề ngoài họ luôn dùng luận điệu đó như đòn bẩy để ép buộc Facebook thực hiện những yêu cầu kiểm duyệt của họ.
Theo số liệu mới nhất do Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore) công bố hôm 12/6/2023, Việt Nam với 66,2 triệu người dùng cũng nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới.
Washington Post trong bài viết hôm 19/6 cho hay Hãng Meta chưa trả lời trực tiếp những câu hỏi của báo này nêu ra về biện pháp kiểm duyệt, việc bịt miệng người dùng hay danh sách các quan chức cộng sản Việt Nam không được bình luận trên Facebook.
RFA hôm 20/6/2023 cũng đã liên lạc Facebook qua email để yêu cầu bình luận về việc này, nhưng chưa nhận được phản hồi. Chúng tôi sẽ cập nhật khi có thông tin.
RFA (21.06.2023)
Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về việc ba luật sư nhân quyền Việt Nam đến Mỹ
Luật sư Đào Kim Lân tại Mỹ. Ảnh do LS Đào Kim Lân cung cấp.
Khi được hỏi về việc ba luật sư nhân quyền Việt Nam Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân đến Mỹ hôm 16/6 giữa lúc các ông đang bị công an truy tìm, Bộ Ngoại giao Mỹ nói với VOA rằng chính quyền Việt Nam chớ nên trả thù các luật sư.
“Hoa Kỳ khuyến khích chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền được xét xử công bằng như đã được đảm bảo theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc đảm bảo các luật sư bào chữa các vụ án hình sự có thể hành nghề tư vấn pháp lý một cách hiệu quả mà không sợ bị trả thù”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra ý kiến với VOA biết qua email vào tối ngày 19/6.
Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận cũng không bác bỏ việc ba luật sư đến Mỹ, nói thêm rằng “do những cân nhắc về quyền riêng tư, chúng tôi không chia sẻ thông tin về chuyến đi cá nhân đến Hoa Kỳ”.
Trước đó, vào ngày 16/6 các luật sư và gia đình đã đến Mỹ “an toàn”, kết thúc những tháng ngày lẩn trốn do bị Công an tỉnh Long an truy tìm giữa lúc các luật sư bị điều tra với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
“Chuyến đi khá bất ngờ trong một thời gian quá ngắn”, luật sư Đào Kim Lân cho VOA biết qua tin nhắn. “Tôi đã ở một nơi rất an toàn nhưng còn sắp xếp một vài công việc trước khi chính thức bước vào cuộc sống mới”.
Trả lời phỏng vấn đài RFA hôm 19/6 sau khi đặt chân đến Mỹ, luật sư Nguyễn Văn Miếng nói: “Tôi như trút được một gánh nặng sau 100 ngày bị săn đuổi”, trong khi Luật sư Đặng Đình Mạnh nói rằng việc ông xuất cảnh, đi lại là thực hiện “quyền tự do theo Hiến pháp” và rằng ông “không có trách nhiệm phải chấp hành” các quyết định truy tìm của công an vì các quyết định đó “không căn cứ theo những quy định của tố tụng hình sự”.
Hồi tuần trước, công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm 3 luật sư đã tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai hay còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ với lý do các luật sư “không đến để làm việc” liên quan đến tin tố giác tội phạm từ Cục An ninh mạng sau khi đã được mời “nhiều lần”.
Công an tỉnh Long An và Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay đề nghị đưa ra bình luận của VOA.
Giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam nhận định rằng việc các luật sư nhân quyền rời bỏ Việt Nam sang Mỹ cho thấy việc bào chữa các các vụ án “an ninh quốc gia” liên quan đến tự do tôn giáo, nhân quyền là rất rủi ro và sự thấp kém trong ngành tư pháp Việt Nam.
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân nêu nhận định với VOA:
“Khi các luật sư đứng ra bào chữa trước tòa theo quan điểm của các thân chủ thì luôn luôn đụng chạm. Phía Việt Nam thì có thể căn cứ vào các lời bào chữa đó và họ coi là vi phạm pháp luật. Như các luật sư vừa rồi bị tiến hành triệu tập và thậm chí họ có thể khởi tối vụ án. Đó là một sự rủi ro rất lớn”.
“Việc các luật sư Thiền Am bị truy bức, dồn ép đến mức phải lựa chọn rời khỏi Việt Nam trong khi họ đã có sự nghiệp, công việc ổn định ở quê nhà cho thấy đây chính là một sự thất bại của cái gọi là “cải cách tư pháp” của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, chia sẻ quan điểm của bà với VOA.
“Không thể cải cách tư pháp khi truy bức các luật sư dám chỉ ra vi phạm của công an. Cũng giống như không thể kêu gọi công dân dùng luật pháp để thúc đẩy xã hội tiến bộ lại tìm cách truy bức luật sư”, bà Như Quỳnh nói thêm.
Vào cuối tháng 3, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc gửi thư yêu cầu chính phủ Việt Nam giải trình liên quan đến cuộc điều tra hình sự đối với luật sư Đặng Đình Mạnh. Các chuyên gia cho biết đã nhận được thông tin cho rằng đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với ông Mạnh và các đồng nghiệp vì những hoạt động bảo vệ công lý trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.
Cũng vào tháng 3, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) gửi thư ngỏ tới Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam và lên án việc điều tra nhắm vào luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh.
VOA (20.06.2023)
Tỵ nạn công lý
„“Tỵ nạn công lý”, có lẽ cụm từ này muốn nói đến vụ ba vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM đã buộc phải ‘vong quốc’ để tránh sự trả đũa của nhà chức trách Việt Nam trong những vụ án liên quan đến điều luật hình sự 117, 33. „
Hà Nguyên
Bác sĩ ngoại khoa Võ Xuân Sơn kể về một câu đố cắc cớ của bệnh nhân vốn là cán bộ nhà nước, cấp cũng kha khá cao, và có quê ở một tỉnh miền Trung: “Cách đây cỡ khoảng 30 năm, thỉnh thoảng chúng tôi được những gia đình bệnh nhân, sau khi điều trị xong, mời đi ăn uống.
Lúc cao hứng, anh chỉ tôi và nói: “Anh biết chú mày quê gốc ở miền Trung, nhưng anh cũng biết chú mày chẳng biết gì về quê hương cả. Anh đố chú mày, cái gì ở quê mình không có?”.
Tôi hơi bất ngờ, vừa không hiểu vì sao anh ấy biết tôi quê gốc miền Trung, lại còn cái câu hỏi cắc cớ kia nữa.
Thế rồi anh tự trả lời câu đố. Quê anh nghèo lắm, nên cứ ai có đủ sức khỏe, có đủ tiền mua vé tàu vé xe là đi, và đa số là vô miền Nam, kiếm sống. Ở quê chỉ còn lại những người không thể đi được. Anh lý giải, rằng người sống thì còn phải mua vé tàu vé xe, chứ ma thì đi mây về gió, nên anh tin là có bao nhiêu ma là đi hết, ở quê chẳng còn con ma nào.
Anh còn quay qua hỏi tôi, có phải nhà tôi thờ đủ 4 đời, giống như nhà anh không…”.
Bác sĩ ngoại khoa Võ Xuân Sơn ‘chốt hạ’ đầy ngậm ngùi: “Mỗi lần nhớ về quê nội, tôi lại nhớ câu chuyện của anh ấy. Mấy ngày nay, thấy nhiều người bỏ xứ ra đi, người thì đi tỵ nạn giáo dục, kẻ lại tỵ nạn kinh tế, rồi cả tỵ nạn công lý… Tôi lại bùi ngùi nhớ lại quê hương, nơi không có ma”.
“Tỵ nạn công lý”, có lẽ cụm từ này muốn nói đến vụ ba vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM đã buộc phải ‘vong quốc’ để tránh sự trả đũa của nhà chức trách Việt Nam trong những vụ án liên quan đến điều luật hình sự 117, 331. Có hai trong ba vị luật sư đó đã tham gia bảo vệ quyền lợi chính trị và dân sự của các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn trong vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Gọi là “tỵ nạn công lý” không hề khiên cưỡng.
Từ “tỵ nạn” là một từ mượn gốc Hán Việt, mang nghĩa “tránh khỏi tai họa, khốn ách”, thường dùng để chỉ một trường hợp phải chạy trốn qua một xứ khác, nơi khác để thoát cảnh hiểm nguy, ngược đãi, hoặc bắt bớ. Người tỵ nạn là người thực hiện hành động tỵ nạn (tránh nạn) đó.
Định nghĩa hiện đại đầu tiên về tình trạng tỵ nạn quốc tế được đề xuất bởi Hội Quốc Liên năm 1921 từ Ủy ban tỵ nạn. Sau Thế chiến II, và để đáp ứng với số lượng lớn người chạy trốn khỏi Đông Âu, Công ước về người tỵ nạn của Liên Hợp Quốc năm 1951 đã định nghĩa “người tỵ nạn” (tại Điều 1.A.2) là bất kỳ ai:
“bởi nỗi sợ hình thành vì bị đàn áp vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, vì thành viên một hội nhóm xã hội đặc biệt, hoặc vì quan điểm chính trị cụ thể, cư trú bên ngoài quốc gia của mình và không thể hoặc, do sợ hãi như vậy, không sẵn sàng tự mình tận dụng sự bảo vệ của đất nước đó; hoặc là người không có quốc tịch và cư trú bên ngoài quốc gia là nơi cư trú trước đây của người đó, do các sự kiện như vậy, không thể hoặc, do sợ hãi như vậy, không sẵn lòng quay trở lại với nó”.
Năm 1967, định nghĩa về cơ bản đã được xác nhận bởi Nghị định thư liên quan đến tình trạng của người tỵ nạn của Liên Hợp Quốc.
Kể từ năm 2011, UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn), ngoài định nghĩa năm 1951, còn công nhận những người sau là người tỵ nạn: “những người ở bên ngoài quốc tịch hoặc nơi cư trú thường xuyên của họ và không thể trở về đó do các mối đe dọa nghiêm trọng và bừa bãi đối với cuộc sống, tính toàn vẹn về thể chất hoặc tự do do bạo lực chung hoặc các sự kiện gây rối nghiêm trọng trật tự công cộng”.
Trở lại với 3 vị luật sư nêu trên.
Năm 2008 xảy ra vụ án Thái Hà, trong đó có việc tranh chấp tài sản đất đai giữa giáo hội công giáo và chính quyền Việt nam. Luật sư Lê Trần Luật là người đại diện cho Giáo hội công giáo. Sau phiên tòa, cơ quan an ninh đã gặp ông Luật và khuyên ông không nên theo đuổi những vụ án chính trị. Sau đó ông Luật bị cho là đã lợi dụng phiên tòa để tuyên truyền chống phá nhà nước.
Người ta đã tước bằng luật sư của ông Luật, và ông thường xuyên bị cơ quan công an mời làm việc. Theo ông kể thì trong khoảng thời gian 7 năm ông phải gặp cơ quan an ninh đến hơn 300 lần. Khi bị buộc phải chấm dứt hành nghề luật sư và cũng không tìm được việc làm nào khác, ông Luật lâm vào tình trạng rất khốn khó.
Khi biết được tình trạng này, cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị rằng ông có thể xin đi tỵ nạn chính trị. Đứng trước tương lai không sáng sủa của gia đình và bản thân ông Luật chấp nhận xin đi cư trú chính trị tại Mỹ…
Không rõ tình cảnh pháp lý của 3 vị luật sư ra sao, nhưng như phát biểu ‘uyển ngữ’ của luật sư Đặng Đình Mạnh tại Hoa Thịnh Đốn hôm 16-6-2023 cho thấy đây có thể là vấn đề của tỵ nạn chính trị: “Việc tôi xuất cảnh, đi lại, cư trú và chọn nơi lao động như thế nào là quyền của tôi. Đây là quyền tự do của công dân theo hiến pháp. Không một cơ quan nào có thể cản trở những quyền này của tôi cả. Thực tế, tôi đang thực hiện các quyền tự do của công dân theo hiến pháp quy định mà thôi”.
Hà Nguyên
VNTB (22.06.2023)