Trung Quốc bị xếp hạng là quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về sự an toàn từ nhà nước và quyền hội họp, theo một báo cáo nhân quyền theo dõi các quyền tự do xã hội, kinh tế và chính trị.
Sáng kiến Đo lường Nhân quyền (HRMI), một dự án có trụ sở tại New Zealand, đã giám sát hoạt động nhân quyền của nhiều quốc gia kể từ năm 2017.
Vào năm 2022, HRMI lần đầu tiên bắt đầu theo dõi quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Trung Quốc cũng đạt điểm kém nhất về chỉ số này, mặc dù nghiên cứu thí điểm chỉ bao gồm 9 quốc gia.
HRMI kết luận rằng trên một số biện pháp đo lường, Trung Quốc là quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Về quyền không bị bắt giữ tùy tiện, chỉ có Kazakhstan là kém hơn Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với một số chỉ số kinh tế, chẳng hạn như quyền có lương thực, sức khỏe và nhà ở, Trung Quốc đạt điểm tương đối cao, gần đứng đầu trong số hơn 100 quốc gia được khảo sát. Đối với các chỉ số kinh tế, HRMI sử dụng các số liệu thống kê công khai được công bố bởi các định chế quốc gia và quốc tế, thay vì các cuộc điều tra.
Chỉ số này chỉ ra rằng những người trong một số nhóm nhất định ở Trung Quốc, chẳng hạn như những người chỉ trích chính phủ và các sắc tộc thiểu số, thường không có cơ hội hưởng các quyền kinh tế cơ bản.
Chỉ số này theo dõi các quyền dân sự và chính trị thông qua một cuộc khảo sát được phân phát cho các chuyên gia nhân quyền như nhà báo, nhân viên tổ chức phi chính phủ và luật sư ở nhiều quốc gia khác nhau. Những lĩnh vực này được kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc, khiến việc thu thập dữ liệu chính xác trở nên vô cùng khó khăn.
Bà Thalia Kehoe Rowden, phát ngôn viên của HRMI, nói: “Chúng tôi cực kỳ coi trọng sự an toàn và an ninh của những người trả lời khảo sát và đã hoạt động ở những quốc gia mà những người bảo vệ nhân quyền đang gặp nguy hiểm trong vài năm nay.”
“Một trong những chìa khóa bảo mật của chúng tôi là cuộc khảo sát được thực hiện ẩn danh dưới dạng trực tuyến được mã hóa, vì vậy không ai có thể tìm ra chính xác ai đã tham gia hoặc họ đã nói gì.”
Hong Kong đã sụt giảm chỉ số của HRMI trong những năm gần đây. Mặc dù thành phố này không bị điểm kém như Trung Quốc, nhưng nó đã chứng kiến nhiều quyền bị sụt giảm nhanh chóng kể từ cuộc đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ vào năm 2019 và 2020. Trong những năm đó, xếp hạng của Hong Kong về chỉ số tự do hội họp đã giảm gần 40%, và về chỉ số tự do ngôn luận giảm 33%, theo HRMI.
HRMI cũng kết luận điểm số của Hong Kong về chỉ số không bị bắt giữ tùy tiện đã được cải thiện, tăng 85%. Nhưng điều này là do chỉ số dựa trên các trường hợp vi phạm quyền thực tế, bà Kehoe Rowden nói. “Trong bối cảnh đàn áp này, việc tăng điểm đối với quyền không bị bắt giam tùy tiện không phải là tin tốt. Nó chỉ có nghĩa là sự đàn áp đang thành công.”
“Điểm số của Hong Kong về các quyền dân chủ và tự do đã giảm mạnh trong giai đoạn 2019-2021 và vẫn ở mức thấp kinh khủng.”
Từ năm 2019 đến 2020, năm cuối cùng mà HRMI có dữ liệu về các chỉ số sức khỏe, điểm số sức khỏe của hầu hết các quốc gia đều giảm, phản ánh số ca tử vong do Covid-19 cao. Tuy nhiên, điểm số của Trung Quốc, quốc gia có số ca tử vong tương đối thấp trước khi chính sách zero Covid bị hủy bỏ vào năm 2022, vẫn ổn định.
Nguồn: The Guardian và https://humanrightsmeasurement-20854648.hs-sites.com/join-us-for-the-2023-human-rights-data-launch