Seite auswählen

Các đại biểu dự SEAFORB 2019 ở Bangkok, Thái Lan leimena.org

 

Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) đã công bố thư chung của bốn Báo cáo viên đặc biệt thuộc cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ về cáo buộc lực lượng chức năng Việt Nam đàn áp hai tín đồ Tin lành ở Tây Nguyên trong năm 2022.

Bức thư chung đề ngày 28/4/2023 của Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo hay niềm tin, Báo cáo viên Đặc biệt về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền, Báo cáo viên về các vấn đề người thiểu số, và Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện được công bố ngày 28/6 sau khi Chính phủ Việt Nam không trả lời trong thời gian 60 ngày.

Thư chung này đề cập đến việc lực lượng an ninh Việt Nam đã dừng xuất cảnh, bắt giữ, thẩm vấn và đánh đập hai thành viên Y Si Eban và Y Khiu Niê của nhóm tôn giáo độc lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên khi hai người này trên đường đi dự Hội nghị về Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á (SEAFORB) tổ chức ở Bali (Indonesia) vào đầu tháng 11/2022.

Theo đó, ông Y Khiu Niê bị an ninh Sân bay Tân Sơn Nhất từ chối cho xuất cảnh vào ngày 06/11 và trên đường về nhà ở huyện Krong Buk, ông bị an ninh tỉnh Đắk Lắk bắt giữ mà không có lệnh bắt của Viện Kiểm sát. Trong thời gian bị giam giữ trong trụ sở của Công an tỉnh từ chiều cùng ngày đến tối ngày hôm sau, ông bị tra hỏi liên tục trong nhiều giờ mà không có sự hiện diện của luật sư.

Ông bị công an đe doạ bỏ tù, và bắt ký biên bản cam kết không liên lạc với các tổ chức nhân quyền quốc tế và không gửi báo cáo vi phạm nhân quyền cho LHQ và chính phủ các quốc gia phương Tây. Công an còn quay video clip trong đó ông bị buộc nói rằng nhiều tổ chức dân sự chống chính quyền Việt Nam.

Đối với trường hợp ông Y Si Eban, ông bị an ninh Sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ khi đang làm thủ tục xuất cảnh sang Bali cùng ngày 06/11. Ông bị Công an tỉnh Đắk Lắk đưa về giam giữ trong cùng ngày, bị tịch thu mọi giấy tờ, điện thoại và cả tiền mà không có lệnh bắt của Viện Kiểm sát.

Trong thời gian bị giam giữ ở Công an tỉnh Đắk Lắk hai ngày một đêm, ông Y Si Eban bị tra khảo về mục đích tham dự hội nghị. Ông còn bị cáo buộc thực hiện tội chính trị mà công an không giải thích thêm.

Công an nói rằng sẽ không cho ông xuất cảnh, buộc ông không được truyền bá Kinh thánh, và không được tham dự các nghi lễ của hội thánh cũng như liên lạc với các tổ chức xã hội dân sự.

Sau đó, ông bị ép tuyên bố rời Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, không tham dự các lớp học trực tuyến về xã hội dân sự cũng như liên hệ với các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Trong quá trình thẩm vấn, ông bị đánh với nhiều vết thương trên mặt và đầu.

Mục sư Aga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và hiện đang sống lưu vong ở North Carolina (Hoa Kỳ), xác nhận với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 29/6 về việc ông Y Si Eban bị đàn áp. Ông nói:

Rõ ràng là Việt Nam đã vi phạm rất trầm trọng đối với ông Y Si Eban về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền, đặc biệt khi Việt Nam đã ký kết rất nhiều công ước quốc tế về nhân quyền.

Họ vẫn bất chấp vấn đề đó, vẫn tra tấn vẫn đánh đập và vẫn bắt ép từ bỏ hội thánh, niềm tin tôn giáo của họ mặc dù chúng tôi làm theo đúng luật pháp Việt Nam cũng như luật quốc tế mà chính quyền đã ký kết.

Họ bắt ép chúng tôi phải từ bỏ hội thánh của mình và gia nhập Hội thánh Tin lành Miền Nam Việt Nam, một hội thánh nhà nước quản lý, đó là hội thánh quốc doanh.”

Mục sư Aga cho biết tình hình ở Đắk Lắk và một số tỉnh lân cận rất nóng sau vụ tấn công vào hai trụ sở Uỷ ban nhân dân xã ở huyện Cư Kuin ngày 11/6. Chính quyền địa phương không cho các tín đồ của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên tụ tập để cầu nguyện, thậm chí họ cũng không được ngồi với nhau để uống nước và nói chuyện.

Dường như chính quyền Việt Nam muốn lợi dụng sự kiện bạo lực đó để triệt phá nhóm tôn giáo do ông sáng lập. Ông nói.

Họ đã thành công xoá sổ đạo Hà Mòn, xoá sổ Hội thánh Tin lành Đega, thì bây giờ lại tiếp tục muốn triệt phá Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên. Chính quyền cộng sản Việt Nam không bao giờ muốn cho người đồng bào bản địa chúng tôi có niềm tin tôn giáo riêng của mình.”

Phóng viên đã gọi điện cho Công an tỉnh Đắk Lắk để hỏi về việc bắt giữ và tra khảo hai ông Y Si Eban và Y Khiu Nie. Người trực máy nói không trả lời qua điện thoại mà yêu cầu phóng viên đến trụ sở của cơ quan này để được cung cấp thông tin.

Trong thư chung, các Báo cáo viên đặc biệt đã bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về việc hành xử đối với hai ông Y Si Eban và Y Khiu Nie.

“… Chúng tôi muốn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi về việc bắt giữ tùy tiện, đe dọa, quấy rối, hạn chế đi lại, giám sát và hành vi bạo lực đối với hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban, dường như có liên quan đến việc thực hành ôn hoà các quyền được ghi trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và chính trị (ICCPR) mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn vào ngày 24//9/1982, bao gồm quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo (điều 18), tự do biểu đạt (điều 19), quyền bình đẳng trước pháp luật và được bảo vệ bình đẳng (điều 26) và quyền của các thành viên thuộc một nhóm thiểu số tôn giáo được tuyên xưng hoặc thực hành tôn giáo của họ với các thành viên khác trong nhóm của họ (điều 27).”

Các chuyên gia nhân quyền của LHQ cũng nhắc lại rằng Việt Nam bị nêu trong nhiều báo cáo gửi Tổng Thư ký LHQ về hành vi đe dọa và trả đũa đối với việc hợp tác với LHQ trong lĩnh vực nhân quyền, bao gồm cả các báo cáo liên quan đến việc bắt giữ tùy tiện, đe dọa, giám sát và hạn chế đi lại quá mức đối với những người muốn tham gia vào các hoạt động nhân quyền, trong đó có hội nghị thường niên SEAFORB.

Chúng tôi lo ngại rằng những cáo buộc này dường như minh họa cho một mô hình đe dọa và trả thù đang nổi lên đối với những cá nhân hợp tác hoặc tìm cách hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức hoặc cơ chế nhân quyền của LHQ hoặc các đại diện ngoại giao nước ngoài,” thư chung nói.

Các báo cáo viên đề nghị Chính phủ Việt Nam giải thích việc cấm xuất cảnh, bắt giữ và tra khảo đối với hai ông Y Khiu Nie và Y Si Eban cũng như các hành vi tương tự đối với nhiều nhà hoạt động về tự do tôn giáo tham gia SEAFORB trong thời gian 2015-2022 và những người cộng tác với LHQ.

Họ đề nghị Hà Nội có các biện pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng đàn áp này và bảo vệ các cộng đồng tôn giáo nhỏ, trong đó có các nhóm Tin lành của người Thượng.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về Thư chung của bốn Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, nhưng chưa nhận được phản hồi.

 

RFA (29.06.2023)

 

 

 

 

Chuyên gia LHQ: Việc tống giam ông Nguyễn Tường Thụy là ‘tùy tiện’

 

Các thành viên Hội nhà báo Độc lập Việt Nam từ trái sang: Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, và Phạm Chí Dũng tại phiên tòa ngày 5/1/2021.

 

Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ (UNWGAD) vừa đưa ra kết luận trong bản ý kiến số 16/2023 liên quan đến trường hợp của ông Nguyễn Tường Thụy, cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giữ ông là “Tùy tiện”, theo thông cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc khu vực Đông Nam Á.

UNWGAD nhận thấy việc giam giữ ông Tường Thụy là “tùy tiện”, và “tước đoạt quyền tự do” của ông, vi phạm Điều 9 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), và việc kết án ông vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của công ước này và Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.

Ngoài ra, nhóm này còn cho rằng ông Thuỵ không được xét xử một cách công bằng như quy định bởi Điều 14 của ICCPR và Điều 11 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.

Nhóm làm việc yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của ông Tường Thụy ngay lập tức và phù hợp với chuẩn mực quốc tế có liên quan, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc khu vực Đông Nam Á cho biết hôm 15/6.

Theo UNWGAD, biện pháp khắc phục thích hợp sẽ là trả tự do cho ông Tường Thụy “ngay lập tức” và trao cho ông quyền có thể thi hành để được bồi thường và các khoản bồi thường khác, phù hợp với luật pháp quốc tế. Vì vậy, nhóm UNWGAD kêu gọi Chính phủ Việt Nam có hành động khẩn cấp để đảm bảo “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Tường Thụy.

Trong phần ý kiến, UNWGAD lưu ý rằng trường hợp của ông Thụy là một trong số các vụ việc được đưa ra trước Nhóm công tác trong những năm gần đây liên quan đến việc tước đoạt tùy tiện quyền tự do của con người, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.

“Nhiều trường hợp trong số này được thực hiện theo mô hình bắt giữ quen thuộc mà không tuân thủ các quy tắc quốc tế, giam giữ kéo dài trước khi xét xử mà không có luật sư bào chữa thăm gặp, hạn chế tiếp cận với tư vấn pháp lý, biệt giam, truy tố theo các tội hình sự có lời lẽ mơ hồ vì thực hiện ôn hòa quyền con người, kết án không tương xứng và từ chối tiếp cận với thế giới bên ngoài và điều trị y tế”, bản ý kiến đề ngày 18/5 viết.

“UNWGAD lo ngại rằng mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, nếu tiếp tục, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, các chuyên gia nhân quyền LHQ nhận định.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về nhận định của nhóm UNWGAD nhưng chưa được phản hồi.

 

Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Thụy, nói với VOA rằng bà đồng tình với bản ý kiến của các chuyên gia LHQ, xem đó như một điều động viên cho gia đình nhưng bà không lạc quan lắm về việc ông Thụy sẽ được sớm tự do.

Từ Hà Nội, bà Lân chia sẻ:

“Tất nhiên, đó là một lời động viên rất là lớn và cũng đem lại sự hy vọng về sự can thiệp của LHQ để cho ông Thụy nhà tôi được trả tự do.

“Nhưng cái hy vọng này rất nhỏ nhoi vì không biết chính phủ Việt Nam có biết lắng nghe hay không, hay có cái gì đó để người ta nhận thấy cái sai của mình, và công nhận cái sai của mình thì người ta mới thả ông xã, chứ còn nếu mà như tình hình như hiện nay thì LHQ lên tiếng thì cứ lên tiếng vậy chứ chính phủ Việt Nam chẳng có sự nhượng bộ”.

Ông Nguyễn Tường Thụy, 73 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền, một blogger và một nhà báo. Là một phần trong công việc báo chí của mình, ông đã viết về các vấn đề nhân quyền trong nước và cũng ủng hộ tự do báo chí và tự do ngôn luận.

Ông bị bắt vào tháng 5/2020 và đang thụ án tù 11 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” tại trại giam An Phước ở tỉnh Bình Dương. Sau khi mãn án tù, ông sẽ phải chấp hành ba năm quản chế.

Trước khi bị bắt, ông viết blog về các vấn đề dân quyền và tự do ngôn luận cho ban tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong 6 năm.

Năm 2014, ông đến Hoa Kỳ để điều trần trước Hạ viện về các vấn đề đã được ghi chép đầy đủ liên quan đến tự do báo chí ở Việt Nam. Ông Nguyễn Tường Thụy là thành viên của Hội Anh em Dân chủ và là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự gồm hơn 70 nhà báo. Hội này đăng các bài báo về vi phạm nhân quyền, bao gồm tham nhũng có hệ thống, ô nhiễm lan rộng và phản ứng của Chính phủ đối với các thảm họa môi trường khác nhau trong nước, theo UNWGAD.

Ông Thụy, cùng với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn, bị đưa ra xét xử và kết án hồi đầu năm 2021 ngay trước thềm Đại hội 13 của Đảng Cộng sản. Cả ba người đều là thành viên của Hội nhà báo Độc lập và bị buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên tòa sơ thẩm ngày 5/1/2021.

 

VOA (29.06.2023)

 

 

 

 

 

Một ông ở Phan Rang bị bắt vì lập Facebook ‘Bọn Cường Quyền’

 

Ông Lê Thạch Giang, 66 tuổi, ở phường Kinh Dinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, vừa bị bắt, khởi tố với cáo buộc “lan truyền thông tin sai sự thật, xúc phạm đảng CSVN, lãnh tụ, lãnh đạo.”

Theo báo Công An Nhân Dân hôm 29 Tháng Sáu, Công An Thành Phố Phan Rang-Tháp Chàm cho rằng hồi năm ngoái, ông Giang lập tài khoản Facebook “Bọn Cường Quyền” để phát “livestream,” đăng tải video clip, hình ảnh, bài viết liên quan đến việc cưỡng chế, thu hồi đất.

Ông Lê Thạch Giang lúc bị bắt. (Hình: Công An Nhân Dân)

 

Công an cũng quy chụp cho ông này là kêu gọi nhiều người xem những “trang mạng xấu độc,” để kích động “chống đối các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của đảng và nhà nước.”

Các bài đăng của ông Giang trên mạng xã hội bị công an cho là “xuyên tạc, lan truyền thông tin sai sự thật, xúc phạm đảng, lãnh tụ…”

Sau vụ bắt giữ, Facebook “Bọn Cường Quyền” được cho là của ông Lê Thạch Giang vẫn đang trong tình trạng hoạt động.

Chủ yếu trang này chia sẻ nhiều bài đăng của các đài, báo ở hải ngoại nhưng không thu hút được nhiều tương tác của cộng đồng mạng.

Do vậy, không rõ vì sao Công An Thành Phố Phan Rang-Tháp Chàm lại xử lý hình sự đối với một ông cao niên, không được nhiều người biết đến trên mạng xã hội như ông Lê Thạch Giang.

Trước vụ bắt giữ ông Giang, chính quyền Việt Nam thường dùng cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình Sự để kết tội những người lên tiếng chỉ trích chính quyền một cách ôn hòa.

Từ đầu năm đến nay, ít nhất mười người tại Việt Nam đã bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm điều luật nêu trên.

Ngoài ra, có ba luật sư bào chữa vụ án Tịnh Thất Bồng Lai cũng bị Công An Tỉnh Long An phát “thông báo truy tìm” và vu cho họ có dấu hiệu vi phạm Điều 331.

Một bài đăng trên Facebook “Bọn Cường Quyền.” (Hình: Chụp qua màn hình)

 

Ba Luật Sư Nguyễn Văn Miếng, Đặng Đình Mạnh và Đào Kim Lân hiện đã ở Mỹ nhưng công luận không rõ vì sao họ qua được Mỹ, trong khi ít nhất một người trong số họ, Luật Sư Mạnh bị áp lệnh cấm xuất cảnh.

Theo đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không phủ nhận nhưng cũng không xác nhận cả ba luật sư đã đến Mỹ tị nạn chính trị. Chỉ thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ trả lời qua điện thư cho đài VOA là “Hoa Kỳ khuyến khích chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền được xét xử công bằng như đã được bảo đảm theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc bảo đảm các luật sư bào chữa các vụ án hình sự có thể hành nghề tư vấn pháp lý một cách hiệu quả mà không sợ bị trả thù.

 

Nguoi Viet (29.06.2023)

 

 

 

Hai cha con thuộc Đạo tràng Út Trung cùng mãn án 6 năm tù

Ông Bùi Văn Trung và con trai Bùi Văn Thâm sau khi ra tù, cuối tháng 6/2023.

 

Hai tín đồ Hòa Hảo Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm vừa được chính quyền Việt Nam trả tự do, trong đó có một người được phóng thích từ bệnh viện. Họ là hai cha con thuộc Đạo tràng Út Trung ở An Giang, được Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đưa vào danh sách tù nhân lương tâm tôn giáo chỉ vì họ theo đuổi đức tin và các hoạt động tôn giáo của mình.

Đạo tràng Út Trung vừa ra một thông cáo báo chí vào ngày 26/6 về việc ông Bùi Văn Trung, 62 tuổi, được trại giam An Phước tỉnh Bình Dương trả tự do tại bệnh viện Chợ Rẫy, Tp. HCM, sau khi được mổ cấp cứu khối ung thư đại tràng cách đây 2 tuần. Vào cùng ngày, ông Bùi Văn Thâm 36 tuổi, là con trai của ông Trung, cũng được trại giam Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trả tự do.

Vào ngày 26/6/2017, ông Trung bị bắt và sau đó bị kết án 6 năm tù. Trong thời gian giam giữ, ông Trung bị ung thư đại tràng giai đoạn IIa, răng bị rụng mỗi hàm chỉ còn 4 cái, một mắt bị mù và mắt còn lại chỉ thấy mờ mờ, theo như thông cáo báo chí đã đăng. Trại giam An Phước chỉ chấn đoán ông bị rối loạn tiêu hóa nhẹ và đau bao tử. Nhưng khi ông bắt đầu đi cầu ra máu vào ngày 6/5/2023 thì trại giam mới đưa ông đi bệnh viện nhưng chỉ chữa cho ông hết xuất huyết. Trại giam chỉ cho ông biết ông bị xuất huyết bao tử và không cho ông cũng như gia đình của ông biết là ông có khối u đại tràng và cần được phẫu thuật. Cho đến ngày 31/5/2023 ông Trung lại bị xuất huyết và được trại giam đưa vào điều trị 10 ngày ở bệnh viện tỉnh Bình Phước. Gia đình ông Trung đã tranh đấu để ông được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy và được mổ cấp cứu khối ung thư đã to bằng quả cam sành vào ngày 12/6/2023. Ngày 26/6/2023 ông được cho xuất viện về nhà để ổn định sức khoẻ trước khi được hóa trị.

Trao đổi với đài VOA hôm 28/6, ông Bùi Thiện Tâm, con ông Trung, nói rằng tình hình hiện tại của ông Trung không được tốt. Điều kiện giam giữ ông Trung ở trại giam không tốt nên đã làm sức khoẻ của ông Trung suy giảm nghiêm trọng trong thời gian 6 năm và đã phát sinh ra một số bệnh trong đó có bệnh ung thư đại tràng giai đoạn IIa và thận có nước.

“Bác sĩ có dặn là hàng tháng phải lên bệnh viện hàng tháng để hoá trị ung thư,” Ông Tâm nói. “Gia đình thấy qua sự việc trên cách đối xử của Trại giam với các tù nhân và kể cả cha của tôi về một căn bệnh hiểm nghèo rất qua loa và cẩu thả. Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và các tác hại về cho các tù nhân. Điển hình như cha tôi hiện tại. Chắc chắn sẽ có nhưng di chứng nặng nề, nhiều khi có thể mất đi mạng sống trong tù.”

Cả hai cha con ông Trung đều thuộc nhóm 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập bị kết án tù vào năm 2018 với cáo buộc tội Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”. Họ là 2 trong 40 nạn nhân của vụ đàn áp Đạo tràng Út Trung vào năm 2017.

Ông Tâm nói rằng vào các ngày 17, 18, 19/4 năm 2017 các đồng đạo có đến tham dự một lễ giỗ do Đạo Tràng Út Trung tổ chức. Nhưng cho đến chiều ngày 18/4, lực lượng cảnh sát giao thông chặn xe để hỏi giấy tờ nhằm cản trở các đồng đạo đến dự lễ. Cảnh sát nói rằng toàn bộ giấy tờ xe là giả và sau đó tịch thu lại giấy tờ cũng xe cộ về đồn để giải quyết.

“Sự việc hôm đó cũng không có gì. Nhưng sang sáng ngày 19/4, họ dùng tất cả công an và các đoàn thể thân chính quyền chặn xe và ngăn cản rất nhiều tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo đến dự lễ, có trên khoảng 40 người. Có những người mặc thường phục đã hành hung thô bạo những người đến dự lễ giỗ. Lúc đó gia đình có phản đối rồi họ bắt và kết án. Có tổng cộng 8 tín đồ bị thương tích và 2 xe máy bị tịch thu, 2 giấy tờ xe bị giữ lại vì họ nói là giấy giả nhưng thực chất là giấy của nhà nước cấp đàng hoàng”, ông Tâm nói.

Khi được hỏi là lúc ra toà ông Trung cùng với những người bị bắt lại có được quyền có luật sư bào chưa không, ông Tâm trả lời với VOA rằng có quyền được luật sư bào chữa nhưng Toà án đều không để ý đến những lời luật sư nói.

“Nói chung là những chứng cứ của luật sư đưa ra thì Toà án không có chấp nhận”, ông Tâm nói. “Toà án có những chứng cứ giả chuẩn bị sẵn để họ buộc tội mình.”

Ông Bùi Văn Thâm, con trai của ông Trung, cũng được trả tự do vào cùng ngày. Ông Thâm bị kết án 6 năm tù với cùng tội danh Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ.” Theo thông cáo viết, Tòa án đã dùng chứng cứ giả để kết án nên ông không nhận tội, không mặc đồ tù, không nhận cơm của trại giam, phản đối lao động cưỡng bức.

Trao đổi với VOA, ông Thâm nói rằng vào ngày 20/7/2018, từ Trại tạm giam tỉnh An Giang, công an đã chuyển ông lên Trại giam Thạnh Hoà tỉnh Long An. Đến ngày 16/8, ông Thâm bị bắt đi lao động nhưng ông cho rằng vì bản thân không vi phạm pháp luật, ông không có tội nên ông từ chối đi lao động.

“Họ lấy cái cớ là bắt tôi ra làm việc nhưng thực chất là để cùm chân tôi rồi bắt tôi ăn uống, tiểu tiện tại chỗ. Cho đến ngày 29/8, họ mới kêu tôi ra tiếp tục làm việc”, ông Thâm nói. “Nhưng tôi không có đồng ý đi ra vì tôi biết đó là cái cớ để họ tiếp tục cùm chân tôi, thì họ cho những phạm nhân khác cưỡng chế tôi. Có một cán bộ quản giáo đã đạp vào lưng tôi một đạp, sau đó những phạm nhân khác khiêng tôi đi đến chỗ làm việc và tiếp tục cùm chân tôi.”

 

Ông Thâm nói thêm vào chiều cùng ngày 29/8, Trại giam quyết định kỷ luật ông bằng cách cùm chân và nhốt ông vào buồng biệt giam. Ông Thâm đã tuyệt thực 3 ngày. Vào ngày 11/9/2018, ông Thâm bị chuyển lên Trại giam Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì sức khoẻ ông yếu, không đi lại được nên lúc đến Trại giam, ông Thâm được hai cán bộ giúp đi.

Kể từ tháng 6/2017 chính quyền đã bắt giữ 4 tín đồ và ra quyết định khởi tố 6 tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo về tội Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”. Vào ngày 9/2/2018, ngoài ông Trung và ông Thâm, Toà án Nhân dân huyện An Phú đã tuyên án cũng ông Nguyễn Hoàng Nam 4 năm tù, bà Lê Thị Hồng Hạnh 3 năm tù, bà Bùi Thị Bích Tuyền, con gái ông Trung, 3 năm tù, và bà Lê Thị Hên, vợ ông Trung, 2 năm tù. Trong phiên xử vào ngày 24/5/2018 TAND tỉnh An Giang đã xử y án sơ thẩm.

Đài VOA đã liên lạc với trại giam An Phước, Xuyên Mộc, và Thạnh Hoà để xin ý kiến những không nhận được phản hồi.

Ngoài hai ông Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm, USCIRF cũng đồng thời đưa ông Nguyễn Hoàng Nam, bà Lê Thị Hồng Hạnh, và bà Bùi Thị Bích Tuyền vào danh sách tù nhân lương tâm tôn giáo, những người bị bỏ tù chỉ vì họ theo đuổi đức tin và các hoạt động tôn giáo của mình.

Hiện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt (SWL) vì các vi phạm tự do tôn giáo, điều mà chính phủ Việt Nam bác bỏ, nói rằng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi công dân “luôn được đảm bảo”.

 

VOA (29.06.2023)

 

 

 

 

Tổ chức nhân quyền Quốc tế chung tay bảo vệ nhà hoạt động VN trước sự đàn áp của chính quyền

Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh và Luật gia Đặng Đình Bách Courtesy Amnesty International

 

Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) cùng với Viện Luật Nhân quyền Quốc tế thuộc Đại học Luật Berkeley (IHRLC) đã gởi một bản kiến nghị cho cơ chế “Các Thủ tục đặc biệt” của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu mở một cuộc điều tra về việc bốn nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đang bị bỏ tù một cách vô lý, đồng thời yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho những người này.

 

Muốn sự thật được phơi bày

Trả lời RFA qua email hôm 28/6, Giáo sư Laurel Fletcher, giám đốc IHRLC, cho rằng mức độ đàn áp của chính phủ Việt Nam khiến tình hình trở nên đặc biệt cấp bách. Bà xác nhận hệ thống dày đặc các quy định pháp lý của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế. Ngoài ra, các quan chức Việt Nam đã sử dụng nó (luật pháp-pv) để nhắm vào những người bất đồng chính kiến. Nội dung email viết:

„Các trường hợp được nêu trong bản kiến nghị nêu bật mức độ độc ác và độc đoán của những công cụ này khi chúng được các quan chức sử dụng.

Mục tiêu của chúng tôi là thu hút sự chú ý của quốc tế và gây áp lực buộc Việt Nam phải trả tự do cho các nhà hoạt động. Liên Hợp Quốc có quyền nêu lên những trường hợp này với chính phủ Việt Nam.

Bản kiến nghị này vừa mang tính tượng trưng nhưng cũng có tính pháp lý, rằng Việt Nam đang vi phạm các quyền cơ bản của những người bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi sẽ không để Liên Hiệp Quốc hay chính phủ Việt Nam gạt bỏ sự thật này.”

Giáo sư Laurel còn cho rằng khi những tiếng nói trong nước bị bóp nghẹt, những nhà hoạt động phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ tù, nếu họ lên tiếng. Do đó, các tổ chức quốc tế bên ngoài Việt Nam, có cơ hội và đặc quyền lên tiếng thay cho họ. Điều này, theo bà Laurel, thể hiện tình đoàn kết quốc tế:

“Sẽ rất nguy hiểm nếu các nhóm hoạt động địa phương đứng lên bảo vệ những người bị bỏ tù oan. Chúng tôi nêu lên những trường hợp này nhằm thể hiện tình đoàn kết quốc tế và để các nhà hoạt động cùng gia đình họ biết rằng họ không bị lãng quên.”

 

Dừng “việc đàn áp” các tiếng nói phản biện

Bốn nhà hoạt động được nêu tên trong bản kiến nghị này bao gồm nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, nhà báo Trương Châu Hữu Danh, người sáng lập Quỹ 50K – Nguyễn Thuý Hạnh và bà Đinh Thị Thu Thủy – người bị bắt vì những phát ngôn chỉ trích chính quyền ôn hoà trên mạng xã hội.

Bà Vi Trần, người sáng lập tổ chức LIV cho biết tổ chức này cùng với IHRLC đã vận động cho khoảng 30 tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Trong bản kiến nghị lần này, IHRLC quyết định chọn ra bốn trường hợp trên:

“Những người sinh viên luật của trường Đại học Luật Berkeley đã chọn ra bốn người bảo vệ nhân quyền này bởi vì họ nhận thấy rằng bốn trường hợp này là những trường hợp nổi bật về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam nói chung.”

Bà Vi cho biết thêm rằng Liên Hiệp Quốc có những thủ tục đặc biệt, những nhóm làm việc đặc biệt về vấn đề bắt giữ và giam giữ tùy tiện. Do đó, hai tổ chức này yêu cầu những Báo cáo viên đặc biệt nhắc nhở chính quyền Việt Nam về những hành vi vi phạm nhân quyền:

“Có những nhóm làm việc về vấn đề bắt giữ người bất hợp lý với những điều luật không rõ ràng. Điều luật 117 và 331 là những điều luật mà Liên Hiệp Quốc đã có những kiến nghị gửi đến chính quyền Việt Nam rằng những điều luật đó vi phạm quyền con người rất trầm trọng.

Những nhóm làm việc bên Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét những trường hợp mình đưa ra có đúng và đủ hay không, sau đó họ sẽ gửi thư đến chính phủ Việt Nam yêu cầu giải thích tại sao những người này bị bắt và bị giam giữ.”

Các Thủ tục đặc biệt” là các cơ chế do Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập ra. Thủ tục này có chức năng xem xét, giám sát, tư vấn và báo cáo công khai về tình hình nhân quyền ở một số nước hoặc vùng lãnh thổ cụ thể.

Bản kiến nghị này được gởi đi trong lúc một trong bốn nhà hoạt động được nêu tên trong bản kiến nghị là luật gia Đặng Đình Bách đang tuyệt thực ở trong tù từ ngày 9/6, nhằm đòi hỏi chính quyền phải trả tự do cho mình ngay lập tức và vô điều kiện.

Bà Trần Thảo, vợ của ông Bách nói với RFA về tình hình hiện nay của ông:

“Anh Bách gọi về vào ngày 27/6. Anh ấy nói rằng vẫn duy trì tuyệt thực và sức khỏe thì hiện đang vẫn ổn.

Tôi có nói với anh ấy rằng chiến dịch vận động cho anh ấy mọi người đã cố gắng bằng tất cả mọi nguồn lực có thể, và tầm ảnh hưởng của nó đã hơn cả mong đợi rồi.”

Qua bản kiến nghị này, bà Thảo hy vọng với các báo cáo và thông tin xác thực mà các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước đã cung cấp, Liên Hiệp Quốc sẽ có những hành động cụ thể:

“Tôi mong là Liên Hiệp Quốc sẽ có những biện pháp cụ thể và thiết thực để kịp thời gây áp lực đối với nhà cầm quyền Việt Nam dừng việc đàn áp những nhà lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự, cũng như sẽ phải lắng nghe sự kêu gọi từ quốc tế để trả tự do ngay lập tức cho chồng tôi.”

RFA (28.06.2023)

 

 

 

 

 

 

Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam Bản Tuyên Bố

Chúng tôi xin thông báo là nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam tiếp tục đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có tín đồ Tin Lành ở Đắc Lắc – Tây Nguyên và các Tôn giáo khác.

 

Bản thông báo của USCIRF (Ủy Hội Quốc Tế TDTG Hoa Kỳ) hôm tháng 6 có trích dẫn lời ông Frederick A. Davie, Phó Chủ Tịch, “bày tỏ đặc biệt quan ngại về sự gia tăng các vụ cưỡng ép người dân bỏ đạo” bởi nhà cầm quyền Việt Nam. Bên cạnh việc đàn áp tự do tôn giáo, chính sách cưỡng chiếm đất đai của các dân tộc thiểu số cũng là nguyên nhân chính cho cuộc nổi dậy tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur quận Cư Kuin ngày 11 Tháng Sáu vừa qua. Nhà cầm quyền CSVN đang theo đuổi kế hoạch diệt chủng đối với các dân tộc thiểu số tương tự như của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

 

Nhà cầm quyền đã phá rối Lễ Phật Đản PL 2567 tổ chức bởi Tăng Đoàn GHPGVNTN (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) và ngăn cản không cho Phật tử đi dự Lễ Phật Đản tại Huế. Công an đã canh gác và bao vây Chùa Phước Thành (HT. Thích Chí Thắng là Viện Chủ), Tổ Đình Quốc Ân (TT. Thích Minh Chơn là Viện Chủ) và Tổ Đình Thập Tháp (HT. Thích Viên Định là Viện Chủ) và Chùa Giác Hoa ở Saigon trong suốt tuần Lễ Phật Đản. 

 

Trước đây, nhiều cơ sở Chùa, Viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống đã bị nhà nước đàn áp, cưỡng chiếm rồi chuyển giao cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (là Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh do nhà nước lập) xử dụng cũng như nhà nước đã  cưỡng chế, san bằng Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm Quận 2, Saigon là Văn phòng tạm của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, đến nay vẫn chưa được nhà nước bồi hoàn thỏa đáng.

 

Công an Đồng Tháp và Lâm Đồng đã sách nhiễu và đe dọa phạt tiền 7.500.000 VN$ với Tín Hữu PGHH Bửu Tý và Chánh Trị Sự Hứa Phi cũng như cấm không cho đưa tin trên Facebook và các mạng xã hội. Nhà cầm quyền tiếp tục cô lập, chặn và khóa tài khoản Facebook của Hòa Thượng Thích Không Tánh, cấm không cho truyền tải các thông tin Phật sự.

 

Vào ngày 20/4/2023 tại Thánh Thất Hiếu Xương, Tỉnh Phú Yên, Đồng Đạo xây sửa lại Trụ Phướng (trụ cờ), công an và nhà cầm quyền địa phương đến đàn áp không cho thi công. Một số người bị bắt lên làm việc gồm: 1) Chánh Trị Sự Cao Minh, 2) CTS Huỳnh Thị Kim Xuyến, 3) CTS Nguyễn Thị Phượng, 4)  CTS Huỳnh Thị Tâm, 5) Thông Sự Đoàn Công Danh, 6) CTS Tạ Văn Lãnh và một số đồng đạo khác.

 

Hiện nay mỗi khi Thánh Thất Hiếu Xương Tộc Đạo Tuy Hòa Châu Đạo Phú Yên cúng lễ thì nhà cầm quyền cho phát nhạc với công xuất lớn hướng thẳng vào Thánh Thất.

 

Ở Cực Lạc Thái Bình tại Tòa Thánh Tây Ninh là nghĩa trang của Đạo. Những Tín Đồ không theo Cao Đài quốc doanh thì không cho chôn cất tại đây.

Về Công Giáo: Nhiều tài sản của Giáo hội Công Giáo Việt Nam bị cộng sản tịch thu trước đây vẫn chưa được giải quyết, như: Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện tại Huế; Tòa Khâm sứ Tòa Thánh và Khu đất Tòa TGM Hà Nội; Nhà thờ Giáo xứ Tam Tòa ở Quảng Bình; Nhà thờ Giáo xứ Lộc Hưng ở Sài Gòn đã bị ủi sập; Đan Viện Thiên An ở Huế liên tục bị tấn công cưỡng chiếm; LM Antôn Đặng Hữu Nam bị cộng sản đe dọa, đấu tố, áp lực, bị ngưng chức và treo chén; LM Nguyễn Văn Lý sau hơn 20 năm bị tù đày nay bị quản thúc tại nhà hưu dưỡng Huế, hiện sức khỏe rất kém.

 

Giáo xứ Bình Thuận, Nghi Lộc, Nghệ An bi cộng sản cướp đường chung của Dân, bán cho Cty WHA. Ngày 13/7/2022 khoảng 1.200 dân biểu tình phản đối, bị hàng ngàn công an, an ninh ném lựu đạn, đánh đập rất dã man, bắt giam tù 9 dân, 1 người bị thương rất nặng. Đan Viện Thiên An Huế đã được xây dựng từ năm 1940 hợp pháp đã bị nhà cầm quyền chiếm đoạt gần hết để làm khu giải trí.

 

Ngày 18/5/2023 công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ 1 tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên là ông Nay Yblang, khởi tố ông này về tội „lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước“.  Hiện tại Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên đang bị chính quyền đàn áp gắt gao…

 

Ngày 25 tháng 6 năm 2023, nhà cầm quyền CSVN tỉnh An Giang cho công an ngăn chận phái đoàn Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) Thuần Túy không cho tham dự lễ cung thỉnh và an vị chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ tại lễ đài kỷ niệm năm thứ 84 Đức Thầy khai sáng tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo. Phái đoàn gồm có ông Nguyễn Văn Điền, Hội Trưởng Trung Ương, ông Lê Văn Sóc, Phó Hội Trưởng, dẫn đầu cùng với Ban Trị Sự PGHH từ các tỉnh thành về tham dự. 

 

Bên cạnh việc cấm đoán tự do tôn giáo, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn đàn áp nhân quyền, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại, cùng các quyền tự do căn bản khác. Việc triệu tập, thẩm vấn và đề nghị truy tố các luật sư nhân quyền trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, ngoài sự phương hại đến công việc và quyền tự do biểu đạt của họ với tư cách là luật sư, cũng đã gián tiếp ảnh hưởng đến tự do tôn giáo qua việc đàn áp những người bảo vệ cho các nạn nhân trước luật pháp.

 

Trong khi đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo, ĐCSVN vẫn ngoảnh mặt làm ngơ khi Trung Cộng liên tục xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chấm dứt việc đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo, trả tự do cho các tù nhân tôn giáo và các tù nhân lương tâm, nghiêm chỉnh thực thi các Công ước Quốc Tế về nhân quyền, và lập tức ngưng cấm cản người dân lên tiếng bảo vệ chủ quyền của Biển Đông và của đất nước trước sự xâm lược của Trung Cộng.

 

Trân trọng,

Làm tại Việt Nam, ngày 29 tháng 6 năm 2023

Đồng Chủ Tịch HĐLTVN:

– Hòa Thượng Thích Không Tánh (Phật Giáo)

– Chánh Trị Sự Hứa Phi (Cao Đài)

– Linh Mục Nguyễn Văn Lý (Công Giáo)

– Đạo Huynh Lê Văn Sóc (Phật Giáo Hòa Hảo)

– Mục Sư Nguyễn Hoàng Hoa (Tin Lành)

 

Liên lạc  Hội Đồng Liên Tôn:

HT Thích Không Tánh

đt: 035.6789.881. Email: thichkhongtanhvn@gmail.com

 

Văn Phòng Liên Lạc Hải Ngoại

Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam

PO BOX 262433, Tampa, FL 33658

Email: Vpllhn.hdltvn@gmail.com