Mục lục
Báo chí và nhà báo
21-6-2023
Có nhẽ đã tới lúc, thậm chí khí muộn, nhà quản trị xứ này cần chính thức lên tiếng, coi mạng xã hội, phây búc (Facebook) chẳng hạn, là một loại hình báo chí, bởi nếu không coi vậy thì nó vẫn là báo chí rồi.
Đó là báo chí thời hiện đại, điện tử, công nghệ số, 4 chấm 0. Nó được sinh ra trong cuộc sống hiện đại, văn minh, tự do, dân chủ. Ai đó muốn cấm nó, dẹp nó cũng chả được. Dè bỉu, nói xấu nó, vu cho nó tinh dững thói xấu, độc hại, ghét nó đến nỗi đào đất đổ đi… thì nó vẫn tồn tại.
Như bất kỳ thứ gì do con người tạo ra đều có mặt hay dở, tốt xấu, phải trái, mạng xã hội cũng vậy. Đừng chỉ nhìn, đánh giá nó một phía theo chủ quan, thiên kiến. Nó là sản phẩm của quy luật phát triển. Chống lại quy luật là hành vi ngu xuẩn, cùng quẫn.
Ở xứ này, trong thể chế độc đoán, mạng xã hội tất nhiên bị kỳ thị, coi là thế lực thù địch. Từ các cấp lãnh đạo, nhân vật này nọ, tới cả những nhà báo quốc doanh có số má, người ta luôn nhắc nhở dân chúng đừng tin mạng xã hội, đừng tin phây búc, hãy tin theo báo chính thống, làm theo báo chính thống, báo mậu dịch, báo quốc doanh. Chỉ có báo chính thống là đúng, đáng tin cậy. Họ bảo vậy.
Chính thống là tốt ư? Cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phát xít Nga ở Ukraine bị gọi là cuộc xung đột, là chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhan nhản những bài, hoặc công khai lộ liễu, hoặc kín đáo lập lờ, phò Nga, nịnh Nga, làm méo mó bản chất cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Ukraine, gây hoang mang, tạo cái nhìn chán nản, xuyên tạc sự thật, đổi trắng thay đen… trên báo chính thống, là đáng tin ư? Chúng chỉ lừa được người u mê, an phận, trùm chăn, ích kỷ, cá nhân, chứ không đời nào bịt mắt được những người tử tế.
Một khi báo chí còn bị độc quyền trong tay nhà cai trị, nó chỉ là công cụ để sai phái, nối mồm nối miệng, không có gì để hãnh diện cả. Rất tiếc, khá nhiều nhà báo, mang tiếng là nhà báo, nhưng thực tế chỉ là chim hót trong lồng.
Ở nước này, nhà cai trị tự đặt ra hai loại báo chí: Chính thống và không chính thống. Họ có quyền, gọi thế nào chả được. Dân gian nói ngắn gọn là lề phải và lề trái. Phải trái theo nghĩa phương hướng chứ không chỉ đúng sai.
Thứ của chính quyền, do họ đẻ ra, sai phái, chỉ đạo, định hướng này nọ, thì họ coi là chính thống. Chẳng hạn báo Nhân Dân, tạp chí Cộng sản, tivi VTV, các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ, báo của các tỉnh thành “tiếng nói của đảng bộ và nhân dân”… Chúng còn có tên báo mậu dịch, báo quốc doanh, kiểu như phở mậu dịch ngày xưa, để phân biệt với phở tư nhân.
Phần còn lại của báo chí truyền thông bị xếp vào nhóm không chính thống, trong đó có mạng xã hội. Nhà cai trị rất ghét thứ này, xem như thế lực thù địch, chống đối, xấu xa, xuyên tạc, chỉ nhăm nhăm diệt trừ nó. Mở mồm là nói xấu, bêu xấu nó. Ngay cái chuyện gán cho nó cái tên “không chính thống” đã đủ nói lên thái độ ấy. Không chính thống thì phải diệt, bằng cách này, cách khác.
Ở những xã hội, thể chế dân chủ, văn minh, thực sự tôn trọng con người, thì báo chí tồn tại độc lập, được điều chỉnh bởi pháp luật. Đó là quyền tự do báo chí thực sự, chứ không tự do ở đầu lưỡi. Chỉ những kẻ vì quyền lợi ích kỷ của cá nhân mình, băng nhóm mình (đảng chẳng hạn) mới phủ nhận quyền tự do báo chí.
Năm 2014, Nguyễn Tấn Dũng khi ấy là thủ tướng, đã nói toẹt, Việt Nam không chấp nhận báo chí tư nhân. Đó không phải là quan điểm riêng của ông Dũng, mà của chung thế lực cầm quyền. Tới nay vẫn vậy.
Hiện cả nước có gần 800 cơ quan báo chí (cụ thể 797 “tờ”, gồm 127 báo, 670 tạp chí, kể cả in và điện tử), 72 đài phát thanh-truyền hình trung ương và địa phương. Con số nhiều như vậy, thoạt nghe sẽ thấy nền báo chí rất phát triển, đa dạng, sinh động, nhưng thực chất cũng chỉ là một, công cụ tuyên truyền quan điểm, đường lối, thái độ của nhà cai trị. Chệch ra thì bị phạt, treo có thời hạn, thậm chí đóng cửa, đình bản vĩnh viễn.
Những ai làm báo ở xứ này chẳng lạ gì chuyện ấy. Rất nhiều tạp chí mậu dịch hiện nay luôn bị lưỡi gươm treo trên đầu nếu vi phạm “tôn chỉ mục đích”, mà không “vi phạm” thì chỉ có nước húp không khí để sống. Chẳng hạn, tạp chí Bạn đường chỉ được nói về giao thông, mới đúng tôn chỉ mục đích, lấn sang lĩnh vực khác sẽ có ngày toi, v.v…
Cần nói thẳng rằng, chính thống hay không chính thống không phải cứ mạnh mồm (và có quyền lực chuyên chính) tự nhận là được. Nó phụ thuộc vào bạn đọc, nói rộng ra là nhân dân. Báo được in ra nhưng dân không coi, không tìm đọc, chỉ quanh quẩn ở đám cán bộ đảng viên được phát không, hoặc buộc phải bỏ ngân quỹ ra mua, rồi xếp vào ngăn kéo, gầm bàn, lâu lâu kêu bà đồng nát ve chai tới cân ký giấy vụn, thử hỏi chính thống để làm gì.
Ở thủ đô thì tôi không biết, chứ đất Sài Gòn, muốn mua tờ Nhân Dân (cơ quan trung ương, tiếng nói của đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam) chỉ duy nhất ở Bưu điện trung tâm (Q.1), đố tìm được trên một sạp quầy nào khác. Cam đoan hỏi 100 người dân, cả trăm không ai biết mặt mũi báo Nhân Dân nó như thế nào. Nhưng dân vẫn phải đóng thuế nộp vào ngân sách để nuôi “tiếng nói” không phải của mình, nuôi cả bộ máy cực kỳ cồng kềnh tốn kém, với ông tổng biên tập là ủy viên trung ương đảng, với hàng mấy chục cán bộ cấp cao tương đương vụ trưởng, cục trưởng, thậm chí thứ trưởng. Báo “gói xôi” nhưng tiền rất tốn.
Đám bí thư Trần Đình Thành (Đồng Nai), Nguyễn Văn Vịnh (Lào Cai), Trịnh Văn Chiến (Thanh Hóa)… chắc không thèm đọc báo đảng, mà giả dụ đọc hằng ngày lại càng đáng nói, bởi chúng tiếp thu được cái gì từ tờ báo ấy mà trở nên như thế.
Chẳng riêng “tờ” Nhân Dân, đám Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, VTV truyền hình, VOV phát thanh, TTXVN, báo đảng các địa phương cũng rứa.
Lại nói về báo chí chính thống, còn có tên báo chí cách mạng. Chúng được nuôi dưỡng, chỉ đạo, hà hơi tiếp sức, tồn tại nhưng chả mấy ai đọc, dư luận cười bảo, ma nó đọc; in ấn tốn bao nhiêu tiền bạc công sức rồi xếp xó, bán ve chai giấy lộn… thì đó chỉ là thứ chính thống ảo.
Mà không chỉ báo “gói xôi”, sách chính thống cũng vậy. Sách của ông nọ bà kia (thực ra do người khác viết, ông bà chỉ đọc góp ý, thêm vào vài chữ cho ra vẻ chủ quyền) in cả đống, quảng cáo rùm beng; in bằng tiền ngân sách do dân đóng thuế, nhuận bút thì thu vào túi cá nhân, chất cả đống trên kệ, không ma nào nhìn (ông hàng xóm nhà tôi cười bảo, chỉ những đứa thần kinh mới mua/đọc thứ sách ấy), chính thống hoang tưởng, cũng là dạng “sách xôi”.
Tự nhận của mình chính thống, một kiểu tự sướng, rồi vu cho thứ khác chứa quan điểm sai trái, quy người ta phản động, thù địch, chống này chống nọ…, rõ thật buồn cười. Họ luôn lên giọng chỉ ra “mặt trái của mạng xã hội” còn mặt phải, mặt hay, mặt tốt như thế nào thì cố ý lờ đi; nói nó xấu xa độc hại nguy hiểm, v.v… mà quên tiệt rằng, không thứ gì khai dân trí bằng nó. Thiên hạ còn lạ gì mồm mép các vị.
Ai cho các vị và đám báo chí truyền thông mậu dịch quốc doanh của các vị cái quyền tự nói mình đúng, còn người khác sai? Thói cả vú lấp miệng em quá xưa rồi. Giờ không phải thời cải cách ruộng đất nhất đội nhì giời, không phải hồi xét lại chống đảng, muốn quy ai thì quy, bắt ai thì bắt, bôi xấu xuyên tạc ai thì bôi. Xưa các vị độc quyền về báo chí truyền thông, báo đài và hệ thống thông tin trong tay cả nên nói gì cũng được, bắt dân phải tin, bởi không muốn tin cũng chẳng còn nguồn nào khác. Nay khác rồi, không phải do các vị thật tâm thay đổi, mà do thời thế đổi thay.
Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là intenet, đã làm thay đổi tận gốc những thứ tưởng chừng bất di bất dịch trong báo chí tuyên truyền. Báo đài chính thống đã xuống dốc thảm hại. Khi xưa nhà cai trị lừa mị và răn đe “nghe đài đọc báo của ta/ đừng nghe đài địch bàn ra tán vào /tin đài tin báo của ta/ đừng nghe tin địch ba hoa nói xằng” khiến nhiều người bị lừa, chứ nay nói thế, thiên hạ êu êu thối mũi.
Không cần như cụ Việt Phương “cửa mở” nghe lén “nghe đài địch như mở toang cánh cửa”, giờ dân chúng có thể nghe/nhìn/viết trên mạng xã hội, trên internet công khai. Chẳng phải do nhà cai trị tốt đẹp gì, mà chẳng qua không thể cấm được, cưỡng được xu hướng thời đại.
Lại nhớ hồi chưa xa, khi trang Anhbasam (Anh Ba Sàm) của Nguyễn Hữu Vinh tồn tại, dân gian đã tổng kết thật chí lý “Ba sàm thông tin chính thống/ Chính thống nói chuyện ba sàm”. Không gì chính xác hơn, dù có là trùm tuyên giáo (chuyên gia lừa dối thượng hạng) cũng không cãi lại được.
Nguyễn Quang Lập: Chúc mừng 21.6
Bác nói từ 1920 mà cứ tưởng Bác vừa nói sáng nay. 103 năm rồi Bác hè!