Mục lục
Phái đoàn của Bộ Ngoại giao Pháp lần đầu gặp Hội đồng Liên Tôn Việt Nam
Đại sứ Jean-Christophe Peaucelle gặp Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang ngày 04/7/2023 Báo Công an Nhân dân
Phái đoàn của Bộ Ngoại giao Pháp và cơ quan ngoại giao của Pháp ở Việt Nam gặp Hội đồng Liên Tôn Việt Nam tại chùa Giác Hoa (thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 06/7 để tìm hiểu về hoạt động của tổ chức độc lập, không theo sự chỉ đạo của Nhà nước này.
Theo thông cáo báo chí của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, phái đoàn gồm có Đại sứ Jean-Christophe Peaucelle, Cố vấn các vấn đề Tôn giáo của Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp, bà Emmanuelle Pavillon-Grasser, Tổng Lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh, và bà Candice Ragot, nhân viên của Toà Đại sứ Pháp tại Hà Nội.
Nhiều thành viên chủ chốt của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam đã tham gia cuộc gặp mặt trong đó ông Đại sứ bày tỏ mong muốn tìm hiểu về hội đồng và tình hình tôn giáo tại Việt Nam trong khi đại diện của phía Việt Nam trình bày về thực trạng chung của tự do tôn giáo ở quốc gia độc đảng.
Ông Lê Quang Hiển, Đạo huynh của Phật Giáo Hoà Hảo và là thư ký của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) về cuộc gặp mặt với phái đoàn của Pháp.
“Đây là lần đầu tiên Phái đoàn của Bộ Ngoại giao Pháp gặp Hội đồng Liên Tôn Việt Nam và các tôn giáo không thuộc Nhà nước Việt Nam quản lý. Tổng Lãnh sự Pháp chưa bao giờ gặp Hội đồng Liên Tôn hết. Cách đây mấy năm (Hội đồng- PV) có gặp phái đoàn của Liên hiệp Châu Âu nhưng không có Pháp.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng có quan tâm đến tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Người ta có gặp để tìm hiểu Hội đồng Liên Tôn thôi chứ người ta không đặt nặng vấn đề (về tự do tôn giáo- PV) như Chính phủ Hoa Kỳ.”
Ông nói về nội dung của cuộc gặp mặt:
“Ông Peaucelle là cố vấn các vấn đề tôn giáo thuộc Bộ Ngoại giao, có cuộc gặp mặt hôm nay chỉ để biết Hội đồng Liên Tôn thôi, chứ không phải là để ghi nhận và về trình cho Bộ Ngoại giao, làm cho tất cả thành viên của Hội đồng Liên Tôn hụt hẫng.
Dự trù gặp một tiếng đồng hồ nhưng 45 phút đã về rồi mà không tìm hiểu về vấn đề bách hại của nhà cầm quyền gì hết!”
Ông Hiển cho biết các thành viên của Hội đồng Liên Tôn rất thất vọng về cuộc gặp mặt với phái đoàn Pháp:
“Từ ngày thành lập Hội đồng Liên Tôn, chúng tôi gặp tất cả các phái đoàn Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Úc, Canada… thì lần đầu tiên mà mới có một cuộc họp như vậy đó.
Các chức sắc của Hội đồng Liên Tôn hụt hẫng. Người ta đi xa xôi như ông Hứa Phi đi từ ba hôm trước để khỏi bị chặn ngoài kia, rồi mấy người kia ở Trà Vinh ở Vĩnh Long rồi lên để gặp như gặp chơi vậy đó.”
Ông cho biết đại diện phía Việt Nam trình bày ngắn gọn về đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, và nhiều thành viên của hội đồng không thể nói về nhóm tôn giáo của mình do phía khách không có nhiều thời gian.
Theo ông Hiển, trong buổi chiều cùng ngày, Phái đoàn Pháp có gặp đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở chùa Từ Hiếu (Sài Gòn). Phóng viên không thể liên lạc được với các vị chức sắc của giáo hội này để tìm hiểu thông tin về cuộc gặp.
Phóng viên gửi email cho Đại Sứ quán Pháp ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Pháp ở thành phố Hồ Chí Minh với đề nghị cung cấp thông tin về cuộc gặp mặt với hai tổ chức tôn giáo không đăng ký ở Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trang Facebook của Đại Sứ quán Pháp tại Việt Nam đưa tin trong thời gian viếng thăm Việt Nam, Đại sứ Jean-Christophe Peaucelle làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an về tình hình tôn giáo ở Việt Nam và chính sách tôn giáo cũng như tầm quan trọng của tự do tôn giáo.
Đại sứ Jean-Christophe Peaucelle cũng gặp gỡ một số đại diện của nhiều tôn giáo khác nhau tại Việt Nam, trong đó có Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài. Ông cũng thăm nhiều nơi thờ tự của các tôn giáo khác nhau hiện có mặt ở Việt Nam như Nhà thờ Saint-Joseph Hà Nội (Nhà thờ Lớn), chùa Trấn Quốc hay Thánh đường Al-Noor Masjid.
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam là một tổ chức đấu tranh cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Thành viên của hội đồng là chức sắc cao cấp của các nhóm tôn giáo độc lập như Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hội thánh Tin Lành, Phật giáo Hoà Hảo Chơn truyền, và Cao Đài 1926.
RFA (12.07.2023)
HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà hoạt động Trương Văn Dũng
Ông Trương Văn Dũng nhiều lần công khai lên tiếng ủng hộ, kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị và những nhà hoạt động bị giam giữ tại Việt Nam.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 11/7 ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động về đất đai Trương Văn Dũng, hai ngày trước khi phiên toà phúc thẩm của ông Dũng dự kiến diễn ra.
Vào ngày 28/3, ông Trương Văn Dũng, 65 tuổi, bị toà án Việt Nam tuyên phạt 6 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”, nhưng luật sư bào chữa nói với VOA rằng các quan tòa “chưa có đủ căn cứ” để buộc tội ông Dũng.
Ông Dũng đã nộp đơn kháng cáo 2 tuần sau đó.
Vào ngày 13/7, một tòa phúc thẩm ở Hà Nội dự kiến sẽ xem xét đơn kháng cáo của ông.
“Tuy nhiên, cũng như tuyệt đại đa số các phiên phúc thẩm khác ở Việt Nam đối với các nhà hoạt động bị kết án với cáo buộc mang động cơ chính trị từ năm 2016, người ta không mong chờ một quyết định giảm án chứ chưa nói đến việc đảo ngược phán quyết có tội và phóng thích”, thông cáo của HRW nói.
Ông Trương Văn Dũng bắt đầu tham gia vào việc vận động cho quyền lợi về đất đai vào những năm 2000 khi chống lại việc cưỡng chế tịch thu chính nhà riêng của mình. Sau đó, ông cùng các nhà hoạt động khác vận động cho các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp…
Ông cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường, phản đối luật an ninh mạng năm 2018 và công khai tẩy chay các cuộc bầu cử tại Việt Nam mà ông cho là không tự do cũng không công bằng.
Ông Dũng cũng công khai lên tiếng ủng hộ nhiều tù nhân chính trị và những người bị tạm giam, cùng các nhà hoạt động khác thành lập “Hội Bầu bí Tương Thân” để hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các tù nhân chính trị, dân oan và gia đình họ.
Theo HRW, những hành động bị cáo buộc “chống Nhà nước” trên của ông Dũng chỉ đơn thuần là “thực hành các quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa”.
Tổ chức này cho rằng chính quyền Việt Nam đang theo đuổi chiến dịch “xóa bỏ một cách có hệ thống” những nhân tố còn sót lại của phong trào dân chủ và nhân quyền trong nước khi thẳng tay gộp các nhà hoạt động ôn hòa vào danh sách vẫn đang gia tăng với hơn 150 tù nhân chính trị tại Việt Nam.
“Nhà cầm quyền Hà Nội đang vi phạm công pháp quốc tế về nhân quyền, phản bội lại nghĩa vụ của chính mình với tư cách một thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bảo vệ, chứ không phải chà đạp, các quyền con người cơ bản”, thông cáo của tổ chức nhân quyền nói.
HRW kêu gọi Việt Nam hãy phóng thích ông Trương Văn Dũng và các nhà lãnh đạo cần nhận ra rằng “khi người dân bày tỏ suy nghĩ của họ là đóng góp vào giải pháp làm cường thịnh, chứ không phải làm suy yếu, quốc gia mình”.
VOA (12.07.2023)
Công an Quảng Ngãi bắt giữ chủ tài khoản Facebook ủng hộ Việt Tân, Người Thượng
Công an tỉnh Quảng Ngãi thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với P.V.L. Công an tỉnh Quảng Ngãi
Thanh niên P.V.L.-sinh năm 2002 ngụ tại thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi- vào ngày 11/7 bị Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) thuộc Công an Quảng Ngãi bắt và khám nhà với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa (CHXHCN) Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Cơ quan ANĐT thuộc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho rằng thanh niên P.V.L. dùng tài khoản Facebook cá nhân đăng, chia sẻ và bình luận các bài viết với nội dung mà theo ANĐT là “có nội dung xuyên tạc, nói xấu, chống đối, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xúc phạm lãnh tụ; ủng hộ tổ chức Việt Tân, Đề Ga; đặc biệt sau vụ nổ súng ở Đắk Lắk hồi rạng sáng ngày 11/6 vừa qua.”
Trường hợp thanh niên P.V.L. bị bắt với cáo buộc nói xấu lãnh tụ, Đảng, Nhà nước như vừa nêu là mới nhất trong những vụ bắt giữ theo hai điều 117 và 331 tại Việt Nam suốt thời gian qua.
Hôm 28/6, ông Lê Thạch Giang – 66 tuổi, ngụ tại Thành phố Phan Rang, bị bắt theo cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước” theo điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Theo các luật sư tại Việt Nam thì cơ quan chức năng Việt Nam tùy nghi sử dụng hai Điều 117 và 331; nếu họ muốn giảm nhẹ trường hợp bị cáo buộc chống đối Đảng và Nhà nước thì dùng Điều 331, còn nếu muốn tăng mức xử phạt thì dùng Điều 117.
Thống kê của Đài Á Châu Tự Do cho thấy từ đầu năm 2023 đến nay, có hơn chục người trong nước bị bắt với hai điều vừa nêu.
RFA (11.07.2023)
Cựu TNLT Lê Anh Hùng: “ở viện tâm thần kinh hoàng hơn ở tù”
Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng RFA edited
“Kinh hoàng hơn ở tù”
“Đó là một trong những lần mà tôi chống lại việc uống thuốc thì tôi bị bắt trói lại. Tôi thậm chí còn hai lần bị đánh đòn trong trại tâm thần do không uống thuốc nữa.
Một lần tôi bị đánh vào ngày 12/7/2020, tôi có nhờ chụp ảnh chuyển ra ngoài được. Vì chuyện báo ra ngoài mà một tuần sau một bị đánh một trận còn bầm dập hơn, thậm chí là rách trán, phải khâu nhiều mũi, tôi phải truyền đạm. Lần đầu là y tá đánh tôi trực tiếp. Lần thứ hai họ kích động người ở cùng trong đó đánh tôi.”
Ông Lê Anh Hùng chia sẻ về hoàn cảnh của bức ảnh mà ông bị trói chặt trên một giường sắt, trong thời gian bị ép buộc điều trị tâm thần ở bệnh viện Tâm Thần Trung Ương, Hà Nội.
Ông Hùng là một tù nhân lương tâm vừa mãn án năm năm tù giam hôm 5/7. Ông bị bắt vào tháng 7/2018 với cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Đến 4/2019, ông bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương, cưỡng bức điều trị ở đó.
Một trong những nguyên do khiến ông Hùng bị bắt rồi bị đẩy vào viện tâm thần có liên quan đến việc ông này đã nhiều lần gởi đơn tố cáo cựu Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải tội “gián điệp”, đồng thời tố cáo ông Nguyễn Phú Trọng tội “phản quốc”. Ông Hùng cho biết như vậy và nói thêm rằng quãng thời gian bị điều trị bắt buộc ở bệnh viện còn kinh hoàng hơn ở trại giam:
“Đó thực sự là một địa ngục đối với bất kỳ một người bình thường nào chứ không phải riêng tôi.”
Ngay từ ngày đầu nhập viện, ông Hùng đã phản đối quyết liệt việc uống thuốc do bác sỹ cấp. Vì vậy, mỗi lần không chịu uống thuốc là một lần ông bị đánh, bị trói rồi cho tiêm thuốc liên tục trong khoảng bảy ngày:
“Mỗi lần bị tiêm thuốc như thế thường là bảy ngày. Nó cứ đẩy con người mình vào chỗ hoảng loạn tinh thần.
Nhiều lần tôi đã rơi vào tình trạng ảo giác. Nó mệt đến mức thậm chí là không ngồi dậy nổi để ăn cơm mà ngã gục ngay khay cơm, buổi sáng thức dậy là đi lảo đảo vài bước rồi ngã vật xuống.
Thuốc nó mạnh, nó tác động lên thần kinh, sức khỏe của con người nữa. Vậy mà tôi đã phải chịu đựng suốt một thời gian dài như vậy.”
Ông Lê Anh Hùng bị trói sau một lần phản đối uống thuốc do viện tâm thần cấp. Ảnh: Citizen
Cứ mỗi ba tháng, bác sỹ sẽ tiến hành hội chẩn một lần để kiểm tra trình trạng “bệnh” của ông Hùng tiến triển ra sao, từ đó quyết định xem ông Hùng có cần điều trị tâm thần nữa hay không.
Theo lời ông Hùng, chừng nào bản thân ông còn giữ quan điểm rằng mình tố cáo lãnh đạo sai phạm là đúng, thì khi đó, ông vẫn bị xếp vào loại “bệnh tình” còn nặng, thậm chí là cần phải tăng thêm liều lượng thuốc:
“Sau một thời gian đầu tôi dứt khoát không nhận sai, tôi vẫn bảo vệ vụ tố cáo của mình. Nhưng mà dần dần tôi nhận ra rằng một khi mà tôi vẫn giữ quan điểm bảo vệ vụ tố cáo của mình thì không những người ta không giảm thuốc cho tôi mà họ còn tăng nặng thuốc lên.
Sau này, tôi quyết định nhận là tôi sai. Bằng cách đó để người ta giảm thuốc cho tôi và sau đó họ nói rằng tôi khỏi bệnh rồi chuyển cho cơ quan điều tra để phục hồi vụ án. Khi được trở lại trại giam Hỏa Lò thì tôi lại tiếp tục bảo vệ vụ tố cáo của mình.
Việc mà tôi nhận là tôi bị bệnh ở trong trại tâm thần là cái cách để tôi sớm kết thúc việc phải uống thuốc, rồi sau đấy, khi được trở lại điều tra thì tôi lại tiếp tục bảo vệ vụ tố cáo của mình.”
Ngoài ra, ông Hùng cho biết có tình trạng phân biệt đối xử tại viện tâm thần. Vào ngày 27/4/2022, cô Nguyễn Thuý Hạnh, một người bị bắt về tội “tuyên truyền chống nhà nước” cũng bị đưa đến để điều trị bắt buộc.
Ông Hùng kể, khi mới gặp nhau lần đầu trong viện, hai người vui lắm, trao đổi với nhau đủ thứ chuyện. Tuy nhiên, sau đó, lãnh đạo viện tâm thần ra lệnh cấm hai người tiếp xúc, nói chuyện với nhau mà không có lý do cụ thể:
“Người ta cấm tôi và chị Hạnh giao tiếp với nhau, thỉnh thoảng chúng tôi chỉ nói nhanh được đôi ba câu chuyện mà thôi.
Họ bất chấp pháp luật, ngăn cấm chúng tôi thôi chứ chẳng có cái luật nào cấm các bệnh nhân giao tiếp với nhau cả. Mỗi khi tôi ở sân thì họ không cho chị Hạnh xuống hay khi chị Hạnh ở ngoài sân thì họ không cho tôi ra sân. Chị Hạnh ở tầng hai, còn tôi ở tầng một.”
13 ngày sau khi bà Thuý Hạnh bị đưa vào viện thì ông Lê Anh Hùng cũng được thông báo kết thúc điều trị bắt buộc, ông phải trở lại nhà giam Hoả Lò để phục hồi quá trình điều tra.
Đến ngày 30/8/2022, ông bị kết án năm năm tù giam với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.
“Điều kiện khắc nghiệt, bệnh nhẹ cũng thành nặng”
Bà Nguyễn Thuý Hạnh hiện vẫn đang còn điều trị ở viện Tâm Thần Trung Ương. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, cho biết điều kiện sống, sinh hoạt trong này rất thiếu thốn, khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Dù gia đình có đề nghị được gởi thêm đồ dùng hay lắp thêm một cái quạt nhỏ, nhưng không được:
“Khi vào đó thì phải ở trong một căn phòng chín người, chật hơn điều kiện tạm giam. Những mùa nóng như thế này thì chỉ có một cái quạt rất bé mà có tới chín người ở.
Trong đó hầu hết có những người đều bị tâm thần, bị điên thật sự, tức là sống giữa đám người điên. Cô (Hạnh – pv) cũng được uống thuốc nhưng mà không thuyên giảm. Có những lúc cô bị bệnh nặng nhưng có lúc thuyên giảm, nói chung là không tiến triển.”
Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Chênh – Nguyễn Thuý Hạnh xuống đường chống Trung Quốc hồi năm 2014. Ảnh: Facebook Nguyễn Thuý Hạnh
Ông Chênh cho rằng vợ mình vốn đang điều trị bênh trầm cảm trước khi bị bắt. Với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, và phải sống giữa những người bị tâm thần nặng như hiện nay thì bà Hạnh không thể khỏi bệnh được.
Do đó, ông đã gởi đơn khắp các cơ quan chức năng, từ Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát, Bộ Công an… để yêu cầu cho vợ mình được về nhà điều trị bệnh. Các lá đơn đã gởi cả năm nay, nhưng tất cả đều “bặt vô âm tín”:
“Mong muốn của gia đình là yêu cầu làm sao cho Nguyễn Thúy Hạnh về nhà chữa bệnh trong sự giám sát của gia đình, cũng như sự giám sát của các cơ quan. Khi nào Hạnh hết bệnh, nếu cần tiếp tục điều tra thì ra điều tra tiếp.
Còn nếu như không được như vậy thì điều kiện sinh hoạt, nhất là mùa nóng này trong phòng khắc nghiệt thì phải tăng cường quạt để cho Hạnh dễ chịu hơn thì bệnh mới thuyên giảm được.
Bị giam giữ trong điều kiện giữa những người điên và điều kiện khắc nghiệt như vậy thì không thể nào thuyên giảm bệnh và như vậy thì không biết người ta sẽ giữ Hạn ở trong đó đến bao giờ.”
Bà Nguyễn Thuý Hạnh là một người hoạt động nhân quyền ở Hà Nội. Bà là người sáng lập và điều hành “Quỹ 50K”. Quỹ này được lập ra để giúp đỡ thân nhân của các tù nhân lương tâm. Ngoài ra, bà còn kêu gọi quyên góp tiền phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình trong vụ Đồng Tâm với số tiền lên đến hơn nửa tỷ đồng.
Bà bị bắt và ngày 7/4/2022 vì tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Cho đến nay, vụ án này vẫn đang tạm ngưng điều tra để chuyển bà Hạnh sang điều trị tâm thần bắt buộc.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Lê Anh Hùng là hai trong số bốn tù nhân lương tâm bị cưỡng chế đưa vào viện tâm thần. Hai người còn lại là nhà văn Phạm Thành – chủ blog Bà Đầm Xoè, và ông Trịnh Bá Phương.
RFA (11.07.2023)
TNLT Lê Hữu Minh Tuấn khẳng định: “xâm hại an ninh quốc gia hoàn toàn xa lạ với tôi.”
Tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn RFA edited
Thân nhân của tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn- người đang thụ án 11 năm theo cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, cho biết vừa nhận được thư của ông Tuấn lén gửi từ nơi bị giam giữ ra.
Nội dung chính của thư là gì? Và tình hình mới nhất của TNLT Lê Hữu Minh Tuấn ra sao?
Nội dung thư gởi lén từ trại giam ra
Cô Lê Na, em gái của TNLT Lê Hữu Minh Tuấn, cho RFA biết thư của ông Tuấn gởi lén ra ngoài từ trại giam là những tờ giấy hình vuông chừng 10 cm và một mảnh khăn. Trên giấy và mảnh khăn chi chít chữ viết.
Nội dung báo về thực trạng y tế trong trại giam:
“Trại giam cứ nhằm kháng sinh mà nhét vào người bệnh, chẩn đoán không chính xác bệnh, rồi cứ ngâm bệnh cho đến khi trở nặng hoặc có biến chứng mới cho đi bệnh viện. Đó là lý do vì sao em muốn cho mọi người bên ngoài biết bản chất của chế độ y tế.”
Ông Tuấn nói trong thư rằng đã hai lần làm đơn xin đi khám chữa bệnh ở bệnh viện nhưng không được đáp ứng. Lần một là ngày 2/5/2023 không được phản hồi. Lần hai là vào ngày 20/6/2023. Lần này có một cán bộ y tế của trại khám và kết luận rằng ông Tuấn bị rối loạn tiêu hóa và viêm da cơ địa.
Ngoài ra, ông Tuấn còn khẳng định lại quan điểm của mình về bản án 11 năm tù giam mà chính quyền đã cáo buộc và bỏ tù ông:
“Ngay cả khi trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, bị gắn nhãn thù địch, tôi cũng không chấp nhận bất kỳ tư tưởng hay hành vi mang tính đối đầu. Mọi quan điểm và động thái nhằm gây rối loạn trật tự xã hội hay xâm hại an ninh quốc gia vì thế hoàn toàn xa lạ với tôi.
Tôi chỉ tồn tại ý chí tìm kiếm con đường đối thoại, khoan dung, tôn trọng và bảo đảm thực chất tự do, công lý, lương tri, phẩm giá dựa trên tinh thần, không định kiến, không đặc thù.
Đó là lý do tôi kiên định thực hành thúc đẩy nhận thức đầy đủ về quyền con người trong hiến pháp 2013, trong ôn hoà trật tự chung.
Đằng sau song sắt sau và cả những ngày giờ đối mặt với các biện pháp nghiệp vụ đã bào mòn thể xác, tinh thần, tôi tự hỏi tại sao chúng tôi buộc phải nhận và bị trừng phạt về những điều mà chúng tôi không làm hay gây ra.
Đến bao giờ tiếng gào thét oan khuất trong và ngoài song sắt mới chấm dứt? Hay tất cả chỉ là sự vô vọng, kéo dài?”
Bức thư do TNLT Lê Hữu Minh Tuấn gởi ra ngoài. Ảnh: gia đình gởi cho RFA
Sức khoẻ suy kiệt
Cô Lê Na cũng cập nhật thông tin về tình hình sức khỏe của người anh sau chuyến thăm gặp thường kỳ vào ngày 9/7/2023 tại Trại Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai như sau:
“Anh Tuấn bữa nay gầy lắm. Ảnh bị ghẻ khắp cả người, từ bàn tay cho đến hai cái mông, xuống cả hai bàn chân, ghẻ theo từng đám… Nó bị viêm loét ra xong khô lại, xong lại mưng mủ lên, ăn vào da cho nên bữa nay ảnh đi đứng không nổi.”
Theo cô Na, ông Tuấn còn bị chẩn đoán là viên ruột, viêm gan từ cuối năm 2022. Gia đình nhiều lần gởi thuốc vào trại giam theo toa của bác sỹ, nhưng đến nay ông Tuấn không nhận được số thuốc đó. Hằng ngày, ông phải uống thuốc do trại giam phát để cầm chừng:
“Những loại thuốc mà tôi gửi từ hồi tháng một, tháng ba và tháng năm cho đến bây giờ không biết tại sao trại giam giữ lại hoặc là nó bị mất hết. Thành ra, người ta chỉ đưa thuốc của trại giam cho anh Tuấn uống mà thôi.
Người ta vào khám thì nói là viêm ruột và viêm gan, họ cứ đưa thuốc cho uống hoài mà mỗi lần phát là một loại thuốc khác nhau mà uống cũng không hết nữa, tình trạng lại thấy nặng hơn.”
Trong thời gian gần đây, ông Tuấn liên tục bị trại giam gây khó khăn trong việc nhận đồ gia đình gởi vào hoặc gọi điện về nhà theo tiêu chuẩn mỗi tháng của tù nhân. Cô Na nói thêm:
“Không hiểu sao lần này, thậm chí là thăm gặp trực tiếp, gửi vào cũng khó khăn nữa. Người ta hạn chế hết. Cuộc thăm gặp ngày hôm qua, tôi không biết vì sao mà người ta siết chặt hơn. Bình thường là không bị tịch thu điện thoại, bây giờ là có giám sát nhiều hơn và bị tịch thu điện thoại. Những gì mà anh Tuấn dặn tôi ghi ra giấy thì người ta đều chụp hình lại hết.
Các thông tin về cuộc sống của anh Tuấn ở trong đó thì mình không thể nói được. Cán bộ quản lý chặt cho nên hầu như không nói được gì nhiều. Mỗi lần gọi điện về thì tín hiệu bên trại giam cũng yếu, nghe được chữ được chữ mất nên gia đình của tôi bây giờ cũng lo cho anh.”
Phóng viên RFA nhiều lần gọi điện tới số điện thoại của trại giam Xuyên Mộc, Đồng Nai để tìm hiểu thêm về tình trạng của ông Tuấn, nhưng không có ai nghe máy.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 34 tuổi, từng là biên tập viên của trang Việt Nam Thời báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập- một tổ chức báo chí do một số cá nhân lập ra nhưng không được Nhà nước công nhận.
Ông Tuấn bị bắt giam vào tháng 6 năm 2020 và ra tòa cùng hai lãnh đạo khác của Hội Nhà báo Độc lập là Chủ tịch Phạm Chí Dũng và Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thụy.
Trong phiên sơ thẩm vào tháng 1 năm 2021, ông Phạm Chí Dũng bị tuyên án 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người bị tuyên 11 năm tù.
Tòa phúc thẩm vào tháng 2 năm 2022 y án sơ thẩm đối với ông Lê Hữu Minh Tuấn.
RFA (10.07.2023)
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải: Vi phạm nhân quyền trong nhà tù ở VN có nguyên nhân từ chế độ ‘Công an trị’
Ảnh minh họa: Lực lượng công an đến giải tán các toán biểu tình chống Trung Quốc AFP
“Nạn ‘Công an trị’ tại Việt Nam hiện nay chính là ‘nguyên nhân’ của các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong các nhà tù, trại giam ở nước này”. Đây là nhận định của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân lương tâm Việt Nam từng trải qua một chục nhà tù với hơn hai chục lần chuyển trại giam trong gần bảy năm trời bị giam giữ.
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Hải, để chấm dứt hàng loạt vấn đề từ tra tấn, bức cung, nhục hình, cho đến bắt tù nhân lao động khổ sai, biệt giam, cách ly nhân bằng hình thức ‘nhà tù trong nhà tù’, tù nhân bị từ chối đáp ứng quyền được chăm sóc sức khỏe, y tế, chữa bệnh, cho đến cả thương tật và cái chết xảy ra trong tù cho họ, trong đó có các trường hợp xảy ra cả với tù nhân lương tâm và tù chính trị, nay cần phải chuyển ngay chức năng quản lý các trại giam, trại tạm giam, quản lý quá trình thi hành án trong các nhà tù, trại giam… từ tay của Bộ Công an sang Bộ Tư pháp càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải hủy bỏ một loạt điều luật, văn bản dưới luật, đặc biệt là thông tư 37 của Bộ Công an, vốn gây ra có hệ thống các vụ việc, hành vi vi phạm nhân quyền nói chung, phân biệt đối xử với các tù nhân lương tâm và tù án chính trị trong các nhà tù, trại giam nói riêng, đồng thời phải đóng cửa ngay lập tức các nhà tù, trại giam, cơ sở giam giữ đã để xảy ra các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, thương vong v.v… có hệ thống, đặc biệt ở các nơi có khí hậu, điều kiện giam giữ khắc nghiệt với tù nhân, gây trở ngại, khó khăn cho thăm nuôi như ở các vùng xa xôi hẻo lánh, vùng sâu, , vùng xa, đồng thời phải điều tra và xử lý pháp luật, đưa ra tòa những trường hợp cán bộ quản lý trại giam, cán bộ hỗ trợ thi hành án, kể cả cấp lãnh đạo, quản lý v.v… của ngành công an đã để gây ra các vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, trong đó có tra tấn, nhục hình, gây thương vong cho các tù nhân.
Blogger Nguyễn Văn Hải nói với RFA hôm 10/7:
“Như tôi thấy, tình trạng bây giờ rất nghiêm trọng, bên cạnh các hình thức chính vi phạm nhân quyền và tra tấn mà tôi đã có dịp đề cập trong lần trao đổi trước với Đài Á Châu Tự Do, từ lúc bị bắt, đến khi đưa ra xét xử và cho tới thời gian bị giam giữ ở trong tù, tất cả đều ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt… đặc biệt Luật thi hành án hình sự của Việt Nam đã liên tục bị sửa đổi với nhiều sửa đổi theo xu hướng xấu đi. Đó là một số việc mà cộng đồng quốc tế cần quan tâm.
Tình hình vi phạm nhân quyền trở thành ‘chính sách’, trở thành ‘chủ trương’ rộng trên khắp các nhà tù chứ không phải chỉ là hành động riêng lẻ của một số cán bộ quản giáo, hay của giám thị tại một trai giam riêng lẻ nào, điều đó cho thấy vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bây giờ là hết sức nghiêm trọng, song dù đã có những sự lên tiếng và lên án của quốc tế và các cựu tù nhân, chính quyền Việt Nam đến này vẫn không sửa đổi.”
‘Các gia đình của tù nhân cũng bị chính quyền hành hạ’
Nhà báo, blogger Nguyễn Văn Hải, nhân đây đưa ra một ví dụ về việc do quy định được cho là ‘mập mờ, tùy tiện’ của luật pháp và ngành công an Việt Nam, mà không chỉ nhiều tù nhân lương tâm đã bị đối xử tệ, gia đình của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo, ông nói tiếp:
“Việc đối xử với tù nhân bằng cách chuyển họ đi cách xa nhà hàng trăm cây số gây rất nhiều khó khăn cho việc thăm nuôi của gia đình. Chính quyền Việt Nam bằng cách làm như vậy, cũng đồng thời hành hạ gia đình các tù nhân lương tâm luôn.
Hãy tưởng tượng rằng gia đình chỉ thăm gặp được 30 phút hoặc một tiếng đồng hồ, mà trong luật lại ghi rất mập mờ rằng cho phép thăm gặp ‘đến một tiếng’. Tức là trong thời lượng đó, họ có thể cắt thời gian thăm gặp xuống còn 10 phút, hay 15 phút, hoặc là 30 phút, hay bất kể lúc nào, chứ không đủ tròn một tiếng đồng hồ.
Sự mập mờ trong luật này đã trao cho cán bộ trại giam quyền sinh, quyền sát trong tay, và họ khống chế thời gian thăm gặp. Có những gia đình, chẳng hạn, phải đi từ Đà Nẵng và Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn mới lên Bà Rịa, Xuân Mộc để thăm người tù, ví dụ trong trường hợp của tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn chẳng hạn. Hay như bản thân tôi, hoặc anh Trần Huỳnh Duy Thức sống ở Sài Gòn, nhưng bị nhốt ở miền tây Nghệ An, giáp biên giới Lào.
Như vậy, gia đình phải bay từ Sài Gòn ra Vinh, rồi từ Vinh phải đi xe đò 70km mới lên đến miền tây Nghệ An, rồi từ bến xe đò còn đi xe máy hai cây số nữa mới đến nông trại. Những hình thức giam giữ như vậy không chỉ đàn áp những người tù án chính trị, mà còn đàn áp luôn cả gia đình của họ, gây rất nhiều khó khăn, khổ sở cho gia đình những người ấy.
Và tình trạng vi phạm nhân quyền trong các trại giam dẫn đến những tình trạng tổn hại về sức khỏe về tinh thần, về tâm thần, rồi gây thương tích, thậm chí dẫn đến những cái chết của nhiều tù nhân như thế, cho thấy rằng tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam bây giờ rất nghiêm trọng.”
Quốc hội chưa phê chuẩn toàn bộ Công ước Quốc tế và vấn đề ‘Công an trị’
Theo ông Nguyễn Văn Hải, có hai nguyên nhân chính, trong số các nguyên nhân, gây ra hệ lụy trực tiếp đến việc vi phạm nhân quyền trong các nhà tù, nhà giam, trại giam ở Việt Nam, đó là cơ quan lập pháp hàng đầu của Việt Nam là Quốc hội vẫn chưa phê chuẩn toàn bộ nội dung của một công ước quốc tế có liên quan, và thứ hai là chế độ ‘Công an trị’ ở Việt Nam cho phép dựa vào đó ngành công an có quá nhiều quyền lực mà không bị kiểm soát, ông nói:
“Trước hết, ngay cả Quốc hội Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về chống tra tấn (1), cho nên ở Việt Nam vẫn duy trì những nhà giam có giam cùm, hoặc những hình thức giam cùm rất khủng khiếp, đặc biệt ở trong những trại tạm giam. Còn khi tù nhân chuyển sang trại giam rồi, chính quyền có những khu giam riêng mà cách ly tù nhân hoàn toàn, và như tôi đã đề cập đơn cử như ở trại giam Cái Tàu ở Cà Mau, ba người tù mà chỉ được có hai lít nước một ngày thì làm sao mà tù nhân sống nổi.
Những hình thức giam giữ và khủng bố như vậy rất tàn ác, và phải nói là vi phạm nhân quyền của Việt Nam ngày càng nghiêm trọng, chứ không phải bình thường nữa, nó rất nghiêm trọng.
Còn chính xác chế độ công an trị là một nguyên nhân chính trực tiếp của vấn nạn này, và nếu các hành vi tra tấn, vi phạm nhân quyền chỉ là những hành vi nhỏ lẻ, mà lại bị pháp luật giám sát và trừng trị, thì các hành vi đó không thể nào phổ biến được.
Thế nhưng khi Bộ Công an Việt Nam quản lý các nhà tù và Bộ Công an cũng viết luật cho các nhà tù, Bộ Công an nắm hết các khâu từ bắt giữ, điều tra, giám định chứng cứ, sau đó thậm chí giám định thương tật, giám định pháp y luôn v.v…, nghĩa là tất cả những cái đó đều nằm trong tay công an hết, và chính vì hiện tượng ‘phủ bênh phủ’, ‘huyện bênh huyện’, các cơ quan giám sát không thể giám sát được, mới dẫn đến sự tự tin cho những người thi hành pháp luật của chính quyền ở trong các nhà tù, đến mức có một câu nói điển hình mà tôi nghe được khi quản giáo nói với tù nhân rằng: ‘Tụi mày chết, tụi tao chỉ tốn một tờ giấy (chứng tử) A4 mà thôi!’
Điều đó cho thấy những chính sách và những việc thực hiện chính sách đó của cả một chính quyền mới dẫn đến sự tự tin trong việc vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng đối với tù nhân, khiến những người vi phạm nhân quyền ở trong nhà tù tin rằng họ không bị trừng phạt bởi pháp luật, và vì thế cho nên họ mới ra tay đàn áp tù nhân một cách phổ biến như vậy.
Còn nếu pháp luật chuẩn mực, người tù có thể tiếp cận được công lý và các cơ quan giám sát có thể giám sát nghiêm ngặt các nhà tù, và có sự giám sát độc lập, thì những chuyện tra tấn, vi phạm nhân quyền như vậy không thể nào phổ biến và tình trạng vi phạm nhân quyền đó sẽ giảm. Thế nhưng như trên đã nói, từ việc ban hành pháp luật, thi hành pháp luật, cho đến hết cả mọi khâu, mọi việc công an đều nắm như thế, mới dẫn đến việc công an cảm thấy rằng họ không phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền mà họ gây ra với tù nhân và điều này dẫn đến tình trạng vi phạm nhân quyền ngày một phổ biến và nghiêm trọng đến vậy.”
‘Đóng cửa các trại giam khắc nghiệt, chấm dứt lao động khổ sai’
Về khuyến nghị nào cần được đặt ra để giúp chấm dứt điều được cho là ‘vấn nạn tra tấn, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng’ diễn ra ở trong các nhà tù, trại giam, cơ sở giam giữ, điều tra, xét hỏi ở Việt Nam như những cáo buộc được đưa ra nói trên, và cần làm gì để nhân quyền được cải thiện, công lý được trả lại và đảm bảo tốt hơn, từ quan điểm cá nhân của mình, nhà báo, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải nói với RFA Tiếng Việt:
“Theo Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự, tại khoản 2 ở điều 5 quy định rằng khi một quốc gia tham gia vào Công ước này, tất cả những điều luật ở trong hiến pháp, luật pháp ở nước đó phải thay đổi cho phù hợp. Trong trường hợp chưa thay đổi kịp, mọi việc phải tuân theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị đã được nêu ở trong Công ước. (2)
Cho nên đó là vấn đề của Việt Nam, Việt Nam tham gia các Công ước quốc tế từ lâu rồi, nhưng không sửa đổi các điều luật, như trường hợp liên quan ở trên, theo các Công ước quốc tế cho phù hợp, trong khi đó cộng đồng quốc tế cũng chưa có những biện pháp chế tài để buộc Việt Nam phải thay đổi.
Và nếu thay đổi những điều trên theo hướng phù hợp với các Công ước quốc tế, thì việc trao nhà tù lại cho bên ngành Tư pháp, như là Bô Tư pháp nắm giữ, rồi việc không được chuyển trại đối với tù nhân quá xa khoảng cách 300km phải được thực hiện, tôi lấy ví dụ như ngay bây giờ ở tỉnh nào, Bộ công an cũng có nhà tù, trại giam của Bộ này ở tỉnh đó, thế thì tại sao người ở trong Sài Gòn lại đưa ra tận ngoài miền Bắc và người ở miền Bắc lại đưa tận vào trong miền Nam, hay vào miền Trung? Rõ ràng, Bộ công an và chính quyền đã sử dụng những hình thức giam giữ mà chính luật pháp của họ cũng không cho phép.
Ví dụ như với tù hình sự, họ đã thực hiện việc giam giữ trong khoảng cách ‘không quá 300 km’ so với nơi là địa phương sinh sống, cư trú của người tù đó, thế thì ở đây câu hỏi đặt ra là đối với tù nhân lương tâm và tù có án chính trị, tại sao họ lại bị phân biệt đối xử và đưa đi giam giữ, cách ly xa như vậy, để dẫn đến sự khó khăn của bản thân họ và gia đình họ như thế?
Tất cả những điều này cho thấy ở Việt Nam, Quốc hội không soạn thảo những luật đó, mà bộ nào quản ngành nào thì soạn thảo luật quản ngành đó, rồi Quốc hội ký ban hành, cho thấy rằng trong việc này, Cộng đồng quốc tế phải có chế tài mới giúp thay đổi được, chứ nếu không có chế tài, thì sẽ không tạo ra sự thay đổi nào.
Phải đóng cửa những nhà tù ở những vùng mà khí hậu khắc nghiệt, như dân gian nói là ‘rừng thiêng, nước độc’, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tù nhân, thứ hai nữa là tình trạng lao động khổ sai ở trong các nhà tù phải chấm dứt, vì Việt Nam đã tham gia vào Công ước về chống lao động cưỡng bức rồi… (3)
Tất cả những hành vi vi phạm nhân quyền, phải bị trừng phạt, nếu không bị trừng phạt, họ sẽ còn tiếp tục lộng hành nữa, do đó, tôi nhắc lại là phải trao lại quyền quản lý các nhà tù, trại giam, cơ sở giam giữ về Bộ Tư pháp, để ngành tư pháp quản lý, cho được độc lập với Bộ công an.
Ngoài ra, trong việc sửa đổi pháp luật, cộng đồng quốc tế phải soi vào pháp luật của Việt Nam, đặc biệt những pháp luật liên quan quản lý trại giam và nhà tù như trong Luật thi hành án hình sự, phải hủy bỏ và chấm dứt ban hành các văn bản dưới luật, các văn bản mật, như là Thông tư 37 của Bộ Công an, gây ra vi phạm nhân quyền với tù nhân. Bởi vì, nếu cứ thực thi đúng theo Luật thi hành án hình sự, thì người tù cũng đã có nhiều quyền được đảm bảo rồi.
Đó là một vài vấn đề mà tôi khuyến nghị cộng đồng quốc tế cần giám sát, đồng thời phải có những cuộc điều tra, trong đó phỏng vấn những tù nhân, cựu tù nhân đã ra khỏi các nhà tù, ví dụ như cuộc điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) trong báo cáo ‘Nhà tù trong nhà tù’ ở Việt Nam.
Hay ví dụ, tôi thấy cần mở ra những dự án, trong đó có những luật sư quốc tế độc lập cùng các cựu tù nhân tham gia trong đó, để hình thành nên một bộ hồ sơ và đưa ra Tòa án nhân quyền để kiện chính phủ Việt Nam và đưa ra một số trừng phạt với một số quan chức, giám thị, quản giáo ở các trại giam đã gây ra những cái chết, thương tích nặng cho các tù nhân lương tâm, tù nhân án chính trị, cũng như tù hình sự và có các hành vi vi phạm nhân quyền trong các trại giam.
Thậm chí, phải trừng trị cả những nhân vật mà đã tạo ra những văn bản dưới luật, những thông tư vi phạm nhân quyền ở trong các nhà tù, trại giam, trong đó có Thông tư 37 của Bộ Công an, vốn gây ra những hình thức vi phạm pháp luật. Những việc làm này phải bị trừng phạt, và Mỹ và một số nước châu Âu đã có những luật, như luật (Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu) Magnitsky (4), hoặc những luật tương tự luật đó, thì phải áp dụng cho những nhân vật mà đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Rất mong có được sự tham gia của các luật sư, luật sư độc lập tham gia vào các dự án như vậy cùng với các tù nhân, cựu tù nhân, có sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông… Khi ấy, những việc đó sẽ đem lại những lợi ích cho các tù nhân, giúp thay đổi nhiều việc, chẳng hạn trong đó là giúp chấm dứt việc chính quyền lưu đày các tù nhân xa trên cả ngàn cây số, mà đã và đang gây ra rất nhiều nỗi đau khổ cho các tù nhân và gia đình của họ.”
Hình minh họa: Tù nhân đi lao động về tại trại Gia Trung, Gia Lai. Báo Gia Lai.
‘Hy vọng nhân quyền được cải thiện, công lý được trả lại’
Cũng trong dịp này, nhà báo, blogger Nguyễn Văn Hải nói thêm với Đài Á Châu Tự Do rằng ông rất hy vọng những dự án, việc làm, những điều mà ông đã đề cập, hay khuyến nghị như trên, sẽ góp phần cải thiện nhân quyền ở Việt Nam nói chung, đảm bảo tốt hơn nhân quyền trong các nhà tù, trại giam ở Việt Nam nói riêng và cũng qua đó lấy lại, đem lại công lý cho nhiều người:
“Tôi rất muốn được thấy những dự án như vậy, như một dự án mà trong đó tôi cũng đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan vấn đề nhân quyền này, từ báo cáo ‘Nhà tù trong nhà tù’ của Amnesty International, cho đến những đàn áp trên không gian mạng, hay trong báo cáo về vụ Đồng Tâm. Xin mở ngoặc là trong hồ sơ vụ Đồng Tâm, tôi cũng là một trong bảy thành viên của nhóm hành động vì Đồng Tâm. Tất cả những điều đó, đều là đưa ra những bằng chứng về những ‘tội ác’ mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã làm đối với tù các nhân lương tâm, hay đối với những người dân, hay những vụ cướp đất cũng thế.
Đó cũng là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tại vì ở nhiều nước, những vụ việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân chỉ là tranh chấp hành chính, dân sự, nhưng ở Việt Nam thì luôn luôn có công an tham gia, và dùng sự tước đoạt bằng vũ lực để cướp đoạt những quyền lợi, cưỡng chiếm đất đai, tài sản của người dân một cách công khai. Lâu nay, những hành vi này đã không bị trừng phạt, nên rất mong muốn có những dự án, hay một dự án được thành lập bởi các luật sư quốc tế và độc lập, cùng với các cựu tù chính trị, như đã đề cập, xây dựng những hồ sơ để đưa ra các tòa án quốc tế, trong đó có tòa án nhân quyền quốc tế để tìm kiếm, trả lại và đảm bảo công lý cho các nạn nhân.
Cá nhân tôi là một cựu tù nhân lương tâm đã đi qua 11 nhà tù khác nhau, với trên 20 lần chuyển trại, đó là lý do vì sao mà cộng đồng quốc tế quan tâm lại hỏi nhiều đến vấn đề nhà tù ở Việt Nam, và bản thân tôi cũng theo dõi nhiều về vấn đề luật pháp của Việt Nam, cũng như các văn bản dưới luật, các Thông tư liên quan quản lý tù nhân, cũng như những hiện tượng đàn áp tù nhân, cho nên nếu các dự án đã nói, mà ngoài các luật sư quốc tế và độc lập, các cựu tù nhân v.v… tham dự, còn có thêm sự tham gia của các luật sư ở trong nước tại Việt Nam nữa, thì sẽ rất hứa hẹn.
Gần đây nhất, tôi xin nói thêm, có ba luật sư ở Việt Nam thường xuyên bảo vệ cho các tù nhân lương tâm, tù chính trị, đã ra khỏi đất nước, họ và những người như họ được kỳ vọng cũng sẽ là những người đóng góp những chứng cứ cụ thể nhất, bởi vì những luật sư đó được tham gia các vụ án, họ được sao chép những hồ sơ vụ án, thành ra họ là những nguồn có rất nhiều chứng cứ để giúp cho những hồ sơ gửi ra các tòa án quốc tế, tòa án nhân quyền quốc tế được hình thành nên.
Và những chứng cớ, những dẫn chứng như tôi đã nói, bên cạnh những bài báo, những báo cáo mà như tôi đã tham gia, cũng sẽ là những dữ liệu để đưa ra tòa án quốc tế để xét xử, để những người gây ra những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam phải bị trừng phạt, bởi vì luật quốc tế đã có và các quốc gia tham gia cũng đã ban hành những luật riêng của mình rồi, cho nên tất cả những yếu tố này chỉ cần các luật sư giỏi tổng hợp lại, với những người khác như chúng tôi tham gia trong những dự án như thế, thì tôi hy vọng việc làm đó sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và cả tù hình sự, cũng như gia đình của họ nữa.
Về sự tham gia của các luật sư, quý nhất với ba luật sư từ Việt Nam ra nước ngoài, mà trong đó có luật sư Đặng Đình Mạnh, người đã tham gia bào chữa tới 37 vụ, các luật sư này sẽ là nguồn cung cấp chứng cứ rất mạnh thông qua những hồ sơ vụ án họ tham dự, điều đó sẽ thuyết phục rất nhiều. Bởi vì chúng tôi chỉ là những người bị đàn áp, bị bỏ tù, sau đó lên tiếng tố cáo những hành vi đàn áp tù nhân và những hình thức giam giữ ở trong các nhà tù, thế nhưng các luật sư như trên là những người có luôn những hồ sơ, như những chứng cứ, mà chính do công an Việt Nam điều tra, thì đấy là những nguồn rất quý giá giúp hình thành nên một dự án rất khả thi trong việc đòi lại quyền làm người của các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, cũng như các tù hình sự và qua đó đòi lại công lý,” nhà báo tự do, blogger Điều Cày Nguyễn Văn Hải nói với RFA Tiếng Việt từ Garden Grove, California, Hoa Kỳ.
Quốc Phương (London)
Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải từng nhận được Giải thưởng Hellman/Hammett năm 2009 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Giải Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013 của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) và Giải “One Humanity” năm 2013 của Hội Văn bút Canada. Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi một chia sẻ trên quan điểm riêng gần đây với Đài Á Châu Tự Do, của nhà báo, blogger này về tình trạng nhà tù, trại giam tại Việt Nam, như ông chứng kiến:
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/torture_prison_current_affair-06302023094145.html
RFA (10.07.2023)