Seite auswählen

Nikkei Asia

Tác giả: Yuji Nitta

Cù Tuấn, biên dịch

Tiếng Dân

4-8-2023

Bà Thủy, CEO VinFast nói chuyện với Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng. Ảnh trên mạng

Tóm tắt: VinFast đang rất khó khăn để tạo ra lợi nhuận trong bối cảnh tiền đầu tư trả trước quá lớn.

HÀ NỘI – Tập đoàn Vingroup của Việt Nam đã đặt cược lớn vào việc toàn cầu sẽ chuyển sang dùng xe điện. Nhưng hoạt động kinh doanh xe điện của họ rất khó để cất cánh, bị sa lầy do thị trường nội địa chậm tiếp nhận điện khí hóa và việc triển khai gặp khó khăn trên thị trường Mỹ.

VinFast, nhánh xe điện của tập đoàn này, tự hào có một cơ sở sản xuất tiên tiến trên đảo Cát Hải ở thành phố cảng Hải Phòng.

Đây là “cơ sở sản xuất đẳng cấp thế giới với 90% quy trình được tự động hóa”, Giám đốc điều hành VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết trong chuyến thăm địa điểm này gần đây.

Bà Thủy nói: “Sức mạnh của VinFast nằm ở tốc độ. Chúng tôi có thể làm những việc mà các nhà sản xuất hiện có với hệ thống [ra quyết định] phức tạp không thể làm được“.

Năm 2019, VinFast trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất xe xăng tại Việt Nam. Công ty này đã chuyển sang xe điện vào năm 2021 trong nỗ lực thúc đẩy quá trình điện khí hóa toàn cầu, trước khi từ bỏ hoàn toàn việc sản xuất xe chạy bằng xăng vào năm 2022.

Thiết kế nội thất cho các dòng xe của VinFast bắt chước xe điện của gã khổng lồ Tesla trong việc loại bỏ các đồng hồ đo vật lý và công tắc để chuyển sang một màn hình lớn ở trung tâm bảng điều khiển. Tất cả bốn mẫu xe điện của công ty, bao gồm cả xe thể thao đa dụng, đều được sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng, với đội ngũ nhân viên bao gồm các kỹ thuật viên và kỹ sư nước ngoài đến từ khoảng 30 quốc gia.

Một chuyên gia máy ép đến từ Brazil với gần 30 năm kinh nghiệm tại Hyundai Motor và các nhà sản xuất ô tô khác cho biết ông gia nhập Vinfast để đón nhận một thách thức mới. Một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ giám sát quá trình lắp ráp đến từ nhà sản xuất ô tô châu Âu Stellantis. Các công nhân khác đã đến đây từ Toyota Motor, General Motors và Tesla.

Nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn còn thấp tại nhà máy Hải Phòng trên, trong bối cảnh nhu cầu trong nước khá ảm đạm. Thị trường xe truyền động 4 bánh (4WD) của Việt Nam còn nhỏ, với quy mô hàng năm từ 400.000 đến 500.000 chiếc do xe truyền động 2 bánh (2WD) giá rẻ được ưa chuộng hơn tại quốc gia này. Xe điện, bao gồm cả xe điện của các công ty đối thủ như Tesla, hiếm khi xuất hiện trên đường phố.

VinFast chỉ bán được 7.400 xe vào năm 2022. Giả sử năng lực sản xuất của nhà máy ở Hải Phòng là 38 chiếc mỗi giờ, hoặc tối đa là 250.000 chiếc mỗi năm, thì hiệu suất sử dụng nhà máy đối với việc sản xuất xe điện vào năm ngoái chỉ ở mức khoảng 3%.

Ngoài việc lắp đặt các cơ sở sạc điện tại các khu vực đô thị như Hà Nội, Vingroup đang sản xuất pin ô tô cùng với công ty Contemporary Amperex Technology của Trung Quốc (CATL) và cũng đã bắt đầu tái chế pin. Công ty này đã tham gia vào thị trường taxi xe điện và đang hợp tác với một công ty khởi nghiệp ứng dụng gọi xe.

Để khuyến khích những người tiêu dùng còn nghi ngờ về xe điện, công ty thậm chí đã bắt đầu quảng bá dịch vụ mua lại những chiếc xe điện đã qua sử dụng sau 5 năm.

Các công ty trong Vingroup bổ sung cho nhau và chuyên môn của chúng tôi có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp”, bà Thủy nói.

Trong khi cố gắng nuôi dưỡng thị trường trong nước, VinFast cũng có ý định giành lấy một phần thị trường khổng lồ ở Mỹ, nhưng việc tung xe điện ra quá vội vàng đã dẫn đến một chuyến đi gập ghềnh.

Sau một thời gian trì hoãn, công ty này đã buộc phải thu hồi tất cả 999 chiếc xe đã được vận chuyển đến Mỹ trong đợt đầu tiên. Lỗi phần mềm gây ra việc thu hồi là một mối lo ngại ngay cả trước khi xuất khẩu xe sang Mỹ. Việc khởi động sản xuất tại nhà máy của VinFast ở Mỹ, dự kiến có công suất sản xuất hàng năm là 150.000 chiếc, cũng đã bị lùi lại từ tháng 7 năm 2024 đến năm 2025 hoặc muộn hơn.

Do phải chi trước nhiều khoản tiền, hoạt động kinh doanh sản xuất của VinFast – bao gồm cả xe điện – đang báo lỗ 14 nghìn tỷ đồng (khoảng 590 triệu USD) trong nửa đầu năm 2023. Con số này là cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái với khoản lỗ 16 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2024, doanh số sẽ đạt 60.000 đến 70.000 xe và EBITA [thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao] sẽ là hòa vốn”, nhà sáng lập Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết vào tháng 5. “Chúng tôi sẽ có thể tạo ra lợi nhuận trong năm tài chính 2025“. Nhưng triển vọng khá u ám.

Ông Vượng được mệnh danh là ông vua bất động sản Việt Nam. Công việc kinh doanh mì ăn liền mà ông bắt đầu ở Ukraine vào năm 1993 là bước đi đầu tiên của ông với tư cách là một doanh nhân. Vào những năm 2000, ông đã đầu tư số tiền kiếm được từ liên doanh đó vào một cơ sở thương mại và một khu nghỉ dưỡng ở quê nhà. Đón đầu làn sóng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, ông trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Ông Vượng là một người nhạy bén, dám chấp nhận rủi ro và nhanh chóng từ bỏ công việc kinh doanh khi ông thấy chúng sẽ thất bại. Trước đây, Vingroup đã từng lấn sân sang điện thoại thông minh và TV, nhưng ông Vượng đã quyết định rút lui chỉ sau hai hoặc ba năm. Ông đã tìm cách tạo ra một thương hiệu đồ gia dụng trong nước nhưng không thể cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đó là lý do tại sao quyết định của ông Vượng nhằm hỗ trợ VinFast với 1 tỷ đô la từ tài sản cá nhân của chính mình vào mùa xuân này có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy cam kết sâu sắc của ông đối với hoạt động kinh doanh xe điện.

Tuy nhiên, ông Vượng không thể chỉ ngồi chờ VinFast cất cánh. Mặc dù đã đầu tư hàng tỷ đô la, nhưng chi phí trả trước sẽ còn tăng thêm do việc xây dựng nhà máy ở Mỹ, cũng như chi phí nghiên cứu và phát triển.

Doanh thu của toàn tập đoàn đã tăng lên trong 10 năm qua, nhưng lợi nhuận đã không theo kịp, khiến tập đoàn rơi vào tình trạng lỗ ròng vào năm 2021. Khi tổng tài sản của tập đoàn tăng nhanh sau năm 2019, khi công ty bắt đầu sản xuất xe ô tô chạy xăng, hiệu quả sử dụng tài sản của công ty trở nên xấu đi. Giá cổ phiếu của Vingroup hiện tại chưa bằng một nửa so với mức đỉnh trước khi bắt đầu sản xuất xe điện.

Việc niêm yết chứng khoán của VinFast tại Mỹ, vốn được chờ đợi từ lâu, cũng gặp nhiều khó khăn. VinFast đã gấp rút nộp đơn đăng ký niêm yết vào cuối năm 2022, nhưng con đường đến với đợt chào bán lần đầu ra công chúng gặp nhiều cản trở. Vào tháng 5, VinFast chuyển sang niêm yết thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại đặc biệt, công ty này sẽ tổ chức cuộc họp cổ đông vào ngày 10 tháng 8 để thông qua việc sáp nhập.