Mục lục
Quân đội Phi Luật Tân tuyên bố gửi thêm tiếp tế đến rạn san hô tranh chấp
Phi Luật Tân sẽ gửi thêm tiếp tế đến tiền đồn xa xôi trên một rạn san hô ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp vào đầu tuần tới, một chỉ huy quân sự cho biết hôm thứ Năm (10/8), vài ngày sau khi các tàu Trung cộng cản trở việc giao hàng.
Tàu Trung cộng bắn vòi rồng vào tàu Phi Luật Tân. (Ảnh chụp màn hình video)
Nhiệm vụ tiếp tế hôm 5/8 đã không thể hoàn tất việc dỡ hết hàng hóa sau khi các tàu Cảnh sát biển Trung cộng chặn và bắn vòi rồng vào các tàu bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân cùng các tàu thuê chở lương thực, nước và nhiên liệu cho quân đội Phi Luật Tân đóng tại Bãi Cỏ Mây.
Vụ việc đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh, đồng thời làm dấy lên sự chỉ trích quốc tế về hành động của Trung cộng.
Bãi Cỏ Mây cách Palawan khoảng 200 km và cách đảo Hải Nam của Trung cộng, hơn 1.000 km. Năm 1999, hải quân Phi Luật Tân neo đậu tàu chiến cũ BRP Sierra Madre từ thời Thế chiến thứ hai lên bãi Cỏ Mây, biến nó thành một tiền đồn nhằm kiểm soát bước tiến của Trung cộng trong vùng biển tranh chấp nóng bỏng. Lực lượng đồn trú nhỏ bé này vẫn phụ thuộc vào việc tiếp thế thường xuyên để tồn tại.
Một trong những chiếc thuyền thuê chở đồ tiếp tế đến tiền đồn hôm 5/8 đã bị ngăn cản không cho đến bãi cạn, chỉ có một chiếc tàu dỡ hàng thành công.
“Hy vọng chuyến hàng tiếp tế tiếp theo sẽ chuyển đi vào đầu tuần tới, nhưng chắc chắn là trước khi nguồn cung cạn kiệt. Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo thời gian,” Phó Đô đốc Alberto Carlos, Tư lệnh Bộ chỉ huy phía Tây của Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân trên đảo Palawan nói với phóng viên.
Ông Carlos lưu ý, họ sẽ sử dụng những chiếc thuyền thuê mướn giống như lần tiếp tế vào ngày 5/8, và hy vọng sẽ không có một sự cố vòi rồng nào khác.
Vụ việc hôm 5/8 đã làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia vốn có lịch sử tranh chấp hàng hải lâu đời ở Biển Đông.
Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy, nơi mà lượng hàng hóa trị giá hàng nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm, đồng thời phớt lờ phán quyết quốc tế về việc tuyên bố của họ không có cơ sở pháp lý.
Tham mưu trưởng quân đội Phi Luật Tân, Tướng Romeo Brawner phát biểu trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh phía Tây ở Palawan hôm 10/8, nước này cần tăng cường sự hiện diện của mình trong vùng biển.
“Chúng tôi có kế hoạch triển khai thêm tàu, thậm chí cả máy bay, để có thể bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi… Chúng tôi thực sự phải thiết lập sự hiện diện thêm nữa của mình trong khu vực,” ông Brawner nhấn mạnh.
Trung cộng đã triển khai hàng trăm tàu để tuần tra Biển Đông và các rạn san hô.
Manila lên án các tàu bảo vệ bờ biển và hải quân của Trung cộng thường xuyên chặn hoặc theo dõi các tàu thuyền của Phi Luật Tân trong vùng biển tranh chấp.
Về vụ chặn tàu tiếp tế Phi Luật Tân hôm 5/7, Bắc Kinh khẳng định hành động của họ “chuyên nghiệp”, và cáo buộc Manila “giao vật liệu xây dựng bất hợp pháp” cho con tàu mắc cạn.
Trong khi đó, phía Phi Luật Tân khẳng định rằng Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, và do đó những nỗ lực tiếp tế cho quân đội và gia cố BRP Sierra Madre của Phi Luật Tân là hợp pháp.
Theo AFP
Trithucvn (11.08.2023)
Phi Luật Tân và Hoa Kỳ sẽ tiến hành tuần tra chung trong năm nay
Lính Mỹ và Phi Luật Tân tại lễ chào cờ nhân kết thúc cuộc tập trận chung của hai nước có tên MASA tại TP Taquia hôm 21/7/2023 AFP
Phi Luật Tân và Hoa Kỳ sẽ tiến hành tuần tra chung tại Biển Đông trong năm nay vào khi căng thẳng tại khu vực này tăng cao do thái độ hung hăng thêm nữa của Trung cộng.
Benar News loan tin ngày 9/8 và cho biết kế hoạch tuần tra chung Mỹ- Phi được đặt trên bàn của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. từ khi ông này lên nắm quyền vào năm ngoái thay vị tiền nhiệm Rodrigo Duterte – người theo chính sách chuyển trục sang Bắc Kinh.
Phát ngôn nhân Jonathan Malaya của Nhóm Tác chiến Biển Tây Phi Luật Tân tiết lộ rằng các cuộc đàm phán về tuần tra chung Mỹ – Phi đang bước vào giai đoạn cấp cao, và sẽ thành hiện thực nội trong năm nay. Tuy nhiên, vị này từ chối cho biết thêm chi tiết; trong khi đó Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Manila chưa trả lời yêu cầu bình luận của Benar News.
Tin tức về hoạt động tuần tra chung giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân được đưa ra vào lúc căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh tăng cao qua vụ việc xảy ra hồi 5/8 tại Bãi Cỏ Mây.
Lúc đó một tàu hải cảnh của Trung cộng đã ngăn chặn và phun vòi rồng vào tàu của Phi Luật Tân khi tàu này theo định kỳ đang vận chuyển đồ tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây do Phi Luật Tân kiểm soát thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Quân đội Phi Luật Tân gọi hành động của tàu hải cảnh Trung cộng là phớt lờ sự an toàn của những người trên tàu và vi phạm luật quốc tế.
Thông báo một ngày sau đó của Phi Luật Tân cho biết tàu hải cảnh Trung cộng còn có các hành vi nguy hiểm ngăn cản tàu tiếp tế thứ hai của Phi Luật Tân hoàn tất việc chuyển đồ tiếp tế.
Trong khi đó, người phát ngôn Hải cảnh Trung cộng Gan Yu tiếp tục khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Bắc Kinh ở khu vực quần đảo Trường Sa và vùng nước xung quanh, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây.
“Chúng tôi kêu gọi Phi Luật Tân ngừng ngay lập tức các hoạt động vi phạm trong vùng nước này” – người phát ngôn Hải cảnh Trung cộng viết dòng trạng thái này trên tài khoản mạng xã hội WeChat của Trung cộng.
Sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phản đối Trung cộng và cho rằng Trung cộng liên tục có các hành động đe dọa gây mất nguyên trạng ở Biển Đông, trực tiếp đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực.
“Hoa Kỳ khẳng định một cuộc tấn công vũ trang vào các tàu, máy bay và lực lượng vũ trang của Phi Luật Tân bao gồm cả những sự việc liên quan đến tàu tuần tra ở khu vực Biển Đông sẽ khiến kích hoạt cam kết về quốc phòng bảo vệ lẫn nhau của Mỹ theo Điều IV Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Phi Luật Tân 1951” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
RFA (10.08.2023)
Giữa căng thẳng với Trung cộng, TT Phi Luật Tân nhắm ký thỏa thuận hàng hải với Việt Nam
Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr.
Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. hôm thứ Năm (10/8) nói rằng Phi Luật Tân mong muốn ký một thỏa thuận với Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác hàng hải ở Biển Tây Phi Luật Tân (Biển Đông), giữa bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa nước này với Trung cộng trong tuần qua sau khi tàu hải cảnh Trung cộng dùng vòi rồng bắn vào các tàu tiếp tế của Phi Luật Tân tại Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông vào ngày 5/8.
Truyền thông Phi Luật Tân cho biết trong cuộc hội đàm với Đại sứ Việt Nam tại Phi Luật Tân Hoàng Huy Chung, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nói một thoả thuận hàng hải với Việt Nam sẽ mang lại “sự ổn định” và giúp đối mặt “dễ dàng hơn” với “những thách thức chung” trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Tuyên bố được đưa ra trong cuộc điện đàm chia tay với Đại sứ Việt Nam sắp mãn nhiệm Hoàng Huy Chung tại Manila, theo thông cáo từ văn phòng của ông Marcos.
“Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu thảo luận về thỏa thuận mà chúng ta có giữa Phi Luật Tân và Việt Nam, tôi nghĩ đây là một điều rất, rất quan trọng – nó sẽ là một phần rất, rất quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta và nó sẽ mang lại yếu tố ổn định đối với các vấn đề mà chúng ta đang thấy hiện nay ở Biển Đông”, Politiko dẫn lời Tổng thống Phi Luật Tân nói.
Theo lời ông Marcos, thỏa thuận sẽ đánh dấu “một bước tiến rất lớn” trong quan hệ giữa hai quốc gia Đông Nam Á.
Việc Manila cân nhắc ký thỏa thuận với Hà Nội diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên biển đang leo thang giữa Phi Luật Tân và Trung cộng. Quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Manila đã đi xuống do những tranh chấp ở Biển Đông.
Tàu chiến mắc cạn Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.
Sự việc gần nhất diễn ra hôm 5/8. Phi Luật Tân cáo buộc Trung cộng gây hấn ở Biển Đông khi hải cảnh của họ sử dụng vòi rồng và thực hiện các hành động được cho là nguy hiểm đối với các tàu Phi Luật Tân chở hàng tiếp tế cho các binh sĩ trên chiếc tàu Sierra Madre mắc cạn từ thời Thế chiến thứ hai tại Bãi Cỏ Mây.
Phi Luật Tân đã gửi công hàm phản đối tới Trung cộng về vụ việc “vi phạm luật pháp quốc tế”.
Ngược lại, phía Trung cộng cáo buộc Phi Luật Tân không giữ lời hứa “rõ ràng” là sẽ di dời con tàu mà Manila đã cho neo đậu vào năm 1999 để củng cố yêu sách lãnh thổ của mình tại một trong những khu vực tranh chấp nhất trên thế giới.
Đáp lại, Phi Luật Tân nói họ chưa bao giờ hứa với Trung cộng về việc di dời con tàu và tuyên bố của Bắc Kinh chỉ là “sản phẩm trong trí tưởng tượng nhằm phục vụ cho tất cả những ý đồ và mục đích của họ”.
Trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Philipines, Đại sứ Hoàng Huy Chung cảm ơn ông Marcos vì sự hợp tác của Phi Luật Tân “liên quan đến lợi ích chung ở Biển Tây Phi Luật Tân và ngăn chặn các sự cố ở vùng biển Phi Luật Tân”, trang Yeni Safak tường thuật.
Ông Chung cũng nói với ông Marcos rằng Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng bày tỏ lòng biết ơn tới ông Marcos và chính phủ Phi Luật Tân vì đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đặc biệt là vì lợi ích chung của hai quốc gia ở Biển Đông và ngăn chặn các sự cố tiếp theo ở vùng biển Phi Luật Tân.
Trong khi đó, ông Marcos nói rằng một thỏa thuận “tốt vững chắc” có lợi cho cả hai nước và giúp đối đầu với “những thách thức chung” trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông “dễ dàng hơn”.
Manila dưới thời của Tổng thống Marcos, người vừa lên nhậm chức vào năm ngoái, đã có những bước đi kiên quyết và thẳng thừng trong việc đối phó với Trung cộng trên Biển Đông. Phi Luật Tân được cho là nghiêng hẳn về phía Mỹ khi cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn trước.
VOA (10.08.2023)
Bài học cho Việt Nam từ sự kiện Bãi Cỏ Mây vừa qua
Hình ảnh tàu hải cảnh TC phun vòi rồng vào tàu của Phi Luật Tân ở Biển Đông được Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân công bố tại một họp báo ở Manila hôm 7/8/2023 Reuters
Biển Đông lại nóng
Trung cộng lại tiếp tục “quậy phá” tại Biển Đông. Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân (AFP) và Cảnh sát biển Phi Luật Tân (PCG) ngày 6/8 đã đồng thời ra tuyên bố lên án việc tàu hải cảnh Trung cộng sử dụng vòi rồng tấn công tàu tuần duyên và tàu tiếp tế của Phi Luật Tân ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 5/8 trước đó (1).
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cũng cho biết:
“Lực lượng Hải cảnh Trung cộng (CCG), Hải quân Trung cộng (PLAN) và các tàu dân quân biển Trung cộng đã ngăn chặn và thực hiện các hành động gây hấn, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng, chống lại các tàu tiếp tế và tàu Cảnh sát biển của Phi Luật Tân đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế luân phiên đến con tàu cũ BRP Sierra Madre vào ngày 5 tháng 8, trong khu vực cách bãi Cỏ Mây khoảng 2,9 hải lý.
Phi Luật Tân yêu cầu Trung cộng chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp trong vùng biển của chúng tôi.
Bộ Ngoại giao (DFA) hợp tác với AFP và PCG trong việc theo đuổi sứ mệnh chung là bảo vệ và duy trì các quyền lợi hợp pháp trên biển của chúng ta. DFA đang tận dụng tối đa các quy trình ngoại giao của chúng tôi và đang thực hiện tất cả các hành động có thể có đối với chúng tôi, bao gồm cả việc triệu tập Đại sứ Trung cộng về vụ việc này.
Nhiệm vụ luân chuyển, tiếp tế và bảo trì con tàu cũ BRP Sierra Madre là các hoạt động hợp pháp của Chính phủ Phi Luật Tân trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước chúng tôi, tất cả đều phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Là một thực thể lúc chìm lúc nổi, bãi Cỏ Mây không thể là đối tượng của yêu sách chủ quyền cũng như không có khả năng chiếm đoạt theo luật pháp quốc tế – một thực tế đã được Phán quyết trọng tài năm 2016 khẳng định. Do đó, Trung cộng không thể thực thi chủ quyền hợp pháp đối với thực thể này.
Việc Trung cộng thực thi trái phép các quyền thực thi pháp luật trên biển; can thiệp vào một nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế hợp pháp của Phi Luật Tân, bao gồm cả việc nước này sử dụng vòi rồng một cách hung hăng đối với các tàu của chúng tôi; và bất kỳ hoạt động nào khác xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi đối với Bãi Cỏ Mây đều là vi phạm luật pháp quốc tế.” (2)
Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân (AFP) nói rõ thêm: “Những chiếc tàu này đang vận chuyển thực phẩm, nước, nhiên liệu và các nguồn cung cấp khác cho quân đội của chúng tôi đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.
Những hành động như vậy của CCG (Hải cảnh Trung cộng) không chỉ coi thường sự an toàn của thủy thủ đoàn PCG (Cảnh sát biển Phi Luật Tân) và các tàu tiếp tế mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Công ước năm 1972 về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGS) và Phán quyết Trọng tài năm 2016.” (3)
AFP còn kêu gọi: “Hải cảnh Trung cộng và Quân ủy Trung ương hành động thận trọng và có trách nhiệm trong hành động của mình để ngăn chặn những tính toán sai lầm và tai nạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con người” (4).
Nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ Phi Luật Tân
Chỉ 2 tiếng đồng hồ sau khi phía Phi Luật Tân ra tuyên bố về sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố lên án hành động của Trung cộng. Tuyên bố cũng nhấn mạnh “một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Phi Luật Tân – bao gồm cả tàu Hải cảnh của nước này ở Biển Đông – sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân năm 1951.” (5)
Chính phủ Australia, Nhật Bản, Canada và Vương quốc Anh (UK) cũng như Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra các tuyên bố chỉ trích các hành động “không thể chấp nhận được” và “gây mất ổn định” của Trung cộng trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân (6).
Nước Đức cũng ra tuyên bố ngay ngày 6/8: “Đại sứ quán Đức lo ngại về các thao tác nguy hiểm và việc sử dụng vòi rồng của các tàu “Hải cảnh Trung cộng chống lại sứ mệnh tiếp tế hợp pháp của Phi Luật Tân trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.
Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và Công ước về Quy định Quốc tế về Ngăn ngừa Va chạm trên Biển), lấy Phán quyết Trọng tài năm 2016 làm trọng tâm.
Trước sự kiện gần đây, Đức nhấn mạnh rằng tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình chứ không phải bằng vũ lực hoặc ép buộc.” (7)
Canada ngày 6/8 cũng ra tuyên bố: “Canada lên án mạnh mẽ các hành động nguy hiểm và khiêu khích của Lực lượng Hải cảnh Trung cộng đối với các tàu Phi Luật Tân vào ngày 5 tháng 8, ở khu vực lân cận bãi Cỏ Mây bên trong Vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.
Các hành động không an toàn và sử dụng vòi rồng để cản trở hoạt động hợp pháp của các tàu Phi Luật Tân là không thể chấp nhận được và không phù hợp với các nghĩa vụ của CHND Trung Hoa theo luật pháp quốc tế.
Các hành động đe dọa và ép buộc liên tục của Trung cộng đối với các nước láng giềng làm suy yếu an toàn, an ninh và ổn định trên toàn khu vực, đồng thời làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm nghiêm trọng.
Canada nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết trọng tài năm 2016 về Biển Đông, là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc, đồng thời kêu gọi CHND Trung Hoa tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.
Chỉ bằng cách đảm bảo tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, chúng ta mới có thể cùng nhau đặt ra các điều kiện để quản lý hợp tác và hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, duy trì an toàn và an ninh hàng hải, bảo tồn đa dạng sinh học biển và tôn trọng ranh giới biển, đồng thời đảm bảo quyền của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế được bảo vệ.” (8)
Trung cộng biện luận
Phía Trung cộng cũng đưa ra cách biện luận của mình:
Bãi Nhân Ái (Bãi Cỏ Mây) luôn là một phần của Nam sa quần đảo của Trung cộng. Bối cảnh lịch sử của vấn đề Bãi Nhân Ái rất rõ ràng. Năm 1999, Phi Luật Tân cử tàu chiến “đổ bộ” trái phép lên Bãi Nhân Ái, nhằm thay đổi hiện trạng của Bãi Nhân Ái một cách bất hợp pháp. Ngay lập tức, Trung cộng đã có những hành động nghiêm túc đối với Phi Luật Tân, yêu cầu trục xuất con tàu này. Phi Luật Tân nhiều lần hứa sẽ kéo nó đi, nhưng vẫn chưa hành động. Không dừng lại ở đó, Phi Luật Tân tìm cách sửa chữa, gia cố tàu chiến nhằm chiếm đóng lâu dài Bãi Nhân Ái. Ngày 5/8, bất chấp sự can ngăn và cảnh báo nhiều lần của Trung cộng, Phi Luật Tân đã cử hai tàu xâm phạm vùng biển lân cận của Bãi Nhân Ái và cố gắng vận chuyển vật liệu xây dựng để sửa chữa và gia cố tàu chiến “bị mắc cạn”. Những hành động như vậy đã vi phạm chủ quyền của Trung cộng và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung cộng (CCG) đã ngăn chặn họ theo luật và cảnh cáo họ bằng các biện pháp thực thi pháp luật thích hợp. Các thao tác của họ rất chuyên nghiệp, có kiềm chế và không thể chê vào đâu được.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, bất chấp sự thật, đã tấn công các hành động chính đáng và hợp pháp của Trung cộng trên biển nhằm bảo vệ các quyền của mình và thực thi luật pháp. Tuyên bố cũng lên tiếng ủng hộ hành vi khiêu khích, phi pháp của Phi Luật Tân. Trung cộng kiên quyết phản đối tuyên bố này. Trong một thời gian, Mỹ đã kích động và ủng hộ nỗ lực của Phi Luật Tân trong việc sửa chữa và củng cố tàu chiến của họ đã cố tình “đổ bộ” vào Bãi Nhân Ái. Thậm chí, Mỹ đã cử máy bay và tàu quân sự đến hỗ trợ, hỗ trợ Phi Luật Tân, đồng thời nhiều lần tìm cách đe dọa Trung cộng bằng cách viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ với Phi Luật Tân. Hoa Kỳ đã ủng hộ Phi Luật Tân một cách trắng trợn khi nước này xâm phạm chủ quyền của Trung cộng, nhưng những động thái đó sẽ không thành công.
Vụ trọng tài Biển Đông là một vở kịch chính trị thuần túy được dàn dựng dưới danh nghĩa luật pháp với việc Mỹ giật dây đằng sau hậu trường. Cái gọi là phán quyết trái với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và là bất hợp pháp, vô hiệu. Việc Hoa Kỳ cố gắng đưa ra phán quyết bất hợp pháp sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm kiên quyết của Trung cộng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của mình theo luật pháp. Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ ngừng lợi dụng vấn đề Biển Đông để gây hoang mang và bất hòa, đồng thời kêu gọi Mỹ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung cộng ở Biển Đông, đồng thời tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.” (9)
Hình ảnh do Tuần duyên Phi Luật Tân cung cấp cho thấy tàu hải cảnh của Trung cộng chặn tàu tuần duyên Phi Luật Tân ở gần Bãi Cỏ Mây. AFP
Trung cộng hoàn toàn đuối lý
Với lập luận của các bên như vậy, rõ ràng là Trung cộng hoàn toàn đuối lý. Về mặt luật pháp quốc tế, không thể có chuyện Trung cộng yêu sách chủ quyền đối với bãi lúc chìm lúc nổi được. Theo luật pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể yêu sách chủ quyền trên một thực thể luôn nổi trên mặt nước. Chưa kể, Trung cộng là thành viên của UNCLOS nhưng lại chối bỏ Phán quyết Biển Đông của Toà Trọng tài năm 2016 là không thể chấp nhận được. Trung cộng chỉ có thể dùng chiêu bài “ném bùn sang ao” khi đổ thừa Phán quyết Biển Đông có bàn tay của Mỹ ủng hộ. Trong khi đây hoàn hoàn là hành động tự vệ pháp lý hợp pháp của Phi Luật Tân.
Chiến thuật cải bắp được lặp lại
Năm 2012, Trung cộng đã sử dụng “chiến thuật cải bắp” để chiếm đoạt Bãi Scarborough từ tay của quân đội Phi Luật Tân. “Chiến thuật cải bắp”được một viên tướng Trung cộng mô tả là “Khi có tranh chấp biển, đầu tiên Trung cộng đưa tàu cá đến khu vực, tiếp theo là tàu hải giám và cuối cùng là tàu chiến. Mỗi lúc thích hợp lại sử dụng một lớp, xiết chặt dần hơn để khẳng định yêu sách của Bắc Kinh” (10). Trong lần này, Trung cộng đã áp dụng “chiến thuật cải bắp” thông qua việc triển khai ba lớp, gồm tàu hải cảnh, tàu dân binh và tàu hải quân ở vòng ngoài trong hoạt động gây hấn này. Tuy nhiên, họ vẫn giữ cho hoạt động của họ nằm ở ngưỡng “vùng xám”, tức là chưa đến mức “một cuộc tấn công vũ trang” để có thể kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Phi Luật Tân.
Việc Trung cộng lần này triển khai sáu tàu hải cảnh, ba tàu hải quân và các tàu dân quân biển, cho thấy đây là một chiến dịch được lên kế hoạch và chuẩn bị trước của Trung cộng. Điều này phù hợp với tuyên bố của Hải cảnh Trung cộng rằng họ đã nắm được thông tin về kế hoạch tiếp tế của Phi Luật Tân. Ngược lại, phía Phi Luật Tân, thông qua các lần phản đối của Trung cộng, nhiều khả năng cũng đã lường trước sự phản ứng hung hăng trên thực địa của tàu Trung cộng. Phía Phi Luật Tân cũng có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt trận truyền thông, khi liên tiếp cung cấp thông tin, hình ảnh và tổ chức họp báo để lên án hành vi hung hăng của Trung cộng, thông qua đó thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế.
Việt Nam cần làm gì?
Sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8 diễn ra chỉ cách bốn ngày khi một cuộc biểu tình do khoảng 50 người Phi Luật Tân tụ tập phản đối Việt Nam ngay trước cửa Đại sứ quán của nước này tại Manila vào ngày 1/8. Ngày đó cũng là ngay Ngoại trưởng Phi Luật Tân thăm Việt Nam, tiền trạm cho chuyến thăm Việt Nam đầu năm tới của Tổng thống Marcos. Cuộc biểu tình này theo nhiều chuyên gia Phi Luật Tân, là một sự dàn dựng vụng về của Bắc Kinh, nhằm tìm cách cô lập Phi Luật Tân, chia rẽ ASEAN khi Phi Luật Tân càng ngày càng ngả theo Mỹ để tránh một Trung cộng hung hăng, hiếu chiến.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn giữ im lặng đối với sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8. Tuy nhiên, Việt Nam không thể mãi im lặng trước sự kiện này. Mặc dù, Việt Nam và Phi Luật Tân cùng yêu sách Bãi Cỏ Mây, vì thế, một mặt Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ chủ quyền của mình, nhưng quan trọng hơn, Việt Nam cần phải thể hiện quan điểm của mình trước một hành vi hung hăng, hiếu chiến, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung cộng. Việt Nam phản đối hành động này của Trung cộng đối với Phi Luật Tân cũng có nghĩa là bảo vệ chính mình, vì Trung cộng đã sử dụng hành động tương tự với Việt Nam nhiều lần, và có thể sẽ tiếp tục lặp lại các hành động này với Việt Nam trong tương lai. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải tỏ rõ tinh thần đoàn kết đối với Phi Luật Tân. Nên nhớ, Phi Luật Tân là quốc gia luôn ủng hộ các lập trường, quan điểm của Việt Nam chống lại Trung cộng trên Biển Đông. Giữ được sự đoàn kết của các quốc gia ASEAN tại Biển Đông là một điều kiện quan trọng để chống lại tham vọng của Trung cộng. Ngoài ra, việc Phi Luật Tân lần này rất mạnh mẽ và hiệu quả trong việc sử dụng truyền thông và dư luận quốc tế lên án Trung cộng cũng là một bài học tốt cho Việt Nam tham khảo.
Lê Đông Hải
___________
Tham khảo:
- https://www.pna.gov.ph/articles/1207218
- https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/33091-statement-on-the-05-august-2023-incident-on-the-ayungin-shoal?utm_source=substack&utm_medium=email
- https://www.facebook.com/photo?fbid=656778036484610&set=a.219815943514157
- https://www.bworldonline.com/the-nation/2023/08/06/538024/Phi Luật Tân-accuses-china-of-blocking-firing-water-cannon-at-resupply-ship/
- https://www.state.gov/u-s-support-for-the-Phi Luật Tân-in-the-south-china-sea-5/
- https://globalnation.inquirer.net/217352/us-allies-slam-china-for-firing-water-cannons-on-ph-vessels
- https://twitter.com/germanyinphl/status/1688219576549658624?s=20
- https://twitter.com/CanEmbPH/status/1688084194302308352?s=20
- https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/202308/t20230807_11123370.html
- https://vnexpress.net/trung-quoc-va-chien-luoc-cai-bap-o-bien-dong-3033190.html
RFA (10.08.2023)
Ai sẽ giúp Việt Nam nếu bị Trung cộng uy hiếp trực tiếp trên Biển Đông?
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung cộng bám theo gần giàn khoan dầu của Trung cộng trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hôm 14/5/2024 Reuters
Hôm 5 tháng 8 năm 2023, tàu hải cảnh Trung cộng đã phun vòi rồng vào các tàu Phi Luật Tân chở hàng tiếp tế cho toán thủy quân lục chiến đồn trú trên chiếc tàu mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây. Phía Phi Luật Tân tố hành động của Trung cộng là nguy hiểm và phi pháp. Phía Trung cộng tố ngược lại là Phi Luật Tân đã vi phạm chủ quyền của Trung cộng, đã không thực hiện lời hứa trục kéo chiếc tàu mắc cạn ra khỏi bãi ngầm.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân lên án mạnh mẽ các hành động nguy hiểm của Lực lượng Hải cảnh Trung cộng và nhận được sự ủng hộ từ Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Đức và Canada. Trong một tuyên bố vào ngày 5 tháng 8 năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định nước này sát cánh cùng đồng minh Phi Luật Tân và khẳng định “một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Phi Luật Tân, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung theo điều IV Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ và Phi Luật Tân năm 1951”.
Hồi tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ đưa ra bản “Hướng dẫn phòng thủ song phương” với Phi Luật Tân, trong đó ghi cụ thể rằng các cam kết theo hiệp ước song phương sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công ở trong chính Biển Đông và kể cả khi các tàu tuần duyên bị nhắm mục tiêu.
Vụ việc vừa xảy ra tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa giữa tàu hải cảnh Trung cộng và tàu tiếp tế Phi Luật Tân làm dấy lên câu hỏi, nếu Việt Nam bị Trung cộng ức hiếp với hành động tương tự thì quốc gia nào sẽ đứng về phía Việt Nam, ủng hộ Việt Nam chống lại Trung cộng?
Nếu Việt Nam có quan hệ đồng minh với một nước nào đó thì chắc chắn lúc đó họ mới giúp Việt Nam bằng cách can thiệp trực tiếp bằng quân sự. Hiện Việt Nam không có quan hệ đồng minh với ai cả. – Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nêu nhận định của ông với RFA:
“Nếu xảy ra với Việt Nam thì Liên Hiệp Quốc và một số nước bạn bè như Nhật Bản hay Liên Minh Châu Âu sẽ can thiệp bằng cách lên tiếng. Trong ASEAN thì có thể có Phi Luật Tân, Indonesia, nhiều lắm là có thêm Malaysia. Còn những nước khác trong ASEAN sẽ không lên tiếng, ví dụ như Campuchia, Lào hay Singapore. Mỹ cũng sẽ lên tiếng nhưng Việt Nam và Mỹ chưa phải là đồng minh cho nên phản ứng của Mỹ chỉ trong giới hạn nào đó hết mức của pháp lý quốc tế cho phép mà thôi.
Nếu Việt Nam có quan hệ đồng minh với một nước nào đó thì chắc chắn lúc đó họ mới giúp Việt Nam bằng cách can thiệp trực tiếp bằng quân sự. Hiện Việt Nam không có quan hệ đồng minh với ai cả.
Nếu Trung cộng xâm lược Việt Nam chắc chắn sẽ có những nước gần đấy ủng hộ Việt Nam. Thậm chí họ sẽ có những sự giúp sức trực tiếp bằng quân sự. Nước đó có thể là Nhật Bản. Mà khi Nhật Bản giúp Việt Nam đánh kẻ xâm lược, mà kẻ xâm lược đó đánh Nhật Bản thì họ lọt bẫy đồng minh giữa Nhật và Mỹ.”
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông:
“Có một điều đặc biệt là Mỹ lên tiếng rất mạnh mẽ, các nước Phương Tây cũng ủng hộ Phi Luật Tân nhưng ASEAN chưa lên tiếng chính thức về hành động của Trung cộng. Điều đó gây ngạc nhiên cho giới quan sát trên thế giới. Nếu như Việt Nam bị Trung cộng có hành động giống như với Phi Luật Tân vừa qua thì liệu có ai lên tiếng ủng hộ Việt Nam hay không?
Nên nhớ rằng, Việt Nam nhiều lần tố cáo Trung cộng xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông thì Mỹ và các nước phương Tây đều kêu gọi Trung cộng tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, nhưng không ai lên tiếng bảo vệ hay ủng hộ chủ quyền của Việt Nam. Họ quan niệm rằng, vấn đề chủ quyền của Việt Nam với Trung cộng hay với các nước khác cần đem ra tòa án quốc tế để giải quyết.”
Tàu hải cảnh Trung cộng sử dụng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế của Phi Luật Tân ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 5/8/2023. Reuters
Bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Phi Luật Tân 105 hải lý, nằm ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền toàn bộ. Phi Luật Tân tuyên bố bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Trung cộng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trái phép hầu hết Biển Đông thông qua yêu sách đường chín đoạn và nói bãi Cỏ Mây là một phần lãnh thổ Trung cộng.
Trong năm 2020, ngoài một vài quốc gia ASEAN gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối chủ quyền phi pháp của Trung cộng ở Biển Đông, một số các quốc gia Phương Tây cũng có những động thái tương tự.
Đầu tháng 6 năm 2020, Hoa Kỳ gửi một công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung cộng tại Biển Đông với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982. Úc hôm 23 tháng 7 năm 2020 cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Trung cộng trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 và thể hiện lập trường ủng hộ Mỹ.
Giữa tháng 9 năm 2020, Pháp, Đức và Anh đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một công hàm chung bác bỏ “các quyền lịch sử” của Trung cộng ở Biển Đông, lập luận rằng những quyền này không phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Đây là một cơ hội thuận tiện, bây giờ hoặc không bao giờ, Việt Nam phải nâng cấp quan hệ với Mỹ để tìm chỗ đứng bảo vệ an ninh cho mình. Tôi thấy rằng, không phải Nhà nước Việt Nam chủ trương theo Mỹ, dựa vào Mỹ hay liên kết với Mỹ để chống lại Trung cộng, hay chống lại bất cứ nước nào trên thế giới. Mà Việt Nam đang thấy quyền lợi song trùng giữa Mỹ và Việt Nam. – Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc
Về việc nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ, hôm 29 tháng 7 năm 2023, Reuters đã dẫn nguyên văn lời Tổng thống Biden rằng: “Tôi nhận được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, hết sức mong muốn gặp tôi khi tôi đến dự hội nghị thượng đỉnh G20. Vị này muốn nâng quan hệ với chúng tôi lên làm một đối tác quan trọng, cùng với Nga và Trung cộng”.
Hội nghị thượng đỉnh khối các nước G20 sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2023 tại Ấn Độ.
Mới đây hôm 9 tháng 8 năm 2023, tại một buổi gây quỹ cho Đảng Dân Chủ ở tiểu bang New Mexico, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông sẽ sớm đến thăm Việt Nam vì Việt Nam muốn nâng tầm quan hệ và trở thành một đối tác lớn với Hoa Kỳ.
Nhận định về việc này, Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nói với RFA:
“Đây là một cơ hội thuận tiện, bây giờ hoặc không bao giờ, Việt Nam phải nâng cấp quan hệ với Mỹ để tìm chỗ đứng bảo vệ an ninh cho mình. Tôi thấy rằng, không phải Nhà nước Việt Nam chủ trương theo Mỹ, dựa vào Mỹ hay liên kết với Mỹ để chống lại Trung cộng, hay chống lại bất cứ nước nào trên thế giới. Mà Việt Nam đang thấy quyền lợi song trùng giữa Mỹ và Việt Nam.
Mỹ có quyền lợi ở vùng Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương để triển khai Ấn Độ Dương Thái Bình Dương rộng mở. Việt Nam thì có nhu cầu bảo vệ an ninh của mình trước sức ép của Trung cộng.
Tôi thấy rằng, cái mà Việt Nam cần làm là cái quan hệ với Mỹ trong tháng 9 này như thông tin Tổng Thống Mỹ Biden tuyên bố. Và đó cũng là mong muốn của bao người dân Việt Nam.”
Hồi tháng 4 năm 2023, tại một cuộc gặp ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ để cùng các đối tác của Hoa Kỳ ở Châu Á đoàn kết chống lại một Trung cộng ngày càng quyết đoán ở Biển Đông.
Mong muốn cam kết và một hiệp ước phòng thủ chung như của Phi Luật Tân và Hoa Kỳ là một cách biệt khá lớn.
RFA (10.08.2023)
Tranh cãi về tàu chiến giữa Trung cộng và Phi Luật Tân nóng lên
NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS
Trung cộng lại một lần nữa yêu cầu Phi Luật Tân kéo một tàu chiến – một tàu thủy từ thời thế chiến thứ hai hiện được sử dụng làm một tiền đồn quân sự – từ một bãi cạn tranh chấp, vào thứ Ba, sau khi Minila từ chối yêu cầu trước đó của Bắc Kinh, theo Reuters.
Căng thẳng dâng cao giữa hai nước láng giềng về các vấn đề trên Biển Đông dưới thời tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr, khi Manila xoay trục về phía Mỹ – nước ủng hộ quốc gia Đông Nam Á này trong các tranh chấp hàng hải với Trung cộng.
Đại sứ quán Trung cộng tại Manila chỉ trích Washington về việc nhóm họp các đồng minh để tiếp tục thổi phồng các vấn đề về Biển Đông và vụ việc con tàu chiến.
“Biển Đông không phải là một ‘vườn thú’ cho các nước bên ngoài khu vực đùa nghịch và reo rắc bất hòa,” đại sứ quán Mỹ cho hay trong một tuyên bố hôm thứ Ba.
Bãi cạn Thomas thứ hai, nằm giữa vùng đặc quyền kinh tế Phi Luật Tân, là nơi sinh sống của một số ít quân nhân trên tàu chiến cũ Sierra Madre. Manila chủ ý neo đậu tàu này năm 1999 để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình.
Manila liên tục cáo buộc cảnh sát biển Trung cộng chặn đường các tàu tiếp tế cho quân đội của mình tại đây, như vào hôm 5/8 khi tàu Trung cộng phun vòi rồng vào một tàu của Phi Luật Tân.
Trung cộng kiên quyết rằng việc Philippine chiếm bãi cạn là bất hợp pháp.
Quân đội Phi Luật Tân mô tả các hành động của cảnh sát biển Trung cộng hôm thứ Bảy là ‘quá đáng và xúc phạm’. Trung cộng nói rằng vụ việc này là một ‘lời cảnh báo’ và rằng họ luôn thực hiện ‘sự kiềm chế hợp lý’.
Bộ Quốc phòng Trung cộng hôm thứ Bảy đã thúc giục Manila dừng lại mọi hành động ‘khiêu khích’, và thề sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải.
Kiểm soát
Cac chuyên gia về quốc phòng nói rằng các hành động của Trung cộng xung quanh rặng san hô cho thấy một điều – Bắc Kinh muốn kiểm soát Bãi cạn Thomas thứ hai, hay còn được biết đến ở Trung cộng dưới cái tên Renai Reef, hay Ayungin ở Manila.
“Chúng ta cần tái thiết lập kiểm soát vùng biển quanh bãi cạn bởi vì nếu chúng ta không kiểm soát nó, tàu tiếp tế của chúng ta rất dễ bị tổn thương trước các chiến thuật cưỡng ép của họ,” Rommel Ong, một chuyên gia về hàng hải và phó chỉ huy đã nghỉ hưu của Hải quân Phi Luật Tân, nói.
Trung cộng khẳng định chủ quyền hầu hết Biển Đông, chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Việt Nam, Brunei, Đài Loan và Phi Luật Tân.
Cả ông Ong và Collin Koh, một nhà nghiên cứu an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore tin rằng Trung cộng sẽ cân nhắc cẩn thận về việc sử dụng vũ lực hoàn toàn để chiếm bãi cạn vì sợ rằng nó sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Phi Luật Tân năm 1951.
“Có thể không có câu hỏi nào về việc liệu Trung cộng có đủ phương tiện để nâng cao vị thế ở đây hay không, nhưng sẽ có những câu hỏi về sự sẵn sàng của họ đối với các nguy cơ chính trị này,” ông Koh nói.
Jonathan Malaya, trợ lý tổng giám đốc của Hội đồng An ninh Quốc gia Phi Luật Tân, thúc giục Trung cộng ‘không leo thang vấn đề’ và đặt tính mạng con người và nguy hiểm.
Pháp và Nhật, thông qua đại sứ quán của họ ở Manila, bày tỏ quan ngại về các hành động gần đây của Trung cộng và nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 phủ nhận các yêu sách bành trương của Trung cộng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Gilbert Teodoro hôm thứ Ba, bàn về liên minh giữa hai nước, theo Lầu Năm Góc.
BBC (09.08.2023)
Tranh chấp Biển Đông leo thang, Phi Luật Tân bác yêu cầu của Trung cộng về việc di dời tàu chiến mắc cạn
Chiến hạm Phi Luật Tân BRP Sierra Madre của Phillippines ‘mắc cạn’ tại Bãi Cỏ Mây thuộc Quần đảo Trường Sa ở Biển Đông đang tranh chấp, nơi lực lượng thủy quân lục chiến nước này đóng quân để khẳng định yêu sách lãnh thổ của Manila. Ảnh chụp hôm 23/4/2023. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Phi Luật Tân đã phủ nhận việc đưa ra bất kỳ ‘lời hứa’ nào với Trung cộng về việc di dời một tàu chiến mắc cạn từ thời Thế chiến II ra khỏi một bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông, nơi mà Manila coi là căn cứ quân sự để khẳng định chủ quyền của mình.
Hôm 5/8, Phi Luật Tân đã cáo buộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung cộng thực hiện các thao tác nguy hiểm và phun vòi rồng vào một tàu tiếp tế (chở thực phẩm, nước, nhiên liệu và vật phẩm tiếp tế) cho quân nhân nước này trên chiến hạm BRP Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1999, hải quân Phi Luật Tân cho ủi tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre lên bãi Cỏ Mây, biến nó thành một tiền đồn để duy trì hiện diện trái phép ở khu vực.
Hiện tại, con tàu được coi là một biểu tượng mong manh cho tuyên bố chủ quyền của Manila đối với đảo san hô. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn và gọi nó là Nhân Ái Tiêu (Ren’ai Jiao).
Bộ Ngoại giao Trung cộng đã biện minh cho hành động của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này và nói rằng Phi Luật Tân đã “hứa hẹn rõ ràng nhiều lần” về việc di dời tàu BRP Sierra Madre ra khỏi bãi cạn tranh chấp nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Tuy nhiên, Trợ lý tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Phi Luật Tân, Jonathan Malaya, đã bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh, nói rằng “không có hồ sơ hay biên bản cuộc gặp, báo cáo chính thức, văn bản pháp lý hay thỏa thuận miệng” giữa hai nước về việc di dời con tàu.
“Sẽ rất khó để chúng tôi trả lời một câu hỏi giả định từ Trung cộng bởi vì chúng tôi có liên quan, chúng tôi chưa và sẽ không bao giờ ký hoặc đồng ý với bất kỳ điều gì nhằm từ bỏ quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi. trên Biển Tây Phi Luật Tân”, ông nói với các phóng viên.
“Tôi cho rằng chúng tôi có thể coi đây là một sự tưởng tượng hư cấu của Đại sứ Trung cộng vì chúng tôi không biết gì về điều đó”, ông Malaya nói thêm, theo hãng tin Manila Bulletin.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân (PCG) Jay Tarriela đã lặp lại quan điểm của mình, nói rằng ông không thể nhớ chính phủ Phi Luật Tân có đưa ra bất kỳ cam kết nào với Trung cộng về việc di dời con tàu.
Mỹ, Canada, Nhật Bản lên án hành động của Trung cộng
Hoa Kỳ đã nhanh chóng tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Phi Luật Tân và nhắc lại cam kết bảo vệ đối tác hiệp ước lâu năm của mình khi các tàu công vụ và binh sĩ Phi Luật Tân bị tấn công, đặc biệt là ở Biển Đông.
“Bằng cách phun vòi rồng và tham gia vào các thao tác đánh chặn nguy hiểm, các tàu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã can thiệp vào việc Phi Luật Tân thực hiện hợp pháp quyền tự do hàng hải trên biển và gây nguy hiểm cho sự an toàn của các tàu và thủy thủ đoàn của Phi Luật Tân”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Theo Đại sứ quán Canada, “các hành động đe dọa và cưỡng ép liên tục” của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng đã làm suy yếu an ninh khu vực và “gia tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm nghiêm trọng”.
Về phần mình, Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Phi Luật Tân, cho rằng “hành động quấy rối và vi phạm các hoạt động hàng hải hợp pháp và gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải” là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ngày 7/8, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr triệu tập một hội nghị, cam kết nước ông sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền trên Biển Đông trước “tất cả những thách thức này” và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cuộc đối đầu căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây hôm 5/8 là đợt bùng phát mới nhất trong các tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Trung cộng, Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei.
Căng thẳng leo thang ở Biển Đông
Tranh chấp ở Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, từ lâu được coi là điểm nóng ở châu Á và là đường đứt gãy mong manh trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung cộng trong khu vực.
Bất chấp các phán quyết quốc tế về việc vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Bắc Kinh, chẳng hạn như phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực, một cơ quan quốc tế có trụ sở tại The Hague; chính quyền Đảng Cộng sản Trung cộng vẫn tuyên bố quyền sở hữu đối với toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này.
Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình theo cái gọi là “đường chín đoạn”, bất chấp các yêu sách cạnh tranh từ các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei.
Năm 2016, Tòa án La Haye ra phán quyết ủng hộ hành động pháp lý của Phi Luật Tân. Tuy nhiên, phán quyết có tác động nhỏ đến các động thái của ĐCSTC, tiêu biểu là việc các tàu Trung cộng thường xuyên xâm phạm các vùng biển của Phi Luật Tân.
Trước đó, Trung cộng được cho là đã chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào một tàu của Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, tàu của Phi Luật Tân đang hỗ trợ nhiệm vụ tiếp tế cho hải quân nước này tại Bãi Cỏ Mây.
Vụ việc diễn ra vào ngày 6/2, khi chiếc tàu BRP Malapascua của Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân đang hỗ trợ hải quân nước này vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm tới một tiền đồn quân sự trên Bãi Cỏ Mây xa xôi thuộc Quần đảo Trường Sa.
Khi tàu cách Bãi Cỏ Mây 10 hải lý (khoảng 20 km) thì một tàu Hải cảnh Trung cộng mang số hiệu 5205 bất ngờ chiếu tia laser 2 lần, gây “mù tạm thời” (trong khoảng 10 – 15 giây) với thủy thủ đoàn đang làm nhiệm vụ trên tàu, các quan chức Manila cho biết.
Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung cộng, Đài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia và Brunei.
Phản ứng trước sự việc này, hôm 13/2 Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích các hành động của Bắc Kinh và gọi các hành động này là “khiêu khích và không an toàn”.
NTDVN (09.08.2023)